Những người thích vận động thể thao thường yêu thích leo núi, leo lên độ cao hàng ngàn mét so với mực nước biển. Nếu họ trang bị không đầy đủ vật dụng, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì ở “nơi cao không chịu nổi gió lạnh”.
Người diễn thuyết cần phải có bục để đứng diễn thuyết; kéo cờ cũng cần phải có bục để kéo cờ. Bất luận là một loại biểu diễn gì đều phải có sân khấu riêng, giống như Hàn Tín được mời lên đàn để phong tướng mới thể hiện được uy phong của mình. Vì vậy, người dẫu không sợ đứng nơi cao nhưng buộc phải có cơ sở vững chắc, nếu có ở trên cao mà không có nền tảng vững vàng thì chắc chắn “trèo càng cao, ngã càng đau”. Cho dù là “quyền cao chức trọng” nhưng một khi thất thế thì thường rơi vào tình cảnh đáng thương, kết quả thê thảm không thể nhận ra, bởi “nơi cao không chịu nổi gió lạnh”.
1 Tịch liêu: hoang vắng, trống vắng, đơn độc.
Từ xa xưa, hoàng đế là bậc chí tôn trong thiên hạ, có quyền uy tột bậc chẳng ai có thể sánh bằng nhưng vẫn khiêm tốn xưng là “quả nhân” - người ít đức; bậc thánh nhân vì tu dưỡng đạo đức hơn hẳn những người thường, uy thế họ cao tột bậc nhưng lại không tránh khỏi sự cô độc.
Vị trí cao chính là tâm điểm chú ý của mọi người, người ở vị trí cao nếu như không có đức độ vĩ đại, không có trí tuệ siêu việt, không có được sự tôn kính của mọi người, thì có ngày cũng sẽ bị kéo xuống, bởi vị trí cao không phải là nơi dễ dàng để đứng vững.
Ở trên cao có thể nhìn thấy rõ mọi người bên dưới, nhưng muốn được chắc chắn đứng ở trên thì ở dưới phải có cơ sở nền móng vững vàng, phải quan tâm từ những nền móng căn bản đó thì khi đứng ở nơi cao kia mới có cảm giác an toàn.
Có một số người lãnh đạo cảm thấy đơn độc và cách biệt trong tư tưởng, trong tình cảm khi ở trong số đông quần chúng, bởi vì họ bỏ qua nền tảng và xa rời quần chúng, khiến họ có cảm giác đơn độc khi ở trên ngôi vị cao. Kim tự tháp sở dĩ cao như vậy là do có nền móng thật chắc chắn. Giả như không có nền móng vững vàng thì ở nơi cao sẽ gặp vô số hiểm nguy. Vì vậy, người muốn làm quan lớn, hưởng bổng lộc cần phải trang bị tốt những điều thiết yếu, nếu không sẽ gặp phải tình cảnh ở “nơi cao không chịu nổi gió lạnh”, và khi vấn đề xảy ra có hối tiếc thì cũng muộn màng.
“Làm người, chẳng lo không có chỗ đứng, chỉ lo không xứng với địa vị”, muốn lên cao, tất phải có bậc thang. Mọi người, ngoài việc hội tụ đầy đủ các điều kiện và năng lực ra, điều đặc biệt quan trọng là làm sao để nhân cách được hàm dưỡng bên trong mỗi người đủ để “đứng vững trên đỉnh núi chót vót”, lại cũng có thể “đi được ở dưới đáy biển sâu”; có thể cao có thể thấp, có thể lớn có thể nhỏ, tự mình có thể lượng được sức mình. Như vậy sao lại không thể lên cao để nhìn xa trông rộng, để tất cả cảnh vật trên thế gian đều thu gọn trong tầm mắt của ta.
Những loài thực vật sống trên núi cao đều có khả năng chịu được giá rét; bạn cũng không thể đánh giá sức chịu lạnh của động vật trên núi cao như thế nào chỉ thông qua kích cỡ lớn nhỏ của chúng. Con người thường hướng lên cao, nước thì luôn chảy về nơi thấp, nếu bạn “muốn nhìn xa ngàn dặm”, thì hãy “lên tiếp một tầng lầu” 1. Cũng vậy, nếu bạn muốn thử thách với giá lạnh trên núi cao thì phải trang bị cho mình dũng khí, sức chịu đựng, để có thể thích ứng được nỗi hoang vắng cô độc.
1 Hai câu được trích trong bài thơ Đăng Quán Tước lâu của Vương Chi Hoán.