Thiên 1Hai thời kỳ đi học (Năm 1954 - 1992, 01 - 38 tuổi)
1. Học tập trước khi xuất gia (Năm 1954 - 1979, 1 - 25 tuổi)
1.1. Học tập trước khi học Phật (Năm 1957 - 1972, 3 - 18 tuổi)
1.1.1. Trường Tiểu học Kiềm An (Năm 1957 - 1960, 3 - 6 tuổi)
Tôi sinh ngày 22 tháng 01 năm 1954 (tức ngày 18 tháng 12 năm Quý Tỵ), tại khu An Bình, thành phố Đài Nam. Cha tôi là Quách Minh Doãn, mẹ tôi là Quách Trần Liên Chiêu, ít hơn cha một tuổi, người khu An Nam, thành phố Đài Nam. Ông nội là Quách Đại Bản và bà nội là Quách Thái Hoán. Ông bà nội chỉ sinh được một mình ba tôi là con trai, còn lại là bốn người con gái gồm một bác và ba người cô. Vì từ nhỏ chưa được xem gia phả dòng họ Quách của gia đình, nên tôi chưa biết gia tộc họ Quách của nhà tôi từ đâu đến. Tôi thấy ông cậu có ghi trong gia phả nhà họ Thái, nhưng cũng không hỏi từ đâu đến. Sau khi xuất gia, cảm thấy cần phải học tập “người oán và người thân đều bình đẳng”, lại thêm bản tính làm biếng, nên tôi không có nhân duyên đi tìm nguồn gốc của mình.
Nhà tôi có năm anh em. Tôi Mẫn Phương là con trưởng, các em trai kế tiếp là Khánh Phương, Thế Phương, Tuấn Đình và Bội Đình. Từ nhỏ tôi đã không thích ăn thịt cá, cho dù cảng An Bình là nơi có nguồn cá rất phong phú. Vì tôi không chịu nổi mùi tanh và cũng không biết lựa xương cá, dễ bị hóc xương, cho nên càng không thích ăn cá. Tôi còn sợ cả dầu mỡ, nên cũng không thích ăn thịt. Do đó, tôi rất dễ thích nghi với việc ăn chay.
Cha tôi làm việc cho xưởng gia công may mặc của Dsaydln ở thành phố Đài Nam. Quá nửa thời gian trong năm, cha phải đi đến huyện, thị, và các thành phố khác để bán hàng và thu tiền. Mẹ tôi là nhân viên trực tổng đài của xưởng An Thuận, thuộc Công ty Kiềm Đài Loan (tại khu An Nam, thành phố Đài Nam). Cả nhà chúng tôi sống tại khu ký túc xá công nhân viên xưởng An Thuận.
Năm 1956 (2 tuổi) trú tại một ngôi nhà bằng gỗ ở ký túc xá công nhân Nhật Bản để lại, thuộc xưởng An Thuận Công ty Kiềm Đài Loan.
Trường học đầu tiên của tôi là nhà trẻ của xưởng An Thuận thuộc Công ty Kiềm Đài Loan, thuộc Trường Quốc học Tiểu học Hiển Cung Kiềm An. Khi đó, xã hội đang có phong trào học trước tuổi. Cha mẹ luôn nghĩ rằng nếu học được thì tốt, còn nếu như không theo được, thì học lại một năm càng chắc. Nhưng thật may mắn, tôi đều được lên lớp và còn vào đại học một cách thuận lợi. Cho nên, dù là con lớn trong gia đình, với vai trò huynh trưởng, nhưng trong trường tôi luôn là người nhỏ hơn một tuổi so với các bạn cùng lớp.
Hồi đó, ký túc xá công nhân xưởng An Thuận được xây dựng và trang bị phục vụ công cộng rất đầy đủ; gồm có sân bóng chày, sân bóng rổ, hồ bơi, nhà hàng, căng-tin, còn có hội trường lớn dùng để chiếu phim và hội họp, trường mẫu giáo và trường cấp I. Những ngày lễ, Tết, trường học cũng thường phối hợp tổ chức biểu diễn văn nghệ tại hội trường lớn. Có thể nói, điều kiện sinh hoạt ở đây rất tốt.
Tôi còn nhớ hồi học mẫu giáo, trong một lần biểu diễn văn nghệ nhân dịp Tết, cho dù tôi không biết đọc nốt nhạc, nhưng mạnh dạn hát rất to, thế là được thầy giáo cho hát đơn ca bài Kiến mẹ vác đậu. Bài hát có nội dung như sau: “Một con kiến ở cửa hang, tìm được một hạt đậu, đã dùng hết sức mà vẫn không vác được, chỉ đành đứng lắc đầu. Kiến ta suy nghĩ một lúc thì nghĩ ra diệu kế là tìm bạn bè, hợp sức vác hạt đậu về hang”. Các bạn khác thì hóa trang thành các chú kiến để minh hoạ. Hình ảnh buổi biểu diễn và ca từ bài hát đến nay vẫn còn lưu lại trong tôi. Có lẽ đây cũng là duyên khởi để tôi có dũng khí lên sân khấu sau này.
Thời kỳ đó không có tivi, radio thì không phổ biến. Vào mỗi tối đẹp trời, mọi người sống trong khu ký túc xá công nhân, cầm chiếc chiếu trải ra trước cửa nhà để nghe người già kể chuyện. Bọn trẻ thường thích nghe truyện ma, hay các truyện thần thoại dân gian ly kỳ, ví dụ như: Hồn cô gái tự vẫn, Bà cô Hổ, v.v. Truyện Hồn cô gái tự vẫn có nhiều dị bản khác nhau. Câu chuyện kể về một người con gái ở gần Đài Nam, Đài Loan, vì chồng đi biển mãi không về, mỗi ngày cô đều đứng ở bờ biển ngóng đợi chồng. Mòn mỏi chờ chồng nhiều năm, cô khóc rồi chết dưới một gốc cây cạnh bờ biển. Oan hồn của cô gái luôn ở đó, nên người dân ở đây thường hay nhìn thấy hồn ma của cô gái xõa tóc dưới cây. Một dị bản khác được lưu truyền rộng rãi hơn đó là một góa phụ bị kẻ xấu lừa tình, lừa tiền nên treo cổ trên cây, sau khi chết oan hồn luôn ở đó. Còn câu chuyện Bà cô Hổ thì kể về con hổ già hóa tinh trên núi, đợi khi người lớn vắng nhà sẽ biến hình thành một bà già để lừa trẻ con và người lạ. Có hai chị em cho bà ta vào phòng ngủ chung. Nửa đêm, cậu em trai bị ăn thịt, còn người chị gái thông minh đã tiêu diệt được con hổ thành tinh ấy. Bọn trẻ chúng tôi rất thích nghe những câu chuyện như vậy, nhưng cũng lại rất sợ, vừa nghe vừa bịt tai, nghe rồi sợ đến nỗi nổi cả da gà. Đó là cách nghỉ ngơi giải trí thời kỳ ấy. Sau khi nghe kể chuyện, mọi người sẽ chơi bài, hoặc ngồi xếp tròn trong chiếu, người ngồi sau gãi rôm sảy cho người ngồi trước, hoặc nhờ người lớn lấy ráy tai (ngày nay y học khuyến cáo nên bỏ thói quen này). Lâu dần trở thành một tập tục sinh hoạt thân tình hàng xóm láng giềng.
Từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 8 năm 1959, tại miền Trung Nam của Đài Loan bị trận đại hồng thủy, lụt rất nghiêm trọng. Đây là đợt thiên tai mà phạm vi và số người bị ảnh hưởng chỉ thua vụ động đất ngày 21 tháng 9 năm 1999 và trận lụt ngày 6 đến ngày 8 tháng 8 năm 2009, kể từ sau thế chiến thứ II. Nhiều gia đình công nhân của xưởng An Thuận phải dọn vào phòng họp lớn để tránh lụt. Hồi ấy tôi mới học lớp 1, nên chưa cảm nhận được nỗi khổ ấy. Được sống cùng với các gia đình khác trong một khu như vậy, lại cảm thấy rất thú vị. Chúng tôi có thể qua lại các nhà khác bất cứ lúc nào. Giữa các gia đình không hề có bức tường ngăn nào nữa, nên giống như người trong một nhà. Khi nước rút bớt, có thể về nhà cũng cảm thấy rất thích thú. Tôi được cha mẹ kiệu trên vai, giống như được cưỡi ngựa về nhà. Đó cũng là sự trải nghiệm khó quên. Tôi có cảm giác là chúng tôi ngoan ngoãn, sống hòa thuận nhau, nên được cha mẹ cho ngồi trên vai vậy.
Bình thường ở nhà, cha thường đóng vai “mặt trắng” để cùng với mẹ đóng vai người quản giáo “mặt đen”, hình thành phong cách giáo dục gia đình. Sau khi chuyển đến sống ở thành phố Đài Nam, tôi có thêm các em. Tan học về nhà, anh em chúng tôi thường hay đùa nghịch, tranh cãi huyên náo, trong khi mẹ tôi đang bận rộn chuẩn bị cơm tối. Để dẹp yên mọi chuyện, mẹ thường phạt chúng tôi quỳ úp mặt vào tường. Những lúc ấy, chúng tôi mong nghe thấy tiếng xe đạp của ba thắng lại trước cửa nhà. Điều đó đồng nghĩa là cứu tinh đã đến, vì ba thường giải cứu chúng tôi không bị phạt quỳ ăn cơm.
Hồi đó, để các con có thể thi vào trường trung học tốt hơn nên các phụ huynh ở xưởng An Thuận thường chuyển con em mình sang học ở trường tiểu học thành phố Đài Nam. Thế là sau khi học hết lớp một, chúng tôi đã được chuyển đến đây. Trường cũ chỉ còn lại các bạn không có ý định học lên cao. Một số các bạn học đến tiểu học nhưng lại không học hết chương trình 6 năm, thì học ở Trường Tiểu học Hiển Cung.
Khi tôi học lớp 2 (năm 1960), cha tôi được đổi công việc tại xưởng may Dsaydln, không phải thường xuyên đi công tác dưới huyện nữa. Mẹ tôi thì xin nghỉ hẳn công việc ở xưởng An Thuận. Cả gia đình chuyển đến thành phố Đài Nam để chúng tôi có thể nhập học tại Trường Tiểu học Thành Công tại Đài Nam.
1.1.2. Trường Tiểu học Thành Công (Năm 1960 - 1965, 6 - 11 tuổi)
Trong khu vực nhà tôi ở, học sinh thường phải học ở Trường Tiểu học Lập Nhân. Nhưng hình như học ở trường đó sau này lên trung học không được tốt cho lắm. Do vậy, mẹ tôi đã chuyển hộ khẩu của tôi vào hộ khẩu của gia đình một người bạn, để tôi có thể học ở Trường Tiểu học Thành Công.
Hồi đó, ở Đài Nam có hai trường tiểu học có tỷ lệ chuyển cấp tương đối cao đó là Trường Tiểu học Thành Công và Trường Tiểu học Vĩnh Phúc. Trường Tiểu học Vĩnh Phúc gần khu trung tâm đô thị hơn, ở gần đường Dân Quyền, thành phố Đài Nam, là trường của con em những nhà tương đối giàu có học tập.
Tôi chỉ được đăng ký ở Trường Tiểu học Thành Công. Trường này cách nhà tôi cũng hơi xa. Khi lên lớp cao hơn, phải học cả ngày, nên buổi trưa tôi không thể về nhà ăn cơm. Nhà trường cũng không có điều kiện giúp học sinh hâm nóng đồ ăn mang theo, nên trưa nào mẹ cũng phải vất vả mang cơm đến trường cho tôi. Hồi đó, cũng chưa có các máy móc phục vụ như máy giặt, tủ lạnh… anh em chúng tôi khi ấy lại còn bé, chưa biết giúp mẹ làm việc nhà, nên công việc nội trợ trong nhà của bà rất vất vả. Có một việc làm tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Đó là một ngày gió bão, trên đường nước ngập rất sâu, buổi trưa đã đến giờ mang cơm mà không thấy mẹ đến, tôi bắt đầu lo lắng đi ra cổng trường, nhìn về hướng nhà để ngóng mẹ. Cuối cùng mẹ cũng đã đến, vai khoác cái áo mưa, chân đi đôi ủng, tay xách đồ ăn. Hình ảnh ấy in sâu trong tâm trí của tôi.
Ngoài ra, có một lần nhà trường tổ chức đi dã ngoại ở xa. Mẹ đã học cách làm món cơm cuộn sushi và đựng vào hộp cơm bằng gỗ cho tôi. Tuy nhiên, hôm đó trời mưa, nên địa điểm dã ngoại được chuyển về Lầu Xích Khảm gần trường, làm cho mọi người cảm thấy cụt hứng. Lầu Xích Khảm là di tích mà ngày nào chúng tôi ngẩng đầu lên cũng nhìn thấy, nên cảm thấy không có gì mới mẻ và cũng không giống như đi dã ngoại đường xa. Lại nữa, cơm cuộn sushi đựng trong hộp gỗ, để ở trong cặp sách do bị tôi lắc nên vỡ và bẹp dí, trở thành mớ cơm và thức ăn lẫn lộn, nhìn không còn nhận ra đó là cơm cuộn sushi nữa. Khi ăn chẳng khác gì ăn cơm cặp lồng mang theo hằng ngày. Điều đó làm tôi rất thất vọng. Hồi ức về hai sự thất vọng trong ngày đó, giờ đây nghĩ lại, nó làm tôi cảm thấy khá thú vị.
Một ấn tượng đặc biệt nữa khi học tiểu học đó là: do điều kiện vệ sinh tương đối kém, bàn ghế bằng gỗ ở trong trường đều có bọ chét (bọ nhảy). Con gái để tóc dài thì thường có chấy, còn con trai thì có mụn nhọt. Do đó, nhà trường thường khử trùng bàn ghế cho học sinh định kỳ, hoặc dùng nước khử trùng gội đầu. Chúng tôi xếp hàng mang theo ghế ngồi của mình, nhúng vào nước khử trùng.
Còn có một câu chuyện, nó làm cho tôi hiểu được hậu quả nguy hiểm của nghịch ngợm và cảm kích trước sự khoan dung của người bạn học. Trong giờ nghỉ giữa giờ, các bạn gái lớp nhỏ thì hay chơi nhảy ô hoặc nhảy dây, các bạn trai đùa giỡn, chạy đuổi nhau. Có một lần, mấy đứa bạn trai nhặt được cành cây khô, chúng tôi liền xúm lại và tưởng tượng nó như dùi đánh chuông, còn đầu các bạn trai là những cái chuông vậy. Thấy chúng tôi cầm “dùi” đánh vào đầu, các bạn trai đều tránh ra, đi núp hết. Đang trong tâm trạng rất phấn khích, nên chúng tôi phải tìm bằng được “chuông” để đánh chơi. Tìm mãi không được bạn trai nào, thì vừa hay, nhìn thấy một chị học lớp trên, đang bơm nước bằng tay. Thế là chúng tôi liền xem chị ấy như cái chuông để thử nghiệm. Mọi người tưởng rằng chỉ đụng nhẹ thôi, sẽ không sao. Nhưng không ngờ, mấy thằng con trai chúng tôi hợp lực lại nên đã tạo ra một lực đẩy rất mạnh, làm chị ấy té vào trong thùng nước bên cạnh máy bơm. Vì lọt vào thùng nước, bị ướt nửa người và cũng hoảng quá nên chị ấy bật khóc. Đám chúng tôi thấy thế sợ quá, chạy mất. Một lúc sau, tiếng trống vào lớp vang lên, chúng tôi không dám vào, chỉ nơm nớp chờ giáo viên phạt nặng. Thông thường, ít nhất cũng là bị đánh roi thừng, mà tôi lại là người cầm đầu việc này. Chị bị ngã là một học sinh vừa ngoan vừa giỏi của lớp trên, luôn được các thầy, cô giáo yêu quý. Chị ấy mặc đồng phục màu trắng còn mới, nên chắc hẳn các thầy, cô giáo sẽ không bỏ qua một cách dễ dàng chuyện nghịch ngợm của chúng tôi. Điều không ngờ, chị ấy đã không mách giáo viên, chị chỉ nói là mình không cẩn thận nên trượt chân té vào thùng nước. Sự bao dung của chị ấy khiến chúng tôi vừa xấu hổ vừa cảm kích. Cho đến nay, dù không nhớ rõ tên của chị ấy, nhưng tôi vẫn cảm ơn sâu sắc việc chị đã cho chúng tôi cơ hội để tự mình sửa chữa; đặc biệt hơn là cảm nhận được về hậu quả nguy hiểm của sự nghịch ngợm cũng như sức mạnh của sự khoan dung.
Trước Trường Tiểu học Thành Công, Thành phố Đài Nam, nhà ở ngõ chợ Áp Mẫu Liêu, vào năm 1964, 10 tuổi: Tác giả đứng bên trái, anh họ Trần Triều Dương đứng bên phải, em trai Quách Khánh Phương đứng trước bên trái, em kế Quách Thế Phương đứng bên phải.
Khi tôi lên lớp cao hơn, gia đình tôi lại chuyển đến khu phố Dụ Dân ở chợ Áp Mẫu Liêu đối diện với Trường Tiểu học Thành Công. Vì nhà gần chợ, nên tôi luôn được chứng kiến cảnh người đi ăn xin. Có một hình ảnh làm tôi khó quên, đó là có một người đàn ông ăn xin vui vẻ mang số tiền mà mình vất vả xin được để mua một ly trà câu kỷ tử cho người vợ mù của mình uống. Khi ấy đang thịnh hành uống trà câu kỷ tử nhằm giúp sáng mắt và bảo vệ thị lực nên loại nước uống này rất đắt tiền. Tôi không biết, liệu ly trà câu kỷ tử ấy có giúp đôi mắt người của vợ ông ấy sáng ra chút nào không, nhưng nhìn cảnh vợ chồng ông tràn đầy hy vọng và hạnh phúc, hình ảnh ấy đến nay vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi.
Hồi nhỏ, tôi mải chơi nên kết quả học tập rất bình thường. Đến năm lớp 5, tôi mới nắm bắt được một số phương pháp học tập và chịu khó đọc sách, nên kết quả học tập mới vươn lên trung bình, khá. Tôi rất thích đọc các tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài hoặc văn học thiếu nhi Trung Quốc. Tôi có người bạn học là con của một gia đình học thức, giàu có và có rất nhiều sách quý, nên thường đến nhà bạn để mượn các loại sách ấy về đọc. Nhà họ cũng rất hào phóng và vui vẻ cho tôi mượn sách. Nhà bạn có con chó giữ cửa rất to, nhìn thấy người lạ đi vào, nó sủa oang oang rất hung dữ. Nhưng vì muốn mượn sách nên tôi vẫn mạo hiểm và gia đình bạn cũng tạo điều kiện để cho tôi không quá sợ mỗi khi đi ngang qua nó. Đối với các loại sách ngoại khóa như vậy, tôi đọc một cách say mê, thậm chí đến khuya vẫn không ngủ, để cây đèn ngủ trong màn, len lén giấu cha mẹ đọc truyện Tam quốc diễn nghĩa hoặc Thủy hử phiên bản dành cho thiếu nhi.
Ít lâu sau, tôi bị nghiền tiểu thuyết kiếm hiệp. Tôi thường xuyên đến nhà một người bạn học khác, nhà bạn này cũng thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp và thường hay thuê cả bộ về để cả nhà cùng đọc. Nhà gần, lại không có chó giữ cổng, nên tôi là khách thường xuyên của nhà bạn ấy. Ngày nghỉ cuối tuần, tôi ngấu nghiến đọc hết quyển này đến quyển khác, đọc mãi không biết chán ngay nơi kệ tiểu thuyết kiếm hiệp của gia đình bạn ấy. Vì thói quen đọc sách không biết bảo vệ mắt ấy khiến tôi trở thành người đeo kính cận hiếm hoi của lớp. Đến năm 1968, bắt đầu thực hiện việc giáo dục bắt buộc 9 năm và tôi rơi vào thời kỳ phải thi tuyển lên cấp II (Trung học cơ sở). Hồi đó, từ lớp 5 đến lớp 6 là phải chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp. Việc học tập rất căng thẳng, nên học sinh chúng tôi không có thời gian rảnh để đọc truyện.
Đến năm lớp 6, thầy, cô giáo các lớp của Trường Tiểu học Thành Công thường tổ chức các buổi thi chuyển cấp thử, và thi đua giữa các lớp với nhau. Phương thức thi được tiến hành theo hình thức đối kháng, căn cứ theo việc xếp hạng thành tích. Chỉ cần giáo viên của hai lớp thống nhất được thời gian là sẽ tiến hành thi thử. Khi thi, một nửa học sinh của lớp (ví dụ: các bạn có số lẻ trên danh sách xếp hạng thành tích sẽ ở lại tại lớp) và một nửa khác (ví dụ: các bạn có số chẵn trên bảng xếp hạng thành tích) sẽ chuyển sang phòng học của lớp khác. Hai bạn xếp đầu của hai lớp ngồi cùng một bàn; hai bạn cùng xếp thứ hai của hai lớp sẽ ngồi một bàn, dùng cặp sách để phân cách giữa hai thí sinh. Sau khi ổn định lớp, thầy cô giáo phát đề thi. Thi xong, giáo viên sẽ lần lượt giải đáp kết quả. Các bạn có cùng thứ hạng với nhau sẽ sửa bài chéo cho nhau, rồi cộng điểm cuối cùng và ghi điểm của bạn kia vào bên cạnh, đồng thời ghi chú số điểm hơn kém. Sau đó, học sinh tự về lớp của mình. Giáo viên sẽ lần lượt kiểm tra số điểm hơn thua của các cặp theo thứ tự xếp hạng. Nếu thua một điểm thì sẽ bị phạt một roi. Học trò chúng tôi sợ nhất là việc thi không tốt thì sẽ bị phạt ngay một roi. Nhưng thi tốt cũng phiền phức không kém. Tại sao vậy? Vì lần này thi tốt, xếp hạng thành tích cao, lần thi sau sẽ gặp phải đối thủ cao tay hơn. Nếu lần này may mắn thi tốt, từ hạng 20 lên hạng 10 thì lần sau đối thủ thi cặp với bạn là người hạng 10, bạn ấy sẽ giỏi hơn rất nhiều.
Hồi đó, chia lớp nam, nữ riêng và các lớp thi đối kháng cũng không cố định. Tôi còn nhớ mỗi ngày lên lớp trong lòng đều tự hỏi: “Không biết hôm nay có thi đổi lớp đối kháng không? Không biết sẽ thi với lớp nào? Không biết sẽ bị đánh mấy roi?”. Hồi đó, trường chúng tôi có khoảng 20 lớp 6. Bình thường khi trộn lớp thi chéo như thế, có một số lớp học rất giỏi, đặc biệt là có một số bạn nữ học rất cao thủ, nếu là một cặp thi với các bạn ấy thì sẽ bị thua không còn gì thê thảm hơn. Sau khi tan học, buổi tối chúng tôi thường đến nhà giáo viên để học phụ đạo. Chúng tôi cũng hay gặp các bài toán khó, chẳng hạn như các bài toán về trồng cây hoặc bài tính số gà và thỏ ở chung chuồng. Ví dụ: vừa gà vừa thỏ, nhốt chung trong chuồng, tổng cộng có 20 con, nhưng chỉ có 46 cái chân, hỏi có bao nhiêu gà và bao nhiêu thỏ? Về văn học thì có những câu chuyện gắn liền với một số câu thành ngữ. Rồi còn việc cả lớp được phân công ra sân bóng chày để cổ vũ… Một lần, do bất cẩn, tôi bị trượt chân té ngã, được thầy Hiệu trưởng Tăng Đồng Chung đỡ dậy và xoa đầu, sự việc ấy đã để lại trong tôi một cảm giác khó quên. Đó là những ký ức về thời tiểu học của tôi.
1.1.3. Trường Trung học cơ sở Kim Thành (Năm 1965 - 1968, 11 - 14 tuổi)
Sau khi thi đậu vào Trường Trung học cơ sở Kim Thành (trường cấp II), tôi bắt đầu cảm thấy niềm vui trong học tập.
Cấp 2 Kim Thành (1966 – 12 tuổi), ảnh gia đình, từ trái sang phải: Tác giả, em thứ 2 Quách Thế Phương, em thứ 4 Quách Bội Đình, em thứ 3 Quách Tuấn Đình, em thứ nhất Quách Khánh Phương.
Điều này đã tạo một bước ngoặt mới trong việc học tập của tôi. Hồi ấy, Trường Kim Thành được thành lập khoảng 12 năm, và là trường có khí thế học tập rất cao. Thầy Hiệu trưởng Vương Thụy Đông, vốn là giáo viên toán nổi tiếng của Trường Đài Nam Nhất Trung, và một số giáo viên kỳ cựu từ Đài Nam Nhất Trung chuyển về, các thầy, cô trẻ khác cũng đều là những giáo viên giỏi và rất năng động.
Học sinh tuy cũng có áp lực thi chuyển lên cấp III, nhưng nhà trường vẫn chú trọng các việc khác, như công tác đoàn đội, thể dục; không dùng giờ của các môn học này để tăng cường cho môn Toán, Anh văn. Nhà trường thường tổ chức các buổi hội trại thiếu nhi, thi đố vui, hội thi thể thao hoặc các hoạt động ngoại khóa khác, chứ không hề vì áp lực thi chuyển cấp mà xem nhẹ các hoạt động ấy.
Đa số giáo viên cấp II của Trường Kim Thành đều có chuyên môn giảng dạy tốt và rất nhiệt tình. Ví dụ, như thầy Trần dạy môn Khoa học tự nhiên rất ôn hòa, thân thiết. Tiết học của thầy cho học sinh cảm giác thêm yêu mến những kiến thức khoa học và vui tươi giống như hoa lá mùa xuân. Sau những tiết học trên lớp, thầy Trần thường giới thiệu bài học của hôm sau để chúng tôi về nhà xem có cái gì giống như vậy sẽ mang đến lớp. Có lần thầy bảo chúng tôi mang cây thủy sinh, tôi nhìn những ví dụ nêu trong sách thấy có cây củ năng là loài sống dưới nước. Nhà tôi ở gần chợ có bán củ năng nên tôi nhờ mẹ mua cho mấy củ để tôi mang đến lớp. Vì hôm đó chỉ có mình tôi mang đi nên thầy giáo biểu dương: “Ừ, tốt, thầy sẽ cộng điểm cho”. Đến nay tôi vẫn còn nhớ thầy họ Trần, khi thầy giải thích cụm từ “Tân Trần Đại Tạ” (dịch nghĩa tiếng Việt là: sự trao đổi chất), cũng có hàm ý là “thầy Trần mới đến thay cho thầy Tạ cũ”. Khi lên lớp giảng bài, thầy thường có những câu nói như thế khiến các bạn rất vui thích. Từ đó, tôi yêu thích môn Khoa học tự nhiên, rồi đến môn Sinh vật cho đến tận bây giờ. Bên Trường Thành Công có triển lãm khoa học, trưng bày các hóa thạch, chỉ có một mình, tôi cũng chạy về để xem.
Mẹ tôi rất thích ngoại ngữ, bà đã tự học một số từ tiếng Anh và cách phát âm, nên vào kỳ nghỉ hè trước khi tôi lên cấp II, mẹ đã dạy cho tôi một ít. Ngoài ra, mẹ còn cho tôi đến nhà thầy giáo dạy tiếng Anh nổi tiếng để học thêm. Do đó, việc học tiếng Anh ở cấp II của tôi tương đối tiến bộ. Những môn khác tôi học cũng tạm được, nhưng môn Toán thì học không được tốt, có khi còn bị điểm dưới trung bình. Đến khi học đại học, Toán giải tích hay các dạng Toán học khác đều không phải là sở trường của tôi. Nhưng tôi lại rất yêu thích sự hợp lý logic của Toán học, nên khi đi du học ở Tokyo, và cho đến tận bây giờ tôi vẫn thích mua các sách Toán học.
Khi vào cấp II, cha bắt đầu cho tôi tiền lẻ, mỗi tháng khoảng 10 Đài tệ. Tôi dùng toàn bộ số tiền ấy để mua sách. Hồi đó, không biết tại sao nhà sách Văn Tinh lại đóng cửa, nên thanh lý rất nhiều loại sách. Khi nhìn thấy hàng loạt sách được giảm giá, mỗi quyển chỉ có 1 tệ, tôi liền mua 10 quyển (hình như đó là tuyển tập của Hồ Thích). Từ đó, tôi hình thành thói quen mua và đọc sách. Thêm vào đó, giáo viên dạy môn Ngữ văn năm cuối cấp II (lớp 9) của tôi là nhà thơ Hà Thụy Hùng. Bài giảng của thầy mang nhiệt huyết của một nhà văn, nhà thơ, mở rộng tầm nhìn của tôi về văn học, lịch sử và triết học. Khi giảng bài, thầy không chỉ căn cứ theo sách giáo khoa, mà còn giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng thế giới, ví dụ như sử thi Thần khúc của Dante Alighieri – nhà thơ nổi tiếng của Ý, Thiên đường đã mất (Paradise Lost) của John Milton, tuyển tập truyện ngắn của Lev Nikolayavich Tolstoy, hoặc những bản anh hùng ca của nhà thơ, nhà văn từ cổ chí kim, hay những câu chuyện cảm động trong đời thường. Thầy say sưa nói về quan niệm sáng tác, cách nhìn nhận về nghệ thuật, về cuộc sống nhân sinh, xã hội. Thầy khuyến khích chúng tôi đọc thêm nhiều sách tham khảo, và viết nhật ký. Do đó, tôi cũng mua quyển nhật ký và viết được một thời gian. Thầy cũng giới thiệu chúng tôi đến nhà sách Khai Sơn của bạn thầy để tìm những quyển sách độc bản, hoặc những sách cổ thế giới mà ở những quầy sách bình thường khác không có. Ví dụ như quyển Thần khúc của Dante Alighieri. Khi gặp một số cuốn sách độc bản có giá bán hơi cao, số tiền lẻ của học sinh cấp II không thể mua nổi, thì tôi nhớ tên sách và vị trí trên kệ sách để sau này gom đủ tiền sẽ mua.
Năm 2006, tôi được Giáo sư Hoàng Tuấn Kiệt ở Trường Đại học Đài Loan mời về trường tham gia diễn thuyết về đề tài Kinh nghiệm học tập của tôi. Sau đó được biên tập lại và đến năm 2011, Trung tâm xuất bản Trường Đại học Đài Loan yêu cầu tôi hiệu chỉnh để đưa vào tập 5 của cuốn Kinh nghiệm học tập của tôi trong diễn đàn chung về giáo dục.
Khi trường chúng tôi đăng bản thảo bài diễn thuyết này, tôi nhớ lại thầy Hà, tìm trên mạng Internet của Trường Đại học Đài Loan thì được biết: “Tác giả: Hà Thụy Hùng… tốt nghiệp khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sư phạm Đài Loan, từng qua Tokyo học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, thầy đã tốt nghiệp tiến sĩ ngành Văn học. Thầy đã từng dạy Trường Công nghiệp Liên Hợp, Đại học Nghề Nhật Bản, giảng viên Trường Đại học Quốc Sự Quán, Học viện Quản lý Trường Vinh… hiện đã nghỉ hưu”. Không ngờ rằng, sau đó chúng tôi trở thành bạn cùng Khoa Văn học ở Trường Đại học Tokyo. Tôi liền gửi lời nhắn và số điện thoại của mình trên trang web này với hy vọng sẽ có người nhắn cho tôi cách liên lạc với thầy Hà Thụy Hùng.
Mấy tháng sau đó, cuối cùng tôi đã nhận được email của con gái thầy cùng với số điện thoại liên lạc của cô ấy. Tôi liền liên lạc, hỏi thăm tình hình sức khỏe của thầy. Cô ấy nói với tôi rằng hiện thầy đang giảng dạy tại một trường đại học ở Đài Nam, trước đó một thời gian thầy bị xe máy tông ở sân trường nên hiện vẫn đang nghỉ dưỡng. Rồi cô ấy cho tôi biết số điện thoại để liên lạc với thầy. Không lâu sau, tôi gọi điện thoại báo cho thầy biết tình cảm của tôi dành cho thầy nhiều năm qua, đồng thời báo cho thầy biết rằng tôi đã xuất gia và hiện cũng đang giảng dạy tại trường đại học. Khi thầy nghe nói tôi đã xuất gia, thầy liền đáp rằng: “Rất tuyệt, thật không đơn giản”. Trong điện thoại, tính cách của thầy vẫn không thay đổi. Thầy nói về tình hình giáo dục hiện nay, và cảm giác như tôi lại được trở về thuở học trò xưa ấy. Tôi định hẹn thầy nhân dịp tôi đi Đài Nam giải quyết công việc, thuận tiện sẽ đến thăm thầy, nhưng thầy nói thời gian đó đã hẹn với bác sĩ nên không tiện gặp. Từ đó cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa có thời gian gặp lại thầy. Hình như trong cuộc sống, thường có lúc thiếu chút duyên hội ngộ.
Cấp II Kim Thành (1965 - 1968, 11 - 14 tuổi).
Kỷ vật khi tôi học trường cấp II Kim Thành bây giờ hình như chỉ còn lại duy nhất một hình dán trên thẻ học sinh với chữ ký “Quách Tôn” (tên chữ Hán), tên hiệu của tôi. Lúc đó tôi nghĩ ra cách ký sáng tạo, bộ tử “子” trong hai chữ Quách “郭” và Tôn “孫” dùng chung, do đó bộ hệ “系” đưa vào giữa chữ Quách, đem chữ Quách kết hợp với chữ Tôn thành một. Lý do có tên hiệu đó là vì: tôi thấy thầy giáo nói rằng các thánh hiền trước đây trong tên gọi tôn trọng đều có chữ “Tử”, như “Khổng Tử”, “Mạnh Tử”. Tôi cũng nghịch và nói đùa, tự gọi mình là Tôn.
Học ở trường cấp II Kim Thành, còn có một việc mà tôi cảm thấy rất hữu ích đối với việc học tập sau này của mình. Đó là, tôi cùng vài bạn học chơi thân với nhau, tự đặt ra quy định cho trò chơi Tài phiệt Địa lý Thế giới. Bây giờ tôi cũng không nhớ rõ ai là người đề xuất việc này. Cách chơi như sau: xem tất cả địa lý thế giới như tài sản độc quyền, 5 - 6 người chia nhau cai quản cả thế giới. Sau đó, ví dụ như bạn muốn mua vùng lãnh thổ châu nào hay một quốc gia nào đó, bạn sẽ bắt đầu giao dịch. Dùng theo phương pháp giao dịch: Ví dụ dùng châu Mỹ của tôi đổi lấy châu Phi của bạn. Vùng đất này của tôi sản xuất dầu mỏ; vùng đất Nam Phi của bạn sản xuất đá quý. Từ đó quy ước vùng đất của tôi trị giá bao nhiêu tiền, vùng của bạn trị giá bao nhiêu tiền... Lúc đó, chúng tôi đem những kiến thức địa lý áp dụng vào trò chơi Tài phiệt Địa lý này. Thậm chí sau khi tan học vẫn còn thảo luận sẽ giao dịch như thế nào, liên minh với bạn nào và cạnh tranh như thế nào. Trò chơi hồi cấp II ấy đã mang lại cho tôi rất nhiều vui thích trong học tập. Nó làm cho tôi cảm thấy các kiến thức lịch sử, địa lý trở nên thú vị...
Khi tham gia thi vào cấp III, tôi muốn thể hiện năng lực tự mình giải quyết vấn đề, nên nói với cha: chỉ cần chở tôi đến trường thi là được rồi, không cần ở đó chờ tôi. Cha đã dùng chiếc xe “tay ga” chở tôi đến trường rồi quay về. Sau đó, tôi mới phát hiện ra mình quên mang giấy báo thi. Trong lúc không biết phải làm sao thì được cha của người bạn học bảo bạn ấy cùng ngồi xe với tôi về nhà lấy giấy báo thi. Tôi cảm thấy rất kính nể và cảm phục sự giúp đỡ của ông ấy. Thế nhưng, khi về đến nhà, cửa nhà đều khóa. Thì ra cha đã không yên tâm, nên ông âm thầm ở lại nơi trường thi. Tôi có thể leo rào vào trong sân nhưng không thể vào nhà, thế là tôi đành phải quay lại trường thi và xin làm giấy báo thi tạm thời. Trở về trường thì tôi gặp cha, liền nhờ cha quay về nhà lấy giấy báo thi để nộp vào sau. Sau sự trục trặc ấy, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành bài thi chuyển cấp và may mắn là tôi đã thi đậu vào Trường Đài Nam Nhất Trung.
1.1.4. Đài Nam Nhất Trung (Năm 1968 - 1971, 14 - 17 tuổi)
Hiệu trưởng Trường Đài Nam Nhất Trung hồi đó là thầy Lý Thăng có vẻ bề ngoài nghiêm khắc, nhưng thực ra lại rất đôn hậu với học sinh. Học sinh cấp III chúng tôi đang ở vào thời kỳ thanh niên mới lớn, nên mỗi khi tan học, khó tránh khỏi việc vui đùa huyên náo hoặc gây chuyện cãi nhau. Thầy Hiệu trưởng Lý thường đi qua cửa, từ từ bước vào lớp. Thầy bình thản đứng trước lớp, không lớn tiếng la mắng. Học sinh nhìn thấy thầy hiệu trưởng lập tức im lặng, không khí yên tĩnh trở lại. Thầy cũng không hỏi học sinh tại sao ồn ào, cũng không can dự vào việc cãi vã, rồi mỉm cười đi ra khỏi lớp. Cách tu dưỡng “dùng tĩnh chế động” này làm chúng tôi hết sức khâm phục.
Đài Nam Nhất Trung (1968 - 1971, 14 - 17 tuổi)
Hồi học tại Đài Nam Nhất Trung, tôi có dịp tiếp xúc với Phật giáo. Chúng tôi có học một học kỳ âm nhạc, tổng cộng khoảng 10 bài. Khi thi thì căn cứ theo số thứ tự học sinh để chọn bài. Ví dụ bạn số 1 thì sẽ hát bài số 1, bạn số 2 hát bài thứ 2, bạn số 3 hát bài thứ 3, rồi lại quay vòng lại bạn thứ 11 hát bài số 1, cứ như vậy ai cũng phải hát một bài, thì mới qua môn học Âm nhạc này. Khi ấy, tôi cầm cuốn nhạc trong tay, với bài thứ hai là Thu buồn. Lời ca như sau:
Gió tây thổi lá vàng bay,
Giữa đêm ngày rừng thưa trơ trọi
Ngắm vội nhành hoa,
Mộng ảnh xa xôi in mờ bóng ai
Ngắm gương thấy nhan sắc tàn phai,
Buồn lên mái tóc sương mây,
Thời gian khiến người già nua
Dù có ngàn vàng,
Dù có ngàn vàng,
Ngàn vàng cũng khó mua tuổi thiếu niên.
Ca từ Thu buồn khiến ta thức tỉnh. Đọc đến phần giới thiệu tác giả: Lý Thúc Đồng, tinh thông hội họa, âm nhạc, kinh kịch, thư pháp, khắc triện và thơ ca. Ông còn là nhà nghệ thuật, nhà giáo hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc… Sau đó, ông xuất gia tu hành, hiệu là Hoằng Nhất, thuộc Nam Sơn Luật tông của Phật giáo Trung hưng, được tôn xưng là Đại sư Hoằng Nhất. Tiểu sử của ông làm tôi tò mò, tại sao một nghệ nhân sau này lại xuất gia? Càng trùng hợp hơn khi số thứ tự của tôi lại hát đúng bài này. Sau đó, tôi đi đến nhà sách tìm quyển Hoằng Nhất Đại sư truyện. Truyện ký về ông do Trần Huệ Kiếm viết, có ba tập. Lúc đó, tôi không chú ý toàn bộ có ba tập, mà tưởng rằng ba tập giống nhau, đều là Hoằng Nhất Đại sư truyện, vì chữ số tập 1, 2, 3 viết rất nhỏ, nên tôi mua đại một quyển, về nhà xem lại mới biết là mình chọn được tập ở giữa, không có tập đầu và tập cuối. Tôi nghĩ sau này nếu có tiền sẽ mua hai quyển còn lại. Rồi cũng không hiểu lý do gì mà thi xong thì tôi cũng quên luôn việc ấy. Nhưng mỗi khi hát bài này lên, tôi luôn cảm thấy có một tình cảm rất lạ trong mình.
Hồi đó, thi vào cao đẳng và đại học được chia làm ba khối gồm A, B, C. Khối A là khoa học và công nghệ. Khối B là ngôn ngữ, luật và thương mại. Khối C là y học và nông nghiệp. Khi học đến lớp 11, mỗi học sinh phải chọn khối theo ý muốn, để cho nhà trường tiện việc phân ban. Vì tôi học Toán và Vật lý không tốt lắm, nên không dám chọn khối A. Tôi thích học Hóa, Sinh, thế là tôi điền vào thi khối C. Lúc đó, học sinh chọn học theo khối C đa số đều có mục tiêu thi vào Trường Đại học Y, và đó cũng là ngành được chọn chủ yếu ở khu vực Đài Nam khi ấy. Tôi thấy người lớn luôn nói rằng học ở Trường Đại học Y rất tốt, sau này sẽ có cả danh lẫn lợi, con gái được gả cho bác sĩ cũng rất giàu có. Tôi lại có trạng thái muốn đi ngược với trào lưu, vì cảm thấy việc chọn nguyện vọng như vậy hơi thực dụng.
Mặt khác, có lẽ vì ảnh hưởng của thầy Hà Thụy Hùng hồi cấp II, tôi rất thích Văn học và Triết học, cảm thấy khát khao cuộc sống “Trời tạnh thì cày cuốc, trời mưa thì đọc sách” giống như miêu tả của Đào Uyên Minh, hay ví như quan niệm sống rằng: “Hái hoa cúc ở bờ rào phía Đông, thong dong dạo bước Nam Sơn. Không khí trên non tuyệt vời, với chim chóc chao liệng”. Cho nên, tôi đã quyết định chọn thi Học viện Nông nghiệp, nhưng người nhà tôi lại rất lo lắng, hỏi tôi học Trường Nông nghiệp sau này làm việc gì? Nói thật, hồi đó tôi cũng chẳng hiểu gì, chỉ cảm thấy lãng mạn thôi. Tôi vô cùng cảm ơn cha mẹ, vì họ đã đưa ra ý kiến, nhưng tôn trọng sự chọn lựa của tôi. Việc này ảnh hưởng đến thái độ sống của tôi sau này. Khi đối diện với sinh viên, học sinh hay các đệ tử xuất gia, tôi đều dùng phương pháp giáo dục này, để họ tự nghĩ xem thực sự muốn cái gì, tự mình suy ngẫm, chọn lựa rồi tự mình quyết định, tự chịu trách nhiệm và không được hối hận.
Khi tôi chọn học ở Học viện Nông nghiệp, người nhà đều rất lo lắng đầu ra sau khi tốt nghiệp. Lúc đó, trước khi thi lên đại học, học sinh phải điền vào giấy đăng ký nguyện vọng, sau khi thi xong sẽ căn cứ theo thành tích cao, thấp rồi sắp xếp sao cho phù hợp nguyện vọng. Lúc ấy nguyện vọng 1 của tôi là Trường Đại học Đài Loan, Khoa Hóa Nông nghiệp. Đó là căn cứ theo xếp thứ tự trước đây và nguyện vọng cũng là như thế. Nhưng trong bảng xếp hạng thi đại học, tôi thấy có Khoa Dược học, nên nghĩ rằng Khoa Dược học cũng hay. Câu thơ “Dưới gốc tùng hỏi trẻ: Thầy đâu? Thưa rằng hái thuốc đã lâu lắm rồi” (trong bài thơ Tìm ẩn sĩ không gặp của Giả Đào) cũng hay hay, thế là tiện tay tôi điền luôn vào Khoa Dược học, Trường Đại học Y. Vì nguyện vọng của tôi chủ yếu là các ngành khoa học thuộc Học viện Nông nghiệp của các trường như Trường Đại học Đài Loan hoặc Đại học Trung Hưng, nên tôi cảm thấy mình khó có thể may mắn thi đậu Khoa Dược học. Thế nhưng, trong cuộc sống đôi khi không dự liệu được. Kết quả là tôi được xếp vào Khoa Dược học, Học viện Y học Đài Bắc.
Như đã trình bày ở trên, từ cấp II tôi bắt đầu đọc thêm sách ngoại khóa; lên cấp III, tủ sách của tôi đã rất nhiều. Tôi có thói quen mua sách về tự học, thích học gì thì mua sách loại đó. Có một thời gian tôi thích học đánh cờ tướng nên đã mua rất nhiều sách về nó; thích học đá bóng, thì đi mua rất nhiều sách về bóng đá; thích học vẽ tranh thủy mặc, thì mua nhiều sách về loại ấy. Hình như quá mệt mỏi với áp lực thi chuyển cấp, nên sau khi thi chuyển cấp xong, việc đầu tiên sau khi về đến nhà, tôi đã đóng tất cả các sách có liên quan đến thi chuyển cấp cũng như tài liệu tham khảo vào thùng, đem cất chúng ở nơi tôi không nhìn thấy, như trong nhà kho hoặc dưới gầm giường. Tôi thả mình hưởng thụ niềm vui được giải thoát theo kiểu của “chim đà điểu chui cái đầu vào bên cánh của mình để nghỉ ngơi”. Có lẽ đây là niềm mong ước hết sức ngây thơ về cánh cửa đại học, cho rằng học đại học là đã được tự do rồi, có thể thoải mái đọc những quyển sách mà mình thích. Ấn tượng lãng mạn ấy đến với tôi từ khi còn học cấp II, khi cuốn tiểu thuyết Bài ca bất tận mô tả về trường đại học khiến tôi có cảm giác sinh viên đều có lý tưởng và hoài bão làm lợi cho nhân dân, thường xuyên thảo luận các vấn đề về triết học, văn học và nghệ thuật.
1.1.5. Năm thứ nhất Khoa Dược học, Học viện Y học Đài Bắc (Năm 1971 - 1972, 17 - 18 tuổi)
Trong quá trình thi đại học, ban đầu tôi có mục tiêu là Học viện Nông nghiệp, nhưng do nguyện vọng và kết quả thi đã “vô tình” đưa tôi đến với Khoa Dược học của Học viện Y học Đài Bắc. Khoa Dược học hồi đó có số điểm trúng tuyển rất cao, còn cao hơn cả Khoa Nha, có lẽ cũng cao bằng với Trường chuyên Y học Trung Sơn (bây giờ là Trường Đại học Y Dược Trung Sơn). Vì trước năm 1975, nha sĩ chưa được đưa vào trong “Luật Bác sĩ”, chỉ cần có chứng chỉ hành nghề trám răng và tạo hình răng, thậm chí người trợ lý trong Khoa Nha cũng có thể âm thầm làm công việc của nha sĩ. Do đó, ít người học Khoa Nha, vì cảm thấy không có sự phát triển nghề chuyên sâu. Do đó, khi tôi thi đậu vào Khoa Dược học của Học viện Y học Đài Bắc, cả nhà tôi đều rất vui, còn hỏi lại rằng có cần phải thi lại không? Có thể viết lại phiếu đăng ký nguyện vọng chính là Y khoa thuộc Học viện Y. Hồi đó, nếu tôi phải trải qua một kỳ thi đại học nữa thì thật là vất vả, mà tôi cũng đã đem các sách luyện thi và các sách liên quan đến thi cử đóng thùng rồi, nên thực sự không còn động cơ và tâm trí nào để thi lại nữa.
Năm thứ nhất khoa Dược học Học viện Y học Đài Bắc, tham quan sở thú Viên Sơn Đài Bắc (1971, 17 tuổi)
Sau khi vào đại học, giữa nội dung học tập và những điều mình tưởng tượng có sự khác nhau. Trong trường đại học, có các môn khoa học bắt buộc, và cũng có các môn như: Ngữ văn, Anh văn, Lịch sử cận đại Trung Quốc, Hiến pháp, Chủ nghĩa Tam dân… làm tôi cảm thấy giống như sự nối tiếp của Trung học phổ thông, chỉ tăng thêm môn chuyên ngành là Dược học. Nó không giống như miêu tả trong tiểu thuyết Bài ca bất tận rằng giảng viên và sinh viên có thể thảo luận sâu về các vấn đề liên quan đến triết lý nhân sinh và hoài bão; hoặc có thể nói về những thắc mắc, bối rối trong lòng về cuộc sống nhân sinh mà bạn chưa có cách tháo gỡ hoặc chưa tìm ra lối thoát.
Khi lên lớp, tôi thích ngồi hàng ghế sau cùng, để sau khi thầy giáo điểm danh xong tôi sẽ xem sách mình thích, hoặc có khi sẽ chuồn ra khỏi lớp, đến thư viện đọc sách mình thích hay đến rạp xem phim. Hồi đó, tôi có cơ hội được xem nhiều phim, vì có nhà hát Thanh Khang (Nhà biểu diễn của Học viện Cứu quốc đoàn Đài Bắc, gần ngã tư đường Đôn Hóa Bắc và Nam Kinh Đông), giá vé rất rẻ, lại có thể xem liên tục hai bộ phim.
Ngoài ra, tại Lầu Hồng ở cổng Tây và Kịch viện Đông Nam Á của Công quán Trường Đại học Đài Loan, là hai rạp chiếu phim có giá vé tương đối rẻ. Khi ấy tôi đã xem rất nhiều phim, nên khi học đại học năm nhất, rất nhiều môn học tôi chỉ đạt mức vừa đủ điểm yêu cầu của các bộ môn.
Khi học cấp III, tôi đã thường nghe một số bài nhạc thịnh hành và các bài được yêu thích của phương Tây trên Đài Tiếng nói Mỹ, nhưng khi lên đại học tôi mới bắt đầu mua đĩa các bài hát nước ngoài, đặc biệt là tôi mua rất nhiều đĩa nhạc của nhóm The Beatles. Trong ký ức của tôi, lần đầu tiên đến Đài Bắc chính là đến nhà sách mua sách, và lần thứ hai là đi Trung tâm Thương mại Trung Hoa mua cái máy quay đĩa hát lắp ráp rẻ tiền.
1.2. Học tập và đi nghĩa vụ Quân sự sau khi học Phật giáo (Năm 1972 - 1979, 18 - 25 tuổi)
1.2.1. Học Khoa Dược học năm thứ 2 đến năm thứ 4 (Năm 1972 - 1975, 18 - 21 tuổi)
Trong thời gian học ở Khoa Dược học, Học viện Y học Đài Bắc, đội ngũ giảng viên chủ yếu như Giáo sư Na Kỳ (Cục Kiểm Dược), Giáo sư Nhan Côn Huỳnh (Nhật Bản), Giáo sư môn Dược hóa học Dương Tàng Hùng (Chủ nhiệm Khoa Cao đẳng Dược học), Giáo sư Từ Hình Kiên (Phân tích dược và thực phẩm), Giáo sư Trần Kế Minh, Trần Quốc Đông dạy Dược học… tôi vô cùng biết ơn các Giáo sư, những người đi trước đã dạy bảo và quan tâm đến chúng tôi. Ví dụ như Chủ nhiệm khoa Từ Hình Kiên trong khi giảng bài về Lý luận Dược học từng nói rằng: “Thuốc có thể là độc tố và độc tố cũng có thể là thuốc”. Thầy là người tình cảm, lãnh đạo Khoa Dược học như một đại gia đình, khiến chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp. Thậm chí, trước khi tôi có kế hoạch đi du học ở Nhật, thầy đã hẹn tôi tới nhà để luyện tập thêm cho tôi về tiếng Nhật. Trước đó, thầy cũng đã từng tu nghiệp ở Trường Đại học Kyoto và Đại học Dược Tokyo. Sau này, khi học xong, tôi về nước làm giáo vụ ở Học viện Nghệ thuật Quốc lập, Giáo sư cũng đến trường thăm tôi.
Ngoài ra, tôi còn được thầy Chủ nhiệm khoa Trần Triều Dương viết giúp thư giới thiệu khi tôi lên kế hoạch xin đi du học ở Trường Đại học Tokyo. Thầy nói, thầy cũng tốt nghiệp tiến sĩ Dược học tại Trường Đại học Tokyo, nên rất vui khi viết thư giới thiệu cho tôi.
Trong thời gian học tập năm thứ nhất, nhà trường sắp xếp các buổi giới thiệu về các đoàn hội công tác xã hội. Nội dung này thường do các hội trưởng đứng ra giới thiệu. Đến khi Hội trưởng của Hội Tuệ Hải giới thiệu, tôi cảm thấy hội này có điều rất đặc biệt. Thầy chủ nhiệm Khoa Nha là Từ Sâm Nguyên - Hội trưởng, đã đi thẳng vào vấn đề rằng: “Hội của chúng ta không phải là hội tôn giáo, thảo luận các tư tưởng và triết học phương Đông cũng như phương Tây”. Thầy sợ các học trò có ấn tượng cứng nhắc với tôn giáo, làm cho họ sợ hãi và luôn tránh né. Ở thời đó, còn rất ít người tiếp xúc với Phật giáo, cứ luôn nghĩ rằng tin Phật giáo tức là phải xuất gia, hoặc cho rằng Phật giáo là một loại mê tín, cho nên thầy đã dùng các tư tưởng nghiên cứu trong Phật giáo, để giới thiệu Hội Phật học Tuệ Hải. Khi ấy, tôi vẫn chưa ghi danh tham gia, mà chỉ cảm thấy thích những buổi diễn giảng do Hội Tuệ Hải tổ chức.
Cuối học kỳ II của năm nhất, trước kỳ nghỉ hè, người bạn thân cùng lớp tên là Chu Thủy Phát nhậm chức Hội trưởng Hội Phật học Tuệ Hải. Vì hợp nhân duyên, lớp chúng tôi có khá nhiều người đăng ký tham gia vào hội, tôi cũng là một trong những hội viên tham gia giúp đỡ tích cực. Hội trưởng Chu Thủy Phát rất năng nổ, nhiệt tình trong việc giới thiệu các bạn ghi danh tham gia các buổi sinh hoạt hay hội thảo do bên Phật giáo tổ chức. Các bạn cùng lớp tôi tham gia vào hội và thảo luận rất sôi nổi.
Tôi hỏi Hội trưởng Chu một cách hiếu kỳ: “Bạn muốn tham gia vào hoạt động nào vậy?” “Chuyện gì vậy? Mọi người đang thảo luận vấn đề gì thế?” Bạn ấy trả lời: “Nghỉ hè có hai hoạt động của Phật học, bạn muốn tham gia cái nào?” Tôi liền đáp: “Được, tôi tham gia”. Bạn ấy liền hỏi tiếp: “Thế bạn muốn tham gia hoạt động nào? Một cái tương đối vất vả, tương đối nghiêm túc; còn một cái tương đối nhẹ nhàng và vui vẻ, cũng giống như hoạt động hội trại của Đoàn Cứu quốc vậy”. Tôi nói với bạn ấy rằng tôi muốn cái vất vả ấy vì tôi tưởng tượng rằng trong cái khổ ấy sẽ có cái gì đó giống với Thiếu Lâm tự, có thể là đi vào rừng sâu, sau đó phải chặt củi, gánh nước; sau đó phải huấn luyện rất nghiêm khắc.
1.2.2. Mở rộng tầm nhìn – Tham gia Hội thảo Phật giáo cho sinh viên Minh Luân
Từ trước đến nay tôi chỉ biết hoạt động tương đối thoải mái giống như trại hè Phật học do đạo tràng Phật giáo nào đó tổ chức, nó giống như hội trại của Hội Cứu quốc. Ngoài ra, có hoạt động tương đối vất vả là Hội thảo chuyên đề Phật giáo cao đẳng Minh Luân do Hội Hoa Sen của Đài Trung tổ chức (năm 1972). Trong số các thành viên mới của hội chỉ có tôi ghi danh vào hội thảo “tương đối vất vả”. Hội trưởng Chu dẫn mọi người đi tham gia trại hè Phật học, vì tôi chẳng hiểu tí gì về Phật học cả, nên anh ta gửi tôi qua cho các thầy ở Hội Tuệ Hải của Viện Y học Đài Bắc để tham gia Hội thảo Minh Luân. Quan tâm hướng dẫn tôi là một chú tiểu nhỏ. Một hôm, Hội trưởng Chu hẹn tôi đi gặp một người học khóa trước là Lại Bằng Cử cũng ghi danh tham gia Hội thảo Minh Luân, lúc ấy anh là sinh viên sắp vào năm thứ 5 của Khoa Y học.
Hồi đó, Viện Y học Đài Bắc chưa có ký túc xá, sinh viên phải thuê phòng trọ ở ngoài. Hội trưởng dẫn tôi đến căn phòng anh ấy thuê. Khi bước vào phòng của anh ấy, tôi hết sức ngạc nhiên, trong lòng nghĩ rằng: “Tại sao lại có sinh viên đại học như thế này!”
Tại sao thế? Vì trong phòng của anh ấy có một bàn thờ Phật nhỏ, có án hương, có nơi để kinh Phật, lại còn có chỗ để ngồi thiền; hơn nữa, nhìn thấy cách ăn mặc và cử chỉ, lời nói của anh giống như là người đã tu hành lâu rồi. Còn tôi hồi đó để tóc theo kiểu tóc mái của The Beatles, mặc quần jean, còn có vẻ hơi bụi bụi nữa. Anh Lại nhìn dáng vẻ của tôi, lại nghe nói tôi muốn tham gia hoạt động tương đối vất vả, nên hỏi tôi rằng: “Em có thể tham gia mấy ngày?” Tôi trả lời: “Tham gia cả ba tuần”. Có lẽ anh ấy nghĩ rằng tôi sẽ không kiên trì theo suốt được, chỉ tham gia 1 - 2 ngày rồi bỏ. Tôi thầm nghĩ: “Anh ấy xem thường mình quá. Nhất định mình phải tham gia đến cùng, phải tham gia các hoạt động của chùa trước”. Mẹ tôi rất lo lắng liền viết thư hỏi tôi có phải muốn xuất gia không? Tôi trả lời mẹ là mình chỉ đi tham gia Hội thảo Phật học.
Nơi ăn chốn ở cho những đại biểu chính thức của Hội thảo Phật học Minh Luân đều đã được sắp xếp, còn những người dự thính thì phải tự lo. Lần đó có rất nhiều người đăng ký tham gia. Có một số anh, chị cựu sinh viên Viện Y học Đài Bắc, Đại học Đạm Giang có ý muốn nhường các xuất tham gia chính thức cho các bạn sinh viên mới học Phật pháp, còn mình sẽ tự nguyện làm người dự thính, tự lo chỗ ăn chỗ ngủ. Họ cũng muốn mời tôi tham gia vào đội ngũ dự thính, sẽ sống ở chùa Từ Minh, đạo tràng của Pháp sư Thánh Ấn ở Đài Trung. Chùa ở cách hội trường Hội thảo một đoạn. Hằng ngày, sau khi dùng bữa sáng, chúng tôi sẽ đi bộ đến Hội Minh Luân ở Đài Trung để lên lớp, sau khi tan học lại đi bộ về.
Khi đến báo cáo điểm danh, vừa xuống ga tàu lửa Đài Trung, tôi cứ ngỡ rằng sẽ đi vào rừng sâu, nhưng thật ra là đi thẳng về phía đô thị. Đạo tràng Phật giáo không phải nên cách xa nơi phố thị huyên náo giống như chùa Thiếu Lâm hay sao? Trong lòng tôi thầm nghĩ: “Dù sao cũng đã đến rồi, cứ đi theo họ vậy”. Ngoài ra, còn việc làm tôi cảm thấy rất đặc biệt, đó là các anh chị ở khóa trước, luôn tự mình đọc kinh buổi sáng và buổi tối. Buổi sáng họ thường tự đọc, nhưng buổi tối thì thường đọc theo sư phụ chùa Từ Minh. Trước khi đi ngủ, họ ngồi thiền. Dù không hiểu ngồi thiền là như thế nào, nhưng tôi cũng học cách ngồi khoanh chân theo họ.
Lần ấy là “Hội thảo về Phật học lần thứ XIV” do thầy giáo Lý Bỉnh Nam thuyết giảng. Kể cũng lạ, có thể sự vận động não bộ của tôi có một số phù hợp với Phật pháp, nên vừa nghe thôi đã cảm thấy có lý. Tôi lại còn thấy có cảm giác rất quen thuộc, không hề xa lạ. Cho nên, ba tuần đó là thời gian học tập vô cùng vui vẻ. Mỗi ngày, cứ đều đặn sáng đi tối về như thế, rồi tôi lại ngồi thiền cùng mọi người. Việc ăn chay đối với tôi cũng chẳng vấn đề gì, vì từ nhỏ tôi đã rất ít ăn thịt, cá.
Sau đó, nhân duyên tốt hơn đến với tôi, đó là chùa Từ Minh có một thư viện nhỏ, trong đó có cả bộ ba tập Hoằng Nhất Đại sư truyện. Tôi tranh thủ thời gian sau khi tan lớp, đọc lại từ tập một, vừa xem vừa nghĩ: “Cuộc sống xuất gia như thế hình như là thứ mà tôi mong muốn”.
Khi còn nhỏ có người hỏi sau này làm nghề gì, tôi liền nói tôi muốn làm thủy thủ. Tôi cảm thấy thủy thủ có thể tự do đi lại trên đại dương mênh mông. Năm thứ nhất đại học, khi bạn bè thử làm trắc nghiệm tâm lý, họ đều kể cho bạn nghe một câu chuyện. Ví dụ như có một người tên là Helen, một người tên là Steve, một người tên là Bob và một người tên là Tại Sao Như Thế Này. Helen và Bob yêu nhau. Một hôm cô Helen muốn đi tìm Bob, phải vượt qua một con sông. Steve nói với cô rằng nếu muốn qua sông thì cần phải có điều kiện như thế này, rồi bảo Helen chọn lựa. Khi anh ta kể hết câu chuyện, rồi sẽ hỏi bạn rằng Helen sẽ chọn như thế nào? Một trong số đó sẽ đại diện cho nghề nghiệp, một cái là hôn nhân và một cái đại diện cho cái gì đó. Sau khi tôi trả lời, tôi đặt gia đình và hôn nhân ở cuối cùng. Khi ấy tôi cũng không để ý, nhưng sau này thì cảm thấy mình thật có khuynh hướng như vậy. Đối với tôi, không hề có cảm giác muốn có một gia đình và việc lập gia đình cũng không phải là chuyện gì quan trọng. Do vậy, khi đọc đến đoạn Đại sư Hoằng Nhất xuất gia, thì tôi nghĩ ngay rằng việc xuất gia quả thật rất hay, không bị mệt mỏi vì gia đình. Tôi đọc một mạch cho đến hết ba cuốn Hoằng Nhất Đại sư truyện và cảm thấy việc tham gia Hội thảo Phật học Minh Luân ngày càng vui.
Thư viện của chùa Từ Minh còn có nhiều sách cổ, tôi mượn một ít về đọc. Trước khi kỳ hội thảo kết thúc, tôi đem cho hết các loại sách khác, chỉ để lại sách Phật giáo. Tôi viết thư cho người bạn học thân thiết của tôi rằng: “Những sách văn học, triết học và các đĩa hát đó tôi đều không cần nữa, tất cả đều tặng cho bạn”. Anh ta nói: “Bạn bị khùng à?” Tôi nói: “Đâu có! Tôi chỉ muốn chuyên tâm học Phật thôi”. Đó là năm thứ hai đại học của tôi.
1.2.3. Giác ngộ cuộc đời: Sự dung hòa giữa Phật pháp và học vấn bên ngoài
Sau năm thứ hai đại học, cảm thấy Phật pháp hình như đã giúp tôi đả thông các kiến thức mà trước đây tôi từng học. “Triết lý nhân duyên” trong Phật giáo thật vi tế và lớn lao. Những kinh nghiệm học tập trước đây thực ra nó chỉ ở một phạm vi rất hẹp, không có cơ hội để tôi có thể tiếp xúc với những vấn đề lớn của cuộc đời. Thì ra, những khó khăn và cảm giác lạc lõng từ hồi niên thiếu, hình như đã tạo thiên hướng cho tôi. Tôi có cảm giác những suy nghĩ của mình có một cái gì đó tương đối giống với triết lý “nhân duyên” này.
Suốt thời đi học, tôi luôn có bạn theo đạo Ky Tô giáo. Vào cấp III, tôi có người bạn thân cùng lớp, gia đình họ là tín đồ Thiên Chúa giáo. Khi chuẩn bị thi đại học, tôi thường đến phòng đọc sách của một nhà thờ gần nhà để đọc sách. Có lần, nhà thờ tổ chức lễ lớn, bạn mời tôi cùng tham gia, nhưng khi đến dự tôi đã ngủ gật trong buổi lễ. Hồi cấp II, có một bạn học đến nhà hẹn tôi, nói rằng: “Nhà thờ nào đó dùng tiếng Anh để tổ chức lễ, chúng tôi có thể tới đó luyện tập tiếng Anh”. Tôi cũng đi theo bạn ấy nhưng tôi không thích ứng với thuyết “sáng tạo” trong Thiên Chúa giáo, Ky Tô giáo. Lúc này, tôi thấy mình lại tương đối thích ứng với thuyết “Duyên khởi” của Phật giáo.
Vào năm thứ hai của đại học, sau khi học Phật, phương hướng của cuộc đời tôi bắt đầu hiện ra tương đối rõ ràng hơn. Ban đầu, tôi luôn chọn ngồi bàn cuối cùng, nhưng đến năm thứ hai tôi bắt đầu giành ngồi bàn thứ nhất. Mọi người cảm thấy thắc mắc khi tôi bỗng nhiên thay đổi 360 độ như vậy. Chưa hết, trong lớp học tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng tiếp thu bài 100% để sau giờ học có thể thuật lại tất cả những gì thầy cô giáo vừa dạy. Trong ký ức của tôi, năm thứ hai đại học ấy là năm tôi sống có quy luật nhất trong đời. Mỗi sáng thức dậy, sau khi tụng kinh, xem kinh Phật, tôi lên lớp; thời gian rảnh không lên lớp thì tôi thường ôn tập hay xem bài trước. Buổi tối, sau khi đọc kinh xong thì đi ngủ. Hồi đó tôi nằm xuống là ngủ liền, không có suy nghĩ vẩn vơ gì, sáng hôm sau thức dậy rất tỉnh táo.
Tại sao tôi còn nhớ và biết được điều này? Đó là vì có anh học cùng trường, muốn luyện thi tốt nghiệp, nhưng bạn cùng phòng của anh ấy ồn ào quá, làm anh ấy không thể tập trung học được, nên sang ở nhờ phòng tôi. Anh ấy nói, mình muốn thức khuya để luyện thi, tôi bảo với anh ấy rằng không sao cả, anh cứ việc thức khuya mà học, còn tôi vẫn ngủ được. Sáng hôm sau, anh ấy nói với tôi rằng “em ngủ rất sâu, cũng không hay trở mình”. Nói chung, tôi cảm thấy sau khi học Phật, trong lòng thật bình lặng, nhẹ nhàng và cũng đầy hoan hỷ. Từ đó, cho dù là việc bên ngoài xã hội hay trong Phật pháp, tôi đều học tập một cách vui vẻ.
1.2.4. Nhóm trưởng Học viên “Hội thảo Phật học cho sinh viên miền Bắc ở chùa Tùng Sơn” (Năm 1973 - 1974, 19 - 20 tuổi)
Bên cạnh Học viện Y học Đài Bắc có chùa Tùng Sơn. Bắt đầu từ năm 1971, mỗi chủ nhật hàng tuần trong kỳ học, nhà trường thường tổ chức các buổi hội thảo Phật học cho sinh viên. Việc này do ba vị cư sĩ gồm Tiêu Quốc Bảo, Lý Ngâm Tân và Triệu Lượng Kiệt đứng lên tổ chức, có sự tham khảo, góp ý của trưởng lão Đạo An. Các anh Lại Bằng Cử, Lý Tuyên Trung học khóa trên, dẫn tôi tham gia, cũng là để gieo duyên cho tôi có nhân duyên sâu với việc học Phật pháp.
Năm 1973, tôi lên đại học năm thứ ba, họ đến tìm tôi và đề nghị tôi có thể đảm nhận chức Hội trưởng Hội Phật học Tuệ Hải của Viện Y học Đài Bắc, hoặc trưởng nhóm học viên “Hội thảo Phật học cho sinh viên”. Họ muốn tôi đảm nhận chức trưởng nhóm hơn, vì lúc đó công việc của trưởng nhóm rất vất vả, vừa phải đảm trách hoạt động hội thảo Phật học trong suốt một học kỳ, kéo dài 14 tuần, lại vừa làm công việc liên lạc với các nhóm Phật học của tất cả các trường đại học, cao đẳng ở khu vực phía Bắc. Điều khó khăn hơn là khi ấy công việc bếp núc ở chùa Tùng Sơn rất bận, không thể phục vụ cơm trưa cho các học viên tham gia hội thảo. Do đó, nhóm trưởng phải khó khăn lắm mới tìm được người tự nguyện đảm nhận tiếp tân và chuẩn bị cơm trưa.
“Hội thảo Phật học cho sinh viên” ở chùa Tùng Sơn do trưởng lão Đạo An làm chủ nhiệm, còn đệ tử của Ngài – sư thầy Trí Dụ điều hành và huy động tài trợ khắp nơi để duy trì hội thảo Phật học này. Các chi phí chủ yếu là phục vụ bữa ăn cho từ 100 - 200 người, họ đến nghe và ở lại trưa để chiều còn nghe giảng tiếp. Buổi trưa phục vụ cơm chay, khoảng mười mấy bàn, có khi lên đến 20 bàn. Ban đầu hội thuê người ngoài nấu, đương nhiên là đắt và tốn khá nhiều chi phí. Do vậy, ngày đầu tiên đã chi hết nửa số tiền mà thầy Trí Dụ vận động được. Thầy liền nói với tôi rằng như vậy không ổn, vì số tiền ấy chỉ đủ để phục vụ hai lần như thế thôi. Thế nên, chúng tôi quyết định sẽ tự mua về nấu để tiết kiệm chi phí.
Hội nghị công tác sinh viên học Phật khu vực Đài Bắc chùa Tùng Sơn: Pháp sư Đạo An (cà sa vàng), pháp sư Trí Dụ (bên phải ngài Đạo An), cư sĩ Lý Ngâm Tân (bên trái ngài Đạo An), cư sĩ Tiêu Quốc Bảo bên cạnh sư sĩ Lý, Pháp sư Tịnh Không áo lam, tác giả đeo kính ngồi sát tường sau ghế sofa. Địa điểm chùa Tùng Sơn, phòng khách của phương trượng.
Lễ khai giảng “sinh viên học Phật” khu vực Đài Bắc chùa Tùng Sơn: Pháp sư Đạo An (cà sa vàng), Pháp sư Tinh Vân (khách mời) ngồi bên phải ngài Đạo An, Pháp sư Tịnh Không (giảng sư) ngồi bên trái ngài Đạo An, Pháp sư Trí Dụ ngồi bên cạnh Pháp sư Tinh Vân, tác giả (1973, 19 tuổi) đứng sau bích báo đeo kính trước ngực gắn đai vải đỏ, bích báo do Lại Bằng Cử vẽ.
Nhóm trưởng phải chịu trách nhiệm về việc trên. Vậy, phải làm sao đây? Anh Lại Bằng Cử liền giúp tôi. Sáng thứ bảy, chúng tôi đi chợ trung tâm, vì ở đó bán buôn nên tương đối rẻ, lại còn có thể xin được các loại rau bán ế. Sau khi mua về, buổi chiều chúng tôi nhờ những bạn thân quen đến giúp nhặt rửa rau. Trong ký túc xá không có nhà bếp, chúng tôi đành phải rửa sạch bồn tắm rồi rửa rau trong cái bồn ấy. Ký túc xá cũng không có bếp gas, chúng tôi mua hai cái nồi lớn, nấu bằng than củi và để ở phía ngoài ban công ký túc xá. Chúng tôi bỏ tất cả các loại rau vào đó, nấu thành một nồi lớn đồ chay thập cẩm. Vì nồi rất to, cần phải đảo liên tục, nếu không thì bên trên chưa chín mà bên dưới đã bị cháy rồi. Nồi thì to, bếp nấu than củi thì nhỏ, nên đến đêm mới nấu xong. Đã thế, ký túc xá không có tủ lạnh, nên sau khi nấu xong chúng tôi để ở ngoài ban công, chờ cho rau nguội. Sáng hôm sau, đến gần trưa lại phải hâm nóng, rồi nhờ bạn học của tôi mang từ ký túc xá sang chùa Tùng Sơn. Công việc vào các thứ bảy và chủ nhật trong thời gian tôi học đại học năm thứ ba và năm thứ tư thường xuyên như thế.
Các ngày thứ bảy, chúng tôi vẫn đi học bình thường, học môn ngoại ngữ 2. Viện Y học bấy giờ yêu cầu chúng tôi học ngoại ngữ 2 là tiếng Nhật hoặc tiếng Đức. Rất nhiều người chọn tiếng Nhật, còn tôi từ nhỏ vốn là người không thích theo đám đông nên trong khi mọi người chọn tiếng Nhật thì tôi lại khăng khăng chọn tiếng Đức. Học tiếng Đức hơi khó, nên người chọn tiếng Đức cũng tương đối ít. Thứ bảy, vì thường xuyên phải đi chợ mua rau nên tôi rất hay vắng lớp, đây cũng là chuyện bất đắc dĩ. Tôi bị rớt môn tiếng Đức ba lần. Cho đến học kỳ cuối, nếu tiếp tục rớt nữa thì tôi sẽ không thể tốt nghiệp. Do đó, tôi đã dồn sức học rồi đến nhà thầy giáo xin thi bổ sung.
Hội thảo Phật học cho sinh viên cứ nửa năm lại bầu lại nhóm trưởng. Khi tôi đang học học kỳ I năm thứ ba, nhiệm kỳ tiếp theo do không ai làm, nên tôi lại tiếp tục đảm nhiệm. Tiếp đến học kỳ I năm thứ tư tôi cũng phụ trách. Tôi đã làm nhóm trưởng liên tiếp ba nhiệm kỳ, tiếng Đức của tôi cũng vì thế bị rớt ba lần.
Chương trình Hội thảo ở chùa Tùng Sơn được sắp xếp như sau: Buổi sáng: Pháp sư Tịnh Không thuyết giảng, nội dung chủ yếu là 14 bài giảng về Phật học. Buổi chiều: Pháp sư Trí Dụ giảng Bát nhã và Trưởng lão Đạo An giảng về Duy thức. Giờ giảng của Pháp sư Đạo An cũng có khi xếp vào buổi sáng, vì thầy tương đối bận nên thời gian giảng bài không cố định. Địa điểm thuyết giảng tại điện Quan Âm của chùa Tùng Sơn, nhưng khi điện Quan Âm phải tổ chức Phật sự, thì Hội thảo thuyết giảng được chuyển đến cái rạp được dựng tạm bằng sắt, khi không có Phật sự thì lại trở về điện Quan Âm.
Những bài giảng của Pháp sư Tịnh Không khá quen thuộc với nhiều học viên. Thầy giảng rất logic, phù hợp với đạo lý của Nho gia, lại giỏi dẫn chứng Kinh, điển tích, nên bài giảng của thầy là những bài giảng được thính chúng yêu thích. Trưởng lão Đạo An giảng chủ yếu các bài về Duy thức. Những bài giảng về lý luận Duy thức được thầy giảng kết hợp nhuần nhuyễn với các lý lẽ của triết học và khoa học, cùng với nhiệt huyết tràn đầy. Có nhiều khi giảng không có micro mà tiếng thầy vẫn vang như tiếng chuông ngân.
Bài giảng của thầy Trí Dụ được xếp vào buổi chiều. Người tham gia học buổi chiều tương đối ít, vì có người không có thời gian để tham gia. Phần lớn mọi người dùng cơm trưa xong thì về nhà, chỉ những ai mong muốn đi sâu vào Phật pháp thì mới ở lại nghe. Hồi đó, cuối tuần chỉ có một ngày, nên những buổi chiều mọi người còn phải dành thời gian để học thêm. Tối chủ nhật, các anh chị lớp trên còn nhờ thầy Trí Dụ mở lớp giảng thêm về kiến thức trong bài giảng.
Pháp sư Trí Dụ đứng trước bảng đen, lớp bồi dưỡng Phật học cho sinh viên đại học chùa Tùng Sơn. Lý Tuyên Trung (bên trái, Khoa Nha Học viện Y học Đài Bắc), tác giả (1973 - 1974, 19 - 20 tuổi, bên trái thứ hai), Trịnh Long Kiệt (bên phải, Khoa Y học Học viện Y học Quốc phòng), Lại Bằng Cử (bên phải thứ hai, Khoa Y học Học viện Y học Đài Bắc).
Pháp sư Trí Dụ giảng tại lớp bồi dưỡng Phật học cho sinh viên đại học chùa Tùng Sơn: Lý Tuyên Trung (hàng đầu bên phải thứ nhất, Khoa Nha Học viện Y học Đài Bắc), tác giả (1973 - 1974, 19 - 20 tuổi, hàng thứ nhất ngồi thứ hai). Hứa Dân Cốc (hàng thứ nhất bên trái thứ nhất, Khoa Y học Học viện Y học Đài Bắc), Lâm Trọng Đạo (hàng thứ hai, bên phải thứ nhất, Khoa Y học Học viện Y học Quốc phòng), Trịnh Long Kiệt (hàng thứ hai bên phải thứ hai, Khoa Y học Học viện Y học Quốc phòng), Trần Mẫn Linh (hàng thứ ba bên phải thứ nhất, Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Đài Bắc).
Bài giảng của thầy Trí Dụ do đích thân thầy tự biên soạn. Các đề tài, đề cương giảng dạy đều liên quan đến Kinh Bát nhã hoặc pháp môn Tịnh độ. Theo thầy, nghĩa của “không” trong Kinh Bát nhã chủ yếu là con đường “nhân duyên sinh pháp – vô tự tính (vô ngã) – không”. Từ đó, tôi hiểu thêm về sự kỳ diệu của “không” trong Kinh Bát nhã. Thầy thường hỏi chúng tôi: “Cái nhà này có tự sinh ra không? Cái nhà này là do kết cấu sắt, thép, bê tông, gạch, ngói kết hợp lại, không tìm thấy tự tính của nó. Vô tự tính, tức là không. Cũng như vậy, chúng ta đem ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), tức là tâm của chúng ta phân tích kỹ lưỡng, cũng không tìm thấy cái tôi bất biến. Cho nên nói rằng: “ngũ uẩn vô ngã”. Thầy thường giảng tỷ mỷ như vậy, nên chúng tôi hiểu lý luận của “không” một cách tương đối chính xác.
Hồi đó, nhiệm vụ của hội trưởng học viên, ngoài việc mỗi thứ 7 nấu đồ ăn ra, còn phải sắp xếp trực nhật, sáng chủ nhật phải tìm người đến kê bàn ghế. Vì chùa Tùng Sơn chỉ cho mượn hội trường cho nên các nhóm Phật học phải thay nhau đến giúp. Có khi Hội Phật học không tìm được người đến trợ giúp thì tự hội trưởng phải xếp bàn ghế trước khi vào học.
Đại học năm thứ ba ở Khoa Dược học là năm có lịch học nhiều và bận rộn nhất. Tôi còn lo thêm chuyện hội thảo, không còn được thong thả như hồi năm thứ hai, khi mới bắt đầu học Phật. Tôi không còn là người mới, nên phải học cách phụ trách rất nhiều công việc. Đó cũng là cách thức thông thường mỗi người phải trải qua trong cuộc sống. Trong ký ức của tôi, có một lần tôi bận đến tối mới về, người thì mệt mỏi, lại còn có quá nhiều công việc. Nếu giải quyết tốt thì không sao, nhưng nếu giải quyết không tốt thì có thể sẽ bị phàn nàn, trách mắng. Trong khi đó áp lực ở trường lại quá nặng. Có hôm, cứ nghĩ đến điều đó là tôi lại muốn khóc. Tôi tự hỏi rằng tại sao lại khổ thế?
Sao lại bận thế này? Lại còn áp lực ngày mai phải thi ở trường nữa, nhiều khi tôi thực sự rất buồn. Nhưng đến giờ tôi lại thấy, mình phải cảm ơn sự rèn luyện, thử thách trong thời gian đó. Thật may khi tôi được làm trưởng nhóm, đối mặt với rất nhiều công việc và thách thức. Người khác có thể từ chối, nhưng tôi thì không; rất nhiều việc người khác có thể không làm, nhưng tôi đã làm. Và cũng có thể nói, đó là thời gian để trau dồi kinh nghiệm quý báu của cá nhân tôi.
1.2.5. Tham gia Pháp hội niệm Phật cho sinh viên do Tây Liên Tịnh Uyển tổ chức (Năm 1973, 19 tuổi)
Năm 1972, lần đầu tiên tôi nghe hội thảo về Phật giáo ở Hội thảo Phật giáo sinh viên Minh Luân tại Đài Trung. Rồi sau này, khi đi học ở Đài Bắc, tôi làm trưởng nhóm Hội thảo Phật học khóa III (1973 - 1974) do Pháp sư Trí Dụ là người ủng hộ tổ chức tại chùa Tùng Sơn. Pháp sư là người rất tâm huyết với việc bồi dưỡng Phật học cho thanh niên. Ngoài việc thuyết giảng vào sáng chủ nhật ra, đến tối còn có học viên ở lại nhờ thầy giảng các bài Kinh.
Cuối năm 1972, Pháp sư Trí Dụ thành lập Tây Liên Tịnh Uyển tại thôn Hoành Khê, thị trấn Tam Hiệp, Đài Bắc. Trụ sở hội lúc đó gồm một dãy nhà xây và ở giữa là đại sảnh. Pháp sư Trí Dụ ở bên phải, các vị Pháp sư khác ở bên trái. Năm 1973, hội tổ chức lớp học về Kinh Viên giác cho sinh viên trong kỳ nghỉ hè. Để chuẩn bị nơi ở cho sinh viên đến theo học, các khu nhà lợp lá được dựng lên. Sinh viên đến nghe giảng kinh sẽ ăn cơm, ngồi thiền, học bài và ngủ tại khu nhà ấy. Pháp sư Trí Dụ cười, gọi khu nhà lá ấy là Viên Thông Bảo Điện. Hồi đó, sinh viên các trường: Viện Y học Đài Bắc, Đại học Sư phạm Đài Loan, Học viện Y Quốc phòng và Trường Đại học Đài Loan,... đã đến tham gia học tập. Cũng phải đặc biệt cảm ơn thầy Lại Kiến Minh (Khoa Dược, Viện Y học Đài Bắc), vì những tấm hình do thầy chụp ở những hoạt động thời kỳ đầu của Tây Liên Tịnh Uyển và ở Hội thảo Phật học chùa Tùng Sơn. Nhờ có thầy chụp hình và lưu giữ lại, nên đến giờ mới có những tấm hình lịch sử quý giá ấy.
Sinh viên học Phật, Học viện Y học Đài Bắc chụp ảnh với Pháp sư Trí Dụ ở quảng trường Tây Liên Tịnh Uyển: Lại Bằng Cử (bên trái), Thái Nhân Kiên (bên phải thứ nhất, khoa Y), tác giả (đứng thứ 2 bên phải).
Khi giảng, các thầy khác trong trường thường hay chú trọng về mặt truyền đạt kiến thức; còn với Pháp sư Trí Dụ, giảng bài là để cho người nghe cảm nhận được sự chân thành. Thầy thường xuyên nhấn mạnh về vũ trụ quan, nhân sinh quan lớn lao trong vũ trụ, cùng với những ví dụ, lý giải một cách rất thực tế giúp cho người nghe cảm nhận những điều tâm huyết của thầy trong bầu không khí hết sức chân tình. Cũng trong thời gian đó tôi mới hiểu được thế nào gọi là phiền não. Phiền não bao gồm tham, sân, si. Vậy làm sao để chấm dứt tham, sân, si? Trước đó, ở trường lớp, rất ít thầy, cô giáo giảng về vấn đề này. Có một số giáo viên trong trường có khí chất này, chẳng hạn như thầy Hà Thụy Hùng dạy ngôn ngữ hồi cấp II mà tôi từng nhắc đến. Song, ở thầy Trí Dụ thì khác, vì thầy không chỉ là giáo sư, mà còn là nhà sư giảng giải giáo lý Phật giáo.
Sinh viên học Phật, Học viện Y học Đài Bắc chụp ảnh với Pháp sư Trí Dụ tại quảng trường trước Phật đường. Lại Bằng Cử (bên phải thứ nhất), Thái Nhân Kiên (bên trái thứ hai), Lai Kiến Minh (bên trái thứ nhất, Khoa Dược học, phụ trách nhiếp ảnh cho các hoạt động ban đầu của Tây Liên Tịnh Uyển)
Địa điểm lớp học Phật của sinh viên khu vực Đài Bắc chùa Tùng Sơn.
Vì mục đích hoằng pháp, Tây Liên Tịnh Uyển xây dựng nhà tranh. Người xây dựng chính là cư sĩ Chương Bá Sinh (khoảng năm 1973 xuất gia, pháp danh Huệ Sinh), ông muốn xuất gia với Pháp sư Trí Dụ, nhưng Tịnh Uyển lúc đó không đủ chỗ ở, sinh viên về tu học cũng không có chỗ nghỉ ngơi, nên Tịnh Uyển quyết định làm nhà lá. Ông quản lý công trình, thời gian thi công khoảng 100 ngày. Trước khi hoàn thành hai ngày, vì leo lên nóc nhà lợp lá nên bị té xuống đống gạch bị gãy mấy chiếc xương sườn.
Lớp học Kinh Viên giác năm 1973 tại nhà lá Tây Liên Tịnh Uyển. Lại Bằng Cử (quỳ gót bên trái), Pháp sư Trí Dụ, Lý Tuyên Trung (quỳ gót thứ ba bên phải), Thái Nhân Kiên (quỳ gót bên phải thứ hai), tác giả (quỳ gót thứ nhất bên phải), Kim Phần Hương (Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Đài Bắc đứng thứ nhất bên phải), Lâm Tố Châu (Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Đài Bắc đứng thứ hai bên phải), Lâm Tuệ Trang (Khoa Ngữ văn Đại học Đài Bắc đứng thứ nhất bên trái). Bích họa cho hội tu học do Lại Bằng Cử vẽ.
Lớp học Kinh Viên giác mùa hè năm 1973 tại Tây Liên Tịnh Uyển. Trần A Giáo (Khoa Hộ lý Học viện Y học Đài Bắc, thứ nhất bên trái), Lâm Tuệ Trang, Tuệ Nhã (pháp danh, Khoa Hộ lý Học viện Y học Đài Bắc), tác giả, Kim Phần Hương, Thái Nhân Kiên, Pháp sư Tuệ Tu, Hoàng Kính Đình (Khoa Y học Học viện Y học Quốc phòng), Pháp sư Trí Dụ, Chương Bách Sinh, Pháp sư Truyền Phóng, Trương Bảo Chu, Lâm Tố Châu, Lâm Trọng Đạo, Tuệ Từ (pháp danh), Hoàng Quốc Đạt, Hứa Dân Cốc, Hạ Hy Bình, Lại Bằng Cử.
Thời khóa niệm Phật ngồi thiền của lớp học Kinh Viên giác mùa hè năm 1973 tại Tây Liên Tịnh Uyển. Lâm Tố Châu (thứ nhất bên phải), Kim Phần Hương (thứ hai bên phải), ngồi trên giường hàng thứ nhất Lâm Trọng Đạo, hàng thứ hai Hứa Dân Cốc (bên trái), Hoàng Kính Đình (bên phải), hàng thứ ba tác giả (bên phải), Thái Nhân Kiên (bên trái).
Lớp học Kinh Viên giác mùa hè năm 1973 tại Tây Liên Tịnh Uyển. Lại Bằng Cử bên trái thứ nhất phụ trách phiên dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Đài, tác giả (bên trái hàng thứ nhất), Hứa Dân Cốc (hàng bên trái, ngồi bên phải, đeo kính), Lâm Trọng Đạo (hàng bên phải ngồi bên trái, hai tay đặt trên bàn), Hoàng Kính Đình (hàng thứ hai bên phải, ngồi bên trái).
Hội nghị thảo luận thành lập Tây Liên Liên Xã tại nhà lá Tây Liên Tịnh Uyển. Lại Bằng Cử đứng trình bày. Năm 1973, chúng tôi học hỏi mô hình liên xã của Đại sư Lô Sơn Tuệ Viễn, xây dựng Tây Liên Liên Xã, nhưng nhân duyên chưa đủ nên không thực hiện được. Năm 1975, tổ chức Hội Sinh viên niệm Phật.
Tác giả báo cáo trong Hội nghị Kiểm thảo và Triển vọng thời kỳ Tây Liên Tịnh Uyển còn xây dựng bằng nhà lá.
Năm 1973, tại Tây Liên Tịnh Uyển, học viên lớp Kinh Viên giác dùng cơm. Pháp sư Trí Dụ, tác giả (chắp tay bên phải), Hứa Dân Cốc (bên trái đeo kính), Thái Nhân Kiên (bên cạnh tác giả).
Thầy cảm nhận rất sâu sắc những chân lý Phật giáo quan trọng và truyền đạt lại những hiểu biết ấy tới mọi người. Thầy thường giảng về nhị đế, chân đế và tục đế; hoặc nói về “duyên khởi tính không”. Thầy giải thích tại sao có duyên khởi tính không, đó là bởi vì vô tự tính. Vì duyên khởi vô tự tính, nên tính không; tính không nên không ảnh hưởng đến duyên khởi. Từ mạch tư duy đó thầy còn giảng rộng thêm ra, ví như trong Kinh Kim cương dạy: “Nên không chấp trước mà sinh tâm này”. Thầy sẽ hỏi bạn làm thế nào để dùng Nhị đế giải thích “nên không chấp trước mà sinh tâm này”? Rồi sau đó, thầy sẽ nói cho bạn biết rằng: “nên không chấp trước chính là Chân đế, cũng chính là ‘tính không’”; mà sinh tâm này chính là “duyên khởi”. Ngoài ra, thầy còn nêu ví dụ ngay sau đó để giải thích “duyên khởi tính không”. Căn phòng này được xây bằng gạch, xi măng và cốt thép. Không có cái gọi là căn phòng trong thực tế, tức bản tính không, do đó căn phòng chỉ là tên gọi giả danh. Tôi hiểu được về duyên khởi vô tự tính và “không” trong Phật giáo là nhờ những bài học của Pháp sư Trí Dụ. Có thể nói thầy giảng rất thành công, gần như đệ tử của thầy cũng như mọi sinh viên đều có thể nắm bắt được điều quan trọng này. Nhưng việc vận dụng trong thực tế thì mỗi người cần phải tự mình làm, không nóng vội. Đó cũng chính là ấn tượng của tôi hồi đó.
Tháng 3 năm 1974, Trưởng lão Đạo An được bổ nhiệm Trụ trì chùa Thiện Đạo. Đến tháng 9, Hội thảo Phật học cho sinh viên chùa Tùng Sơn được chuyển đến chùa Thiện Đạo và đổi tên thành Giáo Hội Phật giáo Trung Quốc Hội thảo Phật học cho sinh viên. Năm sau, tôi tốt nghiệp và chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự, nên không có nhiều cơ hội tham gia. Sau đó, Hội thảo Phật học cho sinh viên cũng tổ chức thêm vài khóa nữa thì kết thúc.
1.2.6. Tốt nghiệp Đại học, đi nghĩa vụ quân sự và thi kiểm định Y học Cổ truyền (Năm 1975 - 1979, 21 - 25 tuổi)
Sau khi tốt nghiệp, đến tháng 07 năm 1975 thì tôi nhập ngũ. Tôi mang quân hàm Thiếu úy Không quân, và thi đậu chứng chỉ Dược sĩ tháng 11 năm 1975. Từ năm 1975 đến 1977 (21 - 23 tuổi) là thời gian tôi phục vụ trong quân đội với tư cách sĩ quan dự bị. Để được vào biên chế khoa Dược của Quân y, trước tiên tôi tham gia các lớp huấn luyện cơ bản của sĩ quan dự bị tại doanh trại Vệ Vũ ở Cao Hùng. Sau đó tiếp tục tham gia bồi dưỡng chuyên ngành Dược Quân y ở Trung tâm huấn luyện Hậu cần Y tế Học viện Y học Quốc phòng tại Chi Sơn Nham. Sau khi học tập, bồi dưỡng xong, tôi bốc thăm được về phục vụ tại trạm Ra-đa Đại Hán Sơn ở Phương Liêu, gọi tắt là Trung tâm Chiến Quản. Đơn vị này thuộc đơn vị Ra-đa của Không quân, lại ở vùng núi cao, áp dụng chế độ nghỉ phép tập trung luân phiên để giảm việc lên xuống núi nên mỗi lần chỉ được phép nghỉ khoảng 7 ngày. Khi nghỉ có thể đăng ký đi máy bay về Đài Bắc miễn phí, do đó tôi có thể tranh thủ thời gian nghỉ phép ấy đến Đài Bắc để học Phật pháp. Tôi tham gia Pháp hội ở Tây Liên Tịnh Uyển và các hoạt động Phật thất (tu 7 ngày đêm).
Trung tâm quản lý Không quân Bính Đông, đảm nhiệm thiếu úy dược sĩ, cùng với bác sĩ Lâm Chính Phu đang diễn kịch dự thi trong ngày hội Cử Quang.
Sau khi xuất ngũ, tôi về báo cáo với cha mẹ và họ hàng, ngày hôm sau tôi liền đi Đài Bắc. Tôi nói với gia đình rằng tôi muốn sống ở Tây Liên Tịnh Uyển tại Tam Hiệp, huyện Đài Bắc để cùng với bác sĩ Lại Bằng Cử chuẩn bị thi kiểm định bác sĩ Đông y. Tôi không học thêm, chỉ tự mình ôn lại để thi lấy chứng chỉ hành nghề y. Chúng tôi góp tiền mua nhà theo dạng trả góp ở gần Tây Liên Tịnh Uyển để chuẩn bị cho việc mở phòng khám sau này. Tháng 9 năm 1978, tôi thi kiểm định và được cấp chứng chỉ bác sĩ và dược sĩ, điều này tương đương với việc tốt nghiệp khoa Đông y. Bước đầu, chúng tôi chỉ có kiến thức trên sách vở nên thầy Lại sắp xếp cho chúng tôi theo tập sự với một số thầy Đông y khác. Năm 1979, tôi quyết định xuất gia nên không tiếp tục tham gia thi chứng chỉ hành nghề bác sĩ Đông y nữa.
1.2.7. Nhân duyên xuất gia (Năm 1979, 25 tuổi)
Như trên đã trình bày, khi đọc Hoằng Nhất Đại sư truyện tại chùa Từ Minh, tôi đã có chí hướng xuất gia. Nhưng xuất gia thời gian đó, có rất nhiều trở ngại từ phía gia đình. Họ cho rằng như thế là bất hiếu, không làm theo đúng sự kỳ vọng của cha mẹ. Vậy nên, chúng tôi nghĩ rằng đợi đến tuổi trung niên mới xuất gia sẽ tốt hơn. Hồi đó, Phật giáo còn chưa phổ biến, mọi người chưa hiểu rõ về Phật giáo như bây giờ. Ấn tượng của tôi với Phật giáo cũng chỉ là cúng lễ và ăn chay. Trong sách giáo khoa tiểu học có nhắc đến việc phải bài trừ mê tín, bên cạnh là tấm hình vẽ bà già đang cúng bái. Những người bình thường đều cảm thấy như vậy là Phật giáo, và tôi cũng cảm thấy rất khó thuyết phục người nhà về nội hàm chân chính của Phật giáo.
Sau này, nhân duyên khiến tôi có thể sớm xuất gia là do trong thời gian ôn thi chứng chỉ hành nghề bác sĩ Đông y tại Tây Liên Tịnh Uyển, chúng tôi tự phát động hoạt động Phật thất “cá nhân”, số người tham gia rất ít, chỉ có vài người, nên chúng tôi áp dụng hình thức hỗ trợ luân phiên. Tháng 1 năm 1979, đến lượt tôi tham gia Phật thất. Với sự tinh tấn của cá nhân, vào tối ngày thứ ba của kỳ Phật thất ấy (ngày 1 tháng 12), khi đang ngồi tụng kinh Phật thì đột nhiên có ánh hào quang lóe lên, tôi nghĩ nếu tôi xuất gia và có thể đi tốt trên con đường mình đã chọn thì hoàn toàn không phải là chuyện bất hiếu. Từ đây, trong lòng tôi đã có đủ can đảm, lý lẽ để nói rõ cho cha mẹ biết. Vì còn đang là ngày thứ ba, kỳ Phật thất chưa kết thúc, nên tôi cứ tập trung cho xong kỳ Phật thất. Ra thất, tôi thưa với sư phụ rằng: “Con quyết định xuất gia và sẽ về bàn với gia đình”.
Cuối năm 1979, tôi được 25 tuổi. Thời gian cũng gần đến Tết âm lịch, tôi chuẩn bị về nhà ở Đài Nam để ăn Tết, và cũng muốn nhân tiện thưa chuyện xuất gia cùng gia đình. Anh Lại Bằng Cử thường thắc mắc người trong gia đình tôi không học Phật, liệu có thể đồng ý cho tôi xuất gia không, thế nên khi đưa tôi ra bến xe Đài Bắc để đón xe về Đài Nam, anh lại hỏi: “Lần này em về nắm chắc được bao nhiêu phần trăm?”. Tôi trả lời: “Em nắm chắc 100%. Người thành tâm, thành ý thì rắn như kim cương cũng phải mở lòng”. Về đến nhà, chỉ hôm sau là đêm giao thừa, cả nhà vui mừng chuẩn bị đón Tết, tôi nghĩ lúc này nói chuyện xuất gia cũng không thích hợp. Sang ngày mùng một Tết, mọi người cùng hân hoan chúc Tết nhau, cũng không phải lúc. Ngày mùng 2, theo tục lệ là về chúc Tết bên ngoại, cũng không thích hợp nên tôi đợi đến mùng 3, mùng 4 mới nói ý nguyện xuất gia của mình cho mẹ biết.
Khi đó, phản ứng của mẹ là hỏi tôi tại sao lại như vậy? Có phải tôi bị khuất tất gì, hoặc là đã xảy ra chuyện gì, hay bị tác động gì không? Tôi thưa: “Không có ạ!”. Tôi nói với mẹ những lý lẽ tại sao tôi muốn xuất gia một cách thao thao bất tuyệt. Sau đó, mẹ tôi nói với cha. Cha tôi cũng không hiểu nổi lý do tại sao tôi muốn xuất gia. Không lâu sau, các em trai tôi biết được thông tin này. Lúc đó, tôi cảm thấy rất khó để cha mẹ đồng ý ngay. Trong lúc bí, tôi đành quỳ xuống, cầu xin cha mẹ cho mình xuất gia. Cha mẹ tôi hình như cũng hiểu việc tôi đã quyết thì khó thay đổi, thế là cha mẹ gần như đã nhượng bộ, họ cũng không nói thêm gì nữa.
Hết kỳ nghỉ Tết, tôi nói với gia đình sẽ đón xe đi Đài Bắc để chuẩn bị xuất gia. Gia đình tôi đã đặt bữa tiệc trong phòng riêng tại nhà hàng chay để tiễn tôi. Sau bữa tiệc, người thân quỳ xuống mong muốn tôi đừng đi tu. Tôi cũng quỳ xuống. Hai bên cứ quỳ mãi ở đó. Cuối cùng, họ đành phải thỏa thuận và đồng ý cho tôi xuất gia có điều kiện. Điều kiện thứ nhất là giữ bí mật, vì tôi là con trưởng của gia đình, không thể để cho bà nội biết việc này. Hồi tôi học đại học năm thứ hai, ông nội tôi qua đời, nên giờ mọi người lo lắng bà nội tôi sẽ không thể chấp nhận việc cháu đích tôn xuất gia. Đương nhiên cũng không thể để cho họ hàng, bà con biết, vì như thế tin sẽ lan truyền đến tai bà nội. Mọi người trong gia đình tôi sẽ nói với người ngoài rằng tôi đi nước ngoài rồi. Điều kiện này tôi chấp nhận được. Điều kiện thứ hai là phải tạm thời hoãn lại, đợi sau khi em trai lớn của tôi kết hôn thì mới được xuất gia. Khi ấy tôi cảm thấy điều kiện này cũng có thể chấp nhận, vì em trai tôi lúc đó đã có bạn gái rồi, tôi nghĩ mình cũng chẳng phải chờ lâu, cho nên đã đồng ý cả hai điều kiện trên, trở về Đài Bắc để chờ đợi thời cơ xuất gia.
Trong thời gian chờ đợi, cứ mỗi tháng tôi lại về Đài Nam thăm gia đình. Tôi hy vọng sẽ làm cho người thân trong gia đình hiểu thêm về Phật pháp trước khi mình xuất gia. Khoảng nửa năm cứ trôi qua như thế. Tình hình kết hôn của em trai tôi cũng không có động tĩnh gì. Tôi chợt nghĩ có khi nào đây là kế hoãn binh của gia đình? Tôi cảm thấy không chừng mình sẽ phải chờ đợi rất lâu. Cho nên, mùa hè năm đó, tôi viết thư nói với mẹ là không thể chờ được nữa, muốn được xuất gia ngay. Đồng thời, tôi cũng xin sư phụ của tôi là thầy Trí Dụ cho phép tôi được xuống tóc đi tu.
Thông thường, theo tục lệ, mọi người thường chọn ngày kỷ niệm Bồ tát Quan Âm thành đạo, ngày Đản sinh, hoặc những ngày có liên quan đến chư Phật, Bồ tát khác để xuống tóc, vì thế, tôi đã chọn ngày Quan Âm Bồ tát thành đạo – ngày 19 tháng 6 âm lịch, tức ngày 12 tháng 7 dương lịch để xuống tóc. Để tránh có thêm chuyện phiền phức, nên tôi không thông báo ra bên ngoài là tôi sắp xuất gia. Tôi chỉ nói là có ngày pháp hội, mời mọi người đến tham gia. Để giữ bí mật, tối hôm trước ngày pháp hội, tôi đạp xe đến một tiệm cắt tóc không quen ở một nơi tương đối xa chỗ tôi ở, để nhờ cạo tóc. Người cắt tóc hỏi tôi tại sao lại cạo đầu trọc, vì hồi đó người bình thường rất ít khi cạo trọc đầu. Tôi trả lời rằng: “Tôi sắp đi lính”. Ông ấy nói: “Bây giờ đi lính không cần phải cạo trọc đầu nữa rồi, chỉ cắt cho phẳng là được”. Tôi nói đại cho xong chuyện, để ông ấy cạo cho tôi. Cạo xong, tôi đội mũ bảo hiểm và đạp xe về Tây Liên Tịnh Uyển, rồi nhanh chóng chạy về phòng, đóng cửa lại và không ra khỏi phòng nữa. Sáng hôm sau, thay tăng phục xong, với dáng vẻ đã xuất gia, tôi xuất hiện tại đại điện trong buổi lễ xuống tóc xuất gia, khiến đại chúng dự lễ rất ngạc nhiên. Cuối cùng, tôi cũng đã chính thức xuống tóc xuất gia rồi.
Nghi thức thế phát xuất gia với Hòa thượng Trí Dụ (ngày Bồ tát Quán Âm thành đạo, ngày 12 tháng 7 năm 1979, tức ngày 19/6 âm lịch, 25 tuổi).
2. Việc học tập sau khi xuất gia (Năm 1979 - 1992, 25 - 38 tuổi)
2.1. Cuộc sống Tăng đoàn 3 năm tại Tây Liên Tịnh Uyển (Năm 1979 - 1982, 25 - 28 tuổi)
Mùa đông năm 1979, sư phụ đồng ý cho tôi ghi danh vào chùa Thúy Bích Nham ở Tân Trúc để thọ Tam đàn đại giới. Chùa Thúy Bích Nham là đạo tràng Ni chúng, nên phòng của nam chúng tham gia thọ giới được thuê ở một nhà xưởng bỏ hoang cách đó một con đường. Lần thọ giới này có khoảng 200 - 300 thành viên tham gia.
Xuất gia với Hòa thượng Trí Dụ (1979, 25 tuổi).
Giới điệp của Giáo hội Phật giáo Trung Quốc (1979, 25 tuổi).
Thầy tôi có nói về thời gian đến tập trung, với kinh nghiệm của thầy, thì không cần tập trung quá sớm, vì trong ngày trình diện không thể sắp xếp những hoạt động khác, sẽ rất lãng phí thời gian khi không có việc gì làm, chỉ cần chờ đến lúc sắp kết thúc ra trình diện là được rồi. Tôi trình diện vào tốp cuối cùng. Vì vậy, tôi được phân vào khu ký túc xá. Mùa đông năm đó rất khắc nghiệt. Tôi nằm dưới sàn, mặt sàn được trải rơm, lót thêm tấm ván ép và đắp một cái chăn, gió lạnh bên ngoài thổi đến tận chỗ ngủ. Tuy rằng điều kiện cư trú trong thời gian thọ giới không được tốt lắm, nhưng đó lại là những ngày tháng với đầy ắp niềm vui trong giáo pháp.
Trước khi đến nơi thọ giới, tôi đã đọc và nghiên cứu trước những tài liệu liên quan đến nghi lễ thọ giới, như Chính phạm truyền giới và Tỳ ni sự nghĩa tập yếu; tôi còn mang theo sách có liên quan để tham khảo. Mỗi tối, trước khi ngủ, tôi thường ngồi thiền. Sáng hôm sau, khi tiếng kẻng đánh thức đại chúng vẫn chưa vang lên, tôi đã tỉnh giấc và thức dậy ngồi thiền. Cho nên, bạn đồng tu bên cạnh, trước khi ngủ thấy tôi ngồi thiền, khi thức dậy cũng thấy tôi đang ngồi thiền, bạn cứ tưởng tôi thường “ngồi không nằm”, và hỏi có phải tôi đã luyện phương pháp ấy không? Tôi trả lời: “Không phải, chỉ là tôi dậy sớm, chứ đêm tôi vẫn ngủ”.
Vì có sự luyện tập trước về nghi lễ thọ giới, nên tôi rất thuận lợi khi trả lời về những nghi thức có liên quan, hoặc những câu hỏi sơ bộ của bạn đồng tu. Trong lúc thọ giới, cũng giống như thời học đại học, tôi luôn yêu cầu mình phải học tập hết khả năng. Tôi luôn mang bên người một quyển sổ tay nhỏ để ghi chép chi tiết các bài học và lễ nghi trong quá trình thọ giới. Quyển sổ đó tôi vẫn còn giữ đến bây giờ. Sau này, khi những người xuất gia ở Tây Liên Tịnh Uyển muốn đi thọ giới, họ hỏi tôi cần chú ý những gì, tôi đều mang quyển sổ này ra cho họ tham khảo.
Ba vị thầy truyền giới cho tôi là trưởng lão Hòa thượng Đường đầu Bạch Thánh, trưởng lão Hòa thượng Yết ma Đạo Nguyên, và trưởng lão Hòa thượng Giáo thọ sư Chân Hoa. Bảy vị hòa thượng Tôn chứng là các vị trưởng lão Hiền Đốn, Ngộ Minh, Thuần Hạo, Diệu Quảng, Long Đạo, Phổ Diệu. Hòa thượng Khai đường là Pháp sư Tịnh Tâm, hòa thượng Bồi đường là Pháp sư Viên Tông, tam sư phụ Pháp sư Bổn Giác, tứ sư phụ Pháp sư Hội Bổn; trong đó, hai vị Pháp sư Bổn Giác và Hội Bổn kiêm luôn việc giữ trật tự. Trong thời gian thọ giới, các Pháp sư ở giới trường ngoài việc giảng bài, làm lễ, đọc kinh sám hối ra, các thầy còn dạy những quy tắc truyền thống trong thiền viện, ví dụ như: cách thức lưu trú lại chùa khác, quy tắc trong thiền đường, khi tuần liêu, lúc tạ giới… để những Tỳ kheo ni và Tỳ kheo mới thọ giới khi trở về ngôi chùa của mình, biết cách đến các nơi để cảm ơn, lễ bái sư phụ, các trưởng lão hoặc đại chúng trong chùa sau khi nghỉ phép. Đây là quá trình học tập những quy tắc và tập tục quan trọng về cuộc sống Tăng đoàn sau khi tôi xuất gia.
2.1.1. Làm sao để lựa chọn con đường thích hợp với mình
Thọ giới ở Tân Trúc xong, trở về Tây Liên Tịnh Uyển, tôi có quá trình học tập tại Tăng đoàn ba năm (1979 - 1982). Ngoài ra, ở Tịnh Uyển, tôi trợ giúp việc thu mua nguyên vật liệu và giám sát công trình xây dựng Liên Phong Lầu của Tây Liên Tịnh Uyển và phụ trợ các hoạt động hoằng pháp giúp chúng sinh. Bên cạnh đó, bản thân cũng suy nghĩ, sau khi xuất gia, tôi nên chọn cho mình một con đường thích hợp. Hoặc chọn con đường học vấn là chính, hoặc chọn con đường tu hành đạo nghiệp là chính, hoặc chọn nghiệp từ thiện là chính (như phục vụ xã hội, cứu tế hoạn nạn). Khi đó tôi nghĩ, nhân lúc còn trẻ nên hoàn thiện bản thân mình, hoàn tất việc học hành; ở trong Tăng đoàn, ngoài việc học tập sư phụ và các bạn đồng tu ra, còn lại là dựa vào việc tự lên kế hoạch cho mình.
Lớp phụ đạo mùa hè Tây Liên Tịnh Uyển (sáng lập 1981, sau đó đổi thành khóa tu thiếu nhi mùa hè), do sinh viên Đại học Đài Bắc là Trần Tích Kỳ (đứng bên phải Pháp sư Trí Dụ) phát khởi. Ngoài ra còn có các sinh viên đang học hoặc đã ra trường của Đại học Sư phạm hoặc Học viện Y học Đài Bắc, như: Chu Nhã (đứng bên phải thứ hai Pháp sư Trí Dụ, năm 1983 xuất gia pháp danh Tuệ Không), tác giả (bên trái thứ nhất Pháp sư Trí Dụ).
Về mặt học tập Phật pháp, theo nguyên tắc của Tăng chúng, trước tiên là học tập Giới luật. Chư Tổ thường dạy “5 năm học giới”, đó là “lấy giới làm thầy”, chính là giai đoạn học tập đầu tiên và cũng là học tập suốt đời. Hồi đó, do hoàn cảnh chung, các giáo thọ sư không có nhiều người giảng về giới luật, nên bản thân mỗi người phải tự tìm tòi. Sự trợ giúp lớn nhất của tôi lúc bấy giờ chính là vô số những tác phẩm liên quan đến giới luật của Đại sư Hoằng Nhất. Đặc biệt là những tư liệu nhắc đến trình tự học giới ra sao, ví dụ như: Trình tự nhập môn học Tứ phần Luật, Trình tự nhập môn học Bộ luật căn bản thuyết Nhất thiết hữu. Tôi căn cứ vào đó để học tập một cách có trình tự nên thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu thêm luật học.
Điều thứ hai là Định học. Bởi vì sau giới, chính là định (giới, định và tuệ). Điều gợi ý cho tôi chính là hệ thống Định học gồm 10 quyển Giải thích pháp môn trình tự tu thiền Ba la mật của Thiền Ba la mật trong Đại trí độ luận, v.v. của Đại sư Trí Giả giảng giải. Tôi và mọi người tự ghi chép những điều mình học được ra một cuốn sổ. Pháp sư Trí Dụ – sư phụ của tôi, yêu cầu các đệ tử định kỳ nộp cuốn sổ ghi chép đó cho thầy phê duyệt. Đối với tôi, đây là việc giao lưu kinh nghiệm rất có ý nghĩa giữa thầy và trò. Sau khi có được một ít nền tảng, những khái niệm sơ bộ về Giới học và Định học, việc nghiên cứu tiếp theo của tôi chính là Tuệ học.
Từ khi được theo sư phụ xuống tóc và học Phật, tôi đã được học sơ lược các bộ Kinh Viên giác, Kinh Lăng nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ và Đại cương Phật pháp, được học trích lục từ Đại thừa nghĩa chương, trong hệ thống đạo lý Phật giáo mà sư phụ tôi đã viết. Tôi còn nghiên cứu luận thư của Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông, Pháp Tướng tông và cũng nắm được một số đại ý. Nhưng có một vấn đề, đó là nên dung hợp và thông suốt giữa giáo lý Phật giáo uyên thâm với quy tắc tu hành như thế nào? Trước tiên, tôi có được một số gợi ý từ cuốn Thái Hư Đại sư toàn tập. Ví dụ như: phân biệt Pháp tính không tuệ học, Pháp tướng Duy thức học và Pháp giới viên giác học; Quan điểm về giáo dục Tăng, hoặc các chế độ đối với Phật giáo như Chỉnh lý Tăng già chế độ luận, Đại cương xây dựng Tăng đoàn, Bồ tát học xứ. Ngoài ra, sau khi có thêm duyên lành, nhờ được tiếp xúc với cuốn Con đường thành Phật của trưởng lão Ấn Thuận, nên tôi đã học được quan niệm mới về trình tự tu hành Phật pháp.
Lúc đó, giới Phật giáo truyền thống chưa khuyến khích nghiên cứu tác phẩm của trưởng lão Ấn Thuận. Có thể họ chưa cảm nhận được sự quan tâm đến pháp môn Tịnh độ của Ngài. Cộng với tư tưởng “xem trọng cái cũ và khinh thường cái mới”, nên giới Phật giáo truyền thống cảm thấy những tác phẩm của người đương thời chưa có kinh nghiệm tu chứng, không đáng để xem. Phàm là những tác phẩm của các tổ sư thời xưa, là người được khai ngộ mới đáng để học tập. Vì vậy, thanh niên học Phật truyền thống không hứng thú lắm đối với những tác phẩm của trưởng lão Ấn Thuận. Còn tôi vì hữu duyên, mà tình cờ đọc được Con đường thành Phật. Sau khi đọc tôi thấy rất thích hợp, nên đọc liền một mạch đến hết cuốn sách và hiểu ra rằng: hóa ra hệ thống Phật giáo có thể được xây dựng theo nguyên tắc như vậy. Tiếp theo, tôi lần lượt đọc trọn bộ Diệu Vân tập và những tập sách chuyên đề khác. Đọc trong những tác phẩm của trưởng lão Ấn Thuận, ta có thể thấy Đại sư đã tham khảo những tác phẩm nghiên cứu của các học giả Nhật Bản, vì thế tôi cũng muốn tìm những quyển sách đó để đọc. Ngoài ra, những quyển sách và bài báo do thầy Thánh Nghiêm viết về những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian lưu học ở Nhật Bản cũng đã giúp tôi hiểu thêm về Nhật Bản và tình hình nghiên cứu Phật học hiện đại.
Lúc đó, Đài Loan xuất bản một số sách chuyên đề, sách công cụ của Nhật Bản, như Vọng nguyệt Phật giáo đại từ điển, Hướng dẫn tra cứu Đại tạng kinh Nam truyền của Thủy Dã Hoằng Nguyên, Từ điển Phật học do Trung Thôn Nguyên biên soạn, v.v. Trong khi đó, ngoại ngữ 2 của tôi thời đại học là tiếng Đức, tôi chưa từng học tiếng Nhật, nên tôi nhìn sách tiếng Nhật không hiểu gì cả. Vậy là, tôi quyết định học tiếng Nhật qua lớp Nhật ngữ từ xa. Cứ đúng giờ tôi nghe giảng, ghi chép và đọc tài liệu liên quan. Tôi đã bắt đầu đọc sách tiếng Nhật bằng cách nửa đọc nửa đoán như vậy. Hễ gặp vấn đề gì khó khăn thì tôi tìm hỏi những người biết tiếng Nhật, đó là vị Ni sư già ở Tịnh Uyển từng học bằng tiếng Nhật. Tôi muốn tạm học một ít, nhưng vị ấy nói, dùng cách này sẽ khó học tốt được và khuyên tôi nên tìm những người chuyên nghiệp hơn để nhờ giúp đỡ. Ngoài ra, tôi cũng tìm thấy một số tài liệu Phật học bằng tiếng Anh, vậy là tôi lại học thêm tiếng Anh từ xa.
2.1.2. Nhân duyên dự thi vào Khoa Nghiên cứu Phật học Trung Hoa
Điều khó khăn hơn là tôi phát hiện trong những tác phẩm nghiên cứu Phật học tiếng Nhật và tiếng Anh có sử dụng ngôn ngữ kinh điển Phật giáo bằng chữ Phạn, chữ Pali, chữ Tạng. Nhưng lúc đó lại không có lớp Phạn văn, cũng không có lớp tiếng Tạng, tiếng Pali từ xa, giờ phải làm sao đây?
Năm 1981, đúng dịp tôi đọc được thông tin tuyển sinh lần thứ nhất của Sở Nghiên cứu Phật học, thuộc Viện Học thuật Trung Hoa của Đại học Văn hóa – do Pháp sư Thánh Nghiêm và Giáo sư Lý Chí Phu sáng lập. Không lâu sau, sinh viên hội Phật học của Đại học Văn hóa đến thăm Tây Liên Tịnh Uyển. Họ đã giới thiệu cho tôi ở Khoa Nghiên cứu Phật học có dạy tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng. Nghe vậy, tôi thật sự rất muốn đi học, nhưng không dám mở lời nói với sư phụ. Vì theo quan điểm của Phật giáo truyền thống lúc bấy giờ, phần lớn đều cho rằng: Nghiên cứu Phật học thuộc về học thuật, không thể chấm dứt sinh tử, không thể coi là Phật pháp chân chính, đó là Phật học chứ không phải học Phật. Bởi vậy nên năm thứ nhất tôi chưa đủ duyên để ghi danh dự thi.
Năm 1982, có đợt tuyển sinh lần thứ hai, có người tên Chu Trĩ, học Phật ở Tây Liên Tịnh Uyển đã tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm, đến Tây Liên Tịnh Uyển để chuẩn bị thi vào Khoa Nghiên cứu Phật học; sau này Chu Trĩ xuất gia với pháp danh là Pháp sư Huệ Không. Trong lòng tôi lúc này tuy rất muốn đi thi nhưng không dám nói. Phải đến đêm trước của ngày ghi danh cuối cùng, tôi mới lấy hết can đảm để thưa với sư phụ là tôi muốn thi vào khoa Nghiên cứu Phật học Trung Hoa. Sư phụ cũng như cha tôi vậy, ông rất hiểu cá tính của tôi, nên sư phụ chỉ nói: “Được rồi, con đi đi”! Đến nay, tôi luôn biết ơn cha mẹ và sư phụ đã cho tôi cơ hội để theo đuổi ước mơ của mình.
2.2. Thời kỳ sinh viên ở Viện nghiên cứu Phật học Trung Hoa (Năm 1982 - 1985, 28 - 31 tuổi)
Lớp học tiếng Phạn do Giáo sư Biswadeb Mukherjee dạy, tác giả (bên phải thứ 2, năm 1983, 29 tuổi), các nghiên cứu sinh thạc sĩ hai khóa I và II của Viện Nghiên cứu Phật học Trung Hoa và quý Tỳ kheo ni nước ngoài, Diệp Đức Sinh (bên trái thứ nhất, năm 1985 xuất gia, pháp danh Hậu Quán), pháp sư Quả Tường (bên trái thứ hai).
Từ lúc ghi danh đến lúc thi, tôi chỉ có một tuần để chuẩn bị. Tôi đã may mắn thi đậu vào Sở Nghiên cứu Phật học thuộc Viện Học thuật Trung Hoa của Đại học Văn hóa, khóa thứ II. Khóa của chúng tôi có tổng cộng 8 người. Bốn nam gồm có: Diệp Đức Sinh (sau này xuất gia là Pháp sư Hậu Quán), Chu Trĩ, Ngô Văn Bân và tôi. Bốn nữ gồm có: Lâm Mạnh Dĩnh (sau này xuất gia là Pháp sư Thường Diên), Trần Tú Lan (hiện là bí thư chấp hành của Viện Nghiên cứu Phật học Trung Hoa), Cổ Thiên Anh, Trần Tỷ Như (lúc đó là trợ giảng của Sở Nghiên cứu Phật học). Có lúc Pháp sư Thánh Nghiêm gọi vui lớp của chúng tôi là “Bát Tiên quá hải”. Vì lớp chúng tôi rất đoàn kết, cùng nhau rèn luyện, trau dồi, không có ai bỏ dở giữa chừng, tất cả đều tốt nghiệp thật suôn sẻ.
2.2.1. Quá trình nghiên cứu Phật học và học tiếng Phạn
8 nghiên cứu sinh thạc sĩ khóa thứ II Viện Nghiên cứu Phật học Trung Hoa (năm 1982 nhập học): hàng thứ nhất Pháp sư Huệ Không (bên trái thứ nhất), tác giả, Diệp Đức Sinh; hàng sau Trần Tú Lan (thứ nhất bên trái), Lâm Mạnh Dĩnh (năm 2006 xuất gia pháp danh Thường Diên), Trần Tỷ Như, Cổ Thiên Anh, Ngô Văn Bân.
Lúc đó, trong nước rất khó tìm được thầy dạy tiếng Phạn, Giám đốc Lý của Trung tâm đã mời phu nhân của ông là bà Tiết Thiệu Bình – người đã từng học tiếng Phạn ở Ấn Độ, đến dạy chúng tôi. Sau đó, Giáo sư Lý lại mời một vị thương nhân người Ấn Độ đến Đài Loan – ông vốn là người tu tịnh hạnh (Brahma-carin), theo phái Vedanta, đến dạy chúng tôi một thời gian. Về sau, Giáo sư Lý lại mời ông Biswadeb Mukherjee từ Ấn Độ – chủ nhiệm Khoa Trung văn Trường Đại học Tagore, đã nghỉ hưu, tới Sở Nghiên cứu Phật học dạy tiếng Phạn. Nhưng cũng có khi vì vấn đề thị thực, hoặc những nguyên nhân khác, ông cần phải trở về Ấn Độ, nên lớp tiếng Phạn của chúng tôi được đổi nhiều thầy giáo khác nhau. Những học sinh lớp tiếng Tạng của Sở Nghiên cứu Phật học đến “Nhà nhi đồng Tây Tạng” mời phu nhân của người phụ trách – tên là Blo-bzang rgya-mtsho, dạy tiếng Tạng. Khi đó tôi không đến lớp học tiếng Tạng mà chỉ tự học, mãi về sau này, đến khi qua Nhật Bản du học, tôi mới chính thức học tiếng Tạng.
Sau đó, thầy Diệp ở Khoa Triết học, Trường Đại học Đài Loan có mở lớp văn phạm tiếng Phạn, cho phép người bên ngoài dự thính. Hơn nữa, thầy còn đặc biệt sắp xếp lớp học vào cuối tuần, nên rất thuận tiện cho những học viên ở bên ngoài. Thế là, tôi và vài người bạn ở Sở Nghiên cứu Phật học đã theo học lớp học này. Lúc đó, phong trào học tiếng Phạn ở Đài Loan vẫn chưa bắt đầu, học sinh chọn học lớp tiếng Phạn của Khoa Triết học Trường Đại học Đài Loan chỉ có hai người; trong số đó, có một nữ du học sinh người Nhật. Địa điểm học là ở phòng nghiên cứu của Khoa Triết học. Số người không nhiều, phòng ốc không rộng, nên những học sinh dự thính như chúng tôi cũng có thể học cùng với học viên chính thức những bài giảng phong phú sinh động của thầy Diệp. Tài liệu thầy Diệp dùng lúc đó là Macdonell, A. (1927). A Sanskrit grammar for students. Giáo trình này giúp tôi thuận tiện nhập môn, bởi tiếng Phạn có cấu trúc hệ thống văn phạm rất phức tạp. Ngoài ra, trong thời gian lên lớp, thầy Diệp cũng thường hay nhắc đến tình hình nghiên cứu và giảng dạy của giới Phật học Nhật Bản. Điều này cũng giúp tôi tích lũy được một số thông tin hữu ích cho việc đến Nhật Bản du học sau này.
Tôi có mối duyên gắn bó với quyển ngữ pháp tiếng Phạn này. Nó luôn là quyển sách được tôi đọc siêng năng nhất, khi du học ở Nhật Bản cho đến khi học xong trở về nước và đứng lớp. Những điểm chú thích chi chít, li ti, những mẩu giấy dán ghi chú tầng tầng, lớp lớp. Diện mạo nguyên gốc của nó hình như không còn, nhưng, nó vẫn luôn là tài liệu ngữ pháp tiếng Phạn, sách tham khảo quan trọng thường trực trên bàn của tôi. Nó còn là một trong những bản mẫu để tôi khuyến khích các học sinh “cần cù bù thông minh” trong học tập.
Lúc đó, nguồn sách ở Sở Nghiên cứu Phật học rất ít. Pháp sư Thánh Nghiêm đã cung cấp một số sách Phật học Nhật Bản do thầy cất giữ cho khoa nghiên cứu và cho chúng tôi photo các sách trong phòng nghiên cứu của thầy. Thế nhưng, Thư viện của Sở Nghiên cứu Phật học lúc đó không có từ điển tiếng Phạn, chúng tôi phải xuống Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ ở dưới lầu để tra nghĩa của từ. Từ “Tất đàn” là dịch âm của Siddhanta, đôi khi dịch nghĩa là “tông”, để phân biệt tông yếu, tông chỉ của Phật giáo; nhiều khi dịch nghĩa là “thành”, nghĩa là được chứng minh nội dung chính xác; có khi nó có nghĩa là “triết lý”. Ngoài ra, khi nghe tụng niệm bằng tiếng Phạn, tôi có cảm giác hình như mình được đối thoại trực tiếp với Đức Phật hoặc những vị tổ sư Ấn Độ, nên rất có hứng thú. Nhưng có một số bạn cảm thấy tiếng Phạn thật sự rất khó học và luôn đau đầu với việc học ngôn ngữ này. Còn nhớ có người học lớp dưới đã nói với tôi, mỗi lần đọc tiếng Phạn là chú ấy bị đau dạ dày. Tôi động viên rằng: “Kinh nghiệm của tôi là khi nghe tiếng Phạn, tôi liền để cho toàn thân thư thái. Lỗ chân lông cũng sảng khoái như đang ăn quả nhân sâm. Chú cũng có thể quán tưởng như thế”.
Những khóa học tôi được học bao gồm: So sánh tôn giáo học, Thiền học do Pháp sư Thánh Nghiêm giảng; Đại trí độ luận do Tiến sĩ Trần Vinh Ba giảng; Tông kính lục do Tiến sĩ Khổng Duy Cần giảng; Khởi nguyên và phát triển của sơ kỳ Đại thừa do thầy Dương Huệ Nam giảng; Lịch sử Phật giáo Trung Quốc do thầy Lam Cát Phú giảng; Triết học phân tích Âu Mỹ do thầy Viên Bảo Tân giảng; Logic học do Giáo sư Lý Chí Phu, Khoa Triết học Đại học Văn hóa giảng; Kinh A Hàm do thầy Dương Uất Văn giảng. Lúc đó, do tài liệu nghiên cứu Phật giáo trong nước có hạn, các thầy ở Sở Nghiên cứu Phật học từng có nhã ý nhắc nhở, khuyên tôi có thể trực tiếp ra nước ngoài du học. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nền tảng về khả năng ngôn ngữ kinh điển Phật giáo và nghiên cứu Phật học của mình còn yếu kém, tốt nhất là nên học xong những tài liệu hiện có trong nước, rồi mới ra nước ngoài học tập, nghiên cứu.
Do Viện nghiên cứu Phật học Trung Hoa không có ký túc xá cho nghiên cứu sinh, nên năm thứ nhất tôi ở tại khu vực Thiên Mụ Sĩ Lâm, có xe buýt đi đến chân Thiên Mụ, sau đó đi bộ lên núi. Phía sau núi Dương Minh có hai ngôi chùa Cát Tường và Bản Kiều Tiếp Vân do trưởng lão Hiền Đốn làm trụ trì. Những bạn học xuất gia của Sở Nghiên cứu Phật học chúng tôi đến bái kiến lão Pháp sư Hiền Đốn trú tích ở chùa Bản Kiều Tiếp Vân, còn tôi thì xin trưởng lão cho được ở chùa Cát Tường. Quý Thầy thật từ bi, đã hoan hỷ cho chúng tôi trú tạm.
Trong thời gian học năm thứ nhất, mỗi sáng, tôi đi bộ từ sau chùa Thiên Mụ lên núi Dương Minh, mất khoảng một tiếng đồng hồ, đến tối thì đi xuống núi. Lúc xuống núi, tôi tận dụng thời gian, vừa đi vừa nghe chương trình Anh ngữ từ xa. Đến năm thứ hai, Hội Phật học của Đại học Văn hóa (Viện Tuệ Trí) thuê một căn nhà gỗ được dựng theo kiểu Nhật Bản, có tên là Tuệ Sinh Đường – là loại nhà trệt có sân vườn, (không biết bây giờ ngôi nhà có còn hay không, vì thời gian lâu lắm rồi, cũng có khi nó đã bị hủy hoại) để làm văn phòng của hội, có khoảng năm gian phòng. Chúng tôi góp tiền cùng thuê với hội nên năm thứ hai và năm thứ ba tôi đều ở đó. Thời gian tôi học ở Sở Nghiên cứu Phật học, cuối tuần hoặc ngày lễ, tôi đều trở về Tây Liên Tịnh Uyển để phụ giúp các công việc. Đó là các buổi hội thảo Phật học cho sinh viên vào cuối tuần; mùa đông thì chúng tôi hướng dẫn Phật tử và thực hành Phật thất, hoặc làm việc phiên dịch; đôi khi còn phải viết báo cáo cho trường, một học kỳ có thể viết từ 5 - 6 bản báo cáo, nên tôi bận tối tăm mặt mũi.
Hội Tuệ Trí của Đại học Văn hóa, đôi khi cũng mời tôi đi giảng, hoặc hướng dẫn hoạt động của họ. Có lần, trong lễ kỷ niệm Đại sư Huyền Trang, hội đã tổ chức một buổi diễn giảng quy mô. Trong lần diễn giảng đó, tôi đã tự chỉnh lý biên niên sử những câu chuyện về việc du hành của Ngài. Sau đó, những tư liệu này trở thành một trong số những tài liệu cơ bản để chúng tôi tham gia tổ chức hội thảo và nghiên cứu những văn hiến, tranh ảnh, tư liệu sử địa (do Viện Nghiên cứu Phật học Trung Hoa phụ trách). Kế hoạch nghiên cứu liên quan đến Huyền Trang Tây Vực hành (1999 - 2004) nằm trong kế hoạch Thư viện số của Ủy ban Khoa học Quốc gia.
Ngoài ra, tôi cũng bắt đầu tìm tòi những phương pháp nghiên cứu hiện đại thích hợp với mình, ví dụ: vận dụng loại thẻ 4 bên có thiết kế đục lỗ của hệ thống thẻ Trung ương. Sau này, khi đi Nhật Bản du học, tôi cũng dùng giấy dán kiểu KJ hoặc sổ ghi chép. Đến năm 1984, Đài Loan bắt đầu lưu hành máy tính Apple II tự chế. Một vị học sinh của Hội Tuệ Trí, Đại học Văn hóa mua về sử dụng. Khi không cần dùng nữa, vị ấy đã tặng lại cho tôi. Thế là tôi cũng bắt đầu dùng công nghệ thông tin để giúp cho việc học tập và nghiên cứu.
Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình có thể thuận lợi hoàn thành việc học ở Đại học Tokyo, là nhờ Viện nghiên cứu Phật học Trung Hoa. Nơi đây đã cho tôi điều kiện để có thể hòa nhập được với việc nghiên cứu Phật học thế giới. Tôi cũng cảm ơn tầm nhìn và chí nguyện to lớn của Pháp sư Thánh Nghiêm, Giáo sư Lý Chí Phu, và các vị thầy của Sở Nghiên cứu Phật học đã mở trường lúc đó. Không những vậy, các thầy còn coi trọng việc huấn luyện ngữ văn, kinh điển Phật giáo bằng tiếng Phạn, tiếng Pali và tiếng Tạng, sắp xếp các khóa học về các hệ thống Phật giáo Hán truyền, Nam truyền và Tạng truyền. Việc này đã mở ra kỷ nguyên mới cho việc triển khai giáo dục Phật học.
2.2.2. Kế hoạch du học Nhật Bản
Học đến năm thứ ba ở Sở Nghiên cứu Phật học, tôi quyết định đến Nhật Bản du học. Lúc đầu, tôi có hai hướng để lựa chọn: hoặc là đến Âu Mỹ, hoặc là đến Nhật Bản. Vào thời kỳ đó, tài liệu nghiên cứu Phật học của Nhật Bản rất phong phú, sách vở về nghiên cứu, luận án, sách công cụ liên quan đến nghiên cứu Phật học tương đối nhiều. Nếu đến Nhật Bản du học sẽ có thể nắm được nhiều tài liệu về nghiên cứu Phật học, nên tôi đã nỗ lực kiếm học bổng của Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản.
Đầu tiên, tôi phải thi sát hạch năng lực tiếng Nhật để du học, rất may tôi đã vượt qua. Trong thời gian chuẩn bị thi, tôi đã từng ôn luyện tiếng Nhật tại lớp Trung Hiếu, ở gần bến xe Đài Bắc. Lớp học do thầy Lưu Nguyên Hiếu, một người rất giỏi tiếng Nhật đứng ra tổ chức. Thầy nắm vững kiến thức, giỏi về kỹ năng biểu đạt, và còn là một người dí dỏm, rất yêu nghề. Nội dung các bài giảng của thầy luôn kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, được trình bày có hệ thống. Toàn bộ nội dung chương trình cứ như đã có sẵn trong đầu của thầy vậy. Thầy có ảnh hưởng rất lớn đối với cách thức đứng lớp của tôi sau này. Lúc đó, tôi rất thích học lớp của thầy. Lớp nào do thầy mở tôi cũng đều theo học, bao gồm cả lớp ngữ Pháp Cổ văn tiếng Nhật. Điều này giúp tôi tự tin mình có thể vượt qua kỳ thi sát hạch tiếng Nhật.
Tiếp đến, tôi đăng ký thi lấy học bổng của Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản. Bộ Giáo dục sẽ tuyển chọn trước một số người. Sau đó, sẽ giới thiệu cho Hiệp hội Giao lưu tuyển lại. Lúc đầu tôi cứ phân vân, suy nghĩ không biết mình có tư cách ghi danh không; vì phần thi có Khoa Văn, Khoa Y học nông nghiệp, Khoa Luật và thương mại. Mới nhìn qua thể lệ, tôi cảm thấy rất khó. Tuy xuất thân là Khoa Y học nông nghiệp, nhưng tôi lại muốn theo học Khoa Văn Phật học, thế thì nên đăng ký thi nhóm nào đây? Tôi sợ rằng, rất có thể mình sẽ không hợp thể lệ, không đăng ký được.
Một hôm, khi đi ngang qua Sở Văn hóa giáo dục quốc tế của Bộ Giáo dục, tôi nghĩ hay là mình cứ đánh liều, thử vào hỏi xem sao: “Tôi xuất thân từ Học viện Y, nhưng tôi muốn đến Nhật Bản để học Học viện Văn, vậy tôi nên ghi danh vào nhóm nào”?
Người trực ở đó trả lời: “Căn cứ theo khoa đã học trước đây của thời đại học”. Vậy nên, tôi phải ghi danh vào Khoa Y học. Đến thời gian này tôi đã tốt nghiệp 10 năm rồi, chỉ còn lại một tuần mà phải ôn thi từ 6 - 7 môn; ngoài chuyên môn Y học ra, còn phải thi những môn chung như Văn học, Lịch sử, Địa lý và Văn hóa. Hơn nữa, lại nhằm đúng tuần Phật Quang Sơn tổ chức buổi nghiên cứu thảo luận mang tính quốc tế, đây là cơ hội hiếm có, mọi người trong lớp đều đã đi rồi, nên tôi cũng đi. Tôi tham gia buổi nghiên cứu thảo luận, nên thời gian chuẩn bị cho cuộc thi đã bớt đi hai ngày.
Tại buổi hội thảo, tôi gặp một vị Tỳ kheo từ nước ngoài đến. Vị ấy muốn mua sách Phật học sau buổi hội thảo, nên đề nghị tôi đi cùng. Tôi lại đi với vị đó khoảng nửa ngày. Cho nên, tôi chỉ còn lại khoảng 3 - 4 ngày để chuẩn bị. Tôi đành phải dùng tâm trạng “tùy duyên” của Phật pháp, lấy nguyên tắc “đồng đều các môn”, “ít thua là thắng”, không được để một môn nào đó quá yếu kém. Tôi phân chia khoảng thời gian còn lại, lúc nào nên học môn nào thì cứ chuyên tâm học, học hết là gác lại một bên, bắt tay vào học những môn khác. Cứ lần lượt học hết từng môn như vậy, tôi cũng không ngờ rằng mình đã vượt qua được vòng sơ khảo. Trước khi thi, có khoảng hơn 300 người ghi danh, sau vòng sơ khảo, chỉ còn lại 50 - 60 người. Vòng thứ hai tập hợp tất cả lại để thi viết và thi nói. Sau đó lại gạt đi một nửa, cuối cùng chỉ còn lại khoảng 20 người.
2.2.3. Chuyện bên lề trước khi du học
Lúc đó, tôi xin vào Đại học Tokyo là bởi muốn nghiên cứu, chú giải một quyển tiếng Phạn của luận sư Nguyệt Xứng (Candrakīrti) trong Trung Luận, chính là nghiên cứu Tịnh minh cú luận (Mūl amadhyamaka-vṛtti-prasannapadā). Khi ở Viện nghiên cứu Phật học Trung Hoa, tôi cũng dùng chủ đề này để làm đề mục cho luận văn tốt nghiệp. Tôi muốn mời Pháp sư Ấn Thuận làm thầy hướng dẫn. Pháp sư Ấn Thuận nói: “Thầy không biết tiếng Phạn, tiếng Phạn thì con phải tự lo, còn về nội dung tư tưởng thì thầy có thể giúp con phần nào”.
Trước khi ra nước ngoài, tôi còn được tham dự một việc rất ý nghĩa. Bạn học của tôi ở Sở Nghiên cứu Phật học là cư sĩ Diệp Đức Sinh, sau này là Pháp sư Hậu Quán, đang ở tạm tại giảng đường Tuệ Nhật. Tuy là cư sĩ, nhưng Diệp Đức Sinh hình như đã chuẩn bị cho mình bước vào con đường tu hành. Từ năm 1981, ông đã vào ở giảng đường Tuệ Nhật, một mặt phụ giúp ghi bảng danh mục cho thư viện của giảng đường, một mặt thì chuẩn bị thi và vào học ở Sở Nghiên cứu Phật học. Để chuẩn bị cho việc ra nước ngoài du học, tôi đã ở tạm tại giảng đường Tuệ Nhật. Tôi có cơ hội cùng ông trau dồi Phật pháp. Năm 1985, tôi may mắn được cạo tóc giùm ông buổi tối trước lễ xuống tóc đi tu của ông tại giảng đường Tuệ Nhật. Mấy ngày sau, tôi cùng ông xuống miền Nam làm lễ xuống tóc xuất gia theo sư phụ Ấn Thuận tại tịnh xá Hoa Vũ. May mắn hơn, tôi còn được đảm nhận vai thầy dẫn lễ. Nhìn lại cuộc đời mình, đối với Phật giáo, đối với chúng sinh, tôi không có cống hiến gì lớn, nhưng tôi cảm thấy rất vinh dự, mỗi khi nghĩ đến nhân duyên mình được tham dự vào sự đản sinh của một vị “trụ cột của Phật pháp”.
Phụ trách dẫn lễ buổi lễ xuống tóc xuất gia của Pháp sư Hậu Quán (ngày 29 tháng 10 năm 1985).
Ngoài ra, tôi còn may mắn có nhân duyên được trưởng lão Ấn Thuận lên lớp cho hai chúng tôi, với nội dung chủ yếu là Luận sư và luận thư của Thuyết Nhất thiết hữu bộ. Lúc đó, trưởng lão Ấn Thuận vẫn còn rất khỏe. Trưởng lão đã từ bi giảng phần đại cương, còn những chi tiết khác thì chúng tôi tự tìm hiểu, gặp vấn đề gì thì hỏi. Đây là nhân duyên thù thắng trước khi tôi ra nước ngoài, được thỉnh giáo trưởng lão Ấn Thuận về những vấn đề thâm sâu của Phật pháp. Trước đây, chúng tôi cũng đã được xem gần hết những tác phẩm của ông. Thời gian này, tác phẩm Không chi thám cứu của trưởng lão Ấn Thuận sắp xuất bản. Tôi và Pháp sư Hậu Quán được làm giúp phần mục lục dẫn giải cho cuốn sách này. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tìm thêm một số người phụ giúp, chọn những từ quan trọng và dùng thẻ để làm dẫn giải.
2.3. Thời gian du học ở Đại học Tokyo, Nhật Bản (Năm 1986 - 1992, 32 - 38 tuổi)
Lớp thạc sĩ và tiến sĩ của đại học Nhật Bản được gọi là “Viện đại học”. Sinh viên chính thức được gọi là “Viện sinh” Viện đại học. Người có quốc tịch nước ngoài muốn thi để trở thành viện sinh của Viện đại học công lập phải trải qua giai đoạn “Nghiên cứu sinh” trước. Vì thế, trước tiên tôi được cho nhập nghiên cứu sinh của Đại học Tokyo. Ít lâu sau, tôi rất may mắn thi đậu học bổng du học của Hiệp hội Giao lưu, nên đã đến Đại học Tokyo học. Ở Đại học Tokyo, năm đầu tiên là nghiên cứu sinh, năm thứ hai tôi thuận lợi thi đậu thạc sĩ. Sau hai năm học thạc sĩ, tôi học tiếp ba năm tiến sĩ, tổng cộng tôi ở Nhật sáu năm.
Ngày 9 tháng 10 năm 1988, trước phòng Đại Quang, chùa Nguyện Hạnh.
Sinh viên nghiên cứu sinh Tăng và tục Đài Loan ở Tokyo, định kỳ tập hợp tại phòng cắm hoa lầu Đại Quang chùa Nguyện Hạnh để thảo luận Phật pháp, sau này lấy tên gọi là “Hội Bồ Đề”. Pháp sư Khai Trí (bên trái thứ nhất), tác giả (ở giữa), Pháp sư Hậu Quán (bên phải thứ hai, bị che khuất một phần), Pháp sư Đại Hàng (bên phải thứ nhất).
Tiệc hoan nghênh nghiên cứu sinh nghiên cứu Phật học Ấn Độ tại Đại học Tokyo nhập học, luân phiên tác giả giới thiệu bản thân (1987, 33 tuổi), Giáo sư Megumi Ejima (hàng trước bên phải thứ nhất), Lý Chung Triệt (bên trái hàng thứ nhất, du học sinh Hàn Quốc, đảm nhiệm quản thủ tàng thư các thư viện trung ương Hàn Quốc), học muội Izawa Atsuko (bên phải sau cùng mặc áo màu đen) hỗ trợ tác giả chỉnh sửa tiếng Nhật cho luận án tiến sĩ.
Hoàn thành luận văn thạc sĩ (tháng 12 năm 1988, 34 tuổi), chụp ảnh cùng với trụ trì chùa Nguyện Hạnh Shuda Haneda.
Tác giả chụp ảnh với thầy Kohei Ochi, xã trưởng Sơn Hỷ Phòng Phật Thư Lâm (phải), Yoshiyama (trái) trước chính điện chùa Nguyện Hạnh (ngày 28 tháng 6 năm 1992).
Chụp ảnh với trụ trì chùa Nguyện Hạnh Shuda Haneda và người nhà…
Sau Hội thảo Nghiên cứu Quốc tế Thiền học tại Mộc Phổ Hàn Quốc, pháp sư bản địa đưa tác giả đến nghỉ tại chùa Hải Ấn, tham quan tàng kinh các bản kinh khắc gỗ tạng Cao Ly, tác giả (thứ nhất bản phải), hội ngộ học giả thiền tông Shudo Ishii (bên phải thứ hai) và Hiroo Shiina (bên trái thứ nhất).
Tháng 12 năm 1989, Giáo sư Kiyotaka Kimura Đại học Tokyo (hàng thứ hai đứng thứ ba bên trái) đưa nghiên cứu sinh thạc sĩ tiến sĩ nghiên cứu triết học Ấn Độ đến giao lưu đại học Delhi. Pháp sư Hậu Quán (quỳ gót bên trái thứ nhất), Saito Sengoku, tác giả, Hiroki Ariga, Nishimoto Teruma, Minowa Akiraryou (quỳ gót bên phải thứ nhất).
Năm đầu tiên khi làm nghiên cứu sinh, Giáo sư Takasaki Jikidō (高崎直道) là thầy hướng dẫn của tôi. Ông là giáo viên Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Triết học và Phật học Ấn Độ (tương đương với Viện trưởng hoặc Chủ nhiệm khoa của đại học trong nước). Thầy là một học giả nổi tiếng trên thế giới, một chuyên gia nghiên cứu Như Lai tạng. Vì số lượng Giáo sư về phương diện Phật học và triết học Ấn Độ ở các trường đại học công lập Nhật Bản không nhiều, chỉ có một vài người nên Đại học Tokyo được xem là trường có số lượng Giáo sư nhiều hơn cả, như: về Phật giáo Ấn Độ có Giáo sư Takasaki Jikidō (高崎直道) và Giáo sư Ejima Yasunori (江島惠教); về triết học Ấn Độ có Giáo sư Sengaku Mayeda (前田專學); về Phật giáo Trung Quốc có Giáo sư Kiyotaka (木村淸孝); về Phật giáo Nhật Bản có Giáo sư Sueki Fumihiko (末木文美士); về văn học Ấn Độ có Giáo sư Minoru Hara (原實) và Giáo sư Ryutaro Tsuchida (土田龍太郎); các bài giảng về Phật giáo Tây Tạng thì do Giáo sư Zuiho Yamaguchi (山口瑞鳳) và Giáo sư Tanaka Kimiaki (田中公明), khoa Nghiên cứu thực hành giao lưu văn hóa của Viện Văn học hỗ trợ. Ngoài ra, còn có Giáo sư Shigeo Kamada (鐮田茂雄) giảng dạy Phật giáo Trung Quốc, Katsuhiko Kamimura (上村勝彥) giảng dạy văn học Ấn Độ – Khoa Nghiên cứu Văn hóa Đông Dương của Đại học Tokyo.
Tôi muốn đặc biệt giới thiệu về Khoa Nghiên cứu văn hóa Đông Dương của Đại học Tokyo. Khoa được thành lập vào năm 1941. Ở đây có không ít sách cổ của Trung Quốc và những thu thập cá nhân mang nét đặc sắc riêng của thầy Mikikazu Ooki (大木幹一), Kikuya Nagasawa (長澤規矩也), và Takeshirō (倉石武四郎), v.v. Tổng cộng khoảng 350.000 quyển sách. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, cũng như văn hóa khu vực châu Á thường đến mượn đọc và photo.
Mỗi năm, khoa Nghiên cứu Phật học và Triết học Ấn Độ, Đại học Tokyo đều mời những vị thầy có kiến thức uyên bác đến giảng về những lĩnh vực khác nhau. Khoa còn cố gắng không mời trùng lặp để giúp học sinh mở rộng phạm vi tiếp xúc của mình, bù đắp những phần khiếm khuyết về chuyên môn. Trong thời gian này, tôi đã từng học các khóa học như: Văn hiến học Phật điển của Giáo sư Yuyama Akira (湯山明), Lượng luận – Hiện lượng thiên của Giáo sư Hiromasa Tosaki (戶崎宏正), Trung quán tâm luận chú Tư Trạch Diệm – Thuyết Nhất thiết trí tính thành tựu phẩm của Giáo sư Kawasaki Shinjo (川崎信定), Chương gia tông nghĩa của Giáo sư 鋮汙邠, Tư tưởng Kinh Lượng bộ của Giáo sư Kato Junsho (加藤純章), Hướng dẫn cách đọc tài liệu tiếng Pali của Giáo sư Dojima Yajima (矢島道彥), Nghiên cứu bản viết tay Suabsi của Udnavarga của Giáo sư Nakata Hironari (中谷英明), v.v. Trong mỗi học kỳ, các thầy chỉ dạy một lần, đến học kỳ sau lại đổi thầy khác với những môn học về lĩnh vực khác.
2.3.1. Nhân duyên với thầy giáo và bạn cũ của Pháp sư Thánh Nghiêm
Năm đầu tiên tôi du học ở Nhật Bản (1986), Pháp sư Thánh Nghiêm gửi tôi 200 USD, dặn tôi mua quà giùm thầy để tới thăm các vị thầy của thầy hồi du học ở Nhật (đó là thầy Nomura Yosho – 野村耀昌, thầy Enshō Kanakura – 金倉圓照 và bạn của thầy là Kiriya Seiichi – 桐谷征一). Điều này cho tôi kinh nghiệm về cách ứng xử thật ấm áp. Một mặt, tôi cảm nhận được lòng tri ân của Pháp sư Thánh Nghiêm đối với các thầy. Mặt khác, nó giúp một người mới vừa đến Tokyo như tôi có dịp tạo mối quan hệ và không cảm thấy lẻ loi. Tháng 10 năm 1986, Pháp sư Thánh Nghiêm có nhờ tôi liên lạc, để mời thầy Amaki Koshiro (玉城 康四郎) đến Viện nghiên cứu Phật học Trung Hoa giảng bài. Đây là cơ hội cho tôi được đến thăm nhà thầy Amaki Koshiro; được đích thân lĩnh hội khí phách học giả của thầy với sự cần mẫn, siêng năng nghiên cứu, sáng tác, ít khi ra ngoài vui chơi và quý trọng thời gian như vàng bạc; thế nhưng, thầy lại không tiếc thời gian chỉ dạy học sinh, định kỳ chủ trì hội ngồi thiền tại nơi thầy ở. Một số thầy trò đều tham gia dài hạn và tôi cũng từng tham gia một thời gian. Đây là một trải nghiệm khó quên.
Tôi không ngờ, thầy Thánh Nghiêm đã lưu giữ ba lá thư tôi viết cho thầy gửi qua thư điện tử lưu ở Viện nghiên cứu Phật học Trung Hoa, và sau đó hơn 10 năm tôi lại được nhìn thấy bản lưu bằng hình chụp scan, khiến tôi cảm thấy rất đỗi trân quý. Vì vậy, tôi đã đánh máy và lưu lại. Thật cảm ơn thầy đã cho tôi có nhân duyên học tập này.
1) Báo cáo ngày 22 tháng 8 năm 1986: Mua quà để viếng thăm sư hữu Nhật Bản
Kính gửi sư phụ Thánh Nghiêm !
Đã lâu không vấn an thầy, con rất nhớ thầy. Hiện tại, thời tiết vẫn còn nắng nóng, xin thầy hãy bảo trọng. Con đã làm xong việc thầy căn dặn, nay con xin báo cáo lại như sau:
1. Về việc chọn lựa quà
Dù sao cũng là người đã xuất gia, nên con suy nghĩ làm sao để thích hợp cho cả đôi bên. Suy nghĩ rất lâu, cuối cùng con rút ra nguyên tắc: vừa có tính kỷ niệm vừa có tính thực tế.
(1) Quà có tính kỷ niệm, con chọn mua ba cái khung hình:
- Tranh khắc bản và có đề hai chữ “Vô sự”. Tác giả là một họa sĩ chạm khắc nổi tiếng thời Minh Trị (5.000 yên Nhật).
- Khung hình bằng gốm sứ hoa văn rừng mai (7.000 yên Nhật).
- Tượng Bồ tát quốc họa (bán thân), có đề hai chữ “Nhất tâm” (6.000 yên Nhật).
(2) Quà có tính thực tế, gồm ba phần: trà Ô Long Đài Loan (Mỗi phần 5.000 yên Nhật, tổng cộng 15.000 yên Nhật).
Tổng cộng: 5.000 + 6.000 + 7.000 + 15.000 = 33.000 (yên Nhật). Món quà khoảng 200 đô la Mỹ thầy đã căn dặn, căn bản con đã xử lý như vậy. Do khoảng một tháng mới có thể đổi được tiền, nên con vẫn chưa biết được thực tế sẽ đổi được bao nhiêu.
2. Tình hình viếng thăm
Con vốn dự định sẽ đến thăm thầy Kiriya Seiichi trước tiên, rồi từ đó sẽ tìm hiểu về hai vị còn lại. Nhưng đúng lúc thầy đến Trung Quốc để khảo sát Phòng Sơn Thạch kinh (gần đây thầy nghiên cứu về vấn đề này), vì vậy con tiếp tục liên lạc với thầy Nomura Yosho và nhanh chóng hẹn gặp vào ngày 10 tháng 8. Thầy đã chỉ đường cho con rất chi tiết và còn đích thân đến bến xe Fujigaoka (藤が丘) đón con. Sau khi gặp mặt lúc 10 giờ, hai thầy trò đã trò chuyện mãi đến hơn 12 giờ trưa ở “phòng ốc sên” (tên thư phòng của thầy). Thầy Nomura Yosho đều xem kỹ từng số của tạp chí Nhân sinh và khen ngợi sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của thầy (Thánh Nghiêm).
Ngài còn tặng con một bộ tác phẩm Ngài đã viết gần đây “Tản văn Lịch sử Trung Quốc” (中国史の散策), là nhật ký hành trình mấy năm trước khi thầy ấy đến thăm Trung Quốc (tham gia hội thảo học thuật) – hành trình từ Bắc Kinh đến Lan Châu, Đôn Hoàng.
Món quà tặng cho thầy là bức tranh gốm sứ hình rừng mai.
Từ thầy Nomura Yosho con được biết thầy Kanakura (金倉) đã nhập viện từ tháng 7 năm ngoái, đến nay đã hơn một năm, trùng hợp với việc con chuẩn bị tặng thầy bức tranh có hai chữ “Vô sự”. Chiều hôm đó, con liên lạc được với người nhà của thầy Kanakura để hỏi thăm địa chỉ của bệnh viện, và con đã hẹn gặp vào ngày 11 tháng 8 để đến thăm. Thầy Kanakura đã hơn 90 tuổi, hiện tại hai chân đều bị liệt không thể đi được, tất cả mọi chuyện đều do phu nhân tận tình chăm sóc. Thầy Kanakura khen vợ mình có tinh thần vĩ đại. Thầy Kanakura đầu óc vẫn còn minh mẫn. Ông cứ cầm tấm hình của thầy trên tay ngắm nhìn mãi, và cảm ơn thầy đã có lời hỏi thăm vào lúc này, còn hỏi sao thầy có thông tin nhanh như vậy, sao biết ông đang bệnh mà cho người đến thăm. Con thấy thầy Kanakura và phu nhân rất vui mừng, đành nói úp úp, mở mở rồi chuyển qua đề tài khác.
Thầy Kanakura đã cao tuổi, sức lực cũng đã yếu, trong lúc trò chuyện với con thỉnh thoảng ngủ gật, một lúc thì thức dậy rồi nói tiếp, vì vậy mà con không dám làm phiền quá lâu.
Lúc tạm biệt, thầy còn khăng khăng tặng con một phong bì lớn, ngại lắm nhưng con phải nhận.
Ngày 13 tháng 8 con liên lạc được với thầy Kiriya (桐谷), do ngày 12 thầy mới vừa về Nhật Bản và có triệu chứng bị cảm, nên đã hẹn với con vào 3 giờ chiều ngày 16 tháng 8. Lần đầu tiên con chính thức đến thăm một ngôi chùa Nhật Bản cũng chính là chùa Honnoji (本納寺) của thầy. Thầy Kiriya rất nhớ thầy và còn nhắc đến những chuyện lúc hai người chung sống bên nhau. Thầy còn dẫn con đến thăm thư viện và nói nếu có nhu cầu thì cứ tới dùng. Năm ngoái, thầy đã mua một bộ Word processor (máy xử lý văn bản) có kèm chức năng vi tính. Thật là trùng hợp, con cũng có một máy xử lý văn tự đơn giản loại nhỏ, vì vậy mọi người cũng dễ dàng thảo luận.
Vợ thầy Kiriya mong con sau này thường tới nhà thầy chơi, đặc biệt là vào tháng Giêng và lễ hội tháng 10 của họ, đồng thời giới thiệu ba cô con gái nhà họ (cô cả đã học năm thứ nhất Đại học Âm nhạc Tokyo, chuyên ngành Lý luận âm nhạc).
Thầy cũng nhận một người nam tốt nghiệp Đại học Rissho làm đệ tử và vị ấy cũng ở luôn trong nhà thầy để giúp thầy các công việc ở chùa.
Thầy Kiriya cũng là độc giả trung thành của tạp chí Nhân sinh, vì vậy thầy Kiriya cũng khá hiểu về tình hình của thầy. Lúc tạm biệt, thầy Kiriya còn tặng cho con đào và lê.
Trên đây là báo cáo của con về chuyến thăm lần này. Con cũng đã chuyển lời của thầy muốn mời các thầy tới Đài Loan, nhưng có đủ nhân duyên hay không thì cũng khó nói.
Trong chuyến thăm con có chụp hình, đang rửa phim, con cũng không biết hình chụp có đẹp không? (Đã chờ mấy ngày, cuối cùng hình cũng rửa xong, con sẽ gửi chung với thư, nhưng tiếc là hình của thầy Kanakura bị hư do chụp ngược sáng).
Con tính thu thập về “Nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ” cho Viện thật đầy đủ, nhưng không biết tạp chí “Ấn Độ Phật giáo học” trong thư viện của trung tâm nghiên cứu đã có những số nào rồi.
“Thần Điền Đông Dương Đường” có toàn tập, bắt đầu từ số thứ nhất (nhưng thiếu số 7, 8, 9, 11, 12), giá bán mỗi tập khoảng 4.000 yên Nhật, 60 tập là 250.000 yên.
Giá tiền không thấp, ngoài ra cũng có bán lẻ những quyển từ số 40 - 60, mỗi tập 2.000 yên. Mức giá này tương đối hợp lý, không biết ý của thầy như thế nào?
Kính thư, pháp an.
Huệ Mẫn đảnh lễ.
Ngày 22 tháng 8 năm 1986
2) Báo cáo ngày 16 tháng 10 năm 1986: về việc liên lạc với thầy Tamaki Koshiro (玉城康四郎) đến Đài Loan giảng dạy.
Kính gửi thầy Viện trưởng!
Thời tiết càng ngày càng lạnh, ở New York chắc đã có tuyết rơi, xin thầy hãy bảo trọng.
Theo ý lá thư trước của thầy, con đã viết lại một lá thư và gửi cho thầy Tamaki Koshiro và thầy cũng đã lập tức gọi điện trả lời con. Về nguyên tắc thì như vậy, nhưng vẫn còn một khoảng thời gian nữa mới bước sang năm sau, nên vẫn chưa thể quyết định được ngày khởi hành. Chờ đến khi đã rõ ràng về ngày khởi hành, thời gian bay, chuyến bay, thầy sẽ liên lạc sau. Về chi phí vé máy bay, trong thư con cũng có nói với thầy ấy về ý của thầy, để thầy ấy lựa chọn, nhưng trong điện thoại, thầy lại không nhắc đến chuyện này, con cũng không tiện hỏi. Con tính lần sau khi liên lạc, nếu thầy vẫn không chủ động nhắc đến, thì con sẽ hỏi.
Con vẫn chưa nhận được thư của thầy Quả Tường nhắc đến chuyện mua sách.
Con nghĩ con nên trực tiếp liên lạc với Đài Bắc là được, không nên để thầy gặp phiền về chuyện tiền bạc ở nước Mỹ.
Trước mắt Sở Nghiên cứu Phật học Ấn Độ nghe nói Phòng Nghiên cứu Triết học Ấn Độ ở Đại học Tokyo có sách, con sẽ đến liên lạc một ngày gần nhất, sau đó sẽ so sánh giá với kho sách cũ Đông Dương Đường rồi quyết định (trước mắt con biết được số báo mới, mỗi bộ 2.000 yên).
Tóm lại, về mặt tiền bạc, ở đây con ứng trước cũng rất thuận lợi, xin thầy đừng lo.
Ba tháng trước, Trung Quốc Đại Lục xuất bản bộ “Từ điển Tạng Hán” ba tập, tổng cộng hơn 3.000 trang với hơn 53.000 mục từ giải thích Tạng Hán cùng ví dụ rõ ràng, chủ yếu là dùng thuật ngữ Phật giáo. Có thể nói, trước mắt đây là bộ sách công cụ đầy đủ nhất, giá cả phải chăng (mức giá khoảng 9.000 yên Nhật). Con tính mua gửi về, không biết có phù hợp không? Xin thầy cho con biết.
Kính thư, pháp an, tịnh an.
Huệ Mẫn đảnh lễ.
Ngày 16 tháng 10 năm 1986
3) Ngày 23 tháng 10 năm 1986, trả lời: Về việc liên lạc với thầy Tamaki Koshiro (玉城康四郎) đến Đài Loan giảng dạy.
Kính gửi thầy Viện trưởng!
Tối thứ 7 tuần trước (ngày 18), cũng như thường ngày, sau khi thư viện đóng cửa, con trở về ký túc xá, đọc tất cả những lá thư của viện gửi đến liên quan đến việc thầy Tamaki sẽ tới Viện giảng dạy.
Tối hôm đó, con lập tức liên lạc với thầy Tamaki. Thầy nói thầy cũng đã nhận được thư của Viện trưởng, nhưng phải đến thứ hai (ngày 20) sau khi có thời gian rảnh đến trường (trước mắt thầy đang giảng dạy tại Học viện Đại học Nhật Bản) thì mới biết chắc. Vì vậy mới hẹn con chiều thứ hai hoặc thứ ba đến Đại học Nhật Bản để cùng nói chuyện với thầy sau khi tan lớp. Đại học Nhật Bản cách Đại học Tokyo cũng gần, nhưng lại trùng ngày con có tiết học, nên con đã hẹn lại chiều hôm qua (thứ ba ngày 22) đến khu Suginami (杉並區), nơi thầy ở, để gặp thầy.
Anh Nhan Thượng Văn là bạn trong lớp tiến sĩ Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm, mới đến Đại học Tokyo nghiên cứu một năm, từ hồi đầu tháng 9. Trùng hợp là căn phòng bên cạnh phòng con còn trống, nên con đã đặt phòng này giúp anh ấy. Từ đó, chúng con đã trở thành hàng xóm. Anh ấy biết con sắp đến thăm thầy Tamaki, vì ngưỡng mộ danh thầy đã lâu nên anh ấy muốn cùng con đến chiêm ngưỡng phong thái của thầy, thế là chúng con cùng đi.
Sau khi nói chuyện với thầy Tamaki, kết quả có những điểm sau đây, mời thầy xem qua:
1. Thời gian thầy đề nghị ban đầu là cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, nhưng do vào khoảng ngày 10 tháng 3, Trường Đại học Nhật Bản có việc quan trọng, thầy Tamaki nhất định phải chủ trì. Vì vậy thầy Tamaki đã đề nghị bắt đầu vào ngày 13 hoặc ngày 14 tháng 3, và sẽ kéo dài khoảng một tháng. Thầy xem thời gian này có thuận tiện cho Viện không? Kính xin thầy cho biết ý kiến.
2. Thầy Tamaki nói: Nếu giảng bài bằng tiếng Nhật, các học sinh có hiểu không? E rằng phải cần có phiên dịch. Không biết Viện sắp xếp chuyện này thế nào?
Ngoài ra, vì cuộc sống thường ngày của gia đình thầy, Huệ Mẫn cũng mong tìm được một người trẻ biết tiếng Nhật (người phụ nữ đảm đang việc nhà là tốt nhất) chăm lo sẽ thỏa đáng hơn, vì họ cần phải ra chợ mua rau, mua tạp hóa, có người thân quen phụ giúp sẽ thuận tiện hơn.
3. Thời gian học: Mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 2 tiếng đồng hồ là lý tưởng nhất.
4. Thầy Tamaki rất sợ lạnh, phần cần chuẩn bị còn lại thì không có gì, chỉ cần một cái mền.
Ngoài ra, về mặt giáo trình, trước mắt ở Viện có máy photo, nên vấn đề cũng không lớn.
Từ bản giáo án của Viện mà con mang theo, thầy Tamaki cũng đã hiểu được giáo trình các học sinh của Viện đang theo học, từ đó có sự cân nhắc cho nội dung của các bài giảng.
Tóm lại, hai vợ chồng thầy rất sẵn lòng đến Đài Loan giảng dạy, nếu ở Viện có quyết định gì rõ ràng xin thầy cho con biết.
Kính thư, pháp an.
Huệ Mẫn đảnh lễ.
Ngày 23 tháng 10 năm 1986.
2.3.2. Chi tiết cuộc sống du học ở Nhật Bản
Năm thứ nhất (1986), tôi thuê phòng ở gần Đại học Tokyo một năm. Giá thuê phòng ở Nhật Bản rất đắt. Đặc biệt là phòng có nhà vệ sinh và phòng tắm thì giá thuê sẽ đắt hơn gấp hai đến ba lần. Vì thế, đại bộ phận học sinh Nhật Bản, hoặc du học sinh đều thuê phòng không có nhà vệ sinh và phòng tắm bên trong. Họ ra tắm ở nhà tắm công cộng. Ở Nhật có rất nhiều nhà tắm công cộng. Tôi nghĩ người xuất gia mà ra nhà tắm công cộng sẽ không tiện lắm, nhưng vì tiết kiệm nên tôi cũng thuê loại phòng không có nhà tắm. Vậy làm sao tắm đây? Nơi tôi thuê là một căn phòng có diện tích bằng bốn tấm nệm tatami nhỏ, bên ngoài có phòng trống công cộng, không trang bị thiết bị phòng tắm, nên tôi nấu một ấm nước nóng rồi mang vào phòng đó tắm.
Bác sĩ Lý Tuyên Trung trước đây từng học Phật học ở Học viện Y khoa Đài Bắc với tôi, cha của anh ấy là một bác sĩ thâm niên ở phòng khám Nhật Bản. Vùng nông thôn Nhật Bản tương đối thiếu bác sĩ. Họ đã chiêu mộ những bác sĩ biết tiếng Nhật từ Đài Loan đến làm việc, đặc biệt là những bác sĩ Đài Loan đã từng được đào tạo ở Nhật Bản. Cha của bác sĩ Lý Tuyên Trung cũng qua Nhật trong thời gian đó. Sau đó, bác sĩ Lý Tuyên Trung cũng theo cha, đến Nhật Bản lập nghiệp. Tuy họ lập nghiệp ở huyện Nagano, thuộc vùng ngoại ô Tokyo, nhưng cũng có căn nhà ở Tokyo, mặc dù rất ít khi sống ở đó. Anh đã đưa chìa khóa nhà cho tôi mượn. Anh nói: “Thầy mỗi ngày đều phải đi xe điện ngầm khoảng một tiếng đồng hồ, không tiện lắm. Cuối tuần thầy có thể đi tắm một lần thật sạch, còn thường ngày thì tắm qua loa được rồi”. Rất cảm ơn gia đình bác sĩ Lý đã chăm sóc cho tôi. Anh cũng là người bảo đảm visa cho tôi trong thời gian du học ở Nhật. Đoàn thể học Phật gồm các du học sinh ở gần Tokyo chúng tôi đã từng đến nhà anh tổ chức hoạt động niệm Phật tinh tấn qua đêm. Vợ chồng anh cũng đã đón tiếp rất nhiệt tình.
Mùa xuân năm thứ hai (1987), tôi đã rất thuận lợi và thi đậu vào lớp thạc sĩ của Đại học Tokyo. Một hôm, trên bảng thông báo của trường, tôi đọc được một trang thông báo cho thuê phòng. Địa điểm của phòng trọ đó ghi là “Chùa Gangyoji (願行寺)”. Đó là phòng của chùa được đem cho thuê với mức giá khá rẻ và cũng ở rất gần trường. Chùa ở bên cạnh Viện Nông học Đại học Tokyo, đối diện Trung tâm Nghiên cứu Địa chấn Đại học Tokyo. Tôi đã dành thời gian đến coi thử. Lúc đó, vợ của chủ nhà (trụ trì Shuda Haneda 羽田修果) đã tiếp đón tôi. Nhìn thấy tôi là người xuất gia, bà rất vui. Bà nói: “Thầy là người xuất gia từ Đài Loan đến, nên sẽ tính mức giá rẻ đặc biệt”. Tôi ở cho đến khi tốt nghiệp, cuộc sống rất vui vẻ với cả gia đình họ. Không lâu sau, chủ nhà hiểu được người xuất gia Đài Loan không tiện đến tắm ở nhà tắm công cộng, nên đã hỏi tôi: “Phòng của chúng tôi không có phòng tắm, vậy thầy tắm bằng cách nào”? Tôi trả lời: “Thường ngày tôi chỉ lau sơ, cuối tuần sẽ đến nhà bạn tắm thật sạch”. Chủ nhà đề nghị: “Như vậy quá phiền phức, vậy thầy cứ dùng nhà tắm của chúng tôi”. Tôi nhận lời. Gia đình của họ gồm: con nuôi Haneda Yoshitaka - 羽田芳隆 (sau này tiếp nhận trụ trì chùa Gangyoji) và ba người con ruột. Cho đến giờ chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Lần nào tôi đến Tokyo, họ cũng đều hoan nghênh tôi đến nhà họ ở trọ. Con trai của họ – Hiroshi Osamu (浩修), và hai cô con gái – Akiko (晃子) và Yukiko (由紀子), cũng là những người bạn nhỏ thân thiết trong thời gian tôi ở đây. Họ đều coi tôi như người nhà. Tôi vô cùng biết ơn sự che chở của những người con Phật như họ.
Thời gian du học ở Đại học Tokyo, đó là thời gian học tập được nhiều phước báu nhất của tôi. Tôi có học bổng tài trợ, có môi trường tốt để chuyên tâm học hành. Không khí học tập ở Đại học Tokyo rất sôi nổi. Trong thư viện chính lúc nào cũng kín người, nếu như không giữ chỗ trước, có khi không còn chỗ ngồi. Vì thế, từ sáng sớm mọi người đã đến xếp hàng, rồi ở đó cho đến tối khi thư viện đóng cửa mới ra về. Mỗi ngày, mới sáng sớm, khi cửa thư viện còn chưa mở, tôi đã phải đến xếp hàng để giành chỗ. Giữa giờ chúng tôi vẫn có thời gian lên lớp và ăn cơm, rồi lại quay lại thư viện. Nguyên nhân khiến tôi thích được đọc sách ở thư viện đó là môi trường đọc ở đó thật sự rất tốt, có đủ các loại sách mà tôi và mọi người muốn đọc. Khi cần tìm sách và tư liệu cũng đều rất thuận tiện. Các nhân viên thư viện lúc nào cũng vui vẻ và nhanh chóng giúp bạn lấy sách ra để đọc. Hơn nữa, trong thư viện có máy điều hòa không khí để sưởi ấm hoặc làm mát nên chúng tôi có thể tiết kiệm được việc dùng điện ở ký túc xá. Ngoài ra, không khí đọc sách ở đây cũng tạo cho chúng tôi sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Bữa sáng của tôi khi du học ở Nhật chủ yếu là bánh sandwich. Cạnh trạm xe điện ngầm Zenu (根津) gần chùa Gangyoji (願行 寺) có một tiệm bánh mì sandwich, do một người cha già cùng với một người con trai và một người con gái thay phiên nhau bán. Ở đó có bán cả bánh sandwich chay nên tôi thường đến đó mua về ăn sáng. Cuối năm, tôi nói với họ là vài ngày nữa tôi sẽ về Đài Loan đón Tết âm lịch nên sẽ có một thời gian không đến mua bánh. Ý của tôi là muốn cho họ biết lý do tôi không mua bánh trong thời gian đó. Nhưng không ngờ hôm sau, khi tôi đến mua bánh, ông chủ đưa cho tôi một phong bì đựng tiền và bắt tôi phải nhận cho bằng được. Khi về đến nhà, mở ra tôi thấy trong đó có hơn 100.000 yên Nhật, tôi thật sự không biết phải làm sao mới phải.
Tôi nghĩ không biết họ phải bán bao nhiêu cái bánh sandwich mới kiếm được hơn 100.000 yên? Cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ tới điều đó, tôi vẫn rất cảm động, vì hai bên không quen biết nhau, đến cả họ tên của nhau cũng không biết.
Đại học Tokyo có nhiều kiểu nhà ăn, bữa trưa có thể tìm vài món chay trong nhà ăn của trường. Thỉnh thoảng, tôi cũng tự nấu. Tôi có một cái nồi điện nên mua một ít mì và rau cải, rồi cứ bỏ tất cả vào nồi nấu, đến khi chín là mang ra ăn. Sau đó, có một du học sinh Đài Loan dẫn tôi đến một tiệm mì Nhật có tên là Maiseian (萬盛庵). Tiệm mì này có bán nguyên liệu nấu món chay. Ông chủ biết tôi ăn chay, nên nói: “Được rồi, chúng tôi sẽ chuẩn bị riêng cho thầy một bữa chay có bánh nhân đậu, mì lúa mạch và cơm trắng, còn có rau củ và dưa muối Nhật Bản”. Từ đó, tôi thường đến đấy dùng cơm chay. Cả nhà họ đều rất tốt với tôi. Còn nhớ, khi tôi học xong, chuẩn bị về nước, họ còn tặng đặc sản địa phương cho tôi để làm quà. Sau này, khi đến Tokyo, những người bạn Nhật cũng mời tôi đến đó ăn cơm chay. Vài năm trước, tôi nghe nói cửa hàng đã ngừng kinh doanh, vì chủ tiệm đã già và không có người kế nghiệp.
Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản chỉ cho du học sinh Đài Loan hai năm học bổng, nhưng mức học bổng rất ưu đãi, gần bằng mức lương của sinh viên tốt nghiệp đại học ở Nhật. Đối với một du học sinh, nếu biết tiết kiệm, có thể tiêu khoản tiền đó trong ba năm. Sau ba năm, tôi xin học bổng của Rotary Club Quốc tế Nhật Bản. Họ có phân công nhân viên cố định của Câu lạc bộ hỗ trợ những sinh viên nhận học bổng. Tôi được ông Takahashi (高橋), hội viên thuộc chi hội phường Omiya (大宮駅) của Rotary Club hỗ trợ. Họ định kỳ mời những học sinh nhận học bổng tham gia những buổi gặp mặt và liên hoan. Ngoài ra, tôi được thầy hướng dẫn – Giáo sư Yasunori Ejima (江島惠教) giới thiệu, nên tôi cũng được lĩnh học bổng Đại Pháp Luân của Nhật Bản. Đây là học bổng của giới Phật giáo, nhưng sau này khi về Đài Loan đi làm phải trả lại, nó giống như một khoản vay trợ giúp học tập. Ông Saito Sengoku (齊藤仙邦) – học sau tôi, bây giờ là Giáo sư của Đại học Tohoku Fukushi (東北福祉大学) Nhật Bản, khi ấy cũng rất quan tâm đến nguồn tài chính của tôi, đã giới thiệu tôi xin học bổng của chùa Zenji (善寶寺), chùa Tsuruoka (龍澤山), huyện Yamagata (山形縣). Nhờ có sự trợ giúp của các khoản học bổng này, tôi không còn phải lo lắng đến tiền ăn, tiền học nữa. Ngoài ra, sư phụ của tôi – Pháp sư Thánh Nghiêm và những tín đồ Đài Loan (như các cư sĩ: Lâm Chính Nam, Trần Vũ Hâm, Lại Kim Quang…) cũng rất quan tâm đến tình hình kinh tế của tôi, đã tùy duyên tài trợ. Những thiện duyên này tôi thật sự khó thể báo đáp.
2.3.3. Hai năm hoàn thành học vị Thạc sĩ, ba năm nhận học vị Tiến sĩ
Năm thứ nhất tôi đến Nhật Bản với mục đích muốn nghiên cứu sách chú giải Tịnh minh cú luận của luận sư Nguyệt Xứng (Candrakīrti) – thế kỷ thứ VII Ấn Độ. Sách này có liên quan đến kệ tụng Trung luận của Bồ tát Long Thọ sáng tác. Quyển này có văn bản tiếng Phạn và chưa được dịch sang tiếng Trung nên giới Phật giáo Trung Quốc không hiểu rõ. Ban đầu, tôi tính làm đề tài đó, nhưng sau khi đến Nhật Bản, thấy có không ít học giả Nhật Bản đã làm đề tài này, nên tôi cảm thấy nếu mình làm đề tài này nữa thì hơi dư thừa. Sau đó, tôi đã mua được quyển tiếng Phạn dịch ra tiếng Hán cuốn Du già sư địa luận – Thanh văn địa. Trong nội dung của Thanh văn địa có rất nhiều đề tài nghiên cứu, thảo luận mang tính lý luận và thực tiễn liên quan đến tu hành thiền định. Tôi thấy đề tài này thật hay, nó nói đến quá trình của con đường giải thoát một cách cụ thể và rất tinh tế. Vì vậy, đến khi học thạc sĩ năm thứ hai, tôi đã quyết định thay đổi phương hướng, đề tài luận văn của tôi là Thanh văn địa. Lúc đó Giáo sư Jikidō Takasaki (高崎直道) đã nghỉ hưu, chuyên gia về Trung quán – Giáo sư Yasunori (保典) – tiếp nhận vị trí giáo viên chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Phật học và Triết học Ấn Độ. Học trò của thầy Takasaki (nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ), cũng đều chuyển đến làm học trò của Giáo sư Yasunori. Nhờ nhân duyên đó, Giáo sư Yasunori đã trở thành người hướng dẫn thạc sĩ và tiến sĩ của tôi.
Đến năm 1988 thì tôi viết xong luận văn thạc sĩ với đề tài liên quan đến Tư lương luận và Chủng tính luận của Thanh văn địa, còn đề tài Thảo luận con đường giải thoát của Thanh văn đòi hỏi phải có đầy đủ “chủng tính” (điều kiện ban đầu), và “tư lương” (điều kiện sau này). Tôi hoàn thành trong vòng hai năm, cũng là thời hạn thấp nhất của Đại học Nhật Bản quy định: thạc sĩ ít nhất phải học hai năm. Tôi được nhận chứng chỉ học vị thạc sĩ (số hiệu Khoa học xã hội số 3532).
Đề tài luận án tiến sĩ tiếp theo của tôi là Nghiên cứu sở duyên của Thanh văn địa. Thảo luận về cơ chế ảnh hưởng lẫn nhau của thân và tâm (sở y), và chủng loại đối tượng thiền tu (sở duyên) của Thanh văn; cuối năm 1991 thì tôi viết xong. Cũng rất cảm ơn các em học lớp dưới gồm Izawa Atsuko (伊澤敦子) và Hiroki Ariga (有賀弘紀), ở Đại học Tokyo đã giúp tôi trong việc chỉnh sửa bản thảo tiếng Nhật cho luận án. Năm 1992, thông qua thẩm tra và thi vấn đáp, tôi được nhận chứng chỉ học vị Tiến sĩ (số hiệu Tiến sĩ khoa học xã hội số 48). (Thời gian tu học của tôi vừa đúng với quy định về thời hạn tu nghiệp thấp nhất của đại học Nhật Bản – tiến sĩ ít nhất phải ba năm). Chính vì vậy, khi tôi hoàn thành học vị thạc sĩ và tiến sĩ, thầy hướng dẫn của tôi – Giáo sư Yasunori đã nói: “Ở Đại học Tokyo Nhật Bản, con là một trong số ít sinh viên hoàn thành học vị thạc sĩ và tiến sĩ trong thời gian ngắn nhất”.
Điểm lại những nhân duyên giúp tôi hoàn thành việc học một cách thuận lợi đó là: trước tiên, tôi giữ thói quen đến trường học tập, đọc sách, làm việc và nghỉ ngơi theo thời gian biểu như một quy luật nhất định. Đặc biệt là thời gian lên lớp tôi rất nghiêm túc, với tâm trạng thật sự thích học. Thầy chúng tôi đã từng động viên: “Ở Đại học Tokyo, con có thể nhận được tất cả các phần thưởng chuyên cần”. Tôi thường đến trường sớm từ 5 - 10 phút, và ôn bài trước khi vào lớp, để thân tâm sẵn sàng cho việc học tập nên thầy có ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Trong các giờ học trên lớp, tôi có sự tương tác với thầy và các bạn học một cách tự nhiên. Tôi đưa ra suy nghĩ cá nhân của mình để mọi người tham khảo một cách đúng lúc. Điều quan trọng hơn cả là tôi tìm được phương hướng nghiên cứu tích cực đối với đề tài mà mình yêu thích. Nó vừa thích hợp với năng lực của mình, lại vừa có ích cho giới học thuật.
2.3.4. Tình hình học Tiếng Nhật và các phương diện khác
Trước khi ra nước ngoài, tiếng Nhật của tôi được thông qua bài trắc nghiệm ngoại ngữ du học, sau đó thông qua học bổng của Hội Học thuật Giao lưu Nhật Bản. Về cơ bản, phần “đọc hiểu” tôi đã đạt trình độ nhất định, nhưng về phần “nghe”, “nói” và “viết” thì tương đối vất vả. Do đó, trong thời gian ở Nhật Bản, tôi đặc biệt trau dồi về ba kỹ năng này. Khi có thời gian thì nghe thêm đài phát thanh bằng tiếng Nhật; lúc nào bên mình cũng có quyển sổ tay để ghi lại những câu từ, nội dung bảng hiệu, thông báo, hoặc tài liệu thuyết minh mà mình không hiểu; luôn luôn mang theo từ điển điện tử (bao gồm cả máy tính xách tay điện tử). Có thời gian là tôi đem ra tra cứu những từ mới nghe hoặc mới thấy. Thời gian lên lớp cũng như vậy, cột bên phải của sổ tay ghi lại những câu từ chưa hiểu. Tan giờ học tôi lập tức tra cứu những từ này. Lúc mới vừa nghe, tôi chỉ có thể nghe được một vài từ, sau khi tan lớp, tôi mượn sách của những người bạn Nhật, để xem mình còn thiếu những chỗ nào rồi điền bổ sung vào. Sau đó, càng ngày tôi càng nghe được nhiều hơn, tiến tới nghe hiểu trọn câu, trọn đoạn, rồi trọn cả bài. Sau khi đã nghe được, tôi cố gắng hết sức để biểu đạt bằng tiếng Nhật. Ví dụ: đến siêu thị, khi nghe được những câu từ, cuộc nói chuyện của người khác, tôi cố gắng bắt chước theo tình huống đó. Với những đối tượng thích hợp thì tôi tập nói chuyện với họ. Những khái niệm nghe được trên lớp, tôi cũng tập nói bằng cách tìm cơ hội chia sẻ với người khác. Viết bài cũng như vậy. Chỉ tiếc là, lúc đó tôi đã không tập thói quen viết nhật ký bằng tiếng Nhật.
Đại học Tokyo có chế độ cho du học sinh mời gia sư ở năm thứ nhất, nhưng các gia sư rất bận, du học sinh cũng rất bận, nên chúng tôi không gặp nhau thường xuyên. Gia sư của tôi là anh học lớp trên. Anh ấy giúp tôi đọc giáo án có liên quan đến kỳ thi nhập học. Ngoài việc lên lớp, tôi còn nghe chương trình của Đại học Quốc lập từ xa, ở Nhật gọi là Đại học Mở. Hễ có thời gian rảnh là tôi mở đài phát thanh để nghe. Khi nào bị trùng với giờ lên lớp, tôi liền ghi âm lại để nghe sau. Tôi mua sách của Đại học Mở Quốc lập để học. Tôi còn có một suy nghĩ là, ngoài việc đến Nhật để học Phật học ra, tôi cũng muốn học thêm một số kiến thức liên quan. Lúc đó, tôi nghe khá nhiều, bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, triết học, ngôn ngữ học, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nhật, khoa học thần kinh não và những khóa học liên quan đến văn hóa Nhật Bản. Bên cạnh việc nghe đài, tôi còn xem một số chương trình giáo dục trên đài truyền hình của Đại học Mở Nhật Bản, và NHK (Đài Truyền hình Quốc gia Nhật Bản). Thông qua những kênh này, tôi mở rộng thêm môi trường học tập của mình. Ngoài sách Phật học, tôi còn mua rất nhiều loại sách khác, điều này rất có ích đối với các khóa học giáo dục phổ thông của tôi ở Học viện Nghệ thuật quốc lập sau khi tôi về nước.
2.3.5. Kinh nghiệm tham gia thi vấn đáp
Trước khi ra nước ngoài, tôi có một sự trải nghiệm rất thú vị khi thi vấn đáp ở Hiệp hội Giao lưu. Đối với kỳ thi này, các thí sinh Đài Loan rất căng thẳng. Lần đầu tiên họ đối diện với giám khảo người Nhật Bản, trong đó còn có chủ quản bộ môn của Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản đích thân tham gia. Một thí sinh xếp thứ tự phía trước tôi sau khi ra khỏi phòng thi đã nói: “Vừa rồi tôi bị cứng lưỡi luôn”. Riêng tôi lại có cảm giác thật vui vì muốn được thử thách qua sự trải nghiệm này. Tôi tự nhủ: “Hiếm có được cơ hội được nói tiếng Nhật với người Nhật. Lúc bình thường dẫu có muốn nói chuyện với người khác, người ta cũng đâu có chịu lắng nghe. Bây giờ vì là cuộc thi, nên họ đành phải ngồi đó lắng nghe tôi nói”. Tôi cảm thấy đây thực là điều rất may mắn, có cảm giác giống như đó là quá trình được làm bạn với người Nhật, được cùng nói chuyện với người Nhật ở phòng khách. Chính vì vậy mà tôi có cảm giác tự tại một cách không ngờ. Trước đây, lúc bình thường, khi nói tiếng Nhật tôi không được thoải mái cho lắm. Nhưng hôm thi đó, khi gặp người Nhật Bản, tôi lại nói rất rõ ràng, mạch lạc. Những người có mặt ở đó hình như cũng cảm thấy thí sinh này đã nói rất tự tin, thoải mái, thật là ngoài sự tưởng tượng của tôi.
Lúc đó, tôi thấy mình đang ở trong cảm giác hưởng thụ – hưởng thụ tiếng Nhật. Có được suy nghĩ này là do tôi chịu sự ảnh hưởng quan niệm của thầy Lưu Nguyên Hiếu, thầy giáo lớp ôn tập tiếng Nhật Trung Hiếu. Thầy thường dí dỏm động viên chúng tôi: “Các bạn đừng sợ nói tiếng Nhật. Bạn nói tiếng Nhật, họ không hiểu là họ không may, chứ không phải các bạn”. Cách nghĩ này khiến chúng tôi bớt lo sợ khi nói tiếng Nhật, và thật vui khi được biểu đạt những suy nghĩ của mình với người khác, được chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của mình với nhiều người hơn.
Những trải nghiệm lúc thi vấn đáp trong thời gian học tiến sĩ của tôi cũng giống như vậy. Hầu hết những thầy cô có liên quan đến nghiên cứu Phật học ở Đại học Tokyo đều trong đội ngũ Ủy viên của hội đồng thi. Tôi thường xem các cuộc thi như là một kiểu hưởng thụ. Tôi luôn cảm thấy đọc sách là vì bản thân, chứ không phải vì cuộc thi. Thi cử chỉ là để kiểm nghiệm bạn đã đọc sách đến trình độ nào, nên không cần sợ, mà ngược lại phải hưởng thụ nó, thích thú đối diện với nó. Sau này tôi thường động viên những học sinh của tôi là “các bạn không nên sợ các cuộc thi hoặc thi vấn đáp”.
2.3.6. Xác định vị trí thích hợp cho mình
Thời gian du học ở Đại học Tokyo đã cho tôi có thể tự mình cảm nhận được những hạn chế cũng như khả năng của những học giả Nhật Bản hàng đầu và của những học sinh nghiên cứu khoa học; cho tôi nhìn thấy những nhân sĩ thông minh có thể đạt được trình độ nào. Điều đó giúp tôi xác định vị trí thích hợp cho bản thân mình, không tự cao cũng không tự ti. Cũng chính vì lẽ đó, tôi vẫn thường động viên sinh viên: “Nếu như có được cơ hội đến một ngôi trường được gọi là hạng nhất, bất kể là một thời gian ngắn hay dài cũng đều có ích”. Bởi vì ở đó, có thể nhìn thấy sự tinh anh của những thầy cô và học sinh trong giới học thuật, nhìn thấy khả năng của những người rất thông minh này. Đặc biệt là người Nhật Bản, họ rất giỏi về vận dụng sức mạnh của tập thể. Họ cũng rất giỏi về sự truyền trao giữa thầy và trò, nên có thể thấy trí tuệ vô hạn của những vị Gia Cát Lượng nằm ở đâu, từ đó khiến bạn sẽ không tự đánh giá cao bản thân, nhưng cũng không đánh giá quá thấp mình. Bởi vì bạn có thể mở rộng góc độ để nhìn những ưu, khuyết điểm của đủ kiểu nhân tài, rồi từ đó tìm được vị trí thích hợp cho bản thân mình.
Ví dụ, tôi đã từng học tiếng Phạn ở trường đại học, phải rất cố gắng để theo kịp tiến độ của thầy và chúng bạn. Có một học viên tháng thứ hai sau khi nhập học đã đọc hết giáo án bằng tiếng Phạn. Bảng từ mới trong mục lục của giáo trình, hình như vị ấy cũng học thuộc. Trong giờ lên lớp, khi thầy giáo cho những học viên làm bài tập tiếng Phạn, anh ấy có thể làm rất nhanh và chính xác, nhưng về ý nghĩa của bài thì anh ấy không có hứng thú lắm. Tôi thì còn phải tra từ điển và sách ngữ pháp mới có thể hiểu được, nên cứ tự than thở mình thua kém.
Tư liệu sách báo của Đại học Tokyo rất phong phú, môi trường học tập cũng rất tốt. Đây là nơi nghiên cứu học thuật quan trọng. Rất nhiều học giả nổi tiếng quốc tế, khi đến Nhật Bản học tập, họ đều đến thăm Đại học Tokyo; nhà trường cũng đều dành thời gian sắp xếp cho họ diễn thuyết và giảng dạy. Thế nên học sinh nhà trường có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều học giả nổi tiếng. Do vậy, khoảng thời gian du học ở Đại học Tokyo đã cho tôi một môi trường học tập rất tốt để nâng cao trình độ học vấn.
Ngoài ra, tôi còn tìm cơ hội học tập khác ngoài nhà trường. Ví dụ: tôi xác định được phương hướng nghiên cứu của mình là Du già sư địa luận – Thanh văn địa, là nhờ cuộc họp mặt định kỳ của Hội nghiên cứu Thanh văn địa ở Đại học Taisho (大正大学), do những vị giáo sư và nhà nghiên cứu tổ chức. Mục đích nhằm giải nghĩa và hiệu đính lại những bản viết tay tiếng Phạn, rồi sau đó dịch sang tiếng Nhật. Mỗi tuần họp mặt định kỳ để cùng thảo luận, sau đó đăng trên tập san học thuật. Khoảng cách từ Đại học Tokyo đến Đại học Taisho, đi xe đạp mất khoảng 30 phút nên việc đi lại cũng thuận tiện. Nhưng tôi chưa biết làm sao để có thể tham gia Hội nghiên cứu Thanh văn địa của Đại học Taisho. Vì lý lịch của tôi lúc đó vẫn là nghiên cứu sinh, còn những thành viên trong Hội nghiên cứu Thanh văn địa đều là giảng viên. Tôi đã chia sẻ suy nghĩ của mình với vị Phó Trụ trì của chùa Gangyoji (Tịnh độ tông) nơi tôi cư trú – Haneda Yoshitaka (羽田芳隆). Thầy Haneda tốt nghiệp ở Đại học Taisho (là trường đại học do Tịnh độ tông, Trí Sơn phái, Phong Sơn phái của Chân Ngôn tông và Thiên Thai tông cùng hợp tác). Ông nói có quen với một vị thành viên trong Hội nghiên cứu – Matsunami Yasuo (松濤泰雄), Ngài cũng là tăng lữ của Tịnh độ tông – có thể giới thiệu giùm tôi. Ông liền gọi điện thoại cho thầy Matsunami Yasuo để giới thiệu lai lịch của tôi. Sau đó để tôi nói với thầy về lời thỉnh cầu của tôi qua điện thoại. Thầy Matsunami Yasuo rất sẵn lòng cho tôi tham gia. Tôi rất cảm động và biết ơn thầy Matsunami Yasuo, vì sau khi trở về Đài Loan, Ngài vẫn tiếp tục gửi tư liệu về thành quả công bố của Hội nghiên cứu Thanh văn địa và thiệp chúc mừng cho tôi. Vài năm trước nghe nói Ngài đã mất. Cầu nguyện cho Ngài vãng sinh Tịnh độ.
Mãi cho đến khi tốt nghiệp Đại học Tokyo, tôi vẫn duy trì tham gia hội nghiên cứu Thanh văn địa của Đại học Taisho trong thời gian khoảng ba năm. Từ đó, tôi trải nghiệm được hoạt động nghiên cứu tập thể của giới học thuật Nhật Bản. Đối với từng chủ đề hoặc tài liệu lịch sử, họ tập hợp những bậc thầy có sở trường tương quan, lập thành hội nghiên cứu và phân công hợp tác. Có người phụ trách giải nghĩa các bản viết tay tiếng Phạn rồi dịch sang tiếng Nhật; có người phụ trách đọc những bản dịch tiếng Tạng hoặc tiếng Hán, sau đó cùng thảo luận từng câu, từng đoạn và sửa bản thảo. Tôi cảm thấy phong cách làm việc này rất chuyên nghiệp. Trong hội nghiên cứu này có người cao tuổi, trung niên và thanh niên. Người có thâm niên sẽ dẫn dắt mọi người kế thừa những thành quả đã có; còn những học giả trẻ tuổi cũng có thể đưa ra những cống hiến và phương pháp mới. Như vậy tự nhiên sẽ có một sự kế thừa và sáng tạo mới.
Ngoài ra, tôi cũng muốn chia sẻ một chút những hiểu biết của mình về Hội Nghiên cứu Phật học và Ấn Độ học Nhật Bản (The Japanese Association of Indian and Buddhist Studies – viết tắt JAIBS). Trong tương lai, giới Phật học Trung Quốc cũng có thể phát triển đoàn thể học thuật với quy mô như vậy.
Theo thông tin trên mạng của JAIBS, tổ chức này được thành lập năm 1951, trải qua quá trình phát triển hơn nửa thế kỷ, hiện có khoảng 2.400 hội viên, là hiệp hội có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn Nhật Bản. Thật ra, vào năm 1928, giới học thuật Nhật Bản đã thành lập Hiệp hội Phật giáo học Nhật Bản. Đến năm 1947, đổi thành Hội Phật giáo học Nhật Bản, rồi phát triển thành hội học thuật, và tiến tới phát triển trên toàn quốc. Nhưng do ý kiến của những người liên quan không thống nhất, nên điều ấy không thành. Phải đến năm 1949, ở Đại học Tokyo, những đại biểu học giả Phật học và Ấn Độ học Nhật Bản như: Masamoto Miyamoto (宮本正 尊), Ryoteru Kanakura (金倉圓照), Ryusho Tatagata (干潟龍 祥), Yoshihide Honda (本田義英), Masaru Yamaguchi (山口 益), Naohiro Tsuji (辻直四郎), Nobukatsu Hanayama (花山 信勝), Gen Nakamura (中村元), Yukio Tsujimoto (坂本幸男), Yoshio Nishi (西義雄), Yuya Tsujinaga (增永靈鳳) họp và bàn bạc để chuẩn bị cho việc này. Đến năm 1951, Hội Nghiên cứu Phật học và Ấn Độ học Nhật Bản chính thức được thành lập và đã phát triển trên toàn quốc, đồng thời thu hút được rất nhiều hội viên quốc tế.
Mùa hè hàng năm, hiệp hội này đều định kỳ mở đại hội học thuật. Địa điểm được thay phiên tổ chức tại những ngôi trường ở vùng Kantō và Kinki. Hàng ngàn học giả tham gia, được chia thành mấy chục nhóm. Mỗi nhóm một chủ đề để thảo luận. Mỗi năm một lần đại hội, là cơ hội cho mọi người được phát biểu và giao lưu. Số lượng và chất lượng các bài tham luận cũng từ đó được duy trì đều đặn. Đây cũng là nguồn tư liệu dồi dào để tổ chức hội thảo, giảm bớt được các buổi hội thảo học thuật tự bỏ kinh phí tổ chức. Hơn nữa, các học giả mỗi người ở một nơi nên việc tổ chức không phải lúc nào cũng thuận tiện.
Đại hội học thuật hàng năm này cho phép người tham gia phát biểu tham luận bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, chỉ cần cung cấp bản trích yếu bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật ngay tại chỗ là được; hoặc cũng có thể tự chuẩn bị người phiên dịch. Từ đó có thể thấy được tính dung nạp, quốc tế hóa của hiệp hội này. Ngoài ra, về đối tượng nghiên cứu, họ không chỉ có “Phật giáo Nhật Bản”, cũng không phải tất cả chỉ nghiên cứu “Phật giáo học”, mà còn nghiên cứu “Ấn Độ học”. Một phạm vi rộng lớn như vậy, rất đáng cho chúng ta tham khảo học hỏi.
2.3.7. Học vị Tiến sĩ của Nhật Bản
Học vị tiến sĩ của Nhật Bản chia ra hai cách thức để nhận, đó là “tiến sĩ luận án” và “tiến sĩ khóa học”. Truyền thống của “tiến sĩ khoa học xã hội” Nhật Bản chủ yếu là “tiến sĩ luận án”. Nghĩa là học xong khóa học tiến sĩ, sau đó tìm công việc như làm giảng viên. Sau 10 năm, dần dần tích lũy được thành quả nghiên cứu về một chuyên đề nào đó, trở thành người nổi bật trong việc nghiên cứu lĩnh vực này, và hoàn thành một tác phẩm chuyên môn có giá trị học thuật, làm cột mốc đỉnh cao trong đời sống học thuật, rồi làm “luận án” xin học vị tiến sĩ. Sau khi thông qua báo cáo đề tài khoa học và thi vấn đáp thì mới nhận được học vị tiến sĩ. “Tiến sĩ khóa học” thì trong thời gian học lớp tiến sĩ, hoàn thành luận án học vị tiến sĩ, tương đối giống PhD của nước Mỹ, xem như là cột mốc khởi đầu chính thức để bạn bước vào giới học thuật hoặc giới giáo dục.
Trong thời gian tôi du học ở Nhật Bản, có rất ít người hoàn thành học vị tiến sĩ dưới hình thức “tiến sĩ khóa học”, mà mục tiêu chủ yếu của họ là “tiến sĩ luận án” hoặc ra nước ngoài học đại học để lấy bằng tiến sĩ PhD, được tiếp xúc với nhiều trường đại học và các thầy khác nhau. Tôi còn nhớ vị thầy văn học Ấn Độ của Đại học Tokyo – Giáo sư Hara Minoru (原實) – từng nói với sinh viên: “Các bạn chỉ dừng ở việc học tập tại Đại học Tokyo, sẽ giống như ‘hôn nhân cận huyết’, không dễ đột phá; thay vào đó nên tiếp xúc với nhiều bậc thầy và nhiều môi trường khác nhau”. Vì vậy, Đại học Tokyo cũng cổ vũ sinh viên ra nước ngoài du học và chuyên tu ngắn hạn.
Lúc tôi vào lớp tiến sĩ, một sinh viên khóa trước đạt được “tiến sĩ khóa học” là một du học sinh Hàn Quốc nhưng cô ấy cũng ở lại Nhật Bản một khoảng thời gian mới nhận được học vị tiến sĩ. Lúc tôi nói với thầy hướng dẫn – Giáo sư Yasunori – rằng tôi muốn lấy “tiến sĩ khóa học” làm mục tiêu để viết luận án tiến sĩ. Thầy đã nói: “Được thôi, nhưng với điều kiện: Mỗi năm ít nhất có một bài báo đăng trên tập san học thuật, và đăng liên tục trong ba năm”. Lúc học thạc sĩ, tôi đã bắt đầu có bài đăng trên tạp chí học thuật Nhật Bản. Nếu tổng cộng lại tôi có thể đạt được điều kiện của thầy nên thầy đã nói: “Được, con cứ viết thử đi”. Khi nộp luận án, tôi là sinh viên đầu tiên của Giáo sư Yasunori nộp luận án tiến sĩ.
Ngày 24 tháng 12 năm 1991, tôi nộp luận án tiến sĩ cho nhà trường, nhưng thầy hướng dẫn nói phần báo cáo luận án và thi vấn đáp chắc không sớm như vậy, phải đến khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1992, bởi vì còn thời gian nghỉ Tết và nghỉ đông, sau đó lại phải bận rộn cho kỳ thi nhập học vào mùa xuân.
2.3.8. Du học tại Đại học Michigan - Mỹ và thăm Trung Quốc (Nửa đầu năm 1992, 38 tuổi)
Tôi tự hỏi mấy tháng rảnh rỗi này mình nên làm gì? Tiếp tục học ở Đại học Tokyo cũng được, nhưng đó là lúc tôi xin đến Trường Đại học Michigan ở Ann Arbor, Mỹ làm nghiên cứu sinh dự thính. Trường Đại học Michigan và Khoa Nghiên cứu Phật học Trung Hoa có ký bảng ghi nhớ giao lưu học thuật, có thể xin đi tham quan. Vì vậy, ở Đại học Michigan, tôi có thể được dự thính miễn phí, cũng có thể mượn sách của thư viện. Tôi học ở Khoa Ngôn ngữ Văn hóa Á Châu tại Đại học Michigan. Trong khoa có bộ môn Nghiên cứu Phật học, đã mở được một khóa học. Giáo viên chuyên trách lúc đó có Luis O. Gómez.
Ngoài ra, ở Ann Arbor còn có Hội Phật học do những học sinh người Hoa tổ chức. Họ mời tôi định kỳ đến giảng bài. Lúc đó tôi đã dùng The Heart Sutra Explained: Indian and Tibetan Commentaries (Chú giải tiếng Ấn và Tây Tạng về Bát nhã tâm kinh) của Giáo sư Donald S. Lopez (1988) Trường Đại học Michigan viết, để làm tài liệu giảng dạy. Sau đó, tại thành phố East Lansing ở cách Ann Arbor không xa, có trường đại học của bang Michigan. Ở đó cũng có Hội Phật học của người Hoa, họ cũng mời tôi đến giảng bài. Ở đây, tôi dùng Lục Tổ đàn kinh - The platform sutra of the sixth patriarch: the text of the Tun- huang manuscript with translation, introduction, and notes đã dịch sang tiếng Anh của Giáo sư Philip Boas Yampolsky để làm tài liệu giảng dạy.
Ở Ann Arbor, tôi thuê phòng trọ ở ký túc xá sinh viên do một đoàn thể Cơ Đốc giáo xây dựng. Họ định kỳ tổ chức một số hoạt động giao lưu. Tôi dùng thời gian nghỉ Tết của Mỹ, tham gia các cuộc dạy học vùng núi của những học giả và những sinh viên nước ngoài do họ tổ chức. Mục đích là đến các trường tiểu học và trung học ở vùng núi Appalachian của bang Tennessee thuộc miền Nam nước Mỹ, giảng dạy về nền văn hóa của nước mình. Ví dụ: Tôi giảng về văn hóa Đài Loan, Trung Quốc.
Nghiên cứu ngắn hạn tại Đại học Michigan, chia sẻ văn hóa Trung Quốc tại trường cấp một khu vực Appalach (mùa xuân năm 1992).
Lúc học môn học về lịch sử, địa lý của một quốc gia nào đó, sẽ có người của nước đó đến trực tiếp giới thiệu mà Phật giáo hay gọi là “hiện thân thuyết pháp”, thật là thú vị. Tôi đăng ký tham gia vào kỳ nghỉ Tết, đồng hành có người Nhật, Nga, Philippines, Malaysia, Singapore cùng những học giả và sinh viên nước ngoài đến từ Trung Quốc đại lục, tổng cộng khoảng hơn 10 vị. Người tham gia chỉ cần nộp chi phí ăn ở dọc đường, giáo hội Ann Arbor sẽ sắp xếp xe đưa đón, cung cấp phương tiện giao thông đi lại và sắp xếp các hoạt động tham quan đơn giản. Giáo hội ở vùng núi Appalachian thì sắp xếp việc ăn ở tại địa phương, trường lớp, hoạt động giảng dạy và các hoạt động tham quan, giao lưu với tập thể cư dân. Có lần chúng tôi đến tham gia buổi họp mặt của Hội Rotary ở địa phương để xem người Mỹ mở hội như thế nào. Họ còn mời một nhà nữ tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình giảng cho chúng tôi cách ứng phó với một vụ bạo lực gia đình.
Trong thời gian ở Mỹ, tôi cùng với những giáo sư của Đại học Michigan tham gia đại hội hàng năm của Hiệp hội Nghiên cứu châu Á (The Association for Asian Studies, AAS). Đây là tổ chức nghiên cứu châu Á có quy mô lớn nhất toàn cầu, có khoảng 8.000 thành viên, được thành lập vào năm 1941. Đây là một tổ chức học thuật phi lợi nhuận. Thông qua những cách thức giao lưu học thuật như: xuất bản tác phẩm, đại hội hàng năm và hội nghị mang tính khu vực để nhằm gia tăng hội viên tìm hiểu về Trung Quốc và các khu vực lân cận như vùng cận Đông, Đông Bắc Á, Nam Á, Đông Nam Á, v.v. Cuộc họp hàng năm kéo dài bốn ngày vào mùa xuân, tham dự có hàng trăm nhóm chủ đề và hàng chục nhà xuất bản, tạo cơ hội cho các học giả giao lưu và giới thiệu, bán các tác phẩm xuất bản. Đại hội năm 1992 được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 4 ở khách sạn Hilton khu Washington, DC.
Trong thời gian ở Đại học Tokyo, Nhật Bản, tôi quen với Giáo sư người Mỹ – Paul Groner – của Khoa Tôn giáo Đại học Virginia. Giáo sư là chuyên gia nghiên cứu Phật giáo Thiên Thai Nhật Bản (phái Tendai – 天台宗), thỉnh thoảng đến Nhật Bản để nghiên cứu hoặc giao lưu. Có lần ông nhận lời mời đến lớp của các thầy ở Đại học Tokyo để giảng bài. Biết tôi sắp đến Đại học Michigan nghiên cứu ngắn hạn, ông nói: “Khi nào tới Mỹ, hoan nghênh thầy đến gặp tôi”. Ông ấy rất thân với Giáo sư Daniel Stevenson của lớp dạy thêm Đại học Michigan. Vì vậy, Giáo sư Stevenson đưa tôi đi tham gia cuộc họp hàng năm AAS của khu Washington. Hội nghị kết thúc, Giáo sư Groner chở tôi từ khu Washington đến thăm Đại học Virginia và sắp xếp cho tôi ở lại nhà ông ấy. Đối với tôi, đây là sự trải nghiệm rất đặc biệt. Vì đây là lần đầu tiên tôi ở trong một gia đình bình thường của người Mỹ, được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của họ, cùng vui đùa với hai cô con gái song sinh mới học tiểu học của ông; trò chuyện với con trai của ông, và lắng nghe vợ chồng ông biểu diễn nhạc Gamelan bằng nhạc cụ gõ Indonesia; xem trực tiếp trận chung kết bóng rổ đại học (Đại học Michigan và Đại học Duke) giải NCAA. Tôi ở Đại học Virginia khoảng ba ngày, dự thính những khóa trình liên quan đến Phật giáo. Ông cũng giới thiệu tôi làm quen với một chuyên gia về Phật giáo Tây Tạng – Giáo sư Jeffery Hopkins. Sau này, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc. Từ đó, tôi cũng tiến cử du học sinh Đài Loan đến Đại học Virginia học tập.
2.3.9. Lần đầu thăm Trung Quốc đại lục
Đầu mùa hè năm 1992, trước khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại học Tokyo, Nhật Bản, Giáo sư Hoàng Tâm Xuyên của Khoa Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở đại lục và Giáo sư Tưởng Trung Tân – học giả tiếng Phạn của Đại học Bắc Kinh lần lượt mời tôi đến thăm Trung Quốc đại lục. Duyên gặp gỡ giữa tôi và họ là lúc ở Nhật Bản, tôi làm visa cho Giáo sư Hoàng và làm phiên dịch cho Giáo sư Tưởng. Ở Bắc Kinh, tôi được du học sinh Trung Quốc đại lục của Đại học Tokyo, Nhật Bản – Trần Tế Đông – sắp xếp cho tôi ở tại chùa Quảng Tế, cũng chính là nơi sở tại của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.
Giáo sư Hoàng Tâm Xuyên mời tôi đến Khoa Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc để diễn thuyết. Giáo sư Tưởng Trung Tân thì sắp xếp cho tôi tham quan Đại học Bắc Kinh và gặp gỡ với Giáo sư Lý Tiễn Lâm, Giáo sư Quách Lương Vân. Thời gian trú tại chùa Quảng Tế, tôi được quen với Pháp sư Thuần Nhất – phụ trách biên tập của tạp chí Pháp âm, tập san của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Ngài đưa tôi đi tham quan một số ngôi chùa nổi tiếng ở Bắc Kinh, như: Chùa Pháp Nguyên, cung Ung Hòa, chùa Giới Đàn, chùa Đàm Thác, v.v. Ngoài ra, cũng tại chùa Quảng Tế, tôi quen với con trai của Giáo sư Hoàng Tâm Xuyên – anh Hoàng Hạ Niên. Sau đó, chúng tôi còn gặp nhau rất nhiều lần trong các buổi hội thảo Phật học của Đài Loan và đại lục.
Lúc đó, Phật giáo Bắc Kinh mới bắt đầu phục hưng không lâu. Bắc Kinh chỉ có một quán chay, tên là Công Đức Lâm của nhà nước; vì vậy anh Hoàng ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã đãi tôi ở quán này. Tôi dùng phiếu cơm để ăn sáng ở chùa Quảng Tế. Lúc đi tham quan ở ngoài thì tùy duyên tìm một quán chay nào đó dùng bữa. Bắc Kinh lúc đó, hoạt động hoằng pháp giảng kinh của chùa hình như không nhiều lắm. Pháp luật quy định không được truyền giáo ở bên ngoài phạm vi chùa. Vì vậy, những người trẻ tuổi muốn học Phật, đa số mượn quán trà hoặc trong lúc luyện công để học. Bây giờ, tình hình học Phật ở Trung Quốc đại lục đã được cải thiện rất nhiều.