Sợi nhân duyên xích họ lại gần nhau, hóa ra lại đưa họ vào tình thế “oan gia ngõ hẹp”.
Gần về nhà đó của Ngô Dạ Lai là lần cuối cùng anh được gặp mặt bà. Sau khi anh quay về đơn vị không lâu thì bà qua đời trên giường bệnh. Khi đó anh có nhiệm vụ quan trọng không về được nên chỉ kịp về cúng bảy ngày cho bà.
Bà qua đời làm Ẩn Trúc khóc rất thảm thiết. Bà tuy không biết chữ nhưng lại hiểu rất nhiều triết lý trong cuộc sống, bà là người đứng đầu, cũng là trụ cột trong nhà. Cho dù không nói gì, không làm gì, nhưng việc có người già trong nhà cũng vẫn khiến người ta cảm thấy yên lòng hơn. Bà đích thân chỉ dạy Ẩn Trúc làm việc nhà, cũng không ít lần cằn nhằn Ẩn Trúc. Bà nói Ẩn Trúc thì được nhưng bà không cho phép người ngoài nói Ẩn Trúc dù chỉ một câu.
Một lần trong nhà có họ hàng đến chơi, ghé tai thì thầm nói với bà là cháu dâu bà không biết làm việc gì cả. Lúc đó Ẩn Trúc mới cưới được mấy ngày, đừng nói là nấu cơm mà ngay cả việc tiếp đãi khách khứa cô cũng khéo léo tránh đi. Cô chăm chỉ nhưng không được gọn gàng cho lắm. Mọi người trong phòng nhìn cô quay đi quay lại hết chỗ này đến chỗ khác cũng thấy chóng cả mặt.
Lúc đó bà đã nổi giận, Ẩn Trúc vẫn còn nhớ những lời bà nói:
“Tôi còn đang không nỡ nhìn con bé vất vả đây! Ẩn Trúc, vào phòng nghỉ ngơi đi, để những người biết việc ở đây tự phục vụ mình”. Nói xong, bà liền kéo Ẩn Trúc vào phòng, Ẩn Trúc cảm thấy rất khó xử, cô đi theo cũng dở mà không đi theo cũng dở.
Sau đó mẹ chồng cô phải chạy đến giải vây, “Là lỗi của con, con không nên ở trong bếp chỉ đạo nhiều làm con bé rối tung nên không biết phải làm gì, thôi đừng vào phòng nữa, cả nhà ăn cơm nào!” Lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng từ đó về sau, họ hàng đến chơi đều cư xử rất khách sáo, không còn lên mặt theo kiểu người trên với cô nữa.
Ẩn Trúc giờ đã là một tay nấu nướng cừ rồi, dĩ nhiên là theo khẩu vị của Ngô Dạ Lai. Khi mới cưới về, cô cảm thấy không quen vì trước kia ở nhà, mẹ đẻ cô nấu nướng thường dùng ít dầu, ít muối, ít thịt, mùi vị khá thanh đạm. Nhưng ở đây nấu ăn phải cho nhiều dầu, nhiều muối, nhất là khi xào rau hay xào thịt. Hai ngày mà không có thịt hầm thì coi như mâm cơm chẳng có gì để mà ăn. Cô ăn còn không nổi chứ đừng nói gì đến việc nấu theo kiểu đấy.
Khi đó bà đã nói, “Con về đây làm dâu, ăn cùng mâm với cả nhà, nhà mình không ai ăn nửa bát cơm cả, con ăn bao nhiêu xới bấy nhiêu, không được để thừa cơm.”
Ẩn Trúc tin là thật nên hầu như không ăn thức ăn mà toàn ăn cơm trắng, chỉ sợ ăn thừa làm người lớn trong nhà không vui. Có lần bà nói riêng với cô, “Cháu đúng là con búp bê biết nghe lời, sau này thấy mình ăn được bao nhiêu thì xới bấy nhiêu, ăn nhiều thức ăn vào, ăn ít cơm thôi. Bao giờ cháu ăn cơm nhà này mà thấy ngon miệng, thì khi ấy cháu thật sự trở thành người của nhà này rồi đấy”.
Ẩn Trúc rất hiểu điều đó. Lúc học đại học mà nhớ nhà, cô thường nhớ nhất là mùi vị những món ăn ở nhà. Bao giờ thích mùi vị món ăn ở nhà chồng, thì cô mới thật sự trở thành người nhà của Ngô Dạ Lai. Mùi vị trong ký ức của cô cũng giống hệt anh, suy nghĩ ấy khiến cô cảm thấy thật ngọt ngào. Hoặc cũng chính vì suy nghĩ ấy mà cô đã nhanh chóng quen và chấp nhận tất cả những thứ mà gia đình này vốn có, đồng thời nhẹ nhàng bước vào bức tranh hài hòa đó mà không có chút gượng gạo nào, còn bà chính là người đi trước dẫn đường cho cô, giúp đỡ và cổ vũ cô.
Bây giờ, người vẫn luôn gìn giữ gia đình này đã ra đi rồi, Ẩn Trúc thật sự không nén nổi nỗi đau này . Trong nhà thiếu đi một người, sự bận rộn từ trước tới nay đột nhiên dừng hẳn lại. Phải đến mấy ngày liền, Ẩn Trúc và mẹ chồng cô sáng nào cũng vội vàng dậy sớm muốn làm gì đó, sau đấy dường như lại nhớ ra, đứng lặng người giữa phòng khách hồi lâu mà không ngăn được sự đau thương.
Biểu hiện của Ẩn Trúc hụt hẫng cô độc như con chim lạc đàn, bố mẹ chồng còn phải an ủi cô, muốn cô về nhà mẹ đẻ ở vài ngày, cố gắng nghỉ ngơi.
Ngô Dạ Lai trở về, nhìn thấy Phùng Ẩn Trúc đau lòng như thế. Bà đã nuôi anh khôn lớn, tình cảm của anh đương nhiên là rất sâu đậm. Nhưng bà đã nằm viện một thời gian rồi nên anh cũng có chuẩn bị về tâm lý cho sự ra đi của bà. Vì vậy anh khá bình tĩnh đón nhận chuyện đó, điều anh lo lắng hơn cả là bố mẹ tuổi tác đã cao sẽ không chịu nổi. Nhưng anh không ngờ đã qua mấy ngày rồi mà Phùng Ẩn Trúc vẫn còn khóc đến nghẹn cả tiếng. Lúc không khóc, đôi mắt của Ẩn Trúc chẳng có chút thần thái nào, cứ như tất cả đều đã bị bà mang theo cả rồi. Phùng Ẩn Trúc đắm chìm trong nỗi đau, hoàn toàn không để ý đến sự xuất hiện của anh.
Đêm đến, Ngô Dạ Lai vòng tay ôm lấy Ẩn Trúc từ phía sau lại bị cô hất ra. Cô ngồi bật dậy, “Lúc này, sao anh còn có tâm trạng đó chứ?”.
“Tâm trạng nào? Anh nghĩ em cần được an ủi”, Ngô Dạ Lai có chút ngại ngùng thu tay mình lại và ngồi dậy.
Ẩn Trúc ôm đầu gối, vùi khuôn mặt đang nóng bừng bừng của mình vào giữa hai gối. Vừa rồi cô đã hiểu lầm Ngô Dạ Lai, nghĩ anh vào lúc này rồi mà còn muốn chuyện kia nữa. Nhưng làm sao cô không hiểu lầm cơ chứ? Từ khi kết hôn tới nay, giữa hai người bọn họ đã hình thành một thỏa thuận ngầm, anh không thích cô cứ dính lấy mình. Vì vậy, nếu như anh nằm quay lưng lại với cô có nghĩa là anh muốn được nghỉ ngơi, còn ngược lại là anh có dự định khác, ví dụ như muốn vận động một chút chẳng hạn.
Cô thật sự chẳng còn chút tâm trạng nào, việc bà qua đời khiến cô cảm thấy căn nhà này bỗng chốc trở nên trống rỗng quá, con tim cô cũng trống trải, lạc lối không biết nên đi đâu về đâu.
Một lúc sau, Ẩn Trúc ngửi thấy có khói thuốc phảng phất bay lại. Ngẩng đầu lên nhìn thấy Ngô Dạ Lai đang tựa vào đầu giường hút thuốc.
“Phùng Ẩn Trúc, em khóc nhiều ngày như thế còn chưa đủ sao?” Ngô Dạ Lai thở dài, “Sau khi kết hôn với anh, hình như chưa bao giờ anh thấy em cười cả”. Ngô Dạ Lai không phải không nhớ tới một Phùng Ẩn Trúc vô lo vô nghĩ, dũng cảm tiến về phía trước của ngày xưa, chí ít là khi đó cô ấy còn vui vẻ và rạng rỡ biết bao.
“Em muốn cười lắm nhưng cũng phải có chuyện gì đó đáng để em cười chứ!”, Ẩn Trúc không nói tiếp nữa, cô không muốn oán trách cuộc sống mà cô lựa chọn, cũng không muốn rút lui nhanh như thế. Nếu chỉ có một chút kiên trì như thế thì ngay từ lúc đầu sao cô không từ bỏ luôn đi?
“Cuộc sống của em buồn bã thế sao?”, Ngô Dạ Lai hít mấy hơi thuốc thật sâu. Khi nhận được tin bà mất, suy nghĩ sẽ ly hôn với Ẩn Trúc hiện lên đầu tiên trong đầu anh. Anh biết bản thân mình thật bỉ ổi, lúc cần đến cô thì lợi dụng sự si mê của cô để cưới cô về, giờ đây chẳng cần đến cô nữa thì anh lại muốn làm việc thiện trả lại tự do cho cô, nhưng trên thực tế là muốn giải phóng cho bản thân mình. Phùng Ẩn Trúc mệt, anh cũng thấy mệt, cô sợ việc lúc nào cũng phải nhìn sắc mặt anh để cư xử, còn anh thì không cần như thế.
Ngô Dạ Lai cảm thấy, anh và Phùng Ẩn Trúc thuộc về hai thế giới khác nhau. Khi còn đi học, cô không hiểu được tại sao việc gì anh cũng phải nghiêm túc như thế, còn anh cũng chẳng thể hiểu nổi tại sao cô lại thờ ơ đối với tất cả mọi chuyện như thế. Sau khi đi làm thì hai người lại càng như đang sống ở hai thế giới khác biệt. Những việc ở đơn vị, cho dù anh có kể cô cũng không thể hiểu được. Còn những chuyện về công việc của cô, anh lại chẳng có hứng thú gì, cô cứ nói được mấy câu, không thấy anh tiếp lời là cô không nói nữa.
Ngô Dạ Lai cho rằng hôn nhân phải được xây dựng trên cơ sở cả hai người cùng thấu hiểu nhau. Nhưng mà giữa bọn họ lại chẳng có bất cứ sở thích hay hứng thú chung nào cả. Sợi nhân duyên xích họ lại gần nhau, hóa ra lại đưa họ vào tình thế “oan gia ngõ hẹp”.
Ngô Dạ Lai và Phùng Ẩn Trúc là bạn học cấp ba, học cùng khóa nhưng khác lớp, đều là học sinh giỏi của lớp nhưng lại không hề biết nhau. Thành tích học tập của họ tuy rất tốt song vẫn chưa đủ để xếp hạng nhất nhì, dù thế nhưng cũng đủ để khiến mọi người phải ngưỡng mộ ngước nhìn rồi. Cả hai người đều không được coi là những nhân vật nổi tiếng gì cho nên không được mọi người chú ý hay nhận ra.
Đương nhiên, họ cũng chẳng phải là những người hám danh lợi, trong lớp họ là những con người xuất sắc. Rất nhiều bạn học và thầy cô còn truyền nhau mãi về sự chịu khó của Ngô Dạ Lai. Mỗi kỳ thi anh luôn là một trong năm người xuất sắc nhất lớp, cũng là đền đáp xứng đáng cho công sức anh đã bỏ ra. Cứ có thời gian rảnh là Ngô Dạ Lai lại học. Học đến nỗi mà những bạn học cùng lớp với anh không hề có chút ấn tượng gì về ngoại hình của anh dù đã học với nhau suốt cả năm trời. Anh rất ít khi giơ tay phát biểu, cũng chưa bao giờ tiếp lời thầy cô giáo. Thỉnh thoảng bị gọi lên bảng làm bài tập, hoặc bị gọi đứng dậy đọc thuộc văn hay Anh văn, anh cũng rất nghiêm túc chỉn chu. Không giống một số bạn học của anh, họ rất dễ được mọi người ghi nhớ qua cách bộc lộ cá tính, ví dụ như làm cho mọi người cười trong một tình huống nào đó Trên thực tế, khách quan mà nói, Ngô Dạ Lai khá điển trai, năm lớp mười anh đã cao gần một mét tám. Mắt anh rất sâu, mũi cao và thẳng, dù không phải kiểu mắt to mày rậm truyền thống nhưng đuôi mắt hơi hất lên lại chính là điểm nhấn khiến khuôn mặt anh càng tuấn tú hơn. Nhưng anh ít biểu cảm ra bên ngoài nên trông hơi cứng nhắc. Ở tuổi này, đám con gái chỉ chú ý tới những chàng trai ưa vận động. Họ nghĩ những chàng trai chơi thể thao tốt mới là đàn ông đích thực, còn những anh chàng chăm chăm chỉ biết đến học đều bị quy cho biệt danh mọt sách hết, không bao giờ lọt vào tầm ngắm của đám nữ sinh, Ngô Dạ Lai chính là điển hình trong số đó.
Còn Phùng Ẩn Trúc lại là một kiểu điển hình khác. Ở trung học, khoảng cách giữa nam sinh và nữ sinh không quá rõ ràng, cũng không hay chơi với nhau như thời còn học cấp hai nữa. Có những nữ sinh hoạt bát sôi nổi, còn xưng hô như con trai chơi đùa cùng đám nam sinh; Cũng có những nữ sinh tính tình nghiêm túc vẫn trao đổi phương pháp học tập với các bạn nam sinh khác; Lại có một số người dần tách ra khỏi đám bạn, chỉ có hai người trong mối quan hệ bí mật, công khai hoặc nửa úp nửa mở.
Phùng Ẩn Trúc thuộc kiểu nữ sinh thứ nhất. Tính cách của cô vô cùng hướng ngoại, rất thích chơi với đám nam sinh, trò gì cô cũng có thể chơi được, đá bóng, đánh cầu… Thể thao xong còn cùng bọn họ đi ăn thịt xiên nướng, thời gian vừa vào trung học cô đúng là một phần tử vô cùng nghịch ngợm.
Trong học tập, cô thông minh nhưng không chăm chỉ, thành tích lại không ổn định, lúc học tốt thì có thể đứng một trong ba vị trí đầu của lớp, lúc không tốt thì xếp thứ hai mươi trở xuống là chuyện bình thường. Cô thiên về các môn Xã hội, các môn Tự nhiên lại hơi yếu, vì thế mà trong các kỳ thi, cô thường bị điểm Lý và Hoá kéo xuống nhiều. Bố mẹ cũng có mời gia sư đến phụ đạo nhưng không mấy hiệu quả. Phùng Ẩn Trúc an ủi họ, sau này cô sẽ theo ngành Văn học thế nên khi đưa cho bố mẹ xem bảng thành tích, bao giờ cô cũng xóa bớt điểm các môn tự nhiên đi, chỉ để cho bố mẹ nhìn thấy xếp hạng của mình. Cô là người có tính cách tự tin thái quá và hơi hời hợt, bố mẹ cũng hết cách với cô.
Chủ nhiệm lớp của Phùng Ẩn Trúc là một cô giáo hơn ba mươi tuổi, cô chủ nhiệm này không thích những kiểu nữ sinh “điên điên khùng khùng” như thế, lại có vẻ thiên vị nam sinh, vì vậy mà cô giáo không vừa mắt với Phùng Ẩn Trúc. Cô giáo không thích Phùng Ẩn Trúc đến nỗi cứ nhìn thấy Ẩn Trúc nói chuyện với bạn nam nào là sẽ tìm cách gặp riêng bạn nam đó ngay và yêu cầu họ chú ý vào việc học, không được đàn đúm chơi bời với cô nữa. Ban đầu, Phùng Ẩn Trúc không hiểu vì sao cô giáo lại thiên vị như thế, cũng đã khóc vì chuyện này, cứ đến giờ tiếng Anh của cô, Ẩn Trúc lại học với tâm trạng sa sút nên kết quả thành tích của môn này xuống dốc thảm hại. Sau này thì quen rồi, dù sao thì cô cũng không định phát triển thêm mối quan hệ với ai trong đám người ấy nữa, cũng chẳng có đứa bạn thân nào vì chuyện đó mà xa lánh cô, lẽ nào còn sợ bị nói gì nữa sao? Sau khoảng thời gian đó, thành tích môn tiếng Anh của Phùng Ẩn Trúc lại tốt như trước. Chỉ có cô là không để ý gì thôi, chứ cô giáo chủ nhiệm của cô thì không bao giờ tuyên dương cô một câu nào trong các cuộc họp phụ huynh, cho dù thành tích của cô có tốt tới đâu, thậm chí khi nói tới vấn đề yêu sớm mang tính nhạy cảm, cô giáo còn nói những lời lẽ ám chỉ với bố mẹ của Ẩn Trúc.
Phùng Ẩn Trúc cũng tức giận, cô giáo Đổng đã “đánh giá cao” sức hấp dẫn của cô như thế, nếu cô không yêu sớm thì thật có lỗi với sự coi trọng của cô giáo quá. Nhưng, nhìn qua một lượt mấy cậu bạn cô đang chơi hiện nay đều thân thiết như anh em, nếu giờ mất đi tình bạn đó, trong lòng cô cũng cảm thấy bứt rứt. Vì vậy, cô vẫn giữ nguyên phương châm phải chăm chỉ học hành, một khi đã có thành tích cao rồi thì không ai có thể nói gì được nữa.
Nhưng cái kiểu trong mắt không có ai đó của cô lại khiến cô giáo chủ nhiệm bực mình hơn. Cô Đổng không chỉ tuyên truyền những lời lẽ không hay về cô với đám nam sinh, mà khi những giáo viên bộ môn khác nhắc đến cái tên Phùng Ẩn Trúc, cô ta cũng không hề che giấu sự bất mãn của mình đối với cô nữ sinh này. “Phùng Ẩn Trúc á? Chỉ khôn vặt thôi, ngày nào cũng thấy tụ tập đàn đúm với đám con trai, mấy cậu học sinh ngoan ở lớp tôi đều bị nó tiêm nhiễm thói xấu hết cả rồi”.
Lâu dần về sau, Phùng Ẩn Trúc nổi tiếng như cồn. Cô có thông minh và học giỏi đến đâu, cũng đừng mong động được tới chức cán bộ trong lớp, chẳng có thầy cô giáo nào dám khen cô. Cũng may mà bố mẹ Phùng Ẩn Trúc rất tin tưởng cô, chỉ cần thành tích học tập của cô tốt, họ sẽ không can thiệp vào chuyện bạn bè của cô. May mắn hơn cho cô, đến năm lớp mười một cô giáo Đổng lại chuyển sang làm chủ nhiệm ở lớp Tự nhiên, Phùng Ẩn Trúc lại học lớp Văn, cuối cùng mới thoát khỏi cái “lồng thiên vị” của cô ta.
Ngô Dạ Lai biết Phùng Ẩn Trúc trước khi Phùng Ẩn Trúc biết anh, anh biết đến cô bởi sự khác biệt giữa tên và con người thật của cô. Vào năm lớp mười một, trường tổ chức giải bóng rổ cho cả khoá. Khoá của họ khi ấy có mười lớp, Ngô Dạ Lai học Lý thuộc lớp Ba, chủ nhiệm của lớp đó lại chính là cô giáo Đổng, Phùng Ẩn Trúc học Văn, ở lớp Hai.
Mặc dù là lớp chuyên về xã hội, nam sinh lại ít nhưng cũng có nhiều người giỏi thể thao, vì vậy ưu thế của lớp Hai rất rõ ràng. Mười hai giờ ba mươi phút trưa, cuộc đọ sức giữa lớp Hai và lớp Ba đã tới vòng tứ kết, giai đoạn đấu loại trực tiếp. Một cuộc thi như thế làm sao Phùng Ẩn Trúc có thể bỏ qua được? Đại diện cho lớp Hai đi thi có hai người là bạn thân của cô nên từ rất sớm, cô đã cầm theo nước khoáng rồi cầm áo khoác cho họ, đứng dưới rổ lưới chuẩn bị cổ vũ tiếp sức và kiêm luôn công tác hậu cần.
“Ẩn Trúc, cậu thấy khả năng thắng của lớp mình có cao không?”, người hỏi là một người bạn mới của Phùng Ẩn Trúc, tên là Dương Nguyệt - bạn cùng bàn của cô sau khi vào lớp Hai.
“Chuyện đấy cần gì phải hỏi nữa? Lớp mình có anh Đại, anh Phi, thắng là cái chắc, có điều thắng được bao nhiêu thôi”, anh Đại tên là Đào Đại Dũng, anh Phi tên là Thẩm Quân Phi, đều là người trong nhóm Ẩn Trúc chơi.
“Cũng chưa chắc đâu, lớp mình chỉ có hai người đó là nổi trội thôi. Dù gì lớp Ba cũng là lớp tự nhiên, nam sinh lại đông, nếu cả đội bên họ mà phối hợp tốt, chúng ta chưa chắc đã có cơ hội.”
“Sao cậu lại khen chí khí của người khác thế nhỉ! Cậu thử nhìn cái đám ô hợp ở lớp Ba xem, tuổi già sức yếu rồi làm sao xứng là đối thủ của lớp mình. Cậu nhìn cái đám đầu to mắt cận kia đi, vào trận rồi có muốn tìm thấy bóng cũng khó ý chứ!”, nói xong, cô còn không kiêng dè gì phá lên cười, anh Đại nghe thấy tiếng họ thì giơ tay lên, cổ vũ cho họ. Phùng Ẩn Trúc rất bênh họ, cô thường xuyên cùng chơi bong với bọn anh Đại nên đương nhiên rất tin tưởng vào những người bạn của mình.
Đứng trên lập trường của Ẩn Trúc thì không có gì là sai, nhưng để lọt vào tai Ngô Dạ Lai đứng ngay bên cạnh thì không thể chấp nhận được. Một người con gái ăn nói không hề kiêng dè gì như thế làm anh thấy rất phản cảm. Hôm nay, anh đến xem trận đấu này cũng là vì bị các bạn ra sức kéo đi bằng được, mấy câu nói đó của Phùng Ẩn Trúc đã động chạm tới tinh thần danh dự tập thể hiếm khi thể hiện ra của anh.
Trận đấu của lớp Ba ngày hôm nay vốn là một trận quyết chiến. Thành viên chủ lực của Uỷ ban thể thao bị đau dạ dày nên hôm nay không tham gia được. Bóng rổ ý mà, bảo biết chơi thì tìm đại một cậu nam sinh nào đó cũng có thể chơi vài hiệp, nhưng khả năng biết chơi đó nếu thực sự để đưa vào thi đấu đối kháng thì sẽ nhìn thấy ngay sự khác biệt. Những người không trải qua sự luyện tập bài bản và cọ xát trong thi đấu thực tế, chẳng những phản ứng chậm mà đến tỉ lệ đánh trúng bóng cũng sẽ giảm đi nhiều.
Ngô Dạ Lai nhìn nhìn cô nữ sinh bên cạnh đang vênh cằm lên cứ như cô ta là chủ soái đã nắm chắc phần thắng trong tay rồi vậy. Chắc là Phùng Ẩn Trúc rồi. “Ấu trĩ!”, nói xong, anh đi đến chỗ các bạn cùng lớp đang đứng, tỏ ý muốn cùng tham gia vào trận thi đấu.
Phía bên này, Phùng Ẩn Trúc ngờ vực hỏi Dương Nguyệt: “Hắn ta nói ai ấu trĩ? Cậu có quen hắn không?”
“Không quen, không phải nói bọn mình đâu.”
Trận thi đấu đó, đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho Ẩn Trúc đặc biệt là anh chàng nói hai từ “Ấu trĩ”. Bởi vì, lớp Hai cuối cùng lại thua còn lớp Ba dựa vào một mình sức mạnh của Ngô Dạ Lai mà lật ngược tình thế, giành chiến thắng.
Đương nhiên, người bị sốc không chỉ có mình cô mà tất cả học sinh lớp Ba cùng học sinh toàn trường đều kinh động trước sự kiện này. Ngô Dạ Lai chỉ qua một trận đấu mà danh nổi như cồn. Anh chủ động dẫn dắt toàn đội qua cửa ải khó giành được giải quán quân trọng cuộc thi đấu này và giữ được ngôi vị quán quân đó cho tới tận khi tốt nghiệp. Đấy lại là câu chuyện về sau này.
Rất lâu sau đó Phùng Ẩn Trúc vẫn không thể chấp nhận được kết quả của trận đấu đó, đặc biệt là khi nhìn thấy nụ cười tươi như hoa của cô giáo chủ nhiệm cũ - cô Đổng càng làm cô cảm thấy khó chịu. Vì vậy, đối với nhân vật anh hùng bất ngờ lộ diện như Ngô Dạ Lai, cô còn thấy đáng ghét hơn những người khác. Bình thường thì chẳng thấy xuất hiện, che giấu tài năng, đến khi thi đấu với lớp cô thì hắn ta lại khí thế thế. Việc này lại khiến cô nhớ lại hai từ “Ấu trĩ” của hắn ta, cô có cảm giác như câu nói đó là nhắm vào chính cô.
Khó chịu thì phải tìm cách để xả ra nên Phùng Ẩn Trúc quyết định tìm thời gian thích hợp để đi gặp cái tên “không ấu trĩ” Ngô Dạ Lai kia. Xem xem liệu có phải hắn ta có ba đầu sáu tay hay không mà khiến anh em của cô thua không rõ ràng như thế.