Phần biên niên tự thuật ở trên do chính Hòa thượng Hư Vân thuật lại cho các đệ tử ghi chép. Phần này chỉ kể từ lúc ngài sinh ra (1840) cho đến khi ngài được một trăm mười hai tuổi (1952) thì thôi. Phần sau đây do các thị giả của ngài ghi chép lại (từ năm 1952 đến năm 1959) rồi chuyển qua cho tôi biên soạn, hiệu đính. Sau khi duyệt xét các tài liệu này, cùng tham khảo với những đệ tử khác của ngài, tôi mới biết rõ sự việc tường tận hơn, và càng thấy công đức của ngài thật vô lượng nên xin ghi lại những chi tiết này để cho người sau biết rõ.
Năm Dân Quốc thứ ba mươi tám (1949 – 1950). Khi Hòa thượng Hư Vân đến giảng dạy Phật pháp tại Hồng Kông thì đảng do Mao Trạch Đông lãnh đạo cũng vừa chiếm trọn toàn cõi Hoa Lục. Tình hình Trung Hoa lúc đó thật là rối loạn, hàng triệu người bỏ nhà, bỏ cửa chạy qua tỵ nạn tại Đài Loan. Kẻ ở, người đi, khổ đau thật không kể sao cho hết. Lúc đó, tôi đã thưa cùng Hòa thượng: “Bạch thầy! Thế giới hiện nay thay đổi quá mau chóng. Con phải đi đâu để giữ gìn sự tu tập của mình?”. Hòa thượng Hư Vân đáp: “Người học đạo, chỗ ở là khắp mọi nơi. Nếu con biết xả bỏ hết tất cả, thì chỗ ở lại chính là đạo tràng tu tập. Con hãy an tâm”. Tôi hỏi: “Bạch thầy! Hiện nay các chùa chiền trong đất liền đều bị ảnh hưởng vì thời cuộc biến chuyển. Không ai biết tương lai Phật giáo sẽ đổi thay thế nào? Theo con nghĩ, thầy nên ở lại đây để thuyết pháp, làm lợi ích cho chúng sanh, đừng trở về đất liền nữa?”. Hòa thượng đáp: “Ở đây còn có các vị tăng khác, có thể thuyết pháp độ sinh được. Thầy còn trọng trách phải chăm lo các chùa chiền, giáo hội trong đất liền. Đó là lời nguyện của thầy. Đối với thầy, tâm vượt ngoài chỗ đến đi, nhưng trong đất liền, tất cả chùa chiền tự viện hiện giờ đang nằm trong tình trạng hỗn loạn, chưa biết thế nào. Nếu thầy ở lại đây thì ai sẽ lo lắng cho hàng chục ngàn tăng ni đang gặp nạn tại đất liền? Làm sao tâm thầy có thể an được? Vì thế, thầy phải trở về”.