“Không ai có thể lo cho hạnh phúc của người khác được cả! Tự bản thân mỗi người phải kiếm tìm và trải nghiệm.”
- Sidney Madwed
Chuông điện thoại đổ liên hồi vào lúc hai giờ chiều. Đó là Ana, con gái tôi, đang gọi về từ chuyến cắm trại mùa hè. “Mẹ ơi! Hai bạn Tiera và Mia không chịu chơi với con” - Tiếng con bé nức nở trong điện thoại. “Mẹ đến chở con về nhà đi” - Nó van vỉ. Nghe những lời con nói, trái tim tôi như nhói đau. Bản năng của một người mẹ trong tôi trỗi dậy, tôi chỉ muốn lái xe chạy ngay đến với con. Nếu quả thực mấy đứa con gái kia cư xử không phải với Ana, tôi sẽ mắng cho chúng một trận.
Nhưng rồi tôi bình tâm lại. Nếu bây giờ tôi lái xe chạy đến và đưa con gái về nhà thì chắc gì đã tốt cho nó. Làm như vậy chẳng khác nào gián tiếp khẳng định rằng Ana hoàn toàn không có khả năng để giải quyết vấn đề của riêng nó. Song, tôi vẫn biết Ana đang cần sự hỗ trợ của tôi - đơn giản là tôi sẽ bảo cho con biết cách phải ứng xử như thế nào.
Nếu nó tự biết ứng phó trong tình huống này, chắc chắn nó đã không phải gọi điện thoại cho tôi. Nghĩ thế, tôi quyết định tìm hiểu kỹ hơn về rắc rối của con. “Con không hiểu tại sao các bạn ấy không muốn chơi với con” - Nó thổ lộ. Tôi cố gắng suy nghĩ tìm cách giúp con: “Thế tại sao các bạn ấy không chịu chơi với con, con có biết không?”. “Con sẽ không hỏi các bạn ấy trước đâu.” - Con bé phụng phịu đáp. “Con thử nhìn xung quanh xem, các bạn khác đang chơi trò gì?” - Tôi gợi ý.
“Có mấy bạn đang chơi nhảy dây, mẹ ạ! Còn những bạn khác thì chơi đồ hàng.”
“Vậy con thử đến chơi chung với các bạn ấy xem!”
“Vâng, thưa mẹ!” - Nói xong, con bé gác máy.
Lúc năm giờ chiều, tôi đến trại đón Ana. Nét rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt con bé.
“Sao? Hôm nay chơi vui không con?” - Tôi hỏi.
“Vui lắm mẹ ạ! Con đã chơi nhảy dây với rất nhiều bạn mới!”
Nhìn con gái cười vui, tôi càng thấm thía bài học về nghệ thuật sống. Những gì đã diễn ra với Ana trong ngày hôm đó đã chứng minh một điều: các bậc cha mẹ cứ luôn cho rằng mình phải có trách nhiệm mang hạnh phúc đến cho con cái, song thực ra, họ chỉ cần gợi ý, định hướng cho con những việc chúng cần làm. Từ đó, chúng sẽ tự tìm lấy hạnh phúc cho cuộc sống của mình.
Điều đó cũng đúng với cả những người trưởng thành. Chúng ta có thể gợi ý giúp người khác suy nghĩ tìm ra giải pháp tốt nhất giải quyết vấn đề của họ, chứ không nên tự mình đứng ra giải quyết khó khăn thay cho bất kỳ ai. Bởi vì hạnh phúc là sự cảm nhận riêng của mỗi người, nên việc giải quyết khó khăn cũng là trách nhiệm của bản thân mỗi người.
Chỉ khi nào chúng ta biết nỗ lực tìm cách vượt qua khó khăn, chinh phục thử thách cuộc sống thì hạnh phúc mà chúng ta tìm thấy mới thực sự quý giá.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn mong muốn được giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, không phải sự giúp đỡ nào cũng khiến bản thân ta và người được giúp cảm thấy hạnh phúc. Cũng có khi, tình yêu thương thái quá khiến chúng ta cứ muốn làm thay cho người khác mọi chuyện. Tôi biết có những bậc cha mẹ luôn bảo bọc con cái trong cái nôi của sự nuông chiều. Họ đáp ứng mọi nhu cầu của con bất cứ khi nào chúng vòi vĩnh. Tôi biết có những người chồng cưng chiều vợ hết mực, lo cho vợ mọi việc: ăn, mặc, đi lại, mua sắm, giải trí… Về lâu dài, họ vô tình biến vợ mình thành một người phụ nữ yếu đuối, thụ động, chỉ biết sống lệ thuộc. Tôi có thể nói rằng, những đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều và những bà vợ được chồng lo lắng cho mọi chuyện như vậy sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được thế nào là hạnh phúc cuộc sống. Thật vậy, những đứa trẻ đó khi lớn sẽ trở nên ích kỷ, lười lao động, và những người vợ kia thì chỉ biết suốt đời ỷ lại vào chồng.
Vậy, họ có hạnh phúc hơn hay không? Chắc chắn là không! Bởi lẽ, hạnh phúc không phải là một món quà mà người này ban phát cho người kia. Hạnh phúc của cuộc sống là phải tha thiết yêu cuộc sống này, và tự tay mình xây đắp nên những điều tốt đẹp.
Nếu lúc nào chúng ta cũng đem hết khả năng của mình ra làm thay cho người khác mọi việc thì đến một ngày nào đó, lòng nhiệt tình của ta cũng sẽ nguội lạnh. Còn nếu ta cứ suốt ngày ngồi chờ đợi sự gia ơn, ban phát của người khác mà không chủ động cải thiện cuộc sống của chính mình thì rồi nghị lực, niềm tin và ý chí của ta dần dần sẽ bị lụi tàn trong lặng lẽ.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta chỉ biết có “cái tôi” của mình mà không quan tâm đến những người xung quanh. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở phần này là, hãy để cho mỗi người có trách nhiệm làm nên hạnh phúc trong cuộc đời của họ. Yêu thương một người, hoàn toàn không có nghĩa là gánh vác mọi chuyện thay cho người đó.
Khi bạn ý thức được trách nhiệm tìm kiếm hạnh phúc cho cuộc sống của mình thì những người xung quanh bạn cũng sẽ như vậy!