Trong cuộc sống đôi khi ta gặp phải những tình huống tiến thoái lưỡng nan, không biết phải xử lý sao cho đúng, chẳng hạn khi bố mẹ cãi nhau, con cái nên giúp bố hay mẹ? Khi mẹ chồng và nàng dâu không hòa hợp, bổn phận của người làm con, người làm chồng phải đứng về phía nào để khuyên giải? Khi mẹ và vợ cùng bị rơi xuống nước, đang lúc cấp bách không biết phải làm sao, thì phải cứu người nào trước?
Trong lịch sử, đã có nhiều triều đại vì bảo toàn sự an nguy của đất nước mà thi hành chính sách dùng hôn nhân chính trị để giữ mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Khi một công chúa hy sinh thân mình gánh vác sứ mệnh bang giao này, cũng thường phải đấu tranh giữa trung và hiếu sao cho vẹn toàn.
Ví như triều đại nhà Đường có công chúa Văn Thành được gả cho Tùng Tán Can Bố nước Tây Tạng. Trải qua muôn ngàn khó khăn gian khổ, công chúa đã mang văn hóa nhà Đường truyền vào Tây Tạng, được người đời sau hết lòng kính trọng. Lúc đầu cô phải xa quê hương, xa cha mẹ, một mình sống nơi đất khách quê người, chẳng bao lâu lại nghe tin hoàng hậu lâm bệnh, khiến nỗi nhớ nhà thương quê càng trở nên da diết. Lúc này công chúa đứng trước tình cảnh, một bên là tiếng gọi thân tình của cha mẹ, một bên phải gánh vác trọng trách của quốc gia, nên trở về hay là ở lại, quả là tình huống khó xử, không biết làm thế nào.
Lại như trong Khang Hy đế quốc, Khang Hy vì muốn hòa hoãn cuộc xâm lược của Cát Nhĩ Đan, nên đã gả công chúa Hòa Thạc cho người Mông Cổ. Trước khi từ biệt, cô đến trước thái hậu Hiếu Trang, thưa rằng: “Nếu như một ngày nào đó, phụ hoàng với phu quân của con lại khởi binh đánh nhau thì con nên đứng về bên nào?” Trước tình thế khó xử như vậy, thái hậu Hiếu Trang cũng không biết phải trả lời sao, chỉ nhẹ nhàng nói rằng: “Mọi việc tùy theo ý của con”.
Trong lịch sử Phật giáo, Đức Phật vì giáo hóa cứu độ muôn loài, đem lại lợi ích cho chúng sinh, đối với trọng trách thừa kế ngôi vị và việc xuất gia tu đạo đã xảy ra sự mâu thuẫn, đây là một tình thế khó xử, không biết chọn lựa ra sao. Nhưng, sau khi tu chứng đạo quả, khi gặp lại công chúa Da Du Đà La - người vợ xinh đẹp khi xưa, Ngài vẫn kiên quyết nói với công chúa rằng: “Ta tuy có lỗi với nàng, nhưng ta không có lỗi với tất cả chúng sinh”.
Trong số các bậc cao tăng ở những triều đại trước đây, có Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập là vị tài hoa xuất chúng. Lúc bấy giờ vì cứu dân chúng của cả nước mà Ngài bị tướng quân Lữ Quang bức ép, phải lấy công chúa làm vợ. Ngài buộc phải lựa chọn giữ giới Tiểu thừa hay là thực hành hạnh Bồ tát Đại thừa, đây cũng là tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong Thiên Chúa giáo có những vị Thánh vì trung thành với đức tin mà hy sinh thân mạng, như Chúa Jesus Christ hay Nicolaus Copernicus… Trong cuộc sống đời thường, cũng có một số thanh niên đứng giữa lý tưởng của bản thân và sự kỳ vọng của cha mẹ. Vì kiên định với niềm tin của mình mà lựa chọn con đường xuất gia, nhưng lại gặp phải sự phản đối từ phía cha mẹ; hoặc vì kinh tế gia đình khó khăn nên không nỡ vào chùa tu hành bỏ lại gia đình, phải đứng trước tình cảnh khó xử, không biết nên lựa chọn hướng đi nào.
Nước Singapore hiện tại có mấy chục ngàn người Malaysia đang cư trú. Có người dân Singapore hỏi rằng: “Nếu như có một ngày hai nước Singapore và Malaysia xảy ra chiến tranh, thì các bạn sẽ đứng về phía Singapore hay một lòng hướng về Malaysia?”
Thực tế trong cuộc sống, có rất nhiều tình huống tiến thoái lưỡng nan như thế. Khi đứng trước tình huống như vậy, nếu là người thông minh chúng ta không nên vội vàng giải quyết, mà hãy để thời gian làm giảm đi sự căng thẳng, có thể “biến khó khăn thành cơ hội”, đó chính là cách tốt nhất để có kết quả tốt đẹp cho cả hai phía. Khi “tiến thoái lưỡng nan” trở thành “nhất cử lưỡng tiện”, thì đây mới là kết cục viên mãn nhất.