Dương Văn Dương (Ba Dương) quê gốc ở làng Long Phước, tổng An Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Cha mất sớm. Mẹ tái giá. Từ lúc còn niên thiếu, Ba Dương đã theo mẹ sang sống ở làng Tân Quy, tổng Tân Phong Hạ, quận Nhà Bè, cũng thuộc tỉnh Gia Định...
Dương Văn Dương năm 1945. Ảnh: Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.
Dương Văn Dương (Ba Dương) quê gốc ở làng Long Phước, tổng An Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Cha mất sớm. Mẹ tái giá. Từ lúc còn niên thiếu, Ba Dương đã theo mẹ sang sống ở làng Tân Quy, tổng Tân Phong Hạ, quận Nhà Bè, cũng thuộc tỉnh Gia Định. Đây là mảnh đất “dữ”, tụ tập nhiều số phận cùng cực tứ chiếng, quen sống tự do phóng túng, ghét cường quyền bất công. Thực dân Pháp và bọn hào lý địa phương gọi họ là “dân anh chị”, “giới giang hồ”…
Khi chiến tranh Thế giới lần thứ hai nổ ra, Ba Dương vẫn là người nông dân chân lấm tay bùn, cần cù lao động trên mấy công ruộng của gia đình. Ngoài ra, anh còn có nghề nuôi vịt đồng, chính cái nghề này dẫn anh đến nhiều chỗ rẽ của cuộc đời. Anh nuôi một bầy vịt mấy nghìn con, lùa qua các cánh đồng lúa chín vừa gặt xong để chúng tự mò lúa rơi vãi. Anh lùa vịt đi nhiều nơi, từ Nhà Bè, Cần Giờ qua Cần Giuộc, Cần Đước, rồi Vàm Láng… Đi đến đâu, hễ nghe nói có người giỏi võ là anh đến xin thụ giáo, xin thầy truyền cho một vài miếng võ độc. Võ là niềm say mê đồng thời là năng khiếu bẩm sinh của anh, đúng như lời thiên hạ đồn đại: “Ba Dương mới sanh ra đã mang dòng máu võ hiệp”. Tiếng tăm nổi lên như cồn, Ba Dương tạm gác việc nhà nông để mở lò dạy võ theo yêu cầu của thanh niên trong vùng Nhà Bè. Thầy giỏi và có uy tín, môn đệ rủ nhau xin theo thầy, đông nhất là những người quen được gọi “dân anh chị”. Ba Dương mặc nhiên trở thành thủ lĩnh của họ.
Cuối tháng 11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ dù thất bại, vẫn là sự kiện chính trị to lớn của đất nước, có ảnh hưởng lớn đến Ba Dương. Trong năm 1941, hai lần anh bị thực dân Pháp bắt, đưa vào phòng biệt giam và tra tấn dã man. Anh có tích trữ vũ khí và tiếp xúc với người của Đảng cộng sản làng Tân Thuận, nhưng trong tù kiên quyết không nhận lời buộc tội của bọn cầm quyền. Cuối cùng chúng phải trả tự do cho anh.
Ra tù, anh bàn với môn đệ và bạn bè mua sắm, truy tầm súng đạn để sử dụng khi hữu sự. Anh tìm đến các đảng viên Cộng sản từng quen biết như Ba Của, Hai Lân, Tư Huệ. Đây là thời kỳ anh nhận được sự giáo dục, giác ngộ trực tiếp của Đảng. Nhận thức chính trị và sự hiểu biết về thời cuộc được nâng lên rõ rệt.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, Dương Văn Dương càng xúc tiến mạnh việc truy tầm súng đạn. Người của anh không chỉ gạ gẫm lính để mua hoặc đổi chác mà còn chặn bắt tước súng của chúng, cũng như đột nhập nhà bọn hào lý buộc chúng nộp súng để được tha mạng. Tính đến tháng 7-1945, nhóm vũ trang của anh đã có 70 người với hơn 50 súng trường, một trọng liên 13,2mm và một đại bác hai nòng 24mm. Ban sưu tầm vũ khí mò dưới sông vớt được vô số súng đạn quân Pháp đổ xuống trước đó, lại gỡ được một số máy móc, thiết bị có giá trị trong mấy chiếc tàu bị chìm. Còn tại binh công xưởng có nhiều thợ cơ khí lành nghề hăng hái làm việc dưới sự hướng dẫn của mấy kỹ sư trẻ. Cũng cần nói thêm có sự phối hợp của nhóm Ba Dương với Thanh niên Tiền phong Nhà Bè, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Trong vòng ba tháng (từ tháng 5 đến 8-1945), hàng trăm tên chỉ điểm, mật thám, cảnh sát bị thủ tiêu, bị khống chế, nhiều tên phải chui lủi đi nơi khác, chính quyền tay sai ở hầu hết các làng đã bị vô hiệu hóa.
Bí thư chi bộ quận Nhà Bè Lê Văn Của (Ba Của) truyền đạt cho Dương Văn Dương toàn bộ kế hoạch Tổng khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ và Tỉnh ủy Gia Định, đề nghị Ba Dương đặt toàn bộ lực lượng hiện có vào tư thế sẵn sàng hành động. Ba Dương cảm động nói: “Từ bao năm trời nay tụi ngoại bang đè đầu cưỡi cổ áp bức dân mình, nay là cơ hội ngàn vàng để mình hạ diệt chúng. Chúng tôi nguyện theo Đảng tới cùng”.
Đêm 24 rạng 25-8-1945, Sài Gòn tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Trưa 2-9-1945, hơn hai triệu đồng bào miền Đông tập trung về Sài Gòn đón nghe Cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Nhóm Ba Dương đã có phần đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung.
Thanh thế của Ba Dương lan tỏa khắp gần xa. Bởi vậy ngay sau khi Xứ ủy và Lâm ủy hành chánh Nam bộ chủ trương thống nhất các băng nhóm tự do (dân anh chị), nhiệm vụ này được giao cho Ba Dương. Ngoài nhóm của anh, còn tám nhóm khác ít nhiều đều đã có tham gia hưởng ứng Tổng khởi nghĩa, nhanh chóng nghe theo lời thuyết phục của anh. Tất cả hợp thành một lực lượng đông đảo nhưng thống nhất với danh xưng Bộ đội Bình Xuyên, bầu Ba Dương làm chỉ huy trưởng. Ở thời điểm này, tháng 10-1945, quân số của Bộ đội Bình Xuyên gồm 2.000 người, biên chế làm 24 trung đội chiến đấu, trang bị 1.000 súng các loại, trong đó có 2 đại bác 24mm, 7 trọng liên 13,2mm, 15 trung liên.
Thực dân Pháp, được quân Anh tiếp sức, trở lại gây hấn, đánh chiếm hàng loạt địa điểm quan trọng trong thành phố. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ quyết định thành lập Mặt trận nội đô và bốn Mặt trận bao vây quanh thành phố. Bộ đội Bình Xuyên và một số bộ đội khác đảm trách Mặt trận số 4 ở phía nam thành phố. Lúc đầu Bảy Trân (Nguyễn Văn Trân), cán bộ kỳ cựu của Đảng là chỉ huy. Nhưng ngay sau đó Bảy Trân chuyển về làm Bí thư huyện ủy Cần Giuộc là địa bàn vừa rơi vào tay địch, trên chỉ định Ba Dương thay thế. Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai anh: chỉ huy trên 3.000 cán bộ, chiến sĩ của 11 bộ đội (cấp trên của đại đội), chặn địch và bao vây chúng trên một chính diện dài 12 ki-lô-mét, mà người chỉ huy chưa từng qua một lớp học quân sự nào cả. Tất cả cán bộ, chiến sĩ cũng như người chỉ huy Mặt trận chỉ có tấm lòng yêu nước nồng nàn, từ đó biến thành quyết tâm và mưu kế đánh địch. Trên cương vị mới này, phẩm chất và năng lực của Ba Dương được thể hiện rõ. Trong tháng 11-1945, anh tổ chức một số tổ, đội cảm tử liên tiếp tập kích, tiến công địch ở đồn Cây Mai, đường Ga-li-ê-ni, Giếng nước, nhà máy điện Chợ Quán… gây cho chúng thiệt hại đáng kể.
Đặc phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Bình vào đến miền Đông, triệu tập Hội nghị cán bộ quân sự Nam Bộ tại An Phú Xã ngày 20-11-1945, tuyên bố giữ chức Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ và Vũ Đức (Hoàng Đinh Dong) giữ chức Chính ủy. Qua tháng 12-1945, Trung ương quyết định đổi tên Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn và chia cả nước thành chín chiến khu. Chiến khu 7 (Khu 7) gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ do Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng, Trần Xuân Độ làm Chủ nhiệm chính trị bộ và Dương Văn Dương làm Khu bộ phó. Quyết định bổ nhiệm Khu bộ phó được Nguyễn Bình đích thân mang đến trao tận tay Dương Văn Dương, mở rộng vòng tay chúc mừng anh từ nay gánh thêm một trách nhiệm mới nặng nề. Về mặt tổ chức, từ nay cũng thống nhất cấp trên đại đội là chi đội, bỏ danh xưng “bộ đội”. Bộ đội Bình Xuyên sắp xếp lại thành chi đội 2, chi đội 3, chi đội 4, chi đội 7, chi đội 9, chi đội 21 và chi đội 25. Do yêu cầu tác chiến, Ba Dương kiêm luôn chức Chỉ huy trưởng liên chi đội 2-3.
Trận đánh vang dội do Dương Văn Dương chỉ huy là trận tập kích địch ở thị xã Biên Hòa vào lúc 9 giờ ngày 1-1-1946, theo chỉ đạo của Khu bộ trưởng Nguyễn Bình. Nhiều lực lượng tham gia, chia làm hướng chính, hướng phối hợp và hướng nghi binh.
Cũng thời gian này quân Pháp đã chiếm được hầu hết miền Trung Nam Bộ (Khu 8) trừ tỉnh Bến Tre. Khu bộ phó Khu 7 Dương Văn Dương được phân công chỉ huy một lực lượng trang bị gọn nhẹ khẩn trương lên đường chi viện cho chiến trường sông nước Bến Tre. Phải hành quân bằng đường thủy qua nhiều địa hình phức tạp, vượt những đoạn sông có hàng trăm đồn bốt, tháp canh của địch, phải đánh địch mở đường đi khi cần thiết. Theo kế hoạch, sẽ xuất phát vào đêm trừ tịch nhưng địch đang gia tăng tuần tiễu, phục kích, Ba Dương quyết định lùi ngày xuất phát đến đêm 5-2-1946 tức mồng ba tháng giêng năm Bính Tuất. Thật là một cuộc hành quân đầy gian khổ. Có ngày phải đánh hai trận, hết đánh tàu địch trên sông lại đối mặt với quân đi càn quét trên bộ. Dọc đường hay tin quân Pháp đã tiến vào thị xã Bến Tre, Ba Dương động viên bộ đội giữ vững quyết tâm chiến đấu, tiếp tục đi đến đích.
Chiều 15-2-1946, vừa đến địa phận huyện Giồng Tôm, đơn vị khẩn trương triển khai đội hình phục kích đánh địch hành quân càn quét. Nhiều tên bỏ mạng từ những loạt trọng liên phủ đầu của ta, một số tên vứt súng nhoài xuống sông chạy trốn. Ta phân tán đóng quân trong ấp Bình Khương thuộc làng Châu Bình.
Khoảng hơn 8 giờ sáng ngày 16-2-1946, ba chiếc máy bay Spitfire từ phía bắc lao tới, quần đảo mấy vòng rồi chúi xuống xả nhiều loạt đạn vào xóm nhỏ có bộ đội ta trú quân. Dương Văn Dương nấp cạnh một cây rơm theo dõi hoạt động của máy bay địch. Không may, một viên đạn xuyên thẳng vào ngực, anh ngã xuống khi tuổi đời chưa đến ba mươi, sự nghiệp còn dở dang.
Cuộc đời của Dương Văn Dương tuy ngắn ngủi nhưng thật đẹp, để lại một tấm gương sáng trong lòng đồng đội và đồng bào. Từ thủ lĩnh Bình Xuyên đến Khu bộ phó Khu 7 là cả quá trình phấn đấu bền bỉ, kiên định và cống hiến xuất sắc của anh cho nước cho dân. Theo đề nghị của Khu bộ trưởng Khu 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định truy phong anh Thiếu tướng Quân đội quốc gia Việt Nam. Một con kinh lớn chạy suốt Đồng Tháp Mười từ đó được mang tên anh.
TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 24/8/2009)