Trí tuệ cảm xúc là gì?
Điều gì khiến một người thật sự khác biệt? Khi tìm ra lời đáp, bạn sẽ thấy đó không chỉ là một mà là sự kết hợp nhiều thuộc tính cá nhân. Nói chính xác hơn, đó chính là trí tuệ cảm xúc.
Nhiều người nghĩ rằng trí tuệ cảm xúc mềm mại và mỏng manh, và nếu trí tuệ cảm xúc có màu sắc, ắt hẳn họ sẽ nghĩ nó có màu hồng. Có thể bạn cũng đang nghĩ vậy, nhưng khi quyết định đọc quyển sách này, nghĩa là bạn đã sẵn sàng khám phá một quan niệm mới cũng như cách áp dụng sức mạnh trí tuệ cảm xúc của mình vào cuộc sống.
Thực tế là hầu hết mọi người đều có trí tuệ cảm xúc ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, việc bạn có hành động theo trí tuệ cảm xúc hay không còn tùy thuộc vào niềm tin và cách bạn đánh giá cảm xúc của mình; hơn nữa, điều này còn phụ thuộc vào sự hiểu biết của bạn về sức ảnh hưởng của trí tuệ cảm xúc đối với cuộc sống hiện tại của mình.
Chương này sẽ làm rõ bản chất của trí tuệ cảm xúc cùng những dạng thức liên quan đến định nghĩa của nó, đồng thời làm sáng tỏ khái niệm năng lực trí tuệ nội tâm và năng lực trí tuệ giao tiếp để có những giải thích căn bản về sự hài hòa giữa vùng não cảm xúc và vùng não nhận thức.
Qua những khó khăn thử thách của cuộc sống hiện đại được minh họa trong chương này, bạn sẽ thấy trí tuệ cảm xúc không mềm mại cũng chẳng mỏng manh, không đơn giản và càng chẳng phải màu hồng. Bạn sẽ nhận ra rằng hành động theo trí tuệ cảm xúc là cách củng cố năng lực bản thân và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp trong môi trường làm việc với đồng nghiệp.
Nhằm làm sáng tỏ và loại bỏ một số suy diễn liên quan đến trí tuệ cảm xúc, bạn cần hiểu rằng trí tuệ cảm xúc là khả năng thấu hiểu và điều tiết xúc cảm để nhận thức bản thân rõ hơn cũng như để củng cố và mở rộng các mối quan hệ dễ dàng hơn.
Khả năng hành động theo trí tuệ cảm xúc của một người phụ thuộc vào mức độ trưởng thành về mặt xúc cảm của người đó. Sự trưởng thành này được bồi đắp theo thời gian, từ những trải nghiệm góp nhặt trong cuộc sống, đến năng lực nhận thức bản thân ngày một hoàn thiện và sự thấu hiểu về khả năng tương tác của bản thân với những người xung quanh. Chính vì thế, trí tuệ cảm xúc được tích lũy dần theo tuổi tác và kinh nghiệm của bản thân ta trong suốt hành trình của cuộc sống.
Năm 1990, Peter Salovey và Jack Meyer là những người đầu tiên dùng khái niệm "trí tuệ cảm xúc" để mô tả cách mọi người thổi hồn "trí tuệ" vào xúc cảm. Sau đó, Tiến sĩ Daniel Goleman (Mỹ), Giáo sư Malcolm Higgs và Giáo sư Victor Dulewicz (Anh) đã đưa ra định nghĩa cho cụm từ này. Sau đây là những định nghĩa được đúc kết:
Trí tuệ cảm xúc là khả năng:
- Nhận biết cảm xúc của mình và của mọi người.
- Giải tỏa căng thẳng và truyền cảm hứng cho bản thân.
- Kiểm soát cảm xúc nội tâm và các mối quan hệ.
Kiểm soát bản thân và các mối quan hệ
Từ định nghĩa tóm tắt ở trên, bạn có thể nhận thấy trí tuệ cảm xúc trước tiên có liên quan đến khả năng kiểm soát bản thân. Để làm được điều này, bạn cần phải có khả năng tự nhận thức mạnh mẽ, niềm tin mãnh liệt vào bản thân và lòng tự chủ kiên định.
Thứ hai, trí tuệ cảm xúc liên quan đến khả năng kiểm soát các mối quan hệ của bạn với mọi người. Khả năng này đòi hỏi bạn phải nhận biết được cảm xúc và phản ứng của những người xung quanh, để từ đó xây dựng những mối quan hệ lâu dài và bền vững dựa trên sự thấu hiểu này.
Để phát triển hai khả năng trên, bạn cần phải dựa vào năng lực trí tuệ nội tâm và năng lực trí tuệ giao tiếp. Đây chỉ là hai dạng thức trong thuyết "đa thông minh" (multiple intelligences) do Giáo sư Howard Gardner của trường Harvard nghiên cứu và thảo luận trong cuốn Frames of Mind (tạm dịch: Cơ cấu nhận thức) của ông.
Năng lực trí tuệ nội tâm
Nhờ năng lực trí tuệ nội tâm (hay còn gọi là khả năng tự nhận thức), bạn sẽ xác định được những gì đang diễn ra bên trong bạn và cân nhắc những điều cần làm. Ngoài ra, trí tuệ nội tâm còn giúp bạn nhận thức hành động, suy nghĩ và xúc cảm của mình, nhờ đó bạn có thể kiểm soát bản thân và cảm xúc của chính mình.
Năng lực trí tuệ giao tiếp
Năng lực trí tuệ giao tiếp (hay còn gọi là khả năng giao tiếp xã hội) giúp bạn xác định dễ dàng hơn cảm xúc của người khác cũng như cảm nhận đúng đắn hơn về các mối quan hệ, từ đó bạn sẽ quyết định sáng suốt hơn về những điều mình cần làm. Năng lực trí tuệ giao tiếp giúp bạn dễ hòa hợp, cảm thông và tác động đến mọi người, và như vậy, bạn có thể truyền cảm hứng và tạo lòng tin ở những người mà bạn tiếp xúc.
Tư duy và trí tuệ cảm xúc
Xưa nay, việc đánh giá trí tuệ con người được dựa trên khả năng tư duy và nhận thức; và từ đầu thế kỷ hai mươi, người ta đã dùng các bài kiểm tra chỉ số thông minh IQ để xác định khả năng tư duy và nhận thức của con người. Khi khả năng ngôn ngữ và tư duy toán học logic được đề cao trong các trường học thì chỉ số IQ nghiễm nhiên trở thành thước đo sự thành công của mỗi người.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã làm dấy lên một nhận định mới, đó là ngoài chỉ số IQ còn có nhiều tiêu chí khác có thể đánh giá mức độ thành công của một người. Những tiêu chí này phần nhiều liên quan đến khả năng hòa hợp của một cá nhân với những người xung quanh - chúng ta vẫn gọi đó là trí tuệ cảm xúc.
Năm 1996, Tiến sĩ Daniel Goleman đã khiến cả thế giới phải quan tâm đến khái niệm trí tuệ cảm xúc khi ông xuất bản quyển sách đầu tay của mình: Emotional Intelligence – Why It Can Matter More Than IQ (Tại sao trí tuệ cảm xúc lại quan trọng hơn IQ). Quyển sách nhanh chóng được nhiều người biết đến và trở thành tựa sách bán chạy khi đa số bạn đọc đều đồng quan điểm với tác giả rằng chỉ số IQ không phải là thước đo duy nhất tiên đoán sự thành công của một người trong mọi khía cạnh cuộc sống.
Theo Goleman, trí tuệ cảm xúc ẩn chứa nhiều sức mạnh và đây chính là "một thước đo quan trọng có thể đánh giá năng lực lãnh đạo". Sau cuộc nghiên cứu diễn ra vào năm 1998 phân tích mô hình năng lực cạnh tranh của 188 tập đoàn đa quốc gia, Goleman càng tin tưởng vào ưu thế của trí tuệ cảm xúc so với chỉ số IQ và năng lực chuyên môn.
Kể từ đó, nhiều nhà tâm lý học khác đã thu thập số liệu để củng cố mối quan hệ giữa trí tuệ cảm xúc, năng lực và quá trình thăng tiến trong sự nghiệp của một cá nhân. Giờ đây, khi đánh giá mức độ thành công trong công việc, người ta đã bắt đầu thừa nhận trí tuệ cảm xúc quan trọng gấp hai lần chỉ số IQ và năng lực chuyên môn.
Chức năng của não
Nhờ các nhà thần kinh học và tâm lý học, chúng ta hiểu rõ hoạt động của não bộ và sự tương tác của não với cơ thể con người. Theo đó, bộ não được chia thành ba vùng: vùng trước, vùng giữa và vùng trung tâm. Vùng trước và vùng giữa được nối bằng các rãnh thần kinh cho phép vùng não tư duy và vùng não cảm xúc kết hợp với nhau để xác định và điều chỉnh phản ứng thích hợp với tình huống; còn vùng não trung tâm chịu trách nhiệm về các chức năng thể chất cơ bản mà chúng ta sẽ không đề cập nhiều ở đây.
Vùng não trước
Vùng tân võ não (neo-cortex) nằm ngay trên bộ não và lớp vỏ não. Thuật ngữ "neo" nghĩa là "mới", cho thấy vùng não nhận thức này chỉ xuất hiện ở con người và đã tiến hóa suốt nhiều thế kỷ qua kể từ lần đầu tiên con người có nhu cầu hoạch định, tổ chức và giao tiếp với người khác.
Ngày nay, vùng vỏ não trước được xem là trung tâm điều chỉnh khả năng phân tích và năng lực chuyên môn của mỗi người. Vùng tư duy hiệu quả này có chức năng nhanh chóng nắm bắt thông tin và đào sâu tìm hiểu bằng cách nối kết dữ liệu và các ý tưởng mới.
Vùng não giữa
Đây chính là phân khu não điều khiển cảm xúc: hạch hạnh nhân (amygdala) và hệ limbic giúp kiểm soát cảm xúc của cơ thể và nhu cầu cá nhân.
Kỹ năng của con người được hình thành nhờ vào động lực thôi thúc, nỗ lực thực hiện và sự tiếp nhận phản hồi. Rất nhiều phương pháp trong Làm chủ trí tuệ cảm xúc tập trung vào phần trung tâm cảm xúc này. Khả năng tiếp thu của vùng não giữa nhìn chung chậm hơn vùng não tư duy vì quá trình tiếp thu yêu cầu vùng não cảm xúc phải luyện tập lại và đôi khi khiến chúng ta phải thay đổi một số thói quen cố hữu. Tuy nhiên, chính vì thông tin xử lý được lặp lại và thực hiện nhiều lần nên nhiều khả năng thông tin sẽ được lưu giữ và ghi nhớ trong suốt nhiều năm sau.
Vùng não tư duy và vùng não cảm xúc
Quan niệm cho rằng vùng não tư duy là nơi hình thành nhận thức có thể khiến nhiều người hiểu lầm vùng não này có vai trò quan trọng hơn vùng não cảm xúc. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chính vùng não cảm xúc và hệ limbic mới là trung khu thật sự.
Khả năng tư duy và nhận thức của vùng não điều khiển cảm xúc có thể không cao, nhưng hệ limbic luôn hoạt động không ngừng để thu thập dữ liệu và nó có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ lên đến 6 triệu bits/giây so với khả năng xử lý 10-100 bits/giây của vùng não tư duy.
Khả năng thu thập và thẩm định một lượng lớn thông tin là một chức năng đặc biệt quan trọng của não bộ. Nó cho phép vùng não điều khiển cảm xúc liên tục truyền thông tin đến các hệ thống trong cơ thể con người, xác định điều gì đang diễn ra và lần lượt kiểm tra những dữ liệu mới so với kho dữ liệu đang lưu trữ để cập nhật kịp thời.
Hãy cùng xem một ví dụ đơn giản minh họa cho vai trò quan trọng của trung khu này. Thử tưởng tượng bạn đang trò chuyện cùng một vị khách hàng quan trọng. Lúc này, vùng não tư duy của bạn phải căng sức hoạt động để tiếp nhận thông tin, phán đoán tình huống và xử lý dữ liệu để có những phản ứng kịp thời.
Trong lúc này, vùng não cảm xúc cũng đồng thời thu thập, xử lý thông tin tiếp nhận từ 5 giác quan (mắt, tai, miệng, mũi và da) và hệ thống nội quan (tim, phổi, ruột, thần kinh, nội tiết và miễn dịch).
Vùng não cảm xúc của bạn đang đọc thông tin qua nét mặt vị khách, lắng nghe âm điệu và bắt lấy cảm xúc của họ khi bạn đối đáp. Thông điệp mà vùng não cảm xúc nhận được có thể phân thành nhiều cung bậc như: "Họ thích như vậy", "Họ bắt đầu chán nản" hoặc "Họ không đồng tình".
Vùng não cảm xúc cũng tiếp nhận và xử lý các thay đổi bên trong cơ thể bạn – cảm giác nôn nao trong dạ dày tăng cao, nhịp tim tăng mạnh và máu đổ dồn lên mặt.
Sau khi xử lý dữ liệu với tốc độ cao, vùng não cảm xúc sẽ cung cấp những thông tin đặc biệt quan trọng này cho trung khu tư duy, nhờ đó bạn có thể thay đổi phong cách giao tiếp sao cho phù hợp nhất.
Kiểm soát bản thân nhờ vào trí tuệ nội tâm và trí tuệ giao tiếp
Bạn vừa nắm được hoạt động cơ bản của não bộ và vai trò của vùng não cảm xúc trong việc cung cấp nguồn thông tin và dữ liệu quý giá cho trung khu não điều khiển khả năng tư duy và nhận thức. Bây giờ, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu tầm quan trọng của năng lực trí tuệ nội tâm và trí tuệ giao tiếp.
Thường thì chúng ta không lưu tâm đến những nhận thức mà các giác quan ghi nhận từ nguồn dữ liệu bên ngoài hoặc qua hệ limbic. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra liên tục và đều đặn. Nếu nhận ra, bạn sẽ có được một chuỗi thông tin mà dựa vào đó, bạn có thể ra quyết định, đánh giá và phản hồi.
Một khi nhận thức rõ sự hiện diện của nguồn dữ liệu cảm xúc này, bạn có thể bắt đầu sử dụng chúng một cách hiệu quả đồng thời có khả năng kiểm soát suy nghĩ, hành động và cử chỉ của mình.
Vì sao trí tuệ cảm xúc quan trọng?
Về bản chất, trí tuệ cảm xúc cho phép bạn kiểm soát bản thân và củng cố các mối quan hệ để có được một cuộc sống viên mãn. Quan niệm này không mới và khái niệm về trí tuệ cảm xúc cũng không, bởi lẽ bản năng của con người là hướng đến hạnh phúc, sức khỏe và thành công trong cuộc sống.
Vậy điều gì khiến trí tuệ cảm xúc trở thành đề tài hàng đầu được nhiều người nhắc đến trong những năm gần đây? Và vì sao việc nhận ra cũng như vận dụng sức mạnh của trí tuệ cảm xúc lại đặc biệt quan trọng trong thời đại này?
Trên thực tế, chính những thách thức trong cuộc sống hiện đại ngày nay đòi hỏi con người phải có trí tuệ cảm xúc để có thể kiểm soát tốt bản thân cũng như các mối quan hệ xung quanh.
Kiểm soát bản thân
Một thế giới không ngừng thay đổi
Bất ổn và biến động là hai từ diễn tả chính xác cuộc sống hiện đại ngày nay. Trong gần 30 năm qua, các nước công nghiệp đã chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể do nền công nghệ và thông tin liên lạc liên tục phát triển.
Mỗi cá nhân đang phải đối mặt với nhiều biến động khi các tổ chức liên tục cơ cấu lại quy mô, mở rộng thị trường và đề xướng nhiều giải pháp cũng như công nghệ để thay thế những cái cũ. Giai đoạn phát triển này diễn ra mạnh mẽ như vũ bão và viễn cảnh tương lai cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các nhân tố làm động lực thúc đẩy kinh tế cũng thay đổi từ hành động sang tư duy. Ngày nay, định hướng nền kinh tế chủ yếu dựa vào các mối quan hệ và cách chúng ta tương tác với những người xung quanh.
Chính vì vậy, mỗi cá nhân phải liên tục rèn luyện khả năng tự nhận thức, nâng cao sự tự tin, tự chủ và tự lực để thích nghi với những thay đổi không ngừng và áp lực từ cuộc sống. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần phải đào sâu tìm hiểu cách thức giao tiếp hữu hiệu để hòa nhập và mở rộng các mối quan hệ trong xã hội.
Công nghệ hiện đại
Cùng với những bước tiến mới trong lĩnh vực công nghệ, giờ đây chúng ta không nhất thiết phải ngồi làm việc tại văn phòng hay sử dụng dây cáp để nối kết hệ thống dữ liệu bởi việc truy cập thông tin đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết.
Song, thành tựu cũng mang lại nhiều thách thức bởi tốc độ truyền thông và lượng thông tin khổng lồ luôn có sẵn sẽ tạo ra áp lực thời gian và tâm lý đua tranh. Điều này làm gia tăng nhu cầu kiểm soát bản thân của mỗi người, đồng thời đòi hỏi mỗi chúng ta phải biết cách làm chủ bản thân, rèn luyện trực giác và khả năng tư duy.
Cơ cấu tổ chức
Khi cơ cấu tổ chức "phẳng", các vấn đề cá nhân ngày một phát sinh nhiều hơn và trách nhiệm trong công việc của mỗi người ngày càng tăng cao. Nếu cơ cấu tổ chức không có thứ bậc, mọi người sẽ làm việc mà không có định hướng.
Mỗi nhân viên có thể cảm thấy bị cô lập, căng thẳng và quá tải trong môi trường làm việc mới. Không được huấn huyện và thiếu kỹ năng quản lý công việc, họ sẽ khó vượt qua áp lực và dễ suy sụp.
Nếu đang làm việc trong môi trường tương tự, bạn cần có khả năng tự chủ mạnh mẽ và khả năng hồi phục cảm xúc nhanh chóng.
Kiểm soát các mối quan hệ
Thấu hiểu và giữ chân khách hàng
Khách hàng ngày nay có rất nhiều quyền lựa chọn và có thể dễ dàng tiếp cận với một lượng thông tin khổng lồ. Chính vì vậy, họ đặt ra yêu cầu rất cao và khá khôn ngoan khi thương thảo hợp đồng. Điều đó có nghĩa là sự chân thành, cởi mở và lòng tin trở thành yếu tố quan trọng trong việc phát triển quan hệ khách hàng, đồng thời việc tạo dựng sự tôn trọng và thái độ hợp tác nơi khách hàng cũng ngày càng được đề cao.
Quan niệm này nghe có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ có thể đạt được những điều lý tưởng đó nhờ vào kỹ năng giao tiếp và sự nhạy cảm, tinh tế của bản thân trước mỗi lời nói hoặc cử chỉ của khách hàng.
Hợp tác đa phương
Trong môi trường toàn cầu, hợp tác đa phương đã tạo nên nhiều thành tựu lẫn thách thức đối với các cá nhân và tổ chức. Sự khác biệt về văn hóa không phải lúc nào cũng tạo nên rào cản, mà thực chất khó khăn chỉ phát sinh khi những người trong cuộc không hiểu được sự khác biệt này.
Trí tuệ cảm xúc giúp chúng ta thấu hiểu xúc cảm, suy nghĩ và nhu cầu của người khác. Ngay cả khi ngôn ngữ không đồng điệu thì giao tiếp vẫn có thể hình thành nhờ vào cử chỉ nét mặt, ngôn ngữ hình thể và khả năng suy luận. Việc nhận ra và đoán định chính xác những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển các mối quan hệ, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn và cùng hợp tác hiệu quả.
Tóm tắt
Chương 1 đã giải thích sự cần thiết của trí tuệ cảm xúc cũng như cách não bộ lưu giữ và điều phối nguồn trí tuệ này. Rõ ràng vai trò của trí tuệ cảm xúc rất được xem trọng trong môi trường hiện đại ngày nay, vì thế bạn cần có giải pháp tận dụng và phát triển trí tuệ cảm xúc.
Trước khi tiếp nhận những bước tăng cường trí tuệ cảm xúc tiếp theo, hãy cùng điểm lại và ghi nhớ những điều sau:
• Vai trò của trí tuệ cảm xúc quan trọng gấp đôi chỉ số thông minh, và khi bạn đóng vai trò là người lãnh đạo trong một tổ chức thì trí tuệ cảm xúc càng đóng vai trò thiết yếu.
• Vùng não cảm xúc có thể chi phối hoạt động của vùng não tư duy nếu bạn không "kiểm soát" và "dung hòa" cảm xúc của mình.
• Để tăng cường trí tuệ cảm xúc, bạn cần phải nhận ra đồng thời kiểm soát được cảm xúc và các tác động tâm lý.
• Để dễ dàng hợp tác với mọi người và gặt hái thành quả trong công việc, bạn cần tiếp nhận và đánh giá đúng những dấu hiệu mà mình nhận được.
Hãy hành động!
Đến bước này, bạn nên thấy hài lòng vì đã hiểu được tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc theo phương pháp logic và duy lý nhờ vào trí tuệ nhận thức. Đã đến lúc bạn bước sang Chương 2 để khám phá chính mình và bước vào cuộc đối thoại giữa tinh thần và thể chất. Bằng cách này, bạn có thể suy nghĩ và hành động một cách giàu trí tuệ cảm xúc.
Khái niệm điều chỉnh cơ thể nghe có vẻ lạ lẫm và sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Nhưng đã bao giờ bạn thật sự nghĩ đến một thực tế là có những ngày bạn cảm thấy rất lạc quan và hứng khởi, nhưng cũng có những lúc bạn thu mình trong nỗi thất vọng và chán chường?
Khi đọc tiếp chương sau, bạn sẽ khám phá được điều gì đang diễn ra bên trong cơ thể và điều gì ẩn sau những cảm xúc hoặc trạng thái tinh thần của mình. Bạn sẽ bắt đầu hiểu được ngọn nguồn của cảm xúc, những kiểu cảm xúc khác nhau và sự khác biệt giữa cảm xúc và tâm trạng.
Đi hết chương hai, bạn sẽ biết được những yếu tố nào làm nảy sinh cảm xúc và cảm xúc đó ảnh hưởng đến bạn bằng cách nào. Bạn sẽ hiểu rằng luôn tồn tại một cuộc đối thoại nội tại giữa tinh thần và cơ thể, và bạn nhận ra bạn có thể trở thành một phần của cuộc đối thoại đó nếu bạn biết cách "dung hòa". Bằng cách "dung hòa" và tin vào những cảm xúc của mình, bạn có thể nắm bắt được những điều cơ thể đang nói với bạn và hành động một cách giàu trí tuệ cảm xúc.