Gặp nhau từ thuở thanh xuân ở chiến trường, cảm mến nhau vì là đồng hương, lại cùng tên, lúc tuổi già lại luôn được sẻ chia, kề cận. Câu chuyện tình yêu của ông bà Trịnh Xuân Báu-Nguyễn Thị Hoài Báu ở phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội khiến con cháu rất ngưỡng mộ.
Ông Trịnh Xuân Báu và vợ-bà Nguyễn Thị Hoài Báu tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang tại phường Đức Giang. Ông đã bước sang tuổi 81, còn bà kém ông 11 tuổi nhưng vẫn xưng hô anh-em với nhau rất “ngọt”! Có người khen bà trẻ hơn so với tuổi, bà chỉ sang ông: “Do may mắn lấy được ông ấy đấy!”. Bà cười tươi bảo nhờ có ông mà mấy chục năm nay, bà vẫn được sống với niềm đam mê ca hát từ thuở ở rừng Trường Sơn. Con cháu thì khen, mấy ai được như ông bà, lúc nào cũng “như chim liền cánh, như cây liền cành”. Ông phân trần, được “thử lửa” qua thời gian ở chiến trường chính là “chất xúc tác” để tình cảm của ông bà cứ đầy lên theo năm tháng. Rồi ký ức như một cuốn phim quay chậm đưa ông bà về cái thuở đôi mươi ở Trường Sơn...
Ông Trịnh Xuân Báu và bà Nguyễn Thị Hoài Báu tại Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội, năm 2012. Ảnh do nhân vật cung cấp
Năm 1973, Trung úy Trịnh Xuân Báu là Trợ lý Tuyên huấn của Binh trạm 34, Bộ tư lệnh Trường Sơn. Thấy anh đã ngoài tuổi “băm” mà vẫn “phòng không”, đồng chí Đoàn Hồ Hải, Chính trị viên Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trường Sơn mới giới thiệu: “Cô Hoài Báu ở chỗ tôi cùng quê cậu được đấy. Hay là cậu sang làm quen đi!”. Tính anh vốn nhút nhát, nghe thế thì biết vậy chứ đâu dám đường đột sang đơn vị cô. Vậy mà ông trời run rủi cho hai người gặp nhau thật tình cờ. Bữa ấy, anh được cử đi lấy cơm. Qua khúc suối thấy một cô gái cũng đi lấy cơm như mình trông rất ưa nhìn, anh liền tiến lại ngỏ lời chào, cô gái Hà Nội có nước da trắng hồng cũng ngước đôi mắt to tròn chào lại anh. Ánh mắt hai người gặp nhau và dường như Xuân Báu cảm mến đối phương ngay từ lần đầu gặp gỡ.
Bà Hoài Báu nhớ lại, vừa nhập ngũ vào Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trường Sơn, cô gái quê làng Thanh Am (Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) mới chỉ quen với điệu chèo, sân khấu kịch chứ chưa từng rung động trước bất cứ chàng trai nào. Khi gặp ông, những cử chỉ quan tâm nho nhỏ, như dúi vội vào tay bà chiếc khăn dù hay cất công làm chiếc lược đuya-ra tặng lúc hai người tình cờ gặp gỡ khiến bà ấn tượng mãi. Điều kiện thời chiến, lại công tác ở hai đơn vị khác nhau nên hai người ít có dịp gặp gỡ. Bà thường xuyên di chuyển giữa các đơn vị, đem lời ca, tiếng hát phục vụ bộ đội. Còn ông thì cũng tất bật với nhiệm vụ. Những cánh thư của ông là cầu nối để hai người hiểu nhau. Ông bà đều thừa nhận rằng, mối tình trong sáng ấy đã vượt lên những gian khổ của chiến trường, đặc biệt là sự xa cách về không gian, thời gian để thủy chung, gìn giữ.
Năm 1974, bà Hoài Báu chuyển ngành, đi học rồi về làm việc ở Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Gia Lâm (nay là Công ty Cổ phần Thương mại-Đầu tư Long Biên thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội). Còn ông, sau khi miền Nam giải phóng thì về công tác ở Đoàn 871, Tổng cục Chính trị. Có điều kiện gần nhau, tháng 11 năm ấy, ông ngỏ lời xin cưới bà. Lễ cưới diễn ra giản dị với ấn tượng là đoàn xe đạp dài rước dâu từ làng Thanh Am về Đoàn 871. Lấy nhau, 3 người con lần lượt ra đời cũng là những tháng năm bà một mình vất vả nuôi con bởi ông luôn bận bịu với việc nhà binh. Rồi từ Đoàn 871, ông chuyển công tác sang Binh chủng Hóa học. Từng là người lính, bà càng thấu hiểu công việc của chồng nên luôn cố gắng chu toàn việc nhà để ông yên tâm công tác.
Bà Hoài Báu kể rằng, cho đến bây giờ, khi 3 người con Trường, Thanh, Sơn đã trưởng thành, có gia đình riêng thì ông vẫn dành cho bà sự quan tâm ấm áp như những ngày thanh xuân. Từ ngày về hưu, ông luôn tích cực tham gia công tác của tổ dân phố, rồi làm báo cáo viên của Hội Cựu chiến binh quận Long Biên (từ năm 2007 đến nay). Còn bà, vốn sẵn tình yêu nghệ thuật từ thời trẻ, bà luôn say mê với các hoạt động xã hội. Hiện bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ phường, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật Cựu chiến binh quận Long Biên. Đặc biệt, Câu lạc bộ Nghệ thuật Hoa sim tím nơi bà là chủ nhiệm đã hoạt động được 25 năm sẽ không thể phát triển nếu không có sự ủng hộ của ông. Bà cứ tất bật đi sớm, về khuya, khi chuẩn bị cho các kỳ hội diễn, khi lại được mời đi biểu diễn ở nơi này, nơi kia. Ông không chỉ thay bà lo việc nhà tươm tất mà có nhiều chuyến đi theo, vừa làm cổ động viên cho vợ, vừa xem đội văn nghệ cần giúp gì thì “ra tay” liền. Những lúc rảnh rỗi, vợ chồng lại hàn huyên về những kỷ niệm ngày ở Trường Sơn. Hạnh phúc với ông bà là luôn được kề cận, sẻ chia như vậy!
KHÁNH AN