Bạn đang sống trong một thế giới thay đổi không ngừng.
- Ngạn ngữ Trung Quốc
Hãy tưởng tượng rằng một ngày nọ, bạn được chọn tham gia chuyến du hành đến một hành tinh lạ. Tất cả những gì bạn biết là hành tinh đó có những sinh linh với diện mạo giống hệt bạn. Sau hành trình dài vượt không gian, phi thuyền đáp xuống vùng đất xa xôi ấy. Bạn được chào đón bởi những sinh vật dễ thương, rất giống con người, thậm chí nói được tiếng Anh!
Vài tiếng đồng hồ tiếp theo, bạn cố gắng trò chuyện với các sinh vật này. Thoạt đầu, mọi việc khá suôn sẻ, nhưng càng về sau, không khí dần căng thẳng bởi tuy hiểu tiếng Anh, nhưng những người hành tinh lạ lại hiểu lầm những nỗ lực giao tiếp của bạn. Bạn nói một đường, họ hiểu một nẻo. Ví dụ như khi bạn thể hiện sự hiếu kỳ thì họ lại cho rằng bạn đang chỉ trích họ. Quan sát cách họ giao tiếp với nhau, bạn càng thấy rõ sự khác biệt giữa họ với con người. Con người thường đánh giá cao sự hợp tác, sự nhạy cảm nhưng họ dường như chỉ có cạnh tranh và cạnh tranh. Con người quen chia sẻ cảm xúc còn họ thì giấu kín. Càng ở lâu với những sinh vật lạ, bạn càng chán nản.
Cuối cùng, bạn và nhóm thám hiểm quyết định rời hành tinh xa lạ lạnh lẽo ấy. Bạn tin chắc là những sinh vật kia rất vui mừng khi thấy bạn sắp rút đi, bởi họ có vẻ chẳng mấy nhiệt tình với chuyến viếng thăm của bạn. Nhưng một lần nữa bạn phải ngạc nhiên khi họ buồn bã lúc bạn thông báo sắp khởi hành. Họ nói rằng họ rất thích quãng thời gian có bạn ở bên và năn nỉ bạn đừng đi. Lòng vô cùng bối rối, nhưng bạn vẫn kiên quyết bước lên phi thuyền. Và khi đã ngồi vào ghế, cảm nhận được động cơ tên lửa đang nâng phi thuyền lên không trung, bạn bất chợt thầm nghĩ: Đó là những người lạ lùng nhất mình từng gặp. Những gì họ nghĩ không giống những gì họ nói. Họ cư xử như thể họ chẳng quan tâm đến mình nhưng thực ra lại quan tâm rất nhiều. Họ có vẻ không thích thấy mặt mình, vậy mà lại buồn bã khi mình ra đi. Ừm, đến thăm những người này cũng thú vị nhưng chắc chắn mình không thể sống cùng họ.
KHỞI HÀNH VÀO THẾ GIỚI ĐÀN ÔNG
Nếu bạn vẫn chưa nhận ra ẩn ý của câu chuyện trên, tôi xin bật mí ngay: những “sinh vật lạ” ấy đang hiện diện quanh ta với tên gọi “đàn ông”. Khi bạn nhận ra những khác biệt rõ rệt về mặt sinh lý, tâm lý và xã hội giữa nam giới - nữ giới, bạn sẽ tự nhiên cảm thấy đàn ông dường như đến từ một hành tinh khác. Đó cũng là lúc bạn nên dừng lại một chút và suy nghĩ về việc sống với một người hoàn toàn khác bạn về xuất thân, cách được giáo dục, cách ứng xử với cộng đồng. Bạn cũng nhận ra rằng đó là việc bất khả thi phải không? Thế mà mỗi ngày chúng ta đều cố gắng khỏa lấp những khác biệt để kết nối với nam giới, và thật kỳ lạ là chúng ta làm rất tốt!
Như đã nói ở phần đầu, những khác biệt giữa nam và nữ tồn tại nhiều thế kỷ nay và phụ nữ thường chấp nhận, thích nghi với những khác biệt này và cố gắng đảm nhận những vai trò mà xã hội giao phó. Song, đến đầu thế kỷ XX, cuộc cách mạng bình đẳng giới nổ ra, giúp phụ nữ nhận thức rõ giá trị bản thân và đòi hỏi nam giới phải công nhận họ. Lần đầu tiên, phụ nữ dám đòi quyền bình đẳng trên tất cả mọi phương diện và dần phá bỏ những bổn phận khuôn mẫu mà họ và những thế hệ trước đó như mẹ, bà… buộc phải chấp nhận. Về sau, những phương pháp ngừa thai hiệu quả và những cánh cửa nghề nghiệp ngày càng rộng mở đã giúp phụ nữ chủ động hơn về kinh tế, kế hoạch hóa, thoát khỏi sự lệ thuộc vào đàn ông.
Cũng từ đó, mối quan hệ nam - nữ bắt đầu khủng hoảng. Đàn ông vốn quen nắm thế thượng phong, muốn phụ nữ phải phục tùng họ. Nhưng bây giờ, phụ nữ chúng ta bắt đầu lên tiếng: “Tôi không muốn sống như thế nữa!”, dù trong lòng chúng ta vẫn hoang mang, chưa chắc chắn lắm rằng mình có thật sự muốn trở thành người phụ nữ “hoàn toàn mới” hay không. Chính sự hoang mang ấy khiến cho đàn ông càng phức tạp trong mắt chúng ta, giống như ta đang chơi một trò chơi quen thuộc nhưng toàn bộ quy tắc cũ bị phá bỏ trong khi những quy tắc mới chưa kịp hình thành. Mới phút trước ta mong muốn được tự do, phút sau ta lại muốn được chở che. Chúng ta muốn làm việc và học hỏi để nuôi sống bản thân nhưng cũng muốn những người đàn ông phải biết mở cửa chờ ta tại công ty. Chúng ta hy vọng nam giới biết cởi mở và dám chia sẻ những điểm yếu của họ, thế nhưng chính ta lại quay lưng đi khi thấy họ trở nên yếu đuối. Những chuẩn mực đầy mâu thuẫn ấy làm ta trăn trở và khiến đàn ông phát điên lên.
Là người phụ nữ hiện đại, ta đang từng bước chinh phục con đường công danh, tiền bạc. Nhưng đây cũng là lúc ta thấy chán nản hơn bao giờ hết trong những mối quan hệ dường như không có chút tiến triển với người khác phái. Một nữ doanh nhân thành đạt vừa tâm sự với tôi: “Tôi có thể kiếm ra hàng trăm ngàn đô-la lợi nhuận cho công ty và quản lý toàn bộ đội ngũ nhân viên, nhưng lại không biết làm sao để hòa hợp với một người đàn ông!”. Đối với cô ấy và nhiều chị em phụ nữ khác, đàn ông chính là “pháo đài cuối cùng”, là ẩn số chưa có lời giải trong cuộc sống.
Lưu ý: Đây không phải là cuốn sách “kể tội” đàn ông. Phụ nữ chúng ta không buộc tội hay dằn vặt họ vì những điều họ đã làm.
CUỐN SÁCH NÀY TẬP HỢP NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH MÀ TÔI MUỐN CHIA SẺ VỚI CHỊ EM PHỤ NỮ, ĐỂ GIÚP HỌ HIỂU RÕ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG XUNG QUANH VÀ BIẾT CÁCH ỨNG XỬ CHO PHÙ HỢP.
TẠI SAO ĐÀN ÔNG LÀM VẬY?
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao đàn ông thích tự mò mẫm tìm đường hàng giờ liền thay vì dừng lại hỏi ai đó?
Bạn có bao giờ cho rằng khi người đàn ông cố gắng điều khiển bạn thì chỉ càng chứng tỏ rằng họ đang lo bạn mạnh mẽ hơn họ?
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao đàn ông thường không thoải mái khi bạn “đi guốc trong bụng” họ?
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao đàn ông luôn chú ý những chuyện đâu đâu, trong khi bạn đang cố gắng thu hút sự chú ý của họ?
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao một người đàn ông luôn khăng khăng không hề buồn phiền hay lo lắng gì, trong khi bạn biết chắc rằng lòng dạ anh chàng đang “rối như tơ vò”?
Không phải chỉ mình bạn sẽ trả lời “Có” cho vài câu hỏi trong số trên. Tất cả phụ nữ đều từng chán nản khi không hiểu được một số hành động của người đàn ông mình yêu thương. Điều đầu tiên bạn cần biết là:
Đàn ông hành động như vậy không phải để khiêu khích bạn mà vì họ vốn đã quen như vậy. Chính thói quen này khiến họ trở nên khó hiểu.
Chúng ta hãy cùng phân tích một số vấn đề sau:
1. Vì sao tôi gọi đàn ông là “người thợ săn đơn độc” hoặc “chiến binh lạc loài”?
2. Tại sao đàn ông luôn luôn muốn thống trị phụ nữ?
3. Tại sao đàn ông không quen yêu thương?
4. Truyền hình đã tiêm nhiễm những vai trò nam nữ rập khuôn cho ta thế nào?
ĐÀN ÔNG: NGƯỜI THỢ SĂN ĐƠN ĐỘC
Chuyện xảy ra hàng ngàn năm trước, trái đất lúc ấy là một hành tinh hỗn độn với sự biến động không ngừng của núi lửa, bão tuyết, lũ lụt và khí hậu khắc nghiệt. Những loài động vật hoang dã tự do lang thang khắp nơi với số lượng áp đảo, còn loài người bé nhỏ thì tụ thành những nhóm nhỏ tìm chốn nương thân. Trong thế giới hỗn mang ấy, chỉ có sự sinh tồn thích nghi là quan trọng nhất.
Có gia đình nọ co cụm lại trong một hang động nhỏ bên sườn đồi, họ chỉ ăn duy nhất một bữa mỗi ngày. Bữa ăn ấy lèo tèo vài miếng thịt nai rừng mà người đàn ông săn được cách đây hai hôm. Đó là tất cả những gì còn sót lại sau chuyến đi săn. Người đàn ông cố gắng tìm kiếm nhiều thức ăn hơn nhưng vô vọng bởi thời tiết quá khắc nghiệt. Tuyết rơi suốt tuần và hầu hết thú rừng đã di chuyển đến những thung lũng ấm áp phía Nam. Nhưng khi ông nhìn người vợ và hai con nhỏ thèm khát liếm những mẩu vụn thức ăn dính trên ngón tay, ông biết mình phải ra ngoài, đi săn cho đến khi nào kiếm được thức ăn thì mới trở về. Nếu thất bại, cả ông và gia đình sẽ chết đói và bị xé xác bởi lũ sói hoang hàng đêm vẫn tru quanh đây.
Bỗng nghe có tiếng động lạ, ông nhỏm dậy, tiến về phía cửa hang, đứng thủ thế. Có thể một gã lực lưỡng nào đó đang muốn giết ông để cướp vợ và cả cái hang động này, cũng có thể là một con sói hoặc sư tử sẵn sàng tấn công cả gia đình ông để thỏa cơn đói, hoặc đó chỉ là cơn gió lùa qua kẽ hang. Ông không bao giờ chắc chắn bất cứ điều gì. Vì vậy, ông không bao giờ ngồi xoay lưng lại với cửa hang mà luôn đối diện với nó để kịp phát hiện mọi mối đe dọa đang đến gần. Ngay cả khi ngủ, ông vẫn dành một phần trí óc để kịp phát hiện những âm thanh báo hiệu hiểm nguy.
Sau một lúc, ông lại ngồi xuống cạnh đống lửa, tim đập thình thịch. Thật sự ông đang lo sợ, và vốn dĩ ông luôn luôn lo sợ điều này, điều nọ. Nhưng khi ngước lên nhìn vợ và hai con, ông quyết không để họ biết nỗi sợ hãi của mình. Ông hiểu, nếu họ thấy ông mất can đảm, thì họ sẽ tuyệt vọng với tương lai. Không có ông, họ sẽ chết. Ông tự nhủ: “Không được run sợ, ta phải mạnh mẽ lên. Hãy nhớ rằng ta là ai. Ta là một người đàn ông. Là một thợ săn!”.
CHIẾN BINH LẠC LOÀI
Cuộc sống của người đàn ông trong xã hội hiện đại dường như không còn phải chịu những áp lực như tổ tiên xưa kia, dù cách đây không lâu, đàn ông vẫn phải săn tìm thức ăn cho gia đình và luôn sẵn sàng bảo vệ họ trước kẻ thù.
Đến thế kỷ XX, đàn ông không còn săn bắn, chiến đấu. Những kỹ năng được duy trì và tôi luyện qua bao nhiêu thế kỷ không còn cần thiết nữa. Không còn chiến tranh, không kẻ thù, không thử thách, nên đàn ông trở thành “chiến binh lạc loài”.
Có bao nhiêu lần phụ nữ phải than phiền về người đàn ông của họ?
“Mặc kệ tôi nói gì, anh ta lúc nào cũng ở thế phòng thủ, cứ như sắp lao vào một cuộc chiến nào đó.”
“Anh ấy rất hiếm khi cởi mở, bày tỏ cảm xúc thật trước mặt tôi. Anh ấy lúc nào cũng cố tỏ ra mạnh mẽ.”
“Tôi mong chồng mình có thể kết bạn với những người đàn ông khác, nhưng hình như anh ta không mấy thân thiện với họ.”
“Bob luôn nghiêm trọng hóa vấn đề khiến tôi rất khó chịu. Tôi cố gắng giúp anh ấy suy nghĩ thoáng hơn, nhưng chỉ mỗi việc làm báo cáo hôm nay hoặc ngày mai thôi mà anh ấy căng thẳng như đang lựa chọn giữa sống hay chết vậy.”
“Bạn trai tôi luôn nổi giận khi bị phê bình, chơi xấu hay khiêu khích. Anh ấy cho rằng bất kỳ hành động đối nghịch nào cũng là một cuộc tấn công, thế là anh ấy mỉa mai, hung hăng đánh trả lại cứ như một con bò tót.”
“Chồng tôi luôn giấu kín trong lòng những nỗi muộn phiền và trở nên lạnh lùng, xa cách. Tôi phải gạn hỏi suốt mất ngày chồng tôi mới chịu bộc bạch nỗi niềm.”
Có lẽ bạn cũng đã nhìn thấy những tàn dư của tâm lý “thợ săn” - “chiến binh” còn sót lại trong thái độ, cách ứng xử của những người đàn ông thời hiện đại. Họ bị chi phối bởi những ảnh hưởng bên trong mà thậm chí họ không nhận ra. Có học thuyết cho rằng loài người có “trí nhớ di truyền”, một loại nhận thức tồn tại xuyên suốt nhiều thế kỷ, có khả năng nối kết một con người bình thường, sống một cuộc đời bình thường ở vùng quê yên ả với những họ hàng của anh ta cách đây hàng ngàn năm.
DƯỜNG NHƯ NAM GIỚI LUÔN KHẮC CỐT GHI TÂM NHỮNG BẢN NĂNG NGUYÊN THỦY NHƯ: PHÒNG VỆ, KHÔNG BAO GIỜ BỘC LỘ ĐIỂM YẾU, NẮM QUYỀN ĐIỀU KHIỂN… VÀ THỂ HIỆN NHỮNG ĐIỀU NÀY TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY MỘT CÁCH VÔ THỨC.
TẠI SAO ĐÀN ÔNG LUÔN MUỐN NGỒI MỘT VÀI CHỖ NHẤT ĐỊNH TRONG NHÀ HÀNG?
Cách đây khá lâu, có một việc khiến tôi phải công nhận rằng thuyết “trí nhớ di truyền” là đúng.
Khi ấy, tôi kết giao với một anh chàng làm nghề giáo viên và viết văn. Những lần ra ngoài ăn tối cùng nhau, tôi đều nhận thấy một điều khá lạ. Chúng tôi bước vào nhà hàng, người phục vụ sắp xếp cho chúng tôi chiếc bàn còn trống và tôi sẽ ngẫu nhiên ngồi xuống chiếc ghế nào đó. Nếu chiếc ghế tôi ngồi xoay lưng lại với hầu hết mọi thực khách, anh bạn của tôi sẽ ngồi vào ghế đối diện. Nhưng nếu tôi chọn chiếc ghế có góc lý tưởng để quan sát toàn bộ nhà hàng, anh ấy dường như không vui và sẽ đề nghị tôi đổi chỗ. Vài lần đầu, tôi đồng ý và không suy nghĩ điều gì. Cho đến một buổi tối nọ, tôi lên cơn ương bướng khi anh ấy đề nghị đổi chỗ. Tôi nói:
- Hôm nay em muốn ngồi ở đây. Lúc nào anh cũng ngồi chỗ tốt rồi, em muốn ngồi thử một lần xem sao.
Anh ấy miễn cưỡng ngồi xuống chiếc ghế đối diện, xoay lưng lại với nhiều người. Chúng tôi gọi món và tôi bắt đầu kể về ngày làm việc của mình cùng nhiều đề tài khác. Nhưng rồi tôi nhận ra anh ấy cứ ngọ nguậy trên ghế và có vẻ không thoải mái lắm.
- Có chuyện gì thế? - Tôi hỏi.
- Anh không thích ngồi ở đây, không dễ chịu chút nào! - Anh trả lời.
- Em không hiểu, ngồi ở đó sao lại khó chịu?
- Anh chẳng nhìn thấy gì cả. - Anh ấy giải thích - Quay lưng lại với mọi người làm anh cứ thấy lo lo thế nào ấy…
Suốt nửa tiếng sau đó, chúng tôi cùng phân tích cảm giác lạ lùng của anh ấy khi ngồi quay lưng lại với mọi người trong phòng. Và rồi chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi khám phá một điều: dù chưa bao giờ ý thức được nhưng anh luôn chọn chỗ ngồi sao cho có thể nhìn bao quát căn phòng, bất kể ở nhà hàng hay trong một bữa tiệc. Dẫu biết rằng không có mối đe dọa hay nguy hiểm nào ở đây nhưng anh ấy vẫn thấy không an toàn khi ngồi quay lưng lại với mọi người. Thậm chí, chỉ cần nghĩ rằng sẽ phải ngồi vào vị trí ấy cũng đủ làm anh bất an, giống như thể có một giọng nói trong đầu đang lên tiếng cảnh báo: “Coi chừng! Cẩn thận đấy!”.
Bạn tôi tuy không thuộc loại “nam nhi đại trượng phu” nhưng khá lịch lãm, trí thức. Anh khăng khăng cho rằng mình chưa bao giờ được bố hoặc quân đội huấn luyện ngồi theo thế phòng ngự như vậy, thậm chí anh ấy cũng không nhận ra điều này nếu không nghe tôi nói. Chúng tôi không tìm ra được một lời giải thích hợp lý nào hơn ngoài thuyết “trí nhớ di truyền” - đàn ông không nên quay lưng lại với “cửa hang động”.
Từ sau sự việc đó, tôi thường hỏi những người đàn ông về thói quen lựa chọn chỗ ngồi của họ trong nhà hàng. Phần lớn đều đồng ý rằng họ thấy thoải mái hơn nếu có thể quan sát toàn bộ không gian và không thích ngồi quay mặt vào tường. Có thể bạn cũng muốn thử làm một nghiên cứu nhỏ về điều này: Nếu bạn muốn làm một người đàn ông nào đó thấy khó chịu, hãy đề nghị anh ta ngồi quay mặt vào tường và mặc sức quan sát anh ta ngọ nguậy suốt buổi!
Tại sao đàn ông ở thế thống trị?
Trước khi có các phương pháp kế hoạch hóa gia đình, vai trò của đàn ông - phụ nữ được phân định rất đơn giản: phụ nữ có thể sinh con còn đàn ông thì không. Lấy ví dụ hai người tiền sử tên là Jack và Jill sống và săn bắn cùng nhau. Nếu Jill không muốn bị lép vế trước Jack, tốt nhất, cô ấy đừng quan hệ tình dục với anh ta. Bởi khi đã quan hệ, Jill sẽ mang thai và thế cân bằng lập tức biến mất. Chẳng bao lâu, Jill trở nên nặng nề, di chuyển khó nhọc. Rồi cô ấy sinh con, cho con bú, bận chăm sóc con nên không thể ra ngoài hái lượm. Đến khi đứa con thứ ba, thứ tư ra đời thì Jill hoàn toàn phụ thuộc vào Jack khi cô phải dành toàn bộ thời gian chăm sóc bọn trẻ.
Lúc ấy, Jack cũng như tất cả đàn ông khác, sẽ có sức mạnh tối thượng đối với phụ nữ, bởi lý do duy nhất: họ có thể săn bắn, phân phát thức ăn. Thợ săn nào giết được nhiều thú rừng nhất sẽ trở thành tù trưởng. Nếu bạn không vâng phục và tuân thủ luật lệ của họ, họ sẽ không phân phát thịt cho bạn và bạn sẽ chết đói. Mọi chuyện đơn giản thế thôi. Ngày nay, vẫn còn một số đàn ông khó chịu khi vợ đi làm, bởi họ sợ sức ảnh hưởng của mình bị giảm sút khi vợ có thể tự mang “thịt” về nhà. Và nhiều thế kỷ sau khi đàn ông không còn săn bắn, phụ nữ vẫn phải dành nhiều thời gian ở nhà để thực hiện thiên chức làm mẹ. Đàn ông tiếp tục nắm giữ thế mạnh kinh tế nên vẫn ở thế thống trị.
GIẢI THÍCH BẰNG TÂM LÝ HỌC
Có bao giờ bạn nghĩ rằng một người đối xử tệ bạc, luôn hạ thấp bạn chỉ vì anh ta đang ghen tị, thậm chí là sợ bạn? Nhiều học thuyết cho rằng đàn ông luôn muốn ở vị trí thống trị là vì nỗi ghen tị và sợ hãi sâu xa trước sức mạnh sáng tạo của phụ nữ. Cơ thể phụ nữ có những biến đổi kỳ diệu mà đàn ông không thể hiểu được, phụ nữ được ban cho một trực giác đặc biệt, nhiều khả năng sáng tạo mà đàn ông không có. Và trên hết, phụ nữ có khả năng kỳ diệu nhất là có thể mang thai và sinh con. Tất cả những điều này làm đàn ông mong muốn được ở thế thống trị đối với phụ nữ.
Một học thuyết gần đây cho rằng, mong muốn thống trị của đàn ông bắt nguồn từ nhu cầu không thích bị nhận dạng giống như phụ nữ, đồng thời phản ánh xu hướng muốn thoát ly khỏi ảnh hưởng của người mẹ. Người mẹ là hình mẫu và cũng là mối quan hệ xã hội đầu tiên của một đứa trẻ, chính vì vậy, trẻ sẽ hình thành những nét tính cách giống mẹ, trừ khi nó chủ động làm điều gì đó để tách rời khỏi mẹ. Chúng ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện này ở các cậu con trai vào tuổi dậy thì - chúng không muốn được mẹ ôm hôn hay chạm vào người. Thậm chí, trong quá trình nỗ lực chứng minh chúng là đàn ông và khác biệt với phụ nữ, chúng có thể khẳng định chắc nịch rằng chúng ghét mẹ.
Nancy Chodorow - tác giả cuốn sách “The Reproduction of Mothering” (Bản sao của người mẹ) - giải thích: “Xét một cách sâu xa, đứa con trai thường cố tình cự tuyệt mọi liên hệ và cảm giác phụ thuộc vào người mẹ…Để làm được điều này, anh ta cố gắng kiềm chế bất cứ hành động nữ tính nào bên trong con người mình và nhất là bôi nhọ tất cả những điều anh ta cho là thuộc về nữ giới”.
CẬU BÉ BẤT TRỊ TỒN TẠI BÊN TRONG MỖI NGƯỜI ĐÀN ÔNG LUÔN THÔI THÚC HỌ TÌM CÁCH CHÚNG TỎ MÌNH KHÔNG GIỐNG MẸ, KHÔNG NGỪNG CỐ GẮNG LẤN ÁT PHỤ NỮ VÀ TỰ CHO RẰNG PHỤ NỮ THẤP KÉM HƠN MÌNH. TẤT CẢ HÀNH ĐỘNG ẤY LÀ CÁCH ĐỂ ĐÀN ÔNG KHẲNG ĐỊNH: “THẤY CHƯA, TÔI CHẾ NGỰ ĐƯỢC CÁC NGƯỜI NGHĨA LÀ TÔI MẠNH HƠN VÀ KHÔNG HỀ GIỐNG CÁC NGƯỜI”.
Trong những phần sau, tôi sẽ giải thích vì sao mong ước thoát khỏi người mẹ từ thời thơ ấu vẫn còn ảnh hưởng đến các hành vi của người đàn ông trưởng thành.
CÁCH ĐÀN ÔNG ĐƯỢC “NHÀO NẶN” ĐỂ XA LẠ VỚI YÊU THƯƠNG
“Nó là con trai!” - vị bác sĩ tuyên bố như vậy và từ đó trở đi, hình hài bé nhỏ ấy được đối xử khác hẳn với bé gái ở phòng bên cạnh. Mời bạn theo dõi những thông tin được soạn trích từ nhiều nguồn nghiên cứu dưới đây:
• Cha mẹ của các bé trai sơ sinh thường có xu hướng mô tả con mình là cứng cáp, mập mạp, lanh lợi, khỏe mạnh. Trong khi đó, cha mẹ của các bé gái sơ sinh thường mô tả con mình là đáng yêu, mịn màng, nhỏ nhắn, xinh xắn, thanh tú. Các bậc cha mẹ thật sự tin tưởng con cái họ biểu lộ những nét đặc trưng này, dù theo các báo cáo của bệnh viện thì thường có rất ít hoặc không hề có sự khác biệt nào giữa hai nhóm trẻ sơ sinh này.
• Cha mẹ thường kỳ vọng vào bé trai nhiều hơn các bé gái, mong muốn chúng sẽ sống có trách nhiệm, mạo hiểm hơn.
• Cha mẹ thường khuyến khích con trai sống tự do, độc lập hơn con gái. Họ ít quan tâm khi bé trai bị bắt nạt, trầy xước. Họ cũng thường để con trai được tự do sớm hơn so với con gái.
• Cha mẹ mong muốn con trai biết làm chủ cảm xúc, còn con gái thì hãy cứ biểu lộ ra ngoài. Con trai cũng được dạy rằng những cảm xúc mạnh mẽ như sợ hãi, buồn bã, đam mê, say đắm trong tình yêu… đều ảnh hưởng đến “phong độ đàn ông”. Trong quyển sách “Male Sexuality” (Bản năng đàn ông), Tiến sĩ Bernie Zilbergeld đặc tả các bé trai được dạy để nhìn nhận việc bộc lộ cảm xúc của mình như sau: “Các bé trai được dạy từ sớm rằng chỉ có một số ít cảm xúc như hung hăng, cạnh tranh, giận dữ… và tất cả những gì liên quan đến tính chỉ huy mới là phù hợp. Khi trở thành các chàng trai, danh sách ấy được cộng thêm những xúc cảm giới tính. Sự yếu đuối, lo lắng, sợ hãi, dễ tổn thương, tế nhị, lòng trắc ẩn và tình yêu là những thứ được cho là chỉ hợp với phái nữ. Một chàng trai nếu có bất kỳ một biểu hiện nào như vậy chắc chắn sẽ bị chế giễu và gọi là “đồ ẻo lả” hoặc “con gái” (còn gì tệ hại hơn như thế?)”.
Ngày nay, nhiều cha mẹ tiến bộ đã cố tránh sự rập khuôn giới tính đối với con cái. Nhưng hầu hết đàn ông vẫn còn là nạn nhân của sự định hình này từ thời thơ ấu.
TRUYỀN HÌNH ĐÃ TIÊM NHIỄM VAI TRÒ GIỚI TÍNH CHO TA NHƯ THẾ NÀO?
Từ nhỏ, chúng ta ý thức được giới tính của mình không chỉ qua cha mẹ mà còn nhờ hàng ngàn giờ đồng hồ ngồi trước ti vi. Có rất nhiều nghiên cứu thú vị với kết quả đáng ngạc nhiên về những nhân vật nam - nữ thường được miêu tả trên truyền hình:
• Nhân vật nam thường được khắc họa với tính cách tham vọng, mạo hiểm, mạnh mẽ, có khả năng chi phối, trong khi nhân vật nữ yếu đuối, phục tùng, vai trò mờ nhạt.
• Đàn ông gắn liền với các hoạt động thú vị và đạt nhiều thành tựu to lớn, phụ nữ chỉ tham gia vào các hoạt động mang tính hỗ trợ hoặc kém quan trọng hơn, vì vậy họ đạt ít thành tựu hơn.
• Ngành công nghiệp truyền hình đặc tả người phụ nữ luôn căng thẳng, lo lắng và chỉ lo những chuyện như làm vệ sinh nhà cửa, chứng đau nửa đầu, vết bẩn trên cổ áo, trong khi đàn ông quyền uy, hiểu biết và là bậc nam nhi đại trượng phu.
• Western, một kênh truyền hình ưa thích của thanh niên vào thập niên 50 - 60 khắc họa người anh hùng của nước Mỹ là một chàng cao bồi đơn độc, làm việc nghĩa hiệp, cưỡi ngựa ra đi trong ánh hoàng hôn, không bị ràng buộc hay vướng bận điều gì.
Hãy quan sát người đàn ông của bạn từ khi anh ta còn là đứa trẻ nằm dài trước ti vi, xem hết chương trình này đến chương trình khác. Tất cả nhân vật nam trên màn ảnh đều mạnh mẽ, điềm tĩnh, lãnh đạm, tự chủ, can đảm. Bất kể thần tượng của anh ta là Lone Ranger(1), người hùng Zorro(2), người dơi(3), các chàng trai của Bonanza(4), Peter Gunn(5) hay chàng hiệp sĩ quả cảm, ngài thám tử, chàng trai cứng rắn nào đó… đều là những hình mẫu lý tưởng mà anh ta muốn noi theo. Trong khi đó, những chương trình này không bao giờ đề cập đến vợ của Zorro hay người yêu của Lone Ranger. Những hình mẫu lý tưởng này luôn gắn với chú ngựa hoặc một người bạn đồng hành cũng là nam giới nốt, chứ không bao giờ là một phụ nữ.
1. Lone Ranger: Nhân vật người hùng miền Viễn Tây trong loạt phim truyền hình cùng tên nổi tiếng của Mỹ.
2. Zoro: Người anh hùng giấu mặt trong bộ phim Huyền thoại Zorro.
3. Người dơi: Siêu anh hùng trong bộ phim Người dơi.
4. Các chàng trai Bonanza: Phim Bonanza kể về cuộc phiêu lưu thú vị của Ben Cartwright và các con trai của ông khi bảo vệ trang trại và giúp đỡ người khác.
5. Peter Gunn: Thám tử tài ba trong bộ phim cùng tên của Mỹ.
Điều này vẫn xảy ra tương tự nếu người đàn ông của bạn nghe đài phát thanh nhiều hơn truyền hình, bởi những vở kịch trên đài phát thanh cũng xây dựng những khuôn mẫu đàn ông hệt như thế.
THỬ THÁCH CỦA THỜI ĐẠI MỚI
Bây giờ, bạn đã hiểu rõ hơn vì sao khái niệm “đàn ông” gắn liền với việc phải che giấu cảm xúc, cạnh tranh, chiến đấu với thế giới khắc nghiệt để sinh tồn, tôn thờ sự tự do, luôn ở thế chủ động. Đàn ông bị ảnh hưởng bởi những thói quen từ thế hệ này sang thế hệ khác, tính cách được định hình từ cha mẹ và xã hội. Chính những điều này làm họ trở nên khó gần gũi.
MỘT KHI QUYẾT ĐỊNH TRỞ THÀNH “NGƯỜI ĐÀN ÔNG THỰC THỤ” THEO CHUẨN MỰC CỦA XÃ HỘI, NGƯỜI ĐÀN ÔNG SẼ PHẢI CHẤP NHẬN TUÂN THEO NHỮNG QUY TẮC BUỘC ANH TA ÍT CỞI MỞ VÀ HẠN CHẾ VIỆC THỂ HIỆN LÒNG CHÂN THÀNH VỚI NGƯỜI PHỤ NỮ ANH TA YÊU MẾN.
Biểu đồ dưới đây minh họa những thử thách to lớn về mặt cảm xúc dành cho đàn ông ngày nay:
“Người đàn ông thực thụ”
Phòng thủ và đa nghi
Che giấu cảm xúc
Tỏ ra mạnh mẽ, bất bại
Cạnh tranh
Làm chủ thế giới bên ngoài
Tự do/ Độc lập
Tự chủ
Người đàn ông mà phụ nữ mong muốn
Tin cậy và cởi mở
Biểu lộ cảm xúc
Dám thừa nhận những điểm yếu
Hợp tác
Làm chủ thế giới nội tâm
Biết cần có phụ nữ
Xuôi theo cảm xúc
Phụ nữ hiện đại chúng ta luôn muốn đàn ông thấy rằng, những tính cách mà họ cố công nuôi dưỡng lại là những điều khiến ta khó chịu, thất vọng nhất. Và những đặc điểm ta muốn họ phát huy lại là những thứ mà họ cho là “yếu đuối”, “không nam tính” và cố tình tránh né. Khi biết rõ sự khác biệt này, bạn sẽ dễ dàng hiểu vì sao nam giới ngại thay đổi, tại sao họ cảm thấy phụ nữ đang tạo cho họ những áp lực vô lý; tại sao trong một mối quan hệ, họ lại không thể làm những điều mà phụ nữ thấy rất đơn giản.
CHÚNG TA MONG ĐÀN ÔNG THÀNH THẠO CẢ NHỮNG KỸ NĂNG HỌ CHƯA ĐƯỢC HỌC, NHỮNG KỸ NĂNG MÀ PHỤ NỮ RẤT GIỎI: BIỂU LỘ CẢM XÚC, THÂN THIỆN, QUAN TÂM VÀ YÊU THƯƠNG.
Cách đây 10 năm, tôi từng làm việc với hàng ngàn người đàn ông và tôi có thể khẳng định với bạn rằng họ thật sự muốn sống cởi mở, sống thật với cảm xúc và sẻ chia những điều ấy với người phụ nữ họ yêu mến. Song, quá trình ấy rất khó khăn, đôi lúc họ rất ngại ngùng. Đó là điều mà tôi mong bạn sẽ thông hiểu khi đọc hết chương này. Những người đàn ông xung quanh bạn cần trọn vẹn lòng trắc ẩn, sự kiên nhẫn và động viên từ trái tim bạn để giúp họ sống cởi mở hơn.
Câu ngạn ngữ Trung Quốc mở đầu chương này là “Có lẽ bạn đang sống trong một thế giới thay đổi không ngừng” quả thật không sai. Lối sống và yêu thương theo nếp cũ đã không còn tác dụng nữa, nhưng ta vẫn chưa tìm ra những con đường mới. Trong lúc chờ đợi, ta vẫn không ngừng cố gắng xây dựng những mối quan hệ, dẫu ta phải nếm trải nhiều thất vọng, rối rắm. Những thử thách khơi nguồn cho những đổi thay là cơ hội vô giá để chúng ta mở rộng kiến thức, hoàn thiện bản thân. Quyển sách này sẽ giúp bạn biến những khó khăn bạn gặp với đàn ông trở thành những trải nghiệm tình ái thú vị.