Ông hàn ở ngoài về, nét mặt hầm hầm cau có bảo bà hàn:
- Tức lắm bà ạ.
Bà hàn vồn vã hỏi lại:
- Cái gì thế, ông? Ông có điều gì bực tức thế ông? Sao thằng Cả vừa đỗ mà ông lại không vui thế?
Ông hàn thở dài:
- Ấy chính vì việc thằng Cả đỗ...
Bà hàn kinh ngạc:
- Vì thằng Cả đỗ?
- Phải chỉ vì việc ấy.
- Ông sợ nó đỗ nó trở nên kiêu ngạo, hiếu bất mục chăng?
- Nào có thế.
- Thế sao?
- Tôi đến bốn tờ báo hàng ngày nhờ họ đăng cho mấy dòng báo tin thằng Cả đỗ mà họ không đăng.
- Họ không đăng?
- Họ không đăng.
- Sao ông không thuê tiền?
- Mình là độc giả của họ, mà họ có coi mình vào đâu. Chuyến này hết hạn, nhất định thôi, không mua báo nữa. Tưởng làm ơn mua năm cho họ để những lúc hiếu, hỷ như lúc này chẳng hạn, họ đăng tin giúp mình. Chứ mất tiền thì còn nói làm gì. Vả lại mất tiền vị tất họ đã đăng cho vì tôi chắc chỉ tại họ thấy con mình đỗ, con họ không đỗ họ ghen ghét. Nghe giọng họ nghĩ luận, mình thừa hiểu: nào những kính trọng độc giả, những làm thế riêng tây quá.
Bà hàn ngập ngừng ngắt lời!
- Thế họ vẫn đăng "bá cáo việc riêng!" thì sao?
Ông hàn như vụt tỉnh ngộ, kêu:
- Ồ phải, "bá cáo việc riêng!" bà hàn thế mà khá.
Rồi ông vội vã ra đi, miệng lẩm bẩm: "Mất tiền thì mất nhưng phải làm cho ra ngô ra khoai mới được!"
Ngay sáng hôm sau trên bốn tờ báo hằng ngày độc giả thấy ở trang đầu đóng khung vuông bài sau này:
BÁ CÁO VIỆC RIÊNG
Tôi có thằng con tên là Nguyễn văn Tốt năm nay mới mười tám tuổi và vừa đỗ Tú tài phần triết học. Nó còn trẻ người non dạ chỉ biết có bụng tốt hay cứu giúp bạn dù không có tiền phải đi vay. Vậy xin bá cáo để các ông các bà biết mà đừng cho nó vay mượn, tôi và vợ tôi sẽ không chịu trách nhiêm về công nợ của nó đâu.
Kính cáo Nguyễn văn Kiểm hàn lâm
Thế là ông hàn đã làm được ra ngô ra khoai.
Ông đọc bài bá cáo cho bà hàn nghe liên tiếp bốn lần trên tờ báo hàng ngày. Rồi ông đắc chí vừa cười vừa nói mãi:
- Mất có tám đồng bạc mà cả nước biết tin con mình đỗ tú tài. Bà thấy mưu mẹo tôi có thánh không?
Và ông rất lấy làm tự phụ về cái mưu của ông.
Nhưng cách đó mấy hôm, ông sửng sốt đọc ở cùng trang, cùng khổ, trong bốn tờ bao hàng ngày một bài bá cáo việc riêng sau này của chính con ông, Nguyễn văn Tốt:
BÁ CÁO VIỆC RIÊNG
Cha tôi đã đăng báo nói xấu tôi. Sự thực tôi có đỗ tú tài phần triết học, nhưng đỗ bình hạng cơ. Còn như cha tôi bảo tôi trẻ người non dạ thì đó là một điều vu cáo. Tôi xin bá cáo cùng các ông các bà biết cho rằng tôi đã trưởng thành và đủ tư cách để vay tiền các ông các bà vì cha mẹ tôi giàu có tới năm sáu chục vạn mà tôi lại là con một của cha me tôi.
Kính cáo
Nguyễn văn Tốt
Tú tài triết học
Ông hàn cầm tờ báo đọc lại cho bà hàn nghe, rồi cười nói:
- Con hơn cha, nhà có phúc, bà ạ.
Độc giả tưởng câu chuyện "bá cáo việc riêng" tới đây kết? Tưởng thế thì xoàng! Câu chuyện chưa kết được. Vì một lẽ rất giản dị này: đã có hai bài thì phải có ba. Vậy bài "bá cáo việc riêng" thứ ba như sau này:
BÁ CÁO VIỆC RIÊNG
Tôi, bà phủ Ba, giàu ít ra cũng gấp hai ông hàn Kiểm. Tôi chỉ có một người con gái tên là Kim Liên năm nay mươi bảy tuổi rất xinh đẹp, nết na và thông minh, nhưng tôi không hề ngỏ lời thông gia với ông hàn Kiểm như ông ta thường khoe khoang. Vậy xin bá cáo để các ông cử, ông nghè triết học, văn chương khoa học nào chưa vợ mà muốn làm rể tôi thì cứ việc thân đến trình diện tôi và con tôi, hễ con tôi ưng và con tôi không chê là tôi gả liền.
Kính cáo.
Bà phủ Ba
Sau bài "bá cáo việc riêng" trên này hẳn phải đánh dấu chấm hết, độc giả hỏi thế?
Vẫn chưa hết, thế mới chết chứ. Vì đọc xong mấy văn phẩm "bá cáo" tuyệt tác kia trong óc một nhà trào phúng, bỗng nảy ra một ý kiến hay hay. Tức thì gửi đăng báo bài sau này:
BÁ CÁO VIỆC RIÊNG
Tên tôi là Trần Văn, ngoài ba mươi tuổi, xin bá cáo để các thân bằng cố hữu và những người dưng nước lã của tôi biết cho rằng tôi đã chết được ba hôm nay, chết để khỏi phải đọc những bài bá cáo việc riêng chẳng riêng tây một tí nào của người mình hằng ngày đăng trên các báo.