Thời ấy mùa rét năm nào tôi cũng được ông Cửu Thầy khề khà cất cái giọng có duyên kể cho nghe những câu chuyện cổ tích rất lý thú ở bên một chiếc khay đèn thuốc phiện cỏn con. Người ta đồn ông ấy mù ngay từ năm mười tám tuổi sau một khoa thi bị bay phúc hạch. Từ đó ông ta chuyên hẳn về nghề bói toán, nhờ trời cũng kiếm đủ ăn, đủ hút, đủ nuôi một gia đình ba vợ và sáu, bảy con. Vì hình như ông ta nổi tiếng lừng lẫy về tài bốc phệ: cái hàm chánh cửu phẩm mà một ông khâm sai ban thưởng cho ông ta đủ chứng thực điều đó.
Tối hôm ấy cũng như mọi tối, tôi đã bảo người nhà mua sẵn sàng thuốc phiện để thết ông Cửu, vì chuyện Tiết Đinh San đánh nhau với Phàn Lê Huê đương gặp đoạn hay mà ông ta còn bỏ dở từ tối hôm trước.
Hút xong bốn năm điếu nghe chừng tâm thần đã khoan khoái, ông ngồi dậy bảo thằng con nằm tiêm thuốc:
- Bắc, coi đồng hồ xem mấy giờ rồi?
Tôi ngạc nhiên vì trong buồng không có đồng hồ.
Tôi càng ngạc nhiên khi thấy ông Cửu Thầy vén tay áo rộng lên: ở cổ tay ông có cái đồng hồ nhỏ nhắn, xinh xẻo, bằng bạc cũ nạm đầy những hạt kim cương lóng lánh như sao.
Tôi nghĩ thầm: "Lạ! Mù còn mang đồng hồ đeo tay làm gì? Để xem giờ? Thì sao không mua đồng hồ bỏ túi có rẻ tiền hơn không. Để trang sức? Còn làm đỏm với ai? Vả cái ống tay áo dài thườn thượt che khuất nửa bàn tay như thế kia còn ai trong thấy được đồng hồ. Hay là..."
Tôi trù trừ chưa dám nghĩ trọn cái ý bất nhã của tôi thì ông Cửu đã mỉm cười nói:
- Ý chừng trí cậu đương loay hoay về cái đồng hồ đeo tay của tôi?
Tôi kinh ngạc hỏi lại:
- Sao thầy biết?
Ông Cửu vẫn giữ cặp môi tươi với nụ cười bí mật:
- Tôi bấm độn.
Rồi thong thả ông tháo đồng hồ đưa cho tôi xem.
Trời ơi! Ở vỏ đồng hồ có khắc tên một thiếu nữ Pháp. Thôi đích rồi, chẳng phải ăn cắp thì cũng mua của ăn cắp.
Như ở cõi mộng đưa tới, giọng ông Cửu Thầy bình tĩnh khoan thai:
- Câu chuyện cái đồng hồ đeo tay này lý thú lắm, tôi đặt tên nó là "Chung biểu kỳ duyên".
Ghê chưa! Thầy bói có tình nhân chăng? Mà tình nhân lại là người Pháp? Lần thứ hai ông Cửu đoán trúng ý nghĩ của tôi:
- Tôi nói kỳ duyên là kỳ duyên của người khác kia, chứ không phải không phải kỳ duyên của tôi đâu. Xin cậu chớ tưởng lầm.
"Sáng hôm ấy, tôi nằm buồn thiu ở trong buồng. Bên ngoài trời mưa rả rích.
Bỗng nghe có tiếng một người Tây ở cửa buồng nói vào, vì cậu nên nhớ tôi không có cửa hàng, chỉ ở nhà riêng, ai biết tiếng đến xem thì tôi xem cho mà thôi. Người Tây ấy nói tiếng ta rất thạo, ông ta bảo sẽ đưa một cặp tình nhân đến nhà tôi xem bói, và ông ta muốn tôi bói cho một quẻ thật hay vì cặp tình nhân là bạn thân của ông ta mà ông ta muốn cho thành vợ thành chồng.
Điều đó cậu tính còn khó khăn gì cho tôi nữa, xưa nay tôi có một việc là bói toàn những quẻ tốt, quẻ hay, ít ra cũng tốt vừa. Tôi liền nhận lời và hỏi cặn kẽ về lai lịch hai người sắp đến.
Vào quãng năm giờ chiều, quả nhiên người ấy đưa đến nhà tôi một người đầm và một người Tây có tính vui vẻ nô đùa, cười cợt, mà tôi đoán chắc rằng không tin một ly về khoa bốc phệ.
Tôi chẳng lấy thế làm phật lòng, trịnh trọng gieo quẻ, một quả xin về hôn nhân, rồi dõng dạc nói:
- Cứ quẻ này thì bố mẹ người đàn ông phải ở xa lắm.
Người đầm - ý chừng là đầm lai, vì hiểu và nói sõi tiếng ta lắm - hỏi tôi:
- Xa tận đâu?
- Tận một nơi cách sông, cách núi là hai ba lần đại dương.
Cô ta phục lắm, dịch cho tình nhân nghe rồi lại hỏi:
- Còn cha mẹ tôi?
- Cha mẹ cô à? Lại ở xa hơn nhiều.
Cô kia mỉm cười:
- Xa tận đâu?
- Xa lắm không bao giờ có thể gặp mặt được...
Người Tây bạn đỡ lời:
- Ý chừng thầy nói thế giới bên kia?
- Ý thế.
Anh chàng tình nhân bằng lòng lắm, thưởng ngay cho một tấm giấy bạc năm đồng. Thôi bây giờ họ hoàn toàn tin phục tài mình rồi, thì mình tha hồ mà giở khoa tán ra, nào hợp tuổi, hợp duyên, hợp tính nết, hợp hết mọi thứ. Cô đầm mừng quýnh, hôn tình nhân chun chút, rồi cuống quýt, nắm lấy tay tôi mà cám ơn đi, cám ơn lại. Đoạn, cô ta cởi phắt cái đồng hồ đeo tay này ra tặng tôi..."
Ông Cửu Thầy ngừng một phút ngẫm nghĩ rồi có lẽ vì thói quen hay kết luận những chuyện cổ tích bằng một bài thơ, ông ta lên giọng ngâm nga:
Nếu chỉ nói mò mà được việc,
Tài thầy thực đáng thưởng đồng hồ.