Năm Dân Quốc thứ bốn mươi tám (1960), Hòa thượng Hư Vân thọ một trăm hai mươi tuổi, đồng với tuổi thọ của Tổ Triệu Châu thuở xưa. Do đó, chư đệ tử trong và ngoài nước, các đoàn thể dự định sẽ lần lượt tổ chức lễ chúc thọ cho ngài. Sau khi nhận được điện tín của họ, ngài liền viết thư trả lời, đại ý là không muốn họ làm lễ chúc thọ cho ngài. Nội dung như sau:
“Việc sống chết, ta chưa biết ra sao. Ngày sinh nhật vẫn còn xa lắm. Nay biết được hậu ý của lão cư sĩ họ Ngô định làm lễ chúc thọ cho ta, ta đã viết thư cảm ơn ông có lòng thương tưởng nghĩ đến. Trộm nghĩ, nghiệp xưa đốc thúc, chìm nổi như sóng ba đào, một làn gió nhẹ thổi đến, thân này tan thành bụi, chưa liễu ngộ được gì. Niệm niệm thẹn thùng xấu hổ vì hư danh. Trăm năm khổ nhọc nếm bụi trần trong cơn mộng huyễn, thì cớ gì phải lưu luyến! Lại nữa, có sinh tức phải có tử. Người trí sớm tỉnh ngộ, nhất tâm tu hành, tinh tiến trên đường đạo, như cứu lửa cháy trên đầu, thì có thời giờ đâu mà bày biện như người thế tục! Hư Vân ta cảm ơn chư vị đến tận đáy lòng vì đã có tâm đoái hoài đến, nhưng thành tâm hối tiếc là không thể thọ nhận lễ chúc thọ được. Lại biết cuộc sống hiện tại ngày một khó khăn, ai ai cũng chật vật lo miếng cơm manh áo, không rảnh rỗi, nên không thể làm lễ chúc thọ cho mình, hay làm rộn người đến chúc thọ, chuyển tặng quà cáp, lễ vật. Thật là việc tổn phước vô ích, chỉ tăng thêm tội trạng!”
Tháng Ba, thấy việc sửa chữa hồ Minh Nguyệt và công trình xây tháp Hải Hội kéo dài nửa năm mà vẫn chưa xong, dầu bệnh hoạn sức yếu, ngài vẫn cố ra ngoài thúc đẩy công việc, nên chỉ vài tháng sau thì hoàn thành. Khi trước, sau khi đã thọ giới quy y, bà Chiêm Lệ Ngô, một thương gia ở Bắc Mỹ, cùng chồng là Uông Chân Thâm, phát tâm cúng dường tiền để xây cất điện đường. Các điện đường lớn nhỏ trong chùa lần lượt được xây xong. Bà Chiêm có ý cúng dường thêm tiền để xây tháp thờ xá lợi của Phật. Bên cạnh tháp, bà định xây thiền viện Lưu Vân, ý muốn cầu chúc Hòa thượng Hư Vân sống trụ lại thế gian lâu dài. Ngài bảo bà Chiêm rằng chùa Nam Hoa đã có tháp Hải Hội, còn chùa Vân Cư thì chưa, sao không dùng công sức để kiến lập tháp Hải Hội ở Vân Cư? Lại thêm trên núi Vân Cư, xá lợi của chư Tổ sư bao đời, nay đang để khắp nơi, muốn bảo tồn thật là việc khó. Nếu xây tháp Hải Hội thì các xá lợi kia sẽ có chỗ được thờ phụng an lành, sẽ dễ dàng cho bốn chúng và những người đến Vân Cư tu hành sau này. Về việc xây thiền viện Lưu Vân, ý thật cảm kích, nhưng cả đời ngài chưa từng dùng một miếng ngói, cây đèn của chùa để cho việc riêng tư. Vì thế, ngài nhã nhặn từ chối. Bà Chiêm lại viết thư cho ngài, thưa rằng bên cạnh việc cúng dường mười ngàn đồng cho chùa, bà cũng sẽ cúng thêm năm mươi ngàn đồng để ngài lo vào việc xây cất tháp Hải Hội. Ngài bèn chấp nhận, nên bắt tay ngay vào công trình kiến tạo tháp, mô hình giống như kiểu ở chùa Nam Hoa. Cạnh tháp, cũng xây thêm vài phòng đọc kinh sách, để chư tăng cư trú, và sáu thời lễ bái, đọc tụng kinh kệ. Đến tháng Bảy trong năm thì hoàn thành. Đây là nhân duyên cuối cùng của ngài trong việc kiến lập chùa chiền tháp viện lớn nhỏ trải qua bao thập niên. Đến tháng Bảy, cư sĩ Uông Chân Thâm ở Bắc Mỹ cùng Tăng Khoan Bích ở Hồng Kông cúng dường tịnh tài, cầu ngài đắp tôn tượng Bồ Tát Địa Tạng để chúc mừng ngài thọ được một trăm hai mươi tuổi. Ngài liền bảo chúng tăng khởi công đắp tượng Bồ Tát Địa Tạng, trong hai tháng thì hoàn tất. Cộng với việc xây lầu chuông trống và tháp Hải Hội, đây là nhân duyên đắp tượng cuối cùng của ngài.
Trong tháng Ba, bệnh của ngài ngày một trầm trọng. Mới đầu, ngài cố gắng đích thân lo liệu, trông coi hết tất cả công trình đang xây dựng dang dở trong chùa. Dần dần, ngài bị đau vì đường tiêu hóa không thông, nên phải ngưng ăn cơm và các thức ăn cứng khác. Sáng trưa, ngài chỉ ăn một bát cháo. Chính quyền ở tỉnh phủ, theo lệnh từ trung ương, gửi bác sĩ đến chữa trị cho ngài nhưng ngài từ chối và bảo rằng duyên đời đã sắp hết. Ngài bảo chư đệ tử khắp nơi rằng việc xây chùa Chân Như đã hoàn tất, nên từ đây về sau, xin đừng gửi tịnh tài cúng dường ngài nữa. Ngài cũng ân cần nhắc nhở tất cả chư đệ tử phải nỗ lực tu trì, tự giữ gìn huệ mạng Phật pháp. Qua tháng Tư, ngài gọi thợ nhiếp ảnh đến chụp toàn bộ cảnh chùa chiền như đại điện, tượng Phật, lầu chứa kinh tạng, Pháp đường, tháp Hòa thượng Hối Sơn, Giới Hiển, hồ Minh Nguyệt, ải Triệu Châu, cầu Hồng Phong, tháp Hải Hội, am Vân Cư, và am thất của ngài. Cả thảy hơn ba mươi chỗ. Ngài cũng chụp ảnh riêng để gửi tặng cho chư thân hữu thiện tín.
Bệnh của ngài ngày một tăng thêm. Ngày nọ, hòa thượng trụ trì cùng ba vị tri sự đến thăm bệnh. Ngài bảo họ: “Chúng ta có duyên lành, đồng trú một nơi. Nhờ chư vị phát đại tâm, trong vài năm qua, phục hưng đạo tràng Vân Cư, khổ nhọc vô vàn, thật rất đáng mến. Nay, khổ vì duyên trần sắp hết, không thể nối tiếp chư Tổ sư phụng sự đạo tràng, nên phải làm lụy đến chư vị. Khi ta mất, hãy quấn y màu vàng toàn thân, rồi ngày hôm sau nhập quan, để nơi phía tây trong am tranh này, rồi bỏ vào lò thiêu. Đốt xong, lấy tro của ta tán nhuyễn thành bột, hòa cùng đường, muối, dầu, nắn thành chín cục, rồi quăng xuống sông, để kết duyên với loài thủy tộc. Đây là ước nguyện của ta, cảm ơn chư vị vô cùng…”.
Sau đó, ngài nói kệ:
“Đỉa cấp mạng cho tôm mà không nhảy xuống nước,
Ta an ủi nước, phóng thân xuống sông
Nguyện cho ai thọ sự cúng dường
Đồng đăng bồ đề, độ chúng sanh.”
Rồi ngài lại nói thêm kệ:
“Thỉnh các pháp lữ,
Thâm ân tràn đầy
Hoặc nghiệp sanh tử
Như tằm tự quấn
Niệm tham không ngừng
Phiền não thêm khổ
Muốn trừ hoạn này
Bố thí trên hết
Tịnh xem ba học
Kiên trì bốn niệm
Thoạt nhiên hiểu được
Liền biết sương điện
Ngộ chứng chân không
Muôn pháp một thể
Không sinh có sinh
Là sóng là nước.”
Và thêm bài kệ thứ ba:
“Hỡi ôi, lão già bệnh
Chưa báo ân đầy đủ
Trí cạn nghiệp thức dầy
Thẹn chưa xong sự nghiệp
Vụng về trú Vân Cư
Kẻ tụng kinh chấp kệ
Xấu hổ gặp Thế Tôn
Hội Linh Sơn chưa tan
Này hỡi chư hộ pháp
Thần Vi Đà tái thế
Trấn Tỳ Na chân phong
Thấy rõ thể mình người
Ngưỡng xem đấng Túc Tôn
Đá trụ trong dòng nước
Trẻ tuổi ỷ lời hay
Mạt pháp chúng sanh khổ
Có người làm hướng đạo
Tủi thân lụy hư danh
Hãy nhận rõ bến mê
Luôn hâm mộ Phật quốc
Hương quang cùng nhịp bước
Đây lưu bài kệ cuối
Tỏ rõ tận thâm tâm.”
Tháng Tám, ngày sinh nhật của ngài kề cận. Chư vị trưởng lão trong và ngoài nước cùng chư đệ tử thiện tín, vào núi chúc thọ, thăm bệnh ngài. Khi ấy, sức khỏe và tinh thần ngài có phấn chấn đôi chút. Đệ tử Khoan Huệ từ Hồng Kông qua, cùng vài người, hầu chuyện với ngài rất lâu. Qua tháng Mười, bệnh tình ngày một nguy kịch, ngài bảo tăng chúng sửa sang lại tháp Hải Hội vừa mới xây cất. Đầu tiên đặt tượng Phật trong tháp để thờ cúng. Kế đến, tẩy tịnh phòng xá chư tăng. Chọn ra vài vị thay phiên sớm tối tụng kinh niệm Phật. Ngày mười, ngài nhận được điện tín từ Bắc Kinh báo cho hay là đệ tử thân tín, Lý Tể Thâm, đã tạ thế. Ngài than: “Lý Tể Thâm! Sao con đi sớm vậy. Thầy chắc cũng phải đi thôi!”. Thị giả nghe rõ, rất kinh hãi.
Vài ngày sau, ngài bắt đầu thở hổn hển khó nhọc, hầu như trong trạng thái hôn mê. Thị giả luôn túc trực kề cạnh. Mỗi lần mở mắt ra, ngài bảo thị giả hãy ra ngoài. Ngài nói: “Thầy tự lo liệu được rồi”. Trưa ngày mười hai, ngài bảo thị giả đem tượng Phật để trên quan tài, trong phòng bên cạnh. Thị giả biết có điều gì kỳ lạ, liền vội báo tin cho hòa thượng phương trượng cùng ba vị tăng tri sự. Tối đến, tất cả cùng vào vấn an, thỉnh ngài vì pháp mà sống lâu dài. Ngài nói: “Sự việc xảy đến như thế này rồi. Chớ nên buồn khổ như người thế tục! Xin hãy cho người lên đại điện niệm Phật”. Đại chúng thỉnh ngài khai thị, dạy lời cuối cùng, và ban di chúc. Ngài đáp: “Vài ngày trước, ta đã nói rõ cho đại chúng nghe những gì nên làm sau khi ta mất. Nay, không cần nhắc lại, chỉ dư thừa thôi. Lại hỏi lời cuối cùng, ta xin nhắc nhở chư vị lần cuối:
‘Trong thời thế hiện tại, các con cần tu giới - định - huệ. Tiêu diệt tham sân si’”.
Ngài lại nói thêm kệ:
“Chánh tâm chánh niệm
Tịnh dưỡng, xuất sinh tinh thần đại vô úy
Độ nhân độ thế! Chư vị đã mệt nhọc.
Hãy trở về phòng nghỉ ngơi.”
Đại chúng bèn cáo từ đi ra, lúc đó, đêm đã khuya. Địa thế Vân Cư rất cao, mùa thu gió thổi lạnh buốt, chỉ nghe tiếng lá rơi xào xạc. Trong thất của ngài chỉ có một ngọn đèn nhỏ như hạt đậu, quanh cửa sổ, sương đọng như hạt châu. Trong am tranh chỉ có một lão tăng đang nằm yên tĩnh dưỡng. Đó đây nghe có tiếng chuông mõ hòa cùng lời kinh, tương tục vang lên, như để tiễn ngài đi vậy!
Ngày mười ba, hai vị thị giả vào thất, thấy ngài đang ngồi tọa thiền như thường lệ. Họ không dám khinh động nên bước ra ngoài thất mà hầu. Đến mười hai giờ trưa, họ thấy ngài tự mình bước xuống giường, lấy nước uống, rồi quỳ xuống đất như đang lễ Phật. Thị giả sợ ngài sẽ té quỵ vì mang bệnh đã lâu, nên chạy vào. Ngài bèn bảo thị giả: “Thầy vừa mơ thấy một con trâu đã đạp gãy cầu Phật Ấn, lại thấy dòng suối ngưng chảy!”, rồi ngài nhắm mắt lại không nói nữa. Một lúc sau, ngài mở mắt ra nói tiếp: “Các con theo hầu thầy đã nhiều năm, khổ nhọc thật đáng thương. Những việc xưa không cần phải nhắc lại, nhưng mười năm gần đây, hằng ngày thầy phải chịu biết bao phong ba bão táp, hàm oan khổ lụy, cùng những lời hủy báng mắng nhiếc, nhưng thầy đều cam tâm nhẫn nhịn, chỉ vì muốn bảo tồn đạo tràng Phật Tổ trong nước, vì mạch pháp mà giữ gìn Tổ Đức Thanh Quy, vì Tam Bảo mà giữ chặt chiếc đại y. Các con có biết không, thầy đã thí mạng để tranh lại và bảo tồn chiếc đại y này. Các con đều là đệ tử riêng của thầy, phải nên biết rõ những sự việc đã xảy ra. Sau này, nếu có lên núi cất am tu đạo, hay ra nước ngoài, các con phải hết sức kiên trì bảo vệ chiếc đại y này. Nhưng làm thế nào để giữ gìn chiếc đại y này được mãi mãi? Các con phải nên nhớ rõ một chữ là ‘Giới’”. Nói xong, ngài nghiêm chỉnh chắp tay niệm Phật. Chư thị giả đều rơi lệ, lui ra ngoài cửa đứng hầu. Đến một giờ bốn mươi lăm phút, họ bước vào xem thì thấy ngài nằm thế kiết già mà thị tịch, nên họ vội báo cho hòa thượng trụ trì cùng đại chúng. Tất cả tăng chúng đều tề tựu nơi chánh điện, ngày đêm thay phiên nhau tụng kinh niệm Phật để cầu siêu cho ngài.
Ngày mười tám làm lễ nhập quan. Ngày mười chín làm lễ trà tỳ. Khi ấy, đại chúng đều nghe mùi hương lạ bay khắp núi. Hỏa táng xong, một làn khói trắng bay thẳng lên trời. Trong tro cốt, thâu lượm được hơn một trăm hột xá lợi tinh khiết sạch trong, màu năm sắc, lớn nhỏ không đồng. Ngày hai mươi mốt, đại chúng thỉnh tro cốt của ngài nhập vào tháp Hải Hội ở núi Vân Cư.
Đại lão Thiền sư Hư Vân, tuổi đời được một trăm hai mươi tuổi. Tuổi hạ1 được một trăm lẻ một tuổi.
1 Tuổi hạ, hay hạ lạp, là một cách thức tính thời gian công đức tu hành của một tu sĩ Phật giáo.