Ta nằm sấp người trên khoảnh đất chính giữa một gian phòng, vô cùng sầu muộn, lung lay hai sợi râu dài.
Căn phòng này chỉ có cửa với bốn bức tường, trống trơn một mảnh, tựa như bị một chiếc lồng vô hình chụp kín, mặc ta lao trái đụng phải thế nào, cũng tìm không được một cái khe có thể chui qua, một cái hốc có thể trốn vào.
Chính giữa chiếc lồng chỉ có một cái bàn, trên mặt bàn có đặt một đĩa bánh ngọt, phảng phất tỏa mùi thơm.
Có một người đang đứng cạnh bàn, cười mỉm chờ ta leo lên mặt bàn, bò lại gần chiếc đĩa kia.
Hắn đang giăng bẫy để chờ bắt ta, ta có ngu mới bò qua đó.
Ta vốn ở trong một ngôi nhà khác, nhưng rác rưởi trong phòng bếp của nhà ấy ta ăn đã chán ngấy rồi. Liền không quản vạn dặm xa xôi bò đến nhà này, muốn thử xem có gì mới lạ khả dĩ bỏ bụng không. Ai mà ngờ được, sau khi đi theo tiếng gọi của mùi thơm hấp dẫn, vừa bay qua ngưỡng cửa cao như quả núi con, ta liền bị nhốt trong căn phòng này, bò thế nào đi nữa cũng không ra được.
Sau khi ta nhận ra căn phòng này ngoài cái bàn kia ra thì không còn gì khác, lại nhìn thấy người kia thì ta đã biết, đại nạn đến rồi.
Ta nằm bò trên mặt đất, không nhúc nhích mảy may, người kia giương mắt nhìn ta, ta cũng giương mắt nhìn lại hắn.
Bây giờ hắn mà tiến lại, dùng tay ấn hay chân giẫm chết ta, ta chắn chắn trốn không nổi. Nhưng, cứ cho là chạy, không thoát được, cũng đừng mơ ta sẽ tự đưa đầu vào bẫy.
Hắn nhìn ta, nói bằng chất giọng rất hiền lành: “Ngươi bò lên đây ăn đi. Ta sẽ không làm tổn thương ngươi đâu. Thứ này tặng cho ngươi đấy”.
Ta nghe hiểu được những lời hắn nói, nhưng ta tuyệt đối không tin đâu.
Ta tiếp tục nằm bò trên nền đất, ngươi muốn giết muốn bắt thì làm nhanh đi, đừng có loay hoay bày đủ trò bịp bợm như thế.
Ta trông thấy bàn chân lấp ló dưới vạt áo bào của hắn nhẹ nhàng di chuyển, bước lại gần ta hơn một chút, ta không đếm xỉa gì mà rung đôi râu.
Hắn không nhấc chân giẫm ta, mà ngược lại ngồi thụp xuống, đặt chiếc đĩa to bự chảng đầy bánh ngọt kia xuống đất, rất gần ta. Mùi dầu thơm thật sự rất mê người, nhưng ta không dễ dàng bị lung lay đâu.
Hắn thong thả nói: “Làm ngươi bị thương là chuyện rất đơn giản, nếu ta thực sự muốn thế thì cần gì phải cho ngươi đồ ăn. Hơn nữa, nếu ta có muốn ngươi bị thương thì hôm nay ngươi cũng không trốn được, chẳng bằng tranh thủ ăn no một chút”.
Ta lại rung đôi râu, nghĩ thầm, cũng đúng.
Dù gì cũng chạy không thoát, chi bằng ăn một bữa no nê.
Ta cấp tốc bò lên mép đĩa, leo lên “núi bánh ngọt” hấp dẫn mê hồn, sau đó lao đầu vào trong lớp vỏ bánh xốp mềm.
Ta ăn đến khi bụng căng cứng cả lên mới thỏa lòng dừng lại. Ta nghĩ chắc giờ lớp giáp của mình đang bóng nhẫy dầu mỡ đây. Trên núi bánh ngọt, ta tìm được một chỗ bằng phẳng, sau đó nằm xuống đánh một giấc ngon lành.
Lúc ta tỉnh lại, người kia vẫn đang đứng bên bàn.
Ta độc chiếm núi bánh ngọt, ăn xong lại ngủ, ngủ dậy lại ăn. Một ngày một đêm trôi qua, hắn vẫn đứng bên cạnh chiếc bàn. Một sớm mai nữa lại tới, ta đánh một giấc no nê, đang mơ màng tỉnh dậy, lại nghe thấy tiếng cửa mở kẽo kẹt vang lên, hắn đã ra ngoài.
Ta vội vàng bò xuống khỏi bàn, định tìm một kẽ hở nào đó để bò ra. Nhưng bức tường vô hình kia vẫn chặt chẽ bủa vây, ta không tìm nổi đường ra.
Giữa lúc ta còn đang tìm kiếm thì hắn trở về, ta lập tức trốn vào chỗ tối dưới chân bàn. Bức tường chắn kia lại không có tác dụng gì với hắn, hắn vừa nhấc chân đã bước được vào trong.
Ta nghe thấy một tiếng “cạch” vang lên trên mặt bàn. Hắn cúi thấp người xuống, như thể biết ta đang nấp ở đâu vậy, giọng nói vẫn rất hiền hòa: “Ta mang một đĩa điểm tâm mới về rồi này, ngươi ăn đĩa mới đi”.
Ta chậm rãi men theo chân bàn, leo lên mặt bàn, bò lên mép của chiếc đĩa sứ trắng muốt lành lạnh, chui vào trong khe hở của bánh điểm tâm. Cạnh chiếc đĩa sứ trắng còn đặt một cái khay lớn, bên trong đổ đầy nước trong veo.
Đợi đến khi điểm tâm bánh ngọt đã đổi đến đĩa thứ năm, ta mới nằm út trên mặt bàn nhìn hắn, không phải là người thì ai cũng cần ngủ sao? Mấy ngày này chẳng thấy hắn động đậy gì, lại càng không chợp mắt, sức của hắn còn khỏe hơn cả ta ấy chứ.
Ta nhoài người trên núi điểm tâm, miệt mài gặm một khối bánh ngàn tầng xốp giòn, hắn nói: “Điểm tâm ta mang tới ăn có ngon không?”.
Ta hơi đong đưa sợi râu.
Hắn lại nói: “Nếu ngươi tự đi kiếm ăn, có tìm được đồ ngon như thế không?”.
Ta lại gặm một miếng bánh, lưỡng lự ngẫm một hồi, không đong đưa râu nữa.
Hắn nói: “Vậy giờ nếu ta không nhốt ngươi nữa, ngươi có bằng lòng ở lại đây, đừng đi đâu cả, để ta mang đồ đến cho ngươi ăn không?”.
Ta ôm một góc của miếng bánh ngàn tầng, thầm nghĩ, cái này thì ta không dám chắc, ai đảm bảo được ta ăn mãi mấy thứ này mà không chán? Nhưng cái người này có sở thích cũng thật cổ quái, lại muốn đi nuôi một con gián. Mấy thứ này cho đám gián khác còn không bằng để ta đây hưởng thụ. Cho nên trước mắt, ta tạm thời ưng thuận lời đề nghị của hắn.
Thế là ta liền đong đưa hai sợi râu.
Chẳng ngờ hắn lại rất vui vẻ, lập tức nở nụ cười. Ta ôm miếng bánh ngàn tầng ngẩn ra nhìn, hắn cười thật là đẹp quá. So với những người khác, hắn trông ưa mắt hơn nhiều. Giống như cái bánh ngàn tầng này vậy, khiến ta rất hài lòng.
Hắn quả nhiên giữ đúng lời đã hứa, bức tường chắn kia không còn nữa, ta có thể tự do đi lại. Ta chọn một góc trong phòng, làm cho mình một cái tổ để ở. Mỗi ngày ta sẽ bò lên mặt bàn, ăn bánh ngọt, uống nước trong mà hắn đặt sẵn. Ăn no rồi thì bay qua ngưỡng cửa, vượt cả một quãng đường xa xôi để ra được tới sân, dạo chơi ngắm cảnh, vận động cho tiêu thức ăn. Trong căn phòng đó có thêm một cái giường, cứ đến tối là hắn lại nằm ở đó ngủ.
Ngôi nhà này chỉ có một mình hắn ở. Nhưng có một người mặc trường bào màu trái hạnh thường xuyên ghé qua, tay lúc nào cũng lăm lăm một cái gói thật là lớn. Còn có cả một người mặc áo bào màu lam sẫm, một người khoác trường san trông đến là chói mắt cũng tới.
Lần đầu khi Áo Sặc Sỡ đến đây, ta đang ở trên núi điểm tâm, say sưa ăn nhân bánh đậu. Gã cho ta ăn rất là chu đáo, thường tách bánh ngọt ra, để ta vừa gặm được vỏ, lại vừa ăn được nhân, ta rất hài lòng.
Đương lúc ta đang hởi lòng hởi dạ gặm hăng say, gương mặt to đùng của Áo Sặc Sỡ liền áp sát lại gần, gã lập tức thở hắt một hơi, ta nhất thời không ôm chặt bánh điểm tâm, bị thổi bắn ra tận rìa cái đĩa, ngã sóng soài.
Áo Sặc Sỡ lắc đầu quầy quậy, nói rằng: “Ôi chao, nhìn tình cảnh của hắn bây giờ mà xem, đúng là đáng tiếc mà”.
Đã thổi ta ngã nhào một cái, giờ còn giả vờ giả vịt thở dài, ta không thích gã này.
Lần đầu Áo Lam Sẫm tới đây cũng thở dài, nhưng không nói năng gì cả, chỉ lắc đầu rồi đi mất.
Những người kia tới rồi lại đi, đi rồi lại tới, chỉ có hắn cứ ở mãi trong tiểu viện. Ta chưa từng thấy hắn ra ngoài bao giờ, cảm thấy người này cũng thật là kỳ quái. Có lúc hắn sẽ ngồi bên bàn mở sách ra đọc, có một lần hắn đặt sách xuống dưới bàn, ta bò lên trên mặt sách, sau đó dạo chơi một vòng, hắn liền nhấc cả ta lẫn quyển sách lên, đưa sách lại gần, nhìn ta rồi lại cười mỉm. Ta cảm thấy hắn cười nhìn thật sự rất đẹp, thầm nghĩ: Trước mắt có lẽ mình sẽ không chán đồ ăn hắn đưa cho.
Ta không biết mình ở cùng hắn trong tiểu viện này đã bao lâu. Nói chung, đám cỏ dại trong sân đều đã khô vàng hết cả, bò tới chỗ nào cũng chỉ thấy lá cây rơi rụng, vướng lối cản đường.
Ngày hôm đó ta lại mò ra sân đi dạo cho tiêu đồ ăn, bò tới bên bờ ao. Chẳng ngờ một trận gió thổi qua, lại hất luôn ta vào trong ao nước. Ta vừa đạp nước vừa nhích lại gần bờ, cái miệng đỏ au như máu của một con cá bất thình lình đội nước mà lên, trùm lấy thân thể ta.
Một mảnh đen kịt.
Chẳng biết sau này điểm tâm trên bàn hắn sẽ để cho con gián nào vớ bẫm.
Ta ngồi chồm hỗm trên một chạc cây cổ thụ, rũ rũ bộ lông đen nhánh của mình.
Thư sinh dưới gốc cây vẫn chưa đi, hắn nâng một ít thức ăn vụn trong lòng bàn tay, muốn dụ ta sà xuống mổ. Ta đập đôi cánh của mình, duỗi cái cổ ra kêu một tràng “quạ quạ”.
Ông đây cơ thể cường tráng khỏe mạnh thế này, có phải đám chim sẻ nuôi trong nhà đâu, sao lại đi ăn đồ trong tay con người được.
Vậy mà thư sinh kia vẫn đứng yên tại chỗ.
Tiểu hòa thượng quét lá khô dưới tàng cây nói, “Thí chủ, thí chủ đừng đứng nữa. Con quạ kia sống trên cây này đã mấy năm rồi, từ trước tới nay không ai cho ăn, nó sẽ không mổ đồ trong tay người đâu. Mấy con sẻ nhà sống dưới mái hiên kia thì lại rất nghe lời, gần người lắm đấy”.
Thư sinh kia rốt cuộc cũng chịu thu tay lại: “Vậy sao?”, sau đó vẩy mấy mẩu đồ ăn vụn trong tay xuống dưới gốc cây.
Không phải là ta không nể mặt hắn mà chê đồ hắn cho, chỉ là sợ bàn tay của hắn không chịu được sức nặng khi cả thân thể ta đáp xuống. Ta vỗ cánh bay xuống dưới đất, đậu xuống bên cạnh hắn, mổ mấy mẩu vụn kia.
Ngẩng đầu lên, liền thấy hắn đang mỉm cười, chăm chú nhìn ta.
Ta đã sống ở đây rất lâu rồi, trên cái cây mọc trước cổng sau của một tòa miếu nhỏ.
Ngày trước, ta vốn sống ở một cái cây trên đỉnh núi nọ, nhưng có một ngày trời nổi gió ta, mưa dông sấm chớp, cái cây ta đang ở bị quật ngã, cha mẹ anh chị em của ta bay tứ tán khắp nơi. Lúc đầu, ta dọn tới cái cây trước cửa một gia đình nọ, mỗi sáng sớm còn chăm chỉ bay tới nóc nhà bọn họ “quạ quạ” mấy tiếng, nhắc nhở giờ giấc. Nhưng bà vợ của nhà đó cứ khăng khăng nói ta mang điềm xấu tới, dùng gậy trúc chọc đổ tổ của ta, còn lấy đá lấy sỏi “chào hỏi” ta. Cứ thế, ta loay hoay chuyển chỗ tới mấy lần, đến đâu cũng bị người ta xua đuổi. Cuối cùng, bất đắc dĩ ta đành phải bay tới cái cây sau miếu này, thâu đêm làm một cái tổ, sáng ngày hôm sau, tiểu hòa thượng ra cửa quét dọn, trông thấy ta liền hét toáng lên: “Sư phụ, có con quạ già đến sống trên cây này!!!”.
Lão hòa thượng thò nửa người ra khỏi cổng sau, ngửa cổ nhìn ta, nói: “A di đà phật, có chim muông đến đậu cũng là chuyện tốt, cứ để nó ở lại đi”.
Hòa thượng trong miếu sống thanh đạm quen rồi, quanh năm ăn chay, ta thì lại thích ăn thịt. Có điều trên núi này chim muông thú rừng cũng chẳng thiếu, bắt rất dễ dàng. Ngày ngày ta đậu trên cây, tiểu hòa thượng bị lão hòa thượng phạt chép kinh, tiểu hòa thượng lầm bầm oán giận việc đại hòa thượng bắt nạt mình, ta đều biết cả.
Ta mổ hết những mảnh vụn dưới đất xong, liền phi lại lên cây. Từ đó trở đi, ngày nào thư sinh kia cũng đến thăm ta, rải đầy đồ ăn ra đất cho ta mổ.
Ta nghe tiểu hòa thượng hỏi lão hòa thượng rằng: “Sư phụ, sư phụ, vị thí chủ kia mỗi ngày đều tới, đến không thấy bóng, đi không thấy hình, cũng chẳng biết người ta ở đâu, chắc không phải là quỷ chứ ạ”.
Lão hòa thượng nói: “A di đà phật, vị thí chủ kia phong thái bất phàm, tuyệt đối không phải phường ma quỷ. Phải nhớ, người xuất gia tuyệt không nên suy đoán lung tung”.
Ta lại nghe tiểu hòa thượng hỏi lão hòa thượng: “Sư phụ ơi sư phụ, vì cớ gì mà vị thí chủ kia ngày nào cũng tới đây thăm con quạ?”.
Lão hòa thượng nói: “A di đà phật, tất cả mọi sự trên thế gian này vốn chỉ là một đoạn trần duyên, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được nhân quả mà thôi”.
Bản thân ta cũng muốn biết, thư sinh đó ngày ngày đến thăm ta, là vì cớ gì.
Ngày nào người kia cũng tới, ngày nắng tới, ngày mây mù tới, ngày gió nổi tới, ngày mưa tới, ngày tuyết rơi cũng tới. Sau đó cứ hễ trông thấy hắn tới là ta lại đậu xuống cành của một thân cây thấp, hắn có lúc sẽ giúp tiểu hòa thượng quét lá khô, có lúc dạy tiểu hòa thượng viết chữ, có lúc sẽ mang sách ra đọc.
Nhưng phần lớn thời gian hắn đều ở dưới tàng cây, hoặc đứng hoặc ngồi, thường xuyên tán gẫu với ta. Hắn nói rằng cảnh sắc trên ngọn núi này rất đẹp, chợ phiên dưới chân núi rất náo nhiệt, hôm nay trong chợ xảy ra chuyện này, ngày mai trong chợ lại nảy sinh chuyện kia, những lời hắn nói đều là về chuyện của con người, nhưng ta đều hiểu cả, thế nên cứ nghe thôi.
Tiểu hòa thượng dần dần thân thiết với hắn hơn, chuẩn bị riêng cho hắn một cái ghế, thấy hắn tới là lập tức mang ra cho hắn ngồi.
Lão hòa thượng cũng thường ngồi dưới tán cây, cùng hắn nhặt mấy viên sỏi đen trắng tròn tròn, bày ra để chơi. Ta liền đậu trên chạc cây, thỉnh thoảng nghển cổ kêu mấy tiếng.
Tiết trời hôm đó cực kỳ oi bức, mãi đến lúc nhá nhem tối mới thấy hắn rời đi. Trời vừa tối, gió đã lập tức nổi lên, sét đánh, trời đổ cơn mưa lớn. Ta đang định bay xuống dưới mái hiên miếu tránh mưa, thì đột nhiên một tia sét xé toạc nền trời, vừa khéo bổ trúng đầu ta.
Trong chớp mắt khi tiếng “Oành” chát chúa vang lên, ta nghĩ, từ ngày mai trở đi, cái cây này không còn nữa, hắn liệu có tới nữa hay không?
Ta dầm mình trong nước, chỉ ló cái đầu lên. Trên bờ ao, có một người mặc áo rõ là chói mắt đang nhìn ta chằm chằm, thở dài nói: “Đúng là dở quá, thành gì không thành lại thành Vương bát!!!”.
Câu này nghe khó chịu quá. Ông đây rõ ràng là rùa đen, sao gã lại dám nói là Vương bát chứ.
Ta biết Vương bát là gì, người ta đều gọi ba ba là Vương bát. Mai của ba ba thì dẹt, không có hoa văn, còn mai của rùa vừa tròn vừa trơn bóng, từng mảng từng mảng rất rõ ràng, hoa văn sắc nét.
Ta lại nổi lên trên mặt nước một chút, trưng cái mai ra cho gã nhìn.
Áo Sặc Sỡ lại tiếp tục thở dài: “Loài này sống lâu lắm đấy. Đời này ngươi trông nom hắn thì phải trông đến năm nào!”.
Một người khác đang đứng bên ao nói: “Nói đến chuyện này, ta còn đang định hỏi ngươi đây. Ta nhờ Linh quân ngươi lôi kéo chút quan hệ cá nhân, để hắn có thể gửi hồn đầu thai tử tế một chút, sao giờ vẫn ra bộ dạng này?”.
Áo Sặc Sỡ lập tức đáp: “Thanh quân, chuyện này có phải ngươi không hiểu đâu. Hắn vào được luân hồi đều là cố nhét qua khe hở, trên sổ luân hồi vốn không có chỗ dành cho hắn, lần nào cũng chỉ có thể xem chỗ nào trống thì đẩy là chỗ đó. Ai! Thật đáng tiếc…”.
Người kia lặng thinh không nói. Ta ngẩng đầu, nhìn vạt trường sam của hắn phất phơ trong gió, gật đầu với hắn. Thì ra tên hắn là Thanh quân. Hắn là người đã cứu mạng ta, ta vô cùng cảm kích.
Ta vốn có cuộc sống khá thoải mái trong một cái hồ rộng mênh mông, kết quả năm nay mưa lớn, nước hồ tràn đê, ta bị dòng nước cuốn ra một con sông, rồi lại bị nước sông cuốn vào trong một cái ao nhỏ. Cuối cùng có kẻ tới ao giăng lưới, bắt được ta cùng với một đám tôm cua cá khác, xách lên chợ phiên bán, ta bò trong một cái chậu gỗ không có nước, bò trái bò phải một hồi, cuối cùng cam chịu số phận nằm bò nơi đáy chậu.
Nghe nói con người sau khi bắt được chúng ta, sẽ thả vào trong nồi nước sôi xình xịch để chúng ta chết bỏng từ từ, không biết có phải thật không. Ta nhoài người trong chậu gỗ nhìn người đến người đi. Ta rụt cổ nằm chờ, một góc áo vải màu lam dừng ngay trước chậu gỗ.
Ta nghe tiếng người kia nói: “Ta muốn con rùa đen này”.
Ta mặc hắn xách mình về nhà. Người kia không ném ta vào nồi nước nóng, hắn thả ta vào cái ao này, để ta sống ở đây.
Mỗi ngày hắn sẽ tới bên ao, rắc một ít vụn thức ăn, nói với ta vài câu.
Thỉnh thoảng ta cũng sẽ bò lên mặt nước, ườn người phơi nắng bên tảng đá cạnh ao, nghe hắn nói thời tiết hôm nay thật đẹp, chợ phiên bên ngoài rất đông vui, rằng sang năm hắn định thả hoa sen trong ao.
Trước đây ta sống trong hồ rất thoải mái, ở chỗ này cũng thấy không tệ.
Tiết trời mỗi ngày một lạnh, ta cũng càng lúc càng lười. Ta đào một cái hang trong lớp bùn đọng ở đáy ao, đợi sau khi ngủ qua một giấc dài, sẽ lại thấy xuân về hoa nở.
Hắn nói hoa đào mùa xuân là đẹp nhất, ta rất muốn xem, nhưng lại không biết hoa đào là thứ gì. Sau khi ngủ dậy, có khi sẽ thấy được hoa đào.
Ta chui vào trong hang, bắt đầu ngủ đông. Nhưng trong giấc chập chờn, cứ cảm thấy dường như hắn vẫn đang ngồi bên ao nói chuyện, ta thức dậy từ giấc ngủ sâu. Đột nhiên lại muốn bò ra ngoài nhìn hắn.
Nước ao lạnh buốt, mặt nước đều đóng băng kín cả rồi. Ta dùng đầu xô cả nửa ngày trời mới đục vỡ được mặt băng, cố sức bò ra ngoài. Đang lúc nửa đêm, trời rất tối, có thứ gì đó lạnh như băng đang rơi xuống người ta, từng phiến từng phiến một, chắc hẳn là tuyết. Lúc bò qua một tảng đá, nhất thời không cẩn thận, trượt chân một cái, ta liền xui xẻo lộn nhào, bốn chân chổng lên trời.
Ta cố lật người lại, nhưng không lật được, tuyết rơi không ngừng, rơi trên đầu, trên bốn chi của ta, ta giãy giụa, rồi liền bất động. Đăm đăm mắt nhìn đất trời lộn ngược, phía trước có một nơi sáng lắm, chắc hẳn hắn đang ở đó.
Ta chưa từng nhìn thấy hoa đào, nhưng chắc chắn hoa đào phải ấm áp hơn hoa tuyết.
Ta mơ màng nghĩ, kỳ thật ngày đó ta bị xô khỏi hồ lớn, là một chuyện thật may.
Một bộ áo bào sặc sỡ chắn trước mắt, ta nghe có tiếng người than thở: “Đúng là đáng tiếc, càng lúc càng chẳng ra sao!”.
Ta trợn mắt lên nhìn gã, cái đám người trong thành đúng là thiếu hiểu biết, trong đám lợn rừng sống trên núi này, làm gì có con nào anh tuấn bằng ta! Đám lợn rừng kia thấy ta, khớp xương đều nhũn ra hết.
Một người khác đứng sau lưng Áo Sặc Sỡ, lẳng lặng nhìn ta.
Ta vốn dĩ đang sống những ngày vui vẻ trên ngọn núi này, sáng sớm hôm nay khi đang chạy băng băng trong rừng, nhất thời sơ sẩy, đạp trúng bẫy. Hai người kia lập tức giáng xuống từ trời cao, thả ta ra, trong lòng ta có phần bực bội, mũi thở phì phì, nhưng thân thể lại không sao nhúc nhích được, chỉ đành mặc cho hai người kia săm soi từ trên xuống dưới. Ta lại càng bực bội hơn.
Người kia nói: “Cứ thả hắn ra trước đi, trở về rồi nói”.
Áo Sặc Sỡ nói: “Khụ, hay là để ta dẫn hắn về nuôi, một kiếp hai kiếp này, bộ dạng chẳng ra làm sao cả. Thôi cũng hết cách, chẳng bằng để hắn ở trong phủ của ta, phỏng chừng qua mấy nghìn năm cũng có thể thành tiên”.
Ta nghe thế mà kinh hãi, ông đây sao có thể bị nuôi giống đám lợn nhà được, đây là sỉ nhục, sỉ nhục lớn! Thân thể vừa cử động được, ta liền co giò chạy thẳng.
Chạy mãi chạy mãi, chạy đến độ hai mắt đỏ ngầu, không cẩn thận phi thẳng tới vách đá, rồi lại không phanh chân kịp. Chân ta đạp vào khoảng không, lao vèo xuống vực.