1. Thành quả mang tính tạm thời trong việc nuôi dạy trẻ
Cha mẹ có bao giờ nhìn nhận rằng trường tiểu học chỉ là một bước chuyển tiếp trên con đường tới trường trung học, hay trường trung học chỉ là một bước chuyển tiếp lên trường phổ thông? Khi nuôi dạy một đứa trẻ, chúng ta có thể dễ dàng bị lầm tưởng bởi những nhu cầu mang tính tức thời của trẻ. Chúng ta thường bị sa lầy vào chiếc bẫy nguy hiểm của sự nhìn nhận việc vượt qua những kỳ thi là mục tiêu tối quan trọng hơn là toàn cảnh tương lai phát triển của con. Rất nhiều người trong chúng ta nuôi dạy con cái dựa trên quan điểm nhìn nhận lấy khả năng học tập học thuật làm trung tâm. Vậy thì, phương diện quan trọng nhất của giáo dục tiểu học là gì? Của giáo dục trung học là gì? Chúng ta nên tránh việc nghĩ rằng mục tiêu của giáo dục tiểu học hoặc trung học là để chuẩn bị cho con có thể vào được trường cấp hai hoặc cấp ba tốt hơn. Chúng ta cần phải giữ một tầm nhìn xa và bao quát hơn thế.
Trong quá khứ, giáo dục chính thống chú trọng vào việc nuôi dạy một con người tốt, người mà có thể cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, các chính sách giáo dục hiện tại đã thay đổi ở rất nhiều trường học. Với sự đánh giá tập trung ở các bài kiểm tra, học sinh được khuyến khích để đạt được điểm cao hơn các bạn của mình, đôi khi chỉ cần cao hơn một điểm. Dĩ nhiên là, vẫn có những trường học khuyến khích sự tiến bộ chung của tất cả các học sinh. Tuy nhiên, các trường đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ. Nhìn chung, nền giáo dục hiện nay vẫn đề cao thành tích của các trường học, cái được quyết định bởi số lượng học sinh tốt nghiệp đỗ vào các trường trung học hoặc đại học danh giá.
Mới đây, mẹ của một bé mười tuổi kể cho tôi nghe một cảnh tượng đáng sợ mẹ chứng kiến khi đến thăm một trường mẫu giáo danh giá. Theo lời mẹ, trường học này nhìn nhận điểm số của những bài kiểm tra là yếu tố quan trọng nhất của giáo dục. Trẻ em có điểm số thấp sẽ bị quở mắng nặng nề trước mặt bạn bè và cảnh cáo không được tiếp tục đi học nếu vẫn bị điểm số đáng xẩu hổ như vậy. Những học sinh bị điểm kém sẽ bị chuyển chỗ ngồi xuống cuối lớp. Lý thuyết đằng sau cách hành xử này là trẻ sẽ làm việc để tránh việc bị làm bẽ mặt như vậy trong tương lai. “Việc đó thật sự tồi tệ đến mức tôi không thể để con gái mình học ở đó”, người mẹ giải thích.
2. Quá chú trọng vào thành tích học tập có thể làm hại một đứa trẻ
Những kỳ thi đầu vào là những bước chuyển cần thiết cho sự phát triển và tiến bộ của trẻ. Tuy nhiên, vượt qua các kỳ thi này không phải là mục đích cao nhất của giáo dục. Chúng ta phải tránh việc để các kỳ thi làm méo mó tư duy của trẻ. Các kỳ thi đầu vào không cần thiết phải là những cơn ác mộng. Nếu không cần tham dự những khóa học luyện thi nhồi sọ nào, mà một đứa trẻ có thể thi đỗ một kỳ thi, dù độ khó ở mức nào thì kỳ thi đó sẽ không khiến tâm trí trẻ bị tổn thương. Đứa trẻ có thể coi kỳ thi đó như một động lực để học tập.
Thay vì theo đuổi mục tiêu trước mắt là thi đỗ kỳ thi đầu vào, giáo dục nên nuôi dưỡng phẩm chất cá nhân của mỗi bé và kích hoạt các khả năng thiên bẩm tiềm tàng vô hạn của trẻ. Tôi mong muốn được nhìn thấy một nền giáo dục thực sự khi mà các em được thể hiện các khả năng sở trường của mình. Trẻ em nên được khuyến khích theo đuổi sở thích của mình để khi lớn lên, các con có thể cống hiến cho xã hội ở những lĩnh vực đó.
Tóm lại, tôi mong muốn theo đuổi một nền giáo dục đề cao ý chí của mỗi cá nhân.
Phương pháp não trái truyền thống chủ ý nuôi dưỡng trí thông minh bằng cách truyền thụ kiến thức từ bên ngoài. Phương pháp này có những hạn chế riêng và được cho là chỉ phát huy được ba phần trăm khả năng của con người. Thực tế cho thấy rằng năng lực bẩm sinh của con người là vô hạn. Các thầy cô tiểu học và trung học cần bắt đầu giúp đỡ các em học sinh nhận thức được năng lực không có giới hạn của mình.
Trong khi đó, mục đích của giáo dục trong tương lai là giúp con người thể hiện tối đa các năng lực tiềm ẩn bên trong. Hơn nữa, giáo dục cần nuôi dưỡng nhân cách, trí tuệ, lòng nhân hậu, sự tinh tế và sức sáng tạo của trẻ. Việc hướng dẫn trẻ cách dùng những năng lực này cũng hết sức quan trọng. Nếu thiếu đi sự chỉ dẫn đúng đắn để phát triển những năng lực mới này, giáo dục sẽ thiếu tính bền vững vì chỉ xây dựng bộ khung bên ngoài mà thiếu đi cốt lõi bên trong.
3. Nuôi dưỡng ý chí mạnh mẽ
Từ điển định nghĩa “giáo dục” là “dạy dỗ kiến thức và kỹ năng”. Tuy nhiên, nghĩa gốc Latin của “giáo dục” là “đánh thức những khả năng bẩm sinh”. Thông qua giáo dục, cha mẹ và thầy cô có trách nhiệm phát hiện những năng lực tiềm ẩn của trẻ và phát triển những năng lực này tới mức cao nhất có thể. Các bậc cha mẹ không nên bị ảnh hưởng bởi những mục tiêu tạm thời của trẻ đến mức chỉ chăm chăm chú trọng vào sự phát triển trí thông minh của con. Hãy đặt sự quan tâm của bạn vào tương lai lâu dài của trẻ hơn là thời gian trước mắt. Tương lai của mỗi quốc gia và thế giới phụ thuộc vào sự phát triển của những đứa trẻ này.
Trong thời gian được nuôi dưỡng và giáo dục, trẻ em cần được nhìn nhận và khen ngợi “Chỉ có một cá thể độc nhất như con trong thế giới bao la rộng lớn này!”. Khi dạy trẻ tin vào giá trị của bản thân, chúng ta nên giúp con nhận thức được trách nhiệm của chính con trong việc nuôi dưỡng những khả năng bẩm sinh của mình đến mức tối đa. Cha mẹ hãy chia sẻ để con hiểu rằng những năng lực tuyệt vời của con nếu được phát triển, con sẽ cống hiến được những điều tốt đẹp cho đất nước và cho cả toàn thể nhân loại.
Giáo dục là chìa khóa định hình tương lai của Việt Nam nói riêng và toàn thể thế giới nói chung vì mục tiêu của giáo dục là để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên phương pháp giáo dục hiện tại không thể nuôi dưỡng những thiên tài sáng tạo bởi mục tiêu của nó bị giới hạn trong việc chuẩn bị cho trẻ để thi đỗ những kỳ thi. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh phải cố gắng hết sức mình để giúp con thoát khỏi những hạn chế của giáo dục đương thời. Con của bạn có phát triển đúng hướng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Chúng ta không nên phát triển một hệ thống giáo dục chỉ cố gắng sản xuất những con người có trí thông minh. “Mục đích sống của con người trong cuộc đời là gì?”. Bạn hãy hỏi con câu hỏi về giá trị cốt lõi của cuộc sống và để con suy nghĩ về điều này.
4. Yêu thương: Yếu tố quan trọng nhất trong việc nuôi dạy trẻ
Nền tảng thiết yếu của quá trình dạy dỗ con là cha mẹ giúp con cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình. Tình yêu của cha mẹ làm cho con phát triển nhiều mặt. Thiếu đi tình yêu, những khả năng tiềm ẩn của con người không thể bộc lộ và phát triển.
Ở Đức, khi chế độ phát xít còn tồn tại cùng với sự ra đời của thuyết “dân tộc thượng đẳng”, những đứa trẻ được dự đoán là thông minh sẽ bị tách khỏi cha mẹ ngay khi chào đời. Những đứa trẻ này được học chương trình giáo dục đặc biệt cấp quốc gia. Cuộc thử nghiệm thất bại với kết quả không có đứa trẻ nào tiến bộ hay phát triển nổi trội hơn. Những đứa trẻ đáng thương bị tách ra khỏi cha mẹ từ khi mới lọt lòng và lớn lên mà không biết mặt thậm chí chẳng hề biết cả tên của người đã sinh ra mình. Chúng không hề cảm nhận được tình yêu thương, bởi vậy, trái tim và tâm hồn chúng đã phát triển một cách lệch lạc. Gần đây, tôi có xem chương trình truyền hình về những đứa trẻ này, nay đã ở tuổi trưởng thành và họ đều đang phải chịu đựng cảm giác đau khổ, buồn bã.
Ngược lại, những đứa trẻ dù thiểu năng bẩm sinh vẫn có thể cải thiện tình trạng của mình nếu nhận được tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ. Ở nhiều Viện Giáo dục Shichida, nơi mà trẻ em được theo học phương pháp giáo dục não phải (phương pháp giáo dục dựa trên nền tảng tình yêu thương), có rất nhiều câu chuyện kể về những em bé thiểu năng đã phát triển tuyệt vời như tất cả những bạn cùng trang lứa. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ:
Một bé mười sáu tháng tuổi bị chẩn đoán là tự kỷ học ở trường chúng tôi. Để kiểm tra sự phát triển của con, bố mẹ của bé thường xuyên đưa bé đến khám bác sĩ tại thành phố Tokyo và một trung tâm y tế tại Shizuoka. Ba tháng sau khi học tại viện, bố mẹ đưa bé đi khám lại. Bác sĩ đột nhiên phát hiện ra cậu bé là một thiên tài hiếm có và vị bác sĩ này muốn biết thêm thông tin về khóa học cậu đang được tham gia. Ở trung tâm Shizuoka, nhân viên y tế nói với cha mẹ cậu bé rằng cậu chỉ cần quay lại khám định kỳ bốn tháng một lần. Chính quyền địa phương thông báo với cha mẹ bé rằng họ sẽ dừng chu cấp khoản tiền viện trợ do khuyết tật của bé. Nhờ việc trải qua phương pháp giáo dục não phải (phương pháp giáo dục dựa trên tình yêu thương) mà cậu bé đã đạt được sự thay đổi ngạc nhiên trong một khoảng thời gian ngắn.
Cô Takako Hasegawa,
Hoc viện Shichida, Trường Fuji
Shinji là một cậu bé có những biểu hiện tự kỷ, theo học tại trường từ tháng Mười năm 1996. Ấn tượng đầu tiên của cô giáo về cậu bé là cậu có những biểu hiện cáu kỉnh. Mẹ của Shinji muốn bằng mọi cách tránh việc gửi cậu bé vào trường dành cho trẻ đặc biệt khi cậu tới tuổi vào lớp Một vào tháng Tư tới. Cô giáo đã có lời khuyên gửi tới mẹ bé như sau: “Chị không nên quá tập trung vào mục tiêu đó. Điều quan trọng hơn bây giờ là suy nghĩ thật lạc quan và vui vẻ với Shinji”. Sau đó cô giáo hướng dẫn mẹ làm thế nào để tập trung vào việc truyền tải tình yêu thương đến con. Khoảng một tháng sau buổi học đầu tiên, cô giáo nhận thấy Shinji không còn tỏ ra cáu kỉnh nữa. Cô giáo cũng không còn nhớ đến chuyện xếp lớp cho bé ở trường tiểu học cho tới khi người mẹ thông báo rằng Shinji đã được vào lớp bình thường.
Thầy Hiroshi Okudoi,
Học viện Shichida, Trường Nishi Kobe
5. Trái tim và tâm hồn: Nhân tố quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ
Khi nuôi nấng một đứa trẻ, điều cần thiết là giữ cho con có một tâm hồn rộng mở. Thông thường, trẻ em không có khả năng sử dụng những khả năng tiềm tàng nếu chúng có những hình ảnh tiêu cực về bản thân trong tiềm thức. Vô tình, trẻ tin rằng điểm số kém, ốm yếu hoặc khả năng hạn chế của chúng sẽ làm cha mẹ buồn lòng. Nếu bạn có thể bỏ những suy nghĩ tiêu cực và giúp con nhận thức được khả năng bẩm sinh của mình, con sẽ bắt đầu biết sử dụng những khả năng này. Bước tự chuyển biến này là một nấc thang quan trọng trong con đường tới thành công của trẻ.
Nếu con cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, cánh cửa tâm hồn con sẽ rộng mở. Khi cha mẹ biết cách truyền tải tình yêu thương và chữa lành vết thương tâm hồn con, đứa trẻ sẽ bắt đầu thay đổi mạnh mẽ.
Ví dụ, Daisuke đang học lớp Năm. Cha mẹ bé tự hỏi tại sao điểm số của cậu lại kém như vậy, đặc biệt là so với em gái học lớp Ba và em trai học lớp Một. Mẹ cậu bé đến buổi thuyết trình của tôi và tôi nhận ra rằng người mẹ đang vô tình làm tổn thương tâm hồn con trai mình. Đêm đó, mẹ cậu ôm chặt cậu trong lòng và xin lỗi con vì đã nhìn nhận cậu một cách tiêu cực và nói những lời khó nghe làm con buồn. Mẹ cậu còn nói với cậu rằng từ trong sâu thẳm trái tim, bà yêu cậu rất nhiều. Sau đó một thời gian ngắn, mẹ cậu bé vô cùng ngạc nhiên vì cậu bắt đầu có tỉ lệ chọn phương án đúng cao hơn rất nhiều so với hai em của mình trong các trò chơi phát triển não phải (điển hình là trò chơi giác quan và luyện trí nhớ). Điều này giúp cậu bé cảm thấy tự tin và điểm số ở trường của cậu cải thiện nhanh chóng.
Cha mẹ cậu đã nhầm lẫn khi nghĩ rằng cậu có một trí nhớ tồi. Chính bởi vì vết thương trong lòng, cậu bé khép mình lại trong chiếc vỏ ốc. Khi cha mẹ gửi đến cho cậu một thông điệp yêu thương vô điều kiện và khen ngợi, cậu thay đổi nhanh chóng và thành một em bé thông minh và rất đáng yêu.
6. Bộ não: Cơ quan quan trọng trong việc giáo dục trẻ
Tâm trí và bộ não có quan hệ mật thiết với nhau. Các chức năng của não hoạt động như thế nào phụ thuộc vào tâm trí. Nếu não bộ của trẻ hoạt động tốt, thì trẻ có thể hồi phục sau những chấn thương thể chất và tinh thần hoặc cải thiện điểm số ở trường.
Não bộ con người được phân thành hai phần: bán cầu não trái và bán cầu não phải. Phần não trung gian nằm ở giữa hai bán cầu. Phần não trung gian ở vị trí trung tâm của não bộ, điều hành chức năng tạo động lực theo đuổi mục tiêu và khả năng tự chữa lành. Cơ chế hoạt động của phần não trung gian đã được thiết lập từ khi trẻ mới sinh ra.
Cụ thể hơn, phần não trung gian bao gồm hai vùng: vùng đồi não và vùng dưới đồi. Đầu tiên, vùng đồi não là nơi tập trung các dây thần kinh hoạt động. Vùng dưới đồi điều khiển các thông tin mang tính cảm xúc, ví dụ như từ chối bất cứ thông tin nào gây khó chịu. Đây là cơ chế mà não bộ sử dụng để ngăn chặn những thông tin mang lại cảm xúc tiêu cực. Nếu việc từ chối tiếp nhận thông tin này xảy ra thường xuyên, một phản ứng sinh học tiêu cực hình thành và não bộ sẽ không còn có khả năng phản hồi trước bất cứ loại thông tin nào nữa. Một khi xu hướng hành vi này được định hình ở vùng đồi não, thì vùng dưới đồi, nơi điều khiển hệ thống thần kinh độc lập không thể hoạt động tốt. Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Một bộ não thiểu năng xuất hiện vì não bộ dừng hoạt động ngay từ giai đoạn đầu tiên.
Tâm hồn của một đứa trẻ có bộ não không hoạt động tốt thường sẽ trở nên khép kín. Nếu cha mẹ có những ý nghĩ tiêu cực, và đối xử với trẻ bằng những cảm xúc và ngôn ngữ tiêu cực não bộ của trẻ sẽ không thể thực hiện tốt các chức năng. Vùng đồi não sẽ bưng bít lại mọi cánh cửa phát triển tâm hồn của trẻ, từ chối tiếp nhận các thông tin tiêu cực (suy nghĩ của cha mẹ). Sau đó, khu não trung gian nơi đóng vai trò trung tâm của sự thông thái sẽ càng không thể hiện những chức năng tuyệt vời của mình.
Tôi rất mong muốn cha mẹ hiểu rằng chính tình yêu vô điều kiện, suy nghĩ và thái độ tích cực của cha mẹ sẽ gợi mở sự phát triển vùng đồi não cho con. Sự phát triển của vùng đồi não này làm xuất hiện những khả năng của vùng não trung gian và cho phép não bộ hoạt động ở mức tốt nhất.
7. Mối quan hệ giữa yêu thương, trí tuệ và bộ não
Bạn đã thật sự hiểu mối quan hệ giữa yêu thương, trí tuệ và bộ não chưa? Trí tuệ làm cho bộ não hoạt động. Còn tình yêu làm cho trí tuệ hoạt động. Tình yêu của mẹ là động lực thần kỳ để chữa lành. Trừ khi bộ não bị khép kín của một đứa trẻ được mở ra, đứa trẻ này mới có thể nhận được một nền giáo dục tuyệt vời.
Tình yêu vô điều kiện của mẹ khai mở tâm trí cho con mình. Tình yêu này không cần có sự đánh đổi. Đây không phải là tình yêu mà mẹ chỉ dành cho con khi con được điểm cao, hoặc mẹ sẽ yêu con ít đi hoặc sẽ chỉ yêu anh chị của con nếu con bị điểm thấp. Tình yêu vô điều kiện nhấn mạnh: “Cha mẹ hạnh phúc chỉ bởi vì con ở đây”. Đây là nền tảng của việc nuôi dạy con cái. Nếu cha mẹ có thể quay lại và làm tốt điểm này, bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể thay đổi nhanh chóng. Khi một em bé có những vấn đề về hành vi, đây là dấu hiệu trẻ đang khát khao tình yêu vô điều kiện của cha mẹ.
Không có bộ não bẩm sinh nào thể hiện khả năng ghi nhớ kém hoặc không có thành tích học tập tốt. Không có bộ não nào kém cỏi. Ngay cả một bộ não bị tổn thương hoặc kém phát triển, bị đánh giá là không có khả năng hoạt động tốt, vẫn có thể phát triển nếu tâm trí được khai mở.
8. Ba điều kiện để con phát triển khả năng của mình
Có ba điều kiện cần phải được chuẩn bị trước khi một đứa trẻ có thể phát triển khả năng của mình một cách độc lập. Đó chính là tạo điều kiện tối đa cho ba yếu tố “tình yêu, trí tuệ và não bộ” phát triển trong tâm hồn của trẻ. Khi một người mẹ trao tình yêu cho con, đứa trẻ sẽ có nhận thức về tình yêu. Đứa trẻ cảm nhận được tình yêu của mẹ sẽ không có xu hướng khơi dậy cảm xúc thù ghét và có thể trao tình yêu thương dịu dàng của mình cho mọi người.
Tình yêu thương của mẹ khuyến khích tình yêu thương lớn lên trong con. Tình yêu thương của mẹ là nền tảng thiết yếu để nuôi dạy một em bé có một trái tim dịu dàng tràn ngập tình yêu thương với mọi người. Một em bé nhận được tình yêu vô bờ của mẹ sẽ trở nên điềm tĩnh trong khí chất, tự tin trong cuộc sống, biết tự kiềm chế cảm xúc và biết quan tâm sâu sắc tới những người xung quanh. Những đứa trẻ như vậy có trí thông minh về cảm xúc rất phát triển.
9. Tình yêu và cảm giác hòa hợp làm phát triển tâm hồn của trẻ
Điều gì khiến cho trí óc của trẻ mụ mẫm và dẫn đến vô cảm? Chúng ta hãy cùng nhìn lại những gì bạn nói với con hàng ngày. Theo thống kê, bảy mươi phần trăm từ ngữ mẹ dùng hàng ngày với con là la mắng. Bạn có khuynh hướng này không? Các bà mẹ thường giao tiếp với con qua chỉ thị, những lời từ chối hoặc mệnh lệnh về những việc con làm. Hãy chuyển những từ ngữ này sang những gợi ý, ghi nhận và góp ý yêu thương. “Hãy đi làm về sớm để đóng chiếc giá lên. Sau đó, tưới hoa trước sân!”. Bạn có sai khiến con bạn như thế không? Thay vào đó, bạn nên hỏi: “Con có thể giúp mẹ đóng chiếc giá lên. Thật là tuyệt nếu con còn có thể tưới hoa trước sân nữa!”.
Khi bạn dùng yêu cầu dưới dạng chỉ thị khi nói chuyện với con, bạn đang không nhận ra con là một người hoàn toàn độc lập. Vì bạn sinh ra con, nên bạn có thể nghĩ rằng bạn có thể làm bất cứ điều gì với con. Tuy nhiên, con bạn có những phản ứng giống như bất cứ người trưởng thành nào. Trẻ sẽ phản ứng tiêu cực với những chỉ thị, lời từ chối và những lời ngăn cấm. Nhưng con của bạn sẽ phản ứng tích cực với lời thỉnh cầu, ghi nhận và những lời nói ân cần. Nếu bạn nói chuyện với con lịch thiệp như nói chuyện với chồng của mình, trái tim đang bị đóng kín của con sẽ dần thư giãn và bắt đầu có những phản hồi tích cực. “Không được xem tivi nữa. Tốt nhất là con đi học đi. Nhanh lên!”. Có phải bạn không cảm thấy ngại ngần gì khi nói những lời này với con? Đây là những lời mà có thể khiến tâm hồn của một đứa trẻ trở nên lạnh giá. Nhưng nếu bạn tôn trọng con như một người độc lập và thể hiện tình yêu thương, ghi nhận sự có mặt của con và khen ngợi con, tâm trí con sẽ được thư giãn. Tâm hồn bị đóng kín của con sẽ mở ra và con bắt đầu sử dụng được sức mạnh tâm hồn của mình.
10. Tâm trí của trẻ chỉ hoạt động tích cực khi thư giãn
Bé Saori, học lớp Ba, đã bắt đầu khóa học não phải vào tháng Tư. Bé rất thích thú và vô cùng háo hức với những bài giảng của cô giáo. Trong khóa học về hình ảnh, trông bé rất thư giãn. Bé có khả năng tưởng tượng hình ảnh một cách phong phú.
Tuy nhiên, sau buổi học thứ ba, mẹ bé đến trường và bảy tỏ một số mối bận tâm. “Saori đã được chọn để tham gia cuộc thi âm nhạc vào tháng Bảy. Việc luyện tập cho cuộc thi làm cho con tôi rất căng thẳng. Bắt đầu từ vài ngày gần đây, con bắt đầu tè dầm, việc này chưa từng xảy ra trước đây”.
Cô giáo gọi Saori vào phòng riêng và gợi ý về bí quyết để thư giãn. “Saori thân mến, con thực ra có một sức mạnh rất tuyệt vời. Khi con cảm thấy thoải mái, dòng năng lượng sức mạnh đó sẽ tràn đầy khắp trong con. Trước khi con đi ngủ, con nên thở thật sâu để thư giãn. Sau đó con hãy tưởng tượng mình đang chơi đàn oóc-gan. Con hãy tự nói với bản thân rằng con có sức mạnh to lớn và con sẽ chơi đàn thật là hay. Trong trí tưởng tượng, những nốt nhạc xuất hiện một cách nhẹ nhàng và con có thể chơi thật vui vẻ. Con có thể luyện tập một cách dễ dàng”. Cô giáo đã để cho Saori nhắm mắt trong khi nghe những lời khuyên. Cô cũng khuyên Saori nên luyện tập hình dung trong tâm trí nhiều hơn là luyện chơi nhạc cụ. Saori nhìn vào mắt cô, gật đầu dứt khoát và trở về nhà.
Bé đã có những thay đổi vượt bậc. Bé có thể thư giãn và không còn tè dầm từ đêm đó nữa. Khi tập luyện, bé bắt đầu đọc các nốt nhạc, vốn đã từng rất khó đối với bé. Bé còn có thể tưởng tượng được các nốt nhạc. Sử dụng phương pháp này, bé đã có thể đạt được mục tiêu với ít thời gian hơn phương pháp luyện tập nghiêm khắc trước đây.Giáo viên dạy nhạc rất ấn tượng trước khả năng của bé.
11. Niềm vui thích khi nuôi dạy con
Khi trẻ lớn lên, cha mẹ lo lắng rằng họ sẽ không thể hiều nổi con của mình nữa. Họ phàn nàn rằng nuôi dạy con cái trở nên khó hơn vì con ngày càng khó bảo và không muốn nghe lời cha mẹ. Rất nhiều phụ huynh tìm kiếm lời khuyên của tôi cho vấn đề này. Tôi luôn luôn trả lời yêu cầu này bằng việc nói: “Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thiện ý. Đây là một bản năng tự nhiên. Tuy nhiên thiện ý này có thể mất đi trừ khi trái tim của đứa trẻ được nuôi dưỡng một cách yêu thương và chân thành”.
Không may, nhiều trẻ đánh mất đi thiện ý của mình và trở nên cô lập. Kết quả là, bé bắt đầu bắt nạt bạn bè hoặc có nguy cơ phạm tội. Bạn hãy nhớ rằng yếu tố quan trọng nhất của việc nuôi dạy trẻ không phải là ép cho con hoàn thành tốt công việc hoặc đạt điểm số cao ở trường. Nếu bạn chấp nhận và trân trọng con như chính bản thân con, cho con tình yêu của bạn và khen ngợi con, trí óc của con sẽ thư giãn và con bắt đầu thể hiện khả năng tiềm ẩn của con ở mức cao nhất.
Không có bất cứ em bé nào sinh ra có số phận thất bại. Bạn sẽ hiểu được điều này nếu bạn nuôi con, tin tưởng vào bản năng tự nhiên của con, chấp nhận, tin tưởng và khuyến khích những đặc tính tự nhiên của con.
Kenta là học sinh của Viện Giáo dục Trẻ em Shichida, bé mắc chứng tự kỷ. Mẹ của bé luôn tỏ ra u sầu với bé. Mẹ luôn nói với bé bằng giọng điệu ra lệnh. Cô giáo liên tục yêu cầu mẹ bé cố gắng nhìn vào điểm tốt của bé và khen ngợi. Cô nói với mẹ Kenta: “Chị hãy cho bé thấy chị cười”.
Khi mẹ bé thay đổi cách nhìn nhận về con và cười với con, Kenta cuối cùng cũng đã có thể cảm thấy thoải mái trong lớp học. Chẳng mấy chốc, bé bắt đầu trả lời đúng một trăm phần trăm các câu hỏi trong trò chơi luyện tập não phải, ví dụ như trò Năm giác quan não phải và Trò chơi ký ức, trong sự ngạc nhiên của mẹ. Sau đó bé tiến bộ rất nhanh trong những môn học não trái như toán và ngôn ngữ. Mẹ bé cảm thấy rất vui bởi việc nuôi dạy con mình đã trở nên vui vẻ và tuyệt vời.
12. Đưa con vào thế giới của những ước mơ và thiện ý
Một câu hỏi phổ biến hiện nay là đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào nếu được tiếp nhận phương pháp giáo dục não phải. Con của bạn lớn lên như thế nào phụ thuộc vào cách bạn dạy con ở nhà. Nếu cha mẹ không khuyến khích trẻ có những ước mơ cao đẹp, con bạn sẽ không có được khát vọng của riêng mình. Trẻ sẽ cảm thấy hài lòng với những thành tích nhỏ. Tôi muốn bạn truyền tải thông điệp sau một cách ngắn gọn tới con: Mỗi em nhỏ nên có ước mơ riêng thể hiện được tính cách cá nhân và nên cố gắng trở nên xuất sắc trong lĩnh vực con đã chọn. Trẻ em nên có ý thức cố gắng đóng góp và cống hiến cho xã hội.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều được ban cho năng khiếu một cách công bằng. Tôi muốn giúp con bạn khai phá những năng khiếu tuyệt vời này thông qua phương pháp giáo dục não phải với tình yêu thương chân thành. Nhưng tôi không muốn chỉ tập trung vào tài năng của các con. Tôi muốn bạn dạy con cách con dùng tài năng của mình để cống hiến cho một xã hội tốt đẹp.
Rất nhiều người Do Thái theo đuổi một phương pháp nuôi dạy trẻ tuyệt vời. Mặc dù người Do Thái chỉ chiếm 0,38% dân số thế giới, họ nhận được một trăm năm mươi giải Nobel. Bí mật giáo dục của họ là gì? Văn hóa Do Thái coi trọng việc giáo dục trẻ ở nhà và làm theo năm thông điệp thường xuyên được truyền tải đến con như sau:
- Trân trọng tính cách cá nhân.
- Xuất sắc ở lĩnh vực mà bạn đam mê.
- Phát triển nhân cách toàn diện.
- Phát triển tính sáng tạo.
- Liên tục học hỏi suốt cuộc đời.
Họ bắt đầu nói với con về tầm quan trọng của giáo dục khi chúng còn nhỏ: “Học tập có sức mạnh biến cải xã hội. Nếu con học, khi trưởng thành, con sẽ có khả năng cải tiến xã hội”. Truyền thống của người Do Thái là khơi gợi những giấc mơ lớn trong con và ý chí quyết tâm để biến ước mơ thành sự thật. Hy vọng của tôi là tất cả các bậc cha mẹ sẽ nuôi con thật tốt, cho con đắm chìm trong những giấc mơ cao cả và một ý chí thiện nguyện mạnh mẽ để đóng góp những điều tuyệt vời nhất cho xã hội.