TẠI NHỮNG THỜI ĐIỂM NHẤT ĐỊNH trong lịch sử, các nền văn hóa đã mặc định rằng một cá nhân không hoàn toàn được xem là con người trừ khi anh ta hoặc cô ta học được cách làm chủ các suy nghĩ và cảm xúc của mình. Ở đất nước Nho giáo như Trung Hoa, ở xứ Sparta cổ đại, ở Cộng hòa La Mã, ở cộng đồng người Pilgrim13 và giữa những tầng lớp thượng lưu người Anh thời Victoria, con người phải chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ những cảm xúc của họ. Bất kỳ ai đắm chìm vào việc tự thương hại mình, để cho bản năng thay vì sự suy ngẫm chi phối hành động, đều sẽ bị tước quyền được chấp nhận như một thành viên của cộng đồng. Trong những thời kỳ lịch sử khác, chẳng hạn thời chúng ta đang sống, khả năng kiểm soát bản thân lại không được coi trọng. Những người nỗ lực làm điều đó bị cho là hơi ngớ ngẩn, “cứng nhắc”, hoặc không “linh động” cho lắm. Nhưng bất chấp những tiếng gọi của xu thế thời đại, dường như những người nỗ lực đạt được quyền làm chủ những gì diễn ra trong ý thức, đều sống một cuộc đời hạnh phúc hơn.
13 Những người Pilgrim chỉ một nhóm nhỏ người di cư, là những người ly khai Thanh giáo, họ muốn thoát ly hoàn toàn Giáo hội Anh nên đã chuyển đến Hà Lan, cuối cùng định cư ở Bắc Mỹ vào năm 1620. Tại vùng đất thuộc tiểu bang Massachusetts ngày nay, họ đã thành lập một cộng đồng thống nhất gọi là Thuộc địa Plymouth.
Để đạt được khả năng làm chủ như vậy, rõ ràng việc hiểu biết ý thức hoạt động như thế nào là vô cùng quan trọng. Trong chương này, chúng ta sẽ tiến thêm một bước theo hướng này. Trước hết, để đánh tan bầu không khí hồ nghi rằng khi nói đến ý thức là chúng ta đang đề cập đến một quá trình bí ẩn nào đó, chúng ta cần nhận ra rằng, giống như mọi khía cạnh khác của hành vi con người, ý thức là kết quả của những diễn trình sinh học. Nó chỉ tồn tại nhờ cấu trúc cực kỳ phức tạp của hệ thần kinh của chúng ta, thứ vốn được hình thành dựa trên những thông tin chứa trong phân tử protein của nhiễm sắc thể. Đồng thời, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng cách ý thức hoạt động không hoàn toàn bị điều khiển bởi lập trình sinh học của nó – trong nhiều khía cạnh quan trọng mà chúng ta sẽ đề cập trong những trang tiếp theo, ý thức hoạt động mang tính tự định hướng. Nói cách khác, ý thức đã phát triển khả năng ghi đè lên những mệnh lệnh di truyền và thiết lập chuỗi hành động độc lập của riêng nó.
Chức năng của ý thức là tái hiện thông tin về những gì đang diễn ra bên ngoài và bên trong cơ thể theo cách mà nó có thể ước lượng được và để cơ thể có thể hành động theo. Theo quan điểm này, ý thức có chức năng như một nơi sàng lọc các cảm giác, nhận thức, cảm xúc và ý tưởng, hình thành nên thứ tự ưu tiên giữa tất cả những thông tin khác nhau. Không có ý thức, chúng ta vẫn sẽ “biết” điều gì đang xảy ra nhưng chúng ta sẽ chỉ phản ứng lại với nó theo phương thức phản xạ, bản năng. Có ý thức, chúng ta có thể cân nhắc thận trọng những gì các giác quan nói với ta và đưa ra những hồi đáp phù hợp. Và chúng ta cũng có thể tạo ra những thông tin vốn không tồn tại trước đó: đó là vì chúng ta có ý thức, nhờ đó ta có thể mơ mộng, tô vẽ những lời nói dối và viết nên những vần thơ tuyệt mỹ hay những lý thuyết khoa học.
Qua nhiều thế kỷ tăm tối bất tận của sự tiến hóa, hệ thần kinh con người đã trở nên phức tạp đến mức giờ đây nó có thể tác động đến trạng thái của chính nó, khiến cho nó, ở một phạm vi chức năng nhất định, không còn phụ thuộc vào bản đồ di truyền và của môi trường khách quan nữa. Mỗi người có thể khiến bản thân trở nên vui vẻ hay khổ sở, bằng cách thay đổi nội dung của ý thức, bất chấp những gì thật sự đang xảy ra ở “bên ngoài”. Chúng ta đều biết có những cá nhân có thể biến những tình huống vô vọng thành những thử thách có thể vượt qua, chỉ bằng sức mạnh có trong cá tính của họ. Khả năng kiên trì bất chấp những trở ngại và thất bại này chính là phẩm chất mà mọi người ngưỡng mộ nhất ở một cá nhân và chỉ cần có vậy; đó có lẽ là đức tính quan trọng nhất, không chỉ để thành công trong cuộc sống, mà còn để thưởng thức cuộc sống một cách trọn vẹn.
Để phát triển đức tính này, người ta phải tìm cách sắp xếp lại ý thức để có thể kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tốt nhất đừng mong chờ những biện pháp “đường tắt” sẽ giải quyết được vấn đề. Một số người có xu hướng trở nên rất thần bí khi nói về ý thức và mong đợi nó tạo ra những phép màu, trong khi thực tế ý thức không được tạo ra để làm chuyện đó. Họ muốn tin rằng bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra ở cõi mà họ coi là cõi tâm linh. Những người khác thì tuyên bố sức mạnh kết nối với những sự sống trong quá khứ, giao tiếp với cách thực thể tinh thần và trình diễn khả năng ngoại cảm phi thường. Khi sự dối trá không quá lộ liễu, những mô tả này thường trở thành sự “tự dối lừa” – nói dối rằng một trí óc tiếp thu vượt trội sẽ tự biểu lộ chính nó.
Những thành tựu nổi bật của các thầy tu khổ hạnh Hindu giáo và của những người thực hành các trường phái kỷ luật tinh thần khác thường xuyên được trình bày như những ví dụ cho sức mạnh vô hạn của tâm trí, cùng với nhiều sự chứng minh khác nữa. Nhưng ngay cả khi nhiều khẳng định kiểu này không còn đứng vững dưới sự điều tra nghiên cứu, thì với những trường hợp đứng vững vẫn có thể được giải thích như một quá trình rèn luyện cực kỳ chuyên sâu của một tâm trí bình thường. Sau tất cả, những lời giải thích huyền bí là không cần thiết đối với màn trình diễn của một nghệ sĩ vĩ cầm xuất chúng hay một vận động viên vĩ đại, mặc dù hầu hết chúng ta thậm chí không thể tiếp cận tài năng của họ. Tương tự, hành giả yogi cũng là một bậc thầy trong việc kiểm soát ý thức. Giống như mọi bậc thầy khác, ông ta phải mất nhiều năm học hỏi và không ngừng tu luyện. Là một người chuyên tu, ông ta không thể dành thời gian hay năng lượng tinh thần để làm bất kỳ điều gì khác ngoài việc tinh chỉnh liên tục kỹ năng điều khiển các trải nghiệm bên trong của mình. Các kỹ năng mà hành giả yogi tích lũy được cũng trả bằng cái giá giống như nhiều năng lực trần tục mà người khác học hỏi để phát triển và rồi coi nhẹ chúng. Những gì một hành giả yogi có thể làm được thật đáng kinh ngạc nhưng những gì một thợ sửa ống nước hay một thợ máy có thể làm được cũng đáng ngạc nhiên như vậy.
Có lẽ cuối cùng chúng ta cũng sẽ khám phá ra những sức mạnh tiềm ẩn của tâm trí, cho phép nó tạo ra những đột phá lớn mà hiện tại chúng ta chỉ có thể nằm mơ tới mà thôi. Chẳng có lý do gì để loại trừ khả năng rằng rốt cuộc chúng ta sẽ có thể bẻ cong cái muỗng bằng sóng não. Thế nhưng, ở thời điểm này, khi có quá nhiều công việc đời thường nhưng không kém phần cấp bách cần hoàn thành, hẳn sẽ là lãng phí thời gian nếu thèm khát những sức mạnh vượt quá tầm với của chúng ta, khi mà ý thức, cùng với những giới hạn hiện tại của nó, có thể được tận dụng hiệu quả hơn nhiều. Dù ở hiện tại tâm trí chưa thể làm được mọi thứ người ta mong muốn, nhưng nó có vô số tiềm năng chưa được khai thác mà chúng ta rất cần học cách sử dụng.
Vì không có một nhánh khoa học nào trực tiếp nghiên cứu về ý thức, nên không có bất kỳ một mô tả được công nhận nào về cách thức ý thức hoạt động. Nhiều ngành học đã chạm đến chủ đề này và nhờ đó chúng cung cấp những bản ghi chép rời rạc. Khoa học thần kinh, giải phẫu học thần kinh, khoa học nhận thức, trí tuệ nhân tạo, phân tâm học và hiện tượng học là một số trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp nhất có thể được chọn ra; tuy nhiên, việc cố gắng tóm tắt những kết luận được đưa ra từ các lĩnh vực này sẽ tạo ra một bản ghi chép giống như những mô tả phỏng đoán kiểu thầy bói mù xem voi: mỗi bản đều khác nhau và mỗi bản đều không liên quan gì đến những bản còn lại. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi những kiến thức quan trọng về ý thức từ những lĩnh vực ấy, nhưng trong lúc này, chúng ta vẫn có nhiệm vụ cung cấp một mô hình được dựa trên thực tế và được diễn giải đủ đơn giản để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng được.
Mặc dù nghe có vẻ là một biệt ngữ học thuật không thể lý giải được, nhưng mô tả súc tích nhất về cách tiếp cận mà tôi tin là cách sáng sủa nhất để khảo sát các khía cạnh chính của những gì xảy ra trong tâm trí, theo cách có thể hữu dụng trong luyện tập thực tế trong cuộc sống thường ngày, chính là “một mô hình mang tính hiện tượng học về ý thức dựa trên lý thuyết thông tin”. Sự miêu tả này về ý thức là mang tính hiện tượng học, trong đó đề cập trực tiếp đến các sự kiện – tức hiện tượng – khi chúng ta trải nghiệm và diễn giải chúng, hơn là tập trung vào những cấu trúc giải phẫu học, những quá trình thần kinh sinh hóa hay những mục đích vô thức vốn khiến những sự kiện ấy trở nên khả dĩ. Đương nhiên, người ta hiểu rằng, bất kể chuyện gì diễn ra trong tâm trí đều là kết quả của những thay đổi điện hóa học bên trong hệ thần kinh trung ương, bởi điều này đã được tuyên bố hơn hàng triệu năm bằng tiến hóa sinh học. Nhưng hiện tượng học cho rằng một sự kiện tinh thần có thể được hiểu rõ nhất nếu chúng ta nhìn vào nó một cách trực diện ngay khi chúng ta trải nghiệm nó, thay vì nhìn qua ánh sáng chuyên môn của một lĩnh vực riêng biệt. Tuy nhiên, trái ngược với hiện tượng học thuần túy – một lĩnh vực vốn cố ý loại trừ mọi lý thuyết hay khoa học khác khỏi phương pháp của nó, mô hình chúng ta sẽ khám phá ở đây chấp nhận những nguyên tắc cơ bản từ lý thuyết thông tin vì chúng liên quan đến việc hiểu những gì xảy ra trong ý thức. Những nguyên tắc cơ bản này bao gồm kiến thức về cách thức dữ liệu giác quan được xử lý, lưu trữ và sử dụng – những động năng của sự chú ý và trí nhớ.
Vậy, với cơ cấu tổ chức này trong tâm trí, thì có ý thức nghĩa là gì? Nó đơn giản là những sự kiện có ý thức cụ thể (cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ, ý định) đang diễn ra và chúng ta có thể điều khiển hay tác động được diễn trình của chúng. Trái lại, khi chúng ta nằm mơ, một vài sự kiện tương tự xuất hiện, nhưng chúng ta không hề có ý thức về chúng vì chúng ta không thể kiểm soát được chúng. Chẳng hạn, tôi có thể nằm mơ nhận được tin báo người thân mình gặp tai nạn và tôi có thể cảm thấy rất đau buồn. Tôi có thể nghĩ là: “Ước chi mình giúp được gì”. Bất chấp thực tế là tôi nhìn thấy được, cảm nhận được, suy nghĩ được và nảy ra những ý định trong giấc mơ của mình, thì tôi vẫn không thể hành động gì đối với những diễn biến ấy (ví dụ, bằng cách thăm dò để xác thực độ chân thực của tin báo) và do đó, tôi không có ý thức về chúng. Trong những giấc mơ, chúng ta bị bó buộc vào một kịch bản đơn lẻ mà không thể thay đổi nó theo ý muốn. Những sự kiện tạo thành ý thức – thứ mà chúng ta thấy, cảm nhận, suy nghĩ và khao khát – là thông tin mà ta có thể thao túng và sử dụng. Do đó, chúng ta có thể xem ý thức là thông tin được sắp xếp có chủ đích.
Định nghĩa cô đọng này, dù chính xác, lại không đưa ra được toàn bộ tầm quan trọng của những gì nó truyền tải. Bởi vì đối với chúng ta, những sự kiện bên ngoài được xem là không tồn tại, trừ khi chúng ta nhận thức được chúng; ý thức tương ứng với hiện thực được trải nghiệm một cách chủ quan. Trong khi mọi thứ chúng ta cảm thấy được, ngửi được, nghe được hay nhớ được, đều là một ứng cử viên tiềm năng để đi vào ý thức, thì những trải nghiệm thực sự trở thành một phần của ý thức lại ít hơn nhiều so với phần còn lại. Chính vì vậy, trong khi ý thức là một tấm gương phản chiếu các giác quan của chúng ta, cho chúng ta biết những gì đang xảy ra cả bên ngoài cơ thể lẫn bên trong hệ thần kinh, nó chỉ phản chiếu những thay đổi đó một cách có chọn lọc, chủ động định hình các sự kiện, đặt lên chúng một hiện thực của riêng nó. Sự phản chiếu mà ý thức cung cấp là thứ mà chúng ta gọi là cuộc sống của chúng ta: tổng hòa những gì chúng ta nghe được, nhìn thấy, cảm nhận, hy vọng và chịu đựng từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời. Mặc dù chúng ta tin rằng có những “thứ” nằm ngoài ý thức nhưng chúng ta chỉ có bằng chứng trực tiếp về những thứ tìm được một vị trí trong ý thức.
Là một trung tâm sàng lọc – trong đó những sự kiện khác nhau được xử lý bởi các giác quan khác nhau, có thể được tái hiện và đối chiếu – ý thức có thể đồng thời chứa cả nạn đói ở châu Phi, mùi hương của hoa hồng, số liệu của chỉ số Dow Jones và cả ý định dừng lại ở cửa hàng để mua một ít bánh mì. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng nội dung của ý thức là một mớ hỗn độn, không xác định hình hài.
Chúng ta có thể gọi những ý định là lực đã giữ cho thông tin trong ý thức đi theo một trật tự. Những ý định sẽ nảy ra trong ý thức bất kể lúc nào một người nhận thấy sự khát khao hay mong muốn đạt được điều gì. Những ý định cũng là một phần của thông tin, được định hình bởi nhu cầu sinh học và những mục tiêu xã hội chủ quan. Chúng hoạt động như từ trường, chuyển sự chú ý hướng đến một vài đối tượng và cách xa những đối tượng khác, giữ tâm trí của chúng ta tập trung vào vài tác nhân kích thích này hơn là những tác nhân kích thích khác. Chúng ta thường gọi biểu hiện của ý định bằng những cái tên khác, chẳng hạn như bản năng, nhu cầu, sự thôi thúc hay khát khao. Thế nhưng những cái tên này đều là những thuật ngữ mang tính giải thích, cho chúng ta biết tại sao con người lại cư xử theo những cách nào đó. Ý định thật ra là một thuật ngữ mang tính mô tả và trung lập hơn; nó không nói tại sao một người muốn làm một việc nào đó mà chỉ đơn giản khẳng định rằng anh ta muốn làm.
Chẳng hạn như bất cứ khi nào đường huyết hạ xuống điểm tới hạn, chúng ta bắt đầu cảm thấy khó chịu: chúng ta có thể cảm thấy dễ cáu, đổ mồ hôi và co thắt dạ dày. Nhờ những chỉ dẫn về mặt di truyền được lập trình để phục hồi mức đường trong máu nên chúng ta có thể bắt đầu nghĩ đến thức ăn. Chúng ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho đến khi chúng ta được ăn và không còn bị đói nữa. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói rằng chính cơn đói đã sắp xếp nội dung của ý thức, buộc chúng ta phải tập trung sự chú ý vào thức ăn. Nhưng điều này vốn đã là một sự diễn dịch những sự kiện khách quan – mà không còn nghi ngờ gì nữa, nó chính xác về mặt hóa học nhưng không thích đáng về mặt hiện tượng. Người đói không nhận thức được mức đường trong máu của mình; anh ta chỉ biết có một vài thông tin trong ý thức mà anh ta đã học được để nhận diện một “cơn đói”.
Khi một người nhận thấy rằng anh ta đói bụng, anh ta có thể hình thành ý định tìm một ít thức ăn. Nếu anh ta làm vậy, hành vi của anh ta sẽ giống như khi anh ta đơn giản là làm theo một nhu cầu hay sự thôi thúc. Nhưng ngoài ra, anh ta có thể hoàn toàn bỏ qua những cơn đói. Anh ta có thể có vài ý định trái ngược mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như giảm cân hay muốn tiết kiệm tiền hay nhịn ăn vì lý do tôn giáo. Đôi khi, như trong trường hợp của những người phản kháng về chính trị, những người muốn tuyệt thực đến chết, thì ý định tạo ra một lời tuyên bố về mặt tư tưởng có lẽ đã lấn át những chỉ dẫn di truyền, dẫn đến cái chết tự nguyện.
Những ý định mà chúng ta kế thừa hay tự tạo ra được sắp xếp theo thứ bậc những mục tiêu, thứ xác định nên thứ tự ưu tiên của chúng. Đối với người biểu tình, việc đạt được cải cách chính trị đã đề ra có thể quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác, bao gồm cả mạng sống. Mục tiêu đó có được sự ưu tiên hơn mọi thứ khác. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều làm theo những mục tiêu “thiết thực” dựa trên những nhu cầu của cơ thể họ – sống một cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài, quan hệ tình dục, ăn uống đủ đầy và sống thoải mái; hoặc dựa trên những khát vọng được tiêm nhiễm bởi hệ thống xã hội – trở thành người giỏi giang, làm việc chăm chỉ, tiêu xài hết mức, sống đúng với kỳ vọng của mọi người. Thế nhưng trong mỗi một nền văn hóa đều có đủ ngoại lệ để chỉ ra rằng những mục tiêu là hoàn toàn linh hoạt. Những cá nhân vượt thoát khỏi các tiêu chuẩn– anh hùng, thánh nhân, nhà hiền triết và nhà thơ, cũng như người điên và tội phạm – đều tìm kiếm những thứ khác biệt trong cuộc sống hơn những người khác. Sự tồn tại của những người như thế này cho thấy rằng ý thức có thể được sắp xếp dựa trên những ý định và mục tiêu khác nhau. Mỗi chúng ta đều có được sự tự do này để kiểm soát hiện thực chủ quan của chính mình.
NHỮNG GIỚI HẠN CỦA Ý THỨC
Nếu có thể mở rộng những gì ý thức bao hàm thành vô giới hạn, thì một trong những ước mơ căn cơ nhất của nhân loại sẽ trở thành hiện thực. Nó sẽ trở thành thứ gì đó vĩ đại như sự bất tử hay sự toàn năng – nói vắn tắt, nó tựa như thánh thần. Chúng ta có thể suy tư mọi thứ, cảm nhận mọi thứ, làm mọi thứ, quét qua nhiều thông tin đến nỗi chúng ta có thể lấp đầy mỗi phần của một giây với một tấm thảm trải nghiệm phong phú. Trong phạm vi một cuộc đời, chúng ta có thể trải qua một triệu hoặc – tại sao không – trải qua vô hạn những cuộc đời.
Không may, hệ thần kinh của chúng ta có những giới hạn nhất định trong việc có thể xử lý bao nhiêu thông tin tại mỗi thời điểm. Có quá nhiều “sự kiện” xuất hiện trong ý thức, chúng được nhận biết và xử lý một cách thích hợp, trước khi bắt đầu đầy tràn và đẩy nhau ra ngoài. Việc đi bộ ngang qua một căn phòng trong khi đang nhai kẹo cao su không quá khó, dù một vài chính khách được cho là không thể làm được việc đó; nhưng trên thực tế, không có nhiều chuyện chúng ta có thể thực hiện đồng thời. Các suy nghĩ phải lần lượt nối đuôi nhau, không thì chúng sẽ bị lẫn lộn. Trong khi đang nghĩ về một rắc rối nào đó, chúng ta không thể thực sự trải nghiệm hạnh phúc hoặc đau buồn. Chúng ta không thể chạy, hát và cân bằng ngân sách thu chi cùng một lúc, bởi vì mỗi một hành động trong số chúng đều tiêu hao gần hết khả năng chú ý của chúng ta.
Tại thời điểm này, trong phạm vi kiến thức khoa học hiện có, chúng ta đang đứng ở ngưỡng có thể ước tính được hệ thần kinh trung ương có khả năng xử lý bao nhiêu thông tin. Có vẻ như chúng ta có thể kiểm soát được nhiều nhất là bảy mẩu thông tin – chẳng hạn những âm thanh khác nhau, những kích thích thị giác, những sắc thái cảm xúc có thể nhận biết được, hay những ý nghĩ – tại cùng một thời điểm bất kỳ và thời gian ngắn nhất cần có để phân biệt giữa một chuỗi các mẩu thông tin và một chuỗi khác là khoảng một phần mười tám giây. Bằng những con số này, ta có thể kết luận rằng hệ thần kinh trung ương có thể xử lý nhiều nhất 126 mẩu thông tin mỗi giây, tức 7.560 mẩu mỗi phút, hay gần nửa triệu mẩu mỗi giờ. Trong suốt bảy mươi năm cuộc đời, nếu mỗi ngày chúng ta có mười sáu tiếng đồng hồ không ngủ, thì có thể xử lý lên đến 185 tỉ mẩu thông tin. Những con số này chứng tỏ rằng mọi thứ trong cuộc sống của ta đều phải đi qua mỗi suy nghĩ, cảm xúc, hay hành động. Đây có vẻ là một con số lớn, nhưng trên thực tế, nó không nhiều đến vậy.
Giới hạn của ý thức được chứng minh bởi một sự thật là để hiểu những gì người khác đang nói, chúng ta phải xử lý 40 mẩu thông tin mỗi giây. Nếu giả định giới hạn khả năng của chúng ta ở mức cao hơn, lên đến 126 mẩu mỗi giây, thì việc chúng ta hiểu được những gì ba người đang nói cùng lúc là hoàn toàn có thể về mặt lý thuyết, nhưng chỉ bằng cách kiểm soát để ngăn không cho bất cứ suy nghĩ hay cảm xúc nào khác tiến vào ý thức. Ví dụ như chúng ta không thể nhận thức được biểu cảm của người nói và cũng không thể tự hỏi vì sao họ lại nói những gì họ đang nói hay để ý xem họ đang mặc cái gì.
Dĩ nhiên, những phát hiện trên chỉ gợi ý về cách mà tâm trí hoạt động, tại thời điểm này, trong phạm vi kiến thức của chúng ta. Nó có thể bị phản biện một cách chính đáng, rằng người ta đang đánh giá thấp hay đánh giá cao khả năng xử lý thông tin của tâm trí. Những người lạc quan cho rằng thông qua quá trình tiến hóa, hệ thần kinh đã trở nên tinh thông việc phân loại các mẩu thông tin đến mức khả năng xử lý không ngừng mở rộng. Những chức năng đơn giản như điền thêm một cột số hay lái xe hơi đều phát triển để trở nên tự động, để tâm trí thảnh thơi xử lý nhiều dữ liệu hơn. Chúng ta cũng học cách nén và sắp xếp thông tin thông qua những phương tiện tượng trưng – ngôn ngữ, toán học, khái niệm trừu tượng và những bài tường thuật cách điệu hóa. Chẳng hạn như, mỗi ngụ ngôn Kinh thánh cố gắng mã hóa những trải nghiệm khó mà có được của nhiều cá nhân qua vô số niên đại. Những người lạc quan lập luận rằng ý thức là một “hệ thống mở”; trên thực tế, nó có thể mở rộng đến vô hạn và chúng ta không cần phải tính đến những giới hạn của nó.
Nhưng khả năng cô đọng những tác nhân kích thích không giúp ích được nhiều như người ta mong đợi. Những nhu cầu của cuộc sống vẫn buộc chúng ta phải dành 8% thời gian không ngủ trong ngày để ăn và gần như tốn cùng một khoảng thời gian như vậy để chăm sóc những nhu cầu thể lý cá nhân như tắm gội, ăn vận, cạo râu và vệ sinh. Chỉ riêng hai hoạt động này tốn mất 15% của ý thức và trong lúc thực hiện những việc này, chúng ta không thể làm được những thứ đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ khác. Thế nhưng ngay cả khi không có thứ gì cấp bách khác chiếm lĩnh tâm trí, hầu hết mọi người vẫn không thể nào đạt được khả năng xử lý thông tin tuyệt đối. Trong khoảng chừng một phần ba của một ngày không bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ, trong khoảng thời gian “nhàn rỗi” quý giá, thực tế hầu hết mọi người có vẻ cố gắng sử dụng tâm trí của họ càng ít càng tốt. Đối với người trưởng thành ở Mỹ, phần lớn thời gian rảnh – gần như một nửa của nó – là để ngồi trước tivi. Nội dung và những nhân vật của một chương trình nổi tiếng cứ lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi không cần đến trí nhớ, suy nghĩ, hay ý muốn, mặc dù việc xem tivi vốn đòi hỏi phải có quá trình xử lý hình ảnh trực quan. Không bất ngờ khi người ta thuật lại những mức độ thấp nhất của sự tập trung, của việc sử dụng những kỹ năng, sự rõ ràng trong suy nghĩ và cảm giác về hiệu năng trong khi xem tivi. Những hoạt động giải trí khác mà người ta hay làm tại nhà thì đòi hỏi nhiều hơn một chút. Đọc báo và tạp chí, nói chuyện với người khác và nhìn ra cửa sổ cũng đòi hỏi xử lý rất ít thông tin mới và vì vậy cũng cần ít sự tập trung.
Vậy thì 185 tỉ sự kiện được trải nghiệm trong năm tháng đời người của chúng ta có thể được xem hoặc là quá cao hoặc là quá thấp. Nếu chúng ta xem xét lượng dữ liệu mà não có thể xử lý về mặt lý thuyết thì con số này có thể quá thấp, nhưng nếu chúng ta nhìn vào cách con người sử dụng tâm trí của họ thì tuyệt nhiên nó là khá cao. Trong mọi trường hợp, một cá nhân luôn trải nghiệm quá nhiều. Chính vì vậy, thông tin chúng ta cho phép đi vào ý thức trở nên cực kỳ quan trọng; thực tế, nó chính là thứ quyết định nội dung và chất lượng cuộc sống.
SỰ CHÚ Ý NHƯ NGUỒN NĂNG LƯỢNG TINH THẦN
Một thông tin đi vào ý thức bởi vì chúng ta chủ định tập trung sự chú ý vào nó, hoặc nó là kết quả của những thói quen chú ý dựa theo các chỉ dẫn sinh học hay xã hội. Chẳng hạn, khi lái xe ra đường chúng ta chạy qua hàng trăm chiếc xe hơi mà không thật sự nhận thức về chúng. Hình dáng và màu sắc của chúng có thể được ghi vào tâm trí chúng ta trong một phần giây rồi lập tức bị lãng quên. Nhưng thỉnh thoảng chúng ta sẽ để ý đến một phương tiện đặc biệt nào đó, có thể vì nó lạng lách liên tục giữa các làn đường hoặc vì nó di chuyển quá chậm hay vẻ ngoài của nó khác thường. Hình ảnh một chiếc xe khác thường đi vào trung tâm của ý thức và chúng ta nhận thức được chiếc xe đó. Trong tâm trí, thông tin trực quan về chiếc xe hơi (ví dụ, “Nó đang lạng lách”) được tham chiếu với thông tin về những chiếc xe hơi sai trái khác đã được lưu trữ trong ký ức, nhằm xác định trường hợp hiện tại khớp với phạm trù nào. Đây có phải một tài xế thiếu kinh nghiệm lái xe, một tài xế say xỉn hay một tài xế có trình độ nhưng mất tập trung trong giây lát? Khi sự kiện đang diễn ra phù hợp với một kiểu sự kiện đã được biết trước đó, nó sẽ được nhận diện. Giờ thì nó phải được đánh giá, rằng: Đây có phải là thứ đáng lo ngại không? Nếu câu trả lời là “có”, vậy thì chúng ta phải quyết định một hướng hành động thích hợp: Ta nên tăng hay giảm tốc, có nên đổi làn đường hay dừng lại và báo với xe cảnh sát tuần tra trên đường?
Tất cả những hoạt động tinh thần phức tạp này phải được hoàn thành chỉ trong vài giây, đôi khi, trong một phần của giây. Trong khi định hình một phán đoán có vẻ như chỉ là một phản ứng nhanh như chớp, thì thật ra nó diễn ra trong thời gian thực. Và nó không xảy ra tự động: Có một quá trình riêng biệt làm cho những phản ứng như vậy có thể xảy ra, một quá trình gọi là sự chú ý. Đó là sự chú ý để lựa chọn những mẩu thông tin có liên quan, từ hàng triệu mẩu thông tin tiềm năng sẵn có. Cần có sự chú ý để truy cập những sự việc liên quan từ ký ức, để đánh giá sự kiện và để lựa chọn cách hành xử đúng đắn.
Mặc cho sức mạnh to lớn của nó, sự chú ý không thể vượt qua những giới hạn đã được vạch ra. Nó không thể chú ý hay giữ sự tập trung vào việc xử lý đồng thời nhiều thông tin. Việc truy lại thông tin từ nơi lưu trữ trong ký ức và đưa nó vào trung tâm của ý thức, đối chiếu thông tin, đánh giá, ra quyết định, tất cả đều cần khả năng xử lý – vốn có giới hạn – của tâm trí. Chẳng hạn, một người tài xế bắt gặp một chiếc xe khác đang lạng lách trên đường anh ta sẽ phải ngừng nói chuyện điện thoại di động nếu muốn tránh một tai nạn.
Vài người học cách sử dụng nguồn lực vô giá này một cách hiệu quả trong khi những người khác lại lãng phí nó. Biểu hiện của một người đang trong trạng thái kiểm soát ý thức là khả năng tập trung sự chú ý theo mong muốn của mình, nhằm phớt lờ những tác nhân khiến ta xao nhãng, để tập trung đến khi nào đạt được mục tiêu và không hơn nữa. Người có thể làm được điều này thường biết tận hưởng những điều dung dị trong cuộc sống hằng ngày.
Có hai người cực kỳ khác biệt hiện lên trong tâm trí của tôi mà có thể minh họa cho cách thức sự chú ý được dùng để sắp xếp ý thức nhằm phục vụ những mục tiêu của một cá nhân. Người đầu tiên là E., một người phụ nữ Âu châu, một trong những người phụ nữ quyền lực và nổi tiếng nhất ở đất nước cô. Là một học giả danh tiếng trên thế giới, cô cũng đồng thời xây dựng nên một doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thuê hàng trăm lao động và vượt xa các công ty khác cùng lĩnh vực với khoảng cách tương đương cả một thế hệ. E. liên tục đến những buổi họp về kinh doanh, chính trị và chuyên môn, đi lại giữa các dinh thự vòng quanh thế giới của cô. Nếu có một buổi hòa nhạc ở thị trấn mà cô đang trú lại, E. hẳn sẽ tham dự; thời khắc rảnh rỗi đầu tiên sau những lúc bận rộn, cô sẽ đến bảo tàng hay thư viện. Và trong khi cô đang họp, người lái xe của cô thay vì đứng đâu đó và chờ đợi, anh ta sẽ ghé những cửa hàng trưng bày nghệ thuật địa phương hoặc một bảo tàng nào đó; vì trên đường lái xe về nhà, cô chủ của anh sẽ muốn thảo luận những gì anh nghĩ về những bức tranh ở đó.
Không một phút giây nào trong cuộc đời của E. bị lãng phí. Cô thường viết lách, giải quyết vấn đề, đọc một trong năm tờ báo hay những phần được đánh dấu trong những quyển sách nằm trong lịch trình hằng ngày hoặc cô chỉ đặt ra những câu hỏi, quan sát những gì đang diễn ra một cách tò mò và lên kế hoạch cho việc tiếp theo. Rất ít thời gian của cô được dùng cho những sinh hoạt đời sống thường nhật. Việc trò chuyện hay xã giao đều được thực hiện một cách hòa nhã nhưng cô vẫn hạn chế bất cứ khi nào có thể. Tuy nhiên, mỗi ngày cô đều dành một chút thời gian để làm mới tâm trí của mình bằng những cách đơn giản như đứng yên bên bờ hồ độ chừng mười lăm phút hay nhắm mắt đón ánh mặt trời. Hoặc cô có thể dẫn chú chó của mình đi dạo vòng quanh trên những đồng cỏ ở ngọn đồi bên ngoài thị trấn. E. kiểm soát những quá trình chú ý của mình một cách chặt chẽ đến mức cô có thể ngắt kết nối với ý thức theo ý muốn và đánh một giấc để tỉnh táo hơn bất cứ khi nào cô có thời gian rảnh.
Cuộc đời của E. đã không hề yên ả. Gia đình cô rơi vào cảnh nghèo túng sau Thế chiến thứ nhất và trong suốt Thế chiến thứ hai, bản thân cô đã mất hết tất cả, bao gồm cả tự do của mình. Vài thập kỷ trước, cô mắc phải một căn bệnh mạn tính mà bác sĩ đã quả quyết rằng đấy là một căn bệnh chết người. Nhưng cô đã giành lại được mọi thứ, kể cả sức khỏe của mình, bằng cách rèn luyện sự chú ý của cô và từ chối khuếch tán nó vào những suy nghĩ hay hành động không hữu ích. Lúc này, cô tỏa ra một tia năng lượng thuần khiết. Bất chấp những khó khăn trong quá khứ và sự quay cuồng của cuộc sống hiện tại, cô dường như vẫn tận hưởng từng giây từng phút đời mình một cách trọn vẹn.
Người thứ hai mà tôi nghĩ đến lại đối lập với E. trong nhiều mặt, điểm tương đồng duy nhất chính là họ có cùng lực chú ý rõ nét và bền bỉ. R. là một người đàn ông gầy ốm, có ấn tượng ban đầu không dễ gây cảm tình. Anh nhút nhát, khiêm tốn đến mức tự thu mình và người ta sẽ dễ dàng quên anh ngay sau một buổi gặp gỡ ngắn ngủi. Mặc dù chỉ vài người biết anh nhưng đối với họ anh rất có tiếng. Anh là bậc thầy uyên bác về một nhánh học thuật phức tạp và đồng thời cũng là tác giả của những bài thơ tinh tế được dịch sang nhiều thứ tiếng. Mỗi khi ai đó trò chuyện với anh, hình ảnh một cái giếng sâu tràn đầy năng lượng hiện lên trong tâm trí họ. Khi anh nói, đôi mắt của anh nhìn thấu được mọi sự; mỗi câu chữ anh nghe được đều được phân tích theo ba hoặc bốn cách khác nhau ngay trước khi người nói trình bày xong. Những thứ mà hầu hết mọi người cho là hiển nhiên đều đánh đố anh; và cho đến khi anh lý giải được chúng theo một cách căn bản nhưng cực kỳ phù hợp, anh sẽ không để mặc chúng như vậy.
Mặc cho nỗ lực không ngừng của trí óc tập trung này, R. cho ta ấn tượng về sự yên tĩnh, hoặc sự trầm lặng, điềm đạm. Anh dường như luôn nhận thức được những rung động nhỏ nhất từ những hoạt động xung quanh. Nhưng R. không chú ý đến mọi thứ để thay đổi hay phán xét chúng. Anh sẵn lòng ghi nhận hiện thực, thấu hiểu nó và rồi có lẽ anh sẽ thể hiện hiểu biết của mình. R. không dự định tạo ra những tác động tức thì lên xã hội như E. đã làm. Nhưng khi ý thức của anh được sắp xếp có trật tự và phức tạp thì sự chú ý của anh được kéo dài lâu nhất có thể, trong sự tương tác với thế giới xung quanh. Và cũng giống như E., dường như anh đang thưởng thức cuộc sống của chính mình một cách mãnh liệt.
Mỗi người phân tán sự chú ý có giới hạn của mình bằng cách tập trung nó một cách có chủ đích như một tia năng lượng – giống E. và R. – hoặc bằng cách khuếch tán nó trong những chuyển động ngẫu nhiên và không hệ thống. Hình hài và những gì diễn ra trong cuộc sống phụ thuộc vào cách mà bạn sử dụng sự chú ý của mình. Những hiện thực hoàn toàn khác nhau sẽ hiện lên tùy thuộc vào việc sự chú ý được tập trung như thế nào. Những cái tên chúng ta dùng để mô tả đặc điểm tính cách – như hướng ngoại, người xuất chúng, hay hoang tưởng – dựa trên những phương thức đặc trưng mà con người dùng để cấu trúc sự chú ý của mình. Trong cùng một tình huống, người hướng ngoại sẽ tìm kiếm và thưởng thức sự tương tác với người khác, người xuất chúng sẽ tìm kiếm những mối liên lạc kinh doanh có lợi và người hoang tưởng sẽ cảnh giác với những tín hiệu nguy hiểm mà anh ta phải tránh. Sự chú ý có thể được đầu tư bằng vô số cách, những cách mà có thể khiến cuộc sống trở nên phong phú hay khốn khổ.
Tính linh hoạt của những cấu trúc sự chú ý thậm chí càng rõ ràng hơn khi chúng được so sánh giữa những nền văn hóa hoặc những tầng lớp nghề nghiệp. Những thợ săn người Eskimo được huấn luyện để phân biệt giữa hàng tá loại tuyết và luôn luôn nhận biết được hướng cũng như tốc độ của gió. Những thủy thủ bản địa người Melanesia có thể bị đưa đến bất kỳ điểm nào giữa đại dương trong vòng bán kính vài trăm dặm khỏi hòn đảo họ sống trong tình trạng bị che mắt và nếu được thả mình vài phút trên biển, họ vẫn có thể nhận ra vị trí bằng cách cảm nhận những dòng nước chảy qua cơ thể họ. Một người nhạc sĩ cấu trúc sự chú ý để tập trung vào những âm sắc mà người bình thường không nhận biết được, một người mua bán cổ phiếu tập trung vào những thay đổi cực kỳ nhỏ trên thị trường mà những người khác không để ý, một bác sĩ có một con mắt phi thường có thể nhìn ra các triệu chứng – bởi vì họ rèn luyện sự chú ý của mình để xử lý những tín hiệu mà nếu không để ý thì rất dễ bỏ qua.
Bởi vì sự chú ý quyết định những gì sẽ hoặc sẽ không xuất hiện trong ý thức và bởi vì nó là cần thiết để tạo ra bất kỳ sự kiện tinh thần nào khác như ghi nhớ, suy nghĩ, cảm giác và đưa ra quyết định, nên sẽ là hữu ích khi xem nó như là nguồn năng lượng tinh thần. Sự chú ý giống như năng lượng ở chỗ không có nó chẳng có việc gì được hoàn thành cả và nó sẽ tiêu tan khi chúng ta làm việc. Chúng ta tạo ra bản thân mình thông qua cách chúng ta đầu tư nguồn năng lượng này. Những ký ức, những suy nghĩ và những cảm xúc đều được định hình bằng cách chúng ta sử dụng sự chú ý. Và nó là một nguồn năng lượng nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta, để chúng ta sử dụng nó khi muốn; do đó, sự chú ý chính là công cụ quan trọng nhất trong nhiệm vụ cải thiện chất lượng trải nghiệm.
BƯỚC VÀO CÁI TÔI
Nhưng những đại từ ngôi thứ nhất đề cập ở trên – những chúng ta và những của chúng ta – là gì mà được cho là đang kiểm soát sự chú ý? Tôi – thực thể quyết định những gì phải làm với năng lượng tinh thần phát sinh bởi hệ thống thần kinh, ở đâu? Thuyền trưởng của con tàu – người chủ của linh hồn, nằm ở đâu?
Ngay khi chúng ta nghĩ về những câu hỏi này, dù chỉ trong một lúc thôi, chúng ta nhận ra rằng Tôi, hay cái tôi mà chúng ta sẽ đề cập đến kể từ bây giờ, là một trong những nội dung của ý thức. Nó là thứ không bao giờ tách biệt khỏi trung tâm của sự chú ý. Đương nhiên cái tôi của riêng tôi tồn tại duy nhất trong ý thức của chính tôi; và sẽ có nhiều phiên bản của nó tồn tại trong ý thức của những người biết đến tôi, mà hầu hết họ hẳn không nhìn nhận giống với cái tôi “nguyên gốc” như chính tôi nhìn nhận bản thân mình.
Tuy nhiên, cái tôi không đơn thuần chỉ là một mẩu thông tin. Thực tế, nó chứa mọi thứ khác đi qua ý thức như: tất cả những ký ức, hành động, khao khát, niềm vui và bao gồm cả những nỗi đau. Và nhiều hơn cả bất kỳ điều gì khác, cái tôi đại diện cho thứ tự ưu tiên của những mục tiêu mà chúng ta xây dựng, từng chút từng chút một, trong nhiều năm. Cái tôi của nhà hoạt động chính trị có thể trở nên không thể phân biệt được với tư tưởng của anh ta, cái tôi của người chủ ngân hàng có thể bị ràng buộc với những khoản đầu tư của anh ấy. Dĩ nhiên, thường thì chúng ta không nghĩ về cái tôi của mình theo cách này. Tại mỗi thời điểm xác định, chúng ta thường chỉ nhận thức được một phần nhỏ về nó, như khi chúng ta ý thức được mình trông như thế nào hay ấn tượng mà chúng ta tạo được ra sao hoặc về những gì mà chúng ta thật sự muốn làm nếu có thể. Chúng ta thường liên kết cái tôi với cơ thể mình, mặc dù thỉnh thoảng chúng ta nới rộng ranh giới của nó để đồng nhất với một chiếc xe, một căn nhà hay một gia đình. Tuy nhiên, dù chúng ta có nhận thức về nó nhiều như thế nào, cái tôi xét theo nhiều phương diện, vẫn là yếu tố quan trọng nhất của ý thức, vì nó tượng trưng cho tất cả những nội dung khác của ý thức, cũng như mô hình về những sự tương quan của chúng.
Độc giả kiên nhẫn dõi theo vấn đề này đến đây có lẽ đã phát hiện ra một dấu vết mờ nhạt của vòng tròn lẩn quẩn ở điểm này. Nếu sự chú ý, hay năng lượng tinh thần, được điều khiển bởi cái tôi và nếu cái tôi là tổng hợp toàn bộ những nội dung của ý thức cộng với cấu trúc những mục tiêu của nó và nếu như nội dung của ý thức và những mục tiêu là kết quả của những cách tập trung sự chú ý khác nhau, thì chúng ta có một hệ thống kiểu vòng lặp, với những nguyên do hay hệ quả không rõ ràng. Tại thời điểm này, chúng ta nói rằng cái tôi điều khiển sự chú ý, nhưng tại thời điểm khác, chúng ta lại cho rằng sự chú ý đó quyết định cái tôi. Thực tế, cả hai khẳng định trên đều đúng: ý thức không phải là một hệ thống tuyến tính hoàn toàn, mà là một hệ thống có quan hệ nhân quả tuần hoàn. Sự chú ý định hình cái tôi và cái tôi định hình nên sự chú ý.
Một ví dụ của kiểu quan hệ nhân quả này chính là trải nghiệm của Sam Browning, một trong những thanh niên mà chúng tôi đã theo dõi trong những nghiên cứu theo thời gian của mình. Sam đã đến Bermuda trong kỳ nghỉ giáng sinh cùng với cha mình khi cậu mười lăm tuổi. Tại thời điểm đó, cậu không có bất kỳ ý nghĩ gì về việc cậu muốn làm gì với cuộc đời mình; cái tôi của cậu ta có phần chưa được định hình và chưa có cá tính riêng. Sam không có những mục tiêu khác biệt rõ ràng; cậu muốn chính xác thứ mà những đứa con trai đồng trang lứa khác muốn, bởi lập trình di truyền và bởi những gì mà môi trường xã hội bảo bọn trẻ muốn – nói cách khác, cậu mơ hồ nghĩ đến việc vào đại học, rồi sau đó tìm vài công việc được trả lương cao, kết hôn và sống đâu đó ở ngoại ô. Ở Bermuda, cha của Sam dẫn cậu đi tham quan hàng rào san hô và họ lặn dưới nước để khám phá rạn san hô. Sam đã không thể tin vào mắt mình. Cậu nhận ra môi trường huyền bí, đẹp đẽ, dữ tợn này quá mê hoặc đến nỗi cậu quyết định gắn bó hơn với nó. Cuối cùng, cậu đã tham gia một số khóa học về sinh học ở trường trung học và hiện tại đang trong quá trình trở thành một nhà khoa học biển.
Trong trường hợp của Sam, một sự kiện ngẫu nhiên đã gây ấn tượng mạnh trong ý thức của cậu: vẻ đẹp thách thức của cuộc sống dưới đại dương. Cậu không lên kế hoạch để có trải nghiệm này; nó không phải là kết quả của cái tôi hay của mục tiêu hướng sự chú ý. Nhưng khi nhận thức được những gì diễn ra dưới biển, Sam thích nó – trải nghiệm cộng hưởng với những thứ mà cậu thích làm trước đó, với những cảm xúc cậu có về cái đẹp và thiên nhiên, với sự ưu tiên về những gì quan trọng mà cậu đã thiết lập nhiều năm. Cậu cảm thấy trải nghiệm này là thứ gì đó tuyệt vời, là thứ đáng để tìm kiếm một lần nữa. Chính vì vậy mà cậu xây dựng sự kiện ngẫu nhiên này thành một cấu trúc của những mục tiêu – tìm hiểu thêm nhiều hơn về đại dương, tham gia những khóa học, tiếp tục vào đại học và tốt nghiệp, tìm một việc làm với tư cách một nhà sinh học biển – những điều đã trở thành yếu tố trọng tâm trong cái tôi của cậu. Kể từ đó, những mục tiêu đã hướng sự chú ý của Sam tập trung nhiều hơn vào đại dương và cuộc sống đại dương, bằng cách ấy, khép lại vòng tròn của quan hệ nhân quả. Trước tiên, sự chú ý giúp cậu định hình cái tôi của mình khi cậu chú ý đến vẻ đẹp của thế giới bên dưới mặt nước mà cậu tình cờ bắt gặp; sau đó, khi cậu có ý định tìm kiếm kiến thức trong lĩnh vực sinh học biển, cái tôi của cậu bắt đầu định hình sự chú ý. Đương nhiên, trường hợp của Sam chẳng phải một ngoại lệ bất thường; hầu hết mọi người đều phát triển cấu trúc của sự chú ý theo những cách tương tự.
Đến đây, hầu hết những thành phần cần thiết để hiểu cách mà ý thức bị kiểm soát đã được đặt ra. Chúng ta đã thấy rằng trải nghiệm tùy thuộc vào cách chúng ta tập trung năng lượng tinh thần, tức là vào cấu trúc của sự chú ý. Bởi vậy, điều này liên quan đến những mục tiêu và dự định. Những quá trình này được liên kết với nhau bằng cái tôi, hoặc sự biểu hiện chức năng về mặt tinh thần của toàn hộ bệ thống mục tiêu mà ta có. Đây là những thứ cần phải được điều động nếu chúng ta muốn cải thiện mọi thứ. Đương nhiên, cuộc sống cũng có thể được cải thiện bởi những sự kiện bên ngoài, như trúng số một triệu đô-la, kết hôn đúng người, hoặc chung tay thay đổi hệ thống xã hội bất công. Nhưng ngay cả những sự kiện tuyệt diệu này cũng phải xảy ra trong ý thức và được kết nối với cái tôi của chúng ta theo những cách tích cực trước khi chúng có thể tác động đến chất lượng cuộc sống.
Cấu trúc của ý thức đang bắt đầu rõ nét hơn, nhưng tính đến hiện tại, chúng ta chỉ có một bức tranh khá tĩnh, một bức tranh phác họa ra những yếu tố khác nhau, chứ không phải những quá trình mà trong đó chúng tương tác với nhau. Lúc này, chúng ta cần phải xem xét mỗi khi sự chú ý mang một mẩu thông tin mới vào nhận thức thì có những gì theo sau. Chỉ khi đó chúng ta mới có được một khả năng phán đoán thấu đáo về cách trải nghiệm được kiểm soát và nhờ đó thay đổi để trở nên tốt hơn.
SỰ RỐI LOẠN TRONG Ý THỨC: ENTROPY TÂM THẦN
Một trong những thế lực chính ảnh hưởng xấu đến ý thức là sự rối loạn tâm thần – tức là những thông tin xung đột với những ý định hiện có hoặc khiến chúng ta xao nhãng khỏi việc thực hiện những ý định ấy. Chúng ta đặt cho trạng thái này rất nhiều cái tên, tùy thuộc vào cách chúng ta trải nghiệm nó, như: nỗi đau, nỗi sợ hãi, sự phẫn nộ, sự lo âu hay lòng đố kỵ. Tất cả sự rối loạn đa dạng này buộc sự chú ý đi lệch hướng về phía những mục tiêu không mong muốn, khiến chúng ta không còn tự do sử dụng sự chú ý theo đúng ưu tiên của chúng ta nữa. Năng lượng tinh thần cũng trở nên khó điều khiển và không hiệu quả.
Ý thức có thể trở nên rối loạn theo nhiều cách. Chẳng hạn, tại một nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn, Julio Martinez – một trong những người chúng tôi nghiên cứu bằng Phương pháp Lấy mẫu Kinh nghiệm– đang rơi vào trạng thái lơ đãng trong công việc. Khi chiếc máy chiếu phim đi ngang qua trước mặt anh trên dây chuyền lắp ráp, anh đã bị phân tâm và khó có thể bắt kịp với nhịp chuyển động cần thiết để hàn những mối nối, vốn là trách nhiệm của anh. Thường thì anh có thể làm phần việc của mình với thời gian thoải mái và thư giãn một lúc, nói vài câu chuyện vui trước khi một cái máy mới dừng lại trước trạm của anh. Nhưng hôm nay anh đang chật vật và thi thoảng anh làm chậm cả một dây chuyền. Khi người đàn ông đứng ở trạm kế bên đùa với anh về chuyện đó, Julio đã đáp trả rất gắt gỏng. Từ sáng sớm đến giờ tan làm, sự căng thẳng cứ tăng dần và nó ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Julio với đồng nghiệp.
Vấn đề của Julio khá đơn giản, gần như chẳng đáng gì, nhưng nó lại đè nặng trong tâm trí anh. Một buổi chiều vài ngày trước đó, trên đường tan làm về nhà, anh để ý thấy một trong mấy cái lốp xe bị xẹp đi một chút. Sáng hôm sau vành bánh xe gần như chạm đất. Đến cuối tuần sau Julio mới được nhận phiếu lương và anh chắc rằng từ giờ đến đó anh sẽ không có đủ tiền để vá lốp xe, nói chi đến mua cái mới. Tín dụng là thứ mà anh vẫn chưa học được cách sử dụng. Nhà máy nằm ở ngoại ô, cách nơi anh sống khoảng hai mươi dặm và anh thì phải đến được đó trước tám giờ sáng. Cách giải quyết duy nhất Julio có thể nghĩ ra là lái xe một cách cẩn trọng đến trạm dịch vụ vào buổi sáng, bơm xe và rồi lái xe đến chỗ làm nhanh nhất có thể. Thế nhưng đến khi tan làm, lốp xe lại xẹp lần nữa, nên anh phải bơm nó tại một trạm xăng gần nhà máy rồi chạy về nhà.
Từ buổi sáng xảy ra sự cố, anh đã làm điều này trong suốt ba ngày và hy vọng rằng cách làm này sẽ diễn ra suôn sẻ cho đến kỳ trả lương tiếp theo. Nhưng hôm nay, lúc đến nhà máy, anh đã lái xe rất khổ sở vì bánh xe quá xẹp. Cả ngày dài, anh không ngừng lo lắng: “Liệu tối nay mình có lái xe về nhà được không? Sáng mai mình sẽ đi làm bằng cách nào?”. Những câu hỏi này cứ lẩn quẩn trong tâm trí anh, làm gián đoạn sự tập trung của anh vào công việc và kéo tâm trạng của anh đi xuống.
Julio là một ví dụ điển hình về những gì xảy ra khi trật tự bên trong của cái tôi bị phá vỡ. Mô hình kiểu mẫu căn bản luôn giống nhau: vài thông tin xung đột với những mục tiêu của một cá nhân xuất hiện trong ý thức. Tùy vào mức độ chính yếu của mục tiêu đó đối với cái tôi và tùy thuộc mối đe dọa nghiêm trọng như thế nào mà một phần nào đó của sự chú ý sẽ phải được huy động để loại bỏ sự nguy hiểm, để rồi còn lại ít sự chú ý để giải quyết những vấn đề khác. Đối với Julio, giữ được việc làm là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Nếu mất việc, tất cả những mục tiêu khác của anh sẽ bị tổn hại; thế nên giữ được việc làm là một điều cần thiết để duy trì trật tự bên trong cái tôi của anh. Cái lốp xe bị xẹp đang đe dọa công việc của anh và do đó, nó ngốn rất nhiều năng lượng tinh thần của anh.
Bất cứ khi nào thông tin phá vỡ ý thức bằng cách đe dọa những mục tiêu của nó, chúng ta rơi vào tình trạng rối loạn bên trong, hay còn gọi là entropy14 tâm thần, một sự hủy hoại cấu trúc của cái tôi, làm suy yếu đi tính hiệu quả của nó. Những trải nghiệm dạng này kéo dài có thể làm cái tôi yếu đi đến mức nó không còn có thể tập trung sự chú ý và đuổi theo những mục tiêu được nữa.
14 Entropy ban đầu là thuật ngữ được dùng trong nhiệt động lực học, với ý nghĩa là thang đo cho sự hỗn loạn, mất cấu trúc của phân tử. Thuật ngữ Entropy về sau được dùng trong một vài ngành khoa học xã hội (bao gồm tâm lý học, với người khởi xướng là Carl Jung), khoa học thông tin, với ý nghĩa tương tự nhau: Chỉ tính vô trật tự, hỗn loạn, mất cấu trúc của chủ thể đi kèm với thuật ngữ này.
Vấn đề của Julio tương đối nhẹ nhàng và có tính nhất thời. Một ví dụ về entropy tâm thần mang tính thường xuyên hơn là trường hợp của Jim Harris, một học sinh lớp mười một tài năng xuất sắc, một trong những người tham gia cuộc khảo sát của chúng tôi. Một buổi trưa thứ Tư ở nhà một mình, cậu dừng bước trước gương trong căn phòng tắm từng dùng chung với cha mẹ. Trên chiếc hộp dưới chân cậu, băng nhạc của nhóm Grateful Dead đang được bật và nó gần như đã phát không ngừng nghỉ trong suốt tuần qua. Jim đang thử một trong những bộ trang phục yêu thích của cha mình, một chiếc áo sơ mi da cừu màu xanh lá cây sẫm mà cha cậu vẫn mặc bất cứ dịp nào cả hai cùng đi cắm trại. Đưa bàn tay lên mặt vải ấm áp, Jim nhớ lại cảm giác ấm cúng khi xích gần lại cha trong cái lều đầy khói, khi mà những chú chim lặn gavia cất tiếng kêu vang qua mặt hồ. Tay phải Jim đang cầm một cây kéo may cỡ lớn. Tay áo quá dài đối với cậu và cậu tự hỏi liệu mình có dám cắt ngắn chúng không. Hẳn là cha cậu sẽ giận dữ lắm... mà liệu ông có để ý không nhỉ? Vài giờ sau, Jim nằm trên giường của mình. Trên cái bàn đầu giường là một lọ aspirin giờ đã trống không, mặc dù không lâu trước đó vẫn còn tận bảy viên trong đấy.
Cha mẹ của Jim đã ly thân một năm trước và giờ thì họ đang ly hôn. Trong suốt những ngày phải đến trường trong tuần, Jim sống với mẹ. Vào những chiều thứ Sáu, cậu gói ghém đồ đạc để đến sống trong một căn hộ mới của cha ở ngoại ô. Một trong những vấn đề của sự dàn xếp này chính là cậu không bao giờ có thể được ở cùng bạn bè: những ngày trong tuần họ đều bận rộn và vào cuối tuần thì Jim lại bị kẹt ở vùng ngoại ô mà cậu chẳng quen ai. Cậu giết thời gian rảnh rỗi của mình trên điện thoại, cố gắng liên lạc với bạn bè. Hoặc cậu nghe những cuốn băng mà cậu cảm thấy nó cộng hưởng được nỗi cô đơn đang gặm nhấm bên trong mình. Nhưng điều tồi tệ nhất mà Jim cảm thấy chính là cha mẹ cậu đang đấu đá nhau kịch liệt để có được tình cảm của cậu. Họ liên tục đưa ra những lời lẽ ác ý về nhau, cố gắng khiến Jim cảm thấy có lỗi khi cậu thể hiện bất kỳ tình yêu hay sự quan tâm với một trong hai người trước mặt người còn lại. “Cứu tôi!” là dòng chữ mà cậu viết nguệch ngoạc trong nhật ký vài ngày trước khi cố tự tử. “Tôi không muốn ghét mẹ mình, tôi không muốn ghét cha mình. Tôi ước gì họ đừng làm thế này với tôi nữa”.
May mắn là buổi chiều hôm đó chị gái của Jim để ý thấy lọ thuốc aspirin trống không và đã gọi cho mẹ và rồi Jim được đưa vào bệnh viện, bao tử của cậu được súc rửa và vài ngày sau thì cậu đã có thể đứng lên được. Nhưng hàng ngàn đứa trẻ tầm tuổi cậu thì không được may mắn như thế.
Cái lốp xe bị xẹp đã ném Julio vào cơn hoảng loạn nhất thời và vụ ly hôn suýt giết chết Jim, chúng không tác động trực tiếp như những nguyên do vật lý tạo ra một tác động vật lý – chẳng hạn, một quả banh bi da đụng vào một trái banh khác và làm cho nó va liên tiếp vào nhiều quả banh khác theo hướng có thể đoán trước được. Sự kiện từ bên ngoài xuất hiện trong ý thức đơn thuần chỉ như thông tin, không nhất thiết phải có một giá trị tích cực hay tiêu cực nào kèm theo nó. Chính cái tôi diễn giải thông tin thô đó theo ngữ cảnh của những mối quan tâm của riêng nó và quyết định xem liệu thông tin đó có nguy hại hay không. Ví dụ như, nếu Julio có nhiều tiền hơn hay có tiền gửi trong ngân hàng, vấn đề của anh có lẽ đã hoàn toàn vô hại. Nếu trong quá khứ, anh ta tập trung nhiều năng lượng tinh thần hơn vào việc kết thêm bạn bè cùng chỗ làm, cái lốp xe bị xẹp đã không tạo ra sự hoảng loạn, bởi vì anh hoàn toàn có thể hỏi một trong số những người đồng nghiệp cho anh quá giang vài ngày. Và nếu anh có sự tự tin mạnh mẽ hơn, thì trở ngại tạm thời này sẽ không ảnh hưởng đến anh nhiều đến vậy, bởi vì anh sẽ tin khả năng của mình cuối cùng có thể vượt qua được điều đó. Cũng tương tự như vậy, nếu Jim độc lập hơn, cuộc ly hôn sẽ không ảnh hưởng đến cậu sâu sắc đến thế. Nhưng ở độ tuổi của cậu, những mục tiêu của cậu vẫn phải bị ràng buộc chặt chẽ với những mục tiêu của cha và mẹ, thế nên sự rạn nứt giữa họ cũng phá vỡ ý thức về bản thân của cậu. Giá như cậu có những người bạn thân thiết hơn, hay có một danh sách dài hơn các mục tiêu đã đạt được, thì cái tôi của cậu sẽ có sức mạnh duy trì tính toàn vẹn của nó. Cậu may mắn rằng, sau sự suy sụp này, cha mẹ cậu đã nhận ra tình thế nguy hiểm đó và đã tìm kiếm sự giúp đỡ cho chính bản thân và con trai họ, thiết lập lại một mối quan hệ đủ vững chắc với Jim, cho phép cậu tiếp tục xây dựng một cái tôi vững vàng.
Mỗi một mẩu thông tin chúng ta xử lý được đánh giá bởi ý nghĩa của nó đối với cái tôi. Nó đe dọa những mục tiêu của chúng ta, nó hỗ trợ chúng hay nó không ảnh hưởng gì cả? Tin tức về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán có thể khiến người làm ngân hàng lo âu nhưng nó có thể củng cố ý thức về cái tôi của một nhà hoạt động chính trị. Một mẩu thông tin mới sẽ tạo ra sự hỗn loạn trong ý thức, bằng cách khiến chúng ta phải thức tỉnh để đối mặt với mối đe dọa, hoặc nó sẽ củng cố những mục tiêu của chúng ta, từ đó giải phóng năng lượng tinh thần.
TRẬT TỰ TRONG Ý THỨC: DÒNG CHẢY
Trạng thái trái ngược với entropy tâm thần chính là trải nghiệm tối ưu. Khi thông tin đi vào nhận thức phù hợp với những mục tiêu, năng lượng tinh thần sẽ tuôn ra một cách dễ dàng. Không có gì cần lo lắng, chẳng có lý do gì để nghi vấn về năng lực đáp ứng của người đó. Nhưng bất cứ khi nào người đó dừng lại để nghĩ về bản thân, bằng chứng sẽ cho thấy rằng: “Bạn đang ổn”. Những phản hồi tích cực củng cố cái tôi và nhiều sự chú ý được giải phóng hơn để đối phó với môi trường bên trong lẫn bên ngoài.
Một người khác cũng tham gia khảo sát của chúng tôi, một công nhân tên Rico Medellin, thường xuyên có được cảm giác này trong công việc của anh. Anh làm chung xí nghiệp với Julio, ở một vị trí khác trên dây chuyền lắp ráp. Nhiệm vụ anh phải làm đối với mỗi cái máy đi ngang qua trước trạm của anh cần đến bốn mươi ba giây – và phải thực hiện đúng như vậy sáu trăm lần trong một ngày làm việc. Hầu hết mọi người sẽ dần thấy mệt mỏi với công việc như vậy. Nhưng Rico đã làm công việc này trong hơn năm năm và anh vẫn tiếp tục yêu thích nó. Lý do là bởi vì anh tiếp cận nhiệm vụ của mình theo cùng một cách mà vận động viên Thế vận hội tiếp cận các giải đấu của họ: Làm thế nào để phá kỷ lục? Giống như một vận động viên chạy đua được huấn luyện trong nhiều năm để rút ngắn vài giây so với màn thể hiện tốt nhất của anh ta trên đường đua trước đó, Rico đã tự rèn luyện bản thân nhanh nhẹn hơn trên dây chuyền lắp ráp. Với sự chú tâm cẩn trọng như một bác sĩ phẫu thuật, anh đã tạo ra một thói quen cá nhân trong cách sử dụng những công cụ của mình và cách anh thực hiện những động tác. Sau năm năm, tốc độ trung bình tốt nhất của anh trong một ngày là hai mươi tám giây cho mỗi cái máy. Một phần, anh cố gắng cải thiện hiệu suất của mình để kiếm thêm và có được sự tôn trọng từ những người giám sát. Nhưng thường thì anh thậm chí không kể người khác biết rằng anh đang dẫn trước và anh để thành công của mình diễn ra mà chẳng ai hay biết. Đủ bằng chứng cho thấy anh sẽ thành công, bởi vì khi anh làm việc với hiệu suất cao nhất, trải nghiệm đó thú vị đến nỗi nếu phải giảm tốc độ lại anh sẽ thấy rất khổ sở. “Cảm giác đó tốt hơn bất kỳ thứ gì khác”, Rico chia sẻ, “Nó hoàn toàn tốt hơn việc xem tivi”. Rico biết rằng, sớm thôi, anh sẽ đạt đến giới hạn mà anh không thể cải thiện hiệu suất công việc thêm nữa. Vì vậy anh tham gia những khóa học về điện tử hai lần một tuần. Khi có chứng chỉ, anh sẽ tìm một công việc phức tạp hơn, một công việc mà hẳn anh cũng sẽ làm với lòng nhiệt huyết như những gì anh đã thể hiện cho đến bây giờ.
Đối với Pam Davis thì dễ dàng để có trạng thái cân bằng và thoải mái khi làm việc hơn. Là một luật sư trẻ tuổi trong một công ty nhỏ, cô may mắn khi được tham gia vào những vụ án phức tạp và đầy thách thức. Cô dành thời gian đến thư viện, tìm tư liệu tham khảo và vạch ra những phương hướng hành động khả thi cho những cộng sự cấp cao của công ty đi theo. Thông thường cô tập trung cao độ đến mức quên cả ăn trưa và đến khi cô nhận ra rằng mình đang đói bụng thì bên ngoài trời đã tối mịt rồi. Trong khi cô đắm chìm vào công việc của mình, mỗi một thông tin đều phù hợp, ngay cả khi nhất thời nản lòng, cô cũng biết điều gì gây ra sự nản lòng đó và cô tin rằng đến cuối cùng, mọi trở ngại đều có thể được khắc phục.
Những ví dụ này mô tả những gì mà chúng tôi muốn nói về trải nghiệm tối ưu. Chúng là những tình huống mà ở đó sự chú ý có thể được tự do tập trung để đạt được những mục tiêu của một cá nhân, bởi vì không có sự rối loạn nào để phải sắp xếp lại, cũng không có sự đe dọa nào khiến cái tôi phải phòng vệ. Chúng tôi gọi trạng thái này là trải nghiệm dòng chảy, vì đây là một thuật ngữ mà nhiều người được chúng tôi phỏng vấn đã sử dụng trong phần miêu tả của họ về việc họ cảm thấy thế nào khi đang trong trạng thái tốt nhất: “Nó như thể là bạn đang trôi vậy”, “Tôi đã được trôi xuôi theo dòng chảy”. Đây là trạng thái trái ngược với entropy tâm thần – trên thực tế, thỉnh thoảng nó được gọi là phản entropy (negentropy) – và những người đạt được nó phát triển một cái tôi mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, vì năng lượng tinh thần của họ được tập trung thành công vào những mục tiêu chính họ đã lựa chọn để theo đuổi.
Khi một người có thể sắp xếp ý thức của mình để trải nghiệm dòng chảy thường xuyên nhất có thể, chất lượng cuộc sống của họ chắc chắn được cải thiện, bởi vì, như trong trường hợp của Rico và Pam, ngay cả công việc thường nhật vốn thường nhàm chán cũng trở nên có ý nghĩa và thú vị. Trong dòng chảy, chúng ta nằm dưới sự kiểm soát của năng lượng tinh thần và mọi việc chúng ta làm đều củng cố trật tự cho ý thức. Một trong những đối tượng nghiên cứu của chúng tôi, một người leo núi đá nổi tiếng ở Bờ Tây, đã giải thích súc tích về sự ràng buộc giữa thú tiêu khiển mang lại cho anh cảm nhận sâu sắc về dòng chảy và phần còn lại của cuộc đời anh: “Thật hào hứng khi càng ngày càng đến gần hơn với khả năng tự kiểm soát bản thân. Bạn buộc cơ thể của bạn di chuyển và mọi thứ trên cơ thể đau đớn; rồi trong sợ hãi bạn nhìn lại chính mình, vào những gì bạn đã làm, nó khiến bạn phải sững sờ. Nó dẫn bạn đến trạng thái mê ly, đến sự tự hoàn thiện. Nếu bạn thắng những cuộc chiến này, cuộc chiến với chính mình, ít nhất là trong một khoảnh khắc, thì việc chiến thắng những cuộc chiến khác trên đời sẽ dễ dàng hơn”.
“Cuộc chiến” ở đây không phải chống lại cái tôi, mà là chống lại entropy dẫn đến hỗn loạn trong ý thức. Nó thật ra là một cuộc chiến vì cái tôi; nó đấu tranh để thiết lập kiểm soát lên sự chú ý. Sự đấu tranh không nhất thiết phải về mặt thể chất như trong trường hợp của người leo núi. Nhưng bất kỳ ai đã trải nghiệm dòng chảy đều biết rằng sự thưởng thức sâu sắc mà trải nghiệm này tạo ra đều đòi hỏi phải có một sự tập trung có kỷ luật ở mức tương đương.
SỰ PHỨC TẠP VÀ SỰ SINH TRƯỞNG CỦA CÁI TÔI
Thông qua một trải nghiệm dòng chảy, sự tổ chức của cái tôi trở nên phức tạp hơn nó trước đó. Chính bằng việc gia tăng tính phức tạp mà cái tôi có thể được xem là lớn lên. Sự phức tạp là kết quả của hai quá trình tâm lý khái quát: sự biệt hóa (differentiation) và sự tích hợp (integration). Sự biệt hóa ngụ ý một hành động hướng về sự độc nhất, hướng về việc tách bản thân ra khỏi người khác. Sự tích hợp nói đến chiều hướng ngược lại: Kết hợp với những người khác, với những ý tưởng và với những sự tồn tại vượt trên cái tôi. Một cái tôi phức tạp là cái tôi thành công trong việc kết nối những xu hướng trái ngược này lại với nhau.
Cái tôi trở nên khác biệt hơn nhờ dòng chảy là vì việc vượt qua một thử thách chắc chắn để lại cho người ta cảm giác vững vàng hơn, khéo léo hơn. Như người leo núi đã nói rằng, “Trong sợ hãi bạn nhìn lại chính mình, vào những gì bạn đã làm, nó khiến bạn phải sững sờ”. Sau mỗi một trải nghiệm dòng chảy, con người trở thành một cá nhân độc nhất hơn, khó dự đoán hơn, sở hữu những kỹ năng hiếm có hơn.
Sự phức tạp thường được cho là mang một ý nghĩa tiêu cực, đồng nghĩa với sự khó đoán và mơ hồ. Điều đó có thể đúng, nhưng chỉ đúng khi chúng ta cào bằng ý nghĩa của nó với chỉ riêng sự biệt hóa. Song, sự phức tạp cũng bao gồm một chiều hướng thứ hai – sự hòa hợp của những thành phần độc lập. Chẳng hạn, một bộ máy phức tạp không chỉ có nhiều bộ phận tách biệt với mỗi một bộ phận có một chức năng khác nhau, mà còn thể hiện độ nhạy cao bởi vì mỗi một bộ phận đều liên kết với những bộ phận khác. Không có sự tích hợp, một hệ thống có nhiều phần tách biệt sẽ trở thành một mớ hỗn độn, rối rắm.
Dòng chảy giúp hòa hợp cái tôi, bởi vì trong trạng thái tập trung cao độ đó, ý thức thường được sắp xếp có trật tự hơn. Những suy nghĩ, những dự định, những cảm xúc và những giác quan cùng được tập trung vào một mục tiêu. Trải nghiệm được đặt trong sự hài hòa. Và khi một dòng chảy kết thúc, con người sẽ cảm thấy “gắn kết” hơn trước, không chỉ từ trong nội tại mà còn trong mối quan hệ người khác và với cả thế giới nói chung. Theo lời nói của người leo núi mà chúng ta đã đề cập trước đó: “[Không có] nơi nào khơi dậy những điều tốt nhất trong con người [hơn] một buổi leo núi. Không một ai ngăn bạn đặt toàn bộ tâm trí và cơ thể dưới áp lực to lớn để có thể lên được đỉnh núi. Đồng đội của bạn đang ở đó, dù thế nào thì các bạn cũng cảm thấy như nhau, các bạn đang ở cùng bên nhau. Trong thế kỷ XX bạn có thể tin tưởng ai hơn những con người này? Những người trải qua quá trình tự rèn luyện bản thân giống như bạn, tuân thủ theo những giao ước chi tiết hơn... Bản thân sự liên kết với những người khác như vậy vốn dĩ đã là một trạng thái ngất ngây”.
Một cái tôi chỉ có sự tách biệt – không có sự tích hợp – có thể đạt được những thành tựu cá nhân vĩ đại, nhưng có rủi ro sa lầy trong sự tự cao tự đại, tự cho mình là trung tâm. Tương tự, một người mà cái tôi của họ chỉ dựa trên sự tích hợp sẽ được kết nối và bảo vệ, nhưng thiếu tính độc lập cá nhân. Chỉ khi một người tập trung một lượng năng lượng tinh thần đồng đều trong cả hai quá trình này, tránh cả tính ích kỷ lẫn sự tuân phục, cái tôi mới có khả năng thể hiện sự phức tạp.
Cái tôi trở nên phức tạp nhờ vào trải nghiệm dòng chảy. Nghịch lý là khi chúng ta hành động một cách tự do, vì bản thân của việc hành động hơn là vì những động cơ kín đáo, thì chúng ta học hỏi để trở nên tốt hơn chính mình trước đó. Khi chúng ta chọn một mục tiêu và đặt toàn bộ con người mình vào đó bằng sự tập trung hết mức, thì dù có làm gì chúng ta cũng sẽ thấy vui. Và một khi đã nếm được niềm vui này, chúng ta sẽ nỗ lực gấp đôi để nếm được mùi vị đó lần nữa. Đây là cách mà cái tôi sinh trưởng. Là cách mà Rico có thể khai thác được nhiều như vậy từ công việc có vẻ nhàm chán trên dây chuyền lắp ráp của mình, hay như R. có được từ những bài thơ của anh. Đó cũng là cách E. vượt qua căn bệnh của cô để trở thành một học giả có sức ảnh hưởng và một nhà điều hành quyền lực. Dòng chảy quan trọng vì nó làm cho khoảnh khắc hiện tại thú vị hơn và vì nó xây dựng sự tự tin để chúng ta phát triển những kỹ năng và tạo ra những đóng góp đáng kể cho nhân loại.
Phần còn lại của quyển sách này sẽ khám phá sâu hơn những gì chúng ta biết về trải nghiệm tối ưu: Trải nghiệm tối ưu có cảm giác thế nào và dưới những điều kiện nào thì chúng xảy ra. Mặc dù không có bất kỳ đường tắt nào dẫn đến dòng chảy, nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra nếu người ta hiểu cách nó hoạt động để thay đổi cuộc sống – tạo ra nhiều sự hài hòa trong trải nghiệm hơn và để giải phóng năng lượng tinh thần mà nếu không có dòng chảy thì sẽ bị lãng phí trong sự nhàm chán hay lo lắng.