Bà Trần Thu Hồng, quê ở xã Điện Trung, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ngụ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh; là chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, tù đày. Bà là con gái út của cụ Trần Ngọc Thám (bí danh Hương Thử) và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Luốt. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, gia đình cụ Hương Thử là cơ sở cách mạng trọng yếu, bí mật nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng ở Điện Bàn. Được giác ngộ cách mạng từ nhỏ, Trần Thu Hồng cùng nhóm bạn nhỏ đã nhiều lần mưu trí đoạt vũ khí của địch. Một trong những sự kiện gây chấn động là “Điệp vụ hoa Hồng”...
Cuối năm 1967, chiến dịch dồn dân lập ấp chiến lược của địch diễn ra khắp vùng Gò Nổi, Điện Bàn. Chỉ những gia đình, thành phần thuộc diện hợp pháp mới được ở lại làng, còn lại, chúng dồn vào các ấp chiến lược ở bưng biền. Nhờ có mối quan hệ thân tín với các cố vấn Mỹ và sĩ quan chỉ huy ở chi khu Hội An nên gia đình Hương Thử là thành phần hợp pháp. Bù lại, ông bà Hương Thử phải bỏ ra số lượng lớn tiền bạc, tài sản để mua chuộc bọn này. Vùng đất của nhà Hương Thử thuận tiện cơ động cả đường bộ, đường thủy và đổ bộ đường không nên thường được các đơn vị lính Mỹ, lính Đại Hàn và ngụy quân chọn làm nơi trú quân, thực hiện các cuộc hành quân càn quét. Hằng tuần, các đơn vị từ chi khu Hội An, các căn cứ đóng quân ở Vĩnh Điện, Điện Bàn... lại luân phiên tổ chức đổ, trú quân ở đây để thực hiện các cuộc đi càn. Mỗi lần như vậy, đám sĩ quan chỉ huy lại vào nhà Hương Thử nhậu nhẹt xả láng. Đây cũng là cơ hội để chúng ta sử dụng lực lượng trong thành phần hợp pháp bám nắm, điều nghiên các hoạt động của địch.
Sau nhiều lần bám địch, lực lượng trinh sát của bộ đội và dân quân du kích địa phương phát hiện việc hành, trú quân của một số đơn vị địch có rất nhiều chủ quan, sơ hở, nhất là các đơn vị lính Mỹ. Chúng thường đưa lực lượng đến trú quân bằng cơ giới và đổ bộ bằng trực thăng. Ta có thể lợi dụng, đưa lực lượng hợp pháp trà trộn để lấy vũ khí của địch. Phương án ban đầu được giao cho một số nữ dân quân cải trang thành người bán hàng rong, vé số, xâm nhập nơi trú quân của địch để lấy vũ khí. Tuy nhiên, vào thì dễ nhưng ra thì khó. Họ chỉ có thể đem ra được những trái lựu đạn, băng đạn, còn súng thì không thể.
Bến sông nơi nhóm du kích xã Điện Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) chuyển vũ khí đầu năm 1968.
Nghe các chú, các cô bàn bạc, nhóm chiến sĩ giao liên tiền phong gồm Trần Thu Hồng và hai bạn tên Mai và Thanh, xung phong thực hiện nhiệm vụ này. Việc trà trộn vào hàng ngũ địch đối với trẻ em khá đơn giản, vì mỗi lần các đơn vị của Mỹ đến trú quân, nhóm của Hồng vẫn chơi đùa với binh lính, được chúng nhờ nhổ tóc sâu, đấm lưng rồi cho bánh kẹo. Chúng dựng nhà bạt trong vườn cây, tập kết vũ khí, trang bị vào một khu vực riêng. Được các chú, các cô, trực tiếp là chú Đào, chú Đậu, hai cán bộ nằm vùng ở xã Điện Trung đồng ý, hướng dẫn cách thức hành động, nhóm của Hồng quyết tâm lập công.
Vậy là kế hoạch lấy súng của địch được cả nhóm thực hiện. Hồng là nhóm trưởng nên cả nhóm thống nhất đặt tên cho nhiệm vụ này là “Điệp vụ hoa Hồng”!
gày chủ nhật đầu năm 1968, lính Mỹ từ căn cứ Vĩnh Điện đi xe cơ giới, từ chi khu Hội An đổ bộ bằng trực thăng, đội hình ước chừng khoảng hai đại đội. Chúng tập kết phương tiện, cử lực lượng cảnh giới rồi nhanh chóng ổn định trận địa lâm thời, cách nhà Hương Thử chừng 400m. Như thường lệ, khi chúng vừa ổn định nơi ăn ở trong các lều bạt thì những người bán hàng rong, đám trẻ con trong làng thuộc thành phần hợp pháp lại tìm đến.
Ngày đầu tiên nhóm tiếp cận, làm quen với sĩ quan, binh lính Mỹ bằng cách đi theo mấy cô bán hàng rong, làm phụ bếp, tạp vụ để điều nghiên vị trí tập kết vũ khí, xác định phương án hành động, xin ý kiến của chú Đào. Khu vực chúng để súng cách con sông chưa đầy 30m. Các vị trí địch bố trí lực lượng cảnh giới chủ yếu tập trung ở hướng đường cái và mặt sông.
Nhóm của Hồng bàn bạc, thống nhất cách thức hành động như sau: Hồng đảm nhiệm khâu thu hút, đánh lạc hướng địch. Mai làm nhiệm vụ yểm trợ, còn Thanh lợi dụng lúc trời tối, địch sơ hở, đột nhập lấy vũ khí. Ưu tiên số 1 là súng và đạn. Vũ khí lấy được sẽ đưa xuống đường sông, giấu trong các lùm cỏ. Du kích của ta theo hướng sông bò vào đem ra ngoài.
Sang ngày thứ hai, vừa nhìn thấy cô bé thiếu niên xinh xắn như một bông hoa, viên thiếu tá chỉ huy nói với người phiên dịch:
- Giữa nơi đạn bom ác liệt này, sao lại có những cô bé hồn nhiên, xinh đẹp như thiên thần vậy?
Người phiên dịch nói với viên chỉ huy, đó là con em của những gia đình hợp pháp, được ở lại trong vùng trú quân. "Ngài có thể cho nó vài đô la, nó nhổ tóc sâu thư giãn cho ngài".
- Ồ! Thật là thú vị. Bảo cô bé lại nhổ tóc sâu, ta sẽ cho tiền!
Thiếu tá Mỹ nằm ngả đầu trên võng. Hồng kéo cái ba lô căng phồng của tên lính cạnh đó làm ghế ngồi, quay lưng ra hướng sông cốt để che chắn cho Thanh hành động, rồi như thường lệ, bới mái tóc quăn của tên địch giật từng cọng tóc sâu. Vừa làm, Hồng vừa líu lo hát, thỉnh thoảng lại tinh nghịch nhún nhảy, giật hai, ba cọng tóc cùng lúc khiến tên thiếu tá Mỹ kêu đau "á, á". Cạnh đó, nhỏ Mai cũng lẹ làng như con chim sâu, giúp tụi lính gọt xoài, pha nước mắm đường làm đồ nhậu. Thanh lẻn vào rồi lại đi ra. Mấy cô, mấy chị hàng xóm cũng tranh thủ đem theo nem, chả, đậu phộng luộc, hột vịt lộn, hột gà nướng... đến nài nỉ bọn chúng mua làm đồ nhậu. Bia, rượu, đồ hộp, thịt nguội... bày đầy ra bạt. Đến bữa tối, từng nhóm theo đội hình tiểu đội, bước vào cuộc ăn nhậu tưng bừng. Một lúc lâu sau, khi đã ngà ngà hơi men, bỗng tên lính có hàng ria mép lún phún hốt hoảng la lên:
- Súng của tao đâu rồi?
Lập tức, nhiều tên khác cũng kêu mất súng.
Tên thiếu tá bật dậy thổi còi báo động toàn đơn vị tập hợp. Đám lính lục tục mang đeo trang bị, vũ khí. Tiếng giày đá, đạp vào vỏ lon đồ hộp roàm roạp.
Điểm quân số. Đủ! Kiểm đếm vũ khí trang bị thì thiếu mất 7 khẩu súng, 3 trái lựu đạn.
- Tất cả những người có mặt ở đây không ai được rời khỏi vị trí-người phiên dịch truyền lời tên chỉ huy, ra lệnh.
Theo lệnh của tên thiếu tá, mấy tên lính dồn người dân và trẻ em vào một góc tiến hành lục soát nhưng không phát hiện được gì. Tên chỉ huy cho lực lượng đi rà quanh khu vực thì chúng phát hiện có dấu cỏ gãy rạp từ chỗ tập kết vũ khí dẫn ra sông. Chúng cho rằng, Việt Cộng đã lẻn vào từ hướng bờ sông, bò lên bãi tập kết vũ khí để lấy súng của chúng. Không có chứng cứ, chúng đành phải tha những người bán hàng rong và nhóm thiếu nhi của Hồng.
Bằng mưu trí, nhóm của Hồng lấy dây buộc vào báng súng để Thanh đứng dưới sông kéo xuống rồi giao cho các cô chú du kích. Vì địch chủ quan, ăn nhậu nên chúng đã bị nhóm của Hồng lấy êm số vũ khí trên.
Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 16/6/2021)