Ngày nay người ta đi chùa Hương hoặc vì lòng tò mò muốn thăm một nơi mà trừ mình ra ai ai cũng biết, hoặc vì cái thú được nhập bọn với một đoàn du lịch trong đó có vài thiếu nữ xinh tươi.
Nhưng đối với tôi, chùa Hương sẽ mãi mãi là một cảnh bồng lai huyền ảo, mịt mùng trong tưởng tượng dễ dàng của tuổi thơ, và âm thầm trong đêm trăng, trên sông Đáy, lẫn với kỷ niệm tươi đẹp của thời xấp xỉ hai mươi.
Đã nhiều lần vui đùa anh em tôi trở lại chùa xưa. Những đám người hôi hám, ồn ào, những tiếng cười đùa thô lỗ, cái thực vô vị ấy vẫn không xóa nhòa được cảnh thần tiên đã in sâu vào tâm hồn tôi cùng với những cảm tưởng không bao giờ thay đổi.
Năm tôi chín tuổi, vì cụ cử thầy học của anh em chúng tôi nghỉ về nhà dưỡng lão, cha tôi bèn bảo một người anh họ chúng tôi dạy tạm. Anh khóa Ngoạn - tên người anh họ - vừa lạc đệ trường Nam lần thứ ba và lần cuối cùng vì anh đã thề không dự thi nữa, để phản đối cái lối thi cử "O tròn, A méo" kèm những phép tính "trẻ con" mà anh khinh không thèm học. Năm ấy, trong khi ở nhà, ông thân sinh của anh ném hết các pho Bắc sử và Tư thư, Ngũ kinh vào vại nước, để rồi lại giải ra nia mà hong, thì anh khóa đến chôn vùi cái hận trường ốc ở chốn Hương Sơn.
Mãi ba tháng sau, anh mới trở về, lòng chán nản, nhưng trí thảnh thơi. Anh đem những cảnh thần tiên thuật lại cho chúng tôi nghe, thuật bằng những lời văn đầy thơ mộng, khiến óc ngây thơ của tôi tưởng tượng chùa Hương ra một nơi xa xăm, mờ mịt, mà chỉ những người cực kỳ mạo hiểm mới tới được.
Lại thêm chiều chiều anh kể những truyện Liễu Trai, những truyện xảy ra trong những cảnh thực thực hư hư với những nhân vật khác hẳn bọn người thường sống chung quanh ta. Bởi vậy, tôi yên trí rằng chùa Hương chỉ là một cảnh Liễu Trai trong đó người và tiên và vật chung sống trong sự hòa hợp thân thiết, và anh khóa Ngoạn lì sì ít nói chỉ là cái anh do gan góc lạ lùng lạc vào nơi núi sâu, rừng rậm, một đêm trăng sáng, rồi ở đó với bầy tiên nhảy múa, hát xướng nô đùa, cái anh chàng bắt chước tiếng yểng để bảo các nàng tiên:
"chàng ta say rồi, đưa chàng ta về thôi!"
... Thế rồi các nàng tiên cười rú, đứng chồng lên vai nhau làm một cây người cao ngất trời xanh. Cây ngươi đổ xuống thành một con đường quang đãng. Anh đồ theo con đường ấy về được đến nhà. Hôm sau, anh muốn trở lại thăm chốn cũ thì con đường không còn nữa, chỉ thấy đầy cỏ lau mọc...
Đối với tôi, đó chỉ là nơi mà anh khóa Ngoạn đã rời bỏ để về dạy anh em chúng tôi học.
***
Bao năm mơ ước cảnh chùa Hương.
Một hôm - năm ấy tôi mươi tám - một hôm bắt đầu nghỉ lễ Phục Sinh, bỗng tôi nhận được điện tín từ Phủ Lý gửi tới: "Về ngay đi Hương Tích".
Và tôi về ngay.
Em tôi cùng hai người bạn, anh Ruật và anh Đạt ra đón tôi ở ga, đưa tôi thẳng xuống thuyền.
Cái đêm mười tư tháng ba An Nam ấy ngày nay chỉ còn để lại trong tâm hồn tôi một cảm giác mơ hồ mà tôi nhớ tới như nhớ một giấc mộng thoáng qua. Nhưng giấc mộng ngày nay vẫn còn thoáng qua trong ký ức tôi; mỗi khi tôi ngắm cảnh sông trăng, nghe tiếng tiêu lanh lảnh buổi chiều tàn, hay ngâm thầm những câu thơ "Tỳ bà" của cổ nhân:
Tiếng tỳ nghe vẳng trên sông
Chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi...
Thuyền mấy lá, đông, tây lặng ngắt,
Một bóng trăng trong vắt lòng sông.
Trăng, nước và âm nhạc, nhan nhản tả trong thơ Tầu không bao giờ tôi cảm thấy có liên lạc nhịp nhàng với nhau bằng cái đêm trăng trên sông Đáy.
Anh Đạt, một tài tử, thổi chiếc ống tiêu mà anh đã mang theo. Đêm khuya, trăng ngã về tây, lượn chung quanh thuyền trên con sông khuất khuỷu, khi ở đang mũi, khi ở đằng lái, khi sang bên tả, khi sang bên hữu, như múa khúc nghê thường theo điệu tiếng trúc véo von, giải lụa vàng thướt tha bay trong sương, dịu dàng lướt trên mặt nước. Tiếng bổng cất cao tận đỉnh trời xanh. Tiếng trầm rơi trên làn sóng tan trong nhịp chèo. Âm nhạc ngừng, tiếng ngân nhưng còn kéo dài trong êm lặng của ban đêm, lưu luyến với luồng ngấn trắng chuyển động chạy sau thuyền.
Cả một đêm trong sáng chung đúc lại chỉ còn có cảm giác thần tiên ấy: cái đẹp đã như kết tinh trong tư tưởng, và không bao giờ nhạt phai trong trí nhớ. Ngoài ra mọi vật, mọi ý, mọi sự, đều mờ dần cho đến khi biến đi không còn vết tích.
***
Trong giấc ngủ, tiếng tiêu vẫn réo rắt...
Cảnh sáng trăng vẫn huyền ảo... Một tia ánh thái dương lọt qua khe mui thuyền. Tôi tung chăn ngồi dậy. Tiếng ồn ào chung quanh.
Bến Đục!
Từ đó vào tới chùa ngoài, cái suối nước phẳng lặng đưa chiếc tam bản mỏng mảnh của chúng tôi, cùng với hàng chục chiếc tam bản đầy chật khách lễ chùa, lượn quanh những quả núi nhỏ và xinh như những non bộ bày trong bể cạn.
Cảnh ấy, tôi mới được trông thấy lần đầu nhưng tôi không lạ mắt: Hình như tôi đã gặp nó ở một xứ quen thuộc nào đó, hình như trải một đời tiền sinh, tôi đã sống trong rặng núi kia bên sườn non kia. Thì ra trong tâm não tôi, trong trí tưởng tượng của tôi, nhưng cảnh Liễu Trai đã từ lâu biến thành cảnh thực.
Sự ngẫu nhiên, một câu truyện xảy ra cho chúng tôi cũng vẻ "Liễu Trai" nữa:
Lúc mới tới suối thấy những thuyền đưa khách vào chùa, cái nào cũng xếp chật ních, chúng tôi đành phải thuê riêng một chiếc. Như thế, có lẽ chúng tôi không được hưởng cái thú chen vai thích cánh với khách thập phương bên phái đẹp, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ tránh được cái nạn uống nước suối chẳng trong sạch gì.
Thuyền chúng tôi sắp đi, bỗng một nhà sư, khăn gói nâu vắt vai, hớt hơ hớt hải nhảy vọt xuống, khiến chiếc tam bảo chồng chềnh và anh Ruật đứng ở đằng mũi suýt ngã. Chúng tôi lễ phép nói với nhà tu hành rằng chiếc thuyền chúng tôi đã thuê riêng, và giá chỉ có một mình sư ông thì chúng tôi cũng không dám tiếc, nhưng chúng tôi đã trót từ chối nhiều người vậy xin mời sư ông sang thuyền khác cho. Chúng tôi tưởng nhà sư điếc, vì chúng tôi nhắc đi nhắc lại câu nói, người ấy vẫn nghiễm nhiên, yên lặng ngồi nhìn trời. Mãi sau, chúng tôi mới nghe thấy một câu trả lời, một câu trả lời vắn tắt, nhưng rất xược:
- Cửa từ bi không hẹp một ai.
Tôi, thì tôi chỉ nhận thấy sự bí mật, nhất tôi lại đã ngắm kỹ gương mặt sáng tươi, cặp mắt thanh và sắc, cái miệng cười rất có duyên của con người kỳ dị.
Anh Ruật, tính nóng như lửa, sức khỏe như báo, tiến đến trước mặt nhà sư, sừng sộ:
- Nói tử tế không nghe, có muốn xuống suối không?
Và anh toan ôm lấy người tu hành. Tôi lo ngại: Tấm thân nở nang, đều đặn của sư ông khiến tôi mơ màng nghĩ tới những miếng võ bí hiểm, những phép thuật kỳ quái của các nhà đạo sĩ đời xưa. Vì thế, tôi vội vàng đến can:
- Thôi anh ạ, cứ để sư ông đi với chúng ta cho vui.
Anh Ruật quay lại, gắt:
- Nhưng mọi người khác cũng kéo xuống bây giờ đây này!
Tôi không đáp, giục cô lái đẩy mau thuyền ra xa.
Một lát, chúng tôi đã hầu quên người khách lạ, mải miết ngắm nghía những hòn núi chon von, hay vui vẻ "nam vô" để chào những cô thiếu nữ trên những chiếc thuyền nặng trĩu bấp bênh như sắp đắm. Bỗng có tiếng ai sang sảng như tiếng chuông vàng, nhịp nhàng trầm bổng như điệu hát nhịp nhàng của một cô danh ca. Chúng tôi kinh ngạc quay nhìn về phía lái: nhà sư của chúng tôi đương tâm niệm, mắt ngước mình trời, hai bàn tay chắp ngực mà cao tiếng tụng kinh: Thực hoàn toàn là sự Tín ngưỡng, một bức tranh đức Phật hiện thân.
Và chúng tôi hối hận. Người hối hận nhất là anh Ruật. Anh buồn rầu nhìn nhà sư; và tôi đoán anh đương băn khoăn chờ dịp để xin lỗi "người thánh đức". Nhưng từ lúc ấy cho tới chùa ngoài, không một giây nào, người tu hành, ngừng lời, giọng mỗi lúc một trong hơn, một thiết tha, nồng nàn hơn.
Thuyền tới bến, sư ông mắt lim dim, đứng dậy kính cẩn ngả đầu chào chúng tôi: "Nam mô a di đà Phật!" Anh Ruật vội đáp lễ:
- A di đà Phật: Xin sư ông tha thứ cho đệ tử cái tội đã dám xúc phạm tới sư ông.
Sư ông sẵn lòng tha thứ và hứa sẽ đưa chúng tôi vào bái yết sư tổ để xin sư tổ ban riêng cho chúng tôi (và... sư ông, cố nhiên một gian phòng quan cư. Quả sư tổ không những ban cho phòng, mà còn cắt một chú tiểu hầu trà nữa. Điều đó không khỏi làm chúng tôi kinh dị và khâm phục nhà sư mà chúng tôi đoán là một người có thế lực trong tăng giới.
Chúng tôi càng kinh dị khi ở chùa trong trở ra, tối hôm ấy, chúng tôi ngồi nghe nhà sư thuyết pháp, và ngắm nhà sư múa hai bàn tay mềm mại, trắng trẻo để bắt quyết. "Thưa các thầy, lúc em lên đàn..."
Không để sư ông nói rứt câu, anh Ruật tiếp luôn:
- ... thì chắc các tín nữ phải yêu lắm.
Tôi tưởng sư ông tức giận, nhưng trái hẳn; "ngài" chỉ mỉm cười rất có duyên, và đưa hai con mắt tình tứ.
Rồi sư ông ngâm thơ của sư ông cho chúng tôi nghe. Tôi còn nhớ hai câu trong một bài thơ mà sư ông khoe khoang đã ứng khẩu đọc ra để đáp lại những lời diễu cợt của một ông tú:
Mực tàu giấy bản bút lông mèo,
Tha hồ ông tú vẽ ngoằn ngoèo.
***
Đêm đã khuya chúng tôi vẫn không ngủ được, liền rủ nhau lên chùa trên. Trong chùa tiếng ồn ào như một ngày phiên chợ. Tiếng mõ đều đều một nhịp. Tiếng niệm Phật chìm trong huyên náo, thỉnh thoảng lại cất cao lên một gióng rồi lại chìm vào trong huyên náo.
Không khí ngạt ngào và nồng nực khó thở, Những cây sáp lớn chiếu một thứ ánh sáng lờ mờ và rung động trong làn khói hương bay. Trên nền chùa, thiện nam tín nữ nằm xếp đầy từng tốp, gối đầu, gác chân lên ngực, lên đùi nhau mà ngủ, tâm có lẽ vẫn thanh khiết, trí có lẽ vẫn quang minh. Bọn họ không còn là trai, là gái nữa, chỉ là những con người sùng tín mà thôi.
Quá nửa đêm, xuống phòng quan cư, và không thấy sư ông, chúng tôi chắc rằng nhà tu hành đi dự lễ Ngũ bách bái.
Ánh trăng tà chiếu chếch ngoài hiên có chiều quyến rũ... Chúng tôi liền cùng nhau lên núi... Tiếng ồn ào một lúc một xa, một nhỏ. Lâu dần chỉ còn như tiếng vo ve của đoàn ruồi nhặng.
Bỗng rầm rập nhiều người chạy ở dưới chân núi. Chúng tôi quay xuống xem... Một cái bóng đen vụt qua rồi lẫn vào trong đám lau cao và rậm. Anh Đạt toan đuổi theo, nhưng chúng tôi giữ lại, sợ người kia có khí giới. Riêng tôi, tôi vơ vẩn tới nhưng truyện Liễu Trai của tôi, và tôi tần ngần đứng nhìn hàng bông lau lấp loáng trong ánh trăng.
Sau hỏi ra thì không những chẳng có gì đáng để cho chúng tôi tức bực, mà đó là một câu truyện làm chúng tôi tức cười: Một nhà sư... chòng ghẹo một cô gái quê đương ngủ ở dưới mắt từ bi đức Phật Như Lai. Tôi nghĩ đến nhà sư xinh trai... Nhưng tôi nhận ngay thấy sự sai lầm: người từ bi ấy đương ngồi trong phòng quan cư đun nước để chờ chúng tôi về...
Vào khoảng ba giờ sáng, tiếng cười đùa ầm ĩ lại đánh thức tôi dậy. Nhà sư nằm bên cạnh tôi đã biến đâu mất.
Tôi mặc quần áo, lên chùa. Ở đây người ta đương thi nhau kể cho ai muốn nghe thì nghe: một cô gái quê ngủ say quá bị ai lột truồng và đặt lên bụng một cái đĩa trên có thắp cây nến dài.
Nhà sư bí mật có phải là người chủ động trong hai truyện nghịch ngợm kia không? Tôi không dám mười phần tin chắc cả mười. Nhưng mà tôi ngờ vực lắm, nhất chiều hôm ấy, lúc sắp sửa ra thuyền, tôi lại được nghe chú tiểu hầu trà hỏi một câu rất đột ngột.
- Thưa, trong ba ngài, ngài nào là rể cụ lớn, ạ?
Tôi ngẩn mặt nhìn mọi người, không hiểu. Nhưng anh Ruật hiểu, nên chẳng ngần ngại, anh trỏ tôi đáp liền:
- Đấy, ông này là rể cụ lớn.
Rồi ghé tai chúng tôi, anh thì thầm:
- Chắc hôm qua lão sư giới thiệu với sư tổ rằng một người trong bọn mình là rể cự thượng Hà Đông. Chẳng lẽ vô cớ sư tổ lại cho phòng ngủ và cho ăn tươm tất thế?
Chúng tôi cùng phá lên cười, khiến chú tiểu ngơ ngác trố mắt đứng nhìn.
Ra gần tới đền Trình, thuyền chúng tôi gặp một chiếc thuyền vào chùa, trong thuyền có tiếng sang sảng tụng kinh. Chúng tôi kinh ngạc nhìn, tìm: Ngồi đằng lái, nhà sư xinh trai của chúng tôi đương ôn lại cái việc làm hai hôm trước.
Bí mật quá! Mà "Liễu Trai" thực!
***
Nhưng đã hết đâu! Đêm hôm ấy, trên sông Đáy chúng tôi còn gặp một sự lạ lùng nữa, làm cho cuộc đi chơi chùa Hương của chúng tôi càng thêm vẻ Liễu Trai.
Thuyền đương khó nhọc ngược dòng nước, bỗng chúng tôi lưu ý đến một cái đài ánh sáng từ đâu hiện ra ở phía trước mặt. Tới gần thì đó là chiếc tàu thủy bị giắt cạn. Anh Đạt trỏ lên tàu hỏi đùa:
- Có cô nào muốn đi thuyền không?
Một tiếng trong trẻo yểu điệu đáp lại liền:
- Có!
Anh Ruật cười nói:
- Cho xuống! Bằng lòng cả nhé?
Cố nhiên chúng tôi bằng lòng. Tức thì thuyền ghé vào mạn tàu để hai thiếu nữ đỡ một bà cụ già bước sang. Phải chăng đó là hai con cáo chín đuôi, hai con hồ tinh trong dãy núi Hương Tích hiện thành hình người để trêu ghẹo khách trên sông? Tôi xin thú thực rằng tôi cũng hơi rờn rợn, nhất khi thắp đèn lên tôi lại nhận thấy hai thiếu nữ đều có một thứ nhan sắc huyền ảo, với hai con mắt lẳng lơ.
Đêm hôm ấy chúng tôi thức cho tới Phủ Lý để nghe hát, vì một cô hồ tinh, cô em, biết đủ các giọng ca Trung, Nam, Bắc. Anh Đạt thổi ống tiêu họa theo.
Nằm ở khoang trên, bà cụ, mẹ hai cô hồ tinh, ngủ một giấc ngon lành và bình tĩnh phó mặc hai con cho chúng tôi bảo họ. Riêng về phần tôi thì đêm hôm ấy tôi chỉ có những tính tình trong sạch sáng tươi...
Truyện Liễu Trai chép rằng hai thiếu nữ yêu và lấy hai người trong bọn chúng tôi.
Nhưng sự thực lại khác hẳn, sự thực thì hai chị em thiếu phụ là vợ cả và vợ lẽ một người mà chúng tôi đều biết tiếng.
Sự thực! Nhưng tưởng tượng cũng vẫn là sự thực.