MUÀ THU SÀI GÒN ĐÃ ĐƯỢC HƠN MỘT tháng, gió từ miền biển thường thổi tới, không phải là một làn bụi như thành phố công nghiệp mà là một tấm màn nước. Rồi một ngày đầu thu năm 1991, trời bỗng tối sẫm đổ mưa cuốn đi những gì bụi bặm, oi nồng.
Sau trận mưa, người xe đổ ra đường như dòng chảy. Anh Bảy Hiền, giám đốc Công ty Văn hóa tổng hợp Sông Tiền chở Duy người bạn cũ từ Hà Nội mới vào thành phố công tác trên chiếc xe Honda đã cũ lao nhanh trên đường phố rồi dừng lại trước nhà hàng “Miền Quê”. Sáu bảy cô gái trẻ, đẹp trong bộ đồ áo dài đang chơi bài, thấy khách vào đều đứng dậy. Bảy Hiền dẫn Duy lên gác lửng, căn phòng rộng khoảng sáu mét vuông. Một cô gái tên Hồng cao dong dỏng, da ngăm ngăm đen đặt ly lên bàn rồi ngồi xuống bên Bảy Hiền. Cô lấy chiếc khăn trắng thơm nức mùi nước hoa lau mặt cho anh. Một cô gái tên Diệu Hương, chiều cao thấp hơn, xách đến một thùng bia Heineiken đặt lên ghế rồi ngồi xuống bên Duy. Duy tay chống cằm, mắt lơ đãng nhìn xung quanh. Cô tiếp viên cầm khăn vắt khô nước đưa lên định lau mặt cho Duy, nhưng anh nói một câu lạnh lùng:
- Khỏi cần!
Cô tiếp viên vẻ không vui đặt khăn xuống bàn. Cô tự hỏi: Tại sao anh Bảy Hiền lại dẫn một người khách tính cách lạ lùng đến đây, vì cô hiểu những ai đến đây thường là những người có tiền, cởi mở, thích vui vẻ. Còn cái anh chàng này... cô tiếp viên bẽn lẽn ngồi nghiêm túc trên chiếc ghế lót nhung để nhìn anh: đôi mắt đen ngời sáng, từ khóe mắt có nếp nhăn biểu hiện của con người hay suy tư. Diệu Hương bật nắp bia rót đầy ly bưng hai tay đưa lên miệng Duy. Lúc bấy giờ anh mới chịu hạ tay đặt xuống bàn và uống mang tính chất xã giao, và cũng không quên nâng ly bia về phía Diệu Hương. Duy lại đặt tay lên cằm khiến Diệu Hương bắt đầu muốn tò mò tìm hiểu người khách lạ này là ai, làm gì mà lại lạnh lùng đến đáng ghét. Như ánh điện chiếu vào mặt Duy, Diệu Hương mới nhìn rõ khuôn mặt thanh thoát, hiền dịu của anh. Diệu Hương là tiếp viên, có trách nhiệm chăm sóc khách hàng nên cô tiếp tục rót đầy ly bia mời anh.
Duy bất đắc dĩ hạ tay tiếp tục uống bia và bắt gặp cô đang nhìn mình. Anh nhìn thẳng vào cặp mắt đen, đôi môi như hai cánh hoa đào, làn mi cong vút như mái vòm nhà thờ, cổ như được thoa một lớp phấn hồng, tóc quấn ngược lên đỉnh đầu, giống như một cái tháp chùa bằng đá hoa cương, vậy mà lại mềm như tóc trẻ thơ. Giá như trời tạo cho Diệu Hương có chiếc mũi cao hơn chút nữa, chắc cô sẽ là hoa hậu lộng lẫy của thành phố này.
- Sao anh nhìn em kỹ thế?
- Xin lỗi, tôi hoàn toàn không muốn nhìn cô. Chẳng qua...
- Chẳng qua vì ghét em chứ gì? Hay để em nói bà chủ cho người khác tiếp!
- Không! Không nên thế!
Duy nói lí nhí không rõ, vẻ bối rối.
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của cái đêm tháng 8 ấy, hễ có khách nào bước vào cửa hàng có dáng như anh, hay có ai nhắc tới ông khách kỳ lạ tên Duy là lập tức cô chột dạ.
Hai ngày sau, Duy lại đến cửa hàng. Diệu Hương thoáng có ý nghĩ người khách này có ý tìm mình nên sự ghét bỏ về sự lạnh lùng hôm trước vơi đi. Nhưng nếu như vậy, hôm nay phải làm gì?
- Chào anh!
- Chào Diệu Hương Duy vừa nói vừa ngồi xuống ghế. Diệu Hương cho rằng người khách này là một chàng trai tâm hồn chai sạn, không tinh tế, nên cô muốn đẩy cho người khác tiếp anh. Cô lẳng lặng nhìn anh một lát rồi nói:
- Tưởng anh không đến nơi đây nữa?
- Sao lại hỏi thế Duy ân cần, nhẹ nhàng nói:“ngồi xuống đây, Hương”!
- Vốn dĩ là tiếp viên luôn luôn được khách mời, ít khi từ chối nên Diệu Hương chiều theo ý anh. Song Diệu Hương vào làm nghề tiếp viên này trong hoàn cảnh đặc biệt nên cô luôn che giấu tình cảm của mình. Trước mặt khách hàng hay bạn bè, bao giờ cô cũng bình tĩnh và chủ động, luôn giữ mình chứ không buông thả như một số bạn cùng làm. Ở quán bia ôm này. Có một lần, sau khi uống với khách gần chục lon bia, có ông khách tên gọi Tư Đương gần năm chục tuổi, nghe nói bán hàng điện ở chợ Bình Tây, đã ghì chặt Diệu Hương đến đau cả vai định hôn. Cô đã khước từ, nhưng rồi anh ta cúi xuống và đặt được đôi môi lên môi cô. Đêm đó, cô đã khóc và hiểu rằng, cái hôn lên môi của đôi nam nữ chỉ được phép xảy ra giữa hai người thực sự thương yêu nhau. Còn nếu không, đó là người con gái buông tuồng hư hỏng. Nhưng rồi cô nghĩ, đó là vì mình bị hôn chứ có phải được hôn đâu. Lý giải như thế, lòng cô vơi đi nỗi đau buồn đôi chút. Cô thở dài nhìn Duy và thành tâm mong rằng khách nào đến nhà hàng này cứ ngồi chống tay lên cằm uống bia là sung sướng nhất cho cô. Nghĩ vậy, Diệu Hương kéo ghế ngồi xuống bên cạnh Duy. Cô nghĩ rằng, làm tiếp viên một thời gian, có ít tiền sẽ đi học nghề khác để có cuộc sống, có chồng con, để rồi bỏ cái nơi mà chàng trai nào, người đàn ông nào đến cũng ôm ấp mình, hôn mình mà tình cảm thiêng liêng lại chẳng bao giờ thuộc về mình, bỏ cái nơi mà chàng trai nào, người đàn ông nào cũng nói “yêu em” nhưng chẳng có nghĩa của tình yêu chồng vợ. Chẳng lẽ mọi người đàn ông ngồi bên mình cũng đều có giọng nói giả dối đó hay sao? Không, cố nhiên không phải là tất cả. Vậy thì người mà mình được hôn đó là ai?
- Em tên gì? Câu hỏi của Duy cắt ngang dòng suy nghĩ của Diệu Hương.
- Lần trước, em giới thiệu rồi.
Câu trả lời của Diệu Hương làm Duy nhận ra sự vụng về của mình mở đầu câu chuyện khi bắt đầu ngồi bên một người con gái.
- Em bao nhiêu tuổi?
- Dạ, hai hai.
- Em vào làm ở đây lâu chưa?
- Dạ gần ba tháng.
- Tại sao em chọn công việc này?
Diệu Hương không trả lời, ngồi im lặng. Tiếng hát, cười, tiếng hôn nhau chùn chụt từ các phòng bên vọng đến tai Diệu Hương. Cô cúi đầu hỏi nhỏ:
- Thế tại sao anh lại đến đây?
Lần này lại đến lượt Duy im lặng. Và chính hai câu hỏi thật thà đến ngớ ngẩn của hai người lại khởi đầu cho một khoảng thời gian im lặng kéo dài tiếp theo.
Trong những người đến đây đủ mọi thành phần, từ anh cán bộ Nhà nước đến anh thợ tự do, từ người bán báo, sách đến anh thợ điện... gồm đủ mọi lứa tuổi. Đã bao đêm, tại cửa hàng này, Diệu Hương chứng kiến các tiếp viên chỉ thích ngồi với khách nhiều tiền, Việt kiều về nước, người ngoại quốc. Lúc mới ngồi, họ chỉ nắm tay, ôm qua eo lưng, lúc lâu kéo giật cô gái vào lòng, và nếu có thể được, họ ôm hôn.
Chỉ một thời gian, Diệu Hương đã nhận thấy nhiều khách nhìn cô với vẻ thiện cảm, thu hút được nhiều luồng mắt mời mọc và thẫn thờ trước vẻ đẹp “lai Ấn Độ” của cô. Và những luồng mắt này say đắm, thành thực. Thế mà tại sao người khách đang ngồi bên chỉ đôi lần nhìn cô? Diệu Hương cầm lon bia giơ cao bật nắp. Duy tự tay nâng ly bia uống. Diệu Hương ngạc nhiên trước động tác này của anh, song cô không nói gì, chỉ liếc nhìn, rồi lại trầm tư, suy nghĩ. Buồn.
Để bù đắp sự trống trải và che đậy sự im lặng, cô có thói quen ca một đoạn trích trong vở cải lương “Nhất kiếm bá vương” mà cô thích nhất: “Nghĩa là em đã ôm ấp trong tim một giấc mơ kỳ diệu. Nhưng trời ơi, giấc mơ kia chưa tàn cuộc thì đã vội tan lìa. Anh đã đến đây từ độ gió thu về, bước chân anh đã làm cho em xao xuyến, cả khung trời nơi quán gió bơ vơ. Em mơ hồ như trăng nọ kết thành hoa để tô điểm cho tương lai ngày mai rạng rỡ. Đời con gái một “lần yêu là đau khổ, là ngàn năm chuốc mãi khối đau sầu...”
Duy đến nhà hàng này vốn trầm lặng nên anh nghe rõ từng lời Diệu Hương ca. Anh chầm chậm buông tay đặt lên bàn, lặng thinh. Anh tự hỏi, phải chăng bài ca này phản ánh nội tâm của cô gái, một tâm hồn đang đau khổ, đang quặt quẹo ở quán bia này để kiếm đồng tiền sinh sống? Duy là một chàng trai mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh em không có, nên rất sẵn từ tâm trước nỗi lòng khổ đau của người khác. Chính do cuộc đời anh, anh đã rung cảm trước linh hồn của một bài ca mang tâm trạng khốn cùng của Diệu Hương chăng? Duy không nén nổi xúc động, anh nhìn thẳng vào mắt Diệu Hương, vào người con gái mà anh cho rằng tâm hồn đang bị quặn đau, oằn xuống vì hổ thẹn trước bao người đàn ông đến đây để đòi hôn, sờ ngực. Phải chăng sự tủi nhục đó câm đặc, không có tiếng nói để cô kêu la nên đành gửi vào bài ca. Bất thình lình anh nắm tay cô lắc nhẹ:
- Thôi đừng ca nữa!
“Nhưng Diệu Hương không hề nghe anh nói, vẫn say sưa ca với cả nỗi lòng: rồi mai, rồi mốt, người đi lấy vợ, xin cho em chia mừng hạnh phúc của anh. Rồi có đêm nào trăng treo đầu ngõ, là lúc em đang gục khóc ở nơi này”.
Duy thấy Diệu Hương vẫn tiếp tục ca như không nghe thấy lời anh nói, nên anh tự co tay lại, lòng tràn ngập thương cảm. Nhưng cô hầu như không để ý tới người ngồi nên giọng càng lâm ly: “Em chỉ là một ca nhi nơi quán gió chuốc rượu hầu trăm vạn khách ghé qua đây...”.
Đến lúc này, Duy cảm thấy mình bị xúc phạm, không kìm nổi xúc động, không cần giữ ý, đã nắm vai Diệu Hương lắc mạnh, kêu lên:
- Anh xin em đừng ca nữa!
Diệu Hương ngồi lặng để mặc cho những giọt nước mắt lăn qua đôi gò má. Duy tự tay bật nắp bia uống liền hai lon, ngồi lặng im.
- Anh về!
Diệu Hương đi ra phía trước tính tiền với bà chủ, quay lại đưa hóa đơn cho Duy. Anh lấy tiền trả và đưa cho Diệu Hương năm chục ngàn tiền bo. Diệu Hương cầm xếp tiền năm ngàn rút hai tờ nói:
- Anh ngồi với em có được gì đâu. Em chỉ nhận hai tờ là đủ.
Duy bàng hoàng trước cử chỉ của cô tiếp viên. Anh vụng về bỏ tiền vào túi đi ra. Đường Sài Gòn về đêm ít người qua lại. Các ngôi nhà cao tầng, hàng cây chen ánh điện lấp lánh, bày ra rõ hơn ban ngày. Một luồng gió từ phía cảng Nhà Rồng thổi tới lật mặt lá nhẵn lên trên, in hằn bóng đen xuống lòng đường như xuyên thẳng vào tâm hồn anh. Duy thở dài, lặng lẽ bước.