Tính đến thời điểm hiện tại, Google Ads là một trong những kênh truyền thông trực tuyến mang lại hiệu quả cao nhất cho người sử dụng. Thực tế, mọi người thường có xu hướng tìm kiếm ở trên mạng về điều mình quan tâm như một thói quen đã được lập trình sẵn khi họ muốn biết bất kỳ thông tin từ những thông tin về sức khỏe, về tin tức, về kiến thức hay thậm chí là cả những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Và công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất hiện nay trên thế giới nói chung hay ở Việt Nam nói riêng là Google. Có thể nói, Google là “một cuốn từ điển bách khoa số” của nhân loại bởi lượng thông tin mà nó đang sở hữu, những thông tin trong nó không những không giảm đi mà còn được tăng lên mỗi ngày và thường xuyên được cập nhật để mang lại cho người dùng trải nghiệm tốt nhất.
Trong thời buổi kinh doanh khốc liệt như ngày nay, nếu bạn chỉ sử dụng các hình thức quảng bá offline tại điểm bán hay nơi tập trung đông người thì bạn đã bị đối thủ bỏ xa về số lượng khách hàng. Bởi lúc này đây, kỷ nguyên công nghệ 4.0 đang bùng nổ, Internet đã đạt được độ phủ rất lớn, và đó chính xác là một môi trường rất tốt để giúp bạn tiếp cận đến đại đa số công chúng mục tiêu một cách nhanh chóng nhằm tìm cho mình một chỗ đứng trên thị trường. Trước đây, nếu các nhà quảng cáo đã thành công với Google Ads thì ngày nay Google cung cấp thêm một dịch vụ quảng cáo nâng mức độ trải nghiệm của người dùng lên một tầm cao mới, đó chính là dịch vụ Quảng cáo mua sắm - Google Shopping.
Với Google Shopping, bạn có thể thực hiện chiến dịch quảng bá sản phẩm của mình một cách vô cùng đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tuyệt vời. Và bạn cũng có thể mang sản phẩm của mình đến bất kỳ đâu bạn muốn, tăng cường được phạm vi tiếp cận của sản phẩm cũng như thương hiệu của mình. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng đơn hàng của bạn cũng tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, để vận hành chiến dịch quảng cáo Google Shopping, bạn cần hiểu rõ về nó và có chiến lược vận hành, tối ưu hợp lý để đạt được hiệu quả.
Vậy, bạn phải làm gì để chiến lược quảng bá sản phẩm của mình mang lại hiệu suất cao nhất?
Cuốn sách này sẽ là câu trả lời xác đáng nhất dành cho bạn!
CUỐN SÁCH NÀY MANG LẠI CHO BẠN ĐIỀU GÌ?
Bằng tất cả trải nghiệm về một dịch vụ vừa được ra mắt tại Việt Nam, MediaZ xin trân trọng ra mắt độc giả cuốn sách Google Shopping. Cuốn sách là những kinh nghiệm, là sự hướng dẫn chi tiết về một xu hướng quảng cáo mới, mang lại cho nhà quảng cáo tỷ lệ chuyển đổi mua hàng cao nhất tính đến nay. Nếu bạn đang cầm cuốn sách trên tay, hãy cố gắng đọc hết tới những trang cuối cùng. Chúng tôi hy vọng, cuốn sách sẽ mở ra cho bạn một hướng quảng cáo mới lạ, độc đáo và thành công.
Cuốn sách bao gồm bốn phần lớn đó là: Giới thiệu chung về Google Shopping, Tối ưu dữ liệu trên Google Merchant Center, Xây dựng chiến lược quảng cáo với Google Shopping và Quảng cáo Google Shopping nâng cao.
Với phần giới thiệu chung đầu tiên, bạn sẽ biết về Google Shopping là một dịch vụ quảng cáo cho phép người dùng tìm kiếm thông tin sản phẩm trên trang Web và có kết quả trả về với nội dung hiển thị bao gồm hình ảnh, tên sản phẩm, giá và nhà cung cấp dịch vụ đó. Bạn có thể gặp chúng được hiển thị ngay trên cùng trước 2-3 đường link hiển thị của Google Ads hoặc cũng có thể được hiển thị ở phần bên góc phải màn hình. Google Shopping gia tăng tỷ lệ nhấp chuột vào quảng cáo, tăng khả năng tiếp cận khách hàng, giải quyết được việc quảng cáo nhanh chóng, tự động cập nhật nội dung, hiển thị báo cáo chi tiết và tăng cường sức cạnh tranh.
Phần II tập trung vào việc tối ưu hóa dữ liệu trên Google Merchant Center với các nội dung liên quan đến tuân thủ chính sách, tối ưu nguồn cấp dữ liệu, hạn chế các danh mục bị từ chối. Đây cũng là phần quan trọng nhất của Google Shopping. Việc tối ưu nguồn cấp dữ liệu sẽ bắt đầu bằng tối ưu hình ảnh sản phẩm, tiêu đề sản phẩm, mô tả sản phẩm, trang đích, link liên kết sản phẩm, giá sản phẩm, danh mục sản phẩm cùng các thuộc tính khác.
Phần III nêu ra và đi sâu làm rõ các nội dung về chiến lược quảng cáo được áp dụng với Google Shopping. Đó là chiến lược đặt giá thầu, chiến dịch quản lý mua sắm cấu trúc của quản lý mua sắm và cả việc đo lường tối ưu chiến dịch quảng cáo Google Shopping.
Phần IV được triển khai với nội dung về Google Shopping nâng cao. Phần này sẽ trình bày kiến thức về quảng cáo bán hàng nhắm mục tiêu vị trí địa lý, tiếp cận khách hàng với quảng cáo trưng bày sản phẩm, thúc đẩy số lượng người ghé thăm cửa hàng, tối ưu hóa chiến dịch mua hàng.
Cùng MZ Book bắt đầu khám khá đầu sách với nội dung hay ho này nhé!
DANH MỤC THUẬT NGỮ SỬ DỤNG TRONG CUỐN SÁCH
Google Shopping: một dịch vụ của Google Ads cho phép người dùng tìm kiếm các sản phẩm trên trang web mua sắm trực tuyến của mình và so sánh giá giữa các nhà cung cấp khác nhau.
Google Ads: một hệ thống các giải pháp quảng cáo của Google, cho phép người dùng thực hiện mua quảng cáo trên Google, YouTube, trên những Website có liên kết với Google AdSense với nhiều định dạng quảng cáo khác nhau như: văn bản, hình ảnh, video.
Google Merchant Center: một công cụ giúp bạn tải dữ liệu của sản phẩm cũng như những thông tin liên quan đến sản phẩm lên Google sau đó cung cấp những dữ liệu thông tin này cho quảng cáo mua sắm hoặc các định dạng quảng cáo khác của Google Ads.
Manual Bidding (Đặt giá thầu thủ công): là hình thức cho phép bạn đặt giá thầu cho gói quảng cáo của bạn một cách thủ công, nó đòi hỏi bạn phải có khả năng tính toán thật chính xác các thuật toán để đưa ra mức giá thầu hợp lý.
Smart Bidding (Đặt giá thầu tự động): là hình thức tự động đặt và điều chỉnh giá thầu của bạn, khi thực hiện hình thức này, bạn sẽ không phải mất thời gian tính toán, xem xét bất kỳ một điều gì liên quan đến giá cả, Google Ads sẽ giúp bạn tất cả những công việc đó thông qua công nghệ Máy học và việc của bạn chỉ là trả tiền cho họ mà thôi.
CPC (viết tắt của Cost per Click) dịch là “chi phí trên mỗi lần nhấp chuột”. Với hình thức đấu thầu này, Google sẽ chỉ thu phí nhà quảng cáo khi người dùng nhấp chuột vào quảng cáo của họ.
eCPC: chi phí cho mỗi lượt nhấp chuột nâng cao được Google hỗ trợ để tăng số lượng chuyển đổi mà bạn có thể nhận được trong phạm vi giữ nguyên mức tổng chi tiêu khi bạn sử dụng hình thức đặt giá thầu tự động cho chiến dịch quảng cáo mua sắm của mình.
ROAS (viết tắt của Return on Ad Spend): lợi nhuận trên chi phí quảng cáo mà nhà quảng cáo thu được cho một chuyển đổi thành công.
CTR (viết tắt của Click Through Rate): tỷ lệ thể hiện tần suất nhấp chuột trên số lần hiển thị của một quảng cáo.
ASCII (viết tắt của American Standard Code for Information Interchange - chuẩn mã trao đổi thông tin Mỹ): bộ ký tự dựa trên bảng chữ cái Latin được dùng trong tiếng Anh hiện đại và các ngôn ngữ Tây Âu. Ở trong trường hợp cuốn sách này thì nó được áp dụng để hiển thị văn bản trong mã URL.
GTIN (viết tắt của Global Trade Item Numbering): mã số sản phẩm thương mại toàn cầu.
MPN (viết tắt của Manufacturer's Part Number ): mã số linh kiện của nhà sản xuất.
RFC 3986: là quy chuẩn cho các URL mà các Website phải tuân thủ để được chấp thuận.