Chuyện kể rằng…
Ngày xửa ngày xưa, tại vương quốc xa xôi nọ có một vị hoàng đế rất đam mê quyền lực. Dù đã nắm quyền cai trị toàn dân nhưng Ngài vẫn chưa hài lòng, bởi hoàng đế còn muốn tất cả mọi người phải trầm trồ thán phục uy lực và sự hùng mạnh của mình. Ước muốn ấy cứ như bà mẹ kế của nàng Bạch Tuyết, khi không thể có được vẻ đẹp như nàng, đã buộc phải dựa vào chiếc gương thần để xưng tụng quyền lực và sắc đẹp của bà. Tiếc là vị vua này không có được chiếc gương thần, nhưng xung quanh ông, các cận thần và kẻ hầu người hạ đều sẵn sàng đáp lại câu hỏi: "Ta có phải là người quyền lực nhất vương quốc này không?".
Tất cả đều trả lời như nhau:
- Thưa Bệ hạ, Ngài là một người hùng mạnh, nhưng như ngài đã biết, pháp sư là người có được quyền năng mà không ai có thể có, đó là khả năng đoán trước vận mệnh tương lai.
(Thời đó, các nhà giả kim, tư tưởng, tôn giáo, các nhà tiên tri đều được gọi là các "pháp sư".)
Mỗi lần nghe câu trả lời ấy, nhà vua lại nổi giận và ghen tị với pháp sư của vương quốc mình. Pháp sư không những là người hiền lành và rộng lượng, mà còn được cả vương quốc yêu mến, tôn trọng và mừng cho pháp sư khi người vẫn còn sống tại đất nước này.
Nhà vua thì không nhận được những tình cảm đó.
Một phần có thể do quyền lực mà pháp sư nắm trong tay, bởi chỉ mình người là thực sự có khả năng quyết định vận mệnh đất nước, còn nhà vua, trong mắt thần dân, chỉ là người thiên vị, bốc đồng và xa cách.
Một ngày nọ, quá mệt mỏi khi phải nghe những lời ca ngợi về quyền lực và lòng ngưỡng mộ mà cả vương quốc dành cho pháp sư, nỗi tức giận, sự đố kỵ xen lẫn sợ hãi của nhà vua đã ngấm ngầm thúc đẩy Ngài vạch ra một kế hoạch không thể ngờ: Ngài sẽ tổ chức một buổi dạ tiệc lớn và cho mời pháp sư. Sau buổi tiệc tối, Ngài sẽ cho gọi pháp sư vào chính điện, để tất cả sự tò mò đổ dồn vào cuộc đối thoại giữa Ngài và pháp sư. Ngài sẽ hỏi liệu pháp sư có thật sự đoán trước được tương lai. Và kẻ được hỏi chỉ có hai khả năng trả lời: hoặc là nói không, và lập tức pháp sư sẽ làm tất cả mọi người thất vọng, hoặc trả lời có và khẳng định lại danh dự của mình. Tất nhiên, nhà vua hiểu rằng trường hợp thứ hai sẽ xảy ra. Theo đúng kế hoạch, ngài sẽ yêu cầu pháp sư hãy tiên đoán chính xác ngày mà pháp sư sẽ chết. Sẽ chỉ có một câu trả lời mà thôi, và dù bất kỳ một ngày nào đó trong tương lai cũng không quan trọng bởi tiến trình đang theo rất đúng những gì Ngài sắp đặt. Chỉ cần chờ đợi đến lúc pháp sư nói ra ngày chết của mình, ngài sẽ rút gươm ra và giết chết pháp sư ngay tại chỗ. Một kế hoạch hoàn hảo, chỉ cần một mũi tên có thể nhắm được hai đích: nhà vua sẽ loại trừ vĩnh viễn đối thủ đáng sợ của mình, và điều thứ hai, Ngài sẽ chứng tỏ cho mọi người biết pháp sư không hề có quyền năng tiên tri vì đã đoán sai ngày chết của chính mình. Chỉ một đêm thôi, tất cả sẽ kết thúc, cả pháp sư lẫn quyền năng của ông ta…
Ngay lập tức, mọi việc được khẩn trương chuẩn bị. Thoắt chốc, ngày lễ trọng đại đã đến…
Sau buổi tiệc tối, nhà vua cho gọi pháp sư vào cung và bắt đầu thực hiện kế hoạch:
- Pháp sư, có chắc là ngài có thể đoán biết được tương lai?
- Tâu Bệ hạ, thần đây chỉ biết đôi điều. - Pháp sư khiêm tốn trả lời.
- Vậy ngài có thể tiên đoán được tương lai vận mệnh của chính ngài không? Ta muốn ngài hãy chứng minh điều đó. – Nhà vua hỏi.
- Ngài sẽ chết vào ngày nào? Ngài có thể nói chính xác ngày mà ngài sẽ qua đời không?
Pháp sư bỗng bật cười, người nhìn thẳng vào nhà vua nhưng vẫn im lặng.
- Có chuyện gì vậy, pháp sư? - Nhà vua gạn hỏi với vẻ đắc thắng. - Người không thể đoán được sao? Chẳng phải người đã nói người có quyền năng đoán biết tương lai?
- Tâu Bệ hạ, thần đã đoán thấy được ngày ấy, nhưng có điều thần không dám nói ra…
- Vì sao lại không thể nói? Không có bất cứ quyền lực và sự đe dọa nào có thể hơn ta. Với tư cách là vua của một nước, ta cho phép người được nói. Pháp sư nên biết rằng người vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của vương quốc. Thần dân ta và ngay cả chính ta cần biết chúng ta sẽ phải đón nhận nỗi mất mát lớn khi pháp sư từ trần vào lúc nào đây? Hỡi pháp sư, ta và tất cả mọi người đang chờ câu trả lời của người đấy!
Cả lâu đài như nín thở chờ đợi. Lúc bấy giờ, vị pháp sư già mới cất tiếng nói, xé toạc bầu không khí lặng người đáng sợ:
- Tâu Bệ hạ, thần không thể đoán chính xác được ngày ấy, nhưng có điều thần có thể cam đoan là thần sẽ qua đời trước bệ hạ một ngày…
Lời phán vừa dứt, lâu đài lại một lần nữa rơi vào im lặng… một không khí lạnh lẽo ghê người… Sau một vài phút, bắt đầu nổi lên mấy tiếng xôn xao. Lời qua tiếng lại làm chính điện trở nên hỗn loạn, duy chỉ có một người vẫn kinh hãi vì lời phán cay nghiệt ấy… Là đức vua. Ngài dường như không thể thốt nên lời.
Xưa nay, Ngài không bao giờ tin vào những lời sấm truyền, tiên tri của giới pháp sư, học giả, nhưng uy lực của lời phán vừa rồi đã phá hủy toàn bộ kế hoạch của Ngài. Ngài thậm chí quên mất ý định sẽ kết liễu pháp sư ngay lúc này…
Ngài cảm thấy mình như đi lạc trong mớ bòng bong suy nghĩ nội tâm. Tất cả mọi suy tính bắt đầu hỗn chiến bên trong một thể xác chết lặng, vô hồn.
Ngài lờ mờ nhận ra mình đã sai lầm.
Ngài nhận ra chính sự đố kỵ của bản thân, "kẻ cận thần ngu dốt ấy" đã đẩy Ngài vào một âm mưu lố bịch…
- Bệ hạ! Có chuyện gì xảy ra với người vậy? Sao thần sắc người lại tái nhợt thế kia? - Pháp sư sốt sắng hỏi.
- Ta có cảm giác hơi mệt. Có lẽ ta cần nghỉ ngơi một lát. Ta có lời cảm kích khi người đã đến dự buổi tiệc hôm nay, nhưng ta thật sự lấy làm tiếc khi phải trở về cung vì lý do sức khỏe.
Sau lời cáo lỗi, nhà vua lập tức đứng dậy, bước nhanh ra ngoài.
Vậy là chỉ cần một lời phán thông minh cũng đủ để pháp sư xoay chuyển tình thế và thoát khỏi lưỡi hái tử thần gần kề trước mắt…
Chẳng lẽ hắn có thể đoán biết được tương lai của chính mình?
Không, lời tiên tri ấy không thể thành sự thật.
Nhưng nếu lỡ như nó sẽ xảy ra?
Nghĩ đến đấy, Ngài lại choáng váng…
Rồi Ngài chợt nghĩ chẳng may có chuyện gì xảy ra với pháp sư trên đường trở về nhà, lời tiên tri kia biết đâu lại trở thành sự thật. Khủng khiếp quá...
Lòng bồn chồn không yên, nhà vua vội vã quay trở lại và gọi lớn:
- Này pháp sư, bậc hiền triết đáng kính, ta có lời cảm tạ vì sự thông thái và những cống hiến mà người dốc lòng cho đất nước. Vì thế, ta mong muốn được mời pháp sư hãy ở lại hoàng cung đêm nay. Ta còn một số vướng mắc về việc triều chính và ta cần thương thảo với người để đưa ra những quyết định sáng suốt vào ngày mai.
- Tâu Bệ hạ, thần luôn được vinh dự phụng sự người! - Pháp sư khiêm nhường đáp lời.
Nhà vua cảm thấy nhẹ nhõm. Ngài lập tức sai cận vệ đến hộ tống pháp sư về phòng nghỉ, lại cho lính túc trực thâu đêm nhằm đảm bảo cho sự an toàn của pháp sư.
Tuy vậy, tối hôm ấy nhà vua vẫn không thể chợp mắt. Mọi lo âu, phiền muộn cứ lởn vởn trong tâm trí. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu pháp sư bị ám hại trong bữa tối? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có ai ám sát ông ấy trong đêm nay? Hay đơn giản hơn là tối nay ông ấy sẽ từ trần bởi số đã tận...
Và rồi đêm cũng qua đi.
Mới sáng tinh mơ, nhà vua đã vội vã đến thăm hỏi pháp sư. Ngài làm ra vẻ sốt sắng khi bàn những việc đại sự, nhưng thực chất đó chỉ là cái cớ để Ngài tiện việc kiểm tra sức khỏe và để cảm thấy an tâm khi nhìn thấy pháp sư còn sống.
Từ trước đến giờ, Ngài chưa hề nghĩ rằng sẽ phải lắng nghe bất kỳ ai, thế nhưng hôm nay, vị vua tự cao lại gấp gáp bàn luận và trông đợi ý kiến của pháp sư. Thoạt nhìn có vẻ là thế, nhưng thực chất Ngài bỏ ngoài tai mọi lời nói của pháp sư. Câu hỏi của Ngài chẳng qua chỉ là cái cớ.
Nhưng làm sao để giữ chân pháp sư, để Ngài có thể đảm bảo an nguy cho ông ấy, hay nói đúng hơn là cho chính mình? Chỉ còn một cách là Ngài sẽ phải từ bỏ niềm kiêu hãnh và quyền uy để đến thăm hỏi pháp sư từng ngày, và nghĩ ra những chuyện "triều chính" khác để có thể "tham vấn" cùng pháp sư một cách chính đáng. Biến pháp sư thành cận thần bên mình chính là cái cớ hoàn hảo buộc pháp sư phải ở lại hoàng cung.
Và vị pháp sư đáng kính đã chấp thuận ở lại bên cạnh đức vua.
Ngày qua ngày, đức vua dần quen với việc sẻ chia và lắng nghe lời khuyên của người cận thần đáng kính. Dần dần, mỗi một quyết định của Ngài đều là sự đúc kết từ những lần Ngài cùng pháp sư trò chuyện. Ngài chợt nhận ra mình đã học được một bài học mới: đức vua đã biết lắng nghe.
Năm tháng lại qua đi…
Và như một chân lý đời thường: Khi ta ở càng gần người thông thái, con người ta càng trở nên sáng suốt…
Nhà vua dần dần hiểu về cuộc sống và Ngài đã trở nên khách quan hơn trước.
Ngài không còn là kẻ độc tài và chuyên quyền, Ngài cũng thôi cảm giác kiêu hãnh và từ bỏ việc biểu dương quyền lực trước quần thần.
Ngài đã biết khiêm nhường hơn trong cách đối xử với mọi người và không còn giữ cách sống cao ngạo trước đây.
Giờ đây, Ngài đã biết trị vì đất nước bằng sự sáng suốt và tấm lòng nhân hậu.
Như một sự đền đáp thích đáng, đức vua nhân hậu đã được cả vương quốc yêu mến và ca tụng. Họ gần như không còn nhớ đến hình ảnh một người trị vì quốc gia cao ngạo và kênh kiệu trước đây.
Nhà vua cũng không còn tìm gặp pháp sư chỉ vì lý do sức khỏe của ông, mà Ngài đến tìm gặp vị cận thần đáng kính của mình để được học hỏi, được chia sẻ hay, đơn giản hơn, là chỉ để trò chuyện cùng người. Mối thân tình giữa quân vương và cận thần ngày càng trở nên gắn kết. Bốn năm sau khi kết thúc buổi tiệc chiêu đãi ngày trước, pháp sư đã trở thành người bạn tâm giao của đức vua.
Cho đến một ngày nọ, đức vua chợt nhận ra…
Ngài nhớ lại bốn năm về trước, người bạn thân của Ngài hiện giờ đã từng là kẻ mà Ngài đố kỵ và xem như đối thủ đáng phải loại bỏ khỏi vương quốc. Ngài nhớ lại âm mưu xấu xa mà Ngài đã chuẩn bị để trừ khử pháp sư.
Và Ngài nhận ra mình không thể tiếp tục giả vờ như chưa từng tồn tại bí mật ghê gớm ấy. Bằng tất cả lòng can đảm và bỏ đi niềm kiêu hãnh của một bậc trị vì tối cao, nhà vua tìm gặp người bạn của mình. Ngài cần phải nói ra điều đó.
Đức vua gõ cửa và bước vào phòng pháp sư. Người bạn tâm giao của Ngài đang ngồi đó… Ngài lên tiếng:
- Hỡi người anh em của ta, ta có điều muốn nói với người, dù lồng ngực ta lúc này đây đang đau như thắt khi buộc phải thú nhận điều tệ hại này.
- Tâu Bệ hạ, người hãy trải lòng mình ra. Thần đang lắng nghe người đây!
- Có lẽ khanh còn nhớ buổi tiệc ngày trước, khi ta cho gọi khanh đến và hỏi về ngày chết của khanh. Thật lòng, ta không hề muốn biết tương lai của khanh sẽ ra sao, vì ta chỉ muốn kết liễu khanh ngay khi khanh vừa trả lời câu hỏi của ta. Ta từng nghĩ cái chết bất ngờ của khanh sẽ phá hỏng lời tiên tri cũng như danh tiếng và tất cả sự kính trọng mà thần dân vương quốc này dành cho khanh. Ta đã từng đố kỵ với khanh chỉ vì người chiếm được cảm tình và sự kính trọng của thần dân lại chính là khanh. Ta sao thế này? Ta thật xấu hổ vì điều đó!
Đến đây, giọng đức vua trầm hẳn xuống:
- Đêm đó ta không dám giết chết khanh, nhưng đến bây giờ thì chúng ta đã là những người bạn thân của nhau, và còn hơn thế nữa, những người anh em. Thật đáng sợ khi phải nghĩ rằng ta sẽ mất đi điều quý giá này nếu ta giết chết khanh vào ngày đó. Hôm nay, ta đã nghĩ kỹ rồi. Ta không thể tiếp tục giấu khanh bí mật đen tối này. Ta cần thú nhận tất cả. Mong khanh hãy thứ lỗi cho ta, hoặc khanh có thể khinh thường ta, nhưng đừng giấu ta những suy nghĩ thật của khanh lúc này.
Pháp sư trìu mến nhìn người bạn của mình và nói:
- Có lẽ bệ hạ đã phải suy nghĩ rất lâu mới có thể nói với hạ thần điều này, nhưng dù sao đi nữa, thần cũng thấy vui mừng vì cuối cùng Ngài đã nói ra. Xin cho phép thần được nói, câu chuyện này thật sự thần đã đoán biết từ lâu. Khi Ngài vừa hỏi thần câu đó, Ngài đã siết chặt bàn tay vào chuôi kiếm. Ý định của Ngài đã quá rõ ràng và không cần là một pháp sư cũng có thể biết được điều đó. - Vị pháp sư già mỉm cười và đặt tay lên vai nhà vua.
- Vì sự chân thành của Ngài, thần cũng xin thú nhận là đã nói dối Ngài. Thực chất, thần đã bịa ra một câu chuyện ngớ ngẩn rằng cái chết của thần sẽ diễn ra trước Ngài một ngày vì thần muốn dạy cho Ngài một bài học - bài học mà Ngài mới vừa hiểu được gần đây, và có thể đây là bài học quan trọng nhất mà thần đã dạy Ngài:
Mỗi người chúng ta thường nhìn thế giới bằng lòng đố kỵ với thái độ phủ nhận người khác, và đôi khi cả chính chúng ta, khi bản thân ta lại tự nghĩ mình là kẻ vô dụng, kẻ đáng khinh, đáng sợ… Thế nhưng, nếu chúng ta dành một khoảng thời gian đủ dài để suy ngẫm, ta sẽ nhận ra rằng cuộc sống đẹp biết bao nếu ta gạt bỏ những điều tiêu cực, mà chỉ trong một khoảnh khắc ích kỷ nào đó ta lại chối bỏ chân lý đơn giản này.
Người bạn của tôi ơi, cái chết của Ngài sẽ đến đúng lúc thôi, nó sẽ đến vào một ngày thích hợp khi số Ngài đã tận, và không ai có thể đoán được chính xác giờ phút đó. Điều quan trọng mà Ngài cần biết là thần đã già rồi, ngày chết cũng gần kề. Thật vô lý khi nghĩ rằng ngày Ngài ra đi sẽ phải gắn liền với ngày thần ra đi. Chính cuộc sống, chứ không phải cái chết, mới liên kết chúng ta.
Đức vua và pháp sư khoác tay nhau, ôm lấy nhau và cạn ly mừng cho lòng tin bền chặt của tình bạn đáng quý mà cả hai đã cùng xây nên.
Truyền thuyết kể lại rằng…
Thật khó hiểu…
Khi vào đúng đêm ấy…
Pháp sư…
Đã ra đi trong giấc ngủ…
Sáng hôm sau, đức vua nhận được tin xấu…
Ngài cảm thấy mình bỗng lẻ loi, cô độc.
Ngài đã không còn bị ám ảnh bởi ý nghĩ về cái chết. Pháp sư đã dạy cho Ngài một bài học quý: con người thế nào rồi cũng phải rời xa cuộc sống thế gian khi số đã tận.
Ngài buồn rầu vì người bạn thân nhất của mình đã ra đi…
Có khó hiểu không khi nhà vua tâm sự bí mật kia với pháp sư ngay vào đêm pháp sư qua đời?
Hoặc có thể bằng một lý do khó hiểu nào đó, pháp sư đã giảng bài học cuối cùng cho nhà vua để giải đáp nỗi lo âu rằng cái chết của Ngài sẽ đến một ngày sau khi pháp sư qua đời.
Một cử chỉ đầy yêu thương cuối cùng giữa hai người để giải phóng mọi nỗi sợ hãi âm ỉ trước đây…
Truyền thuyết kể lại rằng hôm đó, nhà vua đã dậy rất sớm, rồi tự tay đào một huyệt mộ ngay trong khu vườn phía bên dưới cửa sổ phòng mình. Đó là ngôi mộ của pháp sư - người bạn của Ngài.
Nhà vua tự tay lấp đất lên phần mộ và ngồi xuống cạnh mô đất ấy khóc thương cho vị pháp sư già, như thể Ngài đang khóc vì sự mất mát của những người thân yêu.
Rồi Ngài quay trở lại phòng mình…
Truyền thuyết kể lại rằng… vào đúng đêm hôm ấy... hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau cái chết của pháp sư, đức vua đã băng hà ngay trên giường ngủ của mình…
Có thể đó là sự tình cờ… Có thể do quá đau buồn …
Hay vì để xác nhận bài học cuối cùng mà người thầy đáng kính đã dạy Ngài.