C
ái máy giặt trong nhà bị hư, thợ sửa xong thì mang đến giao khi chỉ có mình anh ở nhà. Anh nhận lại máy, trả tiền công đầy đủ rồi không biết nghe ông thợ chèo kéo thế nào, lại bỏ ra mấy triệu nữa để mua thêm một cái máy giặt mới. Buổi chiều chị về, ngạc nhiên thấy máy giặt cũ đã hoạt động trở lại, mà trong nhà lại chình ình một cái mới nữa. Cơn giận từ nhiều hôm trước chưa nguôi, cộng thêm chuyện tốn tiếp một khoản tiền, chị nhấm nhẳng cằn nhằn, chị đòi nghe một lý do chính đáng. Cuối cùng thì anh nói toẹt ra luôn: “Thì muốn có hai cái trong nhà vậy đó, có gì dễ chia!”.
Chị đứng hình. Chìm trong hỗn loạn nội tâm. Nghe như có một điều gì đang xé nát. Nhưng chị không thể thổi bùng thêm nữa, bởi chị biết rồi sẽ đau, chính mình đau thêm chứ không giải quyết được gì.
Có gì dễ chia! Có gì là có gì? Từ bao lâu rồi trong đầu anh đã xuất hiện ý nghĩ “có gì”?
Con thuyền hôn nhân đâu phải lúc nào cũng lặng gió, đâu phải lúc nào cũng trăng thanh gió mát để cả hai nằm vu vơ ngâm thơ. Chị hiểu điều này nên nhiều khi cãi nhau xong, lại len lén làm lành với anh bằng một vòng ôm hay là một món ăn mà anh yêu thích. Rồi thì cũng qua, con thuyền vẫn bình thản trôi. Những va chạm chỉ như là củi khô va vào mạn gỗ, chỉ khiến trầy trụa bong ra những rong rêu một chút, rồi thôi.
Nhưng mà lần này, anh thật dễ dàng bỏ ra một số tiền không phải nhỏ, sắm thêm một cái máy giặt với lý do ngắn gọn là “có gì dễ chia”. Chỉ bốn chữ gọn gàng, ai cũng hiểu. Nhưng với chị, nó đích thị là một nhát rìu, thẳng xuống đáy thuyền. Và nước đã bắt đầu dâng lên.
Nhát rìu thứ hai, mang hình một cái tivi.
Chị nhớ hồi mới cưới, hai vợ chồng được anh trai chị cho một chiếc tivi cũ. Nhà nghèo chưa sắm nổi một cái tủ kệ gì cho đúng điệu. Chị phủ vải lên cái rương gỗ, rồi đặt tivi lên. Tối tối, hai đứa trải chiếu ra sàn, nằm đắp mền xem chung một chương trình. Chị coi phim Hàn, anh cũng coi phim Hàn, dù miệng cứ lảm nhảm chửi mấy anh chàng ẻo lả mà bà nào cũng mê. Tới mùa bóng đá, cả hai không ngủ trong phòng mà ôm mền gối ra trước tivi đóng đô. Chị không biết banh bóng là gì, nghe ào ào mà không có hiểu. Nhưng cũng phải nằm với anh mới ngủ được. Anh cũng vậy, chị có coi hay không không nhất thiết, nhưng anh xem tivi mà không có chị kế bên thì thiếu vắng rất khó chịu.
Rồi chiếc tivi già nua ấy qua đời, tivi mới có một cái kệ tủ tương xứng. Chuyện vợ chồng nằm dưới sàn xem chung một chương trình thưa dần. Vì anh không thích phim Hàn, anh không thích truyền hình thực tế, anh không thích “Next top” hay “Idol”. Anh bỏ vào phòng ôm điện thoại lên mạng là nhà yên. Hoặc ngược lại, mùa banh bóng, mùa tennis hay phim “Tam quốc” thì chị ôm iPad với thế giới của riêng mình ở phòng ngủ, nhà cũng yên.
Lần này, anh không dùng câu “có gì dễ chia” nữa khi lẳng lặng ôm về một cái tivi khác. Anh treo nó lên tường trong phòng ngủ. “Rồi, ai thích coi gì thì coi, khỏi giành”.
Chị cảm nhận một nỗi buồn rạn vỡ rã rời. Đây là nhát rìu thứ hai hay do mình nhạy cảm quá mà đau thế này. Nhưng chắc chắn, con thuyền đã nặng nề hơn nữa. Nước theo những vết rìu chém tràn vào. Nước giúp cho con thuyền hôn nhân nổi lên, nhưng chính nước, cũng sẽ khiến con thuyền chìm, theo đường dẫn của những vết rìu chém.
Tình cờ đọc báo mạng, chị được biết vào giữa năm 2016 ở Hà Lan, người ta đang cho thử nghiệm tính thân thiện của một ngôi nhà đặc biệt để đến năm 2017, họ sẽ nhận đơn hàng đầu tiên. Ngôi nhà ấy, dành cho những cặp vợ chồng hay tính chuyện “có gì dễ chia”.
Ngôi nhà này, là một ngôi nhà nổi trên nước (dành cho xứ Amsterdam nổi tiếng có nhiều dòng kênh và những ngôi nhà trên mặt nước), nó gồm hai khối độc lập được kết nối với nhau. Khi quan hệ của hai người không còn tốt đẹp nữa, ngôi nhà có thể tách rời ra và tự nổi một mình.
Ý tưởng này quả không tệ chút nào. Chính tình yêu hoặc cụ thể là một tờ giấy kết hôn, sẽ gắn kết hai con người, cũng chính là hai nửa của ngôi nhà lại. Khi không còn tình yêu, tờ hôn thú đã xé, họ - ngôi nhà sẽ tách rời nhau ra, trở thành một đơn vị độc lập.
Cha đẻ của ý tưởng này còn mơ mộng: “Và sẽ thật tuyệt vời khi một ngày nào đó, đôi bên lại yêu thương nhau và ngôi nhà sẽ được hàn gắn”. Chị cười hắt, được không? Chuyện tái hợp có đơn giản như là tháo những mối liên kết bằng ốc vít khi quyết định tách rời nhau?
Chị không biết, không thể biết nhưng dù sao, ý tưởng này vẫn nhân văn ở chỗ, dẫu có tách rời nhau ra, thì một nửa ấy, vẫn nổi. Chứ không chìm, như con thuyền bị những vết rìu.
Đúng là trong hội ngộ đã có mầm mống của chia ly. Và người ta sẽ kinh doanh bằng nguyên lý triết học ấy. Ai lo xa, ai không tin tưởng vào tình yêu của mình, ai đã từng nghĩ ngợi khi mua sắm để “có gì dễ chia” thì hãy mua một căn nhà từ ý tưởng của ông Omar Kbiri!
Đọc xong bài, chị bần thần, có nên cho anh biết về ngôi nhà này không nhỉ?