Giờ thì bạn đã biết được những thay đổi bên ngoài của mình rồi phải không nào? Bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những gì diễn ra bên trong nhé!
Đối phó sao với những chuyện xấu hổ này đây!
Nếu bạn đã đọc qua tất cả những thay đổi của cơ thể mình trong giai đoạn dậy thì, hẳn bạn đang có một ấn tượng rằng những năm tháng dậy thì này chỉ có mỗi mục đích là khiến cho bạn bẽ mặt thôi, phải không nào? Dù suy nghĩ đó có hơi cường điệu, nhưng quả thật bạn sẽ phải đối mặt với những tình huống khó xử. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn đỡ ngượng:
- Hãy nhớ rằng không phải ai cũng nhìn chằm chặp vào những thay đổi trên cơ thể bạn. Nếu bạn cứ lờ chúng đi, thì cũng chẳng ai để ý làm gì cả.
- Giọng nói khào khào như vịt đực đúng là buồn cười thật đấy, nhưng hãy cố biến nó thành trò vui, hơn là ước gì mặt đất nứt ra cái lỗ để chui xuống đấy cho rồi.
- Tự tin là điều cực kỳ quan trọng. Nếu bạn luôn toát ra vẻ tự tin, thì chẳng ai nghĩ đến chuyện bình phẩm về cơ thể rậm rạp lông lá của bạn cả. Còn nếu bạn căng thẳng và sợ hãi thì hội bạn cùng lớp sẽ phát hiện ngay ra điều bạn đang muốn giấu giếm đấy.
- Nếu bạn cảm thấy thật khó mà tự tin, hãy nhớ rằng không lúc này thì lúc khác, tất cả bạn bè trong lớp cũng sẽ trải qua tuổi dậy thì như bạn vậy thôi. Và nhớ là khi đến lúc đó thì ngay cả tên bắt nạt “gấu” nhất trường cũng sẽ cảm thấy hoang mang trước giọng nói rè rè như chuông bể của mình.
- Hãy cố gắng làm mọi thứ để cứu vớt đời mình khỏi những tình huống oái oăm đáng xấu hổ - ví dụ như tắm rửa hàng ngày để cơ thể khỏi bốc mùi, hoặc ăn uống lành mạnh để giảm bớt họ hàng nhà mụn trên mặt nhé.
- Nhưng đừng vì e ngại những tình huống đáng bẽ mặt sẽ xảy đến mà chọn cách tránh né tham gia các hoạt động tập thể. Dù điều đáng xấu hổ nhất có xảy đến với bạn đi chăng nữa, thì mọi người sẽ quên béng nó trong vòng dăm ba ngày mà thôi.
- Nếu bạn quá lo lắng hay thắc mắc về những thay đổi mình đang trải qua, thì hãy chia sẻ với ai đó. Ba mẹ hay thầy cô giáo luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.
Mẹo hữu ích
Hãy viết nhật ký hàng ngày, tâm trạng bạn sẽ được giải tỏa ít nhiều đấy.
Bạn bè và gia đình
Bạn từng thấy cảm xúc của mình thay đổi xoành xoạch rồi chứ? Có những lúc bạn vừa vui vẻ tột đỉnh, rồi chỉ một phút sau lại thấy muốn nổi giận phừng phừng. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất mà bạn trải qua trong tuổi dậy thì và nguyên nhân của nó, một lần nữa, cũng từ sự thay đổi hormone.
Khi bạn đang ở ngưỡng cửa từ một cậu bé biến thành một người đàn ông, đôi khi bạn cảm thấy mình chẳng thuộc thế giới nào cả. Rõ ràng bạn đã không còn là một cậu nhóc, nhưng cũng chưa thuộc về thế giới người lớn. Bạn muốn được nhìn nhận như một cá nhân riêng biệt - đôi khi tách biệt khỏi gia đình - bởi bạn có những chính kiến của riêng mình. Nhưng đồng thời bạn cũng cần sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè. Bạn cảm thấy bối rối vì những gì đang diễn ra? Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Hãy thử hình dung xem ba mẹ hay bạn bè bạn cảm thấy như thế nào. Đối với họ, dường như bạn đang chối bỏ họ - có thể họ cảm thấy bị tổn thương khi bạn không muốn dành thời gian cho họ nữa.
Bạn bè là những người tạo ra nhiều khoảnh khắc đặc biệt trong quá trình trưởng thành của bạn. Họ hiểu những gì bạn đang trải qua. Họ chia sẻ những nỗi lo, họ lắng nghe bạn và không để bạn cảm thấy lẻ loi một mình. Họ cho bạn lời khuyên và chia sẻ vui buồn với bạn. Vậy nên, chẳng lạ gì nếu bạn cho rằng bạn bè quan trọng hơn hết thảy mọi thứ khác trong đời.
Kết bạn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đôi khi vì hoàn cảnh, bạn phải chuyển đến một nơi ở mới, bỏ lại sau lưng đám bạn chí cốt. Bạn phải làm quen từ đầu thì mới mong gầy dựng lại nhóm bạn thân thiết như trước đây. Chẳng ai muốn trở thành kẻ ngoài cuộc, nhưng ta lại dễ dàng cảm thấy điều đó, đặc biệt là trong một môi trường mới mà mọi người đều trông “xịn” hơn ta, “bảnh” hơn ta. Nhưng đừng để vẻ bề ngoài đánh lừa bạn nhé. Hãy nhớ rằng ai cũng phải trải qua giai đoạn dậy thì thôi và những người khác cũng có những mối lo như bạn.
Mẹo hữu ích
Hãy luôn nhớ rằng tình bạn chỉ đẹp khi nó dựa trên nguyên tắc có qua có lại. Đừng đòi hỏi bạn bè phải cho mình mọi thứ mình muốn, trong khi mình lại không sẵn sàng cho họ điều đó. Nhưng cũng đừng để bạn bè nghĩ bạn “dưới cơ” họ và chỉ bảo bạn phải làm gì, phải xử sự ra sao.
Bắt nạt
Bọn con trai thường hay chọc ghẹo nhau mọi lúc mọi nơi - điều này chẳng có gì là lạ cả - đôi khi những lời trêu ghẹo ấy có hơi quá trớn cũng chẳng sao. Nhưng khi bạn bước vào tuổi dậy thì, những lời trêu chọc ấy có thể khiến bạn cảm thấy hết sức khó chịu. Một phần bởi vì những thay đổi của cơ thể khiến bạn muốn tách mình khỏi đám đông và không muốn ai để ý tới. Một phần khác là do bạn trở nên nhạy cảm hơn với những trò đùa nhắm vào bạn. Vì vậy tốt hơn hết là hãy chuẩn bị tâm lý và cả cách ứng phó với những tình huống bị trêu chọc mà trước sau gì bạn cũng sẽ gặp phải.
Mẹo hữu ích
Cách đối phó khi bị bắt nạt:
- Đừng thể hiện sự khó chịu ra mặt. Đó chính là điều mà kẻ bắt nạt muốn đấy.
- Hãy nhớ rằng chính bọn bắt nạt mới có vấn đề, chứ không phải bạn.
- Chuẩn bị sẵn những cách ứng phó cho các tình huống bị bắt nạt có thể xảy ra.
- Đừng sử dụng bạo lực - bạo lực chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề.
- Khi tình hình trở nên quá căng thì cách tốt nhất là bỏ đi.
Nhìn cậu lông lá như một con gorilla ấy!
Trêu chọc nhau là một chuyện, nhưng khi những lời chọc ghẹo trở nên thường xuyên và quá đáng, khiến bạn bực bội và khó chịu, thì lại là chuyện khác: đó là bắt nạt. Nếu những trò chọc ghẹo hay lời bình phẩm của người khác khiến bạn thấy suy sụp thì hãy chia sẻ với thầy cô hay cha mẹ và có động thái để chặn đứng điều đó ngay.
Đừng để áp lực từ bạn bè khiến bạn phải làm những điều mà bạn cảm thấy không đúng, không phù hợp với mình. Được là chính mình, làm những gì mình thích là một phần thiết yếu của quá trình trưởng thành. Khi phải làm những điều mình không muốn, bạn sẽ chỉ cảm thấy đau khổ mà thôi. Bạn có thể áp dụng một số câu trả lời dưới đây khi bị trêu ghẹo:
- Tớ không mập. Tớ đang rèn luyện để tham gia đội bóng!
- Này, tớ lông lá hơn cậu là bởi tớ nam tính hơn cậu, vậy thôi!
- Cao kều thì sao nào? Trên này nhìn rõ hơn dưới đó nhiều!
- Ít ra thì giọng tớ chẳng còn eo éo như con nít nữa.
- Tại sao tớ lại phải quan tâm cậu nghĩ gì chứ?
Bạn bè và áp lực đồng trang lứa
Càng lớn bạn càng được tự do, độc lập hơn. Bằng chứng là bạn được la cà với bạn bè mà không cần phải có mặt cha mẹ nhiều hơn hẳn lúc còn bé. Điều này thật tuyệt, nhưng đôi khi nó cũng có thể dẫn đến những tình huống oái oăm khó xử.
Một ví dụ đơn giản thôi, đám bạn muốn kéo bạn đi đâu hay làm gì đó mà bạn biết là không nên chút nào - chẳng hạn trốn đi chơi xa, hay lập kế hoạch trộm đồ trong siêu thị. Bạn không thích nhưng lại cảm thấy rất khó từ chối vì bạn không muốn bị xem là kẻ chết nhát và sợ bị xem là kẻ ngoài cuộc.
Cảm giác phải làm điều mà mình không hề muốn như vậy gọi là áp lực đồng trang lứa, rất phổ biến ở lứa tuổi học trò. Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống tương tự - phải thể hiện sự cứng cỏi và tự tin thuyết phục bạn bè mình ngừng ngay hành động nguy hiểm hay sai trái đó lại, hoặc bạn phải dứt khoát từ chối dính líu hay tham gia những việc như vậy. Có thể điều này rất khó thực hiện - nhưng nó chứng tỏ bạn là một người mạnh mẽ và khôn ngoan. Hãy nghĩ sẵn vài lý do để từ chối, thử các lý do dưới đây rồi nghĩ ra thêm bạn nhé:
- Tớ chẳng tham gia đâu. Ba mẹ tớ sẽ “chôn” tớ ngay và luôn đấy!
- Tớ còn phải tham gia đội bóng rổ nên không muốn mạo hiểm để bị thương trước trận đấu đâu.
- Bây giờ tớ thật sự không hứng thú làm mấy chuyện này đâu. Thôi để lần sau vậy.
Mẹo hữu ích
Khi các cậu trai chơi chung một nhóm, họ thường bị áp lực phải vào hùa với nhau, kiểu “ai sao tớ vậy”, dù không phải lúc nào cũng thoải mái. Nếu bạn lâm vào tình huống này, hãy thử tìm một người trong nhóm có cùng suy nghĩ với bạn. Sẽ dễ dàng hơn nếu có thêm một “đồng minh”.
Chuyện gia đình
Không chỉ quan hệ bạn bè mới thay đổi khi bạn bước vào tuổi dậy thì, mà cả quan hệ gia đình cũng vậy.
Khi còn nhỏ, ba mẹ làm hết mọi thứ cho bạn, từ nấu ăn, mua quần áo, đưa đón đi học, chở đến nhà bạn bè,… Nhưng giờ bạn đã lớn nên muốn tự làm mọi thứ.
Bạn muốn tự trang trí lại phòng mình, được chọn quần áo mình thích, được đi chơi với bạn bè vào cuối tuần thay vì họp mặt gia đình. Và điều này có thể dẫn đến những trận tranh cãi nảy lửa giữa bạn với ba mẹ.
Nhưng dù bạn thấy ba mẹ hoàn toàn vô lý đi chăng nữa, thì cũng hãy cố gắng nhìn nhận sự việc theo quan điểm của họ. Khi bạn bước vào tuổi dậy thì, ba mẹ cũng cảm thấy khó khăn không kém gì bạn, bởi họ phải chứng kiến đứa con trai bé bỏng ngày nào của mình dần dần trở thành một người đàn ông. Và họ cũng cần nhiều thời gian để thích ứng với sự thay đổi đó như bạn vậy.
Dưới đây là những nguyên nhân thường khiến bạn và ba mẹ cãi nhau:
- Mở nhạc quá to.
- Không gần gũi với gia đình như trước.
- Tự ý mua quần áo mà không hỏi ý kiến ba mẹ.
- Dành quá nhiều thời gian cho bạn bè.
- Ở lì trong phòng riêng của mình.
- Không chịu nói cho ba mẹ biết mình đang ở đâu.
- Thức khuya, dậy trễ.
Bạn có thể dễ dàng dàn xếp ổn thỏa đa số những trận cãi nhau bằng một thỏa thuận hợp lý - ví dụ bạn sẽ dành riêng chiều Chủ nhật hàng tuần cho gia đình. Hoặc bạn đồng ý chỉ mở nhạc to trước 8 giờ tối. Với những thỏa thuận này, bạn được làm theo ý mình trong một mức độ nào đó, còn ba mẹ cũng sẽ không còn lý do gì để cằn nhằn la mắng bạn nữa.
Làm sao để tự lập hơn?
Nhiều trận cãi nhau giữa các bạn tuổi teen và ba mẹ chỉ quẩn quanh một chuyện: sự tự lập. Càng lớn, bạn càng muốn được tự mình làm nhiều việc mà không bị ba mẹ theo sát hay sắp xếp hộ. Bạn cũng muốn được làm những gì mình thích hơn là đi cùng gia đình vào dịp cuối tuần. Nhìn chung, các cuộc tranh cãi bắt đầu khi ba mẹ cho rằng bạn chưa đủ khả năng tự chịu trách nhiệm trong nhiều việc, trong khi bạn lại cho rằng mình đã đủ lớn. Ví dụ, bạn muốn đi dự tiệc sinh nhật của một người bạn đến tận khuya, trong khi ba mẹ lại muốn đến đón bạn lúc 9 giờ rưỡi tối. La lối và cãi vã với ba mẹ không giải quyết được gì cả. Tốt hơn hết, bạn phải làm cho ba mẹ tin tưởng mình. Nếu ba mẹ tin tưởng bạn, họ sẽ bớt lo lắng khi bạn muốn tự lập hơn.
Câu chuyện bạn đọc
Điện thoại di động giúp giảm bớt khá nhiều căng thẳng giữa tớ với ba mẹ. Khi phát hiện ra rằng ba mẹ nổi cơn thịnh nộ với tớ cũng chỉ bởi vì họ lo lắng tớ có thể làm chuyện gì ngu ngốc khi vắng mặt họ, thì tớ đã thay đổi “cách thức hoạt động”. Mỗi khi đi đâu với bạn bè, tớ cũng đều nhắn tin cho mẹ biết tớ đang ở đâu và với ai. Thậm chí mẹ còn cho tớ tiền điện thoại và cũng từ đó mẹ không còn la mắng và “lên lớp” dài lê thê với tớ nữa.
Andrew, Chicago
Bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây để cải thiện mối quan hệ giữa bạn và ba mẹ:
- Luôn về nhà đúng theo giờ đã thỏa thuận với ba mẹ. Nếu bạn không về đúng 9 giờ 30 như đã hứa, thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ được phép đi chơi đến 10 giờ.
- Thỏa thuận trước với ba mẹ thời gian nào dành cho gia đình và thời gian nào dành cho bạn bè để ba mẹ biết rằng bạn sẽ không đi chơi với bạn bè suốt cả tuần.
- Luôn cho ba mẹ biết bạn sẽ đi đâu, làm gì và với ai. Ba mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi biết rõ kế hoạch của bạn.
- Giới thiệu bạn bè mình với ba mẹ. Ba mẹ sẽ yên tâm khi biết rằng bạn đang chơi với những người bạn dễ thương, tử tế.
- Nhớ gọi điện thoại về nhà khi đi đâu xa. Ba mẹ sẽ dễ chịu hơn nhiều khi không phải lo lắng về sự an nguy của bạn.
- Đừng bao giờ nói dối. Nếu bị phát hiện một lần, sau này bạn sẽ không còn được tin tưởng nữa đâu.
Buồn chán ư?
Một tác dụng phụ khác của việc thay đổi hormone trong giai đoạn dậy thì là đôi khi bạn cảm thấy buồn chán mà không rõ nguyên nhân. Lúc đó bạn sẽ không muốn đi đâu hay làm gì cả. Bạn cảm thấy mệt mỏi, bạn thấy cuộc đời mình thật chán chường chẳng vì lý do gì.
Thật ra, đó là do các chất hóa học bên trong cơ thể đang kiểm soát tâm trạng của bạn. Nhưng việc bạn rơi vào tình trạng chán nản không có ích lợi gì cả! Điều quan trọng nhất là dừng lo lắng - tâm trạng ấy sẽ chóng qua thôi, một chút buồn chán không có nghĩa là bạn bị trầm cảm hay bất hạnh hết chỗ nói.
Tất nhiên, khi những cơn buồn chán này không biến mất thì bạn cần nói chuyện với người lớn nào mà bạn tin tưởng. Nhớ rằng bạn sẽ luôn có được sự trợ giúp khi cần!
Thông tin thực tế
Có đến hơn 50 loại hormone khác nhau trong cơ thể và sự cân bằng những hormone này sẽ quyết định tâm trạng cũng như hàng trăm thứ khác bên trong cơ thể chúng ta. Trong giai đoạn dậy thì, cơ thể bạn bắt đầu sản sinh ra một lượng lớn các hormone nhất định - điển hình là testosterone - nên sự cân bằng không còn nữa, điều đó khiến cho tâm trạng bạn cũng thay đổi thất thường theo mà bạn không sao kiểm soát được.
Nếu tâm trạng buồn chán não nề của bạn không biến mất sau vài ngày, thì sau đây là một số mẹo có thể giúp bạn cảm thấy tươi tỉnh hơn và mang lại nguồn năng lượng tươi mới cho bản thân bạn:
- Tập thể dục. Người ta đã chứng minh vận động thể chất có thể cải thiện sinh lực và cả tâm trạng của bạn nữa.
- Ăn uống lành mạnh. Các loại thực phẩm nhiều đường chỉ càng khiến tâm trạng của bạn thất thường hơn thôi.
- Đừng nhốt mình trong phòng. Gặp gỡ bạn bè có thể giúp tâm trạng của bạn trở nên vui vẻ hơn nhiều.
Đừng âm thầm chịu đựng. Nếu bạn cảm thấy buồn bã, chán chường, hãy tâm sự với người lớn bạn tin tưởng. Bạn sẽ luôn tìm được cách thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực nếu cần.
Mẹo hữu ích
Hãy để ý đến tâm trạng của bạn bè bạn nữa nhé. Nếu một người bạn của bạn trông có vẻ ủ rũ, buồn bã không rõ nguyên nhân thì hãy nói với bạn ấy rằng không sao đâu, đó chỉ là do lượng hormone của cậu đang hoạt động quá mức mà thôi.
Các chất gây nghiện và cách giữ mình an toàn
Khi bạn dành nhiều thời gian cho bạn bè, ít gần gũi ba mẹ, bạn sẽ có cơ hội làm quen nhiều bạn mới hơn, nhưng cũng dễ có nguy cơ rơi vào những tình huống nguy hiểm. Một trong những thứ bạn cần cẩn thận là các chất gây nghiện và cả những người rủ rê bạn sử dụng chúng.
Có rất nhiều các chất gây nghiện khác nhau, tất cả đều gây nguy hiểm cho bạn, thậm chí có thể hủy hoại đời bạn. Một số chất gây nghiện sẽ GIẾT CHẾT bạn ngay lập tức nếu bạn bị sốc phản vệ. Một số khác khiến bạn mất kiểm soát và làm những việc mà bình thường bạn sẽ không bao giờ làm.
Quy tắc tối ưu dành cho người rủ rê bạn dùng chất gây nghiện là nói “KHÔNG” một cách cứng rắn. Đừng bao giờ vì cả nể mà phải dùng thứ mình không muốn. Và hãy nhớ, việc chúng không gây ảnh hưởng xấu với người nào đó không có nghĩa là bạn cũng an toàn khi sử dụng chúng. Mức độ hiểm nguy luôn rất cao.
Nếu bạn chưa biết gì về tác hại của các chất gây nghiện và ảnh hưởng của chúng đối với con người thì hãy tìm hiểu. Bạn có thể hỏi cha mẹ hay thầy cô. Hoặc bạn cũng có thể tìm hiểu qua sách báo hay tờ rơi ở trường.
Thuốc lá
Dù bạn có thể cho rằng hút thuốc lá không nguy hại như sử dụng các thuốc gây nghiện, bởi vì thuốc lá được bày bán khắp nơi và bạn có thể dễ dàng mua chúng - nhưng trên thực tế, thuốc lá có chứa một chất gây nghiện rất mạnh gọi là nicotin. Nicotin gây nghiện đến nỗi rất nhiều người nghiện thuốc lá không thể bỏ nổi. Và thuốc lá cũng cực kỳ nguy hại cho sức khỏe của bạn. Hút thuốc có thể gây ra những căn bệnh nan y khi bạn lớn tuổi và khiến bạn không bao giờ vượt trội trong các môn thể thao ở trường. Thế nên, đừng để ai gây áp lực buộc bạn phải hút điếu thuốc đầu tiên trong đời!
Bia rượu
Bạn có thể vẫn thấy cha mẹ mình uống bia rượu trong các buổi tiệc. Khi bạn trưởng thành, sẽ có nhiều người mời bạn uống rượu bia. Nhưng hãy nhớ, bia rượu không dành cho người chưa trưởng thành đâu nhé.
Các cậu con trai vẫn thường bị ép uống thử bia rượu khi bạn bè khích bác rằng chỉ có con nít mới không dám thử. Nhưng thực tế thì khả năng tự quyết định và có đủ dũng khí từ chối mới là dấu hiệu cho thấy bạn mới là người trưởng thành.
Mẹo hữu ích
Nếu bạn lo lắng khi thấy bạn bè dùng chất kích thích hay uống rượu bia, hãy nói với người lớn. Đó không phải là mách lẻo mà là bạn đang giúp bạn mình.