Ngày nay ngắm chim vàng khuyên tự do nhảy ngót trên cành, tôi không khỏi bùi ngùi hối hận. Là vì tôi nhớ tới một sự thê thảm đã xảy ra.
Hôm ấy, một buổi sáng cuối thu, trời vừa bắt đầu lạnh lại thêm có mưa phùn gió bấc trông như cảnh tháng chạp về gần tết vậy.
Chẳng biết làm gì, táy máy tôi lấy củi đốt lò sưởi ngồi nhìn lửa cháy và nghe than nổ rắc rắc cho vui.
Sự sung sướng - cái sung sướng êm đềm, lười biếng - như cùng khí nóng tiết ở các thớ củi ra mà theo hơi thở thấm vào trí não, tâm hồn tôi. Ngồi gác chân lên bàn giấy, tôi mỉm cười nhìn khói thuốc lá từ từ tản man bay lên trần, và tôi cảm thấy lòng tôi khoan khoái nhẹ nhàng.
Tôi vẫn định hút hết điếu thuốc là đi làm việc liền vì cuốn tiểu thuyết của tôi đã mấy hôm ròng không hơn một chữ. Nhưng gần hết điếu thuốc ấy thì lơ mơ nhưng không tưởng tới tôi đã đánh diêm hút điếu thuốc khác.
Tờ báo hôm trước, ai xem xong để mở trên bàn. Tôi uể oải đưa tay ra với lấy. Ðọc hết trang đầu nhưng bởi tâm trí tôi đầy những sung sướng không đâu, nên những tư tưởng ở ngoài không có lối lách vào được nữa...
Ðể mắt tới hàng chữ lớn "Có bão ở Vịnh Bắc Kỳ", thốt nhiên, tôi nhìn cảnh mưa phùn, gió bấc, lá rơi đập vào cửa kính đóng, tiếng kêu tý tách, và tôi tìm hiểu vì đâu trong những chuỗi ngày bình tĩnh lại bỗng xảy ra một ngày mưa gió như kia! Há chẳng phải trận bão rớt đó chăng?
Rồi tôi nghĩ tới những người bị nạn, khổ sở; những cảnh nhà đổ trước mắt tưởng tượng của tôi, rõ ràng hoạt động.
Bên ngoài gió thổi vù vù, màn mưa thướt tha che mờ cửa kính. Lá vàng bay tựa những chiếc thuyền trôi giạt trên làn sóng thảm.
Trong lò lửa than âm ỉ...
Bỗng thấy tiếng chíp chíp nho nhỏ dưới chân ghế, tôi cúi nhìn xuống: Một con chim non ướt lướt thướt đương xù lông, run lập cập.
Trong lúc mơ màng thương xót những kẻ bị khốn trong cơn giông tố ở chốn xa xăm, lòng trắc ẩn của tôi tưởng tượng con chim ra một người thoát nạn vào đây ẩn núp.
Tôi rón rén đưa tay ra bắt, con chim chỉ chiêm chiếp kêu mà không bay không nhảy. Có lẽ nó sợ hãi quá, có lẽ ban nãy một cơn gió mạnh đã phá tan ổ nó, và nó đã rơi xuống cùng với cái nệm êm ấm của mẹ nó đã làm.
Nằm trong lòng bàn tay tôi, con chim vàng khuyên, vì kẻ bị nạn là một con chim vàng khuyên, vẫn run lẩy bẩy, vẫn kêu chiêm chiếp. Lương tâm tôi thì thầm bảo tôi rằng tiếng kêu ấy là tiếng cám ơn của con vật ngây thơ.
Tôi lấy tờ báo gập lại dùng làm cái mền, xúc ít tro ấm trong lò, rồi tôi đặt kẻ chịu ơn tôi nằm lên trên. Bấy giờ con chim được sưởi đã hoàn hồn, nó không chịu nằm yên một chỗ, vừa kêu vừa nhảy dưới gầm bàn, gầm ghế.
Vì nhà có mèo, tôi sợ con chim xinh xắn kia gặp nạn một lần thứ hai, tôi liền đứng dậy săn nó khắp trong phòng, bắt kỳ được mới nghe. Tôi chỉ muốn nó được sống, được thoát nạn, dầu nó tưởng nhầm rằng tôi dữ tợn đuổi bắt nó, tôi há cần chi? Thi một điếu thiện với ai, ta có e gì kẻ kia không ưa, không muốn?
Tôi lấy cái lồng bàn nhỏ úp lên con chim, định bụng khi nào tạnh mưa im gió, tôi sẽ thả nó lên cây. Sự làm ơn của tôi thực đã chu đáo.
Vào buổi trưa, khi trời quang đãng, khi ánh sáng một ngày thu tốt đẹp đã trở lại rực rỡ, trong trẻo tiếng chim trưa hót, nhảy nhót trên cành, khiến tôi nhớ tới sự giải phóng con chim vàng khuyên của tôi, chưa đủ lông đủ cánh, chỉ biết kêu, biết nhảy, mà chẳng biết bay. Lòng sính làm phúc của tôi nghĩ đến tìm con chim mẹ mà giao trả lại con. Song trong trí tôi hiểu ngay là vô lý, và làm tôi phải tức cười.
Tôi liền mua một cái lồng nhỏ, thả con chim của tôi vào, chờ vài hôm, nửa tháng, khi nó đủ sức biết bay tôi sẽ trả tự do cho nó. Thiết tưởng cũng chẳng muộn gì...
Ở đời người làm ơn bao giờ cũng sung sướng hơn người chịu ơn. Ðó là do lòng tự phụ của ta hay đó là một bản năng thiên nhiên của loài người để giúp đỡ nhau trong sự bảo thủ. Tôi không biết, mà tôi cũng không biết cái tính tự phụ trong sự thi ân và cái tính tự coi mình bị khuất phục trong sự thi ân có sẵn trong loài chim vàng khuyên chăng. Tôi chỉ biết rằng từ hôm tôi tưởng cứu sống được một con vật yếu ớt thì tôi lấy làm sung sướng lạ lùng, còn trái lại, con chim vàng khuyên, kẻ chịu ơn tôi, thì ra chiều tức tối giận dữ tôi lắm. Không một lần nào, khi tôi lại gần để cho nó ăn, nó thân chào tôi bằng tiếng chiêm chiếp ngây thơ buổi đầu gặp gỡ, nó bay nhảy huyên thuyên, đạp phá then công để tìm lối trốn ra.
Mà tôi, thì nào tôi có vẻ dữ tợn cho cam. Tôi vẫn tươi cười, se sẽ hút sáo, để khiến cho con chim yêu quý lầm tôi là đồng loại với nó. Thật ra, tôi rất mến nó, tôi thương nó, tôi ân cần săn sóc nó. Tôi nghĩ hết cách, làm hết mọi việc dù là cỏn con mà tôi đoán là sẽ làm cho nó vui lòng. Cái công nó ở bao giờ tôi cũng lau chùi cho được sáng sủa.
Trong cái nắp hộp kem tí hon, bao giờ nước uống cũng trong sạch. Trước kia bất cứ thứ hoa quả hay bánh mứt gì tôi đang làm thức tráng miệng cũng được: Tôi vẫn có tính dễ dãi. Ngày nay vì con chim của tôi, tôi bảo bếp bữa cơm nào cũng phải có chuối tiêu là thứ quà mà loài chim khuyên rất ưa, rất thích, vì thế con chim yêu quý của tôi mỗi bữa được ăn một mẩu chuối mới, vừa thơm vừa sạch.
Một sự lạ, nghĩa là lạ cho tôi? Tôi càng ân cần săn sóc tới con chim bao nhiêu, nó càng tỏ lòng căm tức tôi bấy nhiêu. Buổi đầu, lúc tỳ tay lên lan can tôi đứng sát công, tò mò ngắm nghía, nó mới đạp, nhảy, phá phách. Một tuần sau, hễ thoáng thấy bóng tôi trong nhà bước ra hiên ra nó bắt đầu công lộn rồi. Ðến lúc về sau tôi sinh sợ hãi nó. Lòng sợ hãi ở lòng thương kia mà ra: Tôi không muốn vì tôi mà kẻ chịu ơn bị xây chân, rụng lông, sứt mẻ. Buổi sáng, bắt buộc phải ra thay nước, thay chuối cho nó, tôi làm các công việc ấy rất mau, rồi lại chạy vội vào trong nhà đứng nấp sau bức rèm ren nhìn ra.
Con chim đưa mắt nhìn quanh mình tưởng thấy bóng đêm bấy giờ nó mới chịu ăn chịu uống.
Một tính tình trái ngược nẩy ra trong lòng tôi. Con chim xinh đẹp càng ghét tôi, tôi lại càng yêu nó. Nửa tháng sau, tôi tưởng chừng hai chúng tôi không thể rời nhau ra được. Tôi nhớ lời hứa của tôi, tôi nghĩ tới ngày tôi sẽ giải phóng cho nó mà tôi buồn rầu lo lắng.
Tôi đã quen đứng sau bức rèm ren, nghe tiếng chiêm chiếp ngây thơ của nó, thì nó nhẹ nhàng nhảy nhót trên cái cầu tre bắc trong công. Khi nó biết bay, và giữ lời hứa tôi thả nó ra thì sao khỏi có một chỗ trống trong đời tôi. Sáng nào cũng vậy, vừa ngủ dậy, ở trên giường bước xuống dép là tôi chạy ra ngắm con chim của tôi trọn gần nửa giờ, vậy khi nó xa cách tôi thì trong mẩu đời ấy của một ngày dài đằng đẵng tôi sẽ làm cái gì?
***
Một buổi sáng, mở mắt thức giấc, tôi nhận thấy một sự phi thường mới xảy ra. Mọi khi, tôi có đến gần nó mới phá phách, thế mà sáng hôm ấy, con chim nhu mì bỗng dưng làm ầm y như điên như cuồng. Thì ra trên cây sấu, lá xanh rũ bên hiên, có hai con chim vàng khuyên đang vui vẻ tí tách chuyền cành, nên con chim của tôi muốn sổ công ra với bạn.
Tôi tức giận, nên đuổi hai con vật ranh đến làm mất sự bình tĩnh và có lẽ sự sung sướng của kẻ mà tôi sẵn lòng yêu thương, săn sóc.
Trong khi ngắm cành lá um tùm, tươi tốt, rung động trong bầu không khí trong trẻo lênh láng ánh sáng quang minh, tôi lại quay nhìn cái lồng trơ trọi chật hẹp không một chút mỹ thuật, mà tôi nhốt con vàng khuyên. Tôi là kẻ xưa nay vẫn thích cảnh đồi, cảnh núi, cảnh nước chảy mây bay, cớ sao tôi lại nhẫn tâm nhốt một con vật xinh xắn, nhanh nhẹn vào trong cái nhà tù kia được?
Tôi vụt nhớ tới, và quả quyết mở cửa công giải phóng con chim. Thốt nhiên, tôi buông một tiếng thở dài; tôi tiếc cái thời kỳ sum họp của chúng tôi. Thực tôi nói ra, có lẽ không ai tin, nhưng tôi đã quen coi con chim vàng khuyên của tôi như một người bạn tôi, tôi đã làm đủ thứ để mua chuộc lòng bạn tôi, để mong bạn tôi, không bao giờ muốn tự ý rời tôi ra. Nhưng mà! mà, than ôi! Tôi còn biết làm những gì để được bạn nhớ tới lưu luyến?
Tôi buồn rầu rút cửa công lên, rồi tôi lại vội sập cửa công xuống. Rồi tôi thì thầm thành thật nói với con chim: "Thôi ta khất đến tuần lễ sau."
Buổi trưa, tôi loay hoay lấy cành sấu mềm xuống, buộc vào thân cây cọ đã sẵn có một cành khô mộc rất đẹp mà tôi cho leo từ xưa. Tôi treo lồng chim ở đó, cho lá khô mộc rũ lòng thòng qua then tre, như thế, dẫu bị nhốt, con chim của tôi vẫn được sống trong cảnh thiên nhiên. Ấy là vì tôi tưởng thế và tôi tưởng chắc "bạn tôi" sẽ được vui lòng.
***
Ðau đớn biết bao! Tôi hối hận biết bao! Một buổi sáng, ra hiên coi, tôi thấy con chim vàng khuyên của tôi đã chết nằm trên những nan tre, hai chân màu nâu thẫm giơ lên và co quắp như chân con chim quay, cái đầu tý hon nghiêng về một bên, cặp mỏ vẫn ngậm khít và có một tia máu đen chảy ra mép. Hai cánh nó rã rời xõa ra. Có lẽ nó mới biết bay và trong khi nó thử sức bộ cánh của nó, nó đã quá văng mạnh mình vào then lồng đến hộc máu tươi ra đằng mồm mà chết.
Trời ơi! Có thể như thế chăng? Có thể cái vỗ cánh thứ nhất tập bay chuyền trong lồng là nguyên nhân cái chết kia?
Trời ơi! Có thể như thế được chăng? Có thể cái ngày tôi hy vọng được cùng con chim nhỏ của tôi mãi mãi gần nhau lại là ngày nó cùng tôi vĩnh biệt. Phải, chiều hôm trước một người bạn chơi chim đã đến cho tôi một cách thần hiệu để giữ con chim ở mãi với tôi mà không cần đến lồng, đến dây buộc. Tôi cứ cho nó ăn bánh đậu xanh và dầu có thả nó ra, đến bữa nó cũng phải mò về. Thành thử tuy được tự do bay nhảy trên cây mà với mình nó vẫn còn có tình lưu luyến.
Tôi mừng quýnh, và buổi tối, tôi đã vội ra phố hàng Bạc mua một phong bánh đậu mùi va ni sức nức thấm qua lần giấy áo bọc ngoài.
Thế mà nó chết nó chẳng sống mà ăn bánh đậu của tôi.
Hay có tâm linh báo cho nó trước, nên nó không muốn để tôi lừa dối?
Thế là hết, thế là từ nay mỗi sáng tôi chẳng còn núp sau cái rèm ren, ngắm nghía nó nhảy trong lồng. Ðứng trước tử thi con chim tôi buồn rầu bồi hồi và tôi hối hận.
Tiếng chiêm chiếp của đàn chim sâu, chim sẻ ở trên cành cây sấu càng làm tăng tình thương xót trong lòng tôi. Sự xum họp của chúng tôi vừa được ba tuần lễ.
Từ hôm ấy, mỗi khi ngồi bên lò sưởi, tôi lại nhớ tới buổi sáng cuối thu, u ám gió bấc mưa phùn cái buổi bão rơi đã gợi lòng trắc ẩn của tôi đối với nhân loại, đối với vạn vật.
Ngồi nhìn lửa cháy trong lò, nghe tiếng nổ rắc rắc tôi liên miên nghĩ tới những sự thiện, ác của loài người.
Tôi tin rằng con người vốn sẵn có lòng tốt.
Song chỉ có lòng tốt liệu đã đủ chưa? Có khi vì bản tâm tôi tốt, vì tôi sốt sắng làm điều thiện quá mà tôi gây nên toàn những sự tai hại, cũng chưa biết chừng.
Ðối với con chim vàng khuyên, bản tâm tôi chỉ muốn cứu sống. Khi lòng trắc ẩn hiện ra trong tâm hồn tôi, tôi có ngờ đâu một ngày kia nó sẽ đổi ra tình lưu luyến. Tình lưu luyến ấy chỉ là lòng ích kỷ, nhưng nào có nghĩ tới.
Lòng tốt của tôi khiến tôi ân cần săn sóc đến sự ở sự ăn, sự uống của con chim, tưởng như nó không còn thiếu một thứ gì. Tôi có ngờ đâu rằng đời con chim không phải chỉ có sự ở, sự ăn, sự uống. Trời đã sinh ra nó có đôi cánh, thì nó phải dùng để bay. Không được bay thì nó chết.
Cho hay ta muốn thi ân cùng ai mà ta không xét tới nguyện vọng, tới lòng sở thích của người ta thì sự thi ân của ta chỉ gây nên oán, nào có ích gì.
Nhìn lửa cháy trong lò, nghe tiếng nổ rắc rắc, tôi buồn rầu ngẫm nghĩ.