“O du kích nhỏ giương cao súng…” Nguyễn Thị Kim Lai ngày xưa tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ mỗi khi ra mặt trận. Nay, chị đang tiếp sức cho những người bệnh bằng bài thuốc đông y chị học từ một người thầy ở Lào…
QĐND Online - “O du kích nhỏ giương cao súng…” Nguyễn Thị Kim Lai ngày xưa tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ mỗi khi ra mặt trận. Nay, chị đang tiếp sức cho những người bệnh bằng bài thuốc đông y chị học từ một người thầy ở Lào…
Cô gái tuổi 17 tươi trẻ năm nào giờ đã là một phụ nữ tuổi lục tuần, lên chức bà, tóc lốm đốm bạc, nhỏ nhắn, hiền hậu. Trong căn nhà nhỏ tại ngõ 5 đường Xuân Diệu, tổ 16, phường Bắc Hà, thị xã Hà Tĩnh, chị vui khi nhắc lại nguồn gốc bức ảnh “O du kích nhỏ” năm nào: “Đó là buổi chiều 20-9-1965. Để cứu đồng bọn trên những máy bay ném bom đã bị ta bắn rơi, ba chiếc trực thăng của Mỹ được phái đến quần lượn trên bầu trời Hương Sơn (Hà Tĩnh). Một trong ba chiếc ấy tiếp tục bị dính đạn, gãy cánh quạt, bọn giặc lái nhảy dù trốn vào rừng, mất dạng. Các lực lượng xã Hương Phong được huy động đi vây bắt.
Đại diện cựu chiến binh tặng hoa cho chị Kim Lai trong một buổi gặp mặt
Tôi lúc này mới vào dân quân được hai tháng, chưa rành mấy về súng đạn, chỉ biết mỗi động tác khoá an toàn và bóp cò, cũng hăng hái vác súng chạy. Thật bất ngờ, tôi lại là người đầu tiên phát hiện tên giặc lái Ariam Rôbinxơn đang ẩn nấp trong rừng. Biết địch có vũ khí nhưng tôi dạn lắm, không biết sợ là gì, cùng anh chị em trong trung đội xông vào trói hắn lại.
Nhìn tôi quá bé nhỏ bên tên giặc lại cao lớn dềnh dàng, mọi người trêu: “Để o Lai giải tên Mỹ đi, xem có to bằng bắp đùi của nó không?”. Quả thật, lúc đó tôi chỉ có 37kg, cao 1,48m còn tên Mỹ nặng 125kg và cao đến 2,2m. Sự tương phản khá độc đáo này đã được phóng viên Phan Thoan của báo Hà Tĩnh bấm máy trong khoảch khắc. Thế là bức ảnh nổi tiếng “O du kích nhỏ” đã ra đời và có tiếng vang cả thế giới. Nó càng có ý nghĩa hơn khi có bài thơ bình của nhà thơ Tố Hữu: “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế to gan hơn béo bụng. Anh hùng đâu cứ phải mày râu”…”.
Nhưng o Lai, nhân vật chính trong tấm ảnh không hề hay biết gì về sự kiện này. Chị làm dân quân, sau giữ chức xã đội phó, lăn lộn công tác ở địa phương với một sự dẻo dai hiếm có. Chiến trường kêu gọi, chị học lớp y tá cấp tốc rồi xung phong xin vào mặt trận B5, miền Tây Quảng Trị.
Năm 1967, Lai bất ngờ phát hiện mình trên hình chiếc tem thư. Các anh trong đơn vị ở B5 cũng không tin: “Mày mà có trong ảnh thì ở chi đây?”. Chị cũng không hề biết rằng trong thời điểm đó có rất nhiều phóng viên báo chí trong và ngoài nước “săn lùng” mình. Một số nhà báo phương Tây do không tìm được người thật việc thật nên cho rằng bức ảnh này do dựng lên mà có.
Đến năm 1973, khi xuất ngũ làm ở Ngân hàng Quảng Bình, lúc này chị mới thực sự tiếp xúc với họ. Nữ diễn viên nổi tiếng Giên Phonda của Mỹ nhận chị làm em gái, một nhà báo Đức nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh, sau đó chị không giữ được liên lạc với ai cả.
Cũng trong thời gian làm ở Quảng Bình, chị gặp nhà thơ Tố Hữu, một người mà chị vô cùng kính trọng. Đúng ra là ông cho gọi chị đến. “O Lai vào đây”, chị nhớ mãi giọng trầm ấm thân tình ấy và thấy thật vinh dự khi được nghe ông đọc thơ- bài thơ viết về chính mình. Nhà thơ đã can thiệp để địa phương cấp cho chị mảnh đất gần đường, thuận lợi cho việc đi lại và làm ăn. Chị cũng đã được ra Hà Nội, gặp gỡ nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Năm 1995, có một sự kiện lớn đối với “O du kích nhỏ” Kim Lai. Chị gặp lại viên phi công Mỹ bị bắt năm nào. Ariam Rôbinxơn cùng vợ và đoàn làm phim tư liệu Trung ương trở lại Hà Tĩnh thăm chị và để làm bộ phim “Cuộc hội ngộ sau 30 năm” của đạo diễn Lê Mạnh Thích do hãng NHK của Nhật Bản tài trợ.
Câu đầu tiên của người cựu binh Mỹ này là: “Chị cũng chẳng lớn được bao nhiêu”. Cả đoàn cười vang. Dù chị bây giờ đã mập hơn trước, nhưng trước một Rôbinxơn cao lớn lênh khênh, nặng đến 150kg (khi xe đoàn làm phim bị sa lầy ở Hương Phong, mình Rôbinxơn nhấc cả một đầu ô tô) thì o du kích vẫn thật bé nhỏ. Gia đình chị chiêu đãi họ bằng nồi khoai lang bốc khói. Vợ chồng người Mỹ cứ tấm tắc khen ngon.
Rôbinxơn kể lại ngày xưa, khi ở trong rừng, thấy chị phát hiện ra mình, anh đã định bắn trước, nhưng nhìn gương mặt trắng trẻo, ngây thơ quá lại thôi. Rồi cái đêm hãi hùng ở huyện đội Hương Sơn, chỉ nghe động cơ trên đầu, anh đã run bắn lên vì sợ máy bay Mỹ ném bom cả chính mình.
Còn Kim Lai, chị kể cho họ nghe bao tang thương mất mát ở làng quê mình bởi bom đạn Mỹ. Chuyện những ngày chiến tranh ấy, nhân dân trong xã chỉ có khoai sắn lót dạ nhưng cũng cố kiếm nấu cho Rôbinxơn nồi cháo gà. “Người Việt Nam nhân hậu quá”, đó là câu người cựu binh Mỹ này xúc động nhắc đi nhắc lại. Rôbinxơn cũng nói rằng, từ khi được trao trả về Mỹ, anh luôn là người tham gia các hoạt động tích cực ủng hộ Việt Nam. Cũng vì thế nên Rôbinxơn tích cực tham gia hoàn thành bộ phim về những ngày tháng anh bị bắt sống ở Hương Sơn.
Nhắc đến chuyện làm phim, giọng chị Lai sôi nổi hẳn: “Ngày xưa có ai bảo đâu, cứ thấy giặc là vác súng đi tìm. Bây giờ phải làm diễn viên đóng suốt mấy tháng, tay chân cứ lóng nga lóng ngóng. Nhưng rồi, cuối cùng, tôi cũng làm được. Tôi tin rằng, những việc tôi làm sẽ có ích cho đất nước. Sau này, tôi đã xem bộ phim trên truyền hình mấy lần, cả xóm ai cũng xem, vui lắm”.
Khi được hỏi ông Mỹ bụng to ấy có liên lạc với chị không, chị Lai bỗng đăm chiêu: “Ông ấy nghe đâu cũng vất vả lắm, lại chẳng có con cái gì để nương tựa. Lần qua Việt Nam ấy là nhờ mấy chục ngàn đô của đoàn làm phim tài trợ. Nước Mỹ có phải ai cũng giàu đâu. Thôi thì chỉ cầu mong ông ấy được thanh thản, yên ổn tuổi già”.
Chị Lai khoe, cuộc sống của chị bây giờ khá ổn định. Ba đứa con đều học hành đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm đàng hoàng. Chị đã về hưu, ở nhà bốc thuốc chữa bệnh. Nhờ những năm làm ở mặt trận B5, chị học được thầy đông y bên Lào cách chữa bệnh xơ gan cổ chướng, gan nhiễm mỡ bằng thuốc nam rất hiệu quả mà ít tốn kém. Không “quảng cáo” nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, bệnh nhân đến nhà chị khá đông.
Giúp người là chính, chị luôn tâm niệm vậy và răn mình sống xứng đáng với một thời tuổi trẻ, cái thời mà bức ảnh “O du kích nhỏ” luôn là hành trang của nhiều chiến sĩ, giúp họ thêm sức mạnh, niềm tin để chiến thắng kẻ thù.
Bài và ảnh: Hồng Vân A
(Báo Quân đội nhân dân, mục Chính trị, số ra ngày 11/4/2010)