Thanh Vân ở tòa án về trong lòng hớn hở: vui mừng; cái án ly dị tòa xử cho nàng hoàn toàn đắc thắng: nàng được kiện; được nhà, được con...
Ðược nhà, nàng cũng chẳng cần, vì nàng giàu. Ðược nuôi con, nàng cũng không thích, vì nàng có yêu gì thằng con mang tên họ người cha mà nàng ghét. Nhưng nàng sung sướng, vì đã làm cho người chồng khốn nạn kia khổ sở về đường vật chất vì nỗi khánh kiệt gia tài, khổ sở về đường tinh thần và bản án ly dị đã phải xa lìa đứa con yêu.
Ðó là cách trả thù kẻ đã không biết làm cho nàng được hưởng hạnh phúc vật chất của thế kỷ vật chất này. Hai năm trước, nàng lập kế biệt cư để lệnh nửa tháng lương của chồng cũng chỉ có mục đích trả thù. Chồng nàng cáu tiết đã xin từ chức tham tá để khỏi nộp vợ mỗi tháng chín chục đồng. Chồng nàng xin từ chức, tức xin ly dị.
Trên con đường từ tòa án về nhà, Thanh Vân mủm mỉm cười thầm, tưởng tới cái cảnh nghèo nàn của người chồng đáng ghét.
***
Về tới nhà, Thanh Vân vào phòng ngủ, khóa trái cửa lại rồi nằm vật trên giường, cười lăn lộn, cười sặc sụa, rồi cười điên rồ, cười chảy nước mắt nước mũi. Bỗng nàng im bặt. Nàng vừa thoáng thấy mình trong gương cái mặt dữ tợn, bộ răng nhe ra như ác thú, cặp mắt sáng quắc, long sòng sọc như cặp mắt con diều hâu đứng rình bắt con chim.
Nàng giật mình nghĩ thầm: "cái cười của sự sung sướng, tàn nhẫn đến thế ư?... Hay đó chỉ là lạc thú của sự báo thù?" nét mặt bỗng đổi ra rầu rầu, rồi nàng ngắm trong gương thấy mình xấu, thấy mình già, thấy mình hết cả kiều mỹ của thanh niên năm nay mới hăm ba hăm bốn.
Nàng vừa sợ hãi, vừa xấu hổ đứng trang điểm rồi ung dung mở cửa bước ra phòng ngoài.
Thốt nhiên Thanh Vân mỉm cười, vì vừa trông thấy đặt trên bàn một tờ báo mà nàng thích đọc, tờ tuần báo. Mở tới mục "tiếng cười" ra đọc, nàng ôm bụng cười, cười như nắc nẻ, cười ngặt nghẹo. Cái cười này khác hẳn cái cười ban nãy, không liên lạc đến sự đau đớn của kẻ khác, không giấu một tư tưởng châm biếm, không ngụ một ý nghĩ sâu xa, cái cười thẳng thắn của loài người.
Ðã hơn một năm nay, từ ngày bắt đầu có mục "tiếng cười" dưới ký tên Bích Ðộng, Thanh Vân không thứ bảy nào là không đọc và không vần nào đọc mà không cười ngất.
Những khi nhàn rỗi, ngồi buồn, nàng lại mở mục "tiếng cười" ra đọc lại. Rồi dần dần trong lòng sinh mối cảm tình đối với tác giả. Trước còn yêu văn, sau yêu người, chỉ ao ước được gặp mặt người đã viết lên những áng văn vui, tình tứ ấy. Ðiều đó có lạ chi đối với những khối óc trẻ, ham yêu. Một việc không quan hệ, một câu nói pha trò, một nụ cười ngớ ngẩn, một mảy may cũng có thể gợi mối cảm tình trong giây phút.
Nhiều lần đọc xong, nàng gập tờ báo lại, ngồi nghĩ vơ, nghĩ vẩn, nghĩ tới tính nết khó chịu, dung mạo kín đáo, thái độ nghiêm khắc của chồng. Những lúc ấy nàng cảm thấy nàng yêu nhà văn có trí thức cao sâu bao nhiêu thì nàng lại ghét anh "chồng gàn" của nàng bấy nhiêu, cái anh chồng cả ngày chỉ cặm cụi trên quyển sách dầy, không tưởng gì đến lạc thú.
Nhưng Bích Ðộng là ai? Thanh Vân đã làm đủ cách vẫn không biết tên thực và hình dáng tác giả, nào hỏi dò chị em bạn, nào vờ lên tòa soạn trả tiền. Song không bao giờ nàng gặp mặt, vì nghe như tác giả chỉ gửi bài lại nhà báo chứ không đến đó làm việc.
***
Vậy Bích Ðộng là ai?
Nào phải ai? Bích Ðộng chỉ là một biệt hiệu của Văn Lâm, người chồng ly dị của Thanh Vân.
Văn Lâm lấy Thanh Vân được một năm thì tấn bi kịch gia đình luôn luôn khai diễn. Không phải vì thiếu tiền đâu. Có lẽ tại vì nhiều tiền quá. Văn Lâm thấy vợ giễu và hay khoe của nên lấy làm khó chịu.
Chàng lại có tính hay nghĩ ngợi, cứ tưởng người ta cho mình vì ham của mà lấy Thanh Vân. Rồi đối với vợ chàng sinh ra lãnh đạm, để tỏ rằng mình không thiết tiền.
Từ lãnh đạm tới ác cảm con đường thực không xa.
Trong gia đình mà đã có sự ác cảm, chồng ác cảm vợ, vợ ác cảm chồng, thì chỉ còn một cách là bỏ nhau.
Kể ra, Văn Lâm cũng muốn bỏ vợ cho xong chuyện đi.
Không yêu vợ nữa, chàng không nỡ để một người đàn bà kia vì chàng mà không được hưởng hạnh phúc gia đình.
Chàng chỉ muốn buông tha người ta ra cho người ta được tự do muốn lấy ai thì lấy. Ðã không ưa nhau thì ở với nhau làm gì?
Người vợ thì không nghĩ thế. Bỏ thì nàng vẫn quả quyết bỏ. Nhưng nàng có ý báo thù kẻ đã tiêu diệt một đời thanh xuân của nàng. Nàng lập tâm làm cho chồng nàng đau đớn, khổ sở khốn nạn, nàng mới hả giận.
Một sự lạ xảy ra trong đời Văn Lâm.
Từ khi vợ làm khốn đốn, chàng bỗng trở nên một người vui tính. Mỗi tin buồn - bất cứ xa con, mất nhà - như một xúc động làm một đóa hoa trong trí thức, trong tâm hồn chàng. Chàng vui thật chứ không phải giả dối.
Anh em bạn thân thấy chàng nô đùa luôn mồm, khôi hài luôn mồm, chơi bời phóng đãng, thì lấy làm lo buồn, cho rằng chàng chôn sầu muộn vào trong lạc thú cho qua thời khắc.
Rồi chàng bị quẫn bách: không công việc làm, hết tiền nuôi thân, hết tiền trả học phí cho cháu, đứa cháu mồ côi cha mẹ.
Một hôm, bụng đói, không nhà, lang thang trên đường phố vắng, chàng nghĩ chuyện đời mà cười tức bụng.
Bỗng một ý kiến mở ra trong trí...
Từ đầu tuần lễ ấy, trên tờ báo Thọ Hà, mỗi chiều thứ bảy, độc giả đua nhau coi mục "tiếng cười" của chàng Bích Ðộng.
Cái cười tự tim ra chàng đăng in lên mặt báo để cùng anh em cùng cười.
Ðó chẳng phải cách trả lời có nghĩa lý sâu xa, êm đềm đối với sự báo thù nhỏ nhen của người vợ chăng?
Viết báo nay đối với Văn Lâm đã thành một sự cần thiết.
Mỗi một nụ cười chàng moi ở trong tim ra, ở cái đời éo le, khốn nạn của chàng ra, chàng đem đổi lấy cơm áo cho chàng, lấy học phí cho cháu.
Nhưng sự rất lạ, rất quý, mà nụ cười ấy đã mua được, mà chàng không ngờ tới, là ái tình của người vợ ly dị, là cái cảm tình để thù oán chàng.
Còn Thanh Vân, nàng cũng không ngờ đâu, rằng người đã làm cho nàng vui, người đã được nàng yêu, lại chính là kẻ mà nàng ghét, mà nàng đã cố làm cho khổ sở.