Tháng 11-1952, quân và dân ta hoàn thành đợt tác chiến thứ nhất của Chiến dịch Tây Bắc và tiếp tục chuẩn bị cho đợt 2. Công tác bảo đảm giao thông, làm đường và vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, vật chất hậu cần được các đơn vị bộ đội, dân công và các địa phương tiến hành rất khẩn trương...
Từ bến Âu Lâu (Yên Bái), tôi cùng đồng chí liên lạc bước lên bờ và vượt nhanh lên trước đội hình của một đoàn xe thồ, vì ngay trong ngày và đêm tiếp sau phải vào đến Sở chỉ huy chiến dịch ở Khe Long (cách thị trấn Nghĩa Lộ khoảng 15km). Trời rạng dần, tôi nhìn thấy ở phía trước một tốp người cũng mới sang sông ở một thuyền khác đang đi chầm chậm như còn chờ nhau đến đủ mới đi tiếp. Lúc đầu mải miết đi tôi không chú ý nhưng ít phút sau, chợt nghe thấy một tiếng nói trầm trầm quen thuộc, tôi dừng lại nhìn kỹ thì nhận ra anh Trần Đăng Ninh trong bộ quần áo màu gio đã bạc mà cán bộ địa phương vùng đó hay mặc. Anh vừa đi vừa nói chuyện với mấy người, trong đó có cán bộ của Tổng cục Cung cấp và Khu Tây Bắc. Là phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, tôi vừa ở Sở chỉ huy tiền phương về hậu phương để báo cáo tình hình tác chiến đợt 1 nay quay lên chiến dịch. Thấy anh, tôi đến gần và báo cáo: "Thưa anh, tôi lên Chỉ huy sở chiến dịch trong hôm nay, anh có cần dặn dò gì cơ quan chỉ huy chiến dịch không ạ?".
Đồng chí Trần Đăng Ninh (thứ hai, từ trái sang) cùng các đồng chí trong Đảng ủy Chiến dịch Biên giới tháng 10-1950. Ảnh tư liệu.
Anh Ninh ngẩng nhìn, nhận ra và hỏi tôi đi với đơn vị nào. Tôi báo cáo tóm tắt với riêng anh về hướng tác chiến đợt tiếp sau và vấn đề bảo đảm cung cấp theo yêu cầu của đợt 2 mà tôi vừa được giao nhiệm vụ về truyền đạt cụ thể ở cơ quan chỉ đạo hậu phương. Anh Ninh chăm chú nghe rồi nói: "Đồng chí cùng đi luôn với chúng tôi vào đến Ba Khe nắm tình hình cụ thể về việc tổ chức tuyến cung cấp mới để khi đến Sở chỉ huy chiến dịch báo cáo thêm với các anh trong ấy. Tôi vẫn liên lạc với bộ chỉ huy, nhưng không thể nói hết những điểm cần tập trung chỉ đạo để trên dưới hiệp đồng cho kịp thời, nhất là đối với các đơn vị đang chuẩn bị vào đợt tác chiến mới".
Thế là tôi cùng đi với đoàn cán bộ giúp việc anh, vừa được biết tình hình cụ thể, vừa nghe những điều anh chỉ thị tại chỗ về tổ chức cung cấp, để đến Sở chỉ huy sẽ báo cáo lại đầy đủ với anh Hoàng Văn Thái, khi đó là Tham mưu trưởng chiến dịch.
Đường vào Ba Khe đã hỏng nhiều chỗ. Đợt 1 của chiến dịch, không quân địch đã đánh phá liên tục, nhất là ở những đoạn đèo, đường đi sát khe núi, một bên là vách đá, một bên là vực sâu. Đi qua những nơi đó vẫn nồng nặc mùi khói bom và ngổn ngang những khối đất đá bị cày xới. Các đồng chí công binh Đoàn 12 phối hợp với anh em giao thông của Yên Bái gấp rút sửa chữa để bảo đảm thông đường, thông xe vào đến Nghĩa Lộ.
Anh Ninh đi nhanh, từng đoạn dừng lại xem xét kỹ con đường, anh bảo đồng chí cán bộ Khu Tây Bắc cùng đi đo đạc cẩn thận để tính bề rộng mặt đường và bề dày của nền đường phải làm lại. Các đồng chí bộ đội cảnh giới ở đoạn đó đến giục anh và đoàn phải đi nhanh đề phòng máy bay địch bất chợt đến đánh tiếp. Quá trưa, sau khi vừa đi vừa xem xét liên tục 5-6 tiếng đồng hồ, anh Ninh mới dừng lại nghỉ ở một lán trú chân giữa đường của một tốp dân công xe thồ. Anh ngồi với mọi người, cùng ăn cơm với khẩu phần của chiến sĩ. Vừa ăn anh vừa nói chuyện với anh chị em dân công, anh hỏi kỹ việc ăn, ở và vận chuyển của mỗi người. Anh còn hỏi cả tin tức của gia đình anh chị em đã đi phục vụ từ nhiều tháng nay. Nghe anh thăm hỏi anh chị em dân công tôi tưởng như anh là một cán bộ của địa phương đang có nhiệm vụ trông nom, lo toan cho đoàn dân công của địa phương mình đang đi phục vụ chiến dịch.
Bất giác tôi nhớ lại một số cuộc hội nghị ở cơ quan chỉ đạo quân sự Trung ương mà tôi đã được tham dự để ghi chép và chuẩn bị dự thảo nghị quyết. Trong những hội nghị đó, anh Ninh phát biểu nhiều ý kiến xác đáng về kế hoạch và chương trình công tác của Bộ Tổng tư lệnh. Anh đề cập đến một số vấn đề chiến lược của cuộc chiến tranh giải phóng, như việc đưa hàng đại đoàn chủ lực vào hoạt động dài ngày ở những mặt trận xung yếu trong vùng bị địch chiếm đóng để đánh bại hoàn toàn âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", "dùng người Việt đánh người Việt" của địch. Anh đã phân tích một cách sâu sát tình hình thực tế ở những vùng sau lưng địch mà chính anh đã vào và đi qua, làm nổi bật khả năng chiến đấu và chi viện chiến đấu của các tầng lớp nhân dân đang phải sống đau thương trong vùng kìm kẹp của quân thù. Anh không nói lý luận mà chỉ nói những điều mà bằng quan sát và suy nghĩ một cách trực tiếp. Anh đã nhìn thấy trong sự phát triển của chiến tranh ngày càng đi gần đến thắng lợi quyết định.
Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh (thứ hai, từ phải sang) cùng cán bộ và cố vấn Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Bắc. Ảnh do tác giả cung cấp
Đêm khuya hôm đó, tôi chia tay anh Ninh và đoàn cán bộ cung cấp ở một trạm xe gần Ba Khe để lên một xe của pháo binh vào Sở chỉ huy chiến dịch. Còn anh và đoàn sẽ đi tiếp vào Phù Yên để kiểm tra và đôn đốc tình hình vận chuyển gạo, đạn xuống phía Nam. Lúc chia tay, anh Ninh bắt tay tôi, nói: "Đồng chí khẩn trương lên Sở chỉ huy chiến dịch và cố gắng phục vụ cho chỉ huy tác chiến được thắng lợi nhanh gọn như đợt 1. Đồng chí đi về liên tục hơn một tuần lễ rồi chắc cũng đã mệt, nhưng phải cố gắng theo sát bộ đội để giúp đỡ cho cán bộ chỉ huy đơn vị. Cán bộ ở dưới có những cái chưa hiểu rõ nên lúng túng, nếu làm cho anh em hiểu rõ thì thắng lợi sẽ còn lớn hơn. Tôi xuống kiểm tra và làm việc với Ban cán sự Đường 41, những điều đồng chí đã xem xét được cùng anh em trong đoàn nên báo cáo lại cho cơ quan chỉ huy chiến dịch rõ".
Tôi đứng nghiêm nghe anh dặn dò và thầm nghĩ: "Anh chỉ lo cho cái mệt nhọc của anh em mà chẳng bao giờ nghĩ đến sự vất vả, mệt nhọc của bản thân mình". Mờ sáng hôm sau, tôi về đến Sở chỉ huy chiến dịch lúc này đang chuẩn bị rời Khe Long để di chuyển về phía Nam. Trong buổi giao ban ở Sở chỉ huy chiến dịch, tôi báo cáo tình hình công tác ở cơ quan hậu phương đang xúc tiến cho đợt 2 và những ý kiến mà anh Ninh đã chỉ thị. Trên nét mặt mọi người, từ anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), anh Thái đến các cán bộ chủ chốt của 3 cơ quan phục vụ chiến dịch đều thể hiện một niềm thông cảm sâu sắc và mến phục tinh thần tận tụy trong công tác của anh Ninh và nhất trí với những ý kiến đề nghị của anh về mấy điểm phát triển trong tổ chức cung cấp cho đợt 2 để bảo đảm thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch. Riêng với tôi, không bao giờ quên được nét mặt đăm chiêu lo nghĩ của anh khi biết rõ tình hình khó khăn của anh chị em dân công trên đường vào đợt 2 của chiến dịch này. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng mà tôi ghi nhớ được về anh. Thời gian sau, anh lâm bệnh nặng phải đi điều trị, chúng tôi không có dịp được gặp lại anh cho đến khi anh mất.
Đại tá NGUYỄN BỘI GIONG, nguyên chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu