1
Bạn là một kiến trúc sư giỏi, nhận được hợp đồng thiết kế biệt thự qua một công ty trung gian. Chủ đầu tư là đại gia, muốn xây một ngôi nhà để an tĩnh sau khi lùi về hậu trường, tiền bạc không thành vấn đề. Bạn thở phào, thiết kế sao cho đẹp mà chi phí thấp mới khó, chứ có tiền “đổ bê tông” rồi, lần này, bạn bay cho thiên hạ lé mắt chơi!
Công ty theo dõi hợp đồng và theo bạn suốt quá trình thiết kế, mọi thứ đều ổn với những trao đổi cơ bản. Ngày bạn làm bản phối cảnh cuối cùng, đặt vài dáng người qua lại trong nhà cho thiết kế trở nên sinh động thì mẹ bạn tới chơi. Bạn vui miệng hỏi mẹ muốn ngồi đâu trong biệt thự này, mẹ muốn ngồi đâu con cho ngồi đó! Bản phối cảnh này thường là bản yêu thích nhất của những anh chàng làm kỹ thuật mà máu có pha màu nghệ sĩ. Theo lời mẹ, bạn đã cho một bà già ngồi dưới tán cây sứ cùi trên bộ bàn ghế đá, cạnh hồ cá, cạnh con chó vàng…, thanh bình và cô độc như những gì bạn vẫn nghĩ về tuổi già theo lối thông thường. Và bạn cũng không thể ngờ rằng, vì cái dáng lẻ loi chết người của bà già trong phối cảnh kia mà công ty đại diện phải năn nỉ, thuyết phục gãy lưỡi ông chủ đại gia mới chấp nhận tiếp tục hành trình bởi theo ông, nhà chưa xây đã thấy già nua lụm cụm, biết là phối cảnh “cho vui” thì sao không cho một em chân dài mặc xà lỏn áo hai dây ngồi xích đu cho nó mát!
Thôi thì khách muốn sao mình chiều vậy. Chân dài xích đu cũng dễ mà, chỉ là những biểu tượng thôi chứ có phải thật đâu; có cả một thư viện để chọn lựa, từ piano đến luống hoa tulip, từ chó berger đến cái long sàng. Nhưng mà, tự nhiên bạn buồn quá. Bạn không biết phải để bà già ngồi đâu nữa. Cú bấm chuột bỏ bà già vô thùng rác coi vậy mà khiến tâm can bạn xốn xang quá đỗi.
2
Phụ nữ, với chức phận truyền thống, hay được xây dựng hình ảnh dịu dàng trong bếp. Nhà trai, trong ngày đến xem mắt cô dâu, chắc chắn sẽ được nhìn thấy cảnh cô dâu e lệ vén màn bưng lên từ bếp một khay trà tiếp khách, việc mà thường ngày, nàng dâu ấy có thích làm hay không thì đố ai biết được. Ở phía ngược lại, khi phác thảo ngôi nhà mơ ước để “dụ dỗ” một cô gái về làm vợ mình, lắm anh hứa hẹn xây cho vợ một cái bếp thiệt là hoành tráng để nàng trổ tài nấu nướng mà không để ý rằng thực ra, nàng chỉ thích ăn tiệm và shopping mà thôi.
Phụ nữ hay ở trong bếp nhưng điều đó không hề nói lên rằng phụ nữ luôn yêu thích bếp. Bây giờ nhà hiện đại mọc nhiều, nhưng bếp đẹp bếp sang lại không dành cho vợ, cho mẹ. Bếp ấy, đa phần là chỗ của osin. Dù yêu hay không yêu thì chỗ của người phụ nữ bây giờ không còn ít ỏi trong vài bối cảnh như chợ đông (để trai khôn tìm vợ), vườn rau hay bếp núc nữa. Phụ nữ đã có mặt ở nhiều nơi, nhưng thích hay không là chuyện hoàn toàn khác, từ gầy gò bán vé số trên mọi nẻo đường đến cả nuột nà ưỡn dài trên giường nệm.
Tha nhân có thể đặt người phụ nữ vào chiếc ghế chủ quan trong đầu họ, chứ chỗ ngồi thật sự của nàng, chỉ nàng biết mà thôi. Bà tôi khi còn minh mẫn vẫn hay nói rằng, ông mày chắc gì ngồi trên bàn thờ, biết đâu giờ này ổng đang cưa bào gì đó ngoài xưởng gỗ không chừng.
Ông tôi yêu công việc thợ mộc của mình, dù có đổ mồ hôi thì mỗi chi tiết chạm trổ của ông đều chất chứa đam mê khó tả. Thậm chí một lần vui miệng, ông còn dặn ba tôi sau này ông có mất, lập bàn thờ ở xưởng gỗ cũng được, ông thích mùi gỗ hơn mùi nhang. Nhưng với bà, là một cảm xúc khác. Bà tôi suốt đời là thợ may, ba tôi, cô bác tôi vẫn quen với hình ảnh của bà ngồi nhìn ra cửa sổ nhưng bà nói bà ghét cái khung cửa đó. Chuyện mưu sinh để kiếm cái ăn cho con cái buộc chân bà tôi ngồi đó, chứ chỗ của bà, “bí mật nha, bà thích nhất là nằm trong buồng đọc truyện Tàu!”. Chuyện này quả là phải “bí mật” vì bà tôi sinh năm 1917, việc đàn bà con gái biết chữ đã hiếm, lại còn chỉ muốn nằm trong buồng đọc sách thì đúng là phải giấu kín để khỏi bị những định kiến cũ kỹ e dè cười cợt. Sau này, càng chiêm nghiệm lời bà, tôi càng thấm thía, rằng chỗ của một người phụ nữ không thể tính bằng thời lượng họ ngồi nơi đó. Chỗ của một người phụ nữ phải là nơi mà khi ở đó, từng phút giây trôi qua trong tâm khảm họ, là nhẹ nhàng!
3
Mẹ bạn kiến trúc sư trên là một dạng phụ nữ nội trợ điển hình. Nghĩ về mẹ, bạn tin là không riêng gì mình, mà cả bốn anh em nhà bạn đều chỉ thấy dáng mẹ lui cui trong bếp. Mẹ trong bếp củi từ thời bao cấp, thời tóc mẹ còn xanh, nắng xuyên qua vách nứa đậu trên vai mẹ như những đứa con hồn nhiên của bà. Lũ con bà gần bằng tuổi nhau chỉ biết học biết chơi và suốt ngày kêu đói. Trưa đói, xế đói, mùa thi, 9 giờ đêm đã bắt đầu kêu đói. Mà bạn nghiệm ra rằng, bất cứ khi nào, hễ nghe con kêu đói là mẹ bạn lại lui cui vào bếp, năm mười phút sau là đám con bà đã hí hửng có cái mà ăn. Không giàu có hơn ai, cái ăn của anh em nhà bạn nhiều khi cũng chỉ là củ khoai củ sắn, một chén cơm chiên hoặc một chén chè đậu xanh… Đám con của mẹ rồi cũng trưởng thành với hành trang là hình ảnh mẹ mình trong một gian bếp ấm.
Bạn không biết thực sự mẹ có thích cái gian bếp ấy không, bạn chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Cho đến khi bạn vẽ căn nhà kia, hỏi mẹ muốn ngồi đâu trong ngôi biệt thự có gian bếp cực kỳ hiện đại, thì bạn mới vỡ ra rằng, thực ra, mẹ không hề thích ngồi trong bếp. Chỗ mẹ chọn, là ngoài sân. Nhà bạn ngoài đời thực cũng tàn cây (cây trứng cá do ba bạn trồng), cũng chó vàng (con chó này ở với nhà bạn 15 năm thì chết vì già), cũng bàn ghế đá… nhưng sở dĩ lũ con của bà ít khi nào kết nối được hình ảnh này vì khi chúng thức dậy thì “phân cảnh” này đã “đóng máy”. Cái góc ấy, từ 5 giờ sáng, khi mẹ bạn thức dậy lẹt quẹt quét sân thì cũng là lúc ba bạn đun nước pha cà phê rồi thì hai người thảnh thơi “giao ban” trước một ngày dài dành cho phận sự. Đấy là thời khoảng của sự khắng khít, của những giao cảm ngọt ngào. Giờ thì ba bạn không còn. Mỗi sáng như một thói quen, bà vẫn ngồi đó một mình, như một nghi thức đầu ngày, như để nạp năng lượng.
Góc riêng của mỗi người, suy cho cùng, như một trạm tiếp nhiên liệu, đường thì dài và dài… Giờ đây, bạn thấy thấm thía hơn và có phần bối rối, ủa, vậy chỗ của mình đâu ta!