Gia đình cụ Hồ Sĩ Tư ở làng Quỳnh Đôi (còn gọi là làng Quỳnh), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có 4 thế hệ gồm cụ, cùng con và cháu, chắt trong nhà vinh dự được gặp Bác Hồ và được Bác dành cho những tình cảm đặc biệt.
Cụ Hồ Sĩ Tư đậu Cử nhân khoa Nhâm Ngọ thời Tự Đức (1882), lúc 22 tuổi. Cụ đỗ cử nhân nhưng kiên quyết không ra làm quan, chấp nhận sống bần hàn với nghề dạy học. Cụ cho rằng ra làm quan là làm tay sai cho Pháp. Cụ là bạn, là đồng chí của cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ Phan Bội Châu ở Nam Đàn(1). Năm 1903, sau khi đỗ Phó bảng, cụ Nguyễn Sinh Sắc ra Hà Nội gặp cụ Lương Văn Can và các sĩ phu Bắc Hà. Lần đi này cụ mang theo hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Trên đường đi, cụ ghé thăm làng Quỳnh, nghỉ lại nhà cụ Cử Tư một thời gian. Theo nhà văn Sơn Tùng thì khi ở Quỳnh Đôi, cụ Sắc đã đến thăm nhà bà Trần Thị Trâm (bà Lụa). Bà Trâm là bà cô của nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu. Bà là một người hoạt động không mệt mỏi phục vụ cho các cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Yên Thế và Phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Bà được các nghĩa quân tôn là “Nữ kiệt đất Hồng Lam”, cụ Phan Bội Châu gọi bà là “Tiểu Trưng” (Bà Trưng nhỏ).
Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội chụp ảnh với 6 chiến sĩ Điện Biên Phủ tiêu biểu năm 1954 (cậu bé trong ảnh là Hồ Sỹ Hậu). Ảnh do tác giả cung cấp.
Đến Quỳnh Đôi, do cậu Nguyễn Sinh Khiêm bị lên nhọt bọc nên phải ở lại hàng tháng trời trị bệnh, còn Nguyễn Sinh Cung theo cha ra Hà Nội. Khi đó, Hồ Sĩ Đản, con trai cụ Cử Tư đã 19 tuổi, còn Nguyễn Sinh Cung mới 13 tuổi. Từ Hà Nội, cụ Sắc trở lại Quỳnh Đôi đón con trai. Khi ba cha con rời làng Quỳnh, bà Lụa, cụ Cử Tư và một số người làng đưa tiễn. Phút chia tay, cụ Sắc nói với mọi người: “Bà và các ông ạ, làng Quỳnh ta là đất văn hiến, lắm khoa bảng và giàu nghĩa khí, dân hàng tỉnh ai ai cũng khâm phục. Riêng đối với tôi, làng Quỳnh là nơi nghĩa trọng tình cao”, rồi ông cùng hai con hướng về làng Quỳnh vái ba vái(2).
52 năm sau, Bác Hồ mời một số thân phụ và thân mẫu của các đồng chí lãnh đạo Đảng ra Hà Nội. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Sĩ Tá, chắt cụ Cử Tư kể lại: Khi được thư ký giới thiệu: “Đây là cụ Hồ Sĩ Đản, thân phụ đồng chí Hồ Viết Thắng”, Bác rất mừng nói với cụ Đản: “Ngày còn nhỏ, tôi đã về nhà cụ ở làng Quỳnh Đôi rồi đấy, hồi đó tôi đã gặp cụ, cụ còn nhớ không?".
Cụ Đản cảm động trả lời: “Vâng, tôi vẫn nhớ”.
Người lại hỏi: “Cụ vẫn ở ngôi nhà ấy chứ?”.
Cụ Đản đáp: “Vâng”.
Câu chuyện này, cụ Đản nhiều lần kể cho con cháu. Cụ cảm động: “Bận bao nhiêu công việc trọng đại của đất nước, chuyện lại trôi qua mấy chục năm mà Người vẫn còn nhớ, đủ hiểu Người có tình cảm bao la, vĩ đại biết bao”.
Ra Hà Nội gặp Bác Hồ lần ấy, cụ Đản và thân phụ, thân mẫu của các vị lãnh đạo Đảng được chụp ảnh chung với Bác Hồ. Cụ Đản coi bức ảnh đó là một báu vật trong đời cụ nói riêng và cả gia đình nói chung.
Bác Hồ với các thân phụ, thân mẫu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, năm 1955.
Sinh thời, cụ Cử Tư rất chú ý dạy dỗ các cháu, nhất là cháu nội Hồ Viết Thắng. Ông Hồ Viết Thắng sinh năm 1918. Ngay khi còn nhỏ, ông đã được cụ Cử Tư dạy: “Cháu nhớ mất nước nhục lắm. Ông dạy cho cháu biết chữ để làm người, để giúp nước. Nếu sau này cháu có đi làm thuê cho Tây, đưa lễ về cúng ông, ông cũng đạp đi”. Lớn lên, ông Hồ Viết Thắng tham gia cách mạng, bị Pháp bắt kết án 18 năm khổ sai và đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột. Năm 1945 ra tù, ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa tại huyện Quỳnh Lưu, sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, rồi Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (năm 1951), ông Hồ Viết Thắng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách nông vận và là một trong những người được gần gũi với Bác Hồ. Sau này, ông Hồ Viết Thắng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm.
Thời kháng chiến chống Pháp, Khu 4 phải "thắt lưng buộc bụng" phục vụ kháng chiến. Làng Quỳnh Đôi vốn đã nghèo, cuộc sống càng khó khăn hơn. Ông Hồ Viết Thắng đi kháng chiến, một mình vợ ở nhà nuôi 3 con nhỏ bằng đôi quang gánh đi bán dạo dầu và nước mắm. Cơm không đủ ăn, nhiều hôm đứt bữa. Quần áo không đủ mặc nên cũng như nhiều đứa trẻ trong làng, đã 7 tuổi, mỗi cậu con trai chỉ có một chiếc quần đùi duy nhất để đến trường làng, về nhà lại vắt quần lên dây rồi nhông nhông đi chơi. Để chia bớt khó khăn, ông bàn với vợ đem theo một đứa lên chiến khu. Cậu bé Hồ Sỹ Hậu, năm ấy 8 tuổi, may mắn được đi theo cha. Lên Chiến khu Việt Bắc, cậu ở với cha trong cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng. Trong điều kiện chiến khu, những đứa trẻ con của các đồng chí Trung ương và các cô, các chú trong cơ quan đối với nhau như gia đình. Bác Hồ đối với bọn trẻ như ông nội đối với các cháu. Chiều thứ bảy, chúng thường kéo nhau lên nhà sàn chơi với Bác. Cậu bé Hậu đôi lần được Bác cho ngồi lòng, Bác chỉ cho cậu cảnh núi rừng, dòng suối, nương ngô. Những hình ảnh đẹp ấy theo cậu mãi cho đến sau này. Đặc biệt, ngày các chiến sĩ Điện Biên Phủ lên báo công và mừng sinh nhật Bác, tình cờ tha thẩn chơi giữa sân, Hậu được Bác Hồ gọi vào cùng Bác gặp các chiến sĩ Điện Biên Phủ. Lần ấy, đạo diễn phim người Liên Xô Roman Carmen đã quay khá nhiều hình ảnh Bác dắt tay Hồ Sỹ Hậu. Vinh dự nhất là Hậu được cùng 6 chiến sĩ Điện Biên Phủ chụp ảnh với Bác Hồ và các bác: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Liêm.
Lớn lên, Hồ Sỹ Hậu nhập ngũ, là kỹ sư thiết kế thi công tuyến ống xăng dầu vượt Trường Sơn. Trong gian khổ, ác liệt, chính những kỷ niệm được gặp Bác là một trong những động lực thôi thúc cậu phấn đấu cho xứng đáng với sự may mắn hơn các bạn cùng trang lứa. Cuối đời binh nghiệp, Hồ Sỹ Hậu mang quân hàm thiếu tướng. Ông tâm sự: “Gia đình tôi là một gia đình may mắn vì 4 đời đều được gặp Bác Hồ. Bởi vậy, tôi có trách nhiệm dạy con cháu phải sống sao cho xứng đáng với vinh dự ấy”.
HAI NGỌC
CHÚ THÍCH
(1) Hồ Sĩ Giàng-Từ Thổ Đôi trang đến xã Quỳnh Đôi, NXB Nghệ Tĩnh, 1988.
(2) Phan Hữu Thịnh, Quỳnh Đôi-Làng Văn hóa, xã Anh hùng, NXB Đại học Vinh, 2014.