Đưa con vào một lịch sinh hoạt phù hợp
Món quà E.A.S.Y
Mỗi người thường có một thói quen riêng, có thể dậy vào một giờ nhất định và trình tự hoạt động một ngày là không thay đổi: tập thể dục, tắm, ăn sáng, đi làm. Và khi cái trình tự đó bị phá vỡ, một ngày của bạn sẽ bị đảo lộn và bạn cảm thấy không ổn chút nào. Tương tự, bạn có thể ăn trưa vào một giờ nhất định, ăn tối cũng vậy, kể cả kết thúc ngày làm việc, cách bạn đi ngủ có thể cũng là những trình tự cố định và không thay đổi mỗi ngày. Cái đó là thói quen các bạn ạ, và nếu một trong những thứ đó bị lệch đi, bạn thấy đói cồn cào, mệt thậm chí mất ngủ và như bị lạc lối không biết phải làm gì.
Thường thì mọi người có nhu cầu về nếp sinh hoạt khác nhau. Có những người mọi sinh hoạt trong ngày của họ đã được lên sẵn từ trước. Nhưng cũng có những tâm hồn tự do thích phản ứng theo bản năng. Nhưng ngay cả những “người ngẫu hứng” cũng thường phải có một nếp sinh hoạt nào đó trong ngày. Tại sao? Vì con người, cũng như hầu hết những loài động vật khác, đều phát triển khi biết bằng cách nào và khi nào các nhu cầu của họ được đáp ứng và biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tất cả chúng ta đều muốn biết chắc một chút về cuộc sống của mình.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng như vậy. Khi một bà mẹ đưa con từ viện về nhà, tôi thường gợi ý thực hiện nếp sinh hoạt ngay lập tức. Tôi gọi nếp sinh hoạt đó là E.A.S.Y, từ ghép các chữ cái đầu để chỉ một chuỗi các sự kiện đã được định trước, phản ánh cuộc sống của con người: Eat – ăn, Activity – hoạt động và Sleep – ngủ, việc này đem lại cho bạn – You – thời gian thư giãn. Đây không phải là thời gian biểu, vì bạn không thể ép con đúng giờ. Đó chỉ là một trình tự sinh hoạt khiến một ngày được sắp xếp, giúp cho gia đình nhất quán. Điều này là vô cùng quan trọng vì tất cả chúng ta, cả người lớn, trẻ nhỏ, kể cả trẻ sơ sinh, đều phát triển dựa trên những việc có thể định trước. Tất cả mọi người đều có lợi: Trẻ biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các anh, chị, em sẽ có thêm thời gian bên bố mẹ, và những ông bố bà mẹ ít căng thẳng hơn vì họ đã có thêm thời gian cho bản thân.
Thực ra tôi đã thực hiện E.A.S.Y rất lâu trước khi tôi đặt tên cho nó. Lần đầu tiên bắt đầu chăm sóc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 20 năm trước, tôi đã thấy việc có một nếp sinh hoạt rất có ý nghĩa. Trẻ cần được chúng ta chỉ bảo – và duy trì những điều chỉ dạy đó. Việc học hiệu quả nhất khi được lặp đi lặp lại. Tôi cũng đã giải thích tầm quan trọng của nếp sinh hoạt với những ông bố bà mẹ mà tôi đã làm việc cùng, để họ có thể thực hiện khi không có tôi. Tôi lưu ý họ phải đảm bảo để con họ luôn có một hoạt động nào đó sau ăn thay vì đi ngủ ngay, để con họ không đánh đồng ăn với ngủ. Khi con có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra và cuộc sống trở nên êm ả, hầu hết con trở thành đứa trẻ ăn ngoan, nên con có thể học cách chơi một mình trong một khoảng thời gian tăng dần, và con cũng có thể tự ngủ mà không cần bú bình hay bú mẹ, và cũng không cần bố mẹ phải bế ru. Khi những em bé đó lớn lên, biết đi và vào học mẫu giáo, tôi vẫn giữ liên lạc với cha mẹ các bé, và họ vẫn thông tin cho tôi để biết rằng con họ không chỉ phát triển cùng với những nếp sinh hoạt thường nhật đó, mà con còn tự tin vào bản thân và tin tưởng rằng cha mẹ sẽ ở bên khi con cần. Bản thân cha mẹ cũng học được cách nắm bắt những dấu hiệu của con bằng cách cẩn thận quan sát ngôn ngữ cơ thể và lắng nghe tiếng khóc. Vì có thể “kết nối” được với con, họ sẽ cảm thấy được trang bị tốt hơn để xử lý những giai đoạn chông gai trên con đường nuôi dạy con cái.
Với E.A.S.Y, bạn không phải chạy theo con, mà bạn nắm quyền kiểm soát. Bạn quan sát con cẩn thận, kết nối được những tín hiệu của con, nhưng bạn là người đưa đường chỉ lối, nhẹ nhàng khuyến khích con theo những điều bạn biết chắc chắn là sẽ giúp con phát triển: ăn uống, hoạt động ở mức độ phù hợp và sau đó là ngủ điều độ. Bạn chính là người hướng dẫn của con bạn. Bạn đặt ra tốc độ.
E.A.S.Y giúp cha mẹ, đặc biệt là những người lần đầu làm cha mẹ, có được tự tin để biết rằng họ hiểu con, vì họ sẽ nhanh chóng học được cách phân biệt những loại tiếng khóc của con mình.
Tại sao lại thực hiện E.A.S.Y?
E.A.S.Y là trình tự đơn giản để con cùng gia đình trải qua mỗi ngày, bao gồm các chu trình lặp đi lặp lại của mỗi một chữ cái. Các chữ cái E, A và S có liên quan tới nhau – thay đổi một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố còn lại. Dù con có lớn lên và sẽ thay đổi nhưng thứ tự các hoạt động vẫn không thay đổi:
Eat – Ăn. Một ngày của con bạn bắt đầu bằng việc ăn, bao gồm từ việc chỉ ăn sữa tới việc vừa ăn sữa vừa ăn dặm vào lúc 6 tháng. Khi sinh hoạt theo lịch EASY, con sẽ tránh được việc ăn quá ít – hay quá nhiều.
Activity – Hoạt động. Trẻ sơ sinh tự tiêu khiển bằng cách ê a hóng chuyện hoặc đơn giản chỉ là nhìn những vật xung quanh. Nhưng khi con bạn lớn hơn, bé sẽ tương tác nhiều hơn với môi trường và sẽ cử động nhiều hơn. Khi áp dụng nếp sinh hoạt EASY, trẻ không bị kích thích thái quá dẫn đến ức chế thần kinh và khó ngủ.
Sleep – Ngủ. Ngủ giúp con bạn phát triển. Hơn nữa, ngủ đủ vào ban ngày sẽ giúp trẻ ngủ sâu hơn vào ban đêm vì một người muốn ngủ ngon thì phải được thư thái, thoải mái.
Your time – Thời gian của bạn. Nếu con bạn không thực hiện nếp sinh hoạt, thì con sinh hoạt mỗi ngày một khác và không thể đoán trước được. Không chỉ con khổ sở, mà bạn cũng không có thời gian dành cho bản thân.
“Vợ chồng tôi đưa Lily vào nếp E.A.S.Y từ 10 tuần tuổi, và cuộc sống trở nên vô cùng dễ chịu, có kiểm soát và gia đình vui vẻ. Nhờ được ngủ đủ, Lily phát triển nhanh chóng và trở thành một em bé cực kỳ dễ chịu”, trích thư một mẹ gửi tôi. Tôi đã chứng kiến rất nhiều lần khi cha mẹ áp dụng nếp sinh hoạt E.A.S.Y thì họ nhanh chóng nhận ra ngay con họ cần gì và muốn gì vào những thời điểm trong ngày. Giả sử bạn vừa mới cho con bạn ăn (eat/E) và con đã thức được 15 phút (activity/A), sau đó con bắt đầu khó chịu, có thể khóc. Nhiều khả năng là con buồn ngủ (chữ S), vì vậy thay vì cho con ăn để con nín khóc (E), bạn sẽ đặt con vào giường để NGỦ (sleep/S). Ngược lại, nếu con đã chợp mắt được một tiếng (sleep/S), và bạn đã có một chút thời gian cho bản thân (your-time/Y), khi con thức dậy, thì không còn nghi ngờ gì nữa, ngay cả khi con không khóc (nhất là nếu con nhỏ hơn 6 tuần tuổi) thì chắc chắn là con đang đói, bạn cho con ăn (E). Và chu trình E.A.S.Y lại bắt đầu.
Hãy ghi chép!
Cha mẹ ghi chép về ăn ngủ của con họ sẽ ít gặp rắc rối với việc thiết lập và tuân thủ nếp sinh ngay từ đầu. Ghi chép giúp cha mẹ quan sát tốt hơn và có cái nhìn tổng quan về chu trình sinh hoạt của con. Bạn sẽ thấy các qui luật một cách rõ ràng và sự liên quan mật thiết giữa ăn và ngủ: những ngày con ngủ tốt con cũng sẽ ăn tốt hơn, ngoan, ít khóc hơn và ngược lại, những ngày con ăn tốt thì con sẽ ngủ lâu hơn, ngoan và ít quấy.
Khi E.A.S.Y có vẻ khó thực hiện
Khi chuẩn bị viết cuốn sách này, tôi đã đọc lại câu chuyện của hàng nghìn em bé đã cùng tôi đồng hành và các câu hỏi của cha mẹ gửi tôi qua điện thoại, thư điện tử hoặc web. Mục tiêu của tôi là xác định những trở ngại phổ biến mà các bố mẹ thường thiết lập nếp sinh hoạt cho con. Thế nhưng các câu hỏi nhận được lại không về tổng thể của chu trình sinh hoạt EASY, thay vào đó, câu hỏi của họ thường tập trung vào một trong những vấn đề riêng lẻ của từng hành động trong chu trình này, câu hỏi về từng chữ cái hình thành nên E.A.S.Y. Họ có thể hỏi: “Sao con bú trong thời gian rất ngắn?” (E), “Sao con lại quấy và không hứng thú với đồ chơi?” (A) hoặc “Sao con lại dậy đêm nhiều thế?” (S). Trong cuốn sách này, tôi giải quyết một loạt những câu hỏi như vậy và đưa ra gợi ý để xử lý từng vấn đề cụ thể – toàn bộ Chương 3 và Chương 4 được dành để nói về vấn đề ăn uống, còn Chương 5 đến Chương 7 được dành để nói về vấn đề ngủ. Nhưng trước tiên chúng ta cũng cần phải hiểu rằng ba vấn đề này có liên quan và có ảnh hưởng lẫn nhau: chính là nội dung của chương này. Ăn có ảnh hưởng tới ngủ và chơi; thời gian và hoạt động chơi có ảnh hưởng tới ăn và ngủ; ngủ có ảnh hưởng tới ăn và chơi – và đương nhiên cả ba vấn đề đều ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Nếu không có một nếp sinh hoạt định trước thì mọi thứ trong cuộc sống của trẻ đều rối tung lên. Và giải pháp là E.A.S.Y.
Tuy vậy, các bố mẹ vẫn nói với tôi rằng thực hiện E.A.S.Y không hề dễ. Dưới đây là một phần trao đổi của Cathy, mẹ của hai bé, Carl một tháng và Natalie 22 tháng tuổi. Bức thư thể hiện sự bối rối và khó khăn mà cha mẹ hay gặp phải:
Con gái lớn của em, Natalie, ngủ rất ngoan (ngủ từ 7 giờ tối tới 7 giờ sáng, tự ngủ, ngủ ngày tốt). Với Natalie hầu như em không phải “huấn luyện” nhưng với Carl, em cần lịch sinh hoạt mẫu để hướng dẫn cho Carl. Carl bú mẹ hoàn toàn nên em sợ con quen với việc cứ bú mới ngủ, và thi thoảng em không phân biệt được tiếng khóc vì mệt mỏi, đói hay đầy bụng. Em cần một lịch sinh hoạt chung để biết khi nào em nên ở bên cạnh Carl, vì Natalie cũng cần mẹ quan tâm rất nhiều trong ngày! Cuốn sách (đầu tiên) của chị Tracy có nói về bao nhiêu thời gian dành cho từng hoạt động E.A.S, nhưng em thấy khó có thể liên hệ thực tiễn trong ngày và đêm ở gia đình.
Thực ra Cathy rất chủ động khi cô nhận ra vấn đề nằm ở sự không nhất quán, và rằng cô ấy không có khả năng phân biệt các tín hiệu của Carl. Và Cathy biết rằng giải pháp cho vấn đề của mình là thực hiện nếp sinh hoạt. Và cũng như nhiều bố mẹ khác từng đọc về E.A.S.Y, Cathy chỉ cần được củng cố tinh thần và được giải thích rõ hơn. Sau khi tôi nói chuyện với Cathy, chị đã không mất quá nhiều thời gian để đến được thành công, bởi Carl lúc đó mới 1 tháng tuổi, vẫn còn nhỏ để sớm thích nghi với một nếp sinh hoạt mới. Ngoài ra, với xuất phát điểm 3,2 kg khi sinh, tôi chắc chắn cậu bé sẽ không gặp vấn đề gì khi các lần bú cách nhau 2,5-3H (vấn đề này sẽ được bàn thêm sau). Ngay sau khi người mẹ áp dụng cho Carl nếp sinh hoạt E.A.S.Y, chị đã có thể đoán biết chính xác nhu cầu của con. (Xem nếp sinh hoạt mẫu cho trẻ 4 tuần tuổi ở trang 34.)
Tất cả các em bé đều cần có nếp sinh hoạt, nhưng một số thích nghi và ổn định dễ hơn những trẻ khác. Con đầu của Cathy, Natalie, giờ đã biết đi, là một đứa trẻ dễ tính và dễ thích nghi – tôi gọi đó là những em bé Thiên Thần. Điều đó lý giải tại sao cô bé lại ngủ ngoan và ngủ sâu, đồng thời cũng giải thích tại sao Cathy lại không nhớ được làm cách nào cô có thể “huấn luyện” được con như vậy. Nhưng Carl lại là kiểu trẻ nhạy cảm hơn, và tôi vẫn hay gọi đó là em bé Nhạy Cảm. Những đứa trẻ kiểu này, dù chỉ mới 1 tháng tuổi cũng có thể quấy khóc chỉ vì ánh sáng quá chói, hay vì khi cho con bú, mẹ đặt đầu con hơi thấp hơn so với mọi ngày. Như trình bày chi tiết trong Chương 2, tính khí có ảnh hưởng tới cách trẻ phản ứng với mọi thứ trong cuộc sống. Có những trẻ cần được ăn trong yên tĩnh, hoạt động ít kích thích hơn hoặc cần một phòng thật tối để ngủ. Nếu không, trẻ sẽ trở nên kích động thái quá, và sẽ phản ứng chống lại nếp sinh hoạt.
Khi áp dụng với những trẻ dưới 4 tháng tuổi, cha mẹ cũng có thể gặp vấn đề nếu họ không điều chỉnh E.A.S.Y cho phù hợp với điều kiện đặc biệt, ví dụ như sinh non (xem cột thông tin bên lề trang 37) hoặc vàng da (cột thông tin bên lề trang 38) hoặc cân nặng của từng trẻ khi sinh (trang 40). Một số cha mẹ còn hiểu sai cách áp dụng E.A.S.Y. Chẳng hạn, họ hiểu “mỗi 3 tiếng một lần” theo đúng nghĩa đen, và thắc mắc làm cách nào con họ có thể học cách ngủ liền mạch cả đêm được khi mà họ cứ phải đánh thức con 3 tiếng một lần để cho con ăn, và phải có hoạt động gì vào giữa đêm như thế. (Trả lời: không đánh thức và không có hoạt động gì cả, hãy để con ngủ; xem cột thông tin bên lề, trang 29).
Cha mẹ cũng gặp khó khăn với E.A.S.Y khi nghĩ đó là “thời gian biểu” và tập trung vào thời gian hơn là xem xét các “tín hiệu” của con. Nếp sinh hoạt không phải là thời gian biểu. Xin được nhắc lại là: Bạn không thể ép con bạn chạy theo chiếc đồng hồ được. Nếu bạn làm vậy, cả hai mẹ con đều khổ sở.
Nếp sinh hoạt không phải là thời khoá biểu. Thời khoá biểu thì các mốc thời gian là cố định, trong khi E.A.S.Y lại là duy trì trình tự cố định hàng ngày – ăn, hoạt động và ngủ – và lặp lại chu trình đó mỗi ngày. Đây không phải là chúng ta kiểm soát trẻ, mà chúng ta đang hướng dẫn các con cách mà con người – cũng như những loài động vật khác – học về thói quen thông qua việc làm đi làm lại một việc gì đó liên tục và theo trình tự nhất định.
E.A.S.Y là nếp sinh hoạt chỉ thực hiện vào ban ngày
E.A.S.Y không áp dụng cho ban đêm. Trước khi vào giấc ngủ đêm của bé, bạn tắm và thoa kem chống hăm cho con, cho con ăn và cuối cùng là đặt con ngủ. Đừng đánh thức con. Nếu con tỉnh dậy vì đói, hãy cho con ăn, nhưng sau đó lại cho con ngủ ngay. Không cần thiết phải thay tã của con trong đêm, trừ khi bạn nghĩ là con đã ị.
Không ít cha mẹ hiểu sai ý của tôi khi nói “nếp sinh hoạt” thành thời khoá biểu, thường là vì bản thân họ có xu hướng sống theo cách tương tự. Vì thế khi tôi viết về một nếp sinh hoạt gợi ý 3 tiếng cho bé dưới 4 tháng tuổi – ví dụ 7h, 10h, 1h, 4h, 7h tối và 10h đêm – thì nhiều mẹ hiểu đó như thời khoá biểu và xem các mốc thời gian được viết ra là cố định. Và mẹ đó sẽ hốt hoảng nếu hôm nay con ngủ lúc 10:15 và hôm sau con lại ngủ vào lúc 10:30. Bạn không thể ép trẻ sinh hoạt chuẩn như đồng hồ được, đặc biệt là trong 6 tuần đầu tiên. Đôi khi, bạn sẽ có một ngày mọi thứ đều tuân theo nếp sinh hoạt và suôn sẻ, nhưng cũng có những ngày không như vậy. Nếu bạn bận rộn để chú ý đến đồng hồ, thay vì để ý đến con, bạn sẽ bỏ lỡ những tín hiệu quan trọng (chẳng hạn như cái ngáp đầu tiên của bé 6 tuần tuổi, hoặc cái dụi mắt đầu tiên của bé 6 tháng tuổi, có nghĩa là bé buồn ngủ). Sau đó bạn sẽ có trong tay một em bé quá mệt, không thể tự ngủ được, và tất nhiên là sẽ phản ứng lại nếp sinh hoạt vì nếp sinh hoạt đó đi ngược lại nhu cầu sinh lý của bé.
Phần quan trọng nhất của E.A.S.Y là đọc hiểu các tín hiệu của con – tín hiệu đói, mệt, kích thích thái quá – điều này còn quan trọng hơn cả mốc thời gian. Vì thế, nếu một ngày nào đó, con đói sớm hơn hoặc có vẻ mệt mỏi trước “giờ” cho con đi ngủ, đừng để chiếc đồng hồ điều khiển bạn. Hãy để cảm nhận của bạn dẫn đường. Và tin tôi đi, bạn càng nhận biết tiếng khóc và ngôn ngữ cơ thể của con chính xác bao nhiêu, bạn càng dễ dàng loại bỏ những chướng ngại vật cho con trong những chặng đường thăng trầm của quá trình phát triển bấy nhiêu.
Khởi động: Hướng dẫn chung cho từng độ tuổi
Thiết lập E.A.S.Y lần đầu ở các trẻ lớn thường sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là khi bạn không có thói quen sinh hoạt giờ nào việc nấy. Trong cuốn sách này, tôi trình bày kỹ hơn các vấn đề bắt đầu E.A.S.Y sau 4 tháng cho các bậc phụ huynh đã từng thất bại với các phương pháp khác hoặc chưa bao giờ tạo cho con thói quen sinh hoạt theo một lịch trình nhất định.
Áp dụng E.A.S.Y cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau là rất khác nhau. Các trang từ 52 đến 60, tôi trình bày một bản kế hoạch hàng ngày rất hiệu quả cho bé từ 4 tháng tuổi trở lên. Đương nhiên việc áp dụng các phương pháp với con không thể phân loại một cách chính xác và tỉ mỉ. Với mỗi nhóm độ tuổi nhất định lại có những vấn đề riêng. Trong phần tổng kết E.A.S.Y này, tôi sẽ tập trung bàn kỹ về những nhóm tuổi sau đây:
Sơ sinh đến 6 tuần
Từ 6 tuần tới 4 tháng tuổi
Từ 4 tháng tới 6 tháng tuổi
Từ 6 tháng tới 9 tháng tuổi
Sau 9 tháng tuổi
Trẻ phát triển như thế nào?
Một em bé sẽ phát triển từ nằm một chỗ và hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, trở thành một cá thể độc lập có khả năng tự chủ được các hoạt động của chân tay. Lịch sinh hoạt của bé do đó cũng thay đổi, cùng với sự phát triển của con. Quá trình phát triển đó nhìn chung là theo trình tự sau đây:
Sơ sinh đến 3 tháng tuổi: Phát triển phần đầu tới vai, kể cả miệng, cổ bé chắc dần lên giúp bé có thể ngẩng và nâng đầu, và có thể ngồi được nếu được đỡ.
Từ 3 đến 6 tháng: Phát triển từ eo trở lên, gồm cả phần thân, vai, đầu, tay, giúp trẻ có thể lẫy, với và nắm đồ vật, và có thể ngồi mà gần như không cần đỡ.
Từ 6 tháng tới 1 năm: phát triển phần chân, cơ và sự phối hợp các cơ nhuần nhuyễn hơn, giúp trẻ có thể tự ngồi, lẫy ngược, đứng thẳng, bò. Ở mốc 1 tuổi nhiều trẻ đã có thể học đi.
Tôi sẽ liệt kê những miêu tả chung cho mỗi giai đoạn, cùng với những thắc mắc thường gặp và nguyên nhân. Dù những thắc mắc thường tập trung vào vấn đề ăn hoặc ngủ, nhưng giải pháp vẫn trở lại với việc thiết lập hay điều chỉnh nếp sinh hoạt của con. Các con số (trong ngoặc) ở cột “nguyên nhân có thể” chỉ số trang ở các chương mà bạn sẽ tìm thấy những lời giải thích chi tiết về việc cần làm.
Dù con bao nhiêu tháng, bạn vẫn nên đọc hết các phần, vì kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng bạn không thể lập kế hoạch nếu chỉ dựa vào độ tuổi. Trẻ em, cũng như người lớn, là những cá thể riêng. Đôi khi có vấn đề chúng ta gặp ở một em bé 3 tháng tuổi này lại có thể thấy ở một em bé 6 tháng tuổi khác, nhất là đối với các em bé chưa bao giờ có nếp sinh hoạt.
6 tuần đầu đời: Thời gian thích nghi
6 tuần đầu đời là khoảng thời gian lý tưởng để bắt đầu E.A.S.Y, lúc này là E.A.S.Y 3H. Con ăn, sau đó chơi và được đặt đi ngủ. Mẹ nghỉ ngơi khi con ngủ, và khi con tỉnh dậy, chu kỳ đó sẽ lặp lại. Nhưng 6 tuần đầu đời cũng là thời gian có nhiều chuyển biến lớn, đòi hỏi con cần thích nghi. Từ chỗ nằm trong bụng mẹ, ấm, chặt, nhiệt độ ổn định, con không phải “ăn” mà dinh dưỡng tự truyền qua cuống rốn, đột nhiên con được sống ở một nơi hoàn toàn khác, với người đi lại, nhiệt độ không ổn định và quan trọng nhất: con phải tự học cách nạp dinh dưỡng vào người: ti mẹ hay ti bình. Hơn thế, sinh nở cũng là sự thay đổi với người mẹ. Nhất là với các bố mẹ lần đầu nuôi con, bố mẹ có khi còn sốc hơn cả em bé! Còn với các gia đình có nhiều con, các anh chị của bé sẽ cảm thấy sự thay đổi trong gia đình khi “thành viên mới” này tự nhiên độc chiếm toàn bộ quỹ thời gian của mọi người.
Lúc này con chưa có khả năng kiểm soát các hoạt động của cơ thể, ngoại trừ miệng, giúp con ăn và giúp con “giao tiếp”. Sự tồn tại của con chỉ gói gọn trong ăn – mút (mút phản xạ để trấn an) – ngủ. Khóc là tiếng nói duy nhất của con. Trung bình một em bé sẽ khóc khoảng 1 đến 5 tiếng mỗi ngày. Và với hầu hết những người lần đầu làm cha mẹ, một phút tưởng chừng dài như năm phút.
Theo quan điểm của tôi, cha mẹ không nên bỏ qua tiếng khóc của trẻ, hay để trẻ khóc để ngủ! Thay vào đó, cha mẹ hãy xác định xem con muốn nói điều gì. Nhiều trường hợp cha mẹ gặp rắc rối với E.A.S.Y là do họ hiểu nhầm tiếng khóc của con.
Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi cha mẹ như đứng giữa một đám mây mù vô định và “đối tượng” duy nhất lại chỉ giao tiếp qua tiếng khóc, một “ngoại ngữ” mà cha mẹ khó có thể nắm bắt chắc chắn được, việc hiểu nhầm con là điều không thể tránh khỏi.
Trẻ thường khóc rất nhiều, đỉnh điểm vào khoảng 6 tuần, và lúc này bố mẹ thường đã học được tín hiệu của trẻ. Quan sát kỹ những cử động của bé, nhiều cha mẹ đã có thể hành động trước cả khi tiếng khóc bắt đầu. Đồng thời họ cũng nhận biết được tiếng khóc vì đói: bắt đầu nghe như tiếng ho ngắn từ trong cổ họng, và sau đó là tràng khóc oa oa oa đều đặn. Tiếng khóc đói sẽ khác với tiếng khóc vì quá mệt: trận khóc được bắt đầu bằng 3 tiếng hậm hực ngắn, sau đó là khóc to, bé ngửng để thở hai nhịp và tiếp tục khóc to và mạnh mẽ hơn. Ở mốc tuổi này, cha mẹ cũng hiểu được tính cách của con mình, hiểu rằng có những bé ít khóc hơn dù đói bụng, có bé khi đói chỉ khóc ít nhưng cử động “rúc tìm ti” hay uốn lưỡi rất rõ rệt, tín hiệu đói. Có trẻ thì thực sự hoảng hốt mỗi khi cơn đói đến.
Những câu hỏi liên quan tới khóc
Khi con còn ở dưới 6 tuần tuổi thì việc xác định con muốn gì mỗi lần con khóc thực sự là dễ dàng hơn nếu mẹ nhận biết được con đang ở giai đoạn nào của chu kỳ E.A.S.Y trong một ngày của bé.
Hãy tự hỏi xem:
Có phải giờ ăn không? (Đói)
Có phải tã/ bỉm của con bị ướt hoặc bị bẩn không? (Không thoải mái hoặc lạnh)
Có phải con đã ngồi một chỗ hoặc ngồi ở tư thế một lúc rồi mà chưa được thay đổi không? (Nhàm chán)
Có phải con đã thức quá 30 phút rồi không? (Quá mệt)
Có phải có rất nhiều người bên cạnh, hoặc có rất nhiều hoạt động quanh bé không? (Quá kích thích)
Có phải con đang nhăn nhó và kéo chân lên không? (Đầy hơi)
Con có khóc không dỗ nổi trong vòng 1 tiếng đồng hồ sau khi ăn không? (Trào ngược)
Con có trớ hết ra không? (Trào ngược)
Phòng của con có quá nóng hoặc quá lạnh, hay con có được mặc quá nhiều hoặc quá ít quần áo không? (Thân nhiệt)
Nếu bạn áp dụng E.A.S.Y ngay cho con, tôi đảm bảo bạn sẽ học được các tín hiệu của con nhanh hơn nữa, và có thể xác định sớm hơn: tại sao con khóc. Theo dõi biểu đồ hàng ngày hỗ trợ rất nhiều để cha mẹ hiểu tín hiệu của con. Chẳng hạn, giả sử bé đã ăn lúc 7 giờ sáng. Nếu bé bắt đầu khóc khoảng 10 hoặc 15 phút sau đó, và bạn không thể dỗ được con, bạn có thể chắc chắn là con khóc không phải vì đói. Mà nhiều khả năng là vấn đề tiêu hóa, và bạn biết bạn cần phải làm gì để xoa dịu – không phải bằng việc cho con ăn thêm, vì việc này chỉ khiến con thêm khó chịu mà thôi.
GHI CHÚ: Dù trẻ bú mẹ hay bú bình, tôi cũng khuyên nên áp dụng nếp sinh hoạt trên – có thể có chút điều chỉnh – cho tới khi trẻ được 4 tháng tuổi. Thời gian vận động (A) có thể ngắn hơn cho các bé nhỏ hơn và lâu hơn cho các bé lớn hơn. Tôi cũng khuyến cáo nên gộp hai bữa ăn lót dạ thành một (vào khoảng 5:30 hoặc 6 giờ) khi được 8 tuần. Tiếp tục ăn đêm cho tới khi 7 tháng – trừ khi trẻ ngủ tốt hơn và có thể tự ngủ qua đêm. (Ăn lót dạ và ăn đêm được giải thích ở trang 119.)
THẮC MẮC THƯỜNG GẶP | NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ |
Em không thể cho con theo được chu kỳ 3H, thậm chí con không thể chịu nổi 20 phút của thời gian chơi. | Nếu con bạn có cân nặng khi sinh dưới 2,9 kg thì thời gian đầu bé có thể cần ăn hai tiếng một lần (xem E.A.S.Y theo cân nặng ở trang 40). Đừng cố giữ con thức để chơi. |
Con thường ngủ gật lúc ăn và một tiếng sau lại có vẻ đói. | Đây là điều bình thường với một số trẻ sơ sinh – trẻ sinh non, bị vàng da, cân nặng khi sinh thấp, hoặc đơn giản là hay buồn ngủ. Bạn có thể sẽ phải cho con ăn thường xuyên hơn, và chắc chắn phải cố gắng giữ cho con thức trong suốt bữa ăn (trang 126 – 127). Nếu con bú mẹ, nguyên nhân có thể là do con chưa ngậm núm vú đúng, hoặc cũng có thể do mẹ thiếu sữa (trang 129). |
Cứ hai tiếng con lại đòi ăn một lần. | Nếu con nặng từ 2,9 kg trở lên, có thể con chưa biết ăn no. Cẩn thận kẻo bé quen “ăn vặt”(trang 125). Nếu con bú mẹ, nguyên nhân có thể là do con chưa ngậm núm vú đúng, hoặc cũng có thể do mẹ thiếu sữa (trang 129). |
Con lúc nào cũng “rúc” đòi ăn và em cứ nghĩ là vì con đói, nhưng cho ăn thì chỉ ăn có tí tẹo. | Con có thể không có cơ hội mút (mút để trấn an chứ không phải mút để ăn), nên con dùng bình sữa hoặc ti mẹ làm núm núm ti giả (trang 127). Con cũng có thể trở thành bé “ăn vặt” (trang 125). Hãy kiểm tra nguồn sữa của mẹ. |
Con ngủ ngày không đều. | Có thể con bị quá kích động (trang 254). Cũng có thể là do bạn không kiên nhẫn duy trì với việc quấn chặt cho con và đặt con xuống đi ngủ khi con còn thức (trang 229). |
Con ngủ ngày rất tốt nhưng đêm thì dậy liên tục. | Con bạn bị lẫn lộn ngày đêm, và thời gian ngủ ban ngày của bé đã đánh tráo thời gian ngủ ban đêm (trang 223). |
Em chẳng bao giờ biết con muốn gì mỗi khi con khóc. | Con bạn có thể thuộc kiểu Nhạy Cảm hoặc Cáu Kỉnh (xem Chương 2), hoặc có vấn đề về sức khỏe như đầy hơi, trào ngược hoặc đau bụng (trang 138). Nhưng dù nguyên nhân là gì, thì bạn và con cũng có thể làm tốt hơn nếu theo nếp sinh hoạt E.A.S.Y. |
E.A.S.Y theo cân nặng
Khi cha mẹ của bé dưới 6 tuần tuổi gặp khó khăn với nếp sinh hoạt E.A.S.Y, tôi sẽ hỏi: “Con có sinh đủ tháng không?” Ngay cả khi câu trả lời là “có”, tôi cũng vẫn hỏi: “Bé bao nhiêu cân khi sinh?” E.A.S.Y được thiết kế cho trẻ sơ sinh có trọng lượng trung bình – khoảng 2,9 kg, để có thể duy trì được 3 tiếng giữa mỗi lần ăn. Nếu con nặng hoặc nhẹ hơn, cha mẹ sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp. Trong bảng “E.A.S.Y theo cân nặng” ở trang 40, với trẻ có trọng lượng trung bình, các bữa ăn thường kéo dài từ 25 đến 40 phút (tùy thuộc vào việc trẻ bú bình hay bú mẹ, và tùy thuộc vào việc trẻ bú ngấu nghiến hay bú từ từ). Thời gian hoạt động (bao gồm cả thời gian thay tã) là 30 đến 35 phút.
Ngủ, tính cả thời gian lơ mơ khoảng 15 phút, là một tiếng rưỡi đến hai tiếng. Một em bé như vậy có thể cho ăn vào 7 giờ, 10 giờ, 1 giờ, 4 giờ và 7 giờ vào ban ngày, 9 giờ, 11 giờ vào ban đêm (2 bữa cuối cách nhau chỉ 2 giờ giúp cha mẹ loại bỏ bữa ăn lúc 2 giờ sáng; xem phần “Ăn dự trữ” trang 119 và 248). Tuy nhiên đây chỉ là gợi ý chung, nếu con tỉnh dậy để ăn trưa vào lúc 12:30 thay vì 1 giờ thì hãy cho con ăn.
Những bé có cân nặng khi sinh nặng hơn mức trung bình – chẳng hạn như 3,6 kg hoặc 4,5 kg – thường sẽ ăn có hiệu quả hơn và ăn được nhiều hơn trong mỗi bữa. Dù con có nặng cân hơn, bạn vẫn nên duy trì nếp sinh hoạt 3 tiếng như trên. Độ tuổi và cân nặng là hai yếu tố hoàn toàn độc lập – con có thể nặng 3,6 kg hoặc hơn, nhưng về mặt phát triển tinh thần, con vẫn ở độ tuổi sơ sinh nên cần được ăn mỗi 3 tiếng một lần. Những em bé như vậy có thể ngủ sâu hơn vào ban đêm ngay từ hai tuần đầu tiên.
Trường hợp đặc biệt: Sinh non
Hầu hết các bệnh viện đều cho trẻ sinh non ăn theo chế độ 2 tiếng một lần cho tới khi con nặng 2,3 kg – cân nặng tối thiểu để trẻ được phép đưa về nhà. Đó là tin tốt đối với cha mẹ, vì khi về nhà thì con họ đã quen với nếp sinh hoạt. Nhưng vì các hệ thống bên trong cơ thể trẻ vẫn còn quá nhỏ và chưa phát triển hoàn thiện, nên trẻ sinh non dễ gặp phải nhiều vấn đề khác nữa, trong đó có chứng trào ngược (trẻ bị trào ngược, trang 140) và vàng da (xem ô bên lề ở trang 38). Ngoài ra, trẻ sinh non thường cũng yếu ớt hơn. Thậm chí, so với các bé nhẹ cân khi sinh, trẻ sinh non còn dễ ngủ gật trong lúc ăn hơn, vì thế bạn cần phải cố giữ cho con thức để ăn trọn bữa. Và cha mẹ cũng cần phải bảo vệ giấc ngủ của con bằng cách tạo ra môi trường giống như ở trong bụng mẹ: quấn chặt và để con ngủ trong phòng tối, ấm áp và yên tĩnh. Hãy nhớ rằng đáng ra con vẫn còn ở trong bụng mẹ, vì thế con muốn và cần được ngủ.
Trường hợp đặc biệt: Vàng da
Việc thay đổi điều chỉnh E.A.S.Y ở bé bị vàng da cũng tương tự như việc điều chỉnh theo cân nặng khi sinh của bé sinh non, Bệnh vàng da sơ sinh là trạng thái mà sắc tố da vàng. Tình trạng này xảy ra vì máu của em bé có quá nhiều bilirubin, một sắc tố màu vàng, và do gan của bé chưa đủ trưởng thành để loại bỏ bilirubin trong máu. Con sinh ra màu vàng – da, mắt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Gan giống như động cơ xe ô tô vẫn chưa được khởi động và cần phải mất vài ngày để vận hành. Trong khi đó, con bạn sẽ rất mệt mỏi và sẽ muốn ngủ rất nhiều. Đừng nhầm tưởng con sẽ là em bé “ngủ tốt”. Thay vì để con ngủ, hãy đánh thức con dậy sau mỗi hai tiếng, để con ăn đủ dinh dưỡng cần thiết để thải hết bệnh vàng da ra khỏi hệ thống cơ thể. Tình trạng này thường sẽ biến mất sau 3 – 4 ngày, trẻ bú mẹ có thể lâu hơn một chút so với trẻ uống sữa công thức. Cha mẹ có thể yên tâm rằng mọi thứ đều ổn khi da con có sắc hồng trở lại và cuối cùng màu vàng sẽ biến mất khỏi mắt bé.
Tuy nhiên cũng có một số em bé, vì sinh non hoặc chỉ đơn giản là vì nhỏ hơn, nhẹ cân hơn khi sinh. Những em bé này chưa sẵn sàng cho nếp sinh hoạt E.A.S.Y 3H. Khi cha mẹ đưa con từ viện về nhà và cố gắng ép con theo nếp sinh hoạt E.A.S.Y 3H thì họ thường gặp nhiều khó khăn: “Em không thể bắt con thực hiện thời gian hoạt động dù chỉ 20 phút” hay “Con cứ ngủ gật trong lúc ăn”. Họ muốn biết làm thế nào để giữ cho con thức. Đơn giản lắm ạ. Không cần phải cố cho con thức – ít nhất là đối với thời gian A – hoạt động. Vì nếu làm vậy, con bị quá mệt và sẽ rất quấy. Và ngay khi cha mẹ dỗ cho con nín được, có thể con sẽ lại đói, vì con vừa mới khóc, mà khóc thì tiêu tốn năng lượng của con. Hệ quả là bạn sẽ hoàn toàn bối rối vì tiếng khóc của con. Con khóc vì đói? Vì mệt? Hay vì cáu?
Về đêm, các bé nhẹ cân ban đầu chỉ có thể chịu được tối đa 4 tiếng, vì thế con thường ăn ít nhất 2 lần/đêm trong vòng 6 tuần đầu tiên. Nhưng nếu con ăn 3 tiếng một lần thì cũng không thành vấn đề, con cần được ăn và tích trữ năng lượng để nhanh lớn.
Nếu con nặng dưới 2,9kg, trước tiên hãy cho con ăn cách 2 tiếng một lần: mỗi bữa 30 – 45 phút, giảm thời gian chơi xuống còn 5 – 10 phút, sau đó để con ngủ khoảng 1,5 giờ. Khi con tỉnh dậy, đừng kỳ vọng con sẽ ê a hóng chuyện – giữ cho sự kích thích ở mức tối thiểu để con có thể thức đủ dài để hoàn thành một bữa ăn trọn vẹn. Bằng cách này: ăn cách nhau 2 giờ và ngủ đủ giấc để có thể phát triển, con chắc chắn tăng cân tốt. Khi con bạn tăng cân, khoảng cách giữa các lần ăn của con có thể kéo dài hơn, và bạn cũng có thể giúp con thức được lâu hơn, dần dần kéo dài thời gian chơi của con. Từ chỗ chỉ có thể thức được khoảng 10 phút khi mới sinh, cho đến khi bé nặng 2,9 kg, bé đã có thể thức được khoảng 20 phút, và tới khi bé nặng 3,2 kg, bé đã có thể thức được khoảng 45 phút. Trong khi trẻ tăng cân, bạn cũng có thể từ từ kéo giãn khoảng cách của nếp sinh hoạt 2 tiếng, để khi bé đạt 2,9 – 3,2 kg, bé có thể thực hiện theo nếp sinh hoạt E.A.S.Y 3H.
E.A.S.Y theo cân nặng: 3 tháng đầu tiên
Bảng này thể hiện cân nặng khi sinh ảnh hưởng như thế nào tới nếp sinh hoạt của bé. (Sau 4 tháng, ngay cả những trẻ có cân nặng thấp nhất cũng có thể chịu được 4 tiếng khoảng cách giữa các lần ăn). Hãy ghi chú thời gian con bạn thường ngủ dậy buổi sáng, và viết lại các thời điểm tương đối dựa vào cân nặng của con và thông tin trong cột “Bao lâu”. Cột “Bao lâu” cho biết điều bạn có thể kỳ vọng ở mỗi chữ cái, còn cột “Chu kỳ” lại cho biết thời điểm lặp lại một chu trình E.A.S.Y.
Để đơn giản hoá, tôi đã bỏ qua thời gian cho bạn (Y). Nếu con bạn nặng hơn 3,6 kg, bạn sẽ có nhiều thời gian ngủ đêm hơn so với cha mẹ có con nhẹ hơn. Nếu con nặng dưới 2,9kg, mẹ sẽ không có nhiều thời gian cho bản thân, đặc biệt là trong 6 tuần đầu. Nhưng giai đoạn này sẽ qua khi con nặng 3,2kg, và sau đó mẹ còn có nhiều thời gian cho mình hơn nữa khi con bắt đầu học cách tự chơi một mình, vì bé sẽ không đòi hỏi có người ở cạnh khi bé thức.
6 tuần đến 4 tháng: Những lần dậy đêm không mong đợi!
So với giai đoạn 6 tuần đầu sau sinh, bước sang 2,5 tháng tiếp sau tất cả mọi người đều bắt đầu vững vàng hơn. Mẹ tự tin hơn và hi vọng là đã bớt bận rộn đi chút đỉnh. Con đã bắt đầu tăng cân, kể cả các bé nhẹ cân khi sinh cũng bắt kịp nhịp độ phát triển và ít ngủ gật khi ăn hơn. Các bữa ăn của con trong ngày vẫn cách nhau 3 tiếng, và khoảng cách này sẽ giãn ra khi con tiến gần đến mốc 4 tháng (khi đó, khoảng cách giữa các bữa ăn sẽ là 4 tiếng. Trẻ cũng có thể duy trì được các giai đoạn vận động lâu hơn và cũng có thể ngủ liền mạch dài hơn vào ban đêm, từ 11 giờ đêm đến 5 hoặc 6 giờ sáng. Giai đoạn khóc nhiều ở 6 tuần tuổi đã qua đi, và cường độ khóc giảm dần trong 2,5 tháng tiếp theo.
Dưới đây là thắc mắc thường gặp của giai đoạn này:
THẮC MẮC THƯỜNG GẶP | NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ |
Con không thể ngủ quá 3 – 4h vào ban đêm. | Có thể ban ngày con ăn vẫn chưa no, và có thể bạn cần phải có bữa nạp thêm năng lượng cho con trước giờ đi ngủ (trang 119). |
Trước kia con ngủ được 5 – 6 tiếng liền mạch trong đêm, nhưng giờ con hay dậy đêm, mỗi lần dậy vào một giờ khác nhau. | Có thể con bạn đang trong giai đoạn phát triển nhảy vọt và cần ăn nhiều hơn trong suốt cả ngày. |
Con không bao giờ ngủ ngày được quá 30 hoặc 45 phút. | Có lẽ mẹ đã hiểu sai những tín hiệu của con, và hoặc là không cho con đi ngủ ngay khi có tín hiệu buồn ngủ hoặc là mẹ đến bên con quá sớm khi con vừa mới ọ ẹ, điều đó khiến con mất cơ hội tự mình ngủ lại (trang 239). |
Đêm nào con cũng dậy vào một giờ nhất định, chẳng chịu ăn. Con bú rất ít! | Khi con dậy vào một giờ nhất định mỗi đêm, đây là dậy theo thói quen. Dậy theo thói quen gần như không có liên quan gì tới việc đói (trang 242). |
Bạn phải quay trở lại công sở – đi làm lại?
Trong khoảng từ 3 đến 6 tháng đầu, nhiều mẹ đã quay trở lại với công việc cũ hoặc bắt đầu tìm kiếm công việc bán thời gian. Một số mẹ đi làm vì cần, một số mẹ đi làm vì thích. Dù thế nào thì thay đổi cũng có thể gây ra gián đoạn trong nếp sinh hoạt E.A.S.Y.
Con bạn đã quen với nếp sinh hoạt trước khi mẹ quay trở lại làm việc chưa? Nguyên tắc vàng là không bao giờ được thay đổi quá nhiều thứ cùng một lúc. Nếu biết mình sẽ đi làm lại, hãy thiết lập E.A.S.Y ít nhất một tháng trước thời điểm đó. Nếu đã đi làm rồi, hãy nghỉ phép khoảng 2 tuần để cân bằng mọi thứ.
Ai sẽ chăm sóc con khi mẹ vắng mặt? Người đó có hiểu được tầm quan trọng của nếp sinh hoạt không, và có tuân theo nếp sinh hoạt đó không? Hành vi của con bạn khi ở nhà trẻ hoặc khi ở với bảo mẫu có khác khi ở cùng mẹ không? E.A.S.Y sẽ không có tác dụng nếu mọi người không cùng tuân thủ.
Bố có tham gia nhiều không? Nếu mẹ đang cố gắng thay đổi nếp sinh hoạt của con, bố bé sẽ tham gia như thế nào? Tôi thấy một số mẹ nói với tôi là họ muốn có một kế hoạch, nhưng lại không thực sự thực hiện từ đầu đến cuối, trong khi người bạn đời của họ, người ở nhà ít hơn, lại có xu hướng tốt hơn trong mục tiêu thực thi đến cùng.
Trong gia đình có thay đổi nào khác không? Trẻ là người nhạy cảm. Chúng có thể bắt sóng được mọi thứ ở xung quanh theo những cách mà chúng ta không thể nào hiểu được. Chẳng hạn, chúng ta biết con của các mẹ bị trầm cảm cũng thường khóc hơn. Vì thế, thay đổi việc làm, chuyển nhà, chuyển phòng, nhà có con vật nuôi mới hay nhà có người mới bị bệnh – bất cứ thứ gì xáo trộn trạng thái cân bằng của gia đình – đều có thể làm gián đoạn nếp sinh hoạt của con.
Như bạn có thể thấy, những thắc mắc chủ yếu trong giai đoạn này đều bất ngờ và khó hiểu (ít nhất là đối với cha mẹ) và đều bắt nguồn từ giấc ngủ của trẻ – phần chữ “S”. Giấc ngủ ngày và đêm có thể là việc rất khó khăn và thử thách – đặc biệt là khi trẻ không tuân theo một nếp sinh hoạt cố định nào. Bố mẹ thì băn khoăn chẳng biết đến khi nào mình mới có giấc ngủ tử tế. Một số trẻ có thể dậy đêm đơn thuần vì đói – nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Tùy thuộc vào cách cha mẹ can thiệp khi con tỉnh giấc đêm hay ngủ ngày quá ngắn mà tạo thành thói quen của trẻ, và là nguồn cội của thói nuôi con tuỳ tiện từ cha mẹ.
Giả sử một tối nọ con dậy đêm, và mẹ cho con ngủ lại bằng ti mẹ hoặc ti bình. Diệu kỳ thay, con ngủ lại, mẹ nghĩ “Đó quả là một cách hay”. Con cũng thích điều đó. Nhưng mẹ đang vô tình dạy cho con là con cần được bú thì mới có thể ngủ lại được. Tin tôi đi, khi con được 6 tháng tuổi, nặng hơn nhiều, và vẫn muốn được ăn vài lần mỗi đêm, bạn sẽ thấy hối tiếc về cách xử lý tình huống nhanh đó. (Kể cả ở 6 tháng, chữa được dậy đêm thì mẹ cũng đã là cực kỳ may mắn, tôi đã từng tư vấn các mẹ có con 2 tuổi đêm vẫn dậy vài lần chỉ để mút ti mẹ và ngủ lại!).
4 đến 6 tháng: “4/4” và sự khởi đầu của việc nuôi dạy con cái ngẫu hứng
Nhận thức của con lúc này đã được cải thiện và con tương tác với thế giới xung quanh nhiều hơn so với vài tháng trước đây. Hãy nhớ rằng trẻ phát triển từ đầu xuống, trước tiên là kiểm soát được miệng, sau đó là cổ, cột sống, cánh tay, bàn tay và cuối cùng mới là chân và bàn chân (xem ô thông tin bên lề, trang 31). Ở giai đoạn này, con có thể dễ dàng giữ được đầu và đã bắt đầu biết nắm đồ. Con cũng đang học, hoặc đã có thể lẫy được. Con có thể ngồi thẳng với sự giúp đỡ của bạn, vì thế, góc nhìn của con cũng thay đổi. Con cũng ý thức tốt hơn về nếp sinh hoạt và các chu kỳ. Con phát triển khả năng phân biệt âm thanh bắt nguồn từ đâu và xác định nguyên nhân hệ quả, vì thế con hứng thú với những món đồ chơi có thể di chuyển được và phản ứng lại nếu con chạm vào. Trí nhớ của con cũng tốt hơn.
Vì những tiến bộ trong quá trình phát triển này, nếp sinh hoạt hàng ngày của con bạn cũng cần phải thay đổi – thành nguyên tắc vàng “4/4”, có nghĩa là “4 tháng/ E.A.S.Y 4 giờ”. Thời điểm này, hầu hết các em bé đều đã sẵn sàng để chuyển từ nếp sinh hoạt 3H sang nếp sinh hoạt 4H. Điều đó có nghĩa là ban ngày con bạn có thể chơi trong một khoảng thời gian dài hơn, và ban đêm ngủ liền mạch hơn. Dù trẻ đã quen với việc tỉnh dậy vào buổi sáng vì muốn được ăn, nhưng giờ hầu hết những lần trẻ tỉnh dậy đều chỉ vì thói quen, theo đồng hồ sinh học của trẻ, chứ không phải vì đói nữa. Khi được để một mình, nhiều em bé sẽ thức dậy trong khoảng từ 4 đến 6 giờ sáng, “nói chuyện” một mình và chơi một lúc, sau đó lại lăn ra ngủ. Sẽ là như thế, nếu cha mẹ không vội vào can thiệp. Việc cha mẹ vội vàng vào can thiệp khi nghĩ con tỉnh dậy chính là khởi đầu thường gặp của thói nuôi dạy con ngẫu hứng – tuỳ tiện.
Con ăn cũng năng suất hơn, mút cạn bình hoặc ti mẹ có thể chỉ mất khoảng 20 đến 30 phút. Như vậy, nếu tính cả thời gian thay tã/ bỉm thì ăn (E) tối đa cũng chỉ mất 45 phút. Nhưng vận động (A) thì khác: Giờ trẻ có thể thức lâu hơn, thường là khoảng 1,5 tiếng khi 4 tháng tuổi và 2 tiếng khi 6 tháng tuổi. Nhiều trẻ ngủ một giấc 2 tiếng vào buổi sáng, nhưng ngay cả khi con bạn mới dậy được có 1,5 tiếng, lúc này bé thức thêm nửa tiếng trong khi bạn chuẩn bị mọi thứ cho bữa ăn tiếp theo của con. Khoảng 2 giờ hoặc 2,5 giờ sau đó, trẻ sẽ muốn ngủ một giấc nữa, và thường thì giấc ngủ này sẽ kéo dài 1,5 tiếng.
Trang bên là bảng đối chiếu cho thấy sự thay đổi của E.A.S.Y khi con được 4 tháng tuổi. Mẹ có thể bỏ một bữa ăn vì con đã ăn nhiều hơn mỗi lần, chuyển từ ngủ 3 giấc thành ngủ 2 giấc, và từ đó kéo dài thời gian thức của con. (Kế hoạch chi tiết về việc chuyển từ E.A.S.Y 3H sang E.A.S.Y 4H được trình bày ở trang 52.)
Những ngày lý tưởng là như thế. Con bạn không nhất thiết phải tuân theo đúng những mốc thời gian này. Cân nặng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt E.A.S.Y – trẻ nhẹ cân chỉ có thể theo được nếp E.A.S.Y 3,5H khi được 4 tháng tuổi, nhưng thường sẽ bắt kịp khi được 5 hoặc tối đa là 6 tháng. Các yếu tố khác là sự khác biệt về tính cách: một số trẻ ngủ ngoan hơn những trẻ khác và một số khác thì ăn rất nhanh. Thi thoảng lịch sinh hoạt của con có thể dao động khoảng 15 phút. Có hôm, con sẽ ngủ một giấc ngắn vào buổi sáng và ngủ một giấc dài hơn vào buổi chiều, hoặc ngược lại. Quan trọng nhất là mẹ luôn tuân thủ nếp sinh hoạt ăn/ hoạt động/ ngủ (lúc này mỗi chu kỳ cách nhau 4 tiếng).
Chẳng có gì ngạc nhiên khi rất nhiều trong số những thắc mắc tôi nhận được trong giai đoạn này đều có liên quan tới những vấn đề về nếp sinh hoạt:
THẮC MẮC THƯỜNG GẶP | NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ |
Con ăn rất nhanh, tôi sợ con ăn chưa đủ no. Điều đó cũng đi lệch nếp sinh hoạt của con. | Ăn (E) có thể không phải là vấn đề – một số trẻ lúc này đã có thể ăn rất năng suất. Như trình bày ở trên, có thể mẹ đang áp dụng lịch E.A.S.Y 3H của bé nhỏ tuổi hơn thay vì “can đảm” thực hiện E.A.S.Y 4H theo đúng nhu cầu và độ tuổi của con mình (tâm lý mẹ sợ con đói). Do đó bé ăn vặt, không thực sự đói và ăn ít ở mỗi lần ăn. (xem thêm trang 54). |
Con không bao giờ ăn hoặc ngủ đúng giờ. | Nếp sinh hoạt hàng ngày của bé có sự dao động nhỏ là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu con ăn vặt và ngủ cực ngắn – cả hai đều là kết quả của việc nuôi con ngẫu hứng tùy tiện – thì đúng là con sẽ không bao giờ ăn trọn bữa và ngủ trọn giấc. Lúc này, con cần được áp dụng nếp sinh hoạt phù hợp cho trẻ 4 tháng tuổi trang 52). |
Con dậy đêm liên tục, và tôi vẫn không biết là có nên cho con ăn hay không? | Nếu con thức dậy theo kiểu thất thường, có nghĩa là con đói và cần được ăn nhiều hơn vào ban ngày (xem trang 248); còn nếu là dậy đêm theo thói quen, việc mẹ tiếp tục cho ăn có nghĩa là mẹ đã vô tình củng cố cho một thói quen xấu (xem trang 242). Hoặc một khả năng nữa là mẹ vẫn áp dụng nếp sinh hoạt 3 tiếng thay vì 4 tiếng cho con, do đó con ăn vặt ban ngày và bị đói vào đêm. |
Con tôi ngủ liền mạch cả đêm nhưng dậy vào lúc 5 giờ sáng và muốn chơi. | Có thể mẹ phản ứng quá sớm với cử động bình thường vào buổi sáng của con, và sự can thiệp vội vàng này đã vô tình dạy cho con thói quen dậy sớm (trang 239). |
Con không chịu ngủ ngày quá 30–45 phút, thậm chí không chịu ngủ ngày! | Có thể con quá phấn khích trước giờ ngủ (xem trang 254) hoặc đây là hệ quả của một nếp sinh hoạt không phù hợp hoặc mẹ không áp dụng trình tự cho con đi ngủ hợp lí (trang 284) – hoặc là cả hai. |
Ngoài ra, lứa tuổi này cũng xuất hiện nhiều thử thách mà cha mẹ chưa từng thấy trước đó. Những thói quen xấu hay cách nuôi dạy con tuỳ tiện ngẫu hứng của giai đoạn trước đã bắt đầu để lại hậu quả dưới dạng các vấn đề ăn và ngủ ở giai đoạn này (vì thế đừng quên đọc phần trước, “6 tuần tới 4 tháng”, nếu bạn đã bỏ lỡ). Cùng một lúc cha mẹ thấy mình đứng giữa một ma trận của nhiều vấn đề đến mức họ không biết giải quyết ra sao. Nhiều cha mẹ không nhận thức được việc phải thay đổi E.A.S.Y cho phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của con. Họ không hiểu rằng con cần được chuyển từ nếp sinh hoạt 3H sang 4H bởi vì rằng con lớn hơn, tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ăn nhiều hơn và lâu đói hơn, thời gian thức của con lâu hơn nên chu trình sẽ dài ra. Cha mẹ cũng không hiểu rằng ngủ ngày cũng quan trọng như giấc ngủ liền mạch ban đêm. Với những trường hợp khác, nguyên nhân lại từ sự thiếu nhất quán của cha mẹ. Họ thu thập đủ kiểu lời khuyên từ sách vở, bạn bè, từ mạng internet hoặc từ những câu chuyện và thử hết chiến lược này tới chiến lược kia, thường xuyên thay đổi các nguyên tắc dành cho con, với hi vọng có điều gì đó sẽ phát huy tác dụng. Thêm vào đó, mẹ quay lại làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian, cùng với những thay đổi khác trong gia đình, có thể làm gián đoạn nếp sinh hoạt của trẻ. Dù trong hoàn cảnh nào thì vấn đề ở độ tuổi này rất phức tạp vì nó kéo dài dai dẳng, đặc biệt với các bé chưa bao giờ sinh hoạt theo nếp. Trên thực tế, tôi vẫn luôn hỏi cha mẹ của những trẻ 4 tháng tuổi (và lớn hơn) một câu hỏi quan trọng: Con có bao giờ được áp dụng theo nếp sinh hoạt nào không? Nếu câu trả lời là “chưa” hoặc thậm chí là “bé đã từng (thực hiện) một lần”, tôi biết cha mẹ cần giải quyết vấn đề bằng việc bắt đầu với E.A.S.Y. Ở cuối chương này, tôi sẽ trình bày kế hoạch từng bước để giúp con vượt qua thời kỳ chuyển tiếp đó.
6 tới 9 tháng: Vượt qua sự bất nhất
Lúc này E.A.S.Y lại là một cuộc chơi hoàn toàn khác, mặc dù con vẫn được áp dụng nếp E.A.S.Y 4H. Ở 6 tháng tuổi trẻ trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc (dậy thì sơ sinh). Đây là thời điểm lý tưởng để cho trẻ làm quen với ăn dặm, và đến tầm 7 tháng thì có thể bỏ bữa ăn đêm – vừa ăn vừa ngủ – lúc 11h đêm của con. Bữa ăn của con sẽ dài ra – và bừa bộn hơn rất nhiều – vì con thử một cách ăn hoàn toàn mới: ăn dặm. Cha mẹ có rất nhiều thắc mắc và lo lắng về việc cho con ăn dặm (tôi sẽ giải đáp ở Chương 4). Đừng đổ lỗi cho trẻ: con bú như một cái máy, nhưng khoảng 8 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của con bạn bắt đầu thay đổi. Cơ thể con sẽ thon gọn lại, không còn bụ sữa, vì thế con mới có đủ năng lượng để học bò khắp nơi. Ở giai đoạn này, điều quan trọng nhất là đánh giá bữa ăn của trẻ bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng.
Lúc này, giấc ngủ ngắn cuối ngày được loại bỏ và hầu hết trẻ đều chỉ ngủ hai giấc một ngày – lý tưởng nhất là mỗi giấc dài từ một đến hai tiếng. Tuổi này trẻ không thích đi ngủ. “Em nghĩ bây giờ Seth (7 tháng tuổi) bắt đầu nhận biết môi trường xung quanh tốt hơn và con có thể bò khắp nơi, con không muốn ngủ ngày nữa. Con muốn xem tất cả mọi thứ”, trích lời một bà mẹ gửi tôi. Bởi vì quá trình phát triển thể chất của con đang bước vào giai đoạn trọng tâm: con bạn đã có thể giữ thẳng người – tầm 8 tháng con có thể ngồi được một mình – và con cũng phối hợp tay chân tốt hơn. Con đã độc lập hơn nhiều, đặc biệt ở các bé được mẹ cho cơ hội học cách tự chơi một mình.
Những thắc mắc thường thấy ở giai đoạn này cũng giống như những thắc mắc ở giai đoạn 4 –6 tháng, chỉ khác là những thắc mắc từ giai đoạn trước mà chưa được khắc phục, giờ đã thành thói quen lâu ngày và việc sửa chữa càng trở nên dai dẳng và khó khăn gấp bội. Các vấn đề về ăn và các rối loạn về ngủ vốn có thể điều chỉnh trong một vài ngày ở các giai đoạn ban đầu thì giờ lại rất khó chữa, nhưng không phải là không thể khắc phục. Chỉ có điều lúc này, để điều chỉnh sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn mà thôi.
Vấn đề lớn nhất trong giai đoạn này lại là sự thiếu nhất quán. Có những ngày con bạn ngủ một giấc dài vào buổi sáng, nhưng có những ngày lại vào buổi chiều, và lại có những ngày con quyết định bỏ một giấc ngày, không chịu ngủ. Hôm trước con vừa ăn uống vui vẻ, hôm sau đã có thể bỏ bữa được. Một số mẹ chấp nhận những thất thường này của con, nhưng số khác cảm thấy bất lực. Mấu chốt để sống sót là: Nếu con không tuân thủ nếp sinh hoạt thì mẹ cứ đến giờ là theo nếp sinh hoạt mà tiếp tục hoạt động của ngày. Ngoài ra, bạn cũng cần phải nhớ chân lý của việc nuôi dạy con cái, đó là: Ngay khi mẹ nghĩ là mình đã thành công... mọi thứ lại thay đổi (xem Chương 10). Trích lời một mẹ có con 7 tháng tuổi (người đã áp dụng nếp sinh hoạt E.A.S.Y ngay từ khi đưa con từ viện về nhà): “Có một điều em đã rút ra là mỗi một đứa trẻ một khác, dù có thực hiện nếp sinh hoạt – vì thế mẹ cần lựa chọn cái gì phù hợp với cả hai mẹ con”.
Trên trang web của tôi, đôi khi tôi gặp tình huống mà ác mộng của mẹ này lại là mơ ước của một mẹ khác. Trong mảng thảo luận về E.A.S.Y, một mẹ người Canada than phiền rằng con gái 8 tháng tuổi đã “lệch đường”. Mẹ giải thích là con thức dậy lúc 7 giờ, ti mẹ, ăn ngũ cốc và hoa quả lúc 8 giờ, ti bình lúc 11 giờ và ngủ tới 1:30, lúc đó bé sẽ ăn rau và hoa quả. Bé tiếp tục ti bình vào lúc 3:30, ăn tối (ngũ cốc, rau và hoa quả) vào lúc 5:30, ti bình lần cuối vào lúc 7:30 và ngủ giấc đêm lúc khoảng 8:30. Vấn đề của mẹ là con chỉ ngủ một giấc ngủ ngày. “Tôi không thể kiểm soát được tình hình nữa”, và nhấn mạnh “Tôi cần được giúp đỡ!!!!”
Tôi phải đọc bài viết đó hai lần vì với tôi, tôi không thấy bất cứ một vấn đề nào cả. Đúng vậy, con đã lớn hơn, đã có thể thức lâu hơn. Con ăn tốt và ngủ khoảng 10 tiếng rưỡi một đêm, ngủ một giấc ngủ ngắn khoảng 2 tiếng rưỡi vào ban ngày. Tôi tự nhủ: “Có khối mẹ chỉ mong được như cô”. Thực tế là, các bé từ 9 tháng tuổi trở ra có thể thức lâu hơn mà không cần ngủ, nhiều bé bỏ giấc sáng và ngủ một giấc dài vào buổi chiều – có thể dài tới 3 tiếng. Con ăn, chơi, lại ăn, lại chơi và sau đó mới ngủ. Nói cách khác, nếp sinh hoạt E.A.S.Y trở thành “E.A.E.A.S.Y”. Việc bỏ một giấc ngủ ngắn có thể là tạm thời, hoặc cũng có thể có nghĩa là con đã sẵn sàng chỉ ngủ một giấc vào ban ngày. Nếu con bạn quấy khi chỉ ngủ một giấc ngắn, bạn có thể tăng thêm một giấc ngủ ngắn cho con vào lúc khác, hoặc kéo dài giấc ngủ quá ngắn của con bằng cách BL/ ĐX.
Tôi cũng nhận được rất nhiều các câu hỏi trên trang web từ cha mẹ của các bé tầm tuổi này. Đây là những người cũng thử E.A.S.Y hoặc một nếp sinh hoạt nào đó khi con họ còn nhỏ hơn nhưng chưa thành công và cha mẹ nghĩ đây là lúc thử áp dụng lại. Dưới đây là một bài viết tiêu biểu:
“Khi con được 2 tháng, em đã thử cho con thực hiện nếp sinh hoạt E.A.S.Y, nhưng phần ngủ rất khó khăn, và phải thường xuyên ẵm nựng ru con nên em bỏ cuộc. Giờ con đã lớn hơn, nên em muốn thử lại, em muốn xin một lịch mẫu của những bé khác cùng tháng tuổi”.
Trong một “nguyên cứu” vui vui, tôi đã tìm kiếm lịch sinh hoạt E.A.S.Y do các mẹ có ở tầm 6 đến 9 tháng ghi lại, từ đó so sánh tìm những điểm chung. Ngạc nhiên thay, các nếp sinh hoạt của các bé tương đối giống nhau:
7 | Thức dậy và ăn |
7:30 | Hoạt động |
9 hoặc 9:30 | Ngủ ngắn buổi sáng |
11:15 | Ti bình hoặc ti mẹ |
11:30 | Hoạt động |
1 | Ăn trưa (ăn dặm) |
1:30 | Hoạt động |
2 hoặc 2:30 | Ngủ ngắn buổi chiều |
4 | Ti mẹ hoặc ti bình |
4:15 | Hoạt động |
5:30 hoặc 6 | Ăn tối (ăn dặm) |
7 | Hoạt động, bao gồm cả tắm và sau đó là thủ tục buổi tối trước khi ngủ đêm (bú sữa – đọc sách – tạm biệt chúc ngủ ngon) |
Dù nếp sinh hoạt trên là nếp sinh hoạt phổ biến, áp dụng vào mỗi bé mỗi khác: một số trẻ tầm tuổi này vẫn thức dậy lúc 5 giờ, ngậm ti giả hoặc ăn thêm một bữa. Các bé khác lại ngủ ngày ít hơn so với thời gian lý tưởng là 1,5–2h, hoặc có bé chỉ ngủ một giấc ban ngày, khiến cho giai đoạn vận động (A) theo sau bé quấy khóc và bứt rứt không yên. Thậm chí ở tuổi này, một số trẻ vẫn thức dậy vài lần mỗi đêm. Vì thế, khi nói đến E.A.S.Y ở tuổi này, nhìn lịch sinh hoạt ban ngày là không đủ, cha mẹ cần quan tâm đến con ngủ như thế nào vào ban đêm và cách cha mẹ can thiệp mỗi lần trẻ dậy đêm. Như tôi đã nhắc lại nhiều lần, E.A.S.Y là nếp sinh hoạt, là chu kỳ chứ không phải là các mốc thời gian cố định, không phải là thời khoá biểu chi li.
E.A.S.Y sau 9 tháng
Vào khoảng từ 9 tháng đến 1 năm, các bữa ăn của con bạn có thể cách nhau 5 tiếng. Con sẽ ăn 3 bữa một ngày, giống như mọi người khác trong gia đình, và có hai bữa ăn phụ để hỗ trợ thêm. Con có thể ngủ ngày từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng, và thường thì khi được khoảng 18 tháng – có thể sớm hoặc muộn hơn chút đỉnh – con sẽ chỉ còn 1 giấc ngủ ngày vào buổi chiều. Lúc này, không hẳn con đang thực hiện E.A.S.Y mà đúng hơn là E.A.E.A.S.Y, nhưng đó vẫn là một nếp sinh hoạt. Tuy không phải ngày nào cũng giống y như ngày nào, nhưng những chu kỳ có thể đoán trước và lặp đi lặp lại thì vẫn còn ở đó.
Bắt đầu E.A.S.Y ở bé 4 tháng hoặc lớn hơn
Nếu con đã được 4 tháng tuổi hoặc hơn, và chưa bao giờ sinh hoạt theo một nếp sinh hoạt nào cả thì ngay bây giờ là lúc cha mẹ nghiên cứu để áp dụng cho con. Việc giới thiệu E.A.S.Y vào cuộc sống của con ở giai đoạn này sẽ rất khác với khi giới thiệu E.A.S.Y cho các bé ít tháng hơn, vì 3 lí do quan trọng sau đây:
1. Đây là nếp sinh hoạt 4 tiếng. Đôi khi cha mẹ không nhận ra cần phải điều chỉnh nếp sinh hoạt tương ứng với sự phát triển nhanh chóng của con. Trẻ đã có thể ăn hiệu quả hơn và chơi được trong một khoảng thời gian dài hơn, nhưng thay vì cho con ăn phù hợp với sự phát triển thể chất của độ tuổi trên 4 tháng, nhiều cha mẹ vẫn duy trì nếp ăn ba tiếng của giai đoạn trước – hay nói cách khác là cha mẹ đang cố đi ngược lại thời gian. Chẳng hạn, Harry 6 tháng tuổi, con trai của vợ chồng Diane và Bob, bỗng dưng dậy đêm, khi dậy con có vẻ đói. Là người chu đáo và lo lắng, cha mẹ cho con ăn đêm. Thực tế, Harry cần ăn nhiều hơn vào ban ngày và thay vì cho con ăn mỗi bữa cách nhau 4 tiếng, cha mẹ sợ con đói nên lại bắt đầu cho con ăn 3 tiếng một lần như trước kia khi con còn nhỏ. Cha mẹ nhận định một cách hoàn toàn chính xác rằng con đang trải qua giai đoạn phát triển nhảy vọt – dậy thì sơ sinh. Nhưng giải pháp ăn đêm là cho trẻ 3 tháng tuổi, chứ không phải cho trẻ 6 tháng tuổi. Ở 6 tháng tuổi, con nên được cho ăn cách nhau 4 tiếng và ngủ suốt đêm. (xem Chương 3).
2. Áp dụng phương pháp bế lên/ đặt xuống (BL/ ĐX). Với những trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên, khó ngủ là nguyên nhân trọng tâm và trong nhiều trường hợp là nguyên nhân duy nhất, dẫn đến sự thất bại trong việc áp dụng nếp sinh hoạt E.A.S.Y. Đây chính là lúc tôi giới thiệu cho các bố mẹ phương pháp BL/ ĐX. Phương pháp này tôi không khuyến khích dùng với trẻ nhỏ hơn 4 tháng (miêu tả chi tiết về phương pháp cho con ngủ quan trọng này là chủ đề của Chương 6).
3. Việc áp dụng E.A.S.Y lần đầu cho trẻ hơn 4 tháng thường bị phức tạp hóa bởi lối nuôi dạy ngẫu hứng – tuỳ tiện của cha mẹ. Thường cha mẹ tìm đến E.A.S.Y muộn như vậy bởi họ đã thử áp dụng một vài hoặc rất nhiều phương pháp khác chưa thành công và thực sự bị bối rối không biết đi theo cách nào. Đồng thời, trong hầu hết các trường hợp, các thói quen xấu đã hình thành và bám trụ dai dẳng trước khi cha mẹ muốn thay đổi, chẳng hạn như chỉ ăn mới ngủ, hoặc chỉ ngủ mới ăn, hoặc thường xuyên dậy đêm và chỉ có ăn mới ngủ lại được... Do đó, giới thiệu và áp dụng E.A.S.Y cho trẻ lớn hơn đòi hỏi ở bố mẹ sự quyết tâm, nhiều công sức, một chút hy sinh, thật kiên nhẫn và nhất quán. Hãy nhớ rằng thói quen xấu đó đã hình thành và phát triển được 4 tháng rồi, nhưng nếu cha mẹ thực sự kiên trì và nhất quán, việc loại bỏ thói quen xấu kia sẽ không mất quá nhiều thời gian. Hiển nhiên là trẻ càng lớn thì càng khó để thay đổi nếp sinh hoạt, đặc biệt với trẻ dậy đêm nhiều và chưa quen với bất kỳ chu kỳ hay nếp sinh hoạt nào vào ban ngày.
Vì mỗi đứa trẻ, mỗi gia đình là một cá thể độc lập và không giống nhau, nên trước khi xây dựng kế hoạch giới thiệu E.A.S.Y vào gia đình, tôi thường tìm hiểu chính xác cha mẹ đã đang làm gì trong mỗi hoạt động của con. Dưới đây là các câu hỏi tôi thường đặt ra với cha mẹ của các bé chưa bao giờ được áp dụng nếp sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Vấn đề Ăn (E): Các bữa con ăn cách nhau như thế nào? Bữa ăn của con kéo dài bao lâu? Lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức con uống mỗi ngày là bao nhiêu? Nếu con gần mốc 6 tháng, bạn đã thử cho con ăn dặm chưa?Dù đó chỉ là chỉ dẫn, hãy xem các chỉ số của con bạn trong “E.A.S.Y theo cân nặng” (trang 40) và bảng “Tất tật về ăn” (trang 120). Nếu các bữa ăn của con cách nhau 3 tiếng hoặc dưới 3 tiếng là không phù hợp với trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên. Nếu bữa ăn của con diễn ra trong một thời gian ngắn: con ăn vặt, còn nếu quá dài thì có nghĩa là con đang xem mẹ như chiếc ti giả khổng lồ cho con ngậm chơi. Các bé đến 4 tháng tuổi mà vẫn chưa thực hiện nếp sinh hoạt nào thường ăn rất ít ban ngày và thức dậy nhiều lần để ăn đêm, đặc biệt là sau 6 tháng tuổi, khi trẻ có thể cần nhiều chất hơn so với những gì sữa có thể đem lại. Hãy đọc Chương 3 trước khi giới thiệu thực hiện E.A.S.Y cho bé.
VỀ VẤN ĐỀ VẬN ĐỘNG (A): Con có linh hoạt không? Con có bắt đầu lẫy không? Con bạn thường thực hiện hoạt động gì trong ngày: nằm tự chơi trên thảm, tham gia nhóm các mẹ và bé khác hay xem ti-vi? Đôi khi việc giới thiệu và thiết lập E.A.S.Y với các em bé hiếu động có nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các em chưa bao giờ được áp dụng một nếp sinh hoạt nào. Đồng thời, bạn lưu ý không để bé chơi quá nhiều, quá kích động bé sẽ rất khó thư giãn và trấn an, dẫn đến khó ngủ cũng như ăn sẽ kém hơn do bị kích động thần kinh.
VỀ VẤN ĐỀ NGỦ (S): Con có ngủ liền mạch ít nhất 6 tiếng vào ban đêm – như những trẻ 4 tháng khác – hay con vẫn còn thức dậy để ăn đêm? Buổi sáng mấy giờ con tỉnh dậy, khi đó mẹ can thiệp ngay hay để cho con tự chơi trong cũi? Con ngủ ngày có tốt không và ngủ bao lâu? Mẹ có đặt con vào trong cũi để ngủ ngày không, hay cứ để con mệt và ngủ gật ở đâu thì ngủ? Những câu hỏi ngủ (S) này giúp xác định xem mẹ có để con học cách tự vỗ về và tự ru ngủ, hay bạn có nhiệm vụ cho con ngủ, hay mẹ chạy theo con, con ngủ lúc nào thì ngủ... Hiển nhiên là khi con không tự đưa mình vào giấc ngủ được, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.
THỜI GIAN CỦA BẠN (Y): Mẹ có ở trong trạng thái căng thẳng hơn mọi khi không? Mẹ có bị ốm không? Có bị trầm cảm không? Bạn có nhận được sự giúp đỡ của người bạn đời, gia đình và bạn bè không? Thiết lập nếp sinh hoạt khi cuộc sống của bạn đang hỗn loạn, đòi hỏi ở mẹ dũng khí và sự hi sinh. Mẹ không thể chăm sóc một đứa trẻ nếu như chính mẹ cũng có cảm giác cần phải được chăm sóc. Nếu bạn không có ai giúp, hãy tìm người hỗ trợ. Có người nào đó ở bên cạnh để bạn được nghỉ ngơi một chút là quá tuyệt, còn không chỉ cần một nơi để bạn tâm sự giãi bày sẽ tốt hơn rất nhiều việc phải “chinh chiến” một mình.
Có một điều cần phải nhớ khi thực hiện nếp sinh hoạt lần đầu tiên, đó là hiếm khi có điều kỳ diệu xảy ra chỉ sau một đêm – có thể là ba ngày, một tuần, thậm chí là hai tuần, nhưng không bao giờ là được ngay. Khi bắt đầu bất cứ chế độ tập luyện nào cho trẻ, ở bất cứ độ tuổi nào, chắc chắn cha mẹ cũng sẽ vấp phải sự phản kháng. Tôi đã tư vấn cho rất nhiều cha mẹ, đủ để biết là có một số người thực sự kỳ vọng phép màu sẽ xảy ra. Bạn có thể nói bạn muốn con bạn tuân thủ nếp sinh hoạt E.A.S.Y, nhưng để làm được thế, bạn cần bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Bạn là người giám sát và hướng dẫn, ít nhất là cho tới khi con bạn đi vào nề nếp. Đặc biệt là khi con bạn chưa bao giờ thực hiện một nếp sinh hoạt nào, bạn có thể sẽ phải hy sinh điều gì đó trong vài tuần – chẳng hạn như thời gian của bạn. Nhiều cha mẹ không vượt qua điều đó, giống như có mẹ đã khẳng định với tôi là cô sẽ “làm bất cứ việc gì” để con chịu thực hiện E.A.S.Y, nhưng lại đưa cho tôi cả núi câu hỏi: “Em có phải ở nhà hàng ngày để đưa con vào nếp không? Hay em có thể đi ra ngoài cùng con và cho con ngủ trên xe ô tô? Em mà phải ở nhà để con theo nếp sinh hoạt, thì biết đến bao giờ em mới được ra khỏi nhà với con cơ chứ? Cứu em với”.
Hãy nhìn xa trông rộng, bạn thân mến! Một khi con bạn đã quen với nếp sinh hoạt E.A.S.Y, bạn sẽ không còn cảm thấy tù túng nữa. Hãy điều chỉnh những nhu cầu của mình cho phù hợp với thời gian của con. Mẹ có thể cho con ăn ở nhà và thời gian hoạt động của bé sẽ là du hí cùng mẹ trên xe, hoặc mẹ có thể cho bé ăn và chơi ở nhà, sau đó bé có thể ngủ trên ghế ô-tô hoặc xe đẩy (dù bé có ngủ ngắn hơn thường ngày). Tuy nhiên nếu bé quá quen với việc ngủ gật trên xe đẩy hoặc trong ghế ô tô, mà cứ dừng xe là con dậy, thì cha mẹ nên cảnh giác và đọc về các yếu tố phá hoại thói quen ngủ tốt của con.
Tuy nhiên, khi bạn đang thử thiết lập nếp sinh hoạt lần đầu tiên, lý tưởng nhất là cả hai vợ chồng ở nhà trong vòng hai tuần, hoặc ít nhất cũng phải 1 tuần, để giúp con làm quen với nếp sinh hoạt mới. Bạn cần phải dành thời gian để tạo ra sự thay đổi. Trong suốt giai đoạn giới thiệu đầu tiên và quan trọng này, hãy xem xét để thời gian cho con ăn, vận động và ngủ xảy ra trong môi trường quen thuộc. Hãy nhớ rằng hai tuần không phải là cả phần đời còn lại của bạn. Còn nữa, con có thể sẽ quấy, cáu kỉnh và thậm chí khóc nhiều hơn khi con tự điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi.
Những ngày đầu sẽ đặc biệt khó khăn vì con đã được “lập trình” một cách hoàn toàn khác, và giờ bạn cần phải xóa bỏ những khuôn mẫu cũ. Nhưng nếu bạn kiên trì, E.A.S.Y sẽ phát huy tác dụng.
Rất may là ở tuổi này trí nhớ của trẻ vẫn còn tương đối ít. Nếu cha mẹ kiên trì với cách mới như đã từng làm với cách cũ, thì cuối cùng con cũng sẽ quen. Và sau vài ngày, hoặc vài tuần thực sự khó khăn, mọi chuyện tốt hơn – không còn ăn uống thất thường, không còn dậy đêm, không còn những ngày khó chịu vì cha mẹ không hiểu con muốn gì nữa.
Tôi luôn khuyên cha mẹ dành ra ít nhất 5 ngày để giới thiệu nếp sinh hoạt E.A.S.Y (xem cột thông tin bên lề bên dưới để biết số ngày ước lượng dành cho mỗi độ tuổi cụ thể). Một trong hai người có thể dành ra một tuần nếu có thể. Sau khi đọc hết bản kế hoạch, đừng ngạc nhiên khi thấy tôi khuyên cha mẹ nên tuân thủ thời gian gợi ý một cách nghiêm túc, trong khi tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại là cha mẹ đừng nên làm nô lệ cho chiếc đồng hồ. Vâng, chỉ duy nhất trong khuôn khổ của giai đoạn tái huấn luyện này mà cha mẹ thực sự phải để ý giờ giấc và ít linh hoạt hơn thường lệ. Khi con đã vào nhịp, vào nếp việc xê dịch 30 phút sớm muộn sẽ không thành vấn đề, nhưng hiện tại khi mới bắt đầu cha mẹ hãy cố gắng tuân thủ theo giờ mà tôi gợi ý dưới đây.
Kế hoạch hành động
Ngày Một và Ngày Hai. Đừng can thiệp vào thời điểm này; cả hai ngày này chỉ quan sát thôi. Hãy để ý đến mọi thứ. Hãy xem lại những câu hỏi mà tôi đã đặt ra (trang 54) và cố gắng phân tích hậu quả của việc không có nếp sinh hoạt. Hãy viết lại những điều cần nhớ về thời gian cho con ăn, độ dài giấc ngủ ngày, thời gian đi ngủ buổi tối, v.v...
Vào buổi tối của Ngày Hai, để chuẩn bị cho Ngày Ba, bạn cần phải đi ngủ khi con ngủ, và làm đúng như vậy trong những ngày sau. Bạn cũng cần được nghỉ ngơi để có sức chiến đấu trong vài ngày tới (hoặc có thể là lâu hơn). Còn tuyệt hơn cả là nếu bạn có thể ở nhà trong giai đoạn lập trình nếp sinh hoạt cùng con thì bạn còn có thể ngủ ngày cùng với con.
Ngày Ba: Một ngày chính thức bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng. Nếu con vẫn đang ngủ, hãy đánh thức con – ngay cả khi con thường ngủ tới 9 giờ. Nếu con dậy lúc 5 giờ, hãy BL/ ĐX để dỗ con ngủ lại. Nếu con quen dậy sớm, và đặc biệt là nếu bạn hay bế con ra và chơi với con vào giờ đó, con sẽ phản kháng. Có thể bạn sẽ phải BL/ ĐX một tiếng hoặc lâu hơn thế, vì con kiên quyết đòi dậy. Đừng bế con vào giường của bạn – đây là một sai lầm mà rất nhiều ông bố bà mẹ đã mắc phải khi con họ thức dậy sớm.
7h sáng: Hãy bế con ra khỏi cũi và cho con ăn. Theo sau đó sẽ là thời gian hoạt động. Trẻ 4 tháng tuổi thường chỉ có thể chơi được từ 1 tiếng 15 phút đến 1 tiếng 30 phút; trẻ 6 tháng tuổi, chơi lâu nhất là 2 tiếng; trẻ 9 tháng tuổi, chơi từ 2 đến 3 tiếng. Con bạn sẽ ở đâu đó trong khoảng đó. Một số cha mẹ cứ khăng khăng “Con không thể thức lâu được như thế”, và tôi vẫn thường trả lời rằng: hãy làm bất cứ việc gì bạn có thể để con thức – kể cả là nhảy múa, hát ca làm trò hay khua chiêng đánh trống, miễn là con không ngủ gật.
Thiết lập E.A.S.Y: Thời gian dự tính?
Đây chỉ là ước lượng, một số trẻ có thể cần nhiều hoặc ít thời gian hơn.
Trẻ 4 – 9 tháng: Đây là giai đoạn trẻ phát triển vượt bậc về mọi mặt, hầu hết các cha mẹ đều cần hai ngày quan sát và ba đến bảy ngày để lập trình lại ngày và đêm của trẻ.
Trẻ 9 tháng – 1 năm: 2 ngày quan sát, 2 ngày gào thét khi cha mẹ cố gắng lập trình lại cả ngày và đêm của trẻ, 2 ngày “Ôi, thành công đã đến rồi!” và đến ngày thứ 5, có thể bạn sẽ có cảm giác như quay trở lại ngày đầu. Hãy cố gắng vượt qua, và đến cuối tuần thứ 2, bạn sẽ được giải thoát.
Thực hiện nếp sinh hoạt E.A.S.Y 4H, bắt đầu đặt con xuống để đi ngủ, lưu ý mẹ đặt con khoảng 20 phút trước giờ ngủ giấc sáng, giả sử như vào lúc 8:15. Nếu may mắn con dễ thích nghi, thì con cũng phải mất 20 phút để thư giãn đưa mình vào giấc ngủ, và sau đó sẽ ngủ khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Tuy nhiên, hầu hết những em bé chưa từng thực hiện một nếp sinh hoạt nào sẽ phản đối việc đặt xuống đi ngủ mà không như thường lệ (ru, ti mẹ, bình sữa…), vì thế bạn sẽ phải BL/ ĐX để dỗ con vào giấc ngủ. Nếu bạn thực sự quyết tâm và làm đúng – nghĩa là đặt con nằm xuống ngay khi con ngừng quấy khóc – thì sau khoảng 20 phút, con sẽ bắt đầu ngủ. Thực tế là một số trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn để thư giãn và ngủ; bản thân tôi đã dành một tiếng đến một tiếng rưỡi để dỗ ngủ các bé mới bắt đầu thực hiện E.A.S.Y. Thời gian dỗ ngủ này chiếm gần như toàn bộ thời gian dành cho việc ngủ (S) của con.Nhưng như một câu ngạn ngữ đã nói “sau đêm đen mới thấy mặt trời”, nếu có sự kiên nhẫn, quyết tâm và niềm tin thì phương pháp này sẽ có hiệu quả.
Hiểu lầm
Ngủ ngày cực ngắn phá hoại giấc ngủ đêm
Nhiều trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi ngủ một giấc cực ngắn khoảng 30 đến 40 phút vào cuối buổi chiều, thậm chí là khi đã 5 giờ. Cha mẹ lo lắng giấc ngủ thêm này sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm của con. Nhưng thực sự thì ngược lại mới đúng: Con bạn càng được nghỉ ngơi nhiều vào ban ngày bao nhiêu, bé càng ngủ ngon vào ban đêm bấy nhiêu.
Thường trong các trường hợp cha mẹ phải áp dụng BL/ ĐX, con thường sẽ chỉ ngủ khoảng 45 phút (mặc dù bạn đã dành gần như chừng đó thời gian để giúp con ngủ!). Dù trong bất cứ trường hợp nào, nếu con thức dậy sớm hơn so với giờ dành cho giấc ngủ ngày, hãy quay lại và tiếp BL/ ĐX. Bạn có thể nghĩ việc này thật điên rồ. Nếu con ngủ được khoảng 40 phút, mà bây giờ để dỗ cho con ngủ lại có khi mất thêm 40 phút nữa, trong khi thời gian dành cho giấc ngủ ngày chỉ là 1 tiếng rưỡi, điều này có nghĩa là bạn sẽ phải dỗ con 40 phút sau khi con dậy sớm, chỉ để cho con có thể ngủ thêm được 10 phút hay sao. Thực sự điên rồ! KHÔNG! Tin tôi đi: Việc bạn đang làm là thay đổi nếp sinh hoạt của con, và đây chính là cách để làm được điều đó. Ngay cả khi con chỉ vừa mới ngủ được 10 phút (sau khi bạn mất 40 phút vất vả BL/ ĐX!), hãy đánh thức con dậy vào lúc 11 giờ – giờ ăn của con, để con không bị chệch nếp sinh hoạt.
Sau khi bạn cho con ăn (11h), cho con chơi và lại tiếp tục cho con vào phòng lúc 12:40, 20 phút trước giấc ngủ trưa của con lúc 1 giờ. Lần này, có thể chỉ mất khoảng 20 phút để con ngủ. Nếu con ngủ dưới 1 tiếng 15 phút, lại BL/ ĐX cho đến bữa ăn tiếp theo. Còn nếu con ngủ lâu hơn, bạn đừng quên đánh thức con dậy lúc 3 giờ để ăn.
Một ngày dường như kiệt sức với cả bạn và con. Vì thế bé có thể rất mệt mỏi vào buổi chiều. Sau khi con đã ăn và vận động, hãy để ý những tín hiệu buồn ngủ. Nếu con ngáp, hãy cho con ngủ một giấc ngủ ngắn khoảng 45 phút trong tầm từ 5 đến 6 giờ. Nếu không bởi con vẫn có thể chơi vui vẻ, hãy cho con đi ngủ vào giấc đêm lúc 6 giờ hoặc 6 rưỡi thay vì 7 giờ. Nếu con tỉnh dậy lúc 9 giờ tối, đừng cho con ra ngoài, mẹ lại BL/ ĐX cho đến khi con ngủ lại. Cho con ăn một bữa “ăn trong mơ” – mẹ cho ăn khi con đang ngủ say trong khoảng từ 10 đến 11 giờ.
Nhiều khả năng là con sẽ thức dậy vào lúc 1 hoặc 2 giờ sáng. Lúc này thay vì cho con ăn, bạn tiếp tục BL/ ĐX. Bạn có thể liên tục BL/ ĐX trong vòng 1,5 tiếng đồng hồ chỉ để con có thể ngủ được tiếp 3 tiếng liền mạch. Thậm chí, bạn có thể sẽ phải BL/ ĐX cả đêm, cho tận đến 7h sáng – thời điểm bước sang Ngày Bốn.
Ngày Bốn. Ngay cả khi con vẫn còn đang ngủ lúc 7 giờ, và bạn đã kiệt sức, hãy cứ đánh thức con dậy.
Bạn cần phải thực hiện nếp sinh hoạt giống như ngày thứ ba, nhưng hôm nay BL/ ĐX chỉ mất khoảng nửa tiếng, thay vì mất 45 phút – 1 tiếng dỗ ngủ của hôm trước. Con cũng có thể ngủ lâu hơn. Mục tiêu nhắm tới là mỗi giấc ngủ ngày dài 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Nhưng bạn có thể tự đánh giá và điều chỉnh. Nếu con đã ngủ được 1 tiếng 15 phút, và con có vẻ vui vẻ khi thức dậy thì hãy để con dậy. Ngược lại, nếu con mới chỉ ngủ được 1 tiếng, thì tốt hơn hết là bạn nên BL/ ĐX cho con ngủ lại vì hầu hết trẻ đều sẽ nhanh chóng đi thụt lùi một khi chúng đã quen với giấc ngủ quá ngắn. Đừng quên cho con ngủ một giấc ngắn vào lúc 5 giờ nếu thấy con mệt mỏi quá.
Ngày Năm. Đến ngày thứ năm, hẳn bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Có thể bạn vẫn phải BL/ ĐX một chút, nhưng chắc sẽ không nhiều. Với trẻ 6 tháng tuổi, giới thiệu E.A.S.Y phải mất tổng cộng 7 ngày gồm: 2 ngày quan sát và 5 ngày dành cho quá trình thay đổi. Với trẻ 9 tháng tuổi, có thể sẽ phải mất 2 tuần (đó là trường hợp tệ nhất mà tôi gặp) vì trẻ đã quá quen với nếp sinh hoạt cũ, nên khi bạn cố gắng thay đổi con theo nếp sinh hoạt mới, các bé lớn sẽ khó bảo hơn so với trẻ nhỏ.
Trở ngại lớn nhất cho quá trình thiết lập E.A.S.Y là cha mẹ cảm thấy sợ hãi và lo ngại tưởng chừng như những ngày khủng khiếp đó sẽ kéo dài đến vô tận. Sau khi dành trọn 4 ngày để thay đổi nếp sinh hoạt của bé Sam, mẹ Veronica thực sự phấn khởi và kinh ngạc vì giờ đây mẹ có thể thư giãn ăn trọn bữa tối bên bạn đời mà không lo chạy cuống lên với bữa ăn giấc ngủ của con. “Tôi không thể tin được là có thể thành công nhanh đến thế!”. Và tôi trả lời chị, như tôi đã trả lời vô vàn các bố mẹ khác cùng hoàn cảnh với chị: “Chị thành công nhanh bởi chị kiên nhẫn, quyết tâm và bền bỉ với nếp sinh hoạt mới”. Nhưng tôi cũng không quên cảnh báo với chị là các bé (đặc biệt là các bé trai – theo một nghiên cứu về giới cho thấy các bé trai thính ngủ hơn các bé gái) có thể tiếp tục sinh hoạt tốt trong một vài tuần, nhưng sau đó lại “đi thụt lùi”: bé lại dậy đêm và lại ngủ ngày cực ngắn. Khi con “đi thụt lùi” như vậy, nhiều cha mẹ nghĩ rằng chiến lược thực hiện E.A.S.Y đã đổ bể, phá sản, con không hợp… thực tế là cha mẹ cần kiên trì và bền bỉ trong mọi hoàn cảnh. Nếu cha mẹ không may gặp phải sự phản kháng như vậy, hãy nhớ đến BL/ ĐX. Ít nhất lúc này con đã trải nghiệm phương pháp BL/ ĐX từ trước, nếu cha mẹ nhất quán thì con sẽ chấp nhận và cả gia đình quay về nếp sinh hoạt vốn có sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Nếp sinh hoạt là chìa khoá cho hầu hết mọi vấn đề. Vì thế tôi sẽ còn nhắc đi nhắc lại nhiều về tầm quan trọng của E.A.S.Y trong suốt cuốn sách này. Tôi dành nhiều công sức và thời gian để nhấn mạnh vào nếp sinh hoạt, bởi tôi hiểu: thiếu trình tự tổ chức và thiếu nhất quán là các nguyên nhân chính dẫn đến mọi vấn đề phức tạp trong nuôi dạy con trẻ. Nói thế không có nghĩa là một bé có nếp sinh hoạt tốt thì không gặp các vấn đề về ăn, ngủ hay hành vi (tôi bàn về các vấn đề này từ Chương 3 đến Chương 8). Tuy nhiên khi cha mẹ có kế hoạch hành động rõ ràng và có trình tự tổ chức nếp sinh hoạt trong ngày thì việc tìm và sửa các vấn đề phát sinh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.