Nói về giới trí thức hiện nay, khi nghiên cứu hay làm việc, có người chú trọng chiều sâu, có người chú trọng chiều rộng, lại có người chú trọng chiều cao. Ví dụ như, một số tiến sĩ với nền tảng học vấn không sâu, học cũng chưa đủ rộng, họ chỉ tập trung vào chuyên ngành của riêng mình. Cho nên có người phê bình rằng, đây là kiểu tiến sĩ “dây leo”.
Có một số người đọc sách, kiến thức của họ hết sức phong phú, có vẻ như học thuật của trăm nhà đều thông suốt, thế nhưng sự hiểu biết của họ về mỗi lĩnh vực đều rất hời hợt sơ sài. Có người nhận xét rằng, đây là kiểu tiến sĩ “qua cầu”.
Có một số nhà trí thức lại chú trọng xây dựng nền tảng. Giống như xây một tòa nhà với nền móng vừa sâu vừa rộng, thì đương nhiên sẽ không bị ảnh hưởng bởi động đất và cuồng phong. Hạng tiến sĩ nghiên cứu sâu này đúng như câu nói: “Học phải như kim tự tháp, vừa rộng lại vừa cao”, đây mới là tiến sĩ đích thực.
Trong cuộc sống có người rất thiển cận, chỉ có bề rộng mà khiếm khuyết chiều sâu, từ cách ăn nói giao tiếp đã biết anh ta chưa hiểu thấu vấn đề, chỉ nắm được vỏ ngoài. Có người không nóng vội để nhanh chóng thành công, mà họ chịu khó bỏ thời gian công sức ra đào sâu nghiên cứu đối với các vấn đề thuộc nền tảng. Ví như xây dựng một tòa nhà 30 tầng, công đoạn làm nền móng và cải tạo môi trường phải cần hai đến ba năm, nhưng để xây 30 tầng trên lại chỉ mất khoảng một năm hay nửa năm là cùng. Từ đó có thể thấy, muốn đạt được mức độ sâu trong học vấn thì rất khó, còn chiều cao và chiều rộng lại tương đối dễ đạt được hơn.
Người trí thức ngày nay khi bắt đầu học tập nghiên cứu, thì nên đặt mục tiêu cho mình, rằng nên đi theo con đường nghiên cứu chuyên sâu hay nghiên cứu theo phạm vi rộng? Nghiên cứu theo chiều sâu thì có giá trị của nghiên cứu sâu, nghiên cứu theo phạm vi rộng thì có công dụng của nghiên cứu rộng. Nhưng chỉ ngại những hạng như “tiến sĩ dây leo” vừa không cao, chưa rộng, và cũng chẳng sâu, như vậy thì đâu thể dùng được vào việc gì.
Những con đường được đặt ra trước mắt của một người trí thức, thứ nhất là nghiên cứu theo chiều sâu, hai là chiều rộng, ba là chiều cao. Thực ra “phương tiện có nhiều cách, về nguồn vốn chẳng hai”. Tốt nhất là, hiểu biết của bạn phải sâu, kiến thức cần phải rộng, và tri thức thật sự phải đạt đến một tầm cao. Người mà kiến thức sâu nhưng không rộng cũng giống như ếch ngồi đáy giếng, không thể nhìn xa trông rộng. Ngược lại, nếu bạn chỉ có chiều rộng mà không có chiều cao, thì chẳng khác nào một cái cây mà cành lá chỉ phát triển theo chiều ngang, không thể trở thành một cây cổ thụ cao vút tầng mây được.
Một số người chỉ chú trọng đến chiều cao, không lo củng cố nền tảng, vì thế khi anh ta leo đến đỉnh mới phát hiện ra rằng nền móng của mình cực kỳ bất ổn, và chỉ cần một cơn gió lay động hay một trận mưa nhỏ thì đã có thể khiến anh ta sụp đổ. Đó gọi là “càng lên cao thì càng thấy lạnh”, người như vậy cũng khó dùng được vào việc gì.
Thực ra, một người dù tài năng đến đâu đi nữa cũng không thể một tay che cả bầu trời, bởi lẽ “một cây làm chẳng nên non”. Trong cuộc sống, sự sáng tạo của tập thể mới là sức mạnh to lớn nhất. Ví như có một người mù, một người què và một người điếc, nếu ba người này mà biết hợp tác lại thì hẳn có thể cùng nhau chạy thoát khỏi ngôi nhà đang cháy. Cho nên, đối với học sinh, sinh viên ngày nay khi làm việc nhóm không nên phân ra ai lớn ai nhỏ, mà hãy đề cao sự sáng tạo tập thể. Quý vị thử xem, giải Nobel những năm gần đây chẳng phải đa phần đều là thành quả nghiên cứu của tập thể hay sao? Có thể thấy, việc học thời nay đã nghiêng về hướng nghiên cứu toàn diện, chứ không còn là thời đại một người có thể có những phát minh xuất chúng nữa rồi.
Có câu: “Viết văn, nội dung cần phải sâu sắc, lời lẽ cần phải dễ hiểu”. Nhưng đâu chỉ nội dung sâu sắc, lời lẽ dễ hiểu là đủ, mà còn phải tùy đối tượng mà biểu đạt cho thích hợp. Đức Phật đã dạy: “Quán xét căn cơ của chúng sinh để giáo hóa, xem bệnh để bốc thuốc, khi cần sâu sắc thì hãy sâu sắc, khi cần đơn giản thì hãy đơn giản”. Đây chính là ý “Phật dùng một âm thanh để thuyết pháp, chúng sinh tùy theo tầng bậc căn cơ mà có sự tin hiểu và lĩnh hội khác nhau”. Bởi vậy, người Phật tử trong quá trình hoàn thiện bản thân, nên biết sâu, biết rộng, biết cao, biết thấp. Có như vậy mới thật sự trở thành một người sở học uyên thâm, nhìn xa thấy rộng.