Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, lũy kế năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở gần 2.6 triệu tài khoản chứng khoán. Đây là con số kỷ lục trong 22 năm hoạt động.
Con số này thậm chí vượt qua tổng số lượng tài khoản mở mới của 6 năm từ 2016 đến 2021 cộng lại.
Với sự phổ biến rộng rãi của thị trường chứng khoán, vì thế mà cổ phiếu cũng được nhắc đến nhiều hơn.
Trước đây, tôi không thấy nó được nhắc đến nhiều như bây giờ.
Khi mà chỉ cần ra đường, tạt vào một quán cà phê vỉa hè hay quán bán đồ ăn ven đường là có thể nghe thấy người ta bàn luận về cổ phiếu.
Đến cả các cô hàng xóm gần nhà tôi cũng “phím” nhau rôm rả, cứ mua cổ phiếu là có tiền.
Lúc đó, tôi nhận thấy rằng: Không phải cứ trở nên phổ biến tức là ai cũng hiểu về nó.
Nếu như bạn chưa thật sự hiểu về cổ phiếu, hãy bắt đầu với bài viết này của GoValue.
Cổ phiếu là gì?
Cổ phiếu là giấy chứng nhận số tiền mà cổ đông đã đầu tư vào doanh nghiệp. Đó là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ xác nhận QUYỀN SỞ HỮU CỔ PHẦN của cổ đông.
Khi bạn nắm giữ cổ phiếu của một doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc bạn đã trở thành cổ đông (chủ sở hữu) doanh nghiệp đó.
Bạn nắm giữ càng nhiều cổ phiếu, thì tỷ lệ sở hữu của bạn trong doanh nghiệp càng lớn.
4 lý do bạn nên mua cổ phiếu
Lý do #1. Bạn có quyền biểu quyết trong doanh nghiệp
Việc nắm giữ cổ phiếu sẽ cho bạn quyền bỏ phiếu trong các cuộc họp cổ đông, nhận cổ tức, và bạn có quyền bán cổ phần của mình cho người khác.
Bạn sở hữu càng nhiều cổ phần, thì quyền biểu quyết trong doanh nghiệp của bạn càng tăng lên.
Đạt đến 1 tỷ lệ cổ phần chi phối nhất định, bạn có thể gián tiếp kiểm soát hướng đi của doanh nghiệp bằng cách bổ nhiệm hội đồng quản trị.
Điều này được thể hiện rõ ràng nhất khi một doanh nghiệp đi mua lại một doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp đi mua lại sẽ không phải đi khắp nơi để mua tòa nhà, từng chiếc bàn, chiếc ghế, hay nhân sự…
Tất cả những gì họ cần làm chỉ là: “Mua lại phần lớn cổ phiếu” – số lượng cổ phiếu đủ để họ “có tiếng nói” trong các cuộc họp cổ đông.
Hội đồng quản trị có trách nhiệm tăng giá trị của doanh nghiệp. Họ sẽ thuê các nhà quản lý chuyên nghiệp chẳng hạn như Tổng giám đốc, hoặc Giám đốc điều hành.
Tuy nhiên, đối với đa số cổ đông phổ thông, thì vấn đề lớn không nằm ở chỗ họ có được quản lý, điều hành doanh nghiệp hay không…
…mà là được hưởng 1 phần lợi nhuận từ doanh nghiệp.
Lý do #2. Cổ phiếu có khả năng mang lại lợi nhuận cao trong dài hạn
Nếu đặt lên bàn cân so sánh giữa mức thu nhập mà bạn nhận được khi gửi tiết kiệm và khi nắm giữ cổ phiếu.
Sự khác biệt được thể hiện khá rõ ràng…
Bởi mức lợi nhuận bạn thu về khi gửi tiết kiệm là cố định và rơi vào khoảng 6 – 7%/năm.
Trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình của các Công ty trên thị trường chứng khoán là 20%/năm.
Bạn càng sở hữu nhiều cổ phiếu, phần lợi nhuận bạn nhận được càng lớn.
Đương nhiên, kịch bản này sẽ xảy ra nếu bạn lựa chọn được những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt để mua cổ phiếu.
Khi công ty làm ăn có lãi sẽ chia cổ tức, hoặc khi giá cổ phiếu tăng lên, bạn sẽ thu được lợi nhuận từ chênh lệch giá cổ phiếu.
Lý do #3. Chứng khoán là tài sản thanh khoản cao nhất chỉ sau tiền mặt
Thanh khoản được định nghĩa là khả năng chuyển đổi thành tiền của một tài sản.
Hiểu một cách đơn giản…
Khi buôn bán mặt hàng nào đó, bạn chỉ có thể tiêu thụ được hàng khi có nhiều người muốn mua hoặc bán những mặt hàng tương tự.
Thị trường chứng khoán là nơi tập trung rất nhiều những người mua và bán các mặt hàng chứng khoán.
Mọi giao dịch mua bán cổ phiếu của bạn sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn bởi những người tham gia thị trường (khớp lệnh giao dịch ngay lập tức), cổ phiếu của bạn có thể chuyển thành tiền mặt nhanh chóng.
Lý do #4. Chứng khoán là kênh đầu tư linh hoạt
Đối với các kênh đầu tư khác, ví dụ như bất động sản, bạn cần tích lũy được một số tiền “khá khá” mới có thể bắt đầu tham gia đầu tư.
Thay vì một căn nhà vài tỷ đồng, bạn chỉ cần vài triệu đồng là đã có thể mua bán cổ phiếu trên thị trường.
Bạn cũng không phải chờ vài tháng hay vài năm để khoản tiền của bạn sinh lời như gửi tiết kiệm.
Thời gian tối thiểu mà nhà đầu tư cần để nắm giữ một cổ phiếu là 2 ngày, khi cổ phiếu đã tăng giá như kỳ vọng, bạn có thể bán bất cứ lúc nào.
Có những loại cổ phiếu nào?
Sẽ có 2 loại cổ phiếu mà doanh nghiệp có thể phát hành: Cổ phiếu phổ thông và Cổ phiếu ưu đãi.
Cổ phiếu phổ thông
Khi mọi người nói đến cổ phiếu, họ thường đề cập đến cổ phiếu phổ thông. Và thực tế, phần lớn cổ phiếu phát hành là ở dạng này.
Cổ phiếu phổ thông đại diện cho yêu cầu về lợi nhuận (cổ tức) và được trao quyền biểu quyết.
Nhà đầu tư thường nhận được một phiếu bầu cho mỗi cổ phần thuộc sở hữu của mình để bầu các thành viên HĐQT, để giám sát các quyết định chính của Ban quản lý.
Trong dài hạn, cổ phiếu phổ thông có xu hướng mang lại lợi nhuận cao hơn trái phiếu doanh nghiệp.
Và tất nhiên, lợi nhuận cao thì sẽ đi kèm với rủi ro cao.
Trong đó có cả khả năng mất toàn bộ số vốn đầu tư nếu doanh nghiệp phá sản. Khi doanh nghiệp phá sản, cổ đông sẽ không nhận được tiền cho đến khi chủ nợ, trái chủ và cổ đông ưu tiên được thanh toán.
Cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu ưu đãi tương tự như trái phiếu, và thường không đi kèm với quyền biểu quyết.
Với cổ phiếu ưu đãi…
… phổ biến nhất là cổ phiếu ưu đãi cổ tức, bạn sẽ được đảm bảo số cổ tức cố định hàng năm.
Điều này khác với cổ phiếu phổ thông, khi mà cổ tức phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thậm chí bạn sẽ không nhận được cổ tức nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ.
Một lợi thế khác của cổ phiếu ưu đãi là…
Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, cổ đông ưu đãi sẽ là những người được thanh toán trước cổ đông phổ thông (nhưng vẫn sau các chủ nợ).
Đơn giản, bạn có thể coi cổ phiếu ưu đãi như được “mix” giữa trái phiếu và cổ phiếu phổ thông.
Các doanh nghiệp cũng có thể tùy chỉnh các loại cổ phiếu khác nhau để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư.
Ví dụ như:
● Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết:
Số phiếu biểu quyết của cổ phiếu ưu đãi này sẽ nhiều hơn số phiếu biểu quyết của cổ phiếu phổ thông.
1 cổ phiếu ưu đãi biểu quyết sẽ tương ứng với 10 phiếu biểu quyết chẳng hạn.
Tỷ lệ biểu quyết được quy định trong điều lệ doanh nghiệp. Và thông thường, cổ đông sáng lập là người nắm giữ loại cổ phiếu này.
● Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại:
Khi nắm giữ loại cổ phiếu này, bạn có quyền yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả lại số vốn đầu tư vào bất kỳ thời điểm nào (theo thỏa thuận được ghi trên cổ phiếu).
Làm thế nào để bạn sở hữu cổ phiếu?
Có sự khác biệt giữa việc bạn mua cổ phiếu trực tiếp từ doanh nghiệp phát hành chúng, và mua từ 1 cổ đông khác (trên thị trường chứng khoán).
Trở thành “Cá mập”
Chắc hẳn bạn đã từng xem chương trình Shark Tank Việt Nam, hay Shark Tank Mỹ.
Những màn trình bày ý tưởng đầu tư mới lạ…
Những cuộc thương lượng hấp dẫn giữa nhà đầu tư với các start-up…
Đây là thời kỳ đầu của những doanh nghiệp start-up…
…Họ đi kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư ở đây thường là các tổ chức, quỹ đầu tư, như Mekong Capital, Dragon Capital…
Cũng sẽ có nhà đầu tư cá nhân, nhưng thường, họ cũng đại diện cho 1 doanh nghiệp, 1 tổ chức nào đó.
Nhà đầu tư sẽ rót tiền đầu tư cho doanh nghiệp…
Họ cũng có thể tham gia vào quản lý, điều hành doanh nghiệp…
Ngoài việc cung cấp vốn cho start-up, họ sẽ chuyển giao công nghệ, cách thức quản lý… để các start-up có thể tăng trưởng, chiếm lĩnh thị trường.
Và khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, họ sẽ bán số cổ phần cho các nhà đầu tư khác và thu về lợi nhuận.
MWG – Khoản đầu tư thành công của Mekong Capital
Đây là khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân của châu Á.
Từ số tiền 3,5 triệu USD đầu tư vào năm 2007 để đổi lấy 35% cổ phần…
…Sau 10 năm nắm giữ…
Số tiền thu về tăng lên 199,4 triệu USD (bao gồm cả cổ tức).
Khoản đầu tư này mang về cho Mekong tỷ suất lợi nhuận 57 lần. Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ lên đến 61,1%.
Tuy nhiên, không phải cứ đầu tư vào các doanh nghiệp start-up là thành công.
10 thương vụ, đôi khi chỉ có 2, hay nhiều lắm là 3 thương vụ thành công mà thôi.
Khá rủi ro!
“Đặt chân” vào thị trường chứng khoán
Một cách đơn giản hơn mà bạn có thể thực hiện…
Đó là tham gia vào thị trường chứng khoán.
Đây là nơi mà cổ phiếu của những doanh nghiệp IPO được giao dịch công khai.
Nơi mà chủ sở hữu cổ phiếu hiện tại có thể giao dịch với người mua tiềm năng.
Điều quan trọng bạn phải hiểu rằng…
Các doanh nghiệp niêm yết không mua/bán cổ phiếu của họ một cách thường xuyên trên thị trường chứng khoán.
Có thể, doanh nghiệp sẽ tham gia mua lại cổ phiếu, hoặc phát hành cổ phiếu mới (để huy động thêm tiền).
Nhưng đây cũng không phải hoạt động hàng ngày, và xảy ra bên ngoài của khuôn khổ của một cuộc trao đổi.
Khi bạn mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, bạn không mua nó từ doanh nghiệp, bạn mua nó từ một cổ đông hiện có khác.
Tương tự vậy, khi bạn bán cổ phần của mình, bạn không bán lại cho doanh nghiệp – thay vào đó, bạn bán chúng cho một số nhà đầu tư khác.
Kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán như thế nào?
Có 2 cách mà bạn có thể thu được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán:
● (i) Lợi nhuận từ cổ tức tiền;
● (ii) Lợi nhuận từ chênh lệch giá cổ phiếu.
Lợi nhuận từ cổ tức tiền
Như đã đề cập, việc nắm giữ cổ phiếu sẽ cho bạn được nhận cổ tức từ doanh nghiệp.
Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được doanh nghiệp chia cho cổ đông, sau khi đã trích lập xong các quỹ theo quy định.
CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM) là một ví dụ điển hình về một doanh nghiệp chi cổ tức bằng tiền ổn định và khá hậu hĩnh cho cổ đông.
<Hàng năm, VNM đều chi trả cổ tức tiền đều đặn cho cổ đông - Nguồn: simplize.vn>
Nếu như bạn nắm giữ cổ phiếu VNM trong năm 2022, bạn đã có thể nhận được số cổ tức tiền lên tới 6,200 đồng/CP.
Bạn nắm giữ càng nhiều cổ phiếu, thì số tiền từ cổ tức bạn nhận được càng cao.
Lợi nhuận từ chênh lệch giá cổ phiếu
Về lý thuyết, đó là việc bạn: “Mua cổ phiếu với giá thấp, và bán cổ phiếu với giá cao”.
Lợi nhuận bạn thu được sẽ là khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Bạn cũng có thể kiếm lợi nhuận gấp nhiều lần từ chênh lệch giá cổ phiếu thông qua công cụ Chứng quyền có bảo đảm.