B
à Laurence thường hỏi tôi mỗi khi tôi đến thăm bà: “Cháu nghĩ bà có bị lẩm cẩm không?”.
“Cháu nghĩ bà hay nhắc đến ông John thôi ạ!”. Tôi trả lời.
Anh tôi thường đến giúp bà làm những việc vặt trong nhà như bổ củi, đốt lò sưởi, sửa cánh cửa hư hay đi mua vài thứ tạp phẩm cho bà. Tôi theo anh đến chơi và thỉnh thoảng cũng giúp bà rửa chén đĩa và mang quần áo bẩn đến hiệu giặt. Bà trả cho chúng tôi năm đô la mỗi tuần.
Mỗi lần chúng tôi đến làm việc, mẹ tôi đều gửi biếu bà một ít thức ăn. Khi giúp bà dọn thức ăn ra đĩa, bà thường bảo tôi: “Nhớ để một đĩa cho John nghe cháu. Có thể ông ấy sẽ về nhà ngày hôm nay đấy!”.
Bà Laurence dặn tôi nhưng tôi chưa kịp làm thì bà đã chia thức ăn của mình vào một đĩa khác để dành cho ông John. Đây là chuyện hàng ngày và đã kéo dài suốt bảy mươi hai năm qua. Đó cũng là thời gian bà Laurence chờ đợi John – người chồng hứa hôn của bà – trở về sau hai cuộc chiến tranh thế giới.
Bà thường kể cho tôi nghe câu chuyện về ông John: “Mái tóc của John giống màu lá sồi vào tháng mười cháu ạ! Không ai có màu tóc đẹp như thế cả. John là một chàng trai đáng mến, rất chu đáo với bà”. Bà Laurence mỉm cười làm những nếp nhăn trên mặt bà hằn sâu thêm.
Lúc John ra trận, bà chỉ mới mười bảy tuổi. Ông ấy hứa yêu bà mãi mãi và sẽ trở về cưới bà.
Nghe bà kể lại, tôi hình dung ra hình ảnh cô gái Laurence mười bảy tuổi ngày xưa có mái tóc xoăn, dài và vàng óng. Đôi lúc bà bật cười, ánh mắt bà chợt vụt sáng, tôi nghĩ đó hẳn là ánh mắt khi bà còn ở bên John. Trong trí tưởng tượng của tôi, bà và ông John là một cặp tình nhân rất xứng đôi.
Tất cả mọi người đều biết ông John đã hy sinh trên chiến trường, nhưng bà Laurence thì nhất định không tin điều đó. Cuối cùng, mọi người cảm thấy tốt nhất là để bà tin rằng ngày nào đó ông ấy sẽ trở về với bà.
Bà Laurence không lấy chồng và cũng không có con nuôi. Những người thường đến lui tới với bà chỉ có hai anh em tôi, thỉnh thoảng có mẹ tôi và cô y tá đến khám sức khỏe cho bà.
Ngay cả vào mùa hè, chiều nào anh tôi cũng phải nhóm lò sưởi cho bà trước khi ra về.
“Buồn cười thật”. Bà Laurence nói: “Thời tiết bây giờ thật khác hồi trước. Khi bà còn trẻ, mùa đông thật ấm áp. Bà và John thường đi bộ trong rừng, bà mang đôi găng tay của John. Thỉnh thoảng, John nhảy lên cao với lấy một cành cây khiến tuyết rơi xuống trên đầu cả hai người, nhưng bà không hề cảm thấy lạnh. Bà chưa bao giờ thấy lạnh khi ở cạnh John. Từ khi John ra đi thì hình như thời tiết thay đổi, bà không còn cảm nhận sự ấm áp của mùa đông nữa”.
Tôi biết đối với bà, hai cuộc thế chiến không chỉ là sự kiện đáng ghi vào lịch sử, mà nó đã ghi dấu nặng nề lên cuộc đời bà, cướp đi người thương yêu nhất của bà. Nỗi đau, sự mất mát và sự cô đơn của bà vẫn còn mới như thể cuộc chiến vừa mới kết thúc ngày hôm qua.
Tôi thương tiếc những người lính đã ngã xuống; tôi cũng yêu quý những người lính trở về nhà với những vết thương trên cơ thể hoặc ở trong tâm hồn. Nhưng trên hết, tôi thương bà Laurence và những người quả phụ khác đang mòn mỏi trông chờ người yêu, người chồng trở về.
Không mấy ai nhắc đến những người phụ nữ này, và họ cũng không có một ngày để tôn vinh hay được tặng một tấm huân chương cao quý nào cả. Nhưng họ thật dũng cảm khi gánh chịu một nỗi đau tinh thần quá lớn như vậy.
Một hôm, tôi đến thăm bà Laurence và nghe bà kể lại câu chuyện về ông John. Bỗng nhiên, bà hỏi tôi: “Cháu giúp bà một việc được không?”. Bà nói và đặt bàn tay lên vai tôi: “Cháu có thể nhớ đến John của bà được không? Cần phải có ai đó nhớ tới ông ấy chứ!”. Giọng bà run run.
“Cháu sẽ nhớ ông John có mái tóc màu lá sồi tháng mười”. Tôi nói: “Hai ông bà đã gặp nhau khi mới mười bảy tuổi. Hai người thường đi dạo trong rừng, ông rung những cành cây và tuyết rơi xuống người bà, và cả hai hứa sẽ yêu nhau mãi mãi”.
“Phải, phải”. Bà thở dài và mỉm cười buồn bã: “Cháu nhớ kỹ lắm! Giờ thì bà yên tâm vì đã có một người luôn nhớ đến John của bà. Bà cảm ơn cháu”.
Trân Tâm dịch
Theo Chicken Soup for the Soul