Đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ 1986-1991 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đồng chí được đánh giá như một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định và hiệu quả, là tấm gương sáng trong nhiều lĩnh vực nhân sinh với những quan điểm hết sức đúng đắn.
Vượt qua những nỗi đau riêng và những sự đôi khi không suôn sẻ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã “luôn luôn tôn trọng nguyên tắc tổ chức, giữ gìn đoàn kết, dồn sức đi sâu nghiên cứu công việc của mình và tập hợp trí tuệ của tập thể để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất” (trích bài viết của bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước).
Con người của những điều đúng đắn
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn luôn thể hiện cái nhìn "cây đời mãi mãi xanh tươi" (chữ của đại thi hào Đức Volfgang Goethe), nhìn thẳng, nhìn đúng tình hình thực tế và cố gắng tìm ra những giải pháp thích hợp trên cơ sở những quy luật căn bản của niềm tin cộng sản. Chính vì thế nên những đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Linh cho việc thiết kế đường lối, chính sách Đổi mới của Đảng và Nhà nước ta vô cùng to lớn và hiệu quả.
Theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - ngay tại kỳ họp đầu tiên của BCH TƯ Đảng do Đại hội VI bầu ra, đồng chí tân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chân thành bộc bạch: “Trình độ của Tổng Bí thư so với nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương không xa cách bao nhiêu, ly lai như sợi tóc, điều cốt yếu là phải phát huy được trí tuệ của tập thể, bổ sung cho nhau mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
Đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Đảng ta - nhớ lại: "Khi anh Linh về nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, qua các hoạt động của anh và các bài báo "Những việc cần làm ngay", anh em chúng tôi nhận thấy ở anh một tác phong lãnh đạo mới, cương trực, thẳng thắn, hàm chứa tinh thần chiến đấu cách mạng cao và sắc bén, một niềm tin vững chắc vào nhân dân, vào chân lý, vào sự thật. Anh là con người của sự thật, chiến đấu vì lẽ phải, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Đảng cách mạng trong sạch. Có trong sạch thì mới vững mạnh, mới dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật, không che giấu khuyết điểm, mới dám đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ sự thật”…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) cũng đánh giá cao tính nguyên tắc và thẳng thắn của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong các vấn đề quan điểm và trong công tác chống các hiện tượng tiêu cực: "Trước tình hình có nhiều biểu hiện trì trệ, quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, anh đã trực tiếp viết một loạt bài báo nêu lên "Những việc cần làm ngay" thể hiện tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, đã tạo nên bầu không khí mới trong xã hội. Việc làm này tuy gặp khó khăn nhưng cũng đã có kết quả nhất định, góp phần đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực. Anh luôn luôn coi trọng giáo dục đạo đức, chống chủ nghĩa cá nhân, phê phán nghiêm khắc những hiện tượng tham nhũng, suy thoái phẩm chất, thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên cao cấp". Theo đồng chí Vũ Oanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dành nhiều thời gian chăm lo đến việc giáo dục cán bộ. vì sớm thấy rõ rằng: “Những tiêu cực phát sinh, tồn tại và ngày càng phát triển trầm trọng trong Đảng vào những năm sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất là do chúng ta buông lỏng công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục và quản lý đảng viên, coi nhẹ việc xây dựng “chiến lược con người”. Và đó là “nguy cơ đối với một đảng cầm quyền”.
Khi viết về đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại những dòng tin từng được đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 26-5-1988 và ngày 6-2-1990: "Trong những dịp gặp gỡ với các cán bộ hưu trí Thủ đô ở Câu lạc bộ Thăng Long (tháng 5-1988 và tháng 2-1990), có ý kiến của một số đồng chí tâm sự chân tình với Tổng Bí thư: Hãy hết sức cẩn trọng, "không để tay nọ đánh vào tay kia". Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nói rõ: "Chúng ta không nên thận trọng tới mức rụt rè. Có gì sai khi chúng ta nói rõ sự thật, dù là sự thật đau lòng để cùng nhau khắc phục, cùng nhau sửa chữa, sửa chữa để tiến lên; phải tiếp tục đẩy mạnh phê bình và tự phê bình; phải kiên quyết chống bọn tham nhũng, ăn cắp, ức hiếp nhân dân và phải xử lý thật nghiêm".
Trên cương vị Tổng Bí thư và cả sau này trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn luôn nhất quán một quyết tâm đổi mới, "đi vào dòng chính của sự đổi thay một cách kiên định" (nhận xét của đồng chí Lê Xuân Tùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội). Cũng theo nhận xét của đồng chí Lê Xuân Tùng, một người từng có thời gian không ngắn làm việc gần gụi bên cạnh đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhận thức về tính tất yếu nước ta phải đổi mới đã có ở đồng chí Nguyễn Văn Linh từ trước Đại hội VI, "hình thành từ thấp tới cao". Lý do rất đơn giản ở việc này là ngay từ khi chưa ở những cương vị trọng yếu nhất của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã rất chú tâm bám sát thực tế và luôn luôn biết cách đưa ra những câu hỏi đau đáu nhất, thiết thân nhất, gợi mở nhất cho những bất cập đang tồn tại hay mới nảy sinh. Chính sách phải lựa từ thực tế mà được hoạch định chứ không bao giờ để xảy ra tình trạng "đẽo chân cho vừa giày". Có lẽ tư duy của một nhà lý luận đích thực phải là như thế. Đồng chí Lê Xuân Tùng kể: "Hồi còn chế độ bao cấp, đôi khi từ miền Nam ra miền Bắc công tác, đồng chí Nguyễn Văn Linh thường về nông thôn tìm hiểu tình hình. Đồng chí về thăm Hải Hậu (Nam Định), Hà Tây… khảo sát hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian đi không nhiều nhưng câu hỏi thì còn mãi vấn vương trong đầu óc đồng chí: "Tại sao đất 5% của hộ gia đình lại nuôi sống họ được 50-60% so với 95% đất còn lại đóng góp cho hợp tác xã nuôi sống họ chỉ được 40-50%?". Đó là một nghịch lý, nhưng lúc bấy giờ (khoảng những năm 60-70 của thế kỷ XX) đồng chí chưa tìm được cách trả lời trọn vẹn. Mãi đến sau này, Chỉ thị 100 do Ban Bí thư ban hành (năm 1981) mới tháo gỡ được một phần, đem lại sinh khí cho hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian đồng chí làm Tổng Bí thư sau Đại hội VI, vấn đề này lại được đặt ra và giải quyết bước nữa, khá thành công. Đó là Nghị quyết 10 (hay khoán 10 năm 1988) khoán đến tận hộ gia đình. Hợp tác xã lo những khâu mà hộ gia đình không lo được, chủ yếu là một số khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra và dịch vụ cho sản xuất, cùng với đầu tư và các chính sách khác của Nhà nước, nhờ đó sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Nông nghiệp không những trang trải đủ lương thực tiêu dùng trong nước, mà còn có một phần dự trữ và xuất khẩu (1989). Thế mà mới chỉ trước đó một năm (1988), nước ta còn phải nhập khẩu 45 vạn tấn lương thực để cứu đói". Nhìn từ góc độ hôm nay, chúng ta nên thấy rằng những kết quả tốt đẹp và đôi khi đẹp như kỳ tích ấy sở dĩ đạt được còn nhờ cả các điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" khác chứ không chỉ do riêng tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế. Có những chính sách hôm nay đã trở thành lỗi thời nhưng hôm qua đã phát huy được tác dụng tốt của nó. Nhưng nói vậy không có nghĩa là phủ nhận được đóng góp mang tính nhiều phần quyết định của những chủ trương, chính sách đổi mới kịp thời.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (1917-2018) trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã viết: "Gần gũi anh Linh, tôi thấy anh là con người rất mực trung kiên với lý tưởng cách mạng, vì nước vì dân phục vụ, thẳng thắn, cương trực nhưng thấm đượm tình đồng chí, đồng bào; sống giản dị, liêm khiết, ghét thói tham ô, lãng phí, xa hoa, phô trương hình thức. Tác phong của anh là sâu sát thực tế, gần gụi quần chúng, lắng nghe ý kiến mọi người".
Trân trọng tri thức và hiểu thấu trí thức
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, khi mới lên 14 tuổi. Và vì thế, đồng chí cũng sớm bị thực dân Pháp bắt (khi mới 15 tuổi) và đày ra Côn Đảo với án chung thân. Tuy nhiên, sự nghiệt ngã của “địa ngục trần gian” đó đã không cản được người thanh niên trẻ giàu tình yêu nước, nhiệt huyết với chính nghĩa và ham học hỏi trau dồi những kiến thức đa dạng cần thiết cho tương lai. Ông Nguyễn Kim Cương, một cán bộ cách mạng lão thành, tuổi nhiều hơn đồng chí Nguyễn Văn Linh, bị giặc Pháp đày ra Côn Đảo cũng sớm hơn và gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh tại đó năm 1931, kể lại rằng, “chú Mười” (tên người Nam Bộ gọi thân mật đồng chí Nguyễn Văn Linh) “lúc vào tù văn hóa mới cỡ lớp sáu ngày nay, những bài học ở trường cũ, từ toán, lý, hóa đến văn, sử, địa đều học bằng tiếng Pháp. Chú Mười đọc được báo nhưng chưa đủ vốn từ để đọc các thứ sách. Chú Mười ra sức học tập chăm chỉ, lúc nào cũng có quyển sách hoặc tờ báo cũ cầm tay để nghiền ngẫm. Mặt lúc nào cũng như đăm chiêu, miệng mấp máy ôn bài ôn chữ một mình. Văn hóa cũng học thêm, chữ nào không biết, câu nào chưa thông thì thường hay níu tôi để hỏi. Giải thích cho chú Mười một chữ thì chú Mười hỏi cả bài, bắt buộc tôi phải kể kỹ, nói dài, hóa ra tôi cũng được ôn lại kiến thức của tôi”.
Chính vì chịu khó học hỏi như vậy nên tới năm 1933, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đủ vốn tiếng Pháp để đọc những tác phẩm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx-Lenin. Cũng theo hồi ức của ông Nguyễn Kim Cương, trong số những cuốn sách đầu tiên mà đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tự đọc bằng tiếng Pháp có “ABC chủ nghĩa cộng sản”, “Mười ngày rung chuyển thế giới”, “Chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội khoa học”, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”... Với con đường tự học như vậy, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dần dà tích lũy được cho mình những khối lượng kiến thức đáng vì nể không chỉ về chính trị học mà cả về các lĩnh vực khác của cuộc sống. Đồng chí hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin một cách thấu đáo không chỉ qua sách vở mà còn qua những so sánh, đối chiếu với thực tế và vì thế, niềm tin của đồng chí đối với lý tưởng cộng sản rất vững chắc và tỉnh táo. Ngay từ lúc còn trẻ cho tới khi đã tuổi cao, phải dùng kính lúp để đọc, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn lưu giữ trong mình một tình yêu vô bờ bến với cả sách văn học, đặc biệt là văn học Pháp (đồng chí đọc “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, “Không gia đình” của Hector Malot... đều bằng nguyên bản tiếng Pháp). Khi viết lại những kỷ niệm về cha mình, chị Nguyễn Thị Bình, con gái đồng chí Nguyễn Văn Linh, cho tới hôm nay vẫn còn bồi hồi xúc động khi nhớ lại những lời dặn dò của cha về việc học và việc đọc: “Phải làm sao thấy hứng thú. say sưa trong việc đọc sách, đọc tiểu thuyết, đọc các tác phẩm khác. Người nào không biết thưởng thức cái thú đó là một thiệt thòi lớn đấy”…
Trọng tri thức, khi trở thành người lãnh đạo ở cấp cao, đồng chí Nguyễn Văn Linh càng thể hiện rõ hơn thái độ thấu tình đạt lý trong mối quan hệ với các trí thức. Và luôn luôn biết tìm ra những lời thỏa đáng để giải tỏa những suy tư lắm khi không đơn giản của họ. Giáo sư Lý Chánh Trung (1928-2016) nhớ lại lần đầu được gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh, “trong một buổi họp ít người tại Vũng Tàu vào đầu năm 1977”. Khi ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh mới trở thành Ủy viên Bộ Chính trị. GS Lý Chánh Trung kể: “Câu chuyện xã giao dần chuyển sang chuyện thời sự và chúng tôi đã nói với anh những điều mắt thấy tai nghe mà phần lớn là những điều không vui, những điều lúc ấy còn được gọi chung chung là những “hiện tượng tiêu cực”. Người nói sau cùng, thẳng thắn và sôi nhất nhất, là Châu Tâm Luân, tiến sĩ nông học, tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, phó chủ tịch Hội Trí thức. Anh ngồi trầm ngâm nghe anh em phát biểu và đã trả lời trực tiếp với Châu Tâm Luân như sau: “Trước giải phóng, anh đã đấu tranh rất dũng cảm chống Mỹ Thiệu, đòi hòa bình, độc lập và thống nhất cho dân tộc Việt Nam và chúng đã bỏ tù anh. Lúc ấy chúng tôi trong rừng coi anh là người “Cộng sản ngoài Đảng” (communiste sans parti). Bây giờ ta đã có hòa bình, độc lập, thống nhất, và chế độ này là của anh. Nếu nó có gì sai trái thì chính anh phải đấu tranh chống những sai trái đó, tất nhiên với một tinh thần khác và với những phương thức khác, vì đây là đấu tranh giữa anh em một nhà”.
Anh ngừng giây lát rồi cười cười nói tiếp: “Hễ đấu tranh là có hiểm nguy, dù là giữa anh em một nhà, và phải dũng cảm mới được. Nếu rủi ro anh có bị bỏ tù, thì tôi sẽ xách cơm đi nuôi anh”.
Đúng mười năm sau lúc khởi đầu cuộc Đổi mới sau Đại hội VI, anh đã nói với anh em văn nghệ sĩ sau khi đã ngồi nghe anh em phát biểu hai ngày: “Mình phải chặt chẽ với mình, khi thấy mình đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm… Tôi nghĩ, dù thế nào các đồng chí cũng không nên uốn cong ngòi bút của mình. Cần luôn luôn ghi nhớ câu của Bác Hồ: “Nay ở trong thơ nên có thép”. Có thép, tôi hiểu, đó là có tinh thần cách mạng”…
Và GS Lý Chánh Trung kết luận: “Anh Nguyễn Văn Linh không chỉ quan tâm đến số phận anh em trí thức trong buổi giao thời, mong muốn tạo điều kiện cho anh em sống thoải mái hầu đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho đất nước về mặt chuyên môn, anh còn mong muốn anh em trọn vẹn là người trí thức, những người có suy nghĩ độc lập, có khả năng tìm tòi sự thật và có can đảm bảo vệ sự thật, trong khoa học cũng như trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Anh là người bạn lớn của anh em trí thức vậy”.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm xí nghiệp Công ty Hợp doanh Cao su Phạm Hiệp (thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), cơ sở thí điểm thực hiện Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh (6/2/1987).
Trung thực và nhân hậu
Ai từng có dịp gặp gỡ với đồng chí Nguyễn Văn Linh đều có chung một cảm nhận: Đây là một nhà lãnh đạo có phẩm hạnh đạo đức cao, rất trung thực và nhân hậu. Hay nói theo cách của đồng chí Nguyễn Thọ Chân - nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Trưởng ban Thi đua TƯ - đồng chí Nguyễn Văn Linh “rất chân thành. Anh thực với mình và thực với người”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận xét: “Về phẩm chất đạo đức của anh Mười, chúng tôi đều xem anh là một tấm gương sáng để học tập. Ngay trong quan niệm về hôn nhân của anh, chúng tôi thấy anh là người có nhân cách đáng kính, coi trọng đức hạnh, coi trọng tình nghĩa”…
Bản tính trung thực nên đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc sinh thời rất không thích những ai hay dùng tiểu xảo, mánh khóe để tiến thân, dùng lời lẽ hoa mỹ để che đậy sự không hiệu quả của công việc. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng rất công bằng trong việc đánh giá bản thân và những người khác. Thái độ công bằng đúng mực của những nhà lãnh đạo ở vị trí trọng đại như đồng chí Nguyễn Văn Linh là cực kỳ quan trọng vì liên quan tới nhiều vấn đề lớn của lịch sử. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, một người có thể coi là gần gụi nhiều năm với đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhớ lại: “Một lần tôi nói để anh biết là dư luận cán bộ hoan nghênh anh đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới. Anh lặng lẽ trả lời: “Phải nói người tìm hiểu tình hình và đề xướng đổi mới chính là anh Trường Chinh chứ không phải tôi”.
Đồng chí Nguyễn Thọ Chân nhớ lại về đồng chí Nguyễn Văn Linh:
“Trong nội bộ, anh không thích những kẻ thủ đoạn, dùng mánh khóe. Khi mới về thành phố, anh lẳng lặng để ý quan hệ giữa tôi với một đồng chí và nói riêng: “Cậu ấy thủ đoạn, còn cậu thật thà quá”. Một lần anh Lê Duẩn cũng nói với anh Linh trước mặt tôi: “Thằng Chân thật thà quá!” Năm 1961, khi tôi làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, trong một buổi làm việc với tôi, các anh trong Ban Bí thư Trung ương cũng phê bình tôi quá thật nên không điều khiển nổi cán bộ Hà Nội, rồi chỉ định tôi đi làm Bí thư Khu ủy Hồng Quảng. Đất mỏ là vùng công nhân, con người thật thà. Anh Linh thường kín đáo, dè dặt phát biểu nhận xét về con người. Thân lắm anh mới nói nhận xét của anh về cán bộ nhưng không bao giờ khen chê trước mặt nhân sự. Càng ngày tôi càng nghiệm ra rằng, làm lãnh đạo mà khen chê ra miệng là bất lợi, có khi nguy hiểm cho bản thân vì “lời nói đâm hận nhau suốt đời!” Đúng như người xưa nói “bệnh tong khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất” (bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra).
Hai anh em trao đổi nhận xét về người này người khác. Anh nói: “Sợ nhất là lòng tham cá nhân. Kẻ có tham vọng không bao giờ nghe lẽ phải”. Tôi thưa với anh: “Chức càng cao nếu không tự tu dưỡng thường chủ quan, khó nuốt lời nói thẳng… Có kẻ không bao giờ thỏa mãn về quyền lợi”. Tôi nhắc lại lời anh Phạm Hùng: “Mình làm cách mạng là để đem lại lợi ích cho dân. Có bao nhiêu quyền lợi mình hưởng sạch, còn đâu đến lượt dân!” Anh lặng lẽ gật đầu.
Tôi nói cổ nhân có câu: tri túc bất nhục, tri chỉ bất họa (biết sống theo hoàn cảnh, cho thế là đủ thì không cần cầu cạnh nịnh hót ai. Do đó không nhục mình. Tự kiềm chế mình, biết dừng lại đúng lúc đúng nơi thì không gặp tai họa). Anh bảo cổ nhân đã tổng kết đúng, nhưng nghèo khổ quá cũng dễ tha hóa. Lenin đã nhận xét như vậy. Anh nhớ anh Lê Duẩn thường nhắc lại ý của Engels: Nhu cầu vật chất của con người đến mức nào đó là đủ nhưng nhu cầu tinh thần thì vô cùng. Tôi hiểu ý ấy và nói: đòi hỏi vật chất quá giới hạn dẫn tới sai trái, vô đạo đức, có khi phạm pháp”…
“Tri nhân, tri kỷ, tri túc” là những nguyên tắc mà đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn luôn tâm đắc. Cũng theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Thọ Chân, đồng chí Nguyễn Văn Linh từng nói: “Sợ nhất là lòng tham cá nhân. Kẻ có tham vọng không bao giờ nghe lẽ phải”. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân kể: “Khi Trung ương khóa VI đang chuẩn bị nhân sự cho khóa VII, trong cán bộ có nhiều băn khoăn. Lê Văn Lương rủ tôi sang gặp Nguyễn Văn Linh đề nghị anh tiếp tục ở lại, nhân tiện góp ý với anh về cách làm việc của Tổng Bí thư. Thường anh đề xuất nhiều ý kiến cần làm nhưng do cần thiết trao đổi trước với các đồng chí chủ chốt trong Bộ Chính trị như Bác làm trước đây, nên khi đưa ra bàn, có ý kiến khác là gác lại, không thực hiện được. Trong không khí thân thiết giữa ba chúng tôi, anh thành khẩn nhận khuyết điểm. Còn vấn đề tiếp tục trách nhiệm Tổng Bí thư, anh nói đã 73 tuổi rồi, làm nữa khó tránh sai sót. Anh ngoảnh sang tôi với thái độ nghiêm nghị: “Chả có lần ông nói “tri chỉ bất họa” là gì?”.
Chính Nhân
Báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 06/8/2019