M
ột buổi sáng tháng Chín nọ, bác đưa thư giao cho tớ tấm bưu thiếp của cậu bạn Dejan gửi từ nước Ý. Nhìn vào tấm bưu thiếp, tớ không tin nổi vào mắt mình. Có ai trong số những du khách đang đứng gần những công trình kiến trúc ấy nhận thấy là cái tháp bị nghiêng không? Nó sắp đổ rồi đó? Phải có ai đó cảnh báo du khách về nguy cơ tai nạn chứ? Vậy mà Dejan đã cười sằng sặc khi nghe tớ nói điều đó.
Chuyện tấm bưu thiếp xảy ra đã lâu, và giờ thì Tháp nghiêng Pisa vẫn chưa đổ. Còn tớ đã nghiên cứu và khám phá ra bí ẩn của tháp nghiêng.
1. Xếp các quân đô-mi-nô theo hình bậc thang sao cho đằng ấy có thể xếp được càng nhiều quân cờ lên càng tốt. Ôi, coi chừng tháp đổ đấy!
2. Xếp lại một lần nữa. Lần này thử bắt đầu với khoảng cách rìa giữa các quân đô-mi-nô thật nhỏ, sau đó giãn rộng dần ra. Điều gì quyết định số lượng quân cờ đằng ấy có thể xếp cho đến khi cái tháp đổ sụp?
3. Thử bắt chước Tháp nghiêng Pisa xem nào, đứng thẳng người rồi ngả về phía trước. Khi nào cảm thấy mình sắp ngã ra thì dừng lại, đừng nghiêng thêm nữa.
"Bật mí" nè!
Tháp đô-mi-nô và cơ thể đằng ấy vẫn sẽ vững vàng chừng nào trọng tâm (trung tâm của trọng lượng) vẫn được duy trì trên phần đáy. Đáy của tháp cờ chính là quân đô - mi - nô đầu tiên, còn đáy của cơ thể đằng ấy là bàn chân.
Một khi trọng tâm của cơ thể (thường ở vị trí của rốn) vượt ra khỏi mũi bàn chân khi đằng ấy nghiêng, đằng ấy sẽ không còn đứng vững nữa và có thể bị ngã.