B
ó hoa nào cũng to như mâm xôi, đẹp rực rỡ và tươi rói. Khuất sau lần giấy gói là dòng chữ tên hiệu của cửa hàng hoa danh tiếng. Mỗi bó là một công trình sáng tạo với đủ các kiểu giấy gói, dây ruy băng cao cấp. Lại có bó đính cả viên ngọc trai giữa những bông hoa ken dày. Sự cầu kỳ và sang trọng của mỗi bó hoa làm cho các lần tặng thêm phong phú, khiến góc nhà tối tăm sáng choang, vị thế của người tặng hoa cũng như người nhận hoa tăng lên vài bậc. Đẳng cấp của những bó hoa ấy tương xứng với người nhận vì cô gái này vừa xinh, vừa duyên, có điệu cười rạng rỡ, hàm răng đều tắp, đôi mắt long lanh như biết nói. Nhưng người ta nhìn thấy ở cô điều đáng nể hơn là sự thông minh khi vừa giảng dạy ở một trường đại học, vừa đang hoàn thiện tấm bằng tiến sĩ. Có điều các bó hoa lại tương phản với dáng vóc của người tặng. Khuôn người nhỏ nhắn gần như bị che kín sau mỗi bó hoa khi anh khệ nệ vác hoa đến tặng Duyên.
Mới đầu Duyên thích những bó hoa lộng lẫy đó. Cả nhà cô cũng tự hào đôi chút vì nó chứng minh phần nào giá trị của cô con gái. Họ cười vừa vui, vừa hơi nhạo sự lãng mạn của anh chàng Hầu - bạn Duyên. Khu chung cư mà nhà Duyên là thành viên gồm toàn dân lao động nghèo. Thấy “sự kiện hoa” họ xuýt xoa khen cô gái hoàn hảo, chẳng ít người khao khát được tặng dù chỉ một bó như thế trong cuộc đời. Nhưng những bó hoa hàng hiệu được tặng nhiều lên thì sự phiền toái cũng theo chiều thuận mà phát sinh. Cứ hàng tuần thành chu kỳ vào tối thứ 6 hoặc tối thứ 7 bó hoa mới lại tới đuổi bó hoa cũ đi. Nếu tính ra giá trị kinh tế thì cả tháng cứ ngót nghét hàng triệu tiền hoa bị vứt ra sọt rác. Giá như Hầu là người Duyên yêu thì những bó hoa kia có thể dù héo cũng được gìn giữ ở một diện tích nhất định. Nhưng Duyên vốn không mặn mà với Hầu nên mỗi bó hoa xuất hiện càng đẩy xa khoảng cách tình cảm giữa hai người. Đầu óc quen tiết kiệm xung quanh bắt đầu rì rầm về sự lãng phí, vô bổ và phù phiếm của căn nhà cuối tầng 5 này. Bà Xiêm cáu ầm:
- Lãng phí quá. Nó góp chừng nấy tiền mua cái bình lọc nước đến đây có phải tốt không. Hay mua quả dưa cho mẹ ăn mát ruột còn hơn.
Duyên bảo:
- Có phải tiền của mẹ đâu, tiếc làm gì? Bà Xiêm bực:
- Của ai thì cũng vậy thôi. Tiền nào phải giấy vụn, mẹ không thể chấp nhận thằng con rể ném tiền qua cửa sổ như vậy được.
Người bố không phản ứng gay gắt nhưng thấy cứ thế mãi thì không được, ông khuyên con gái nên tỏ thái độ.
Duyên phân trần:
- Con nói rồi nhưng anh ấy không nghe. Mà bố mẹ có hoa ngắm cũng được chứ sao? Ai hơi đâu tặng hoa hàng hiệu mãi. Bố mẹ cố chờ tới ngày kết thúc.
Bà Xiêm vẫn làu bàu:
- Bao giờ kết thúc? Ngắm được vài hôm rồi thối hoắc ra đấy chịu sao nổi. Tuần nào mẹ cũng phải vác bó hoa héo ra xe rác. Nặng rã tay, vác xuống năm tầng cầu thang, ai mệt hộ hả?
Bà Xiêm bực nhất là hàng xóm người ta dị nghị, xoi mói khi tuần nào cũng thấy bó hoa đắt tiền vứt ra sọt rác. Có người còn nói kháy nhà bà học đòi “tư sản”, ở nhà giột chơi hoa hàng hiệu! Sau năm tháng bị tặng hoa, nhiều lần đã ý xa, ý xôi, cuối cùng Duyên đành phải hằn gắt với Hầu:
- Em không thích. Anh đừng mong, đừng hi vọng, đừng mang hoa đến nữa. Mọi người xì xào khó chịu lắm.
Hầu ngượng ngập bảo:
- Bông hoa có tội tình gì, Duyên không thích anh chứ đừng khó chịu với hoa. Anh chẳng dám hi vọng gì đâu, chỉ muốn Duyên nhận cho vui thôi.
Từ đó, Hầu không mang tới nhà nữa mà đón Duyên ở trường cô để tặng hoa vào cuối tuần. Những bó hoa vẫn đều đặn xuất hiện ở nhà Duyên bất chấp sự cáu kỉnh mỗi lúc một lớn của bà chủ Xiêm:
- Con bảo nó chưa?
- Con nói rồi, nhưng anh ấy cứ mang đến trường, chẳng lẽ lại vứt đi.
- Thì vứt, đằng nào chả phải vứt.
- Không được, sinh viên nhìn vào mặt con thế nào?
- Vậy thì bảo nó đến đây, mẹ phải nói vào mặt nó mới được.
- Người ta quý mình chứ tội tình gì.
- Tội ngu chứ còn tội gì.
- Kệ đi mẹ, đừng nên bất nhã, người ta đánh giá mình kém văn hóa.
- Văn hóa mà tặng hoa như khủng bố đấy à? Ở nước ngoài nó dễ bị kiện, bị đưa ra tòa, không khéo còn bị tống vào tù vì tội gây mất tự do cá nhân nữa kia. Cũng bởi mấy bó hoa chết tiệt mà bây giờ mua đồ ăn ngon mẹ phải giấu giếm hàng xóm như đi ăn trộm ấy. Người ta cứ xì xào với nhau rằng ông bà ấy nghỉ hưu mà sao lắm tiền, ăn sang thế. Hôm thì gà, hôm thì cá, hôm thì ếch, toàn ăn ngon, lại chơi hoa đẹp. Có người còn hỏi thẳng mẹ hàng tháng anh con rể tương lai chu cấp bao nhiêu nữa chứ. Thế có ức không? Những ánh mắt cứ nhìn mẹ khi mẹ mang bó hoa ra sọt rác. Ôi, những ánh mắt, mẹ không thể chịu nổi, mẹ không muốn phải chịu, con hiểu chưa? Bây giờ đang tán con mà con góp ý nó còn không nghe thì sau này lấy nhau về làm sao mà điều chỉnh được? Cứ ý anh anh làm, bao nhiêu tiền dồn vào mấy cái trò hoa hoét rồi thì ngắm nhau mà nhịn đói à? Ngữ này bố trí nghỉ cấp tốc!
Nhưng Duyên hết cách ngăn cản Hầu dừng cơn thác hoa đều đặn này lại. Nói mềm mỏng có, gằn hắt đã từng, van vỉ đủ cả, ném đi, quăng quật, tạo hiện trường giả (Duyên nhờ một cậu bạn trai đóng vai người yêu và sửng cồ với Hầu) cũng chẳng xong. Duyên không dám hành xử biện pháp thô bạo hơn nữa vì dù sao Hầu cũng là anh họ của Lam - bạn thân Duyên. Cô đã nhờ Lam khuyên, nhưng Lam lắc đầu nguầy nguậy: “Anh ấy là vua của bướng bỉnh. Với lại ai bảo bạn để cho anh ấy si quá”. Vậy là tuần này sang tuần khác, tháng này tiếp tháng sau, cứ đều đặn Hầu mang hoa đến tặng không hề mệt mỏi, không cần biết Duyên thích hay không. Duyên đành tặc lưỡi kệ. Hầu không nói gì nhiều mỗi khi tặng hoa. Mặt anh thường ngượng ngập như chính anh là cô gái được nhận hoa. Có lẽ chỉ tìm được người để tặng đã là hạnh phúc với anh rồi.
Tới tuần, Duyên không thấy Hầu đến tặng hoa nữa. Một cảm giác nhẹ như thoát nợ khiến cô hết sức dễ chịu. Cô lí giải với cả nhà khi ngày cuối tuần đi dạy về không cồng kềnh với bó hoa nào trên tay:
- Anh ấy hết tiền, hoặc có đối tượng khác, có thể anh ấy đã tỉnh ngộ.
Mất nhiều mồi quá cá không cắn câu cũng đến lúc phải dừng chứ.
Bố Duyên nghi hoặc:
- Một lần chưa chắc đã thôi hẳn đâu, phải chờ xem.
Tuần thứ hai, Duyên vẫn không thấy bóng dáng Hầu cùng bó hoa hàng hiệu nữa. Cô bước lên chiếc cầu thang tối tăm thấy mỏi mệt hơn. Cả nhà thắc mắc có phần vui. Bà Xiêm bảo:
- Con cải tạo được nó rồi cơ đấy? Nhà ta phải ăn mừng thôi. Tuần thứ ba, Duyên bước chân ra cổng trường thoảng hoặc nhìn ngó nhưng ngoài dòng người đua chen bụi bặm thì không có gì hơn, cô thấy nhơ nhớ. Ngày 8/3 cũng chẳng có lấy nửa cánh hoa, Duyên bực bội một cách vô lí. Lẽ nào anh không còn chút tình cảm với cô? Lẽ nào tình yêu ở người ta dễ nguội đến vậy? Duyên bắt đầu trăn trở bởi những phân định, liệu sự cư xử của mình bấy nay với Hầu có quá đáng không? Rồi cô tự cười với thói đỏng đảnh trịch thượng của mình, đã không thích còn cứ muốn người ta quan tâm mãi. Cô đang vơ vẩn nghĩ suy trong sân trường thì có điện thoại của Lam. Duyên đến bệnh viện thấy Hầu nằm giữa một màu trắng lạnh, bên cạnh là bó hoa tươi. Lam đưa hoa cho Duyên và nghẹn ngào nói:
- Anh ấy mắc bệnh viêm gan B, chuyển sang giai đoạn ung thư từ lâu. Trước khi đi anh ấy dặn tớ phải trao bằng được bó hoa này cho bạn và cảm ơn bạn bấy nay đã nhận hoa.
Bó hoa nặng trịch trên tay. Duyên cố chẹn dòng nước mắt mà không được.