Thực ra, không gian sinh hoạt được sắp xếp sạch đẹp và đơn giản nhất mà tôi đã từng được nhìn thấy từ khi chào đời đến nay không phải là ở Nhật Bản mà là Ấn Độ.
Nhắc tới Ấn Độ, ta sẽ liên tưởng ngay tới đất nước của Đức Phật Thích Ca, nơi khởi nguồn của Phật giáo. Thông thường, tại ngôi chùa của Nhật Bản, các nhà sư sẽ đón chào ngày mới và mang tấm lòng thành kính nghĩ về Đức Phật, tuy nhiên, khi đến Ấn Độ, tôi có thể cảm giác được rằng dường như Đức Phật đang ở đó, ngay bên cạnh tôi. Ngôi chùa tại Ấn Độ là một vùng đất phảng phất không khí đặc trưng giống như vậy. Tôi thực sự rất thích một Ấn Độ như thế nên đã quyết định theo học đạo tại đó trong một năm.
Trong quá trình học đạo tại Ấn Độ, khi đến kỳ nghỉ hiếm hoi, nhất định tôi sẽ dẫn vợ và con từ Nhật sang, du lịch và đặt chân tới nhiều vùng đất của Ấn Độ.
Tại thành phố Jaipur (thủ phủ bang Rajasthan) miền bắc Ấn Độ, chúng tôi đã cùng nhau ngồi trên lưng voi, đi lên đỉnh núi. Tại bang Kerala miền nam Ấn Độ, chúng tôi cùng nhau ngắm bầu trời đầy sao tại khách sạn nổi trên mặt nước. Chúng tôi đã cùng nhau trải nghiệm một Ấn Độ hùng tráng và lộng lẫy đến thế, nhưng dù nói gì đi nữa, thứ khiến tôi ấn tượng nhất chính là khi cùng bạn bè mang lồng đèn năng lượng mặt trời tới một ngôi làng không có điện trong một dự án về trường học.
Tại một Ấn Độ đang ngày càng bị đô thị hóa, có nhiều vùng quê vẫn còn giữ phong tục sinh hoạt từ thời xa xưa. Ở một ngôi làng tận sâu trong núi, người dân vẫn nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ thổ dân, điện không có, xe ô tô cũng không, một lối sống thôn làng mang đậm nét truyền thống của Ấn Độ vẫn đang được bảo vệ và lưu truyền.
Mặt khác, tại ngôi làng đó tồn tại những căn nhà không có điện, có nghĩa là không có ánh sáng để buổi tối bọn trẻ học bài, khi có người ngã bệnh cần điều trị khẩn cấp, sẽ không có ánh sáng và phương tiện để chở họ tới thành phố gần nhất.
Khi đó, tổ chức phi lợi nhuận đã bắt đầu thực hiện dự án cung cấp lồng đèn năng lượng mặt trời cho ngôi làng là trung tâm của khu vực đó.
Ngôi làng không có điện mà chúng tôi tới thăm nằm sâu trong một ngọn núi tại miền nam Ấn Độ.
Luân chuyển từ xe lửa đến xe buýt, sau đó đi bộ khoảng bốn giờ đồng hồ, cuối cùng khi chúng tôi đặt chân tới ngôi làng, trời cũng đã sẩm tối, và quả thực, trước mắt tôi là cả một vùng tối đen.
Một ngôi làng với khoảng mười căn nhà xếp thành hàng, kích thước mỗi căn nhỏ đến nỗi nếu đem so sánh với Nhật Bản, nó chỉ bằng một khoảng không gian để đặt đồ vật mà thôi. Vì không có điện nên một vài người đàn ông đang ngồi bao quanh đống lửa bập bùng. Còn những người khác đã đi ngủ trong căn nhà của họ.
Sau khi truyền đạt mục đích và gửi tặng đèn lồng tới từng người dân, một người đàn ông trong làng đã dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà của anh ấy để bày tỏ tấm lòng cảm tạ.
Nơi được đèn lồng chiếu sáng là một căn phòng trông giống như hang động làm từ đá. Dưới nền, có khoảng năm, sáu người trong gia đình của anh ấy đang ngủ. Ban đầu tôi đã nghĩ rằng, quả thực là khổ sở khi mà rất nhiều con người phải sinh hoạt tại một căn phòng giống như vậy. Tuy nhiên, khi đã nhìn quen mắt, hình ảnh tổng thể căn phòng hiện lên trong tâm trí tôi. Trong đầu tôi lóe lên một suy nghĩ: “Cho đến bây giờ, mình chưa từng nhìn thấy căn phòng nào đẹp và đơn giản đến vậy!”
Đồ vật ít tới mức ngạc nhiên, chắc chắn việc sắp xếp sàng lọc sẽ vô cùng đơn giản.
Hơn nữa, việc dọn dẹp cũng được tiến hành kỹ lưỡng và tỉ mỉ, sau khi dọn dẹp căn phòng, hẳn là nơi này sẽ mang một vẻ đẹp thuần khiết.
Đó là khoảnh khắc chiếc vảy che mắt tôi bấy lâu nay rơi xuống, tôi nhận ra, sinh mệnh gọi là con người hoàn toàn có thể sinh tồn trong một không gian đơn giản đến như vậy.
Dù không có đồ vật cũng chẳng có điện, chắc chắn tại nơi đó có một “lối sinh hoạt phong phú” mà những con người ở thế giới hiện đại chẳng thể trải nghiệm.
Nói ngược lại, cách sinh hoạt của người Nhật thì thế nào?
Đồ đạc chất đầy, số lượng đồ vật tiện lợi cắm điện là có thể dùng được đang ngày càng tăng lên.
Cho đến thời điểm này, chúng ta đã hưởng thụ một “lối sinh hoạt phong phú” mang tính vật chất, nhưng liệu rằng, ý nghĩa thật sự sau cùng có phải là một lối sinh hoạt phong phú hay không? Đặc biệt, tại thời điểm hiện tại, khi mà phải hứng chịu ô nhiễm phóng xạ nguyên tử, chắc chắn không ít người đã thay đổi sự tin tưởng vào lối sống coi trọng vật chất ấy.
Trong một thế giới tự do, đồ vật và thức ăn tràn ngập trên khu phố.
Có thể mua bất cứ thứ gì. Có thể ăn những thứ thích ăn. Cứ đi theo tiếng nói của trái tim, những thứ muốn làm đều có thể thực hiện được. Tôi có thể nhìn thấy mọi người đang tận hưởng một cuộc sống tự do tự tại.
Dù thế, tại sao chúng tôi lại ngưỡng mộ một lối sinh hoạt giản đơn và chất phác, một cách sống và sinh tồn hòa hợp với tự nhiên vạn vật? Chắc hẳn là bởi ở đâu đó trong trái tim mình, chúng tôi không hề cảm nhận được “tự do thật sự” trong cách sinh hoạt của hiện tại.
Có nhiều người quan niệm rằng, tự do tức là có thể làm những điều mình thích theo đúng như ý muốn của mình, trong đầu mang suy nghĩ “Muốn làm cái này, muốn thực hiện cái kia,” sau đó có thể thực hiện nó. Họ nghĩ rằng đó là tự do. Thế nhưng, thực tế là, đó không phải là tự do thật sự. Tại thời điểm nghĩ rằng “Muốn làm cái này, muốn thực hiện cái kia” cũng là lúc trái tim bạn bị cuốn vào những dục vọng tầm thường đó.
Tự do không phải là được làm những điều mình thích đúng như mong muốn của bản thân. Đừng để bị cuốn vào những ham muốn trần tục. Tự do là mỗi ngày được trải qua trong an yên và bình lặng, sống một cuộc đời với trái tim ngập tràn hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đó được sinh ra sau khi chúng ta tích lũy từng hành động, từng việc tốt trong cuộc sống.
Chẳng hạn, khoảng thời gian dọn dẹp để khiến mọi vật trở nên thanh tịnh, khoảng thời gian dọn dẹp cẩn thận tới từng ngóc ngách sẽ khiến trái tim bạn trở nên đủ đầy. Và khoảng thời gian bạn trải qua tại căn phòng mà mình tiến hành dọn dẹp kỹ lưỡng chính là khoảng thời gian thoải mái, nhẹ nhàng và an nhiên.
Tôi dọn dẹp với tâm trạng giống như đang gột rửa tâm hồn. Dù vậy, cũng giống như dọn dẹp, trái tim chính là nơi mà cho dù có gột rửa, có thanh tẩy, thì ngay sau khi được gột rửa, những nỗi phiền muộn sẽ lại ứ đọng từng ngày. Việc thanh tẩy và gột rửa ấy không có giới hạn, không có điểm dừng, và đó cũng chính là tu hành.
Khi bạn cảm thấy dường như bao quanh mình là “công việc gột rửa tâm hồn” không có điểm dừng, hãy dừng tay lại, chắp tay, thầm niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Cho dù chẳng thể nhìn thấy được, nhưng tôi hy vọng kể từ giờ phút này, hãy luôn ghi nhớ trong thâm tâm rằng, Đức Phật luôn ở bên cạnh và cổ vũ cho chúng ta.
Nếu như thông qua cuốn sách này, tôi có thể góp một phần nhỏ vào công việc dọn dẹp của các bạn, những độc giả, để mọi người có thể tiếp tục thực hiện công việc dọn dẹp trong vui vẻ và khỏe mạnh, thì với tôi đó quả thực là một niềm hạnh phúc.
Shoukei Matsumoto