Với tôi, mỗi đứa trẻ hiện diện trong cuộc đời đều là một phép mầu của tạo hóa. Nhưng đôi lúc phép mầu ấy lại không như ý muốn. Có những đứa trẻ sinh ra trong niềm vui khôn xiết và vòng tay yêu thương của mọi người, cũng có những sinh linh vừa ra đời đã bất hạnh, gặp sự ghẻ lạnh của những người xung quanh. Với riêng bản thân tôi, có lẽ đó vừa là niềm vui mà cũng vừa là nỗi đau với gia đình. Không phải tôi không được chào đón mà ngược lại, tôi được ấp ủ trong vòng tay thương yêu của bà nội và mẹ - nhưng trong một hoàn cảnh thật éo le và bất hạnh: Ngày tôi cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày ba tôi vĩnh viễn không còn trên cuộc đời này nữa. Vì vậy, ngày sinh nhật của tôi cũng là ngày giỗ của ba.
Nhà tôi nghèo lắm. Hôm sanh tôi, mẹ nằm trong căn lều nhỏ cạnh bụi chuối, được mụ Chồn ở gần nhà đỡ đẻ cho. Đó là một ngày của năm Tân Mão (1951) - cái ngày mà có lẽ đến hết cuộc đời bà nội và mẹ không thể nào quên được. Một ngày như định mệnh đã sắp đặt, một sinh linh nhỏ bé ra đời và một cuộc đời phải đặt dấu
chấm hết. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con, mất chồng? Có niềm vui nào lớn hơn niềm vui được ôm vào lòng đứa cháu, đứa con của mình? Ba tôi mất vào buổi sáng thì buổi chiều tôi cất tiếng khóc chào đời. Cũng bởi nỗi đau quá lớn nên sự có mặt của tôi là niềm vui vô vàn, là nguồn an ủi làm vơi bớt nỗi buồn mất con, mất chồng của nội và mẹ.
Ba tôi mất rồi lại có thêm tôi ra đời, gánh nặng đè lên vai hai người phụ nữ. Nhà tôi đã nghèo nay lại neo đơn, thiếu đi người đàn ông làm chỗ dựa. Cũng chính vì thế, tôi lớn lên trong môi trường nghèo khổ và thiếu ăn. Nhưng tôi chưa bao giờ oán trách số phận, tôi luôn tự hào về tuổi thơ và những ngày tháng gian khó ấy, bởi chính nó đã nuôi nấng, hun đúc và cho tôi trưởng thành với nhiều trải nghiệm mà ít người may mắn có được.
Vào giai đoạn ấy, nghèo khổ là mẫu số chung của rất nhiều người, nhưng trong cảnh nghèo đến mức không có cơm ăn, thiếu áo mặc, thiếu chăn đắp và đặc biệt là đất nước đang có chiến tranh mà vẫn kiên trì cắp sách đến trường, học hành tới nơi tới chốn thì thật là hiếm có. Chính vì những lý do đó mà tôi mạnh dạn chia sẻ đến bạn đọc quãng đời mình đã đi qua với hy vọng có thể truyền cảm hứng để bạn đọc chinh phục những khát vọng của riêng mình và đừng bao giờ đầu hàng số phận.
1
Mẹ tôi, chị tôi
Mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác nhưng trong lòng tôi, đó mãi là người phụ nữ vĩ đại nhất.
Dù cuộc đời mẹ gặp bao nhiêu khó khăn, đau đớn có lúc tưởng như gục ngã nhưng mẹ chưa bao giờ đầu hàng. Mẹ đã hy sinh rất nhiều vì chị em tôi. Vì muốn các con có chữ nghĩa bằng bạn bằng bè, có cuộc sống tốt đẹp hơn, mẹ không bao giờ nề hà việc gì, từ dãi nắng dầm sương ngoài đồng ruộng đến làm thuê, ở đợ cho người ta.
Ông ngoại mất sớm, bà ngoại bỏ đi biệt tăm, mẹ côi cút giữa dòng đời từ tuổi ấu thơ. Không có anh chị em ruột thịt, mẹ phải nương nhờ nhà người anh chú bác mà tôi thường gọi là cậu Thạch, Mẹ con tôi mãi mãi nhớ ơn và luôn xem cậu Thạch là người thân ruột thịt đã cưu mang mẹ tôi lúc còn nhỏ. Nhà cậu lúc bấy giờ ở làng Triều Sơn Trung, hay còn gọi là làng Bàu Đôn, xã Hương Cần, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
Tuổi thơ của mẹ không có những ngày cắp sách đến trường như bạn bè, vậy nên cả đời mẹ chưa bao giờ biết cái chữ tròn méo thế nào, đọc ra sao, ghép lại bằng cách nào. Tuổi thơ của mẹ lấp đầy bằng những tháng ngày trên ruộng đồng với những công việc đồng áng, ngày ngày chăn trâu, cắt cỏ, hái rau. Mỗi ngày của mẹ trôi qua không nhiều những trò vui tuổi thơ; nó hằn sâu từng giọt mồ hôi và có lúc cả nước mắt của một đứa trẻ đã sớm phải bươn chải trong cuộc đời mà không một vòng tay âu yếm, dịu dàng an ủi của đấng sinh thành.
18 tuổi, mẹ lập gia đình, chuyển về sống với ba ở xóm Rào, làng La Khê, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, cách làng của mẹ một cánh đồng. Sở dĩ xóm có tên Rào là vì ở gần sông (ở Huế, những con sông nhỏ thường được gọi là "rào" hoặc "hói"). Những tưởng hôn nhân là trang mới tươi vui cho đời mẹ, chẳng dè số phận mãi trêu ngươi. Yên bề gia thất chưa được bao lâu, mẹ nhận hung tin ba mất vì bệnh lao trong thời gian đi theo Việt Minh. Bầu trời như đổ sụp. Thêm lần nữa, mẹ bơ vơ giữa cuộc đời, tay bồng con trai còn đỏ hỏn, tay dắt con gái vừa lên 5.
Mẹ ở vậy nuôi chị em tôi từ đó cho đến bây giờ. Nay ở tuổi gần 90, bao vất vả, đắng cay, cơ cực trong đời dường như mẹ đã nếm đủ. Tâm trí tôi vẫn khắc sâu những tháng ngày mẹ lam lũ nuôi con, chịu bao nhiêu tủi khổ mà chưa từng có một lời kêu ca hay xem con cái như nơi trút bỏ những gánh nặng trong lòng.
Trước gian khó, mẹ bình thản đối diện, bình thản bước qua, và bình thản, dịu dàng trong từng vòng tay với chị em tôi. Chính điều đó đã ấp ủ tôi trong những năm tháng tuổi thơ nghèo khổ, khiến tôi không cảm thấy thiệt thòi dù mồ côi cha ngay từ lúc lọt lòng. Tôi luôn tự hào khi nhắc đến mẹ. Con xin vinh danh mẹ! Cảm ơn mẹ đã cho con cuộc đời này!
Ngoài mẹ, tôi còn một người thân nữa không thể không nhắc đến, đó là người chị hơn tôi 5 tuổi. Nhà chỉ có hai chị em, lại mất cha, nên chị rất thương tôi. Thuở nhỏ, chị cũng được đến trường nhưng khi gia đình quá khốn khó, chị đành dừng đường học để học nghề may, phụ mẹ trang trải cuộc sống và lo cho tôi ăn học đàng hoàng.
Tuổi mới lớn, chị đã có những nét ưa nhìn, được nhiều người yêu mến. 18 tuổi, chị kết hôn với một sĩ quan trong quân đội miền Nam và sống khá sung túc tại Tam Kỳ, Quảng Tín (nay là tỉnh Quảng Nam). Song hạnh phúc ngắn chẳng tày gang và "hồng nhan bạc phận", những gian truân đời mẹ như lặp lại ở đời chị: một ngày tết Mậu Thân, anh rể tôi tử nạn, để lại vợ hiền, con thơ.
Về sau, chị tôi đi bước nữa với một người cùng quê. Nhờ sự quan tâm và trợ giúp của tôi, sáu đứa con của chị đều được học tập đến nơi đến chốn và hiện có cuộc sống ổn định, thậm chí có người khá giả. Vợ chồng chị tôi giờ đây đang an hưởng tuổi già tại Huế.
2
Sự cố ngày khai giảng và "ông Bụt" của tuổi thơ tôi
Dù gia đình khó khăn trăm bề nhưng mẹ vẫn cho tôi đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Đối với gia cảnh nhà tôi, vừa nghèo khổ lại neo đơn thì việc đến trường là cả một vấn đề rất lớn.Tôi chưa bao giờ thôi biết ơn mẹ vì điều đó. Chính những năm tháng được đi học đã chắp cánh cho cuộc sống trưởng thành sau này của tôi.
Khỏi phải nói, tôi đã háo hức đợi chờ biết bao ngày đầu tiên đi học. Từ đêm hôm trước, tôi đã ríu rít hỏi mẹ hết cái này đến cái kia về trường lớp khiến mẹ trả lời không kịp thở. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm mặc dù tối hôm trước không ngủ được vì hồi hộp và háo hức. Trong lúc mẹ chuẩn bị thì chân tay tôi cứ líu ríu, nhất là khi thoáng thấy mấy đứa trẻ nhà bên cạnh cứ quần áo tíu tít cả lên. Tôi thì không có quần áo đẹp như các bạn, nhưng chẳng sao, với một đứa trẻ nghèo như tôi, được đến trường đã là một niềm vui và tự hào rất lớn rồi.
Đường đến trường cũng chính là con đường làng thân quen tôi vẫn chạy nhảy vui đùa mỗi ngày, nhưng hôm nay nó bỗng trở nên vô cùng lạ lẫm vì tâm trí tôi lấp đầy những suy nghĩ, những tưởng tượng không ngừng về lớp học, thầy cô, bạn bè. Chà, trường tiểu học Hương Vinh, làng La Khê sẽ là nơi tôi được học chữ, được làm những bài tập, được gặp các thầy cô, có thêm bạn bè, được đánh dấu mốc "trưởng thành" hơn so với mấy đứa nhóc còn mải lon ton chơi ngoài ruộng đồng kia... Quá mải mê bồng bềnh với thế giới tưởng tượng của mình, tôi không nhận ra đã đến trường từ lúc nào. Và rồi trong tích tắc, tôi như lọt từ chín tầng mây xuống đất bởi tin sét đánh: tôi không đủ điều kiện nhập học vì… thiếu giấy khai sinh!
Đầu óc tôi tối sầm vì "cú đánh" chí tử ấy, kiểu như tôi đang cưỡi cả thế giới trên mây bỗng nhiên có một cơn lốc thổi bay tôi xuống đất. Không thể tin được! Người ta không cho tôi vào trường, lấy gì mà học tập, thầy cô hay bạn bè!
Ngày tôi chào đời cũng là ngày ba tôi mất nên mọi việc trong nhà khi ấy rối rắm vô cùng. Tâm trí bà nội và mẹ cũng bị xẻ hai bởi những điều bất ngờ quá đỗi. Tất cả rối tung, trong một ngày mà biết bao sự việc xảy ra, vừa lo ma chay, vừa lo cho đứa trẻ mới lọt lòng, lại thêm chị tôi lúc đó còn quá nhỏ để hiểu và giúp được cho gia đình, hai người phụ nữ dường như điên người và mất hồn. Ngày đó đối với nội và mẹ dài vô tận, nhưng không đủ để nghĩ đến những vấn đề khác nữa. Bởi vậy mà không ai nhớ tới việc làm giấy khai sinh cho tôi. Thời gian như con nước, tôi hồn nhiên lớn lên như cỏ cây hoa lá, còn cái giấy khai sinh – tờ giấy xác nhận về mặt pháp lý sự hiện diện của tôi trong cõi đời này – dường như chưa bao giờ xuất hiện trong ý niệm của người thân. Để hôm nay, chính tờ giấy ấy ngăn tôi bước vào cửa lớp, biến ngày khai giảng đầu đời của tôi trở thành cơn ác mộng.
Trong khi mẹ nói chuyện, cố giải thích và tìm cách thuyết phục nhà trường cho tôi vào lớp thì tôi ngồi thu lu một chỗ và khóc. Tôi nhìn những đứa trẻ khác đang bước vào lớp, nhìn những ánh mắt, nụ cười hân hoan kia, nó y như tôi của cách đây ít phút thôi. Đứa trẻ 6 tuổi lúc ấy có biết gì về giấy khai sinh hay chuyện người lớn đang nói với nhau, chỉ là tôi thấy hụt hẫng, thất vọng và bất công làm sao. Tôi không hiểu giấy khai sinh quan trọng như thế nào, tôi chỉ biết là mình không được vào lớp, không được đi học, bao nhiêu giấc mơ và hi vọng trẻ con đang bị đánh cắp.
Sau một hồi nói mãi vẫn không được chấp nhận, mẹ đành bảo tôi ra về. Tôi không muốn về. Về thì từ nay tôi sẽ ở nhà luôn ư? Tôi muốn đi học, muốn được cắp sách đến trường, tôi phải được đi học. Tôi cố tìm xem trong đám đông người người vội vàng hồ hởi kia một ánh mắt nào đó xót thương cứu vớt tôi, mang tôi vào lớp. Nhưng rồi chẳng có điều kì diệu gì xuất hiện, dù chỉ là một cái liếc nhẹ. Cuối cùng thì mẹ kéo mãi tôi cũng đành lủi thủi ra về vì mọi người đã vào lớp hết rồi, không ai quan tâm đến mẹ con tôi nữa.
Con đường làng mới sáng nay tươi đẹp lạ lẫm mà giờ sao lại trở về quen thuộc nhưng thật đáng ghét làm sao. Tại sao cũng một con đường mà lại mang nhiều sắc thái và cảm xúc cho người ta như vậy? Mới sáng nay tôi còn bước phấn khởi và tràn trề sức sống, thế mà giờ cả thế giới như muốn sụp đổ ngay chính trên con đường này. Trên đường tôi cứ khóc suốt, còn mẹ thì không giấu được buồn bã nhưng vẫn cố sức an ủi, xoa dịu tôi.
Bất ngờ tôi gặp một ông Bụt! Thật ra thì ông Bụt ấy không có râu tóc bạc phơ, không mặc áo dài trắng xóa, cũng chẳng phe phẩy cây phất trần như trong chuyện cổ tích, nhưng ông ấy đã cứu vớt đời tôi đúng như sứ mệnh của ông Bụt.
Ông Bụt đó là một nhân sĩ giàu có, ông tên là Trần Tiễn Hi hay còn gọi là ông Thị Hi. Nghe ông hỏi lý do tôi khóc, mẹ kể ông nghe rằng tôi không có giấy khai sinh nên không được đi học. Ông ân cần hỏi tôi tên gì, sinh ngày tháng năm nào, ba tôi đâu… Mẹ lắc đầu. Mẹ bảo ba mất rồi, chỉ nhớ ngày sinh âm lịch của tôi là ngày ba tôi mất thôi, còn ngày theo tuổi đi học thì chịu, không nhớ nổi. Ngày xưa thì làm gì có internet hay những tài liệu để tra lịch từ ngày âm ra ngày dương dễ dàng như bây giờ.
Đến lúc đó tôi mới biết là tôi không có tên họ. Mẹ nói với ông Thị Hi là từ nhỏ mọi người trong nhà đã quen gọi tôi là thằng Lọ, mãi đến bây giờ vẫn chưa đặt cho một cái tên chính thức nào. Gọi là Lọ bởi vì đó là một cái tên chung mà nhiều người nhà quê thường đặt cho con trai. Ngoài tên này thì người ta cũng thường gọi con trai là thằng Cu, thằng Đực, và nếu con gái thì thường gọi là con Bẹp, con Gái.
Nghe xong đầu đuôi, ông cười xòa và xoa đầu tôi. Ông bảo sẽ giúp mẹ làm giấy khai sinh cho tôi và tôi chắc chắn sẽ được đến trường. Tôi nhảy lên vì sung sướng và ôm lấy mẹ. Ông Thị Hi cười hiền như một ông tiên. Ông đã mang lại cả thế giới cho tôi!
Sau đó thì ông dắt mẹ con tôi đi làm giấy khai sinh. Ông hỏi ý kiến mẹ về tên của tôi. Bị hỏi bất ngờ quá nên mẹ bối rối, không biết nên đặt tên gì, mẹ nói hay là nhờ ông cứ đặt cho cháu một cái tên nào ông thấy thuận. Thế là ông nghĩ ra cái tên Trung, Hồ Văn Trung, và đó chính là cái tên mà đã 63 năm gắn bó với tôi cho đến bây giờ. Mẹ tôi cũng nhờ ông chọn ngày sinh cho tôi. Tôi không biết vì sao ông chọn ngày 25-4 và cũng chưa bao giờ có dịp để cảm ơn và hỏi rõ ông về điều này. Về sau, khi tôi lập gia đình và có con thì các con tôi vẫn thường tổ chức sinh nhật cho tôi vào ngày này.
Với bản thân tôi thì đây cũng là ngày sinh thật sự, bởi đó là ngày đặc biệt trong đời: tôi được có tên, có họ, có giấy khai sinh và được đi học. Ngày sinh nhật cũng là ngày tôi nhớ đến ông Bụt hiền lành của ngày xưa. Dù khi lớn lên tôi nhận ra trên đời thật ra không có ông Bụt, nhưng tôi luôn biết rằng những người tốt bụng vẫn luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Rằng dù những cái xấu có tồn tại nhiều như thế nào thì vẫn luôn có những điều tốt đẹp bên cạnh như một điều tất yếu trong cuộc sống.
***
Sau khi có giấy khai sinh, tôi hiên ngang bước vào lớp như những đứa trẻ khác. Mỗi ngày tôi đều hân hoan với niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của một đứa trẻ nghèo: được cắp sách đến trường!
Sau giờ học ở trường, ngoài những lúc phụ giúp mẹ và chị, tôi thường tranh thủ thời gian lấy sách vở ra ôn bài. Những năm tháng tuổi thơ của tôi được mẹ vun đắp và cố gắng chở che nên không buồn như của mẹ ngày xưa. Bởi dù nghèo thế nào, ăn uống thiếu thốn ra sao hay điều kiện học tập không bằng chúng bạn, thì riêng chuyện được đến trường với tôi đã là một điều vô cùng thiêng liêng, cao quí. Nó được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi của mẹ, những ngày mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả để lo cho tôi. Vì vậy tôi luôn cố gắng học tập thật tốt.
Quê tôi nghèo lắm, người dân sinh sống chủ yếu bằng việc làm ruộng hay làm thuê trên những cánh đồng của người khác. Nhưng có lẽ tôi là đứa nghèo nhất trong đám trẻ con nghèo ở đây. Nhà tôi ở cũng không phải là một ngôi nhà đúng nghĩa: nó chỉ là một túp lều được dựng lên trong khuôn viên nhà của ông bà nội bởi gia đình tôi không có ruộng vườn gì. Trong túp lều nhỏ xíu của ba mẹ con tôi ở không có của cải hay thứ gì đáng giá, những thứ ít ỏi có trong nhà thì đều cũ và sờn hết rồi. Những mùa nắng, khi cái nắng gay gắt đổ lửa của miền Trung kéo đến thì túp lều hệt như cái lò lửa nung, những ngày đó tôi thường ra gốc cây gần nhà nằm ngủ trưa cho mát. Còn những khi mưa gió thì ba mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau để xua đi cái lạnh giá, ướt át của những cơn mưa và nỗi buồn ẩn chứa trong mỗi người mà không ai dám nói ra.
Thật ra, lúc nhỏ tôi hay tủi thân vì nhà mình nghèo. Không chỉ nghèo về vật chất, đôi lúc tôi còn cảm thấy mình nghèo cả tình thương. Mẹ rất thương tôi, chị cũng rất thương tôi, nhưng tôi thấy cần ba vô cùng. Đối với tôi, mẹ vĩ đại, nhưng ba cũng rất quan trọng. Mẹ có thể làm mọi thứ cho tôi nhưng không thể làm ba cho tôi được. Vì chưa bao giờ biết được hình dáng ba, chưa từng được ba chăm sóc, yêu thương nên tôi rất ganh tị với nhiều đứa trẻ khác. Có nhiều lúc tôi ngồi ở một góc khóc vì buồn, vì tủi và muốn có ba khủng khiếp, mặc dù tôi chẳng biết được bao nhiêu về ba qua những câu chuyện mẹ kể. Tôi chỉ biết là mình thấy cần hơi ấm của ba, dù chỉ một chút ít thôi cũng đủ sưởi ấm trái tim tôi. Nhất là những lúc tụi trẻ con trong xóm thấy ba đi làm về thì tíu tít gọi, chạy đến, nhảy lên lưng ba. Tôi cũng đã từng ước mình được ở trên lưng ba, chắc lúc đó tôi sẽ thấy mình có thể với được đến tận sao trời, có thể ôm trọn trái đất trong tay và không sợ bất cứ thứ gì trên cuộc đời này như bao đứa trẻ khác vẫn thường nói như vậy. Và nhất là tôi không phải khóc vì tủi và nhớ ba.
Tuy vậy, những lúc như thế tôi càng thương mẹ hơn. Tôi luôn nung nấu ý nghĩ mình phải cố gắng để là một hiệp sĩ nhỏ anh hùng có thể bảo vệ được cho mẹ thay ba, có thể thay ba gánh vác bớt phần nào khổ cực cho những người mình yêu thương nhất trong đời.
Tôi không bao giờ quên những năm tháng ấy cùng với hình bóng mẹ tôi gầy gò, ốm yếu. So với những người cùng độ tuổi, mẹ nhìn già và khắc khổ hơn rất nhiều. Cuộc đời mẹ, gương mặt mẹ, dáng người mẹ đã bị đánh quật bởi bao nhiêu sóng gió đã trải qua và phải đầu tắt mặt tối với bộn bề lo toan phải gánh vác. Mẹ không dám sắm sửa gì cho mình, cũng không dám ăn uống nhiều, cái gì cũng dành phần cho chị em tôi, vì vậy mà mẹ gầy nhom và xanh xao lắm. Dù khó khăn thế nào mẹ cũng bảo sẽ lo cho tôi được, mẹ chỉ mong tôi cố gắng học chăm chỉ để mai này có cuộc sống tốt hơn.
Chính vì những lời mẹ nói mà tôi đã cố gắng rất nhiều, năm học nào tôi cũng luôn là học sinh giỏi của trường. Mỗi năm tôi đều được nhận bằng khen, phần thưởng và học bổng dành cho con nhà nghèo hiếu học. Mỗi lúc tôi mang bằng khen và học bổng về, bao giờ mẹ cũng rất vui, rất tự hào. Mẹ nói rằng chỉ cần tôi học giỏi như vậy là mẹ không còn thấy cực khổ nữa.
Những lời nói của mẹ càng hun đúc niềm tin và mục tiêu cho tôi. Chỉ cần mẹ vui và cười như vậy, tôi cũng đã thấy quá hạnh phúc rồi. Tôi luôn cố gắng để mẹ mãi luôn cười như vậy, vì cuộc đời mẹ đã rơi biết bao nhiêu nước mắt…
Sau khi học xong cấp tiểu học, tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi đệ thất (tương đương lớp 6 ngày nay). Đây là kỳ thi bắt buộc với tất cả học sinh đã học xong chương trình tiểu học thời ấy. Nếu thi đậu, học sinh sẽ được vào học miễn phí tại các trường công lập. Còn nếu thi rớt, học sinh phải vào học trường bán công hoặc tư thục với học phí rất cao. Học ở trường công lập mà mẹ đã vất vả như vậy rồi, làm sao tôi dám mơ đến những nơi tốn kém như trường bán công, tư thục? Vì vậy, tôi chỉ có lựa chọn duy nhất: phải thi đậu!
3
Kỳ thi đệ thất và cú lừa bỉ ổi
Như đã nói, trong kỳ thi vào đệ thất, những học trò nghèo như tôi nếu muốn tiếp tục đi học thì chỉ còn cách duy nhất là phải thi đậu để được học trường công lập. Nếu thi rớt, tương lai có thể thấy ngay trước mắt là nghỉ học, đi làm ruộng hoặc học nghề thợ mộc, thợ hồ… Trong khi đó, các công tử, tiểu thư nhà giàu có thể nhởn nhơ thi cử vì nếu không học được trường công thì sang trường tư thục. Đó là sự khác biệt giữa giàu - nghèo.
Áp lực khủng khiếp của kỳ thi quan trọng ấy đè cả lên đôi vai gầy của mẹ, bởi hơn ai hết, mẹ hiểu được khát khao học tập trong tôi, mẹ tin rằng chỉ có con đường học vấn mới có thể đưa tôi đến tương lai tươi sáng. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vốn đã nặng trĩu, nay thêm chuyện học hành, thi cử nên tóc mẹ tôi bắt đầu điểm bạc dẫu tuổi chưa thật nhiều.
Nhiều hôm bất chợt tỉnh giấc lúc nửa đêm, thoáng thấy mẹ khóc, tôi chỉ lẳng lặng nhìn, không dám hỏi nguyên do (thật ra, tôi cũng chẳng biết phải hỏi thế nào). Trái tim tôi run lên rồi thắt lại khi cảm nhận được vị mặn chát trong từng giọt nước mắt lăn dài trên gò má xương xẩu của mẹ. Nghèo không phải là tội, nhưng nó khiến người ta phải khổ đau, phải suy tính, tủi thân quá nhiều. Trong những phút giây len lén nhìn mẹ khóc thầm, tôi lại ước ao cháy bỏng rằng ba còn sống để mẹ có một bờ vai tựa vào. Ba cũng sẽ biết cách an ủi mẹ chứ không im lặng bất lực như tôi.
Cay đắng hơn, chính kỳ thi ấy là ngọn nguồn của một "tấn trò đời" mà người mẹ nghèo, mù chữ của tôi là nạn nhân. Mãi sau này, khi đã trưởng thành và thật sự vén được những áng mây mù che lấp các "ẩn số" trong câu chuyện ấy, tôi mới thật sự vỡ lẽ tường tận về cú lừa này. Lợi dụng sự hy sinh và quyết tâm cho con ăn học của mẹ tôi, những kẻ giàu có, lắm thế lực đã bóc lột trần trụi sức lao động của mẹ.
Chuyện là sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về tương lai của tôi, mẹ quyết định đi ở đợ không công để… đảm bảo chắc chắn tôi thi đậu vào đệ thất. Có lẽ nhiều bạn đọc đang thắc mắc hai việc này có liên quan gì với nhau. xin nói rõ ngay, thời điểm đó, mẹ đang ở đợ cho gia đình mụ Lý ở xóm Thanh Hà, cách xóm tôi một xóm. Gia đình ấy vốn giàu có, xuất thân từ làng Bàu Đôn (Triều Sơn Trung) - nơi mẹ từng lớn lên. Vì quen biết ít nhiều nên mẹ thường gọi mụ là "dì Lý". Mụ Lý có người con trai tên là Để và một người cháu mà mẹ thường gọi là "cậu Chữ" (vì cậu nhỏ tuổi hơn mẹ). Những người này đều được ăn học đàng hoàng, giàu có và có chức phận cao trong Sở Giáo dục.
Mẹ được mụ Lý giới thiệu đi ở đợ cho ông Để (ông đang làm việc ở Sở Giáo dục và có người vợ dạy học). Nhà ông Để ở trong thành nội, gần Trường Hàm Nghi (tức Trường Quốc Tử Giám thời triều Nguyễn). Mẹ quyết định lên nhà ông Để ở đợ không lương với mục đích… nhờ ông gửi gắm cho tôi thi đậu.
Ở nhà ông Để, mẹ được cho một chiếc giường tre đặt trong nhà bếp để ngủ. Cái giường nhỏ xíu, lần nào tôi ngồi lên nó cũng oằn xuống, kêu ót ét như thể sắp sập tới nơi. Vì mẹ bận luôn tay luôn chân nên tôi không có nhiều thời gian thủ thỉ với mẹ trong mỗi lần đến thăm. Gà chưa gáy sáng, mẹ đã thức dậy bắt đầu chuỗi công việc dài dằng dặc. Khi mẹ được ngơi tay thì trời đã tối mịt. Mỗi ngày của mẹ trôi qua đều giống nhau: vô vị, khắc khổ, mệt mỏi.
Chứng đau lưng tiếp tục hành hạ mẹ, khiến mỗi bước chân, mỗi cử động trở nên khó khăn, nặng nề. Nhưng mỗi khi thấy tôi, mẹ luôn nở nụ cười như thể mẹ rất hạnh phúc với công việc ấy. Đó là bởi mẹ tin những việc mẹ đang làm sẽ giúp tôi được tiếp tục đi học. Chỉ cần tôi được đi học và học giỏi thì mọi khổ đau, khó khăn với mẹ chẳng là gì. Mẹ gầy gò, ốm yếu, hay bệnh thế mà phải làm cả những việc nặng nhọc mà ngay cả đàn ông đôi khi còn không chịu nổi. Quần quật từ sáng tới tối, đôi tay mẹ vốn đã chai sạn nay càng thô ráp hơn, mất cả dáng vẻ bàn tay phụ nữ. Những kẽ tay, kẽ chân nứt nẻ như minh chứng hùng hồn về sự đánh đổi cho tương lai của đứa con thơ. Mỗi lần nhìn mẹ, tôi xót xa lắm!
Ở đợ tức là không chỉ làm những công việc nhất định mà còn phải làm cả những gì chủ sai bảo. Đôi lúc chúng vừa quá sức vừa tủi nhục nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Người đi ở đợ không có quyền ca thán, không được phản kháng, cũng không có tiếng nói, chỉ biết lầm lũi làm. Ngày đó, nghề ở đợ chỉ dành cho những người nghèo khổ nhất, cùng đường nhất chứ không phải là một nghề được nhiều người chọn và sống được như thời nay.
Tuy vậy, một điều an ủi tôi là thời gian mẹ ở đợ cũng là lúc hai mẹ con được ăn uống ngon lành nhất. Chỉ là cơm thừa, cá cặn của chủ nhưng với tôi, như thế đã là ngon nhất! Trước đó, may mắn lắm, gia đình tôi mới có được một bữa ăn có chất một chút với vài con cá, con tép nhỏ xíu mẹ xúc được ngoài đồng. Gặp mùa khô hạn, cả nhà chỉ biết húp cháo. Ruộng đồng nhiều nhưng đa số dân làng nghèo khổ nên ai cũng thường ra đồng xúc tép, bắt cá để tiết kiệm tiền chợ, do đó mỗi lần đi xúc, mẹ "thu hoạch" được chẳng bao nhiêu. Rất ít người đi chợ mua cá hay thịt, ngay cả mua một bó rau, nhiều người còn đắn đo. Vậy nên mấy con tép bé xíu đã cứu vớt cho những bữa ăn khắc khổ có chút màu sắc đẹp đẽ và dinh dưỡng hơn.
Thức ăn không bao nhiêu nên bữa ăn nào mẹ cũng gắp hết cho hai chị em tôi. Chị cũng đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng luôn nhường phần cho tôi. Tôi tuy nhỏ nhưng cũng hiểu được phần nào hoàn cảnh nên chẳng dám ăn. Cả nhà cứ gắp qua gắp lại cho nhau. Những lúc như vậy mẹ hay bảo: "Con trai phải ăn nhiều mới có sức làm trụ cột cho hai người phụ nữ chứ!". Nói xong, mẹ chan miếng nước kho tép vào chén mẹ rồi để phần tép lại cho tôi. Những ký ức này luôn khiến tôi ứa nước mắt mỗi khi nhớ về.
Ăn uống thiếu thốn là vậy nên khi qua nhà ông Để, được ăn nào cá, nào thịt - những thứ là "sơn hào hải vị" đối với tôi - thì quả là niềm hạnh phúc quá lớn. Thật ra, thức ăn thừa không còn nhiều và dĩ nhiên không được thẩm mỹ lắm, nhưng lần nào mẹ cũng bảo tôi ráng ăn nhiều để có sức học hành, thi cử. Tôi cũng chẳng để ý, chẳng chê bai điều gì vì với một đứa trẻ nghèo khổ, được ăn như thế đã là tốt lắm. Vì hôm nào tôi cũng phải chờ mòn mỏi đến khi ông bà Để ăn xong, dọn dẹp xong, thì mới được xúc ít cơm cá để ăn nên tôi luôn ăn rất ngon lành, giống như sắp chết đói vậy.
Có những lúc vợ chồng ông đi chơi về trễ, tôi ngủ gục lúc nào không hay, đến khi thức dậy, bụng sôi ùng ục mà vẫn không thấy bóng dáng chủ đâu. Những món ăn ngon lành trước mắt chẳng khác gì mỡ trước miệng mèo. Tôi thèm kinh khủng mà không thể ăn. Cái bụng đang bảo, cái mắt đang thấy, cái tay đang muốn với tới thức ăn nhưng cái đầu tôi không cho phép. Cảm giác đó nó thê thảm không tả được. Đến tối mịt, khi ông bà về thì tôi đã lăn ra ngủ lúc nào không hay, thức ăn đã lạnh tanh còn ông bà Để thì đã ăn bên ngoài! Mẹ lay tôi dậy, thế là tôi có một bữa ăn cực kỳ hoành tráng và tưởng bể bụng đến nơi. Tôi chưa bao giờ được ăn nhiều và thả sức như vậy. Đó là những bữa ăn no nê, ngon lành hiếm hoi của tôi.
Bận rộn với hàng tá công việc lớn nhỏ ở nhà ông Để nhưng ngày nào mẹ cũng cố gắng lo cho tôi ăn ngủ đàng hoàng để có sức khỏe và tinh thần cho kỳ thi. Đêm nào mẹ cũng dặn tôi rằng: "Mình nghèo hơn người ta, chỉ còn biết cố gắng học hành cho thật tốt để sau này không phải khổ nữa".
Mẹ luôn nhấn mạnh: "Chỉ có học là con đường duy nhất của con. Con không phải lo bất cứ điều gì, chỉ cần cố gắng học giỏi là được". Tôi luôn khắc cốt ghi tâm câu nói đó. Chỉ vài từ ngắn gọn nhưng chứa đựng tình thương con vô bờ bến của một người mẹ thất học, nghèo khổ, bệnh tật.
Thấu hiểu tấm lòng mẹ và giá trị của sự học, đến bây giờ, tôi luôn hướng giới trẻ đến việc học tập. Dù nghèo hay giàu, học là con đường duy nhất để hoàn thiện bản thân, để góp phần xây dựng đất nước. Với tâm nguyện đó, tôi luôn ủng hộ những tổ chức, cá nhân quan tâm đến vấn đề giáo dục cho trẻ em, nhất là trẻ em thiếu may mắn.
***
Thời gian dần trôi, ngày thi quan trọng cũng đến. Tôi đăng ký thi đệ thất vào Trường trung học Hàm Nghi, phòng thi đặt tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Tôi lo lắng một, mẹ lo gấp trăm ngàn lần. Nỗi lo hiển hiện hết trên gương mặt khắc khổ của mẹ dù mẹ cố giấu thế nào.
Sáng hôm đó, mẹ dậy sớm hơn thường ngày, làm hết việc nhà ông Để rồi bồn chồn dẫn tôi đi thi. Mẹ chuẩn bị cho tôi một gói xôi, một chai nước nhỏ và căn dặn tôi những điều quen thuộc mà bậc cha mẹ nào cũng dặn con trước buổi thi: nhớ làm bài cẩn thận, nhớ canh chừng thời gian, nhớ viết rõ ràng... Những lời dặn dò quen thuộc và bình thường ấy khi được phát ra từ những người mình yêu thương nhất lại có sức mạnh thật to lớn.
Đến trước cổng trường thi, mẹ ôm lấy tôi, đặt một nụ hôn lên trán tôi, nhắn nhủ lần cuối: "Ráng nghe con!". Tôi vòng tay ôm chặt mẹ rồi nói lời chào tạm biệt. Tôi quay lưng nhưng không cất bước được bởi bàn tay mẹ vẫn siết chặt lấy tay tôi. Tôi cảm nhận được sức nóng hừng hực, cái run rẩy và những giọt mồ hôi lạnh từ tay mẹ truyền sang. Tất cả hồi hộp, lo lắng của mẹ trong thời gian qua dường như cô đặc lại trong cái siết tay thật chặt ấy. Tôi hiểu mình là niềm hy vọng, là hạnh phúc lớn nhất của đời mẹ. Tôi không được phép thất bại. Tôi nhìn mẹ, mỉm cười rồi bước vào trường với miên man cảm xúc.
Kỳ thi gồm có ba bài kiểm tra: luận văn, toán, khoa học thường thức. Trong đó, luận văn và toán là hai bài thi chính. Buổi sáng thi môn luận văn, tôi làm bài với tâm trạng phấn khởi, những gì đã học được trí nhớ tôi xâu chuỗi chính xác và áp dụng vào bài làm. Tôi chỉ mất 2/3 thời gian để hoàn thành bài thi.
Giờ nghỉ trưa, tôi lấy gói xôi mẹ cho lúc sáng ra ăn, lòng lẫn lộn niềm vui, sự hồi hộp lẫn nỗi tủi thân. Vui vì làm tốt bài thi luận văn, hồi hộp vì còn hai bài thi vào buổi chiều và hơn hết là tủi vì không có mẹ ở đây. Tôi chợt nhìn sang những người xung quanh và bắt đầu chìm vào những luồng suy nghĩ khác. Tôi nhận ra cuộc sống là sự đan xen các mảng màu tối - sáng, các thái cực khác nhau. Có thí sinh quần là áo lụa, cũng có người giống tôi
- mặc áo rách lỗ chỗ như không thể rách thêm. Có người chỉ có gói xôi nhỏ xíu mà nhâm nhi mãi vì sợ… nhanh hết, lại có người ăn không hết phải vứt bỏ. Có người cha mẹ đứng trông ngóng, có người không một người thân ở bên. Mọi thứ xung quanh muôn màu, muôn vẻ, nhiều sắc thái, tâm trạng.
Khi quan sát như thế, cảm giác buồn tủi, hồi hộp, lo sợ trong tôi bỗng tan biến. Những mảng màu tối - sáng luôn hiện hữu cạnh ta, nhưng đôi khi tối hay sáng là do góc nhìn, suy nghĩ, thái độ của mỗi người. Và trong chính những mảng màu đó, mình có thể pha trộn những màu sắc khác. Tôi có một người mẹ nghèo, ốm yếu, đang vừa quần quật làm việc cho nhà chủ, vừa bồn chồn lo lắng cho kỳ thi của con. Tình yêu lớn lao của mẹ đủ khiến mảng màu tưởng như tối trong cuộc đời tôi chuyển sang sắc màu tươi sáng hơn. Tôi cũng sẽ xoay chuyển màu sắc cuộc đời tôi, mẹ tôi bằng những cố gắng của ngày hôm nay.
Nghĩ một hồi, tôi thấy lòng bình yên lạ thường. Giờ thi buổi chiều đã đến, toán là môn quan trọng nhất, tôi bước vào phòng thi với tâm trạng thoải mái, tự tin. Nhờ vậy, tôi hoàn thành bài thi trước giờ quy định không mấy khó khăn trong khi những thí sinh khác còn đang cắn bút, loay hoay với những con số, câu hỏi. Rời phòng thi, tôi đã thấy bóng dáng hao gầy của mẹ ẩn hiện xa xa ngoài cổng trường. Tôi lao thật nhanh rồi vấp té ngay trước cổng. Mẹ hoảng hồn chạy đến kéo tôi dậy. Tay chân tôi rướm máu nhưng trái tim tôi như đang được tiếp thêm hàng ngàn lít máu. Mẹ luôn là mảng màu sáng nhất đời tôi!
***
Đúng một tuần sau, vào một buổi chiều, hai mẹ con tôi đang quét dọn ngoài vườn thì ông Để bước tới, nói: "Thằng Trung đậu rồi! Là nhờ tôi gửi gắm đó!". Câu nói ấy đến tận bây giờ vẫn chưa khi nào rời khỏi trí nhớ tôi. Chính xác là câu đó! Mẹ nghe xong đứng lặng im như không tin vào tai mình. Mắt mẹ đỏ hoe, từ khóe mắt nhăn nheo những giọt nước mắt tuôn rơi.
Trước đây mẹ chỉ khóc vì buồn tủi còn ngay giây phút này, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Ước mơ của mẹ đã thành hiện thực! Con mẹ sẽ lại được đến trường, được đi về phía tương lai tươi sáng. Những tháng ngày khổ cực bỗng dưng tan biến trong tâm trí mẹ. Cái lưng gù đau buốt, đôi tay chai sạn hay những nếp nhăn trên gương mặt mẹ chẳng có nghĩa lý gì. Thời gian qua mẹ đã chịu đựng quá nhiều. Mẹ như được hồi sinh trong giây phút hạnh phúc ấy.
Ngay sau hôm ông Để báo tin, tôi đến Trường trung học Hàm Nghi để dò danh sách thí sinh trúng tuyển. Dù đã được báo trước kết quả nhưng nỗi hồi hộp vẫn thổn thức trong lồng ngực và hiển hiện cả trên gương mặt tôi. Kết quả đúng là tôi trúng cử! Tôi nhớ rõ đã làm bài tốt nhưng vẫn không tin được là mình đã đậu.
Một điều ngạc nhiên nữa là tôi được chuyển qua học ở Trường Quốc học ở phía bên kia sông Hương. Đó là trường nổi tiếng nhất Việt Nam, chỉ tuyển những học sinh xuất sắc và chỉ nhận học sinh đệ nhị cấp (tức lớp Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất, tương đương lớp 10, 11, 12 ngày nay). Tôi đem câu hỏi này đi hỏi nhiều người nhưng không ai biết. Khi tôi hỏi ông Để, ông chỉ nói một câu: "Không biết!" với thái độ lấp lửng.
Tôi rất lo lắng vì Trường Quốc học xa hơn Trường trung học Hàm Nghi, liệu đôi chân nhỏ bé của tôi có đi bộ nổi đến trường mỗi ngày không? Nhiều nỗi lo khác ùa đến choán lấy tâm trí tôi, khiến tôi rùng mình: trường mới, bạn mới, cấp mới, thầy cô mới…Rồi tôi chợt nhìn xung quanh và thấy rất nhiều bạn bè mặt mày thất thểu, có đứa khóc thét lên, có đứa bị cha mẹ đánh đòn vì không thi đậu. Hoàn hồn lại, tôi nhận ra mình vẫn còn được đi học. Ánh sáng đã mở ra cho cuộc đời của tôi, gia đình tôi. Mong ước, khát vọng của mẹ con tôi nay đã thành sự thật. Niềm hạnh phúc lớn nhất của những đứa trẻ nghèo là tiếp tục được đi học, tiếp tục được viết tiếp ước mơ đổi đời.
Mọi thứ không hoàn toàn giống như giấc mơ của tôi, nhưng con đường phía trước đang dần hé mở những ánh sáng muôn màu hơn. Viễn cảnh ấy khác hoàn toàn với những đứa bạn của tôi. Các bạn cũng nghèo khổ, đói rách nhưng không may mắn đậu kỳ thi đệ thất, thế là cuộc đời bước sang trang mới - mờ mịt hơn, vất vả hơn. Công việc chăn trâu, làm đồng không còn là để phụ giúp cha mẹ nữa mà sẽ trở thành công việc chính. Có đứa đi học nghề làm mộc, hớt tóc rồi bắt đầu bươn chải vào đời khi hãy còn quá nhỏ. Đó là con đường duy nhất của những học sinh nghèo thi rớt. Rồi thì cái điệp khúc nghèo - nghèo - nghèo sẽ bám riết lấy họ đến suốt đời, không cách nào thoát ra được.
Quả thật thực tế buồn ấy kéo dài đến tận bây giờ. Mỗi khi có dịp về quê cúng Tổ, tôi vẫn gặp lại những người bạn đó với hoàn cảnh không hề đổi thay.
***
Trong những năm học ở Trường Quốc học, tôi dần trưởng thành và bắt đầu làm sáng tỏ được những điều từng thắc mắc xung quanh việc tôi được vào học ngôi trường danh tiếng này.
Thời đó, Trường Quốc học chỉ nhận những học sinh đệ nhị cấp từ Trường Hàm Nghi và Trường Nguyễn Tri Phương ở Huế; Trường Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị. Qua những lần trò chuyện với thầy cô và bạn bè, tôi biết được vào năm tôi thi đệ thất thì Bộ Giáo dục quyết định cho Trường Quốc học thành lập thêm đệ nhất cấp, tức là từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ (lớp 6 tới lớp 9 ngày nay). Do đó, Sở Giáo dục quyết định chọn những thí sinh trúng cử cao nhất của Trường Hàm Nghi và Trường Nguyễn Tri
Phương để thành lập bốn lớp đệ thất. Đây là khóa đầu tiên của hệ đệ nhất cấp tại Trường Quốc học.
Khi biết được điều này, tôi vô cùng tự hào khi là học sinh của ngôi trường giàu truyền thống và nổi tiếng nhất Việt Nam. Nhưng đó cũng là lúc tôi bắt đầu lờ mờ vén được bức màn bao nhiêu năm vẫn che phủ cuộc đời mẹ và chi phối cuộc đời tôi. Ngày xưa, mẹ chỉ gửi tôi thi vào Trường Hàm Nghi, chẳng có lý do gì mẹ gửi tôi vào học một trường danh giá và khó vào như Trường Quốc học. Vậy tại sao tôi đường đường chính chính được thông báo vào trường này? Nhớ lại sự phấn khởi khi làm tốt các bài thi, tôi bắt đầu hiểu ra rằng, tôi thi đậu đệ thất và vào được Trường Quốc học là do sự cố gắng của bản thân chứ chẳng hề có sự sắp xếp hay giúp đỡ nào.
Tôi biết mình không phải học sinh xuất sắc toàn diện, không phải là người luôn đứng đầu, nhưng chắc chắn tôi học khá giỏi. Trong lúc nhiều bạn bè dùng tất cả thời gian rảnh rỗi để mải mê vui chơi, tôi lại thường vùi đầu vào sách vở. Tôi thích học, thích đọc, thích nghiên cứu các bài tập, vì vậy kiến thức vào đầu tôi rất nhanh. Còn một điều chắc chắn nữa: tôi phải xuất sắc trong kỳ thi đệ thất thì mới được tuyển vào Trường Quốc học.
Từ những suy nghĩ đó, tôi mang những thắc mắc của mình đi hỏi thầy cô, bạn bè hay những người làm việc trong trường. Sau một thời gian, tôi lần tìm lại được danh sách thí sinh trúng cử trong kỳ thi đệ thất năm ấy. Khi cầm danh sách trúng cử trong tay, tôi thấy tên mình đứng thứ 22 trong tổng số 360 thí sinh trúng tuyển, có 120 thí sinh được tuyển vào Trường Quốc học.
Tờ danh sách trúng tuyển rơi khỏi tay tôi từ lúc nào không biết. Một đứa trẻ đang lớn đủ hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhiều câu hỏi xoáy quanh đầu tôi: "Ông Để gửi gắm giúp tôi ư?", "Nếu ông Để gửi gắm thì chắc chắn tôi phải đậu áp chót, đậu thứ 359 hoặc đậu vớt chứ sao lại nằm trong những người điểm cao như vậy?", "Nếu thật sự được gửi gắm thì tôi đã học Trường Hàm Nghi, lý nào lại vào được Trường Quốc học?"... Chỉ có đáp án duy nhất cho tất cả câu hỏi ấy!
Câu nói của ông Để vào buổi chiều nào lại vang vang trong đầu tôi: "Thằng Trung đậu rồi! Là nhờ tôi gửi gắm đó!". Câu nói đó giờ đây giống như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi. Ngẫm lại thật nực cười. Tôi cười mà nước mắt cứ ứa ra. Cả khi đã trở thành một người đàn ông trưởng thành thật sự, tôi vẫn rơi nước mắt mỗi khi nghĩ về những ngày tháng mẹ đi ở đợ cho nhà ông Để. Hồi ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Tôi làm sao quên được bóng dáng mẹ tảo tần thức khuya dậy sớm làm công không lương. Những giọt mồ hôi mẹ tôi rơi, làn da mẹ tôi héo hắt, nhăn nheo, cơ thể hao gầy… Ai trả lại cho mẹ những thứ đã đánh đổi phi lý đó?
Cuối cùng, ở tuổi đang lớn, tôi đã hiểu được cái mà người ta hay bảo là sự cay đắng của cuộc đời. Nó cay nghiệt hơn cả những gì tôi có thể tưởng tượng. Nó đắng hơn những vị thuốc mà mẹ thường sắc cho tôi mỗi khi ốm đau. Mẹ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ vì con, còn người ta lợi dụng quyết tâm ấy để bòn rút sức lao động của mẹ.
Tôi nhận ra cuộc đời không chỉ là những bài học tươi đẹp được viết trong sách vở. Cuộc sống không phải bức tường màu hồng do ta tự tô vẽ mà đôi lúc trở nên xám xịt khi những bức màn bí mật bất chợt bị vén lên. Tôi phải tập cách sống, tập cách nhìn nhận, suy xét để có thể bảo vệ những người tôi thương yêu, để không bị ai lường gạt, bóc lột như mẹ.
Tôi không biết có nên cho mẹ biết sự thật cay đắng này không. Cuối cùng, tôi quyết định giữ kín bởi dù sao mọi chuyện đã qua. Nếu mẹ biết, chắc chỉ khổ sở thêm. Thực tế là tôi đang đi học. Cứ để mẹ nghĩ rằng những ngày tháng khó khăn, vất vả ở đợ không công cho người ta, sống tằn tiện, thậm chí không có gì để mà tằn tiện, đã được đền đáp bằng việc thấy tôi ngày ngày chăm chỉ đến trường và học hành ngoan ngoãn.
Im lặng với mẹ không có nghĩa là tôi dễ dàng quên, bỏ qua và tha thứ cho ông Để. Đã nhiều lần tôi cố tìm một chi tiết hay bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất để chứng minh ông Để từng tác động đến con đường học vấn của tôi, cố tìm một lý do để tha thứ và thông cảm cho ông. Nhưng tất cả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Đó là đáp án chính xác nhất cho bài toán tôi phải mất nhiều năm mới giải ra.
Sau này, khi trưởng thành hơn, đầu óc mở mang hơn, tôi càng có thêm nhiều cơ sở để chắc chắn cho câu trả lời đó. Câu chuyện nầy cũng khiến tôi bắt đầu nhìn giới nhà giàu với cái nhìn khác. Tôi không thể khoanh tay cúi chào ông Để như trước đây, không thể nhìn ông bằng một sự thán phục đối với một người học cao, có chức phận trong xã hội. Đơn giản vì ông ta không đáng để tôi tôn trọng.
Tôi không thể chịu được khi nhìn thấy những kẻ giàu có, quyền lực ức hiếp những người nghèo khổ đang trong cơn bĩ cực. Thà họ thể hiện điều đó ra mặt thì vẫn còn dễ chịu hơn việc mang bộ mặt đạo đức giả, màu mè, hình thức để tô vẽ bản thân nhưng bên trong lại bòn rút, bóc lột người khác thậm tệ. Tôi ghét những kẻ đạo đức giả và vô lương tâm. Nhiều lần tôi tự hỏi, ai sinh ra cũng có trái tim, mỗi trái tim đều biết đập để sống, vậy sao có những trái tim chẳng đập như một con người bình thường mà lại đập những nhịp nhẫn tâm, tàn bạo trong lớp vỏ bọc nhân văn? Vì thất học, vì không một tấc đất, những người nghèo rốt cuộc sẽ không thể thoát khỏi kiếp nghèo. Họ sẽ bị những kẻ vô lương tâm lợi dụng, bị đẩy vào vòng luẩn quẩn: nghèo - thất học - bị lợi dụng - tiếp tục nghèo!
Một dịp cách đây gần 40 năm, khi đã ở tuổi trưởng thành, tôi tình cờ thoáng thấy vợ chồng ông Để giữa Sài Gòn tấp nập. Lúc đầu, tôi hơi ngỡ ngàng, sau đó bao hồi ức hiện về, nỗi oán giận sôi lên trong lồng ngực tôi. Một ý nghĩ đen tối lóe lên trong tôi: tông xe vào họ để trả thù! Nhưng cuối cùng tôi không làm được việc ấy vì lương tâm không cho phép. Ở đời mình nên dùng cái tâm, dùng lòng vị tha để đối đãi, lòng hận thù có thể giết chết ta. Quan trọng nhất vẫn là sống cho hiện tại, quá khứ chỉ để hồi tưởng.
Ở góc nhìn khác, tôi nghĩ cần phải cảm ơn vợ chồng ông Để vì đã cho tôi bài học đầu đời đắt giá, giúp tôi nhận thức được nhiều điều. Đó cũng là tiền đề cho hiện tại của tôi.
4
Thú đồng quê
Không ai có thể quyết định nơi được sinh ra hay hoàn cảnh nào sẽ nuôi dưỡng mình. Sinh ra trong hoàn cảnh éo le, lớn lên trong thiếu ăn, đói khổ, nhưng hơn hết, tôi thấy mình may mắn. Tuổi thơ khó khăn nơi làng quê Việt Nam nghèo khổ đã dưỡng nuôi, bồi đắp trong tôi những kiến thức, kinh nghiệm, những bài học vô giá về cuộc đời. Đó cũng chính là cơ sở và hành trang chắp cánh cho tôi trong mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn sau đó. Những thứ đó không phải ai cũng có, nhất là những người ở thành phố hoặc thuộc thành phần khá giả.
Nhiều người có thể nói, có thể kể về những gì được nhìn thấy thoáng qua hay đọc được ở đâu đó về làng quê Việt Nam, nhưng những trải nghiệm thật sự thì không dễ có. Có những thứ người ta chỉ nhìn lướt qua, không kịp hiểu tận tường cốt lõi. Có những thứ tưởng như dễ dàng nhưng khi đụng vào hóa ra lại vô cùng khó khăn. Có những thứ tưởng như quen thuộc nhưng lại chứa đựng bao điều kỳ diệu. Tôi may mắn được trải nghiệm những thứ như vậy.
Như bao đứa trẻ khác ở vùng quê, tôi sớm biết giúp đỡ gia đình việc đồng áng. Các công việc ấy hoàn toàn không nhẹ nhàng với những đứa trẻ nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Những tháng ngày làm việc vã mồ hôi trên đồng đối với đám trẻ con nhà quê cũng không hẳn là thiệt thòi hoàn toàn bởi chính điều ấy tạo nên tuổi thơ sinh động, khắc sâu vào tâm trí mỗi đứa trẻ. Với tôi, đó là những mùa nước lớn cưỡi trâu, những mùa khô hạn đi bắt ong, bắn chim hay những thú tiêu khiển khác như ăn cắp trái cây, đá banh. Những ký ức sinh động đó thật khó để tìm lại vì cuộc sống bây giờ đã đổi thay rất nhiều. Ngày nay, vẫn còn nhiều trẻ em khó khăn ở các vùng quê nhưng cuộc sống các em có thể đang xoay theo những vòng quay khác. Còn tôi thì mãi mãi không thể quay về tuổi thơ đẹp đẽ ấy.
Người ta bảo tuổi già thường gắn với những tiếc nuối. Dù đã đi qua con dốc bên kia cuộc đời nhưng tôi chưa bao giờ nuối tiếc tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm bên đồng ruộng, những bầy trâu, những công việc thôn quê dân dã và trò nghịch ngợm. Nghĩ về quãng thời gian ngắn ngủi nghèo khó đầy thơ mộng ấy, chỉ có niềm hạnh phúc đọng lại trong tôi. Và tôi cũng hiểu, đó có thể là điều nhiều người mơ ước được trải nghiệm.
Cái nghèo đối với tôi không phải là đường cùng, cũng không phải vì nghèo mà mình không được phép sống vui vẻ. Bởi vậy tôi luôn lạc quan với cuộc sống tuy đói rách về vật chất nhưng rất phong phú về tinh thần. Tôi chưa hề bỏ qua bất cứ trò vui nào của trẻ thơ để thay vào đó thời gian than vãn với ông trời về số phận. Những vướng bận của hiện tại gian khổ không thể ngăn tôi tận hưởng cuộc sống, vui cười và hy vọng vào tương lai.
Chăn trâu đâu chỉ có khổ
Tôi lớn lên giữa mênh mông ruộng đồng, sông nước. Tuổi thơ tôi được đồng ruộng ôm ấp cùng những con nước hay những ngày nắng chói chang đến đỏ da. Từ nhỏ, tôi đã ý thức được mình rất nghèo và phải biết đỡ đần mẹ. Lên 4 tuổi, tôi bắt đầu làm việc để san sẻ gánh nặng với mẹ. Công việc đầu tiên trong đời tôi là chăn trâu.
Ngày đó, mẹ con tôi ở trong túp lều nhỏ dựng trên khoảng đất không rộng mấy của nhà bà nội. Các cô chú bên nội ở ngay cạnh bên. Đều nghèo cả nên ai cũng phải lam lũ làm việc đầu tắt mặt tối. Ít ra, các cô chú còn có vài thửa ruộng để có cái mà phụ thuộc. Khi được mùa, họ có cái ăn, thậm chí có lúc còn dư dả đôi chút, lúc trái mùa thì tìm việc lặt vặt để sống qua ngày. Trong khi đó, mẹ con tôi không có ruộng vườn để cày cuốc nên chẳng có thứ gì để bấu víu, tìm được việc gì để làm đã là may lắm. Nắng hay mưa, khô hạn hay lụt lội, mẹ con tôi vẫn đói, chỉ khác là đói ít hay nhiều.
Ý thức được sự nghèo khổ của mình, tôi chưa bao giờ dám kêu đói với mẹ mỗi khi bụng rỗng tuếch, kêu ọt ẹt thảm hại. Tôi cũng chưa bao giờ dám than mệt mỏi hay cực khổ khi phải làm bất cứ việc lớn, việc nhỏ nào. Chỉ cần nhìn thấy đôi vai gầy rộc của mẹ ngày càng gù xuống, những lo toan hiển hiện hết trên gương mặt, làn da mẹ vốn thô ráp nay càng đen thui với quá nhiều vết nám hay việc chị hai phải sớm nghỉ học để nhường cho tôi được đến trường - là tôi thấy lòng quặn thắt. Khi thấy cái nghèo khổ hằn rõ lên cơ thể của những người phụ nữ thân yêu, tôi thấy mình càng nhỏ nhoi hơn và tự xác định rằng mình phải cố gắng để không làm mẹ khổ hơn.
Trong gia đình bên nội, tôi là cháu trai lớn nhất nên thường được các chú nhờ chăn trâu giúp. "Tiền công" của tôi chỉ là những bữa ăn trưa hoặc ăn tối. Tuy những bữa ăn ấy cũng đạm bạc (vì các chú chẳng khá giả gì) nhưng nhờ đó mà mẹ đỡ phải lo cho tôi vài bữa ăn. Chỉ bấy nhiêu đó thôi nhưng tôi rất tự hào vì vừa tự kiếm được bữa cơm cho bản thân, vừa giúp đỡ được các chú phần nào việc đồng áng khi các em họ còn quá nhỏ.
Công việc thường ngày của tôi là dẫn trâu ra đồng ăn cỏ. Tùy theo mùa mà tôi dắt trâu đi sớm hay muộn. Mỗi sáng, tôi thường phải dậy trước cả khi gà gáy. Với một đứa trẻ 4 tuổi thì dậy sớm là cả một cực hình. Thời gian đầu rất khó khăn, tôi nhờ mẹ đánh thức nhưng lần nào cũng không dậy nổi. Một ngày, hai ngày, ba ngày, rồi một tuần, không biết từ bao giờ, như một thói quen, tôi luôn tự bật dậy trước khi mặt trời ló dạng. Có thể vì hiểu gia cảnh nên tôi chấp nhận và thích ứng được với những điều tưởng chừng thật khó khăn như vậy. Khoảng thời gian cơ cực đó đã tập cho tôi thói quen dậy sớm và duy trì điều ấy mãi đến bây giờ. Dậy sớm đón bình minh, tận hưởng không khí trong lành, tươi mới giúp tôi có tinh thần thoải mái. Đó cũng là khoảng thời gian giúp tôi nhìn lại bản thân, gạt bỏ những lo âu, muộn phiền nếu có và nạp năng lượng cho ngày mới nhiệt huyết hơn.
Quay lại với công việc chăn trâu hồi nhỏ, vào những mùa phải dậy sớm hơn, tôi thường hay bị cóng, tay chân run cầm cập. Buổi sáng giá rét khiến chiếc áo mỏng manh của tôi càng teo tóp lại. Cái lạnh đó đôi khi sắp đánh gục tôi. Những hôm lạnh quá, tôi chỉ muốn rúc mình trong tấm bao bố mà mẹ con tôi thường dùng làm mền. Tôi không thể nhấc người ra khỏi nó. Nhưng cuối cùng, dẫu không muốn, tôi cũng phải ngồi dậy, dắt trâu đi ăn bởi nếu tôi không làm, lũ trâu sẽ đói.
Cái lạnh cắt da khiến những buổi chăn trâu trở nên đơn độc, buồn tủi hơn. Dù sớm hiểu hoàn cảnh nhưng tôi vẫn chỉ là đứa trẻ bình thường, không khỏi có những cảm xúc ngây thơ, tủi thân. Có lúc tôi đã bật khóc nhưng rồi tôi biết nước mắt chỉ là để giải tỏa những nỗi buồn trong lòng chứ không thể giải quyết được mọi chuyện, không thể thay tôi làm việc, không thể ăn giùm tôi, không thể giải thoát gia đình tôi khỏi cái nghèo.
Lúc này, những chú trâu như người bạn thân thiết, tôi thường ôm và ve vuốt chúng để tìm chút ấm áp. Mấy con trâu dường như cũng hiểu được cảm giác của tôi nên đuôi vẫy vẫy như thể hiện sự đồng cảm, khiến tôi phần nào thấy được an ủi. Ít ra tôi vẫn còn những người bạn bốn chân đáng yêu bên cạnh.
Những mùa không phải dắt trâu đi sớm, tôi có thể ngủ lâu hơn, không bị cái lạnh hành hạ, nhưng lại kéo theo hệ lụy là đến trường muộn, bị giam ngoài cổng, năn nỉ mãi mới được cho vào. Vào lớp với bộ quần áo lôi thôi lếch thếch, tôi bị thầy cô la rầy một trận và trở thành trò hề cho bạn học.
Hôm nào trời mưa, tôi không dắt trâu ra đồng nhưng phải đội mưa đi cắt cỏ đem về cho trâu ăn. Mưa nhỏ thì không nói gì, còn mưa lớn thì không thấy đường đi, đường sá trơn trượt. Trong màn mưa, tôi thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên và cũng nhận ra rằng con người phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Dù cuộc sống tiến bộ và phát triển đến đâu, con người cũng không thể điều khiển được thiên nhiên mà chỉ có thể học cách thích nghi. Tương tự, con người không có quyền lựa chọn nơi được sinh ra nhưng có thể thích nghi và phát triển từ nền tảng đó.
Dẫu không ít vất vả nhưng tôi phải công nhận rằng chăn trâu là một thú đồng quê tuyệt vời, là một trong những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Chắc nhiều bạn đọc từng ít nhất một lần nhìn thấy hình ảnh cậu bé mái tóc ba vá ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Cậu bé ấy có chút chững chạc khi ngồi vững vàng trên lưng trâu (đây là một độc chiêu, tôi phải luyện tập một thời gian mới ngồi được như thế) nhưng thần thái cũng rất hồn nhiên, tinh nghịch. Hình ảnh đáng yêu ấy có thể khiến nhiều người thèm muốn.
Tôi cũng từng là cậu bé hạnh phúc và khiến người ta thèm muốn như vậy. Cảm giác ngồi trên lưng trâu tuyệt vời lắm, như thể bạn đang cưỡi cả thế giới trên lưng, tiếng sáo như thể với tận trời cao. Khi lắc lư trên lưng trâu, tôi thấy cứ như thể cuộc sống dừng lại, lắng đọng, chỉ còn mình tôi và đất trời mênh mông. Trong những giây phút đó, sự nghèo khổ, đói rách đều tan biến, chỉ còn lại tình yêu bền chặt với đồng ruộng, với bầy trâu, với từng thớ đất. Cuộc sống bình yên và tươi đẹp như vậy đó. Đừng bảo nghèo khổ là cái tội, quan trọng là trong nghèo khổ, ta biết tận hưởng, nâng niu và gìn giữ những giá trị đẹp nhất. Chính những điều đó sẽ giúp chúng ta cân bằng và có thêm niềm tin vào cuộc đời, có động lực phấn đấu cho một tương lai tươi đẹp hơn, và khi nhìn lại chặng đường đã qua, ta có cái để tự hào.
Nhiều người vẫn nghĩ chăn trâu tức là cho trâu đi ăn cỏ và ngồi một chỗ trông nó. Thật ra không đơn giản vậy. Ngoài việc hiển nhiên là cho trâu ăn cỏ thì người chăn phải kiêm cả tắm trâu, dẫn trâu đi đạp lúa.
Mỗi trưa hè oi bức hay buổi chiều, tôi phải dẫn trâu xuống sông để tắm. Tôi phải cọ xát thân trâu như tắm cho những em bé vậy, chỉ khác là da trâu không mềm mại như da em bé, thân trâu cũng không thơm thơm mùi sữa! Còn nữa, trâu to gấp mấy lần tôi nên tôi phải dùng rất nhiều sức và mất nhiều thời gian mới tắm xong đàng hoàng cho trâu.
Cảm giác được bơi lội cùng trâu khoan khoái vô cùng. Tôi thường cùng mấy đứa trẻ chăn trâu khác thi chà xát cho trâu và đua cưỡi trâu. Vậy nên những lần tắm trâu trở thành trận thủy chiến: mỗi đứa ngồi trên lưng trâu, vừa chà vừa làm động tác như vị anh hùng đang cưỡi rồng đánh giặc. Chưa đuổi được quân địch thì mấy anh hùng đã lấm lem bùn đất, nhiều khi còn rớt mất tiêu khỏi lưng trâu! Tắm cho lũ trâu xong, đứa nào cũng ướt như chuột lột nhưng đều phấn khích ra mặt.
Ngoài tắm trâu, tôi còn dẫn trâu đi đạp lúa. Công việc vất vả này chỉ tồn tại trong những thập niên 50, 60. Thời nay không ai dùng trâu đạp lúa nữa vì đã có máy tuốt lúa, còn thời đó mọi người làm gì biết tới máy tuốt lúa, và nếu có thì cũng không đủ tiền mua. Với tôi, công việc này cũng là niềm vui. Lúa sau khi gặt xong được người nông dân gánh về, chất thành vòng tròn trên cái cươi nhà (tức cái sân). Trâu được dẫn đi vòng quanh trên đống lúa đó. Sức nặng cơ thể và bước đi chậm chạp của trâu sẽ tạo ra lực tách hạt lúa khỏi thân lúa. Thông thường phải mất khoảng 6 tiếng trâu mới hoàn thành công việc này. Sau đó, người nông dân sẽ xới đống lúa lên để lấy hạt lúa. Phần thân lúa bị tách ra gọi là rơm (hay còn gọi là rạ) sẽ được tận dụng vào những việc khác mà tôi sẽ đề cập sau.
Có một trải nghiệm thú vị trong giai đoạn đạp lúa này mà tôi muốn chia sẻ với quý bạn đọc. Trong quá trình dẫn trâu đi vòng vòng 6 tiếng, người dẫn trâu khi có nhu cầu tiểu tiện hay đại tiện thì sẽ nhờ người khác thay thế một lúc. Còn khi trâu có nhu cầu tương tự thì phải giải quyết ra sao? Có thể cho trâu tiểu tự nhiên trên đống lúa, nhưng đại tiện lại là vấn đề khác vì có thể nó sẽ làm hư hết lúa, khiến nông dân thua lỗ. Đây cũng là lúc người chăn trâu thể hiện khả năng và kinh nghiệm.
Khi trâu muốn đại tiện thì đuôi nó thường vẫy lên. Người dẫn trâu phải nhanh chân đi lấy đồ hứng phân và đi theo sau trâu để hứng cho đến khi nó chấm dứt. Bởi vậy người chăn trâu phải chăm chú canh chừng từng cử chỉ của trâu để kịp thời phát hiện và xử lý tình huống này. Phân trâu ướt, dẻo, không hôi, có thể dùng cho rất nhiều việc, nhưng có lẽ những người không quen với đồng quê chỉ thấy thôi đã gớm, nói chi đến việc hứng phân.
Vui như bắt ong, bắn chim, nướng khoai
Bắt ong, bắn chim là những thú vui quen thuộc của người đồng quê. Với tôi, bắt ong còn liên quan đến sự sống hằng ngày vì tổ ong thơm ngon là báu vật với những người nghèo. Chúng có thể tạm thay thế thịt, cá - những món xa xỉ mà chúng tôi không thể mua.
Ong thường làm tổ ở những bụi rậm kín đáo. Vì biết cách bắt ong nên rất hiếm khi tôi bị ong chích. Ong vốn kỵ khói nên có thể lợi dụng chính điểm yếu này để đuổi chúng ra khỏi tổ. Chắc độc giả sẽ bất ngờ khi biết phân trâu có thể dùng để tạo khói. Đó là bí quyết mà chỉ những người sống ở đồng quê mới biết. Phân trâu không có mùi hôi và khói bung ra rất nhiều, vì thế chỉ cần lấy một ít phân trâu khô, đốt lên, cầm đi vào tổ ong thì tự nhiên bầy ong sẽ bay khỏi tổ. Cũng vì tôi đang cầm phân trâu nên lũ ong không dám lại gần mà chỉ bay tán loạn, hòng mong thoát khỏi đám khói nghi ngút. Tôi chỉ việc đợi ong bay đi hết thì lấy tổ ong đem về nhà và sử dụng như những thức ăn quý giá.
Có hai cách ăn tổ ong. Cách thứ nhất là cần dùng phân trâu nướng lên nếu muốn ăn ngay ở ngoài đồng. Đến đây, tôi hy vọng quý độc giả đã bớt ngại ngùng với phân trâu vì như đã nói, nó không hề hôi và rất có ích trong nhiều trường hợp. Chúng tôi chất phân trâu thành đống rồi đốt lên giống như bếp than hồng, rồi cho tổ ong lên nướng. Sau khi nướng xong, chỉ cần bóc lớp vỏ đen bên ngoài của tổ ong ra là có thể thưởng thức ngay những con nhộng bên trong. Ngon tuyệt cú mèo!
Cách thứ hai mà chúng tôi cũng thường làm là mang tổ ong về nhà để dành hoặc xào với rau quả để bữa ăn thêm bắt mắt, dinh dưỡng và ngon miệng.
Đi cùng thú bắt ong là trò bắn chim. Những khu có nhiều ong thì chim chóc cũng không ít, vậy nên khi đi bắt ong, chúng tôi thường mang theo cái ná làm bằng cành cây và mấy sợi dây thun để bắn chim. Bọn trẻ chúng tôi lại được dịp so tài bắn chim nảy lửa. Khi thu hoạch tổ ong thì chúng tôi cũng đồng thời thu hoạch được chim - chiến tích của những trận thi đấu đó. Ngay sau đó, cánh đồng thơm lừng mùi thịt chim nướng và ríu rít tiếng lũ trẻ con trong làng xúm lại xin ăn.
Đã nhắc đến những món nướng ngay ngoài đồng thì không thể không nhắc tới khoai nướng. Chúng tôi đi mót (tức đi lượm) khoai lang, khoai mì ngoài đồng hoặc ăn cắp ở những thửa khoai nhà người ta. Khoai sẽ được lùi vào đống trấu (vỏ của hạt lúa) rồi nướng lên. Nếu dùng phân trâu để nướng thì củ khoai sẽ bùi và ngon hơn rất nhiều vì phân trâu nóng hơn trấu. Mùi khoai nướng thơm nồng, phảng phất khiến chúng tôi đứa nào cũng chảy nước dãi nôn nóng chờ khoai chín. Những ngày đông, khoai nướng còn là thứ sưởi ấm những bàn tay lạnh giá và cái bụng trống rỗng của bọn trẻ con nghèo ở quê.
Ăn khoai nướng bằng lửa phân trâu thật tuyệt, hương vị thơm ngon ấy thật khó diễn tả hết bằng lời. Có những hôm trẻ con trong làng tụ tập hết ở giữa cánh đồng, vừa nướng khoai vừa chơi trò đuổi bắt, trò đố vui. Những nụ cười hồn nhiên đến nghiêng ngả, tiếng reo hò phấn khích và cả tiếng cãi vã khiến cả đất trời ruộng đồng bao la như trở nên chật chội mà cũng thân thương hơn.
Những phi vụ ăn cắp vặt
Tuổi thơ ai cũng thường nghịch ngợm và bày đủ trò để chơi. Trong những trò chơi của tôi và bạn bè có trò ăn cắp vặt. Không chỉ ăn cắp khoai như đã đề cập ở trên, chúng tôi còn thường ăn cắp trái cây của các nhà trong làng. Hồi đó, xóm tôi có hai gia đình khá giàu có với cơ ngơi rộng lớn là nhà bác Phú và nhà ông Hua. Gia đình bác Phú rất nghiêm túc, lễ nghi, không thích những trò nghịch ngợm nên cấm không cho con cái họ chơi với những đứa trẻ nhà nghèo trong làng vì sợ vạ lây.
Các con của bác Phú đều học cùng trường với chúng tôi. Tuy vậy, có thể thấy rõ khoảng cách giai cấp, giàu - nghèo giữa tôi, bạn bè tôi và họ. Họ đi học thường có xe máy đưa rước còn chúng tôi đi bộ mòn chân. Nhà chúng tôi không có thứ gì quý giá còn họ có nhà cửa bề thế. Nhà bác Phú trồng rất nhiều trái cây như nhãn, mít, ổi... còn nhà chúng tôi đến một cái cây nhỏ xíu cũng không có. Mấy đứa con của bác Phú thường chỉ kết thân với những đứa con nhà giàu. Học trò ở trường cũng có sự phân biệt giai cấp rõ rệt và chơi theo nhóm: nhà nghèo chơi với nhà nghèo, nhà giàu chơi với nhà giàu, có vài trường hợp giàu - nghèo chơi với nhau nhưng cũng có những trường hợp lợi dụng lẫn nhau.
Vì khoảng cách và thái độ phân biệt giàu - nghèo của họ mà gia đình bác Phú trở thành mục tiêu để chúng tôi ăn cắp trái cây. Chúng tôi thường canh lúc cả nhà họ đi ngủ để "hành động". Mỗi phi vụ, chúng tôi chỉ hái mỗi thứ một ít, vậy mà lúc kiểm chiến lợi phẩm thì nhiều cứ như người đi thu hoạch bởi gia đình bác Phú trồng rất nhiều trái cây.
Gia đình ông Hua thì bình dân hơn, có những người con nhỏ tuổi hơn và có chơi với chúng tôi. Vườn nhà ông rộng và cây trái nhiều lắm, vì tính nghịch ngợm nên chúng tôi luôn canh chừng để trộm trái cây tại vườn ông Hua. Nhà ông Hua có nuôi chó dữ, thường cho chó vào các khu vườn để canh kẻ cắp. Mỗi lần chúng tôi đến là mấy con chó sủa rầm trời. Thế là chúng tôi tìm ra phương án khác là trèo tường ăn cắp, có khi kiếm được cả một bọc trái cây giải khát giữa những ngày nóng nực. Dĩ nhiên, cũng có những khi chúng tôi bị chó rượt chạy tóe khói nhưng dù sao, đó cũng là những kỷ niệm thật đẹp.
Tôi là đội trưởng đội bóng
Bóng đá là môn thể thao vua, thời nào cũng được ưa chuộng. Những đứa con trai từ nhỏ đã biết và yêu thích đá banh, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi thường đá ở vị trí tiền đạo và đá khá tốt. Ngày đó, tôi thường được giao băng đội trưởng chỉ huy đội bóng của mình. Tôi bắt đầu nhận ra khả năng lãnh đạo của mình mỗi khi đội giao đấu với các xóm hoặc làng khác. Ngay cả khi chúng tôi chỉ tập đá chơi, tôi cũng làm rất tốt nhiệm vụ sắp xếp, chỉ huy trận đấu.
Xóm tôi rất nhỏ vì chỉ là một bộ phận của làng. Tuy vậy tôi vẫn thành lập được một đội bóng cho xóm để tham gia đá banh giao lưu hay thi đấu cùng các đơn vị khác. Để đá được khá tốt như vậy, tôi phải tập luyện và chơi thường xuyên. Mà để được chơi thì tôi phải cố gắng hoàn thành công việc của mình.
Mỗi chiều, mẹ chỉ cho tôi đi đá bóng khi tôi đã xay hết mấy cối lúa trong nhà để hôm sau mẹ mang ra chợ bán. Ở trong nhà xay lúa mà cứ nghe mấy đứa trong làng í ới hò hét bên ngoài, lòng dạ tôi cứ như có lửa đốt, thấp thỏm không yên. Tay đang xay mà đôi mắt tôi cứ hướng ra ngoài đồng, tai tôi không có tiếng cối xay mà chỉ toàn tiếng đồng bọn ngoài kia tập trận. Vì tâm hồn ở ngoài đồng hòa nhịp với trái bóng nên không ít lần tôi làm hư lúa và bị mẹ la quá trời. Cũng có lúc tôi lơ là cho tay vào cối xay, suýt chút nữa tiêu luôn bàn tay. Vậy mà tôi vẫn không chừa vì đá bóng đã là niềm đam mê cháy bỏng của tôi lúc ấy.
Những đứa trẻ nhà nghèo chúng tôi chơi với nhau một cách vô tư, không suy tính, không phân biệt, chỉ cần có nhiệt tình là đủ. Đó cũng là những thứ tuyệt vời mà chắc hẳn những đứa trẻ nhà giàu từng đôi lần bẽn lẽn trộm nhìn và thèm muốn.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những cầu thủ nhí ngày nào. Những đồng đội chí cốt ấy đã cùng tôi "vào sinh ra tử" trong những trận quyết đấu với các đội ở làng khác. Tôi không thể nào quên được tiếng chúng bạn reo hò cổ vũ, tiếng gọi í ới mỗi buổi chiều, tiếng bước chạy của từng đứa. Giờ đây, vì những đổi thay trong cuộc sống, đội bóng ngày xưa mỗi người mỗi ngả, có người không còn nữa, có người bặt vô âm tín. Song kỷ niệm về những lúc cả bọn cãi vã, thậm chí đánh nhau vì trái bóng, những lúc túm tụm ăn khoai nướng hay bị người ta rượt bắt vì ăn cắp trái cây… - vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.
Theo thời gian, con người có thể cách xa, thậm chí không còn cơ hội gặp lại nhau, nhưng những kỷ niệm sâu đậm thì còn mãi, nhất là khi chúng ta luôn trân trọng và muốn gìn giữ. Cũng giống như tuổi thơ, nó vẫn trong ta. Chúng ta không cần hối tiếc hay ước mong sống lại thời tươi đẹp đó, bởi nó vẫn luôn trong tâm tưởng, quan trọng là ta có thật sự muốn tìm kiếm hay không.
5
Tuổi thơ kiếm sống
Không chỉ biết chăn trâu từ thuở 4 tuổi, tôi còn bắt đầu làm quen với những việc mưu sinh khác để kiếm tiền, kiếm cái ăn. Đối với những gia đình ở nông thôn, cuộc sống hầu như phụ thuộc vào đồng ruộng. Vậy nên không gì thảm bằng việc không có ruộng vườn như mẹ con tôi. Mùa hè hay mùa gặt thì còn đỡ, đến mùa bão lũ thì thật sự là cơn ác mộng.
Những người có ruộng thường quanh năm chỉ biết cắm mặt vào ruộng đồng, cầu mong ông trời thương tình không gây thiên tai. Mẹ con tôi còn cầu mong nhiều hơn thế. Tôi thường tham lam mơ ước viển vông rằng quê mình sẽ luôn rực nắng, không bao giờ có bão lụt. Trời nắng tức là sẽ có người thuê mẹ con tôi làm việc, tức là có miếng ăn để sống qua ngày, dẫu người có đen thui vì nắng đổ lửa. Ám ảnh nhất là mùa đông và những đợt bão lụt, mọi người chỉ biết nằm nhà chờ ngày tháng trôi qua trong khắc khoải, phập phồng. Ngay cả những người có ruộng còn không có việc để làm thì huống gì những người làm thuê như mẹ con tôi?
Nhưng rồi tôi cũng phải chấp nhận rằng không có phép mầu nào có thể thay đổi thiên nhiên. Người nông dân ở đâu cũng phải biết chấp nhận thực tế và cố gắng. Thêm nữa, vì không phải lúc nào cũng có được miếng ăn nên người nông dân luôn chắt chiu, trân trọng từng thành quả lao động, dù là nhỏ nhất, bởi chúng được tạo ra từ những giọt mồ hôi chân chính.
Mót lúa, mót khoai và tấm lòng người thợ gặt
Vào mùa hè và mùa gặt, tôi thường kiếm sống bằng việc mót lúa, mót khoai. Tôi còn quá nhỏ để được thuê làm những việc nặng nề, khổ cực như gặt lúa, xay lúa, phơi lúa. Vả lại, cũng không ai dại gì thuê những đứa trẻ với năng suất làm việc không thể nào bằng người lớn. Đó là những việc mà người ta thường thuê mẹ tôi làm. Ngoài những công việc liên quan đến đồng ruộng thì mẹ tôi cũng thường đi nấu ăn cho các gia đình trong mùa thu hoạch.
Vào mùa gặt, các hộ nông dân thường huy động toàn bộ thành viên trong gia đình để làm cho kịp. Vì làm cả ngày nên họ không có thời gian đi chợ, nấu ăn. Bên cạnh đó, nhiều chủ điền có nhiều ruộng nên thuê rất nhiều nhân công và cần lo bữa ăn cho lực lượng này. Đó cũng là cơ hội để mẹ tôi tận dụng khả năng nấu nướng kiếm ít tiền nuôi chị em tôi.
Khi nấu ăn thuê, mẹ thường được ăn những bữa ngon mà ít khi gia đình tôi có được. Mẹ cũng thường xin đồ ăn thừa về cho chị em tôi. Đến cao điểm mùa gặt, công việc rất nhiều, mọi người thường làm cật lực nên các bữa ăn được các chủ ruộng đầu tư hơn. Vì vậy, tôi cũng được hưởng ké những bữa ngon đó.
Mẹ đi làm suốt ngày, còn tôi thì không ai thèm thuê, vậy là tôi chỉ còn cách đi mót lúa, mót khoai để tích lũy lương thực cho những ngày đông lạnh giá và bão lụt để phụ giúp mẹ phần nào. Hơn nữa, vào mùa gặt, đồng quê vui lắm, nhà ai cũng tất bật, rộn ràng, gương mặt ai cũng điểm nụ cười dẫu vất vả. Ở nông thôn, mùa gặt mới là mùa đẹp, mùa vui nhất trong năm. Thế nên ra đồng làm việc cũng là thú vui của những đứa trẻ.
Mót lúa, mót khoai đơn giản là nhặt những cành lúa, những củ khoai còn sót lại trên đồng khi người ta đã thu hoạch xong. Cánh đồng lúc đó cũng là "thiên đường" với lũ chim chuột. Vậy nên tôi phải giành giật với những con vật kia để có cái mang về nhà tích trữ cho mùa bão lụt. Cuộc chiến ấy không kém phần dữ dội bởi đó đồng thời là cuộc đấu tranh sinh tồn.
Công việc của tôi thường bắt đầu lúc 3 hay 4 giờ chiều - khi các chủ ruộng đã thu dọn xong. Tôi đi giữa cánh đồng khô, tìm nhặt những cành lúa rơi rớt rồi bỏ vào một cái bọc. Giúp tôi chống chọi với cái nắng hãy còn gay gắt là cái nón được người ta cho, xài hết năm này qua tháng khác. Qua mỗi mùa gặt, cái nón càng ngả màu, càng sờn. Nó vốn có màu trắng, về sau chuyển hẳn sang màu bạc rồi đen những vết thâm kim. Cái nón như người bạn thân thiết cùng tôi đi qua bao mùa gặt, bao cánh đồng nóng bức. Tôi quý nó lắm!
Bên cạnh người bạn nón, tôi còn một người bạn khác không kém phần quan trọng là bạn dép. Bạn dép giúp chân tôi bớt nóng khi đi lại trên đồng và không bị những mảnh gai hay hạt lúa đâm chảy máu.
Có lúc những người nông dân làm công thương cảm những người mót lúa nên cố ý làm không cẩn thận, để lại vài cành lúa. Những cành lúa khẳng khiu, xấu xí thì không nói làm gì nhưng khi nhặt được những cành còn nguyên vẹn, tôi hiểu ngay đó là sự đồng cảm, sẻ chia của thợ gặt. Có những hôm tôi đến mà mọi người vẫn chưa thu hoạch xong, họ cho tôi vài cành lúa vì thấy tôi tội nghiệp. Khi họ đã nhẵn mặt tôi mỗi ngày, dù tôi đến khi họ còn hay đã đi về, tôi vẫn mót được kha khá lúa.
Với một đứa trẻ, đó là một đặc ân, một sự trân trọng. Tôi luôn ghi nhớ và biết ơn những người nông dân tốt bụng đó. Dù họ giúp tôi chẳng bao nhiêu nhưng đã đủ làm tôi cảm thấy ấm áp và tin vào những điều tốt đẹp ở con người.
Việc mót khoai cũng tương tự. Tôi thường đến những cánh đồng thu hoạch khoai trước khi trời sụp tối để lượm những củ khoai còn sót lại. Đương nhiên đó là những củ khoai vụn, khoai sùng hoặc có hình dạng xấu xí. Như thế đã là tốt lắm với tôi!
Tôi phơi số khoai và lúa mót được trên sân nhà rồi sau đó đóng vào bao tời (tức bao bố), treo lên trần nhà để tránh những con nước tràn đến vào mùa lụt. Đó chính là nguồn thức ăn giúp mẹ con tôi đi qua những ngày bão lụt lạnh giá.
Không phải lúc nào tôi cũng may mắn mót được nhiều lúa và khoai. Nhiều khi mùa xuân rồi mùa hè đã đi qua mà lượng thức ăn dự trữ tìm được quá ít. Vậy là mùa đông ấy gia đình tôi ăn nhín từng chút một. Cũng có khi túi lương thực quý giá ấy không may rớt xuống nước lũ, khiến tôi và mẹ chỉ biết kêu trời!
Tát cá, bắt cá và "thổ dân nhỏ tuổi"
Cá là loại thực phẩm chủ yếu trong đời sống nông thôn bởi dễ tìm, dễ bắt. Vậy nên tát cá là công việc kiếm sống của những gia đình nghèo khó ở thôn quê. Công việc tát cá thì đơn giản lắm nhưng phải… theo ý ông trời, tức là có sự may rủi. Có những đồng ruộng khi vào mùa lũ, nước tràn đến, cá theo vào rất nhiều. Sau mùa lũ, nước rút, cá không kịp rút hết - đó cũng là khi các ao, hồ, ruộng, hói (con sông nhỏ) xuất hiện những con cá còn sót lại.
Công việc của người tát cá là dùng bùn đất chặn dòng chảy để cá khỏi bơi đi, sau đó dùng thau múc hết nước ra và cuối cùng là bắt cá. Người miền Trung hay gọi "múc nước" là "tát" nên công việc này mới có tên gọi là "tát cá". Sở dĩ tôi nói có sự may rủi là bởi những con cá còn sót lại đó có thể rất to, cũng có khi chỉ là những con cá lòng tong nhỏ xíu, thậm chí có khi chỉ toàn rong rêu đất đá. Tuy nhiên, trường hợp cuối ít khi xảy ra vì vùng quê thường có rất nhiều ao, hồ, ruộng nên không có cá ở chỗ này thì cũng có ở chỗ khác. Hơn nữa, nước lũ tràn vào, chắc chắn ít nhiều sẽ có cá còn sót lại. Bởi thế mà năm nào cũng vậy, cứ sau khi nước rút, tôi lại chạy đến các con hói, ao, hồ tìm bắt cá. Dù là cá gì thì tôi cũng vui. Cá to thì mang ra chợ bán hoặc đổi gạo, cá nhỏ thì đem về nhà. Khi bắt được những con cá rất to, những người cùng tát cá thường chia với nhau. Kỷ niệm đi tát cá còn gắn với những hôm chúng tôi ngồi tụm lại nướng cá ăn. Cá tuy nhỏ xíu nhưng gương mặt ai cũng hớn hở sau cả một ngày hì hục tát nước, bắt cá.
Ngoài việc tát cá, tôi cũng thường đi bắt cá trên sông. Bờ sông nào cũng có bụi rậm hoặc các hang ổ để cá sinh đẻ hoặc lẩn trốn khi gặp nguy hiểm. Biết được điều đó nên những người đi bắt cá thường ngâm mình trong nước rồi đi mò dọc theo các bờ sông. Chúng tôi phải vừa đi thật nhẹ nhàng, vừa canh chừng lũ rắn rết trong bụi rậm, đám rong rêu trong nước, vừa phải quan sát tìm cá và không gây tiếng động làm lũ cá chạy mất. Cũng có lúc tôi bị rắn, đỉa cắn đau buốt. Những khi hiếm hoi may mắn, tôi bắt được những con cá nằm trong bụi rậm hay trong các hang ổ nhỏ. Dù vận may trong công việc này không nhiều nhưng vì quá nghèo khó, tôi phải tìm mọi cách để kiếm ăn và tồn tại. Chỉ cần có cơ hội thì tôi sẽ cố thử, may mắn thì được chút cá, chút tiền, ngược lại thì đành coi như tốn công.
Vì đi săn lùng cá ở nhiều nơi nên người ngợm tôi dơ bẩn, cháy nắng, trông không khác gì thổ dân sinh sống trong rừng rú.
Đẩy đất dưới nắng hè
Hết mùa gặt lúa thì đến mùa hè nắng nóng. Tranh thủ mùa khô, gia đình nào cũng chuẩn bị đổ đất, xây cươi (cái sân) để bảo vệ nhà khi mùa lụt sắp tới. Đổ đất là việc rất cần thiết và quan trọng đối với những người ở thôn quê, đặc biệt là những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lụt như quê tôi.
Đất dùng để xây cươi thường được lấy từ ngoài ruộng. Vì đang mùa hè nên đất cứng kinh khủng, chủ nhà thường phải thuê người cuốc (đào). Chỉ những thanh niên trai tráng lực lưỡng, khỏe mạnh mới làm nổi công việc nặng nhọc này. Họ dùng cuốc 3 răng (loại cuốc có 3 cái chỉa) cuốc những khoảng đất cứng ngắc lên. Tôi và một số bạn cùng trang lứa hoặc phụ nữ được thuê đi hốt số đất vừa được cuốc lên mang về nhà chủ. Chúng tôi thường hốt từng mảng đất, mỗi mảng nặng khoảng 3-5 kg, bỏ lên xe kéo hai bánh (xe dùng bò để kéo) cho đến khi xe đầy (nặng khoảng 500 kg) thì cả nhóm bắt đầu kéo đi. Một người được phân công đi trước cầm hai càng xe để kéo còn chúng tôi đẩy từ phía sau. Khoảng cách từ ruộng cho tới nhà chủ thường từ 500-800 mét. Cứ như thế, chúng tôi vòng ra vòng vào nhiều chuyến xe đất cho tới khi đầy cươi thì thôi. Nhiều gia đình có cươi quá rộng nên phải dùng nhiều đất và tôi phải đi đẩy đất nhiều hôm mới xong.
Công việc đẩy đất cũng rất vất vả. Dưới cái nắng đổ lửa, những bước chân mệt nhọc in trên từng thớ đất thấm biết bao mồ hôi của những người lao động cực khổ. Đâu phải ai cũng muốn làm công việc này, có người vốn không đủ sức, có người không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn cắn răng làm vì mưu sinh.
Không ít lần tôi chứng kiến cảnh nhiều người đang làm thì ngất xỉu vì quá mệt. Nhưng rồi hôm sau họ vẫn đến làm, có khác là họ mặc thêm một chiếc áo khoác, đội thêm cái nón lá để phòng thân. Ai cũng cố gắng làm để kiếm tiền, kiếm miếng ăn. Nếu lúc này không cố gắng làm thì mùa đông sắp tới không chết vì cóng thì cũng chết vì đói. Và dĩ nhiên, trẻ con chúng tôi không đứng ngoài cuộc đấu tranh sinh tồn này..
Làm "trợ lý" cho mẹ
Mỗi mùa mẹ tôi lại làm những công việc khác nhau, tùy theo điều kiện thời tiết cũng như đời sống nơi nông thôn. Tôi thường giúp mẹ một tay để mẹ đỡ cực và hoàn thành sớm công việc.
Vào mùa hè, tôi thường phụ mẹ làm các việc đồng áng. Tôi hay theo mẹ ra đồng, làm những việc mẹ sai. Hết mùa gặt, mẹ chuyển sang nghề bán gạo. Mẹ mua lúa về, chị em tôi xay lúa để ra hạt gạo. Thời đó chưa có máy xay nên chúng tôi phải xay lúa bằng tay với cái cối xay. Chúng tôi phải kéo tới kéo lui cối xay cho đến khi hạt lúa tróc vỏ mới được. Hạt lúa tróc vỏ thì thành gạo, còn vỏ của hạt lúa bóc ra được gọi là trấu. Sau đó, mẹ dùng cái sàng tre tách hạt gạo và trấu ra để dành cho những việc khác nhau. Rồi chị em tôi bắt đầu giã gạo. Chúng tôi đổ gạo vào một cái cối, sau đó dùng cái chày gỗ khá nặng để giã. Chúng tôi giã đến khi hạt gạo không còn cám nữa. Hạt gạo khi chưa giã được gọi là gạo lức, thứ mà thời nay người ta hay tìm mua để ăn hay nấu nước uống nhằm chữa bệnh. Cám sau khi giã xong được dùng cho heo ăn. Mỗi ngày, tôi đều làm những công việc ấy để sáng hôm sau mẹ gánh gạo lên phố bán.
Đến mùa bắp, mẹ chuyển sang bán bắp. Tôi chặt từng cây bắp trong ruộng, rồi lặt bắp ra, đem về cho mẹ nấu, thân bắp thì để dành đốt thay củi. Tôi thường dậy rất sớm, phụ mẹ nấu bắp để kịp mang ra chợ bán buổi sáng.
Ngoài những việc nặng nhọc như xay lúa, giã gạo, chặt bắp…, tôi còn phụ mẹ những công việc trái mùa khác như bán bánh mì, bán hột vịt lộn... Mẹ phải làm nhiều nghề để kiếm cơm nên thường không buôn bán cố định. Vì đời sống nông thôn còn nhiều khó khăn nên việc buôn bán không khá khẩm mấy. Mẹ làm việc cật lực, suy tính mọi đường để kiếm sống nhưng gia đình tôi vẫn không khá lên, hôm nào đủ ăn là may mắn lắm rồi!
Tuổi thơ kiếm sống của tôi có rất nhiều kỷ niệm. Những vất vả song hành cùng những thú vui đồng quê như hai mặt không thể tách rời. Tôi tìm niềm vui trong công việc và tôi làm việc bên những thú vui. Đó là những ký ức không thể phai nhòa trong tôi.
Những ngày tuổi thơ bên mẹ, bên đồng ruộng, là những ngày tháng gian khổ thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa, mặn chát những giọt mồ hôi và cả nước mắt, cả nỗi tủi nhục. Thế nhưng tôi vẫn thấy chừng ấy chưa thấm vào đâu so với nỗi cực khổ gấp ngàn lần của mẹ. Tôi không phải suy nghĩ quá nhiều như người lớn, như mẹ, tôi có thể vô tư làm việc, dù mồ hôi nhễ nhại nhưng tôi không nề hà vì vẫn còn bạn bè, còn những thú vui trẻ con làm tôi cười tít mắt.
Thế giới trong tôi lúc bấy giờ như bức tranh muôn màu mà mỗi ngày tôi có thể tô vẽ lên nó hàng ngàn niềm vui và ước mơ trẻ thơ. Những ngày tháng gian khổ đó đã giúp tôi hiểu rõ hơn giá trị của sức lao động và biết cảm thông với mỗi số phận khó khăn.
Căn nhà ọp ẹp thân thương
Khi tôi vào trung học, đời sống gia đình có phần đỡ hơn vì chị tôi đã lớn và có chồng. Nhưng tôi vẫn không thể nào quên được những ngày tháng ba mẹ con sống trong căn nhà ọp ẹp hệt như túp lều rách nát, được dựng trên phần đất nhỏ xíu nhà nội mà ba tôi được để lại.
Căn nhà ấy cũng như bao căn nhà khác của những gia đình nghèo ở nông thôn. Nhà được dựng lên bởi bốn cây cột, mái được lợp bằng tranh, tường được ráp bằng phên. Phên là loại tre được chẻ nhỏ và xếp lại với nhau. Vào mùa hè, căn nhà nóng như một cái lò nung với nhiệt độ quá cỡ. Ngược lại, vào mùa đông giá rét, gió và khí lạnh lùa hết vào nhà qua các khe hở. Mùa lũ thì căn nhà thường xiêu vẹo, lung lay.
Những ngày mưa, trần nhà thường bị dột, nước mưa bắn xuống nền nhà như thể đang chơi một khúc nhạc. Vậy nên cứ vào mùa đông, bốn bức phên phải được tăng cường bằng tót và phân trâu. Tót là thân dưới của cây lúa sau khi gặt xong, còn thân lúa được gọi là rơm (rạ). Tót có thể xin được ở chỗ các chủ ruộng, thường thì người ta sẵn sàng cho. Tót sau khi xin về phải dùng liềm (loại dao vòng) để cắt rồi đánh thành tấm tranh (tức tấm che).
Dùng tấm tranh đó gắn vào phên thì sẽ giảm bớt được mưa gió tạt vào nhà. Chưa hết, tôi còn dùng phân trâu trộn với đất sét để trét những lỗ hổng trên tấm phên. Bên ngoài gắn tấm tót, bên trong trét phân trâu nên thoạt nhìn, căn nhà khá rối và tạm bợ.
Tuy đã được gia cố với nào tót, nào phân trâu nhưng một căn nhà ọp ẹp đâu thể sánh với những căn nhà được xây dựng kiên cố. Nó đã nhiều phen điêu đứng bởi thiên nhiên khắc nghiệt. Vậy nên, chuyện chúng tôi thay nóc nhà, gắn lại phên, tót, trét thêm phân trâu diễn ra như cơm bữa. Tôi cũng thường trèo lên nóc nhà, cặm cụi cột dây kẽm bốn góc để tránh tốc mái hay sập nhà. Dù gì thì đó cũng chính là nơi che mưa che nắng cho mẹ con tôi, là nơi tuổi thơ tôi gắn bó nên tôi thương lắm!
Những buổi trưa hè nóng bức không chịu được, tôi không thể ở trong nhà mà phải chạy ra mấy tán cây ngoài đồng hóng mát. Ám ảnh nhất là những lúc mưa to gió mạnh, ba mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau khóc và cầu xin ông trời cho ngôi nhà trụ lại được. Nếu nhà sập thì ba mẹ con hoặc sẽ bị đè chết hoặc bị nước lũ cuốn trôi, bởi giữa trận cuồng phong, chắc chẳng ai hay biết mà đến cứu giúp.
Ngày nay, nhiều vùng quê vẫn còn những căn nhà ọp ẹp, nhưng có lẽ vẫn đỡ hơn căn nhà của mẹ con tôi ngày ấy. Nhiều lần về thăm quê, ngồi dưới tàn cây ngẫm chuyện xưa, những hình ảnh thân thương và thật đẹp hiện về vẹn nguyên trong tôi: căn nhà ọp ẹp, mẹ tôi ngồi trước hiên nhà sàng lúa, chị em tôi cười đùa khi xay lúa, giã gạo…
Tuổi thơ tôi thật gian nan nhưng cũng rất đáng tự hào, có lúc tưởng sắp gục ngã nhưng rồi vẫn gượng dậy được. Tôi thật sự không thể tin được mình đã vượt qua những tháng ngày khó khăn đến tận cùng như vậy.
Cuộc đời lắm thách thức, đối với người nghèo lại càng là cuộc sinh tồn khắc nghiệt với vô vàn mối lo nghĩ. Nếu không có ý chí, quyết tâm cao độ, người ta rất dễ gục ngã, không vì tinh thần mệt mỏi thì cũng vì đời sống vật chất quá khắc khổ. Tuy nhiên, những năm tháng khó khăn đó cũng đã hun đúc trong tôi lòng kiên định, ý chí sinh tồn cao cực độ để không đầu hàng số phận và những thách thức của cuộc đời.
6
Chống chọi với thời tiết
Chắc hẳn các quý độc giả ở miền Trung và miền Bắc đều biết về cái lạnh buốt kèm theo mưa gió tầm tã từ ngày này qua tháng khác ở hai miền này. Sự khắc nghiệt đó đối với những gia đình nghèo khó lại càng dữ dội gấp trăm bề bởi miếng ăn còn không đủ lót dạ mỗi ngày nói chi đến những thứ rất xa xỉ như chăn ấm, nệm êm?
Người đủ đầy có thể sẽ thích những ngày mưa gió vì có thể vùi mình cả ngày trong chăn ấm, tận hưởng không khí lạnh, còn người nghèo chỉ biết ngồi ôm nhau, mong cái lạnh giá thấu tim qua mau để tiếp tục kiếm sống, để còn có thể nhìn thấy ánh nắng ngày xuân ấm áp.
Chiếc giường rơm mùa đông
Ngoài làm thức ăn cho trâu, rơm còn được dùng để nấu nướng. Vì vậy mà khi thu hoạch lúa xong, người nông dân thường chất rơm thành đống trước nhà, có khi đống rơm to bằng cả ngôi nhà. Mỗi ngày, người ta lấy một ít rơm để nấu nướng hay dùng cho những việc khác, dần dần tạo ra những chỗ trống trong đống rơm. Chỗ trống đó cũng chính là cái giường đã ủ ấm, vuốt ve tôi trong những mùa đông lạnh giá thuở nhỏ.
Nhà tôi nghèo lắm, làm gì có tiền mua chăn nệm. Vậy nên đống rơm như vị cứu tinh, như cái lò sưởi ấm áp, như cái chăn êm. Quả là niềm hạnh phúc vô bờ khi vùi mình vào đống rơm to mềm mại, ấm áp trong ngày buốt giá. Đặt lưng lên chiếc giường đặc biệt ấy, tôi có thể ngủ liền tức thì.
Ngủ trong đống rơm là một thú vui, một kỷ niệm không thể quên được đối với những người nhà quê nghèo khổ như tôi. Tuy nhiên đống rơm để ngày qua ngày nên côn trùng cũng thường chui vào để được ủ ấm như tôi! Tôi thường chiến đấu với những con vật đó để giành lấy đống rơm cho riêng mình, nhưng rõ ràng chúng cũng không vừa! Tôi vừa nhắm mắt là chúng lại bò lên người tôi, ve vẩy dưới chân tôi hay "thì thầm trò chuyện" ngay dưới lưng tôi. Có hôm, sau một hồi vùi mình trong rơm, tôi thấy ngứa ngáy kinh khủng vì đã bị chúng cắn "tơi tả" lúc nào không hay. Nhưng thú vui ngủ rơm vẫn không thể thay đổi vì trời quá lạnh và nhất là tôi đã yêu chiếc giường rơm mất rồi! Dù bị con này con kia cắn, tôi vẫn vui vẻ chấp nhận.
Lại có khi sau giấc ngủ ngon lành trong đống rơm, tôi lật đật đến trường mà không hay tóc còn dính đầy rơm. Thế là bạn bè tôi được một phen cười bể bụng. Nhưng nhiều đứa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự thế nên đứa này cười đứa kia. Khoảnh khắc ấy thật dễ thương, trong sáng.
Nệm rơm và mền bao bố
Ngoài chiếc giường rơm ấm áp (tức đống rơm), còn một chiếc giường khác không thể không nhắc đến là chiếc giường nệm rơm và mền bao bố. Nhà tôi có chiếc giường tre được kết từ những cây tre tôi chặt ngoài làng. Chiếc giường không mấy vững chắc đó chính là một tổ ấm không gì bằng khi mùa đông đến.
Nếu chỉ là giường tre thôi thì chắc chắn nó rất lạnh, nhưng khi được lót rơm phía trên rồi trải thêm chiếc chiếu lên trên nữa thì tôi đã có một chiếc giường nệm tránh rét như ai. Tôi còn nghĩ đó là chiếc giường nệm tuyệt vời nhất bởi vừa êm, vừa ấm, vừa giản dị, gần gũi, lại vừa không tốn tiền mua. Đó cũng là niềm tự hào nho nhỏ của tôi!
Nhưng một chiếc giường nệm rơm không thể sưởi ấm hoàn toàn, tôi cần cái gì đó để đắp khi ngủ. Không có mền lông ấm áp như những đứa trẻ khác nhưng tôi đã có chiếc mền bao bố, bấy nhiêu đó cũng đủ thỏa niềm mong ước. Bao bố (hay còn gọi là bao tời) là loại bao dùng đựng lúa hay gạo, khoai, mỗi bao có thể chứa được đến 100 kg. Sau khi được dùng xong, bao bố sẽ được những người lượm ve chai thu gom để bán lại cho các nhà sản xuất lúa gạo.
Mẹ tôi cũng từng đi qua nhiều hộ nông dân để mua từng chiếc bao bố rồi mang đi bán với giá rẻ bèo như vậy. Mẹ cũng thường để lại nhà một số bao để sử dụng. Thế là tôi dùng chúng làm mền! Mỗi buổi tối, tôi chôn mình trong chiếc bao bố đã khép kín một đầu, dưới lưng đã có tấm nệm rơm. Độ dày của nệm cộng với sự kín đáo của bao bố đã dỗ dành giấc ngủ tuổi thơ tôi trong những mùa đông giá rét của xứ nghèo miền Trung.
Sau này, khi tôi có dịp đi năm châu bốn bể, có điều kiện ở khách sạn 5 sao, 6 sao, kể cả hạng 7 sao sang trọng nhất thế giới thì cái cảm giác bình yên, ấm áp khi ngủ nệm rơm, đắp bao bố thuở ấu thơ nghèo khổ vẫn đọng trong ký ức tôi. Niềm hạnh phúc vô giá ngày ấy vượt lên tất cả sự tiện nghi, sang trọng hôm nay.
Áo tơi (hay còn gọi là áo mưa)
Ngày nay, có lẽ nhiều người, nhất là những người sống ở thành phố, không biết áo tơi là áo gì, trông nó thế nào. Áo tơi có nghĩa là áo mưa, được kết thành từ những chiếc lá dừa. Chúng tôi dùng kim găm để kết các lá dừa thành chiếc áo to và dài, thoạt nhìn giống như áo măng- tô của người phương Tây vậy, chỉ khác là nó không có nút, không quàng hết người được. Một điểm đặc biệt nữa của loại áo này là có thể xoay qua xoay lại tùy theo hướng gió để tránh bị ướt. Áo tơi là vật dụng quen thuộc của người nghèo trong những ngày mưa gió bão bùng.
Che mưa, chắn gió khá tốt nhưng áo tơi không tiện lợi chút nào vì rất cứng, không thể xếp lại nên rất cồng kềnh, nặng nề. Cực chẳng đã mới phải dùng loại áo này vì khi mặc vào chẳng khác nào đang mang một quả tạ trên người.
Mẹ không có tiền mua áo mưa nên tôi phải làm bạn với áo tơi để tránh mưa, phòng bệnh và bảo vệ những bộ quần áo ít ỏi của mình. Ngày ấy, phải chắt chiu lắm mẹ mới sắm được cho tôi một bộ quần áo chỉnh tề để đi học, vậy nên việc mua áo mưa là quá xa xỉ.
Vì chỉ có đúng một bộ quần áo đi học nên nếu chẳng may bị ướt, tôi phải ngồi học cả buổi với bộ đồ ấy thế nào cũng mang bệnh vào thân. Vậy nên tôi rất quý chiếc áo tơi - vật bảo vệ bộ quần áo học trò quý giá của tôi.
Bậc tiểu học, tôi học ở trường làng. Vì dân làng đa số nghèo như nhau nên lũ trẻ mặc áo tơi đi học là việc bình thường, thậm chí rất hiển nhiên, chẳng có gì để bàn. Đó cũng là những ngày mưa thật đáng nhớ với tôi. Trời mưa xối xả, không thấy cả đường đi, mà giờ học sắp tới, thế là đứa nào đứa nấy đều mặc áo tơi vào rồi chạy đến trường. Nói là chạy chứ thực ra chỉ là bước chân đi nhanh hơn bởi mang áo tơi vào di chuyển rất khó khăn, lại còn phải xoay áo qua lại để tránh gió. Những ngày như vậy, học sinh tới trường muộn là chuyện thường tình. Nhà trường cũng thông cảm cho những học sinh nghèo vừa vác áo tơi vừa đi bộ trong mưa gió bít bùng.
Có hôm, nhìn ra sân trường, tôi thấy quá trời "áo tơi di động" vội vã vào lớp. Cuộc sống thật bình dị! Những đứa trẻ mặc áo tơi như những cánh chim đang bay giữa bão táp, có lúc tưởng chừng sắp gãy cánh nhưng chúng vẫn vững vàng vì đã có đích đến là lớp học. Cũng có trường hợp học sinh đến lớp thì ngất xỉu, nhưng rất hiếm vì trẻ em quê nghèo thường có sức chống chọi rất cao do đã quen vất vả và thời tiết khắc nghiệt.
Cảm giác bình dị, thân thương với chiếc áo tơi không còn tồn tại khi tôi lên thành phố học trung học. Ngược lại, nó còn khiến tôi bao phen dở khóc dở cười bởi trong mắt người thành phố, nó là vật thể lạ. Tôi cũng bắt đầu lớn nên thấy ngượng ngùng vô cùng mỗi khi mặc nó. Bạn đọc cứ hình dung, mỗi lần trời mưa, tôi đi giữa trung tâm thành phố với chiếc áo tơi trên mình và nhận được vô số ánh mắt hiếu kỳ của người xung quanh. Người ta thì quần là áo lụa che chắn cẩn thận trong chiếc áo mưa đẹp đẽ còn tôi ăn mặc chẳng khác nào người ngoài hành tinh. Họ còn thích chí vỗ tay, cười cợt mỗi khi thấy tôi xoay cái áo qua lại để chắn mưa. Tôi chỉ biết lầm lũi cắm mặt đi trong sự chễ giễu, lòng ngập tràn nỗi tủi thân kinh khủng!
Sự tự ti trong tôi càng nhiều hơn khi học trò nghèo chỉ là thiểu số ở cấp trung học. Lần đầu tiên bước vào lớp với chiếc áo tơi trên người, mọi ánh mắt trong lớp dồn vào tôi, kể cả thầy giáo. Có người nhìn thương hại, có người thấy bình thường vì họ giống tôi, có người sẵn sàng chế giễu, cười nhạo tôi. Tôi thấy hơi ngượng, cúi đầu đi vào lớp.
Vào lớp rồi thì một vấn đề nảy sinh là tôi không biết phải để áo tơi ở đâu! Lớp học đã chật chội lắm rồi mà chiếc áo lại không nhỏ chút nào. Thầy giáo rất thương tôi nên đã đến bên, cầm lấy chiếc áo và bảo sẽ cất cho. Rồi thầy treo nó ngay sau lưng ghế của thầy khiến tôi càng ngượng ngùng, sượng chín mặt.
Lớp học ngày xưa cũng giống thời nay: bàn của giáo viên được xếp ở phía trên, bên dưới là bàn ghế học sinh. Thế nên chiếc áo tơi ở sau lưng ghế thầy thu hút bao con mắt trong lớp. Tôi không biết chui vào đâu để trốn những ánh mắt ấy. Nhìn chiếc áo tơi ướt nhẹp, còn rơi rớt mấy lá dừa, tôi vừa buồn, vừa tủi, vừa quê. Dù gì, tôi cũng còn là đứa trẻ mà…
Lúc đó, tôi bắt đầu ý thức hơn về cái sự nghèo xơ nghèo xác của mình, sự xa cách giữa tôi và bạn bè. Thật ra, từ nhỏ tôi đã ý thức được mình nghèo, nhưng khi sống với những thân phận cùng cảnh ngộ, tôi cảm thấy điều ấy không là gì, thậm chí hạnh phúc bởi ai cũng giống ai, chẳng có nhiều sự phân biệt. Dù trong vùng vẫn có những gia đình giàu có nhưng rõ ràng người nghèo quanh tôi vẫn nhiều hơn. Nhưng khi bước vào cấp trung học, sự chênh lệch giàu-nghèo quá lớn đã khiến tôi thật sự bị sốc và tự ti tột độ.
Tôi vẫn không quên được cảm giác của ngày đầu vào trung học - thứ cảm giác có thể đánh gục con người, khiến họ co rút lại, không dám nhìn lên để tiến về phía trước. Quá nhiều thứ mới mẻ hiện ra trong tôi, những thứ mà thậm chí ngay cả trong mơ tôi cũng chưa bao giờ thấy. Chúng thật lạ mắt, thật đáng để thèm thuồng biết bao.
Ngày ngày tôi đến trường, và lướt qua những thứ xa xỉ đang hiện diện trước mắt. Cảm giác thua sút, thèm khát, thậm chí ghen tị với đám bạn bè nhà giàu vào ngày ấy vẫn còn đậm nét trong tôi - ngay cả khi tôi đang viết những dòng này.
Tôi biết mỗi người không thể chọn nơi mình được sinh ra, không thể chọn số phận cho mình. Tôi cũng hiểu, giàu hay nghèo đều không phải là tội nhưng những đứa trẻ, dù nghèo hay giàu, vẫn là những đứa trẻ mà thôi. Chúng có những mơ ước, khao khát riêng, có những sự đố kị, thậm chí ganh ghét, và đó là chuyện thường tình! Khi đối diện với những đứa trẻ nhà giàu, những đứa trẻ nhà nghèo chưa bao giờ thấy được cuộc sống xa hoa sẽ càng cảm thấy mình thiệt thòi, thua kém quá xa, từ đó chúng mất đi sự tự tin, rồi khép mình với cuộc sống. Tôi phải kiên trì một thời gian mới thích nghi được với những điều hoàn toàn mới mẻ như vậy, giữ được tâm lý vững vàng và ngày ngày đến trường với nụ cười trên môi.
Bữa cơm với dưa chuối
Vì không thể ra ngoài kiếm ăn trong mùa đông lạnh giá, bão lụt, mưa gió tầm tã nên nhà nhà đều dự trữ rất nhiều thức ăn. Gia đình tôi cũng vậy. Số lúa và khoai mót được ở mùa trước chính là thứ giúp mẹ con tôi tồn tại qua những ngày này. Nhưng nếu chỉ lúa và khoai không thì chẳng bao giờ đủ, nhưng lại không có tiền để mua thêm thứ gì lót dạ với cơm nên năm nào mẹ cũng làm dưa chuối. Dưa chuối được mẹ làm từ thân cây chuối đi xin được - thứ thường dùng cho heo ăn. Chúng tôi đâu có lựa chọn nào khác! Có ăn còn hơn không!
Thân chuối được mẹ xắt nhỏ ra rồi làm dưa chua như cách ngày nay người ta làm củ kiệu, dưa cải hay kim chi. Dưa làm xong được bỏ vào một cái lu để ăn dần. Đó chính là món ăn chủ lực của gia đình tôi vào mùa đông.
Ngày nào mẹ con tôi cũng ăn cơm với dưa chua, có khác là cách chế biến. Có hôm mẹ dùng một ít dưa nấu canh, có hôm luộc, có hôm vắt ra chấm với nước ruốc hoặc tương. Ăn đủ kiểu như vậy cho đỡ ngán vì không còn gì khác để ăn với cơm. Thật ra ăn qua ăn lại hoài cũng ngán lắm. Dưa chuối không thể ngon bằng củ kiệu, dưa cải hay kim chi, nhưng cả nhà vẫn phải cố ăn để có sức mà sống qua mùa đông. Dưa chuối trở thành món ăn đầy kỷ niệm của những ngày tháng gian khó cùng cực ấy.
Tôi đã trải qua những ngày tháng thật khó quên, đã có những trải nghiệm thực sự đáng giá. Có lẽ chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu hết những đắng cay, gian khổ, tủi hờn của phận nghèo. Những năm tháng tuổi thơ rồi trung học chống chọi với mùa đông giá rét vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí tôi, nhắc nhở tôi về một thời gian khổ đến tận đáy nhưng tôi vẫn tồn tại và vẫn tiếp tục đi lên, để hôm nay có thể tự hào với những kỳ tích và mạnh dạn chia sẻ với thế hệ sau.