Đến gần cửa, đám trẻ nhìn thấy một bà chừng năm mươi tuổi đang cho gà ăn trong sân. Thấy mấy huynh muội bọn họ, bà cười hỏi: "Vi tỷ nhi, Thụ ca nhi, lâu rồi không gặp các cháu, trưởng thôn gia gia còn muốn đi tìm các cháu đấy. Đã ăn cơm chưa? Vào nhà bà ăn một chút nhé?"
"Cảm ơn bà bà, không cần đâu ạ. Cháu tìm trưởng thôn gia gia có việc, ông có nhà không ạ?" Tử Thụ trả lời.
Thấy Tử Thụ lễ phép như thế, bà lão tươi cười rạng rỡ, nói: "Thụ ca nhi lễ phép quá, được đi học đúng là tốt. Trưởng thôn gia gia của cháu đang ở trong phòng ấy." Tiếp đó, bà gọi to: "Ông nó, Thụ ca nhi tìm ông này."
Một lát sau, giọng nói của ông lão vọng ra từ nhà chính: "Thụ ca nhi tìm ta có việc gì sao? Vào đi."
"Đi đi, ông ấy ở trong đó." Lão bà bà nói.
Vào phòng, Tử La thấy một ông già
chừng năm mươi tuổi ngồi trên đầu giường. Mặc dù đã có tuổi nhưng tinh thần ông rất tốt, vẻ mặt toát lên nét khôn ngoan nhưng không khiến người ta phản cảm.
Đám trẻ cung kính chào hỏi trưởng thôn xong, Tử Thụ bắt đầu nói: “Trưởng thôn gia gia, không dám dối người, hôm nay Tử Thụ đến là có việc muốn nhờ người giúp đỡ."
"Chuyện gì? Chỉ cần trưởng thôn gia gia làm được, nhất định sẽ giúp một tay."
"Trưởng thôn gia gia, mẹ cháu mới mất, cháu là con trưởng, nhất định phải chèo chống gia đình này. Tục ngữ có câu, huynh trưởng như cha, cho nên Tử Thụ có nghĩa vụ phải bảo vệ các em. Vì thế hôm nay Tử Thụ cả gan có chuyện muốn nhờ."
Trưởng thôn thấy vẻ kiên định trên khuôn mặt Tử Thụ, sau khi nghe cậu bé trình bày, ông cũng phải nhìn thằng nhóc với cặp mắt khác xưa. Ông nghĩ thầm, thằng bé có tính cách kiên định như vậy, nếu được đi học tiếp, tương lai nhất định không phải kẻ tầm thường, đáng tiếc... Ông hỏi tiếp: "Có chuyện gì cứ nói, nếu ông có thể giúp thì nhất định sẽ giúp." Giọng nói càng thêm thân thiết.
"Nửa tháng trước, mẹ cháu bất hạnh qua đời, mấy huynh muội chúng cháu còn nhỏ nên cháu mới đưa hai lượng bạc cuối cùng trong nhà cho Nhị bá, phiền ông ấy lo hậu sự cho mẹ. Cũng may là có mọi người trợ giúp, mẹ cháu mới được yên nghỉ. Nhưng sau đó, Nhị bá lại nói, hậu sự của mẹ cháu là do ông ấy bỏ tiền ra làm, nên lấy của nhà chúng cháu rất nhiều thứ, cả lương thực của bọn cháu nữa. Bây giờ, nhà chúng cháu đã hết đồ ăn ba bốn ngày rồi, cháu không thể để các em cháu chết đói theo cháu được."
"Thôn trưởng gia gia, nếu người có thể lấy lại công bằng cho chúng cháu, giúp chúng cháu lấy lại đồ của mình, chúng cháu nhất định sẽ vô cùng cảm kích ân đức của người." Thấy thế, Tử Hiên cơ trí đáp.
Tử La thấy vậy thì vội tỏ ra vẻ đáng thương, đương nhiên một phần là giả bộ, nhưng phần khác lại là vì thật sự cảm thấy bi thương cho huynh muội nhà này, có người thân như vậy thì cũng đủ khổ rồi: "Trưởng thôn gia gia, Tử La, Tiểu Lục và cả ca ca tỷ tỷ đều đói lắm." Nói xong thì Tử La òa khóc. Tiểu Lục thấy Tam tỷ khóc cũng vội vàng khóc theo.
Thấy tiểu đệ tiểu muội khóc, Tử Thụ bèn quỳ xuống. Tử Vi, Tử Đào, Tử Hiên thấy vậy cũng quỳ theo: "Xin trưởng thôn gia gia giúp chúng cháu một tay. Sau này Tử Thụ nhất định sẽ nhớ kỹ đại ân đại đức của người!" Tử Thụ nói.
Trưởng thôn nghe vậy cũng không khỏi đau lòng.
"Mấy đứa mau đứng dậy đi." Nói rồi, ông đỡ mấy đứa trẻ dậy: "Nào có cái lý ấy, Đổng Nhị Lang kia còn tự nhận là người đọc sách cơ đấy, không ngờ lại làm ra chuyện thế này. Yên tâm, trưởng thôn gia gia sẽ đến tìm Nhị bá của các cháu tính sổ, xem hắn có dám không biết xấu hổ lấy đồ của các cháu hay không."
"Đổng Nhị Lang, ngươi ra đây cho ta." Trưởng thôn đến trước sân nhà Đổng gia hô to.
Đổng gia trước mặt là một Tứ hợp viện lợp ngói, được Đổng Tam Lang, cũng chính là cha của huynh đệ Tử La bỏ tiền ra làm.
Cha của Tử La có bốn anh chị em, lớn nhất là đại cô đã gả sang trấn bên, mấy năm rồi không về. Thứ hai là đại bá, nhưng từ lúc mới sinh sức khỏe của ông đã không được tốt, mười mấy tuổi thì mất. Người thứ ba là Nhị bá. Bà nội hơn ba mươi tuổi mới có một đứa con trai, bởi vì con trai trước chết non nên bà rất cưng chiều đứa con này. Không những thế Nhị bá còn được cái miệng ngọt, thế là dù sau đó bà có thêm cha họ, bà nội vẫn thiên vị đứa con này hơn một chút.
Từ nhỏ, hai ông bà đã cho Nhị bá đi học, hy vọng sau này ông sẽ khiến họ nở mày nở mặt, thế mà Nhị bá của họ đọc sách đến hơn hai mươi tuổi cũng chỉ là một đồng sinh*. Đến khi họ phát hiện Nhị bá không thể đọc sách thành tài thì đứa con này đã trở thành một kẻ hết ăn lại nằm, vai không thể khiêng, tay không thể xách rồi.
* Đồng sinh: Cách người thời Minh Thanh gọi học trò chưa thi tú tài hoặc chưa đậu kỳ thi tú tài.
Hai vợ chồng già sợ rằng sau khi mình tạ thế, đứa con này cũng không thể tự nuôi sống bản thân, cho nên mười năm trước chia nhà, họ quyết định cho Nhị bá phần lớn tài sản, kể cả căn nhà ngói này, mặc dù nó là do một tay Đổng Tam Lang săn gấu lấy tiền xây dựng. Về sau, lúc hai ông bà qua đời, thói quen hết ăn lại nằm của vị Nhị bá này vẫn không thể sửa đổi.
"Trưởng thôn, ngọn gió nào đưa ngài tới đây thế?" Đổng Hoàng thị, cũng chính là Nhị bá nương của họ, mở cửa thấy trưởng thôn thì đon đả hỏi han.
Tử La đánh giá Nhị bá mẫu, trông bà khoảng tầm bốn mươi tuổi, béo núc ních, người mặc tơ lụa, đầu cài trâm vàng, mặt trắng bệch, mắt tam giác khiến người đối diện không ưa nổi.
"Đừng nói nhiều, gọi phu quân ngươi ra đây.”
"Thúc thúc, thúc tìm ta có chuyện gì vậy?" Đổng Nhị Lang nghe thấy tiếng trưởng thôn ngoài cửa thì đi ra, vừa lúc trông thấy mấy huynh muội Tử La: "Hừm, sao đám nhãi ranh này lại tới đây? Không thấy ta đang tiếp đãi trưởng thôn à, không rảnh quản mấy đứa? Cái đám nghèo kiết xác này, cút ngay cho ta!"
Trưởng thôn nghe thế thì mặt mày đen kịt, trước mặt ông mà tên Đổng Nhị Lang này còn đối xử với mấy đứa cháu như vậy, có thể thấy được lời của đám Thụ ca nhi không phải giả dối: "Ngươi mới là nhãi ranh ấy. Năm đó đệ đệ ngươi quan tâm đến gia đình ngươi như thế, bây giờ đệ đệ và đệ tức* ngươi đều đã mất, ngươi chẳng chăm lo cho các cháu thì thôi, lại còn mặt dày đi cướp đồ của anh em chúng nó, hừ, tức chết ta mất."
* Đệ tức: Em dâu, vợ em trai.
"Thúc thúc, có phải thúc hiểu lầm rồi không?" Nhị bá tiếp tục cười làm lành rồi đe dọa đám Tử La: "Có phải đám nghèo kiết các ngươi nói linh tình gì không? Ta thấy các ngươi lại ngứa da muốn bị đánh đấy hả?"
Tử La thấy hắn ngu xuẩn, hung hãn như vậy thì nhanh trí òa khóc: "Nhị bá đừng đánh chúng cháu, bọn cháu đã đưa hết đồ trong nhà cho bá bá rồi mà." Tiểu Lục thấy vậy cũng khóc theo: "Nhị bá đừng đẩy Tam tỷ xuống sông nữa, lần trước Tam tỷ đã suýt chết rồi. Bá bá muốn đẩy thì đẩy Tiểu Lục đi. Hu hu, Nhị bá đừng đánh bọn cháu."
Lúc này, Tử Đào thấy có nhiều người chạy về phía này như vậy, hai mắt nàng sáng lên, cũng đồng thời òa khóc: "Nhị bá không cho huynh muội bọn cháu đường sống, chẳng thà bọn cháu chết luôn đi. Dù gì những thứ ăn được trong nhà đều bị nhà bá bá cướp hết rồi, bọn cháu không được ăn, sớm muộn gì cũng chết đói." Nhất thời, tiếng khóc của mấy tỷ đệ inh ỏi cả một vùng, càng thu hút thêm nhiều ánh mắt.
Đổng Nhị Lang bị lời và tiếng khóc của ba tỷ đệ làm cho tức hộc máu, thấy mọi người nhìn sang thì càng thẹn quá hóa giận, lý trí gì đó đều bay lên tận chín tầng mây, quát: "Đám ranh con bọn mày nói gì hả? Ta cướp đồ của bọn mày bao giờ? Vì bọn mày nợ tiền ta, ta chỉ lấy đồ nhà mày để trừ nợ mà thôi, bọn mày tưởng ta thèm mấy món đồ rách nát đó lắm sao?"
"Giỏi lắm Đổng Nhị Lang, ngươi nói đi, có phải hôm trước ngươi đẩy cháu gái ngươi xuống sông không? Chẳng trách hôm đó Thụ ca nhi phải vay tiền ta mời đại phu." Trần thẩm mới đi thăm người thân về, thấy đám người tụ tập lại một chỗ liền lách qua, nghe mấy tỷ đệ nói xong thì tức điên lên.
"Nói đẩy thì khó nghe quá, chẳng phải ta chỉ bất cẩn đụng một cái thôi sao? Không phải bây giờ nó vẫn tốt đấy à?" Nhị bá phản bác như đúng tình hợp lý, mặt dày đến mức khiến Tử La mở rộng tầm mắt.
"Vậy ngươi nói xem, mấy huynh muội bọn nó nợ tiền của ngươi khi nào? Chẳng nói rõ nguyên do, ngươi đã lấy hết đồ của cháu trai cháu gái ngươi về, đừng có cho ta là đồ ngốc." Lúc này, trưởng thôn đã cực kỳ tức giận khi chứng kiến sự vô sỉ của Nhị bá, nói chuyện cũng bắt đầu gay gắt hơn.
"Chuyện đó... Nhà ta bỏ tiền ra làm hậu sự cho mẹ chúng, chẳng lẽ chúng nó không nên trả lại sao? Nhà ta tốn đến năm lượng bạc đấy."
"Ngươi đúng là không sợ gió to đau đầu lưỡi, cái gì mà ngươi bỏ tiền, rõ ràng tận mắt ta nhìn thấy Thụ ca nhi đưa cho ngươi hai lượng bạc để ngươi làm hậu sự giúp mẹ nó. Nếu chỉ dựa vào mấy thứ ngươi mua, thì cái hậu sự đấy thật sự không nhìn được, cuối cùng phải nhờ mọi người góp tiền vào làm mới khá hơn một tí. Mà cho dù như vậy, cũng không thể hết đến hai lượng bạc được, ngươi còn không biết xấu hổ nói chuyện này nữa sao. Trước ta không nói là vì nể mặt ngươi, không ngờ ngươi lại làm ra những chuyện thương thiên hại lý thế này. Nếu ngươi còn nói dối vậy nữa, chúng ta sẽ đi xem sổ sách, lúc đó những gì người bỏ tiền ra đều được viết vào sổ, giờ vừa hay lại hữu dụng." Đại Phong thúc không muốn xen vào chuyện nhà người ta, nhưng thấy Nhị bá này vô lý không thể chấp nhận nổi nên mới phải đứng lên.
Đổng Hoàng thị thấy chồng mình vô dụng thế này thì không khỏi tức giận. Vốn bà ta muốn nói tiếp chuyện tiền bạc trong lễ tang, nhưng thấy Đại Phong thúc nói có sổ sách liền đổi cách khác, cười hì hì nói: "Ôi! Hôm nay phu quân ta uống hơi quá chén, hồ đồ nói linh tinh, mọi người rộng lượng bỏ qua cho."
Tử La thấy cả buổi Đổng Hoàng thị chỉ đứng quan sát, nàng càng âm thầm cảnh giác. Loại người khẩu phật tâm xà thế này khó đối phó hơn Nhị bá nhiều.
"Uống rượu sao? Ta thấy hắn tỉnh táo lắm cơ mà!" Trưởng thôn không chút khách sáo, đã đến mức này rồi chẳng lẽ ông còn không biết cái gì là thật cái gì là giả nữa? Lên được cái chức này, ông đâu phải kẻ ngốc: "Mau mang đồ các ngươi lấy ra đây, nếu không thì đừng trách ta không khách khí."
Đồ ăn vào miệng rồi, làm gì có chuyện nhổ ra, Đổng Nhị Lang nghe vậy thì mặt dày đáp lại: "Nhà chúng ta chạy lên chạy xuống giúp đỡ chẳng lẽ không có chút tiền công? Mấy thứ kia cũng chỉ coi như tiền công của nhà chúng ta thôi."
Trần thẩm nghe vậy thì lại càng tức hơn, bà nói: "Ngươi thì giúp cái gì? Đến cuối tang lễ mới thấy hai vợ chồng nhà ngươi ló mặt ra. Mọi người nói xem có phải không?"
Sớm đã có người không vừa mắt với Đổng Nhị Lang, lúc này họ đều chạy ra bênh vực kẻ yếu. Cũng có những người chỉ đến xem náo nhiệt, vậy nên đám người bỗng chốc ồn ào hẳn.
"Thụ ca nhi, Nhị bá lấy của các cháu những gì?" Trưởng thôn chẳng muốn tốn nước bọt với Đổng Nhị Lang, bèn hỏi Tử Thụ.
"Nhị bá lấy của chúng cháu hai con gà mái đẻ trứng, hai trăm cân cao lương, một trăm cân bột ngô, năm mươi cân mì khô, hơn mười cân gạo trắng, nồi chảo, củi lửa, và cả cái tủ cha bọn cháu mua nữa." Tử Hiên sợ Đại ca chỉ muốn lấy lại lương thực nên vội vã trả lời.
"Được, chỗ này cũng khoảng hai lượng bạc, như vậy đi! Ta có cầm tiền bán ruộng lần trước, mỗi hộ được một lượng bạc, ta sẽ đưa phần của nhà Đổng Nhị Lang cho Thụ ca nhi. Đổng Nhị Lang mau đi lấy thêm một lượng bạc nữa, nhanh lên. Ta không rảnh để nhiều lời với ngươi." Trưởng thôn quyết định.