Con người đều có một tâm lý và ý nghĩ mong muốn được gặp may, thường hy vọng vào việc nhận được lợi ích miễn phí từ người khác, thậm chí đi xe cũng mong được đi nhờ xe.
Trên những con đường cao tốc lớn nhỏ ở Mỹ, chúng ta thường thấy hai bên đường có người đứng vẫy xe hoặc dựng biển báo hy vọng có xe nào đi ngang thì sẽ đưa ra tín hiệu “hãy cho tôi đi nhờ một đoạn”, “hãy cho tôi đi nhờ xe”. Nhưng lòng người khó đoán, người tốt - người xấu khó phân, bạn cho họ đi nhờ xe ngộ nhỡ gặp phải người xấu, hậu quả sẽ không thể lường được, cho nên làm việc tốt cũng cần có trí tuệ.
Song, cũng không nên cho rằng mọi người trên thế giới đều là xấu xa, không nên hoàn toàn phủ định tất cả, vì cơ bản việc cho đi nhờ xe là một hành động đẹp, là một việc làm tốt. Hiện nay, các nước phương Tây đề xướng phương tiện có sức chở lớn, những người trong cùng một khu vực, mọi người hẹn nhau bốn người sẽ luân phiên lái xe đi làm, một mặt có thể tiết kiệm được nguồn năng lượng, đồng thời có thể tránh ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Chính phủ đã khuyến khích thói quen đó, vì thế đã mở một làn đường trên đường cao tốc dành riêng cho các phương tiện như thế.
Ngoài ra, cũng có những phụ huynh sống chung một khu vực có con cái học cùng trường, họ sẽ luân phiên đưa đón chúng đi học, giúp tiết kiệm được thời gian, sức lực, năng lượng. Đồng thời đó cũng là cách họ hỗ trợ nhau trông nom con cái, thúc đẩy sự tương tác và mối quan hệ giữa mọi người với nhau, tiến tới thúc đẩy sự hài hòa, tình giao hữu của những gia đình sống chung một khu vực.
Vì sao nên cho đi nhờ xe? Bởi chỉ cần trong xe còn một chỗ trống, chính là lãng phí tài nguyên và cho người khác đi nhờ xe là trợ duyên cho họ trong việc khỏi lãng phí tiền bạc. Bạn cho người khác đi nhờ xe, mọi người cũng sẽ cho bạn đi nhờ xe, giữa người với người cùng giúp đỡ lẫn nhau xã hội này sẽ trở nên đáng yêu hơn. Cho nên, có rất nhiều việc tốt, hy vọng các tổ chức xã hội, đặc biệt là các đoàn thể tôn giáo nên khởi xướng quan niệm “đi nhờ xe”. Ví dụ như: Khi muốn mở một cuộc họp, trong khi nhà bạn chật hẹp, bạn có thể mượn hội trường khu dân phố để tổ chức; muốn mời khách đến nhà, đồ dùng trong nhà bạn đầy đủ hơn đồ dùng nhà tôi, tôi sẽ hỏi mượn dùng một chút; giáo đường, tự viện của bạn có nhiều phòng ở, nhưng không dùng tôi có thể đến ngủ nhờ một đêm. Hay khi con cái chuẩn bị thi cử, phòng sách nhà bạn to, thì cho bọn trẻ nhà tôi mượn nơi đó để ôn bài. Tại các ngôi chùa thời xưa, đã có không ít các nhà Nho lớn đã ở nhờ, như: Phạm Trọng Yêm1, Lã Mông Chính2. Họ vào chùa ở nhờ để chuyên tâm đọc sách nhờ đó mà đạt được thành công. Việc đó cũng giống như việc đi nhờ xe vậy.
1 Phạm Trọng Yêm (989 - 1052): Tự là Hy Văn, thụy là Văn Chính, ông là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống.
2 Lã Mông Chính (178 - 220): Tên tự là Tử Minh, được xưng tụng là Lã Hổ Uy, là một danh tướng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Hoa. Ông làm tể tướng suốt ba đời vua, nổi tiếng bởi sự khoan dung độ lượng, nhân hậu, cương trực.
Từ việc đi nhờ xe làm cho con người liên tưởng đến việc học dự thính trong trường đại học. Hoặc là ở một số rạp hát, sân khấu kịch, khi đến giờ biểu diễn, nếu còn ghế trống thì sẽ mở cửa cho người vào xem miễn phí. Bởi vì việc tạo điều kiện thuận tiện cho người, chính là tạo điều kiện thuận lợi cho chính mình. Nếu ai cũng không tạo điều kiện, một chút lợi cũng không chịu dành cho người khác, chỉ muốn chiếm lấy điều lợi của người khác thì sẽ tạo thành một xã hội ích kỷ, tư lợi. Cho nên, một quốc gia nếu muốn nâng cao sức mạnh của xã hội cần phải có một nền giáo dục xã hội. Chúng ta cần có quan niệm “mọi người trong thiên hạ là một nhà”. “Đi nhờ xe” chính là đức tính tốt đẹp trong việc giúp đỡ lẫn nhau giữa bạn và tôi, thật đáng để ủng hộ.