Chúng ta thường không giữ được bình tĩnh trước nghịch cảnh. Có người kể với tôi, có lần anh đang nóng giận thì bỗng nhiên nghĩ đến câu nói của tôi “từ bi sẽ không có kẻ thù, trí tuệ không gây ra phiền muộn.” Trong lòng đang bực bội lập tức giống như được cơn mưa mát mẻ dội tắt, đồng thời anh cũng nhận ra rằng mình đối xử với mọi người vẫn thiếu từ tâm, thiếu trí tuệ, vì vậy anh cảm thấy hổ thẹn.
Sở dĩ tôi lấy câu nói ấy làm châm ngôn cho mình vì Phật pháp vốn chủ trương lấy từ bi để cứu độ chúng sinh, đã cứu độ chúng sinh thì làm sao còn có kẻ thù nữa? Khi tất vả chúng sinh đều là đối tượng để mình hóa độ, kết duyên, đương nhiên không thể coi họ là kẻ thù.
Từ “kẻ thù” dùng để chỉ hai thế lực đối địch song song tồn tại: anh chết, tôi sẽ sống và ngược lại. Ví dụ tình trường có tình địch, thương trường có “thương địch”, chiến trường cũng sẽ có quân địch… thậm chí giữa đồng nghiệp với nhau cũng có lúc tranh giành chức vụ, hai bên sẽ có những biểu hiện của sự cạnh tranh, hi vọng mình sẽ biểu hiện tốt nhất, người khác không thể vượt qua được mình, từ đó hình thành tình trạng đối địch. Đó chính là tính xấu trong mỗi con người, cũng có thể đó là nhược điểm.
Đây là nhược điểm phổ biến của con người nên chúng ta cần phải điều chỉnh lại thái độ của mình trong việc đối nhân xử thế, đầu tiên cần biết rộng lượng với mọi người, đồng tình với họ, bao dung họ. Có thể nói, với những người không bằng mình, cần bao dung, người tốt hơn mình, lại cần phải học tập họ. Nếu con người biết cách học tập lẫn nhau, ai cũng trở thành thầy bạn, được thế không những mình có thể trưởng thành hơn mà đối phương cũng sẽ trưởng thành.
Đáng tiếc là nhiều người không hiểu điều này, chỉ nghĩ đến mình, không biết nghĩ đến người khác. Khi nhìn thấy người tốt hơn mình liền sinh lòng đố kị, với người không bằng mình lại càng mong muốn làm thế nào để mình càng vượt xa hơn họ càng tốt. Thấy người tốt thì tìm cách chê bai, thấy người xấu tìm cách vùi dập, cuối cùng chỉ còn lại một mình đơn độc, đấy không phải là từ bi. Từ bi phải là thái độ đối xử bình đẳng với mọi người.
Đối tượng của từ bi, ngoài người khác cũng cần từ bi với chính mình. Bởi nếu không từ bi với mình, sẽ khiến cho mình rất đau khổ. Ví dụ có người không thể tha thứ cho mình, tự trách móc và làm hại mình. Thực ra khi làm sai chỉ cần biết là được. Nếu cứ tự trách bạn sẽ làm mình đau khổ như thế là không từ bi với mình.
Trí tuệ sẽ không phiền muộn! Phiền muộn là nỗi khổ day dứt bất tận của con người, để hóa giải phiền muộn chúng ta cần vận dụng trí tuệ “không quán” (dùng trí tuệ quán sát các pháp vốn không thực có). Phiền muộn chỉ hiện hữu khi ta nghĩ đến nó.
Nếu ví phiền muộn là bóng tối thì trí tuệ chính là ánh sáng, khi tia sáng xuất hiện, bóng tối nghìn năm cũng tự nhiên tan biến. Thực chất bóng tối tồn tại khi không có ánh sáng. Tương tự, phiền muộn vốn không tồn tại, chỉ do thiếu trí tuệ, do quan niệm tà kiến, điên đảo mới nảy sinh những xung đột, mâu thuẫn và tranh chấp…dẫn đến phiền muộn.
Có nhà nhân chủng học nghiên cứu và chỉ ra rằng, con người đầu tiên đến từ châu Phi cùng mang một dòng máu. Quan niệm này thực sự giống với quan niệm “chúng sinh bình đẳng” trong Phật pháp, tuy nhiên con người có thực sự cùng xuất thân cùng cội nguồn hay không không quan trọng mà quan trọng ở chỗ: những nhu cầu và tâm lí cơ bản của con người đều giống nhau.
Bản tính của con người giống nhau vì vậy cần quan tâm giúp đỡ nhau, gắn bó như môi với răng, nếu nghĩ được như vậy, không những có lợi cho mình mà còn có lợi cho người khác và mãi mãi sẽ không có kẻ thù, đó là trí tuệ.