"Sái Châu?!”
Kim Kiền cố sức ngửa cổ, từ phiến đá xanh rêu to lớn treo trên cổng thành đọc ra được hai chữ ấy.
Sái Sái Sái, Sái Châu? Cháo rau1?
Kim Kiền há hốc miệng, choáng toàn tập.
Vận dụng khinh công vừa luyện thành không lâu, trên luồn dưới lách, thoăn thoắt chẳng khác gì loài khỉ lông vàng, quốc bảo của Trung Quốc, chạy mất bảy tám ngày đường,
1 Nguyên văn: Sái Châu (蔡州),Thái chúc (菜粥) tức cháo rau đồng âm đều phát âm là cai zhou, nên Kim Kiền đọc lái luôn thành cháo rau.
Kim Kiền mới tới được một nơi có vẻ như là thành trấn. Có điều vừa nhìn thấy tên thành, Kim Kiền chỉ có thể tiếp tục trợn tròn mắt.
Mặc dù bản thân chẳng phải học sinh giỏi gì cho cam, nhưng dù sao cũng đã tiếp nhận đầy đủ chín năm giáo dục phổ cập. Chỉ có điều sách giáo khoa Địa lý ghi cái gì mà “Trung Quốc đất rộng vật nhiều, có diện tích lên đến 960.000 km², với năm mươi sáu dân tộc”, lời giải thích hiển nhiên là “rõ ràng” quá mức cần thiết. Thế nên đối với cái người mù đường cổ đại, địa danh duy nhất biết đến là “Trường An” mà nói, muốn phán đoán hiện trạng địa lý trước mắt mình đương nhiên là một thao tác đòi hỏi trình độ kỹ thuật quá cao, quá khó khăn.
Sửa sang lại tay nải trên lưng, Kim Kiền kiên quyết bước tới cổng thành.
Bối cảnh thường thấy trong các phim cổ trang thoắt cái hiện ra dưới dạng lập thể trước mắt Kim Kiền.
Đường phố thẳng tắp, cửa hàng hai bên đường san sát, biển hiệu của các cửa hàng viết trên những tấm vải bố đủ mọi màu sắc khác nhau, tung bay phất phới ngay sát đường, rất náo nhiệt, tấp nập. Người trên phố đông đúc, nam, nữ, lớn, bé, trẻ già đều có, hầu hết đều mặc quần áo thông thường, thiên về màu sẫm, nhưng chí ít so với Kim Kiền thì họ còn ăn mặc sạch sẽ, đẹp đẽ chán.
Kim Kiền vừa đi vừa quan sát xung quanh, trong lòng thầm đoán bối cảnh trước mắt là thời đại nào.
Đầu tiên, đương nhiên không phải là triều Thanh rồi: nam tử trên phố đều búi tóc, chẳng có ai là cạo nửa đầu cả. Tiếp theo, cũng không phải triều Đường: nhìn cổ áo của mấy nữ tử kia đều rất kín đáo, đến nửa ngọn gió cũng chẳng xuyên qua nổi. Kim Kiền nhớ từng nghe nói triều Đường là triều đại có trang phục thời trang thời thượng nhất từ trước tới giờ, đại đa số phụ nữ đều cho rằng phô ngực lộ lưng mới là đẹp. Cuối cùng Kim Kiền rút ra kết luận, đây chỉ có thể nằm trong các triều: Tống, Nguyên, Minh còn lại mà thôi nhưng đem kiến thức lịch sử đáng thương của Kim Kiền ra để mà phán đoán thì quả thực vô phương.
Thời điểm này phải có tinh thần ham học, không ngại hỏi người kém hơn mình.
Nghĩ vậy, Kim Kiền hạ quyết tâm, ngăn một vị đại thúc có dáng vẻ tương đối thân thiện dễ nói chuyện lại.
“Đại thúc, ta muốn hỏi hiện tại là thời nào vậy?”
Vị đại thúc này không biết mặc quần áo bằng loại vải cao cấp gì, nhưng vừa nhìn thấy tay Kim Kiền liền lùi ra sau tránh, sau đó mới nói: “Cũng sắp đến giờ tỵ rồi1“. Tử thi2?
1 Từ thời cũng có nghĩa là giờ, vị đại thúc này hiểu nhầm Kim Kiền hỏi giờ nên mới trả lời như thế. Giờ tỵ: khoảng từ 9h - 11h.
2 Giờ tỵ (巳时) và tử thi (死尸) phát âm giống nhau, đều là “si shi” vì thế
Kim Kiền mới hiểu nhầm ý.
Còn không đợi Kim Kiền trưng bộ mặt choáng váng ra, vị đại thúc kia đã ba chân bốn cẳng chuồn đi rồi.
“Này...” Nửa câu sau nghẹn lại trong cổ họng Kim Kiền, chẳng thể thốt ra. Nhìn dáng vẻ vị đại thúc nọ cứ như Kim Kiền đem theo thứ ôn dịch gì đó vậy.
Cúi đầu xem lại dáng vẻ mình, Kim Kiền không khỏi cười khổ.
Nghĩ không ra bản thân đường đường là một người đến từ tương lai, bây giờ lại có dáng vẻ của dã nhân thế này. Chẳng trách vị đại thúc ấy lại tránh như tránh tà thế kia, hơn một năm ở cái nơi rừng rú hoang vu kia, chẳng mấy khi có nước để tắm rửa, bây giờ cả người dơ dáy tỏa ra từng đợt mùi hương “thơm lừng”. Hơn nữa mấy ngày nay vội đi đường, càng khiến cho Kim Kiền mặt mũi phờ phạc, cả người chỉ còn da bọc xương, trông chả khác gì dân chạy nạn châu Phi... Nói thực, không tưởng nhầm Kim Kiền là đệ tử cái bang đã tốt lắm rồi.
Lại nghĩ đến vấn đề vừa nãy, có vẻ mình hỏi không được phù hợp cho lắm.
Câu trả lời của vị đại thúc kia dường như, có lẽ, chắc là chỉ thời gian hiện tại... giờ tỵ. Kim Kiền bấm đốt ngón tay tính toán, vậy thì cũng sắp mười một giờ rồi, chẳng trách bụng mình có xu hướng thi triển kế “vườn không nhà trống” thế này... May là ngày trước ông bố già đã bắt mình học thuộc biểu đồ mười hai con giáp nên mới biết cách quy đổi thời gian, bằng không bây giờ chắc chắn sẽ bị coi là đứa đần, đến cả tính giờ cũng không biết...
Có điều là mình nên hỏi thế nào đây?
Lão huynh, phiền huynh, xin hỏi hiện tại là năm nào? Kim Kiền cũng không cho rằng người ở thời đại này lại có thể đưa ra được một câu trả lời mang đầy tính học thuật như: Hiện tại là năm 2007 sau Công nguyên.
Khoan đã, có thể hỏi người đứng đầu thời đại này là ai mà. Chưa biết chừng còn có thể nghe thấy danh hiệu hoàng đế mà mình biết cũng nên.
Nghĩ thế, Kim Kiền vội ngăn một người trẻ tuổi lại.
“Vị huynh đài này, xin hỏi đương kim hoàng thượng là ai?”
Người thanh niên kia cơ hồ bị dọa cho một trận, nhảy dựng lên, hai mắt trợn tròn, vội vàng xua tay chạy đi.
Kim Kiền vô cùng khó hiểu, hỏi tiếp mấy người nữa, nhưng phản ứng của họ cũng không khác chút nào, đều coi nàng như kẻ điên.
Cho đến khi có một vị đại thẩm tốt bụng nhắc nhở, Kim Kiền mới bừng tỉnh.
“Tên tiểu tử này, không thể hỏi loạn lên như thế được, ai dám gọi thẳng tên hoàng thượng chứ? Là trọng tội đấy!” Lúc sắp đi vị đại thẩm đó ghé sát tai Kim Kiền thấp giọng nói.
Nhất thời toàn thân Kim Kiền đổ mồ hôi lạnh. Khi đó mới ý thức được mình đã phạm phải sai lầm lớn cỡ nào. Mấy lão hoàng thượng ở thời cổ đại có thể nói là vô cùng keo kiệt với danh xưng của bản thân, hơn nữa còn rất tâm đắc với tiết mục chém đầu, lăng trì xử tử con người ta.
Nhưng, cái từ “tên tiểu tử này” là có ý gì vậy?
Túm túm quần áo trên người mình lại, nhìn vị trí nào đó đang càng ngày càng trở nên bằng phẳng, Kim Kiền xúc động mà thốt lên:
Lẽ nào bản thân mình có vài phần thiên phú “cải trang chuyển giới”?
* * *
“Hiệu cầm đồ Nguyên Hối” nằm trên đường lớn phía đông thành, là một trong số những cửa hiệu cầm đồ lớn nhất ở đây. Ông chủ hiệu cầm đồ này họ Lý, nổi tiếng hà khắc và keo kiệt. Có điều đây cũng là tự nhiên thôi, phàm là kinh doanh hiệu cầm đồ, há lại có người thích làm từ thiện sao?
Bây giờ đã gần trưa rồi, hiệu cầm đồ tất nhiên là chẳng có việc gì, còn tửu lâu ngay bên cạnh người ra kẻ vào nhộn nhịp.
Một tiểu nhị tuổi còn trẻ đầu đội mũ vải đang ngồi một mình bên quầy nhàn rỗi đập ruồi, bỗng nghe thấy ngoài cửa có tiếng động, một người đang đi nhanh đến.
Vừa nhìn thấy người đó, tiểu nhị không khỏi buồn cười. Từ khi nào mà hiệu cầm đồ này được vinh dự đón tiếp bọn ăn mày vậy?
Người vừa tới thân hình gầy gò, mặc áo ngắn, trang phục cả người đều bằng vải thô, dính đầy bụi đường, ống tay áo còn có mấy chỗ thủng rách. Lại nhìn mặt người này, thật là thê thảm: đầu tóc bù xù, mặt mũi nhọ nhem, cặp lông mày toàn là bụi đất, chỉ có đôi mắt dài nhỏ là còn có thần, nom tuổi tác cũng chưa quá mười bảy, mười tám.
“Tiểu nhị, đây có phải là hiệu cầm đồ không?”, người vừa đến hỏi.
Tiểu nhị lười biếng liếc nhìn rồi đáp: “Đúng vậy, nhưng xin hỏi khách quan cầm sống hay cầm chết?”.
Phàm là người làm lâu ở hiệu cầm đồ đều luyện được bản lĩnh nhìn người đoán vật. Trông người này quần áo tả tơi, mặt mày lem luốc, tất nhiên là chẳng có thứ hàng hóa nào ra hồn đáng để cầm. Nói vậy đây ắt là loại người bần cùng khốn khổ, vì kế sinh nhai mà phải đem cầm quần áo thôi.
“Cầm chết? Cầm sống? Là như thế nào?”
“Cầm sống là vẫn còn có thể chuộc về, cầm chết là không thể chuộc lại. Cầm chết có thể cầm được nhiều ngân lượng hơn cầm sống”, tiểu nhị nhíu mày trả lời. Trong lòng lại nghĩ: Người này quả thực là rất túng quẫn rồi, sợ rằng ngay cả hiệu cầm đồ cũng chưa từng vào, đến như cầm sống, cầm chết cũng chưa nghe thấy bao giờ.
“Vậy thì cầm chết.”
Người mới đến không chút nghĩ ngợi đem tay nải trên lưng đặt lên quầy.
Tiểu nhị thò tay cầm lấy tay nải, mở ra kiểm tra. Quả nhiên không ngoài dự đoán, bên trong chẳng qua chỉ là vài bộ quần áo dài thông thường, so với chất vải người này đang mặc cũng chẳng khác là bao. Lấy số lượng mà tính, nhiều lắm cũng chỉ đáng giá hai mươi đồng.
“Năm đồng”, tiểu nhị nói.
“Hả?”, người trước quầy dường như có chút kinh ngạc, không khỏi sững người, “Sao lại ít như vậy? Không thể thêm một chút nữa sao?”.
“Cái gì? Năm đồng này đưa cho ngươi còn là nhiều đó, thứ quần áo rách rưới tả tơi này còn có người chịu cầm cho là quá tốt rồi đấy.” Tiểu nhị vẻ mặt phật ý, đem tay nải vứt sang một bên. Đây chính là thủ đoạn thường thấy trong hiệu cầm đồ. Thông thường người đến hiệu cầm đồ đa phần đều cần tiền gấp, thế nên càng nói vật đem cầm không đáng tiền thì càng có thể thôi thúc họ đưa ra thứ khác kiếm lời được nhiều hơn.
Quả nhiên, người trước quầy lộ ra thần sắc khó xử. Do dự hồi lâu, người nọ chậm rãi cởi đai lưng, rút ra một cái bọc.
“Vậy ngươi xem thứ này trị giá bao nhiêu?”
Tiểu nhị cầm lấy bọc vải, tỉ mỉ quan sát. Bọc vải này rộng không quá hai tấc, bên trong tựa hồ như có thứ gì đó xếp chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp, hơi dày, phía trên còn có hai sợi dây dài buộc chặt lại.
Tháo dây, mở bọc vải đó ra, tiểu nhị không khỏi kinh ngạc.
Đây không phải là bọc vải bình thường, đó là một dải vải dài có bề rộng chừng hai tấc cuộn lại mà thành. Trải bọc vải đó ra thì phải dài hơn ba thước1, trên đó hai hàng ngân châm sắp xếp tỉ mỉ kỹ càng từ dài đến ngắn. Lấp la lấp lánh, chói lóa đến hoa cả mắt, ngân châm rất tinh xảo, số lượng đến hơn trăm chiếc.
“Khách quan muốn cầm thứ này sao?”, lúc này tiểu nhị như biến thành người khác, mặt đầy vẻ tươi cười.
Người trước quầy gật gật đầu.
“Vậy khách quan cầm sống hay cầm chết?” “Cầm chết.”
Tiểu nhị vừa nghe lập tức mừng rỡ. Từ khi học việc ở hiệu cầm đồ đến nay, ít nhiều cũng đã luyện được nhãn lực nhận biết bảo vật. Mặc dù không thể nói rõ lai lịch của những ngân châm này, nhưng hắn tuyệt đối có thể đoán định được những thứ này không tầm thường. Nay người này lại còn nói là cầm chết, cơ hội tốt như thế há lại buông bỏ hay sao.
1 Thước: Đơn vị đo lường của Trung Quốc, 1 thước = 0.3 mét.
“Được, khách quan xin chờ một lát...” “Khoan đã!”
Người trước quầy đột nhiên vươn tay giật lấy bọc ngân châm: “Ta còn chưa đồng ý cầm đồ ở đây. Mấy bộ quần áo vừa rồi trả ít như vậy, ta vẫn nên đến mấy hiệu cầm đồ ở phía trước xem thử rồi nói sau”.
“Hả? Khách quan, đừng vội đi.” Tiểu nhị thấy bàn tay mới rồi còn cầm bảo vật nay đã trống không, vội kêu lên: “Vừa rồi có thể là ta không xem xét cẩn thận, để ta định giá lại”.
Hắn bèn lật qua lật lại bọc quần áo trên quầy giả vờ xem xét, nhưng trong lòng lại nghĩ đến đám ngân châm kia. Qua một hồi lâu, tiểu nhị có vẻ đã có tính toán, ngẩng đầu lên nói: “Vị khách quan này, vừa rồi ta không nhìn rõ, kỳ thực đám quần áo này đáng giá mười đồng”.
“Ta vẫn nên đến hiệu cầm đồ ở phía trước...”
“Khoan, ta, ta xem xét lại chút nữa.” Tiểu nhị có chút nóng vội, nhìn bọc ngân châm trong tay vị khách dưới quầy, “Mười lăm đồng”.
“Thôi vậy...”, người nọ đã nhấc chân muốn rời đi. “Đợi đã... hai, hai mươi đồng...”
“...”
“Được rồi, được rồi!” Tiểu nhị nhắm mắt, dằn lòng nói, “Một quan tiền”.
“Một quan tiền?”, dường như người nọ có chút hồ nghi, nhìn tiểu nhị.
“Đã hơn năm mươi đồng rồi, không thể trả thêm nữa”, tiểu nhị nói.
Người nọ nhướng mày, cười nói: “Quả nhiên đây đúng là hiệu cầm đồ giá cả tốt nhất. Được, ta cầm đồ ở đây”.
Tiểu nhị vừa nghe vậy, vội viết ngay giấy cầm đồ, lấy một quan tiền từ trong quầy ra đưa cho người nọ.
Thấy người nọ khuôn mặt đầy vẻ vui mừng cất tiền đi, cuối cùng tiểu nhị cũng an tâm, vội vàng hỏi: “Vị khách quan này, túi đồ trong tay ngài có đưa ta định giá luôn không?”.
“Túi đồ? Túi đồ chẳng phải đã cầm rồi sao?”, người nọ hỏi, khuôn mặt đầy vẻ kinh ngạc.
“Cái ta nói là túi đồ nhỏ trong tay ngài kia kìa.”
“Hả... Ngươi nói cái này sao...” Người trước quầy giơ túi đồ trong tay lên, bĩu môi cười rồi nhét lại vào thắt lưng, “Hình như ta đủ tiền tiêu rồi, thế nên cái này không cầm nữa”.
“Cái, cái gì?”, tiểu nhị nhất thời ngẩn tò te.
Đột nhiên người trước quầy vươn tay ra kéo lấy tiểu nhị ngồi trong quầy, ghé sát mặt lại nói: “Tiểu tử, kinh nghiệm mặc cả trên dưới năm nghìn năm cũng không phải là đùa đâu, ngươi còn thiếu mấy trăm năm công lực nữa cơ”.
Nói rồi, người đó xoay người rời đi, đến cửa lại quay đầu, hỏi một câu rất quái dị.
“Tiểu nhị, năm nay là năm gì?”
Tiểu nhị nhất thời bị đả kích, cũng không suy nghĩ kỹ xem câu hỏi này không ổn ở đâu, chỉ đáp theo phản xạ: “Năm Khánh Lịch thứ ba”.
Nghe được lời này, người nọ đột nhiên há hốc miệng, giương mắt nhìn trời một lúc lâu, sau đó đưa một tay lên che trán, chậm rãi đi ra.
Để lại một mình tiểu nhị vẫn ngẩn ngơ hồi lâu, rồi đột nhiên nghĩ đến tình cảnh lúc này của mình, bất giác mồ hôi lạnh thấm ướt áo.
Một bao quần áo rách mà cầm những hơn một quan tiền, phải báo cáo với chưởng quầy thế nào đây?
* * *
Có thể mặc cả được giá ở hiệu cầm đồ, ngoại trừ Kim Kiền từ thời hiện đại rơi về cổ đại ra, có lẽ chẳng ai làm được nữa. Nhưng tuy đã tạo nên sự việc có một không hai này, trong lòng Kim Kiền vẫn không vui. Thứ nhất: Bao quần áo rách kia cho dù có “dựa hơi” ánh hào quang của “một trăm linh tám ngân châm” mà sư phụ để lại cũng không đổi được bao nhiêu tiền; Thứ hai: Mình đang ở thời nào và năm nào nàng cũng vẫn còn mơ hồ chẳng rõ.
“Năm Khánh Lịch thứ ba?”, Kim Kiền rầu rĩ cúi đầu, suy đi nghĩ lại cả nửa ngày trời cũng không có manh mối gì.
Nếu nói Khang Hy, Ung Chính, Càn Long hoặc Trinh Quán1 thì bản thân may ra còn có chút ấn tượng, nhưng cái từ “Khánh Lịch” này thì...
Sao không trực tiếp vứt mình đến triều Thanh chứ, tốt xấu gì thì cũng đã xem mấy phim “X Châu cách cách”, “X Hy vi hành ký”, “Hý thuyết X Long”2... nhiều lần rồi, mặc dù chưa được gọi là nhà sử học, nhưng để trà trộn vào làm một thầy bói nửa mùa thì bản thân vẫn thừa năng lực.
Nhưng nay, lại chạy đến cái thời “Trước chẳng phải Khang, sau không phải Càn3“, cả một bụng tri thức lịch sử (chú thích: đây là chỉ số phim truyền hình được nhắc đến phía trên) có chỗ nào để phát huy chứ?
1 Trinh Quán: Niên hiệu thời vua Đường Thái Tông, tức Lý Thế Dân, đời Đường.
2 Đây là các phim: “Hoàn Châu cách cách”, “Khang Hy vi hành ký”, “Hý thuyết Càn Long”.
3 Ý chỉ hai triều đại Khang Hy và Càn Long, thường thấy trong các phim lịch sử của Trung Quốc.
Càng nghĩ càng cảm thấy sầu muộn, cước bộ của Kim Kiền bất giác gấp gáp hẳn lên, bước nhanh được vài bước, bỗng cảm thấy chân mềm nhũn, lúc này mới nhận thức được rằng, đã quá trưa rồi mà bản thân vẫn chưa có gì bỏ vào bụng, dạ dày sớm đã bắt đầu biểu tình rồi.
Đúng lúc ngửi thấy mùi thơm của thức ăn, Kim Kiền ngước mắt nhìn, thấy ngay một quán ăn ở trước mặt. Cũng không quan tâm quán ăn này tên gì, Kim Kiền liền xông thẳng đến chỗ đang tỏa hương.
Tiểu nhị trong quán ăn này thức thời hơn tiểu nhị ở hiệu cầm đồ kia, tuy sắc mặt không tốt nhưng cũng không đá bay Kim Kiền ra khỏi cửa, chỉ là để nàng ngồi vào một cái bàn ở góc khuất nhất.
Biết rõ hiện tại bản thân mình đang ở dưới cả mức nghèo khổ, Kim Kiền cũng không dám manh động, hỏi kỹ tiểu nhị, nhẩm tính chi li rồi mới gọi một bát mì Dương xuân trị giá hai văn tiền. Mì vừa đặt lên bàn, Kim Kiền lại thấy mình lỗ nặng. Sợi mì trong bát thô to như đầu ngón tay, gắp một cái liền bở bùng bục đứt rời ra, lèo tèo vài cọng rau cải suy dinh dưỡng nổi lên mặt lớp nước dùng.
Quả nhiên của rẻ là của ôi.
Kim Kiền thầm thở dài, gắng gượng vục đầu vào ăn. Người xưa đã dạy, phàm là muốn tìm hiểu tin tức,
thấu triệt tình hình, tất nên đến trà lâu, tửu lâu cùng quán cơm. Bởi vì mấy nơi này người qua kẻ lại vô cùng nhộn nhịp, có câu người đông thì lắm miệng, thế nên ở mấy chỗ như thế này mới biết được những tin tức mới nhất một cách nhanh chóng.
Kim Kiền vừa dùng quai hàm chiến đấu với đám mì trong bát, vừa vểnh tai lên nghe ngóng xung quanh, hy vọng có thể thu hoạch được gì đó.
Nhưng bát mì đã nhìn thấy đáy mà thông tin vẫn chưa thêm được gì khiến Kim Kiền không khỏi thất vọng.
Người ở cái thời đại này không biết quan tâm đến chuyện quốc gia đại sự sao? Nhìn xem, đã nửa ngày rồi mà toàn buôn chuyện không đâu. Cái gì mà quả phụ Trương ở phố tây lăng nhăng quyến rũ người khác, Lý đại ca ở phố nam lấy vợ, chó ở phố sau lại động dục... một đống tin tức tình ái mới nhất, khiến cho toàn bộ quán cơm nhanh chóng bị chôn vùi trong đám sương mù ái tình sặc mùi phấn son.
Thật là không nhịn nổi nữa, cuối cùng Kim Kiền phẫn nộ rút ra hai văn tiền trả tiểu nhị, nhấc chân đi ra cửa. Nhưng còn chưa đi được bước nào thì một tin tức bay vào lỗ tai Kim Kiền hơn nữa còn là tin tức khiến Kim Kiền suýt chút nữa thì ngã bổ chửng.
“Gần đây kinh thành Biện Lương có lưu truyền một tin rất kỳ quái.”
“Hả? Tin gì?”
“Nghe nói có một nữ tử tự xưng là nguyên phối của đương kim phò mã vượt ngàn dặm đến Khai Phong1 tìm chồng, còn tố cáo lên Khai Phong phủ nữa.”
1 Khai Phong còn gọi là Biện Lương, là một trong bảy cố đô của Trung Hoa, nay là một thành phố ở phía đông tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
“Phò mã gia ư? Có phải huynh nói trạng nguyên gia, người vừa đoạt khôi nguyên1 trên Kim điện, sau lại được công chúa chọn làm phò mã không?”
“Đúng, đúng thế.”
“Huynh đài, đây không phải là chuyện đùa, đường đường là phò mã gia sao lại có thê tử nguyên phối được?”
“Thế nên mới nói là tin tức kỳ quái mà. Hơn nữa phủ doãn Khai Phong vẫn chưa thăng đường thẩm vấn, chắc chỉ là tin đồn thất thiệt mà thôi.”
“Ta thấy cũng đúng...”
Nội dung tiếp theo lại trở lại vấn đề đậm mùi ái tình trước đó, âm thanh nhỏ dần, không thể nghe thấy gì nữa.
Kim Kiền đứng ở cửa một lúc lâu, đến khi tiểu nhị tiến đến hỏi mới hồi phục lại tinh thần, lặng lẽ rời đi.
My God! Mình vừa nghe được cái gì thế này? Khai Phong phủ? Phò mã gia? Nguyên phối của phò mã gia?
Đi đến bên đường, Kim Kiền chống hai tay lên tường, gục đầu xuống, hồi lâu sau mới thở hắt ra một cái.
Bây giờ cuối cùng mình cũng biết đây là thời đại nào rồi. Tuy không thể nói rõ số năm cụ thể, cũng không biết anh già đương kim hoàng thượng là vị nào, nhưng chỉ dựa vàoba chữ “Khai Phong phủ” thôi, Kim Kiền đã có thể cao giọng hát vang một ca khúc nói rõ về bối cảnh thời đại này rồi.
Chính là: Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên...
Lão Bao, đã may mắn đến được thời đại này, không đi gặp vị danh nhân lịch sử như ngài thì thực là quá đáng tiếc!
1 Khôi nguyên: chỉ người đỗ đầu kỳ thi ngày xưa.