Anthony Robbins
“Điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ.”
- FRANKLIN DELANO ROOSEVELT
Tất cả chúng ta đều muốn được thật sự tự do. Tự do làm những việc chúng ta muốn vào lúc chúng ta muốn và chia sẻ nó với những người chúng ta yêu thương. Tự do sống với đam mê, với sự hào phóng, lòng biết ơn và sự bình an trong tâm hồn. Đó chính là tự do tài chính. Tự do tài chính không phải là một số tiền, mà là một trạng thái tâm trí. Và bất kể đang ở giai đoạn nào trong đời hay hoàn cảnh tài chính hiện tại ra sao, bạn đều có thể đạt được mục tiêu tự do tài chính - đúng vậy, ngay cả giữa lúc khủng hoảng. Trên thực tế, nhiều người đã kiếm được khoản tiền hậu hĩnh trong những thời kỳ “đen tối cùng cực”.
Mỗi người đều có một định nghĩa riêng về tự do tài chính. Đối với bạn, tự do tài chính có thể là dành nhiều thời gian hơn để du lịch, nhiều thời gian hơn cho người thân hoặc nhiều thời gian hơn để cống hiến cho một mục tiêu có ý nghĩa. Có thể bạn khao khát làm việc vì bạn muốn chứ không phải vì hoàn thành trách nhiệm. Dù định nghĩa như thế nào về tự do tài chính, có thể bạn đang tự hỏi: “Liệu tự do tài chính có thật sự khả thi không?”.
Sau khi phỏng vấn hơn năm mươi bộ óc tài chính vĩ đại nhất thế giới, tôi có thể cam đoan với bạn rằng thật sự có một con đường để đạt được tự do tài chính. Nhưng có những nguyên tắc rõ ràng mà bạn phải tuân thủ nếu muốn đạt đến đỉnh cao đó. Có những cạm bẫy và chướng ngại mà bạn phải tránh. Có rất nhiều nhà tư vấn không đáng tin cậy có thể khiến bạn lạc lối bởi những lời khuyên tư lợi. Quyển sách này đề cập đến tất cả những vấn đề đó một cách chi tiết. Trở nên độc lập về tài chính không phải là một việc quá khó, nhưng cũng không có chiếc hộp thần kỳ nào giúp bạn đạt được mục tiêu này trong ngày một ngày hai (mặc dù sẽ có những người nói với bạn như thế). Con người tương lai của bạn không thể tự vươn cao nếu không có một nền tảng vững chắc được tạo thành bởi những móc treo và dây thừng. Nếu cam kết với mục tiêu tự do tài chính, bạn phải tự bảo vệ mình và phải tham gia vào quá trình giải cứu bản thân.
Tùy vào vị trí hiện tại của bạn, tự do tài chính có thể nghe như một giấc mơ viển vông, hoặc bạn có thể đang đi đúng hướng nhưng không cảm thấy tự do. Có thể bạn là một thành viên của thế hệ Thiên niên kỷ1 và đang gánh món nợ học phí nặng nề từ thời sinh viên. Hoặc có thể bạn là một người thuộc thế hệ Bùng nổ dân số2 đang nỗ lực bắt kịp thời đại. Thậm chí bạn có thể giàu có theo các chuẩn mực phổ biến nhất nhưng vẫn loay hoay với nỗi sợ đánh mất tất cả những gì mình đã dày công tạo dựng. Cho dù thế nào đi nữa, quyển sách này sẽ cung cấp cho bạn những công cụ, chiến lược đã được chứng minh hiệu quả và một tâm trí bình yên mà bạn cần không chỉ để đạt được tự do tài chính mà còn để có được cảm giác viên mãn thật sự trong hành trình đó.
1 Còn gọi là thế hệ Y, là những người sinh vào khoảng những năm 1980 cho đến đầu những năm 2000.
2 Thế hệ những người sinh ra vào giai đoạn 1946 đến 1964, trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.
CẦN NHIỀU THẬP NIÊN NỖ LỰC ĐỂ TẠO RA MỘT KỲ TÍCH
Để tôi tiết lộ cho bạn bí mật lớn nhất của tự do tài chính: bạn sẽ không kiếm được đủ tiền để đạt đến trạng thái đó. Đối với đại đa số chúng ta, kể cả những người giỏi kiếm tiền nhất, tiết kiệm đủ để an toàn về mặt tài chính là điều gần như không thể. Có buồn cười không khi càng kiếm được nhiều tiền thì chúng ta dường như lại càng tiêu xài nhiều hơn? Trong hàng ngàn cuộc thảo luận về chủ đề này, hầu hết mọi người đều nói rằng các kế hoạch tự do tài chính của họ có tính đến một “vận may bất ngờ” như bán công ty, trúng số, được tăng lương hoặc thăng chức nhảy vọt, hoặc bất ngờ nhận được một khoản thừa kế kếch xù. Nhưng hãy thành thật thừa nhận rằng hy vọng không phải là một chiến lược. Đơn giản là có quá nhiều biến số nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta khiến những viễn cảnh như vậy không xảy ra theo đúng kỳ vọng. Chúng ta phải khai thác một sức mạnh mà Albert Einstein gọi là kỳ quan thứ tám của thế giới: lãi kép.
Trong quyển sách The Tipping Point (tựa tiếng Việt: Điểm bùng phát), Malcolm Gladwell mô tả điểm bùng phát là “điểm tới hạn, ngưỡng, hay điểm sôi”. Điều này chắc chắn đúng nhất khi nói về sức mạnh của lãi kép. Bạn muốn trở thành triệu phú? Chuyện đó khả thi, đặc biệt là nếu bạn bắt đầu sớm. Biểu đồ 1.1 trang bên có lẽ là một trong những biểu đồ quan trọng nhất bạn từng thấy (tuy nhiên, bạn có thể chuẩn bị tinh thần nhìn thấy nhiều biểu đồ tương tự trong một quyển sách về tài chính như thế này!). Biểu đồ này cho thấy số tiền bạn cần đầu tư mỗi năm để có được khoản tiền một triệu đô-la ở tuổi sáu mươi lăm, với giả định lãi suất trung bình 7%/năm và đầu tư vào một tài khoản được hoãn thuế như 401(k)1 hoặc IRA2. Nếu bắt đầu sớm, số tiền bạn có thể tiết kiệm được khi về hưu sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Ở tuổi hai mươi, bạn chỉ cần tiết kiệm 3.217 đô-la mỗi năm, hay 272 đô-la một tháng. Nhưng nếu đợi đến năm mươi tuổi mới bắt đầu, bạn phải bỏ ra đến 37.191 đô-la mỗi năm, hay 3.099 đô-la một tháng.
1 Kế hoạch tiết kiệm và đầu tư hưu trí được các doanh nghiệp tại Mỹ áp dụng. Tên 401(k) bắt nguồn từ phần 401 đoạn (k) của Bộ luật Thuế Liên bang. Đặc điểm chính của chương trình này là cho phép người làm công ăn lương để dành một phần tiền trong mỗi kỳ lương của mình trước khi đóng thuế vào một quỹ 401(k) chung (có phần đóng góp của công ty). Quỹ này thường được điều hành bởi một công ty tài chính, hoặc công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, hoặc công ty bảo hiểm để quản lý quỹ và đầu tư sinh lợi cho nhân viên. Tất cả tiền lời sinh ra từ quỹ 401(k) không phải chịu thuế cho đến lúc bạn về hưu - khi đó số tiền được rút ra sẽ chịu thuế tùy theo mức thuế của bạn vào thời gian đó, thường là thấp hơn mức hiện tại.
2 Viết tắt của Individual Retirement Account, tạm dịch là Tài khoản hưu trí cá nhân, một kế hoạch tiết kiệm hưu trí tương tự 401(k) nhưng do cá nhân tự thiết lập.
Biểu đồ 1.1
SỐ TIỀN CẦN TIẾT KIỆM MỖI NĂM ĐỂ TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ TRƯỚC 65 TUỔI
Có phải biểu đồ này đơn giản hóa quá mức rồi không? Chắc chắn là vậy. Không có một tài khoản thần kỳ nào có thể mang lại cho bạn tiền lãi 7%/năm từ năm này qua năm khác. Trên thực tế, từ năm 2000 đến cuối năm 2009 (tròn mười năm), chỉ số S&P 5001 cho thấy tiền lãi là 0%; sau này, giai đoạn này được biết tới như “Thập niên Mất mát”. Nhưng các nhà đầu tư khôn ngoan không chỉ sở hữu cổ phiếu của Mỹ. Trong hành trình vươn tới tự do tài chính của mình, tôi có cơ hội trò chuyện với huyền thoại đầu tư Burton Malkiel, tác giả quyển sách nổi tiếng A Random Walk Down Wall Street (tựa tiếng Việt: Bước đi ngẫu nhiên trên Phố Wall). Ông giải thích rằng nếu trong Thập niên Mất mát, bạn đa dạng hóa các cổ phiếu Mỹ, cổ phiếu nước ngoài, cổ phiếu thị trường mới nổi, trái phiếu và bất động sản2 thì bạn sẽ thu về mức lợi nhuận trung bình 6,7% mỗi năm - tất cả trong một thời kỳ có nhiều biến động từ bong bóng công nghệ, vụ khủng bố 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
1 Chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ như NYSE hoặc NASDAQ. Chỉ số S&P 500 được thiết kế để đo lường hiệu quả hoạt động của nền kinh tế nước Mỹ trên diện rộng thông qua sự thay đổi trong tổng giá trị thị trường của 500 cổ phiếu đại diện cho tất cả các ngành công nghiệp lớn.
2 Đa dạng hóa theo tỷ lệ này: 33% thu nhập cố định (VBMFX), 27% chứng khoán Mỹ (VTSMX), 14% chứng khoán nước ngoài phát triển (VDMIX), 14% thị trường mới nổi (VEIEX), 12% ủy thác đầu tư bất động sản (VGSIX); các cổ phiếu này được tái cân bằng hằng năm.
Khi tôi viết những dòng này, chúng ta đang ở giữa đại dịch Covid-19 với nỗi sợ ngày càng gia tăng về một cuộc suy thoái toàn cầu mà không ai biết sẽ kéo dài bao lâu và nghiêm trọng đến mức độ nào. Điều quan trọng cần nhớ là thật ra những “mùa đông” kinh tế này lại là một trong những cơ hội tốt nhất để tăng giá trị tài sản. Nếu bạn có thể kiểm soát nỗi sợ và quản lý tốt cảm xúc của mình, những bước lùi lớn của thị trường có thể mang đến cho bạn một cơ hội đặc biệt hiếm thấy. Tại sao? Tại vì mọi thứ đều được giảm giá! Trong thời kỳ Đại suy thoái, nhà đầu tư xuất chúng Joseph Patrick Kennedy đã gia tăng đáng kể tài sản của mình bằng cách đầu tư mạnh vào những bất động sản được bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá trị trước đó của nó. Năm 1929, tài sản của Kennedy có giá trị ước tính là 4 triệu đô-la (tương đương 59,6 triệu đô-la ngày nay). Nhưng đến năm 1935, tức chỉ sáu năm sau, khối tài sản của ông đã tăng vọt lên 180 triệu đô-la (tương đương 3,36 tỷ đô-la ngày nay)!
Mùa đông kinh tế có nhiều thử thách không? Chắc chắn là có; tuy nhiên, mùa đông không kéo dài mãi! Mùa đông luôn được tiếp nối bởi mùa xuân. Và ngay cả trong mùa đông, không phải ngày nào cũng có tuyết và bão tuyết. Vẫn có những ngày nắng để nhắc nhở chúng ta rằng mùa đông không phải là vô tận. Như bạn sẽ thấy trong quyển sách này, cách bạn chọn để điều hướng các “mùa” đầu tư không ngừng biến động, cả về cảm xúc lẫn tài chính, là rất quan trọng.
Vì vậy, để đạt đến đỉnh cao tự do tài chính (và duy trì vị trí đó), có những câu hỏi mà bạn phải trả lời:
• Những khoản đầu tư nào đang có sẵn dành cho bạn, và trong số đó có những khoản đầu tư nào sẽ phù hợp với mục tiêu tài chính của bạn?
• Bạn sẽ lập một danh mục hỗn hợp bao gồm các khoản đầu tư như thế nào và chúng sẽ được quản lý ra sao trong suốt cả năm?
• Bạn sẽ sử dụng chiến lược nào để tối thiểu hóa các khoản thuế (loại “chi phí” cá nhân lớn nhất trong suốt cuộc đời bạn) một cách hợp pháp?
• Làm thế nào để bạn loại bỏ các khoản phí quá cao hoặc các khoản hoa hồng không cần thiết, qua đó gia tăng đáng kể khoản tiền mà bạn dành dụm được cho tương lai?
• Bạn sẽ điều hướng, thậm chí là tận dụng những đợt điều chỉnh giá và tình trạng sụt giảm bất ngờ của thị trường như thế nào?
• Làm thế nào bạn có thể chọn được nhà tư vấn có trách nhiệm pháp lý phải quản lý tiền của bạn với chuẩn mực cao nhất? (Cảnh báo: đa số các nhà tư vấn đều không đạt yêu cầu này.)
Đây là những vấn đề mà bạn tôi kiêm đồng tác giả Peter Mallouk sẽ giải đáp trong quyển sách có nội dung vô cùng hữu ích này. Peter có gần hai mươi năm kinh nghiệm điều hành Creative Planning (www.creativeplanning.com), một công ty tư vấn đầu tư độc lập có trị giá gần 50 tỷ đô-la chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản toàn diện cho hàng ngàn gia đình trên khắp nước Mỹ. Trong quyển sách này, Peter hào phóng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình với bất kỳ ai muốn biết bí quyết thật sự để đạt được tự do tài chính.
Tuy nhiên, nắm trong tay những công cụ cần thiết để đạt được tự do tài chính và bắt tay vào hành động là hai việc khác nhau. Việc thực hành từng ngày sẽ biến kiến thức của bạn thành các giá trị. Nếu đạt được tự do tài chính không phải là chuyện quá khó khăn, tại sao chúng ta đang sống trong thời kỳ thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân loại mà lại có rất nhiều người không đảm bảo được mức độ an toàn tài chính cơ bản? Một thực tế đáng kinh ngạc là 60% người Mỹ thậm chí không có nổi 1.000 đô-la để dành cho lúc về hưu và chưa tới 40% có thể chi 500 đô-la để xử lý một trường hợp khẩn cấp.
Nước Mỹ là một quốc gia tiêu dùng, nhưng nếu muốn cùng nhau phát triển thịnh vượng, người Mỹ chúng tôi phải thay đổi để trở thành các chủ sở hữu. Nhiều người Mỹ sở hữu iPhone, nhưng tại sao họ không sở hữu Apple? Nhiều người Mỹ mua hàng từ Amazon mỗi ngày, nhưng tại sao họ không sở hữu nhà bán lẻ quyền lực này? Bất kể tình trạng kinh tế xã hội của chúng ta ra sao, không có gì ngăn cản chúng ta hưởng lợi từ sức mạnh của nền kinh tế tự do. Chỉ với một vài đô-la, bất cứ ai cũng có thể sở hữu một phần của các công ty hàng đầu nước Mỹ và trở thành chủ sở hữu của nền kinh tế được cho là thịnh vượng và sinh lợi cao nhất trong lịch sử thế giới này.
VƯƠN XA
Mối quan hệ giữa chúng ta với tiền chắc chắn là một mối quan hệ cảm xúc. Các chiến lược và thông tin mà tất cả chúng ta cần để đạt được tự do tài chính đều đang có sẵn, vậy tại sao lại có quá nhiều người vẫn đi lang thang không mục đích với áp lực tài chính đè nặng trên vai hoặc thậm chí không biết có tồn tại một con đường dẫn đến tự do tài chính? Và tại sao rất nhiều người thành công về mặt tài chính nhưng lại hoàn toàn không cảm thấy thỏa mãn và bị “phá sản” về mặt cảm xúc?
Lý do nằm ở hai từ tồi tệ nhất mà con người có thể tưởng tượng ra…
NỖI SỢ
Nỗi sợ chính là sức mạnh vô hình ngăn cản chúng ta tạo ra cuộc sống mà chúng ta thật sự xứng đáng có được. Đó là trở ngại lớn nhất trên hành trình tự do tài chính, và nếu không được kiểm soát, nó sẽ khiến chúng ta đưa ra những quyết định đầu tư vô cùng tồi tệ.
Như bạn sẽ thấy trong những trang sau, bộ não của chúng ta được “điều hướng” để tập trung vào mặt tiêu cực - những gì có thể gây hại hoặc đe dọa cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường muốn có sự chắc chắn hơn mọi thứ khác. Nhưng hãy đoán mà xem? Trở thành một nhà đầu tư giỏi nghĩa là phải chấp nhận sự không chắc chắn! Tất nhiên, để được tự do tài chính thì bạn cần có chiến lược đúng đắn, nhưng nếu bạn không làm chủ được tâm trí, chiến lược của bạn có thể thất bại do sự can thiệp sai lầm từ chính bạn (ví dụ như bán ra vào những lúc thị trường không ổn định và giữ tiền dưới gối trong lúc thị trường đang thuận lợi).
THƯỜNG XUYÊN LUYỆN TẬP
Vào năm 2014, tôi viết quyển Money: Master The Game (tựa tiếng Việt: Tiền làm chủ cuộc chơi), một tác phẩm tổng hợp tất cả những bài học tôi đúc kết từ nhiều năm phỏng vấn các bậc thầy kiếm tiền thực thụ như Carl Icahn, Ray Dalio và Jack Bogle. Cũng trong khoảng thời gian đó, Peter đã viết quyển The 5 Mistakes Every Investor Makes & How to Avoid Them (tựa tiếng Việt: 5 sai lầm thường gặp trong đầu tư). Hai năm sau, tôi và Peter cùng viết quyển Unshakeable: Your Guide to Financial Freedom để giúp mọi người thật sự hiểu cách thị trường hoạt động và xóa bỏ nỗi sợ xoay quanh sự điều chỉnh giá và suy giảm đột ngột của thị trường. Bây giờ, chúng ta đang đứng giữa “chặng dừng lớn” nơi cả thế giới đều đang dừng lại, và chắc chắn sẽ có kẻ thắng người thua khi chúng ta trở lại với cuộc sống bình thường.
So với những quyển sách trước, trong The Path, Peter đi sâu hơn vào các nguyên tắc cơ bản của quá trình xây dựng kế hoạch và giành chiến thắng chung cuộc. Quyển sách này tập trung vào việc giúp độc giả nắm vững chiến lược đầu tư chứ không chỉ nói về các khái niệm. Nhưng tôi cũng đưa vào hai chương nói về làm chủ bản thân. Trong Chương 3, chúng ta tìm hiểu về “6 nhu cầu của con người” mà ai trong chúng ta cũng có và cách những nhu cầu này ảnh hưởng đến con đường của bạn trong đời sống, kinh doanh và tiền bạc. Những hiểu biết sâu sắc được tiết lộ trong quyển sách này sẽ làm thay đổi chất lượng cuộc sống của bạn. Trong Chương 12, chúng tôi lý giải tại sao những người có nguồn lực tài chính dồi dào vẫn thường không hạnh phúc, đồng thời chỉ ra cách để bạn có được cảm giác sung túc ngay hôm nay. Mỗi chúng ta đều có khuynh hướng sống trong những trạng thái đau khổ như sợ hãi, tức giận, thất vọng… nếu chúng ta bị thao túng bởi một tâm trí không được định hướng. Chúng ta phải học cách “giải cứu” những suy nghĩ của mình khỏi tâm trí ngục tù này. Khi đó, bạn có thể trải nghiệm sự sung túc đích thực: một cuộc sống tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, sự hào phóng, sự sôi nổi và một tâm trí thanh thản.
Nếu bạn đã đọc những quyển sách trước của tôi, một số nội dung của hai chương này có thể khá quen thuộc với bạn; tuy nhiên, các nguyên tắc được đề cập trong đó đáng được nhắc lại. Tôi đã học được từ các nhà tư vấn của mình rằng muốn có kỹ năng thì phải thường xuyên luyện tập. Bạn không thể trở thành một ngôi sao bóng rổ như Lebron James hay Stephen Curry chỉ bằng cách ném một vài đường chuyền trong lúc luyện tập. Mặc dù có thể thực hiện một cú ném bóng tự do thật hoàn hảo nhưng họ vẫn phải luyện tập hàng ngàn lượt ném mỗi tuần để thao tác đó khắc sâu vào não bộ và họ có thể thực hiện nó dưới áp lực cao. Đó chính là cách làm chủ kỹ năng! Vì vậy, khi đọc, bạn hãy chú ý đến tầm quan trọng của các nguyên tắc này đối với cuộc sống và các mối quan hệ hiện tại của bạn. Khi chúng ta xem lại một bộ phim hoặc nghe lại một bài hát mà chúng ta từng thưởng thức trước đây, cuộc sống hiện tại của chúng ta đã chuyển sang một giai đoạn khác và chúng ta có thể cảm nhận được một số điều mới mẻ từ bộ phim hoặc bài hát đó. Chuyện tương tự cũng xảy ra với những gì bạn đọc được trong quyển sách này.
THAY ĐỔI CÁCH NHÌN
Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà nỗi sợ bị phóng đại và bị khai thác bởi các phương tiện truyền thông lẫn mạng xã hội. Trong bối cảnh đó, đại dịch xảy ra càng khiến nỗi sợ tăng cao đến một mức độ cực kỳ tai hại. Các làn sóng thông tin ập đến mỗi ngày khiến chúng ta phải chú ý, từ đó mà có thuật ngữ “mồi nhử nhấp chuột”1. Những tin tốt luôn phải nhường chỗ cho các tin tức tồi tệ mới nhất về những thảm kịch, những mối đe dọa hoặc bầy ong bắp cày giết người đang kéo đến một thị trấn nào đó gần nơi bạn ở. Phần sợ hãi trong bộ não chúng ta liên tục bị kích động và mức độ lo lắng của chúng ta lên cao đến mức kỷ lục.
1 Từ gốc: clickbait, thuật ngữ chỉ một phương pháp tăng lượng truy cập website bằng cách cho người dùng xem một tiêu đề hoặc nội dung hấp dẫn, có ý hứa hẹn quá mức hoặc sai sự thật nhằm lôi kéo người dùng nhấp vào đường link dẫn tới website đó.
Nhưng hãy đối mặt với sự thật. Nếu không học cách kiểm soát nỗi sợ và làm chủ tâm trí, chúng ta sẽ không bao giờ thật sự thực hiện được những nguyên tắc tuyệt vời trong quyển sách này. Hãy nhớ can đảm không có nghĩa là không sợ hãi, mà là vẫn kiên định hành động và tiến bước dù nỗi sợ bủa vây. Một số người có thể đọc quyển sách này và thu được một số thông tin tuyệt vời nhưng lại không áp dụng chúng để đạt các mục tiêu mà họ và gia đình xứng đáng có được. Nhưng tôi biết bạn không phải như thế. Nếu bạn đã mua quyển sách này và vẫn đang đọc nó, tôi biết bạn là một trong số ít những người “hành động”, chứ không phải là số đông những người chỉ nói suông.
Bước đầu tiên để giành lại tâm trí mình từ tên bạo chúa mang tên nỗi sợ chính là hiệu chỉnh cách nhìn nhận của chúng ta. Tôi rất vui khi bạn có thể đào sâu vấn đề này trong chương tiếp theo, được viết bởi Peter Mallouk. Bạn sẽ thật sự biết ơn những giai đoạn đáng kinh ngạc mà chúng ta đang trải qua cùng với một tương lai xán lạn không thể tưởng tượng được mà chúng ta sẽ có NẾU bạn có thể trang bị cho mình tri thức đúng đắn và biết cách khuất phục nỗi sợ.
Và hành trình của chúng ta bắt đầu từ đây!