CHU VĂN SƠN
1.
Nhiều năm lại đây, cái tên Đỗ Nhật Nam được nhắc đến như một thần đồng thời nay. Người ta nhắc đến cậu bé này như một trí giả nhí, diễn viên nhí và nhất là một dịch giả nhí. Một trí năng vượt trội cùng một khả năng ngoại ngữ xuất chúng đã là “đòn bẩy” cho quyết định sang Mỹ du học của Nam khi cậu bé mới ở tuổi 13.
Song, năng lượng của cậu bé này chưa dừng ở đấy. Sang Mỹ một thời gian ngắn, Nam lại gây thêm một bất ngờ nữa: sáng tác thơ. Thơ được viết ra khá nhanh, khá nhiều và đều tay. Vậy là Nam đã trở thành thần đồng trước rồi mới đến với thơ. Thơ là thứ ánh sáng mới đột phát thêm ở ngôi sao này. Nhưng, ngay từ những bài thơ đầu tiên, người ta đã thấy một bút lực tương xứng với danh tiếng lâu nay của em. Bên cạnh những cảm xúc hồn nhiên của độ tuổi là những suy cảm già dặn sâu sắc vượt quá xa so với tầm nghĩ ở một cậu bé con. Ngôi sao đã lấp lánh lại càng rực sáng hơn. Đến nay, người yêu quý em và yêu quý thơ đã có thêm một nhu cầu nữa: chờ được đọc những sáng tác mới của chàng thi sĩ nhí. Xem ra, hiện tượng Nhật Nam chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”?
2.
Việc Đỗ Nhật Nam đến với thơ đã thêm một bằng chứng cho quy luật lớn của lĩnh vực sáng tạo này: tình cảm mới là cái gốc muôn đời của thơ. Sinh ra trong một gia đình trí thức, được hưởng cái “gene văn chương ngôn ngữ” từ người bố là tiến sĩ ngôn ngữ học kiêm một tay bút tản văn, Nam đã có mầm văn thơ sớm. Nhưng khi còn yên ổn bên bố mẹ, cái mầm ấy dường như vẫn nằm yên trong vỏ hạt. Chỉ khi xa bố mẹ, xa gia đình, xa quê hương để du học ở một thế giới khác, cách quê tới nửa vòng Trái đất, thì khoảng cách thăm thẳm đó mới là tác nhân trực tiếp khiến hạt mầm cựa mình, nứt vỏ, nảy chồi, mọc cây. Vâng, nỗi nhớ thương đã biến bao nhiêu người thành thi sĩ. Nay nỗi nhớ thương cũng đang biến Nam thành thi sĩ. Đúng như Tagore từng nói, “khi tình cảm tự tìm cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ”. Dù là thần đồng cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Cái hình thức mà Nam tìm tới để giãi bày những nhớ thương chất chứa trong cõi lòng khá đặc biệt. Có thể xem là hình thức “ba trong một”: vừa là thơ, vừa là thư, vừa là những khúc hát. Có lẽ, thoạt đầu chúng là thư. Khi nhớ những người thân yêu, Nam muốn gõ phím viết thư thăm hỏi. Những bức thư gửi qua Internet của thời Facebook. Bức thì gửi “bà ngoại xì tin”, bức gửi “bạn mẹ”, bức gửi “ông già Noel bố”, bức gửi cả cho chú mèo con… Nhưng, cuối cùng, cái hồn văn thơ ẩn sâu trong Nam đã định dạng cho mỗi tâm trạng thư, mỗi trang thư ấy thành từng bài thơ. Cho nên mỗi bài thơ thực chất là một trang thư, một bầu tâm sự mà Nam dốc ra để gửi cho một người thân, hay cho cả gia đình. Mỗi bài thơ là cuộc chuyện trò, thăm hỏi, có lời an ủi, động viên, có lời nhắn nhủ, gửi gắm, có lời hứa hẹn khuyên can và cả lời bông đùa, trêu tròng, tếu táo nữa. Vì thế, thơ là tiếng nói thật lòng của một tình cảm hồn nhiên, thắm thiết và… rất riêng tư. Song, chúng lại là thơ, thơ thứ thiệt, thậm chí, thơ già dặn. Nam có những suy cảm, những cách nói, những hình ảnh thật ấn tượng. Chia sẻ lòng mình ở thời khắc giao thừa xa xứ, Nam đã gói bao mong nhớ vào một nụ hoa. Giao thừa là thời điểm vô cùng nhạy cảm với một người Việt xa quê, nhất là với một đứa bé. Vào lúc bên nhà mọi người tưng bừng đón giao thừa, thì ở bên này, Nam đang trong giờ học bài. Người em trong phòng học, tâm em đã gửi về quê. Nam thầm mong giao thừa quê xa gửi riêng cho mình một nụ đào vượt qua muôn trùng mà về nở ngoài sân kia: “Giao thừa xa nhà lơ lắc / Con vẫn đang giờ học bài / Mắt con dõi tìm ra ngoài / Mong một nụ đào đi lạc.” Giờ xa bố, trong muôn vời nhớ thương bố, Nam có những ân hận thật chân thành của một đứa con từng có lúc vô tâm. Lời thơ mộc mạc mà xúc động: “Có khi bố kêu đau chân / Con tảng lờ vờ đọc sách / Bây giờ nghe tim thầm trách / Sao không ôm bố vào lòng”. Lòng nhớ thương còn khiến Nam tạo ra không ít những hình ảnh nặng tình mà đầy bóng bảy thi vị. Thương tuổi thơ nhọc nhằn lận đận của bố, Nam viết: “Bố nhớ cánh đồng thôn quê / Tràn trề màu xanh cây lá / Nơi bố mò cua bắt cá / Mồ hôi mặn cả ruộng cày”. Viết cho mẹ cũng vậy. Đâu chỉ là những tiếng lòng vuột thẳng ra từ nhớ thương trĩu nặng, mà đó thực là nguồn cảm xúc mạnh đã hóa thân thành bao hình ảnh súc tích, lung linh chất thơ: “Mẹ ơi! Ngày mới gọi mời / Giọt sương trong vắt nói lời bình an / Bên này tuyết cũng vừa tan / Mùa đông lạnh lẽo đi ngang chân trời”… Ngay cả khi đùa tếu, Nam cũng có những cách nói rất thật và rất thơ. Nam gọi bố là Ông già Khốt Ta Bít hay hình dung bố là ông già Noel chân đất đời thường. Hình ảnh bố chả có tí cổ tích huyền thoại nào, toàn những lấm láp bươn bả mà làm xúc động lòng con. Con nói bằng giọng đùa vui mà biết bao thương xót tri ân: “Trong tươi thắm con tìm về thơ bé / Nhớ miên man những cổ tích năm nào / Có ông già Noel chui gậm giường bụi phủ / Nửa đêm rồi vẫn sột soạt túi nilon / Ông già Noel không râu dài tóc bạc / Không mũ đỏ trùm đầu không diện hài nhung / Ông già Noel chạy Dream tơi tả / Đi đến giữa đường huỳnh huỵch ngã lăn quay”… Nam phong cho mẹ danh hiệu “Quan Âm tóc rối” và “người hay khóc nhất năm” trong ngày Táo quân với những hình dung đầy ý nhị: “Nụ hoa chúm chím đầu cành / Hé mi trêu đùa mẹ đấy / Táo Ông chắc đã nhìn thấy / Về “người hay khóc nhất năm”… Đồng thời, mỗi bức thư - thơ của Nam đều vang lên như một khúc hát mê mải. Có cảm giác một khi câu thứ nhất đã được cất lên thì câu liền gọi câu, khổ bèn tiếp khổ, vần cứ nối vần. Cả bài thơ cứ thế tuôn trào theo một thứ nhạc điệu tràn trề. Mỗi bài thơ như tiếng ngân nga không dứt của lòng em trên dặm đường xa. Tư duy thơ của em là mạch suy cảm triển khai trong lòng nhạc điệu. Tình thơ, ý thơ như những chiếc lá thắm được thả vào một dòng suối trong lành đang chảy trôi bằng âm thanh, nhịp điệu và vần điệu. Cứ thế, âm vang nhạc điệu khai triển mạch thơ. Trôi cùng những thi ảnh động là những lời quen, những lời vang lên cốt để tạo nhạc cho tiếng lòng mình. Khúc nhạc lòng nào của Nam cũng nhuần nhuyễn mượt mà như mây trôi nước chảy: “Mèo ơi! Mẹ thích hoa / Thích thiên nhiên đồng bãi / Thích mùa xuân dài mãi / Trong bồi hồi xuyến xao / Mẹ thích ngắm trời cao / Lặng người nghe nhạc Trịnh / Trong không gian yên tĩnh / Mẹ hiền như ca dao…” Có lẽ, ý thức được dạng thư - thơ - hát “ba trong một” này mà tên tập thơ đã được đặt là Đường xa con hát chăng?
3.
Khi thơ Nam xuất hiện, hẳn không ít người đã vội liên tưởng với những thần đồng thơ văn một thuở như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ, Khánh Chi… Và xem thơ Nam cũng cùng một dạng như thế. Cũng là những sáng tạo già dặn của một ấu nhi. Cũng là những tình cảm hồn nhiên mà sâu sắc với thiên nhiên, gia đình, quê hương đất nước. Cũng là những tâm tình thiết tha của một con ngoan trò giỏi. Cũng những liên tưởng, tưởng tượng ngộ nghĩnh mà bất ngờ của một mỹ cảm phong phú. Cũng một thế giới cổ tích từ cái góc sân và khoảng trời của một đứa bé Việt… Đúng là thơ Nam có nhiều điểm quen thuộc như thơ của các tên tuổi xưa. Song, nỗi nhớ thương của Nam không chỉ là tiếng lòng hiếu thảo của một người con ngoan dành cho cha mẹ và gia đình, không hẳn là nỗi cô đơn của đứa trẻ một mình tha hương đất khách quê người. Đọc kĩ, thấy Nam không để nhớ thương biến mình thành nhỏ yếu bé mọn hầu khơi gợi sự cảm thương của người thân. Trái lại, Nam gửi mỗi nỗi nhớ niềm thương của mình như gửi một ngọn gió ấm giữa ngày đông giá, gió mát những ngày nóng nực để an ủi, vỗ về người thân, mong những người thân yêu của em không phải bận lòng hay ái ngại cho mình. Thi ảnh của Nam không chỉ có những liên tưởng ngộ nghĩnh về cây cỏ loài vật. Trái lại, thi ảnh còn thấm thía những trải nghiệm riêng của một cậu bé đã sớm chọn cho mình cuộc sống tự lập, tự lớn khôn. Suy cảm của Nam không chỉ có những bận tâm với đời sống hẹp của đứa trẻ quẩn quanh trong một vùng quê, một góc phố. Mà mở ra toàn cầu. Thế giới của Nam không chỉ rộng mở theo em du học, mà chủ yếu rộng mở bởi mối quan tâm rộng lớn của em. Người đọc không khỏi bất ngờ về tấm lòng lớn của một cậu bé khi đọc bài thơ rất gần đây của Nam viết từ thảm họa động đất đau lòng ở Nepal: “Có cụ già nào tin trong chuông chùa bát ngát / Đền đài này sẽ mang đến bình an / Cho triệu triệu người dân Nepal / Cho an vui chảy tràn khắp nẻo / Giờ nằm sâu dưới tầng gạch nát / Thân thể họ vụn rời và giấc mơ bay lên…”. Không khỏi bất ngờ khi gặp những cảm nhận giàu tính duy lí trước cảnh xếp hàng trật tự trong cuộc sống hàng ngày nơi du học: “Có thể đó là những lúc nhìn từng dãy xe xếp hàng ngăn nắp, thẳng như kẻ chỉ vào chỗ đón học sinh. Các bạn cũng tuần tự đi ra. Không còi xe, không chen lấn. Một sự tự do trong trật tự”, hay khi em ngẫm nghĩ về gia đình như “trụ sở” thiêng liêng nhất của con người trên cõi sống này: “Dù dân tộc nào, quốc gia nào, màu da nào, trong mỗi người, gia đình luôn là nơi ấm cúng và thiêng liêng nhất”. Người đọc cũng khó tránh khỏi kinh ngạc trước những đúc kết già trước tuổi về cái nhu cầu quy tâm về nguồn như một bản chất của đời sống được bộc lộ rõ nhất trong ngày Tết: “Tết thực ra là để trở về. Có thể không phải là một chuyến trở về để ngồi bên bố mẹ mà trở về trong lòng mình, trong suy nghĩ của mình. Bởi suốt ba ngày Tết vừa qua, em luôn nhớ về mọi người.” Thậm chí, phải giật mình trước những triết lí “cụ non” đến mức khó tin: “Thế giới này sẽ chẳng còn khổ đau / Nếu ai cũng biết là mình không hoàn hảo / Mình dẫu sao chỉ là thanh ghép nhỏ / Trong bộ xếp hình tròn trịa của nhân sinh…”
Thơ Nam quả là tiếng thơ của một thiếu nhi thời đại mới: thời đại hội nhập và toàn cầu hóa. Tiếng thơ ấy đã mang trong nó những nội dung nhân bản mới, manh nha những nét thuộc nền tảng văn hóa của một công dân kiểu mới: công dân toàn cầu. Sẵn sàng thích ứng một cách vui vẻ với mọi không gian sống trên khắp thế giới này, nhưng không bao giờ nguôi quên cội nguồn; phần sâu thẳm nhất vẫn dành cho gia đình nhưng tấm lòng cũng luôn rộng mở để đón nhận, sẻ chia mọi biến động trên toàn cầu; bước chân luôn làm những cuộc ra đi, nhưng lòng lại luôn khắc khoải trở về.
Có lẽ đó là những nét khác biệt đáng kể nhất của tiếng thơ Đỗ Nhật Nam trong mạch thơ thần đồng ở nước ta từ trước đến nay chăng? Và những cảm nhận ấy đã khiến tôi không kiềm được niềm hân hoan khi đọc tập thơ này.
Hòa Lạc, tháng 4 - 2015