Đôi khi, một kinh nghiệm dù chỉ đến một lần duy nhất cũng đủ khiến cuộc đời chúng ta mãi mãi thay đổi, bởi dấu ấn nó để lại là một “đường vạch trắng”, ranh giới vô hình giữa quá khứ và tương lai.
Năm đó, tôi ba mươi chín tuổi, còn chồng tôi, LeRoy, biên tập viên của một tờ báo thể thao khá danh tiếng của bang, cũng chỉ vừa bước qua tuổi bốn mươi mốt, quá trẻ để mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, ít ra thì cả hai chúng tôi đều nghĩ như vậy. Cho dù anh ấy vẫn thường có những biểu hiện như chứng thở gấp hay ăn không tiêu, nhưng kết quả kiểm tra sức khỏe hôm ấy vẫn gây nên một cú sốc lớn. Đột nhiên, trước mắt tôi tối sầm và tôi thấy mình đang chạy dọc theo hành lang bệnh viện, bên cạnh là chiếc xe đẩy, chồng tôi đang xanh xao nằm trên đó.
Tôi vừa chạy vừa thét gọi tên anh, kêu gào xin anh hãy tỉnh lại. Cho tới khi tay chúng tôi rời nhau, ngăn cách bởi cánh cửa phòng mổ, tôi mới dần hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi nếm trải cảm giác cô độc đến như vậy.
Cuộc phẫu thuật hoàn tất, nhưng tình trạng sức khỏe của chồng tôi vẫn ở mức vô cùng hiểm nghèo. Các bác sĩ đều không chắc được điều gì sẽ xảy ra. Thời gian đó, tôi như người mộng du, sống qua từng ngày trong cảm giác vô thức, trống rỗng. Tôi không nhớ mình đã sống như thế nào.
Có lẽ tôi đã dọn dẹp nhà cửa, có lẽ tôi đã làm bữa trưa cho bọn trẻ, đã giặt giũ chăn mền,… có lẽ là như thế.
Mặt trời mọc rồi lại lặn, ngày lại qua ngày, chồng tôi vẫn nằm đó, ốm yếu và xanh xao, nhưng cảm giác trống trải trong tôi đã dần tan biến. Cái không gian mà tôi tưởng chừng chỉ có mình tôi đứng ngơ ngác bắt đầu nhộn nhịp tiếng người.
Người gọi điện đến hỏi thăm, người gửi thư động viên an ủi, người tập trung ở bệnh viện, ở nhà tôi.
Hàng xóm mỗi lần nhìn thấy tôi đều đi chậm lại, giơ cánh tay lên vẫy chào hay ấp lên ngực mình như gửi đến tôi lời động viên, chúc lành và cả trái tim của họ nữa. Từ những hành động tưởng chừng như đơn giản mà đậm tình người ấy, những nét vẽ đầu tiên của “đường vạch trắng” bắt đầu hình thành, hướng thẳng vào tâm hồn tôi.
Khi nghe mọi người hỏi liệu họ có giúp được gì cho tôi không, như một cái máy, tôi đáp lại họ bằng một câu cảm ơn và những lời bâng quơ như trong vô thức. Rồi một ngày, từ bệnh viện trở về nhà, tôi thấy cả đội bóng của trường đại học nơi tôi dạy đang xúm xít quét dọn vườn nhà chúng tôi. Tôi ngờ ngợ nhớ ra rằng đã từng than phiền với huấn luyện viên đội bóng về đám cỏ dại đang xâm chiếm khu vườn nhà mình. Có những ngày, tình hình chồng tôi đột ngột xấu đi đến mức tôi không thể rời khỏi bệnh viện, nhưng tôi lại được biết hai đứa con gái của tôi đã có người đón sau giờ tan học, cho chúng ăn, tắm rửa và bảo chúng ngồi vào bàn học. Làm sao họ biết để giúp tôi?
Tôi không thể nào hiểu được. Một đêm rét mướt tháng 11, tôi trở về nhà và thấy Lorrainne, chị bạn nhà bên đang ngồi trên chiếc đi-văng, hai chú chó lai của chúng tôi đang nằm cuộn tròn trên đùi chị ấy. Dù đang rất mệt mỏi, tôi cũng nhận ra sàn nhà đã được lau sạch bóng, chén dĩa trong chậu giờ đã nằm gọn gàng trên giá. Chị nhoẻn miệng cười, nhè nhẹ vỗ vào đầu hai con vật:
- Chị cứ yên tâm, tôi đã tắm rửa và cho chúng ăn cả rồi!
Hôm khác, lại một lần nữa bệnh tình của chồng tôi chuyển biến tồi tệ đến nỗi tôi tưởng rằng anh ấy không thể qua khỏi. Tôi không thở được. Tôi ngồi trước cửa phòng phẫu thuật, trân người nhìn các y, bác sĩ đi qua đi lại như những cái bóng trước mắt mình. Sally, một người phụ nữ nhỏ bé - bạn tôi từ thời đại học - đã lặng lẽ đến ngồi bên tôi. Chị ấy cứ ngồi như thế, không nói một lời, nhưng ánh mắt chị nhìn tôi đã nói lên tất cả. Sự hiện diện lặng lẽ của chị như lấp đầy không gian quanh tôi, là điểm duy nhất để tôi tựa vào. Một cách khó khăn và chậm chạp, tôi lấy lại được nhịp thở. Hít vào, thở ra. Hít vào, thở ra. Cánh cửa phòng bệnh bật mở, LeRoy lại một lần nữa chiến thắng thần chết.
Trong suốt thời gian chăm sóc chồng, tôi sụt hơn 20 ký. Tôi không ăn được. Chỉ nghĩ đến thức ăn thôi cũng đủ khiến tôi buồn nôn. Chú John đến thăm chúng tôi, mang theo cả một giỏ trái cây thật lớn. Chú ấy đặt vào tay tôi một trái lê vàng ươm. Tôi nhìn nó chăm chú một hồi rồi đột nhiên có cảm giác thèm, nên liền đưa lên miệng cắn một miếng, rồi ăn ngấu nghiến như lần đầu biết đến hương vị của nó.
Ăn hết lê, tôi lại được chú đưa cho những múi cam đã được tỉ mỉ lột bỏ những sợi gân, rồi đến những hạt dẻ đã tách vỏ cẩn thận. Tôi ăn như đó là những thứ ngon nhất trên đời. Trong lúc tôi ăn, chú John nhìn tôi với ánh mắt trìu mến như thể tôi là một đứa trẻ, nhẹ nhàng dùng khăn giúp tôi lau sạch tay và mặt. Tôi bật cười, bật cười vì thái độ quan tâm chăm sóc của chú, vì cảm giác ấm áp, dễ chịu và vì được tiếp thêm niềm tin.
Lúc nào tôi cũng muốn khóc nhưng rồi lại sợ, không dám. Tôi sợ rằng nếu không nén được, tôi sẽ khóc cho tới khi nào cạn nước mắt mới thôi. Tôi sợ tiếng khóc của tôi sẽ làm rung chiếc chuông báo tử và thần chết sẽ mang chồng tôi đi, sẽ làm tan chảy mọi cố gắng kiên cường của chúng tôi. Trên đường về, tôi tình cờ gặp Alice, hàng xóm của tôi. Tôi kể cho chị ấy nghe tình hình của LeRoy. Không nói một lời, nước mắt Alice tuôn ra như suối. Tôi ôm chị ấy vào lòng, nhè nhẹ vỗ về và ngạc nhiên nhận thấy bản thân mình cũng được an ủi. Cảm giác được dang tay ôm chặt một người nào đó, được tựa vào một người nào đó đã khiến tôi khuây khỏa phần nào. Những đau khổ, những muộn phiền trong tôi cũng theo nước mắt của chị ấy mà trôi đi bớt.
Không còn bao lâu nữa là đến Giáng sinh, Toni bạn tôi lỉnh kỉnh mang đến bệnh viện nào nến, nào đồ dùng bằng bạc, đĩa sứ, một chai rượu dâu tây và không quên cả món xúp thịt do chính cô ấy nấu. Đêm ấy, chúng tôi tổ chức một buổi tiệc với sự tham gia của rất nhiều bạn bè và cả những bệnh nhân ở chung tầng bảy với chồng tôi. Ngồi quây quần bên nhau, chúng tôi ca vang bài hát Giáng sinh.
Tiếng hát, tiếng cười, tiếng vỗ tay làm bầu không khí vốn trầm mặc hàng ngày của bệnh viện trở nên náo nhiệt và ấm áp vô cùng. Bữa tiệc hôm đó quả thật không chỉ làm cho tôi mà tất cả mọi người đều phấn chấn hẳn lên.
Bất chấp những nỗ lực chiến đấu không ngừng với bệnh tật của chồng tôi và của cả đội ngũ y bác sĩ, cuối cùng, anh ấy cũng mãi mãi rời xa chúng tôi vào cái đêm đầu tiên của ngày lễ Hanukkah, ngày 18 tháng 12.
Sau khi LeRoy ra đi, tôi đã trải qua một năm dài đằng đẵng với nỗi đau giằng xé trong tim.
Không đêm nào tôi có thể ngủ yên giấc. Ôm hai chú chó vào lòng, tôi lặng lẽ ngồi chờ trời sáng.
Những lúc như vậy, đôi mắt tôi không thấy gì ngoài bóng đêm nhờ nhờ tối, tai tôi không nghe thấy gì ngoài giọng hát trầm buồn của ca sĩ Judy Collins vẳng ra từ nhà hàng xóm, trí óc tôi không cảm thấy gì ngoài sự mất mát, u uẩn.
Đêm đó, cũng như mọi đêm, tôi mở to đôi mắt thất thần ngồi giữa bóng tối. Từ trong lớp sương mù dày đặc trước mắt, tôi bắt đầu thấy được điều gì đó. Những gương mặt, những đôi mắt, những con người bắt đầu bước qua màn sương để đến trước mặt tôi. Tôi nhớ về họ, về lòng nhân ái và tình thương yêu họ đã dành cho tôi, cho gia đình tôi. Cũng từ giây phút đó, “vạch trắng” của đời tôi hiện ra rõ ràng và ngời sáng hơn bao giờ hết. Mỗi con người đi qua đời tôi, với mỗi cử chỉ đơn giản nhưng chất chứa tình người chính là một nét sơn tạo nên nó.
Nhiều năm sau khi chồng tôi mất đi, các thành viên trong gia đình tôi và cả tôi nữa, cũng dần ổn định lại cuộc sống của riêng mình. Nhưng kỷ niệm về anh và khoảng thời gian cùng anh chống chọi với bệnh tật đã tạo cho tôi một niềm tin mạnh mẽ: Trên thế giới này, tình yêu lúc nào cũng có sức mạnh lấp đầy những khoảng trống, xoa dịu những nỗi đau đớn trong lòng. Ở đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn ta, một bông hoa tinh thần vẫn tươi tắn và rực rỡ qua mọi phong ba bão tố cuộc đời. Nó tự gieo mình xuống, đâm chồi và nảy lộc.
Một lần rồi lại một lần nữa, nó duy trì sự sống bất tận. Bông hoa ấy đi xuyên qua khói bụi của những khổ đau và hiên ngang vẽ nên những đường nét, sắc màu tươi đẹp của cuộc sống.
Cho những ai đã ở bên tôi trong suốt khoảng thời gian tồi tệ ấy, bằng tất cả trái tim mình, tôi gửi đến các bạn lời cảm ơn vì đã làm thay đổi cuộc đời tôi, biến tôi thành một người thợ sơn, giống như các bạn, cầm cọ, tôi vẽ nên những “vạch trắng” để bước qua quá khứ mà đến với tương lai.
- Isabel Bearman Bucher