Một buổi chiều cuối năm, tôi lên thành phố Bắc Ninh thăm anh Thụ. Lâu rồi anh em không gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện nổ như ngô rang, mà chỉ chuyện xửa xưa, cái ngày “ăn bom, uống đạn” ở chiến trường.
Cũng lạ, ở cái tuổi bảy mươi vừa thương tật, vừa di chứng sốt rét ác tính vậy mà anh vẫn nhanh như cái thuở lính trinh sát. Nghe nói có lúc anh còn xỏ giày đá bóng với đám thanh niên trong phường.
Vẫn cái chất giọng hào sảng, Thụ nói: “Tớ đọc Chuyện về những ngôi nhà hòa hợp của cậu đăng trên Sự kiện và Nhân chứng số Tết năm Bính Thân rồi. Trong “ngôi nhà” ấy có nhiều chuyện lắm. Mỗi cuộc gặp gỡ giữa hai bên là mỗi cuộc đấu lý, đấu trí, đấu khẩu… với nhau. Có những lúc căng muốn vỡ đầu, nhưng có những lúc vui như buổi tập văn nghệ tiểu đoàn bộ vậy. Nhất là các buổi đọc thơ, bình thơ… có lẽ cậu nên viết thêm…”.
Nhớ lời anh, hôm nay tôi kể lại câu chuyện đọc thơ trong “Ngôi nhà hòa hợp”. Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin nhắc lại lần nữa về “Ngôi nhà hòa hợp”. Đó là một sáng kiến của Trung đoàn Phú Xuân chúng tôi vào những năm cuối của cuộc chiến tranh giải phóng trên chiến trường Thừa Thiên-Huế. "Ngôi nhà hòa hợp" làm bằng tre, nứa thường được đặt dưới chân đồi hoặc giữa yên ngựa giới tuyến của hai điểm chốt. Là nơi thứ sáu hằng tuần, những người lính Quân Giải phóng và người lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) gặp gỡ trò chuyện, đối thoại hòa bình với nhau, không bên nào được sử dụng vũ khí đe dọa nhau. Ngày đó còn được gọi là “Ngày thứ sáu đình chiến”. Mỗi buổi gặp gỡ đều được thống nhất chủ đề trước. Tuy nhiên các cuộc gặp, tiếp xúc thông thường bị văn nghệ hóa. Giữa chiến trường, sau những cuộc đụng đầu quyết liệt, dường như những người lính hai bên gặp nhau chỉ muốn nói chuyện với nhau về quê hương và tuổi thơ, ước mơ và hoài bão khi đất nước không còn chiến tranh, không còn chia cắt. Có lẽ ý tưởng đọc thơ, bình thơ nảy ra trong “Ngôi nhà hòa hợp” từ khi ngày gặp nhau được gọi là “Ngày thứ sáu đình chiến”.
Buổi chiều hôm ấy, cũng anh Thụ phụ trách bên ta, chúng tôi mỗi người đều chuẩn bị vài ba bài thơ mà mình yêu thích. Buổi đầu tiên nên phải bốc thăm, và bên VNCH được đọc thơ trước.
Anh lính VNCH đứng lên với vẻ mặt đầy tự tin, anh rút trong túi quần ra một tờ giấy chép sẵn một bài thơ. Trong không gian tĩnh lặng chiều hôm ấy, anh cất giọng đọc. Bài thơ có tên là “Giã từ” hay “Tạ từ” tôi không kịp nhớ và cũng không nhớ tên tác giả. Tôi khoắng bút lia lịa nhưng cũng chỉ được mấy khổ thơ. Hơn bốn mươi năm rồi, hôm nay giở lại quyển nhật ký đã ố nhòe nhưng màu mực Cửu Long còn tươi, còn đọc được.
Người lính VNCH vừa đọc được khổ đầu của bài thơ, anh Bình ngồi bên cạnh tôi đã nhấp nhổm. Khi anh lính đọc đến khổ thơ thứ hai: … Giã từ nhé những năm dài quân ngũ/ Ta trở về tâm sự với hư không… thì Bình cấu vào đùi tôi đau điếng, nhưng anh vẫn không thể tỏ thái độ được. Người lính VNCH lại đọc: … Chiều lãng đãng che mờ khung cảnh cũ/ Rượu ngấm men rồi hồn đau mênh mông… thì Bình nhổm đứng dậy. Nhưng may sao anh Thụ kịp kéo Bình ngồi xuống. Anh quay sang nói với Bình và tôi: “Nghe hay không là việc của mình. Phải tôn trọng người ta, để cho họ đọc xong bài thơ, xong rồi còn bình thơ nữa cơ mà”. Anh lính dừng đọc khổ thơ và nhìn bên ta một lượt, sau đó anh lại tiếp: Ta trả lại bãi sa trường choáng váng/ Trả đau thương giờ khắc nặng nề trôi/ Ta trả lại những vùng sâu lửa đạn/ Môi khô cong muốn nói chẳng nên lời… Còn mấy khổ thơ nữa nhưng lúc đó không ghi kịp, tối ấy về hầm chốt tôi chép vào nhật ký theo trí nhớ. Anh lính đọc xong bài thơ, không gian trong “Ngôi nhà hòa hợp” dường như đặc lại, u tịch hơn. Bên kia mời chúng tôi bình trước, nhưng như đọc được suy nghĩ bên ta, anh Thụ nói: “Bài thơ chứa đầy tâm trạng u uất, bế tắc và không có lối thoát, nếu bây giờ mà bình hẳn chưa hợp, có lẽ chúng tôi đọc xong thì chúng ta sẽ bình sau”.
May quá, vừa thay đổi không khí, vừa như “hạ được cơn bốc hỏa” trong người, anh Bình đứng dậy. Anh từ tốn và điềm tĩnh hẳn, khác với lúc nghe người lính VNCH đọc thơ. Bình không phải chép thơ ra giấy, anh là sinh viên Văn khoa năm thứ tư, Trường Đại học Sư phạm Vinh, nên có thể nói anh là một túi thơ. Cũng không cần phải dẫn nhiều lời, với chất giọng Quảng Bình, anh nói: “Tôi xin đọc bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ. Nguyễn Mỹ là một chiến sĩ, là đồng đội của chúng tôi. Người chiến sĩ nào ra trận cũng đều có giây phút chia tay cha mẹ, bạn bè, người thân, nhưng cái độc đáo của cuộc chia ly này ở chỗ Nguyễn Mỹ đã tạc vào không gian chiến tranh cuộc chia ly của một cặp vợ chồng trẻ khiến cho người đọc, người nghe cảm nhận cuộc chia ly là một “Bản tình ca lửa cháy!”.
Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng…
Hơn chục người lính của cả hai bên im phăng phắc khi Bình vừa cất giọng.
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa.
Một cô gái trẻ tiễn chồng ra trận làm sao không rơi nước mắt và dường như cô không giấu những giọt nước mắt đầy kiêu hãnh tự hào…
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi…
Bình dừng lại, dường như anh đã nhận thấy sự xúc động trong những khóe mắt bên kia của người lính VNCH, giọng anh hạ xuống thì thầm:
Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…”
Bấy giờ không gian trong “Ngôi nhà hòa hợp” dường như vừa có cái gì thiêng liêng và sâu lắng vừa như rạo rực hơn, và Bình đã say thơ, anh đọc luôn một mạch:
… Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly…
Một tiếng vỗ tay và kéo theo hơn một chục bàn tay vỗ rền như pháo. Bình kéo tôi đứng dậy. Tôi nói thêm: “Các bạn biết không, Nguyễn Mỹ quê ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Anh là đồng đội của chúng tôi. Khi anh Bình đọc “Cuộc chia ly màu đỏ” thì Nguyễn Mỹ đã hy sinh năm 1971. Anh bị phục kích trên bờ sông Đăk Tu, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam…”.
Vài phút lặng đi như hồi tưởng, chúng tôi lại chia kẹo, hút thuốc hai bên mang đến. Không bên nào nói với bên nào và sau đó không có cuộc bình thơ nữa. Có lẽ chỉ cần nghe hai bài thơ, những người lính đã cảm nhận được bài thơ như một tuyên ngôn về “lý tưởng cầm súng” của người lính mỗi bên chiến tuyến rồi.
Thiếu tướng HỒ ANH THẮNG