(*) Thước mực: một dụng cụ của thợ mộc, gồm ba thành phần chính: mực, dây và tàu (hũ chứa, máng chứa mực). Mực hay chất lỏng có pha màu đều có thể dùng cho dụng cụ này – ngay cả nước cũng có thể dùng trong trường hợp này – miễn là khi “nảy mực” ta có thể thấy vết hay lằn trên gỗ cho giai đoạn tới như cưa hay bào.
C
ó câu, nơi càng nghèo thì càng rối loạn, lời này chẳng sai chút nào. Bởi vì mẹ tôi đã bị chính bà nội tôi bắt về để sinh con đẻ cháu cho nhà tôi.
Bà nội vớt được mẹ tôi ở ngay bờ sông. Không ai biết mẹ tôi đã trôi từ đâu đến, tâm thần cũng không bình thường, ngay cả tên của mình là gì cũng không biết.
Nghĩ tới cảnh nhà nghèo, cha tôi không lấy nổi một người vợ, lúc đó bà nội bèn nảy ra một ý. Bà kéo mẹ tôi về nhà cho bằng được, sau đó nhốt lại trong phòng, bảo cha tôi mau chóng đi vào động phòng, có gì sinh lấy một đứa nối dõi tông đường.
Vừa hay đêm đó, ông nội tôi đi sửa mộ cho người ta mới về, nhìn thấy ngọc bội mà mẹ tôi đeo trên cổ, ông lập tức không đồng ý. Ông bảo nhà họ Lý không có cái phúc này, còn bảo bà nội mau chóng đưa mẹ tôi đi, nếu không cả nhà sẽ bị hại chết.
Nhưng bà nội tôi sống chết không chịu, còn mắng ông nội là vô dụng, làm cái nghề thợ sửa mộ, nghèo tới nỗi ngay cả con trai mình cũng không có tiền lấy vợ. Nếu nhà họ Lý tuyệt đường hương khói, bà thà đập đầu chết trước mộ tổ tiên cho xong.
Lời của bà nội thực sự làm tổn thương lòng tự trọng của ông nội. Ông thở dài, cũng không nói gì thêm nữa, chỉ lẳng lặng gọi cha tôi đi ra ngoài nhà, nghiêm giọng cảnh cáo cha tôi, nếu muốn sống thì đừng có đụng vào mẹ tôi.
Nhưng điều quái lạ là, từ sau đó, ông nội không còn đi sửa mộ cho người ta nữa. Ngày ngày, ông ở nhà chỉ để trông chừng mẹ tôi, không cho cha tôi vào phòng. Nhưng bản thân ông thì lại hay lui tới phòng đó, mà đã vào là phải rất lâu sau mới đi ra, mỗi lần đi ra tuy ông lộ rõ vẻ mệt mỏi, nhưng trên gương mặt lại là nụ cười rất vui vẻ.
Lúc đó, bà nội bận rộn sắp xếp mọi chuyện, lựa chọn ngày tốt rồi mời bà con chòm xóm tới ăn cỗ. Đêm hôm ấy, ông nội cũng không có cách nào ngăn cản, chỉ có thể mở to mắt nhìn cha tôi đi vào động phòng.
Ông nội đã đứng ngoài cửa phòng suốt cả một đêm.
Chẳng bao lâu sau, mẹ tôi mang thai, tôi được sinh ra đúng ngày mùng chín tháng chín, ông nội bèn đặt tên cho tôi là Lý Sơ Cửu.
Cả nhà đều cho rằng lời cảnh cáo của ông nội chỉ là nói mò mà thôi, nhưng không ngờ, lúc tôi mười tuổi, rốt cuộc cũng đã có chuyện xảy ra.
Khi tôi dần lớn lên, người trong thôn cũng bắt đầu bàn tán xôn xao chuyện nhà chúng tôi, nói là mặt mũi tôi không giống cha tôi tý nào, còn nói tôi là anh em ruột với cha tôi mới đúng.
Mọi người càng lúc càng bàn tán sau lưng nhà chúng tôi nhiều hơn, còn mắng nhà họ Lý chúng tôi không biết xấu hổ. Cha tôi bị mắng cho không ngẩng mặt lên được, uống say rồi liền làm loạn. Cha tôi dắt theo đám bạn bè vô lại của mình về nhà, nói là phải dạy cho mẹ tôi một bài học. Cha tôi đã đánh đập mẹ tôi suốt một tiếng đồng hồ, phải cho tới khi mẹ tôi khóc không ra tiếng nữa mới thôi.
Tôi trốn trong chăn khóc mãi, cũng không dám chui ra nhìn xem mẹ tôi thế nào vì sợ cha tôi đánh cả tôi. Khóc mệt rồi, tôi mơ màng ngủ thiếp đi.
Hôm sau, trời còn chưa sáng tôi đã nghe thấy tiếng quát mắng của ông nội: “Lý lão nhị, cái thằng trời đánh thánh vật, mày đúng là ăn gan hùm mật gấu rồi, mày định hại chết cả nhà à?”
Tiếng quát mắng của ông nội khiến tôi giật mình tỉnh lại. Chờ khi tôi bò xuống khỏi giường thì đã thấy ông nội tôi đang đứng ngay cửa phòng mẹ tôi, tức giận tới run người.
Mà xác của mẹ tôi thì đang treo lủng lẳng ngay dưới xà nhà. Hai bàn chân duỗi thẳng cẳng, cái xác còn thỉnh thoảng đung đưa qua lại.
Lúc ấy tôi còn nhỏ, không biết cái gọi là sự thống khổ của sinh ly tử biệt. Bình thường đều là bà nội chăm tôi, cho nên tình cảm giữa tôi và mẹ cũng không sâu sắc. Nhưng khi thấy vết bầm trên mặt cùng với cánh tay của mẹ, tôi vẫn thấy sống mũi cay xè, khóc òa thành tiếng.
Ông nội không biết tôi đứng ngay sau lưng, lúc này mới quay đầu lại nhìn tôi, nhíu chặt chân mày, sau đó ngồi xổm xuống an ủi tôi, “Sơ Cửu, không khóc, cháu là đàn ông.”
Tôi không hiểu thế nào là đàn ông, chỉ “vâng” một tiếng, lau nước mắt, ngẩng đầu nhìn xác của mẹ tôi. Hai mắt của mẹ tôi mở to, tia máu trong con ngươi đều biến thành màu xanh.
Ông nội tôi đã đi tìm cái ghế, đứng lên đó cầm dao cắt đứt dây thừng, ôm xác mẹ tôi bỏ luôn vào trong quan tài. Ở nông thôn, hầu hết mọi nhà đều chuẩn bị sẵn quan tài cho người già. Quan tài của bà nội tôi hơi nhỏ nên ông nội đã phải dùng quan tài của mình.
Sau khi đặt xác của mẹ tôi vào trong quan tài, ông nội châm một ngọn đèn dầu đặt ở phía dưới quan tài, cuối cùng đốt ba nén nhang, quỳ xuống trước quan tài của mẹ tôi, dập đầu lạy ba cái, sau đó ông lẩm bẩm: “Mẹ Sơ Cửu, là Lý gia tôi có lỗi với cô. Tôi biết quá khứ của cô, nhưng tôi không có cách nào giúp được cô, tôi đã cố hết sức rồi. Xin cô nể mặt Sơ Cửu, tha cho Lý lão nhị và bạn già tôi một mạng, buông bỏ oán niệm, sớm ngày vào luân hồi đầu thai, đi tới chỗ mà cô nên đi.”
Vừa nói xong, ông nội cắm nhang vào khe hở của nắp quan tài. Sau đó ông dặn dò tôi làm giúp ông mấy việc. Lúc này, bà nội tôi đã tức giận trở về nhà mẹ đẻ vì những lời đồn đại của người trong thôn, mà cha tôi cũng chẳng biết đi đâu chưa về.
Ông nội ra ổ gà bắt một con gà trống đen xì rất to, rồi ông bảo tôi cầm lấy cái mực tàu của ông, đoạn ông cầm con dao cắt một nhát trên cổ con gà, tôi cầm mực tàu hứng lấy máu gà chảy ra.
Mãi cho đến khi có máu chảy tràn ra, ông nội mới bảo tôi đứng ở bên cạnh quan tài, cầm lấy đầu sợi dây của mực tàu, còn ông nội đứng ở đầu bên kia, cầm dây mực bắt đầu nảy mực tàu phía trên quan tài.
Mỗi một lần nảy, trên bề mặt quan tài lại xuất hiện một đường kẻ máu. Ước chừng mười phút sau, bề mặt quan tài đã chằng chịt các đường kẻ máu.
Những đường kẻ này giăng kín khắp bề mặt, trông hệt như một cái lưới màu đỏ, bao trùm cả quan tài.
Tôi nhìn mà không khỏi sợ hãi, bèn hỏi: “Ông nội, có phải mẹ cháu xảy ra chuyện gì rồi không?”
“Sơ Cửu, ông nội làm thế này là để bảo vệ mẹ cháu. Khi còn sống, ông không thể bảo vệ được mẹ cháu, giờ mẹ cháu chết rồi, ông không thể để cho mẹ cháu bị thương nữa.” Tôi nhìn thấy hai mắt ông nội đã ngấn lệ.
Tôi không tài nào hiểu được lời của ông nội, chỉ “vâng” một tiếng. Ngay sau đó, ông nội gọi điện báo cho bà nội tôi biết chuyện, rồi bảo bà mau chóng trở về nhà. Gọi điện xong, ông bảo tôi quỳ xuống trước quan tài, không được đứng lên.
Dặn dò xong rồi, ông lại đi ra ngoài gọi người. Ông nội gọi mấy chú bác trong họ tới bê hộ quan tài lên núi. Nhưng ông nội lại nói với họ rằng, mẹ tôi có vấn đề về thần kinh nên đã thắt cổ tự tử, còn bảo bọn họ không muốn làm gì quá dềnh dàng, ngay cả cúng bái cũng miễn, tranh thủ ngay trong đêm đưa lên núi chôn luôn.
Mấy chú bác này đều rất kính trọng ông nội tôi, bởi vậy cũng nghe theo lời ông nói. Ông nội lấy một gói thuốc lá ra, còn có cả hai bình rượu cao lương, dặn bọn họ ở lại canh quan tài hộ ông, chờ điện thoại của ông. Điện thoại vừa đổ chuông một cái là vác quan tài của mẹ tôi ra phía sau núi.
Sau đó, ông nội tôi vác cuốc, xẻng và dắt theo tôi đi đến phía sau núi. Ông nội không đi kiếm thầy phong thủy để xem huyệt hộ, mà dùng luôn mộ của ông.
Đến chỗ mộ rồi, ông nội châm hương cắm ở bốn góc, mỗi góc ba nén, sau đó còn đốt ít tiền giấy.
“Đào đất lập mộ mới, hiếu tử cuốc ba cuốc. Sơ Cửu, quỳ xuống giữa mồ, cuốc đằng sau ba cuốc!” Đang lúc tôi thấy tò mò, ông nội đột ngột gọi tôi một tiếng rất to, tôi giật mình tới nỗi thót cả tim. Tôi quỳ xuống đất, cầm cuốc cuốc đất.
Tôi tay yếu, cuốc ba cuốc mà chỉ được một cái hố to chừng cái bát.
Ngay sau đó, ông nội lại lấy ra một cái bát từ trong túi, trong bát có cả thịt sống và cơm gạo tẻ. Tôi thấy ông nội đặt cái bát vào cái hố mà tôi vừa đào, cứ một lúc lại nhìn mấy cây nhang, một lúc lại nhìn cái bát.
Tôi rất tò mò nhưng cũng không nói gì. Song chỉ chốc lát sau, tôi đã nhận ra có điều bất thường, đó là nhang ở bốn góc đều cháy giống nhau, hai cây nhang ở hai bên cháy rất nhanh, còn cây ở giữa thì cháy cực kỳ chậm.
Hơn nữa, từ cái hố mà tôi đã đào, có rất nhiều mối bò ra, giống như là bọn chúng bị cái gì đó dọa, sợ hãi chạy trốn ra bốn phương tám hướng.
Tôi thấy sắc mặt ông nội lập tức trở nên tái nhợt, mày nhíu chặt, miệng lẩm bẩm: “Quỷ châm hương, kỵ hai ngắn một dài, cơm cúng thì kỵ sâu kiến không ăn. Mẹ Sơ Cửu à, cô thế này là muốn cho nhà họ Lý chúng tôi tuyệt hậu sao? Hầy! Tự làm bậy, không thể sống, ta cũng không lo lắng được nhiều đến vậy nữa.”
Ông nội cắn răng, dứt khoát cầm cuốc lên bắt đầu đào. Tôi thấy ông đào rất vất vả, cũng cầm cái xẻng lên hỗ trợ.
Trong lúc đào, ông nội không nói lấy một câu nào.
Chờ khi hai ông cháu tôi đào huyệt xong thì cũng đã là xế chiều. Ông nội nghỉ ngơi một thoáng, lại nhảy xuống huyệt, rải gạo đỏ (gạo lứt) đã được ngâm trong chu sa* ở dưới đáy huyệt.
(*)Chu sa, hay thần sa, đan sa, xích đan, cống sa, là các tên gọi dành cho loại khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có màu đỏ. Thành phần chính của nó là sulfua thủy ngân (II).
Ông nội chuyên giúp người ta tu sửa mộ, đây là nghề kiếm sống của ông, bởi vậy tốc độ thực hiện cũng rất nhanh, chẳng mấy chốc ông đã rải gạo thành một hình rất kỳ quái. Tôi không nhìn ra đó là hình gì, chỉ biết cái hình này hay được các thầy ở trong thôn vẽ lúc làm lễ cúng bái.
Chờ đến lúc làm xong hết thảy, ông nội đã mệt tới nỗi ngồi bệt dưới đất, thở dốc. Tôi ngồi ở bên cạnh ông, không dám nói lời nào.
Chờ tới tám giờ tối, ông nội mới gọi điện thoại cho bác Cả, để bọn họ khiêng quan tài lên núi hạ táng.
Nhưng vừa mới cúp điện thoại chưa được mấy phút, bên kia đã gọi trở lại. Điện thoại mà ông nội dùng là đời cũ, loa rất to. Ông nội vừa ấn nút nghe, tiếng nói đầy hoảng sợ của bác Cả đã vang lên: “Ông Ba, chúng cháu không tài nào khiêng nổi quan tài lên. Mười người rồi mà vẫn không ăn thua. Hay là vợ của thằng Hai không muốn đi hả ông?”