Tác giả Jiddu Krishnamurti (1895 - 1986) là một nhà diễn thuyết nổi tiếng ở một số nước Âu - Mỹ.
Trong những năm vừa qua, theo tinh thần đổi mới và hội nhập, nhiều tác phẩm của tác giả này đã được một số nhà xuất bản ở nước ta ấn hành và lưu thông trên thị trường xuất bản phẩm.
Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc cải cách giáo dục đã và đang được xúc tiến mạnh mẽ được xã hội quan tâm rất lớn về nhiều mặt trong giáo dục nhà trường cũng như giáo dục xã hội ngoài nhà trường.
Để cung cấp thêm cho bạn đọc tài liệu tham khảo nhằm phục vụ cho quá trình cải cách giáo dục nói trên, Nhà xuất bản Hồng Đức xin phép tái bản lần thứ 2 cuốn “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống” của tác giả J. Krishnamurti.
Trong cuốn sách này, tác giả J. Krishnamurti tự do bàn luận, kiến giải về rất nhiều Đề tài thuộc phạm vi giáo dục trong nhà trường và giáo dục ngoài xã hội - Như: “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”, “Loại hình giáo dục”. Về “Trí năng, uy quyền và trí tuệ”. Về “Giáo dục và hòa bình thế giới”. Về “Ngôi trường lý tưởng”. Về “Cha mẹ và người thầy”. Về “Tình dục và hôn nhân”. Về “Nghệ thuật, cái đẹp và sự sáng tạo”.
Trong quá trình bàn luận, kiến giải các vấn đề cốt lõi của giáo dục và liên quan đến giáo dục thời hiện đại, tác giả có nhiều ý kiến, quan điểm, tư tưởng về giáo dục mang tính gợi mở rất cần cho các nhà giáo dục nói chung, các nhà hoạch định chính sách giáo dục nói riêng tham khảo. Ví như: “Giáo dục không chỉ dừng lại ở việc sở đắc kiến thức, thu thập và kết nối các dữ kiện; giáo dục là nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống như một toàn thể nguyên vẹn”. Hay: “Chức năng của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện và có trí tuệ”. Hay: “Giáo dục phải giúp ta tìm thấy những giá trị phổ quát vững bền sao cho ta không còn lệ thuộc vào các công thức vô hồn hay lặp đi lặp lại các khẩu hiệu sáo rỗng”. Hay: “Giáo dục phải giúp chúng ta phá vỡ những rào cản trong xã hội và giữa các quốc gia, thay vì làm nổi rõ những cản trở ấy”. Hay: “Loại hình giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục vừa khuyến khích việc trau dồi phương thức vừa thực hiện một điều gì đó quan trọng hơn nhiều: Giúp con người trải nghiệm toàn bộ tiến trình của đời sống”. Hay: “Ẩn dưới nền giáo dục đúng đắn là sự vun bồi cho tự do và trí tuệ, điều này không thể diễn ra nếu có bất cứ hình thức cưỡng ép nào, và kèm theo đó là sự sợ hãi” Hay: “Chừng nào mà ngôi trường còn được coi là quan trọng nhất thì đám trẻ sẽ không được quan tâm phát triển đúng với tiềm năng”. Hay: “Điều đầu tiên mà người thầy phải tự hỏi, khi quyết định dấn thân vào sự nghiệp ‘Đưa đò’, đó là anh ta hiểu chính xác ý nghĩa của việc dạy học là gì”.v.v.
Song, bên cạnh những gợi mở thấu đáo đó tác giả J. Krishnamurti cũng có nhiều ý kiến, quan điểm, tư tưởng khác lạ, thậm chí khá bí hiểm, cực đoan về giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Nhà xuất bản chúng tôi khó đồng thuận với tác giả. Nhà xuất bản xin được đề nghị độc giả tham khảo và tiếp thu có chọn lọc, thậm chí có phê phán về những ý kiến, quan điểm, tư tưởng phản biện trái chiều của tác giả.
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC