Với niềm khao khát được góp phần “giải mã” những bí ẩn, dấu tích của 6 bảo vật lịch sử chiến tranh cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được Thủ tướng công nhận là Bảo vật quốc gia (Máy bay MiG-21F96, số hiệu 5121; Máy bay MiG-21, số hiệu 4324; Xe tăng T-54B, số hiệu 843; Xe tăng T-59, số hiệu 390; Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh; Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh
Bài 1: Hai “én bạc” làm chao đảo không quân Mỹ
Bên dưới Cột cờ Hà Nội với quốc kỳ tung bay trong nắng vàng rực rỡ sắc xuân, chúng tôi mải mê ngắm nhìn hai chiếc Máy bay MiG-21F96, số hiệu 5121 và Máy bay MiG-21, số hiệu 4324 trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (LSQSVN) mà lòng trào dâng niềm tự hào, kiêu hãnh về lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Những “phi công ưu tú” của Việt Nam-nhìn từ phía bên kia
Dù đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng mỗi lần có dịp gặp lại đồng đội, cựu phi công Phạm Thanh Ngân như trẻ lại. Ngày 10-3 mới đây, khi Bảo tàng LSQSVN tổ chức Lễ công bố bảo vật quốc gia đối với chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 4324, ông đến dự với tư cách là nhân chứng lịch sử và cũng là một trong những chủ nhân góp phần làm nên chiến công của bảo vật quốc gia này. Từ lâu, qua sử sách, phim ảnh, chúng tôi biết ông như là một trong những đại diện tiêu biểu của Bộ đội Không quân Việt Nam trong những trận không chiến sống mái với kẻ thù. Nay được gặp, lúc đầu chỉ dám đứng từ xa mải ngắm... thần tượng. Nhưng được Trung tá Triệu Xuân Hòa, Phó trưởng phòng Kiểm kê-Bảo quản (Bảo tàng LSQSVN) ghé tai: “Bác Ngân dễ gần lắm, các cậu đến hỏi chuyện thể nào cũng được nhiều thông tin thú vị đấy”!
“Cháu chào bác ạ!”. Vị Thượng tướng tóc đã hoa râm đưa ánh nhìn chúng tôi, đáp lại thân tình: “Chào cháu”! Biết chúng tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông điềm đạm, cởi mở: “Người nhà rồi, có gì trao đổi thoải mái nhé”! “Dạ, chúng cháu muốn bác kể đôi nét về phi cơ chiến MiG 4324 vừa được vinh danh là Bảo vật quốc gia”! “Tôi có nhiều kỷ niệm với chiếc máy bay này-giọng ông trở nên hào sảng mà cũng khiêm nhường-Tôi bay rất nhiều, nhưng có hai trận đánh mà tôi nhớ nhất là trận đánh ngày 4-5-1967 và trận ngày 18-11-1967. Tôi kể lại cũng không sao. Nhưng muốn khách quan hơn, các cháu nên khai thác thêm tư liệu ở những cuốn chính sử đã được xuất bản”.
Được vị lão tướng khả kính gợi ý, chúng tôi tìm đọc cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975)-nhìn từ hai phía” (Nhà xuất bản QĐND, 2013), có ghi lại rằng, trận đánh ngày 4-5-1967 là trận đụng độ đầu tiên của ba phi công, phía ta là Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc; phía Mỹ có Đại tá Rô-bin Âu (Robin Old)-Tư lệnh Không đoàn tiêm kích số 8. Lúc 13 giờ 31 phút, trời miền Bắc nhiều mây, biên đội của Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Văn Cốc được lệnh cất cánh từ Sân bay Nội Bài. Không quân Mỹ vẫn theo đường cũ từ Thái Lan xâm nhập vào vùng trời Tuyên Quang rồi men theo dãy Tam Đảo vào đánh Hà Nội. Vừa ra khỏi mây, biên đội của Phạm Thanh Ngân bất ngờ gặp đội hình máy bay địch. Rất nhanh chóng, Phạm Thanh Ngân ra lệnh cho phi công số 2 vứt bình xăng phụ tăng tốc vào công kích. Lúc này, Đại tá Rô-bin Âu bay ở tốp đầu gồm 12 chiếc F-105 và 8 chiếc F-4... Trận đó phi công số 1 Phạm Thanh Ngân với chiếc MiG-21 số hiệu 4324 đã bắn rơi chiếc F-105”.
“Bật mí” với chúng tôi về lý do chiếc Máy bay MiG 4324 trở thành Bảo vật quốc gia, Trung tá Đinh Xuân Hòa cho biết: Chiếc máy bay này có ba cái nhất: Lập nhiều chiến công nhất trong một năm xuất kích (chỉ tính năm 1967, trong 22 lần gặp địch trên không, các phi công của ta đã nổ súng 16 lần, bắn rơi 14 máy bay Mỹ, trong đó có 5 phi công đã 2 lần bắn rơi máy bay địch là Lê Trọng Huyên, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đăng Kính); có nhiều phi công được phong tặng danh hiệu Anh hùng nhất (8/9 phi công Anh hùng); có nhiều phi công được phong cấp hàm tướng nhất (5 phi công).
Theo cách tính của lực lượng không quân Mỹ, muốn trở thành phi công ưu tú (Ace Pilot) phải là người bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên. Tổng kết những cuộc không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, ta có 19 phi công ưu tú, Mỹ có 5 người. Trong số 19 phi công ưu tú của Việt Nam có 13 người lái MiG-21. Những cái tên như: Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Phạm Thanh Ngân, Mai Văn Cương, Nguyễn Hồng Nhị và nhiều phi công ưu tú khác thường được phi công Mỹ cả trong và sau cuộc chiến vẫn nhắc đến với thái độ trân trọng, nể phục.
Như vậy, số phi công ưu tú của ta gấp gần 4 lần so với số phi công ưu tú của Mỹ! Con số thú vị này thêm một lần lý giải tại sao Bộ đội Không quân Việt Nam đã đánh bại không lực Hoa Kỳ, cho dù đối phương sở hữu những phi cơ chiến tối tân nhất thời đó!
Hiện nay, phi công Nguyễn Văn Lý, người đã lập công xuất sắc bắn rơi máy bay Mỹ bằng chiếc MiG 4324 cũng đang được đề nghị Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nếu đề nghị này được chấp thuận thì cả 9 phi công đã lái chiếc máy bay này năm 1967 được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng LSQSV, tất cả các phi công đều xứng đáng với danh hiệu ấy, vì máy bay MiG 4324 đã lập công đặc biệt xuất sắc, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” bằng việc dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ.
Những người hùng thầm lặng làm “bệ phóng” cho phi công
Sẽ là thiếu sót nếu không kể về những lính thợ máy, người đứng sau mỗi chiến công trên bầu trời. Chính họ đã bảo đảm kỹ thuật cho những trận đánh thắng lợi, họ cũng là người “cùng ăn, cùng ở” với máy bay. Ngày 14-3 vừa qua, Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật hàng không (Trung đoàn Không quân 921) đã đón nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có mặt trong ngày lễ trọng này của đơn vị, gặp mặt một số nhân chứng kể lại, chúng tôi càng thêm nể trọng chiến công thầm lặng của đội ngũ kỹ sư, nhân viên bảo đảm kỹ thuật hàng không-những người được ví như “bệ phóng” để cho các phi công làm chủ máy bay, vững vàng xuất kích và có thêm ý chí, sức mạnh để “hạ gục” những “con ma”, “thần sấm”, “pháo đài bay” của địch. Trong số đó, chúng tôi được “hầu chuyện” Thiếu tá Nguyễn Văn Lân, 68 tuổi, nguyên Tổ trưởng Tổ bảo đảm kỹ thuật cho chiếc máy bay MiG-21, số hiệu 5121 cách nay 43 năm.
Rạng sáng 24-12-1972, Chuẩn úy Nguyễn Văn Lân, Tổ trưởng Tổ bảo đảm kỹ thuật cho chiếc máy bay MiG 5121 được lệnh di chuyển gấp lên Sân bay Yên Bái. Lần đi này anh cảm thấy có chút bâng khuâng, vì theo lời hẹn trước ngày 25-12, người yêu của anh sẽ lên đơn vị để cùng anh báo cáo đơn vị về quyết định xây dựng gia đình. Nhìn những quầng lửa ngập trời, những làn đạn lửa xé đêm đen, anh thầm nghĩ: “Khi đất nước còn chưa yên tiếng súng, thì em ơi chuyện riêng tư của chúng mình đành gác lại”...
Sân bay dã chiến Yên Bái chìm vào màn đêm, tiếng khẩu lệnh nhỏ gọn nhưng dứt khoát, những bàn tay thợ khéo léo trườn trên thân nhôm chiếc máy bay để tìm ra những sai sót dù là nhỏ nhất. Như thường lệ, Nguyễn Văn Lân lại áp ngực vào phần gồ lên của buồng lái chiếc máy bay MiG 5121, anh cảm nhận nó bằng nhịp tim, anh yêu nó bằng tất cả tình yêu người cha, người mẹ với một đứa con bé bỏng. Anh thầm nói: “Hãy trở về an toàn nghe con!”. Chiếc máy bay trong tình trạng hoàn hảo, tên lửa đã được lắp sẵn, xăng đã được bơm đầy. Chợt anh nhìn ra phần cánh, thấy đất mấy hòn làm lấm lem áo nhôm. Anh bước tới, quỳ xuống xoa nhẹ nhàng rồi nghiêng đèn pin để cho ánh sáng quét lên lớp áo nhôm một vệt sáng nhỏ, tìm cho hết đất cát, bụi bẩn, lau cho sạch tinh tươm.
Tổ trưởng Nguyễn Văn Lân có duyên với phi công Phạm Tuân, hai người đã biết nhau qua nhiều thời gian nhưng chuyến xuất kích lần này rất khác. Nhiệm vụ của Phạm Tuân và chiếc MiG 5121 là tiêu diệt B-52, “pháo đài bay” được coi là bất khả xâm phạm của không quân Mỹ. Nguyễn Văn Lân nhìn Phạm Tuân trìu mến, ánh mắt muốn động viên bao điều. Anh thao tác nhanh gọn các bước khóa dù, rút chốt an toàn, rồi đóng nắp buồng lái… Mọi trình tự diễn ra như mọi ngày, nhưng sao đêm nay hồi hộp quá. Hà Nội đã quen với những trận bom rải thảm suốt những ngày qua, cả thành phố căng mình chờ đợi đợt bom của ngày hôm nay.
Từ buồng lái, Phạm Tuân đưa tay hỏi tín hiệu cất cánh. Nguyễn Văn Lân chém tay dứt khoát về phía trước. Chiếc MiG 5121 gầm lên rồi vút vào tầng không. Đến sau này, Nguyễn Văn Lân mới biết mình đã được chứng kiến những giờ khắc lịch sử.
Phạm Tuân đã hạ cánh an toàn tại Sân bay Yên Bái. Người đón anh đầu tiên dưới chân thang máy bay chính là Nguyễn Văn Lân, khoảnh khắc này đã được nhiều bộ phim tài liệu ghi lại. Phạm Tuân đã đi vào lịch sử của các trận không chiến trên thế giới với tư cách là phi công đầu tiên bắn rơi tại chỗ máy bay B-52. Chiếc máy bay MiG 5121 đi vào lịch sử từ đó. 40 năm sau, máy bay MiG 5121 vinh dự trở thành Bảo vật quốc gia!
Trận chiến ngày thứ 10 trên bầu trời Hà Nội của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, đã ghi lại: “Vào hồi 22 giờ 22 phút ngày 27-12-1972, máy bay MiG, số hiệu 5121 của Phạm Tuân cất cánh từ Sân bay Yên Bái. Đến 22 giờ 29 phút 30 giây, Phạm Tuân báo cáo đã nhìn thấy đèn của máy bay B-52 ở cự ly 10km, anh tăng tốc lên đến 1.400km/giờ. Đến cự ly 2000m, rồi 1000m, Phạm Tuân phóng hai quả tên lửa rồi thoát ly bằng cách kéo máy bay vọt lên rồi lật úp để quan sát, anh thấy rõ một quầng lửa trùm lên chiếc B-52 sáng lòa cả một góc trời, lúc đó là 22 giờ 35 phút”. (Trích trong cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975)-nhìn từ hai phía", Nhà xuất bản QĐND, 2013).
Hai chiếc MiG trở thành huyền thoại
Với nhiều bè bạn quốc tế, những người luôn ước ao được đến tận nơi, trông tận mắt xác máy bay B-52 tại Bảo tàng LSQSVN ở Hà Nội thì việc chụp tấm ảnh lưu niệm với chiếc máy bay MiG 5121 là điều khó bỏ qua. Chiếc máy bay này hiện được trưng bày ở khuôn viên phía sau của bảo tàng. Giới thạo thông tin quân sự phương Tây cũng không bao giờ bỏ qua dịp ghi hình bên chiếc máy bay MiG 4324 khi thấy trên thân máy bay được in 14 ngôi sao chiến công đỏ chói. Hai chiếc máy bay này đã “giải mã” phần nào giai thoại về "Đại tá Tôn" (Colonel Toon) vẫn được phi công Mỹ nhắc đến trong suốt thời kỳ phục vụ tại chiến trường Việt Nam. Họ kể lại, mỗi khi máy bay MiG-21 xuất kích, họ lại nghe lỏm trên điện đài thấy trao đổi của phi công với mặt đất của ta thường nhắc phi công có tên “Tôn”. Và trong thực tế chiến đấu các phi công Mỹ thường gặp rắc rối to với máy bay của "Đại tá Tôn”. Quả thực thì chẳng có "Đại tá Tôn" nào, mà chỉ có những phi công tuổi đời còn rất trẻ bay lên bầu trời với tất cả sức mạnh của một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, áp bức cùng với trí tuệ và bản lĩnh tuyệt vời Việt Nam.
Sức mạnh ấy, trí tuệ ấy sẽ được chúng tôi làm rõ thêm trong bài viết về cuốn sổ trực ban và Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ký sự của VĂN HẢI, ĐÔNG HÀ
(Báo Quân đội nhân dân, mục Hồ sơ-sự kiện, số ra ngày 20/4/2015)