Vào cuối tháng 8-1966, nghe tin chị Lê Thị Bích Hường ở xã mình tay không bắt được giặc lái Mỹ, lứa học trò chúng tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục chị...
Vào cuối tháng 8-1966, nghe tin chị Lê Thị Bích Hường ở xã mình tay không bắt được giặc lái Mỹ, lứa học trò chúng tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục chị. Nghĩ rằng, ngoài lòng căm thù giặc sâu sắc, chắc chị phải có sức khỏe và dũng cảm lắm mới lập được chiến công như vậy. Tuy cùng xã nhưng chị Hường ở xóm vùng sâu nên tôi chưa biết mặt chị. Rời ghế nhà trường, tôi lên đường nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu. Nước nhà thống nhất tôi được xuất ngũ, trở về địa phương nghe nói chị Hường đã đi lấy chồng ở huyện khác.
Vừa qua, nhân chuyến đi thăm chứng tích trọng điểm Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, tiện đường qua xã Nam Hưng, Nam Đàn nơi chị Hường đang sinh sống, tôi tìm vào thăm chị. Điều làm tôi băn khoăn là khi hỏi thăm về chị, hầu hết những người dân địa phương đều không biết. Cuối cùng, tôi được một bác nông dân nói là cùng thời dân quân với chị Hường. Bác dẫn tôi tới tận cổng nhà chị.
Chị Hường ngày ấy, giờ đã là một bà già tuổi đã gần 70, vóc người bé nhỏ, khuôn mặt rám nắng, khắc khổ. Bà Hường vui vẻ mời tôi vào nhà. Khi biết tôi đến thăm và hỏi chuyện bắt phi công Mỹ năm xưa, bà rót nước mời tôi rồi vào trong buồng lấy cho tôi xem tấm huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng và một giấy chứng nhận của Bộ Quốc phòng, một bằng khen của Tỉnh đội Nghệ An, trong đó đều ghi: “Lê Thị Bích Hường đã dũng cảm mưu trí một mình tay không quần nhau với giặc, góp phần quan trọng trong việc bắt sống tên thiếu tá Mỹ lái máy bay ngày 27-8-1966”.
Sinh ra ở vùng Ngọc Sơn xã Thanh Lam (nay là xã Ngọc Sơn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cô bé Hường mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở nhỏ, nên phải đi làm thuê tự nuôi sống bản thân. Năm 1962, tròn 20 tuổi, Hường tình nguyện vào khu đồi Đình Long thuộc vùng sâu của xã để xây dựng kinh tế, rồi tham gia dân quân. Nhờ hoạt động tích cực, năng nổ và gan dạ, nên khi Mỹ ném bom miền Bắc năm 1964 chị được biên chế vào đội dân quân cảm tử của xã.
Trưa ngày 27-8-1966, trong lúc Hường đi chăn trâu phiên cho hợp tác xã ở khu đồi hoang, thì một tốp máy bay Mỹ đến ném bom. Một chiếc máy bay bị bộ đội pháo cao xạ bắn rơi, tên phi công nhảy dù xuống triền đồi gần nơi Hường đang chăn trâu. Giữa đồi hoang vắng, trong tay chỉ có chiếc liềm cắt cỏ nhưng Hường nghĩ nếu không nhanh chóng bắt sống tên giặc lái, có thể ít phút nữa hắn sẽ được máy bay trực thăng của đồng bọn đến cứu. Quyết không để tên giặc thoát thân, Hường cầm chiếc liềm vừa chạy, vừa lách giữa những bụi sim để tiếp cận. Lúc này, tên phi công đã gỡ được dù, một tay lăm lăm khẩu súng, tay kia xách điện đài chạy lên đỉnh đồi. Hường vẫn bí mật chạy theo. Khi đến gần tên phi công Mỹ cao to, mình thì nhỏ bé đứng chưa tới nách hắn, Hường cảm thấy rờn rợn. Nhưng hình ảnh những em bé, cụ già của xã mình bị Mỹ ném bom na-pan chết cháy cách đây ba hôm, lòng Hường lại sôi sục căm hờn. Thế là Hường xông vào, một tay nắm lấy thắt lưng, tay kia dí chiếc liềm vào cổ họng tên phi công thét lên: “Thằng giặc Mỹ giơ tay lên! Đầu hàng đi, mày đã bị bắt!”. Quá bất ngờ, tên phi công hoảng sợ, buông rơi khẩu súng và điện đài. Hai tay hắn giơ lên trời run rẩy, miệng lắp bắp. Hường vội đá khẩu súng văng ra xa, rồi đạp chân lên điện đài. Lúc ấy, dân làng cũng tràn lên mỗi lúc một đông, người nào cũng cầm gậy gộc. Để bảo đảm an toàn cho tên giặc lái, Hường đề nghị một tổ dân quân giải tên phi công xuống đồi theo đường tắt, số dân quân còn lại thu chiến lợi phẩm, rồi thuyết phục bà con giải tán trở về làng để tránh máy bay Mỹ có thể đến oanh tạc. Riêng Hường thì vẫn ở lại chăn đàn trâu cho đến tối mới về.
Sau sự kiện đó, các đơn vị dân quân trong huyện Thanh Chương đã phát động nêu gương tinh thần dũng cảm, mưu trí, tay không bắt giặc của Lê Thị Bích Hường. Chị còn được đi báo cáo thành tích ở một số đơn vị bộ đội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hội phụ nữ Thanh Chương, trong các cuộc họp khi nhắc đến tấm gương phụ nữ gan dạ, dũng cảm tay không bắt giặc đã có câu: “Bắt giặc Pháp có chị Chiên, bắt giặc Mỹ có chị Hường”.
Cuối năm 1968, trong một đợt đi phối hợp cùng đơn vị Thanh niên xung phong san lấp hố bom, thông đường cho xe chở hàng ra tiền tuyến, Hường gặp anh Bảo người xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, hai người yêu nhau rồi tổ chức đám cưới. Cưới xong, anh Bảo tiếp tục vào Nam mở đường phục vụ chiến đấu, còn Hường ở lại quê làm bí thư chi Đoàn thôn và là ủy viên chấp hành hội Phụ nữ xã cho đến ngày đất nước hết chiến tranh.
Hôm nay, được gặp lại nhân chứng và được nghe chính bà kể lại câu chuyện năm xưa tay không bắt giặc Mỹ, tôi bỗng nhớ lại một thời chiến tranh gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi tự hào của quân và dân ta. Và giả sử ngày ấy, có ai đó chụp được tấm ảnh chị dân quân Lê Thị Bích Hường, một tay nắm thắt lưng tên phi công, còn một tay đang dí chiếc liềm vào cổ bắt hắn đầu hàng, thì biết đâu chúng ta lại có bài thơ: “O dân quân Ngọc Sơn dùng liềm bắt giặc lái”?
Bài và ảnh: ĐẶNG VĂN MINH
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 16/12/2008)